Giải Lịch Sử 8 Bài 4: Phong trào công nhân và sự ra đời của chủ nghĩa Mác

1.5 K

Tailieumoi.vn giới thiệu Giải bài tập Lịch Sử lớp 8 Bài 4: Phong trào công nhân và sự ra đời của chủ nghĩa Mác chính xác, chi tiết nhất giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Phong trào công nhân và sự ra đời của chủ nghĩa Mác lớp 8.

Giải bài tập Lịch Sử lớp 8 Bài 4: Phong trào công nhân và sự ra đời của chủ nghĩa Mác

Trả lời câu hỏi giữa bài

Trả lời câu hỏi thảo luận số 1 trang 29 SGK Lịch sử 8Vì sao giới chủ lại thích sử dụng lao động trẻ em?

Trả lời:

Giới chủ thích sử dụng lao động trẻ em vì:

- Lao động trẻ em sẽ được trả lương thấp

- Dễ dàng bóc lột hơn

- Trẻ em chưa có tinh thần đấu tranh chống áp bức

Trả lời câu hỏi thảo luận số 2 trang 29 SGK Lịch sử 8Vì sao trong cuộc đấu tranh chống tư sản, công nhân lại đập phá máy móc?

Trả lời:

Trong cuộc đấu tranh chống tư sản, công nhân đập phá máy móc, vì:

- Họ nghĩ máy móc là đối tượng làm họ khổ, mất việc, bị chèn ép lương, v.v...

- Giai cấp công nhân chưa có tổ chức, ý thức giai cấp rõ ràng để tổ chức đấu tranh dưới hình thức khác.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 1 trang 30 SGK Lịch sử 8Trình bày các sự kiện chủ yếu về phong trào công nhân trong những năm 1830-1840.

Trả lời:

Những sự kiện chủ yếu về phong trào công nhân trong những năm 1830 - 1840:

- Năm 1831, công nhân dệt tơ thành phố Li-ông (Pháp) khởi nghĩa đòi tăng lương, giảm giờ làm và thiết lập chế độ cộng hòa. Họ nêu cao khẩu hiệu "Sống trong lao động, chết trong chiến đấu". Cuộc khởi nghĩa bị đàn áp.

- Năm 1834, thợ tơ Li-ông lại khởi nghĩa, đã chiến đấu quyết liệt với quân chính phủ trong 4 ngày.

- Năm 1844, công nhân dệt vùng Sơ-lê-din (Đức) khởi nghĩa, chống lại sự hà khắc của chủ xưởng và điều kiện lao động tồi tệ. Cuộc khởi nghĩa chỉ cầm cự được 3 ngày rồi bị đàn áp đẫm máu.

- Từ năm 1836 - 1847, "Phong trào Hiến chương" ở Anh diễn ra có quy mô, tổ chức và mang tính chất chính trị rõ rệt.

Kết quả: Các cuộc đấu tranh của công nhân ờ Pháp, Đức, Anh nêu trên cuối cùng đều bị thất bại vì thiếu tổ chức lãnh đạo vững vàng và chưa có đường lối chính trị đúng đắn.

Nhận xét: Các phong trào này đã đánh dấu sự trưởng thành của phong trào công nhân quốc tế, tạo điều kiện cho sự ra đời của lí luận cách mạng sau này.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 2 trang 30 SGK Lịch sử 8Nêu kết cục phong trào đấu tranh của công nhân ở các nước châu Âu trong nửa đầu thế kỉ XIX.

Trả lời:

- Phong trào đấu tranh của công nhân ở các nước châu Âu trong nửa đầu thế kỉ XIX đều thất bại vì thiếu tổ chức lãnh đạo vững vàng và chưa có đường lối chính trị đúng đắn.

- Tuy nhiên, nó đánh dấu sự trưởng thành của phong trào công nhân quốc tế, tạo điều kiện cho sự ra đời của lí luận cách mạng sau này.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 1 trang 31 SGK Lịch sử 8Nêu điểm giống nhau trong tư tưởng của Mác và Ăng-ghen?

Trả lời:

Điểm giống nhau trong tư tưởng của Mác và Ăng-ghen:

- Nhận thức rõ được bản chất của chế độ tư bản

- Cảm thông với nỗi thống khổ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

- Cùng có tư tưởng đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản bất công, xây dựng một xã hội bình đẳng.

- Cả Mác và Ăng – ghen đều thấy được vai trò của giai cấp vô sản là lực lượng giải phóng loài người, giải phóng giai cấp khỏi ách áp bức bóc lột của chủ nghĩa tư bản.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 1 trang 33 SGK Lịch sử 8"Tuyên ngôn của Đảng cộng sản" ra đời trong hoàn cành nào? Nội dung chủ yếu của nó?

Trả lời:

* Hoàn cảnh:

- Trong thời gian ở Anh, Mác và Ăng-ghen cải tổ "Đồng minh những người chính nghĩa" thành "Đồng minh những người cộng sản". Đây là chính đảng độc lập đầu tiên của vô sản quốc tế.

- Tháng 2-1848, Cương lĩnh của Đồng minh được công bố dưới hình thức một bản Tuyên ngôn - Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.

* Nội dung:

- Tuyên ngôn gồm có lời mở đầu và bốn chương, bao gồm những luận điểm cơ bản về sự phát triển của xã hội và cách mạng xã hội chủ nghĩa.

+ Lời mở đầu nêu mục đích, nguyện vọng của những người cộng sản.

+ Tuyên ngôn nêu rõ quy luật phát triển của xã hội loài người là sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội.

+ Nhấn mạnh vai trò của giai cấp vô sản là lực lượng lật đổ chế độ tư bản và xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa.

+ Giai cấp vô sản và Đảng Cộng sản có sứ mệnh xóa bỏ chế độ tư hữu, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

+ Tuyên ngôn kết thúc bằng lời kêu gọi: "Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại!".

Trả lời câu hỏi thảo luận số 2 trang 33 SGK Lịch sử 8Phong trào công nhân từ sau cách mạng 1848 - 1849 đến năm 1870 có nét gì nổi bật?

Trả lời:

Phong trào công nhân từ sau cách mạng 1848 - 1849 đến năm 1870 đã có những nét nổi bật như:

- Phong trào công nhân phát triển mạnh mẽ hơn, dưới sự lãnh đạo của một tổ chức quốc tế (Quốc tế thứ nhất).

- Giai cấp công nhân được giác ngộ và nhận thức rõ hơn về vai trò của giai cấp mình thông qua các hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác của Quốc tế thứ nhất.

- Có tinh thần đoàn kết quốc tế thông qua Quốc tế thứ nhất.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 1 trang 34 SGK Lịch sử 8Nêu vai trò của C. Mác trong việc thành lập Quốc tế thứ nhất?

Trả lời:

Vai trò của C. Mác trong việc thành lập Quốc tế thứ nhất:

- Chuẩn bị tổ chức, văn kiện, lãnh đạo đại hội để thành lập Quốc tế thứ nhất.

- Đứng đầu ban lãnh đạo, đưa Quốc tế thứ nhất chống lại những tư tưởng sai lệch, thông qua các nghị quyết đúng đắn.

- Đóng vai trò trung tâm thúc đẩy phong trào công nhân quốc tế.

⟹ Vì vậy, C.Mác được xem là “linh hồn của Quốc tế thứ nhất”.

Câu hỏi và bài tập (trang 34 sgk Lịch Sử 8)

Bài 1 trang 34 sgk Lịch sử 8Trình bày đôi nét về tiểu sử (hoặc giới hạn ở công lao, tình bạn) của C.Mác và Ăng-ghen.

Trả lời:

Tình bạn vĩ đại và cảm động của C. Mác và Ph. Ăng-ghen

- Cuối tháng 11-1842, Ăng-ghen gặp Mác.

Từ đó họ trao đổi thư từ với nhau, sợi dây thắt chặt tình bạn của họ là cùng chung mục đích, lý tưởng vì sự nghiệp giải phóng con người. Họ đã sát cánh bên nhau viết nên những công trình khoa học và lãnh đạo phong trào công nhân đấu tranh nhằm xoá bỏ chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa cộng sản.

- Tháng 8-1844, ở Pa-ri diễn ra cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Mác và Ăng-ghen.

- Sau này, vì giành hết tâm lực cho sự nghiệp cách mạng, nên gia đình C. Mác gặp rất nhiều khó khăn túng thiếu trong cuộc sống. Những lúc ấy, Ăng-ghen luôn là người tận tình giúp đỡ.

- Trên con đường nghiên cứu khoa học và hoạt động đấu tranh cho sự ra đời và thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản khoa học của Mác, Ăng-ghen luôn là người bạn, người đồng chí chung thủy, sắt son bên cạnh chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ với Mác, bảo vệ và tôn trọng ông ngay cả khi C. Mác đã qua đời.

- Những năm tiếp theo, Mác vẫn luôn ở vào cảnh túng thiếu, thậm chí có lúc không mua đủ bánh mì ăn hàng ngày. Để bạn hoàn thành sự nghiệp, Ăng-ghen đã cam chịu làm thư ký trong hãng buôn của cha mình (một công việc mà ông vô cùng chán ghét) suốt 20 năm để lấy tiền giúp Mác.

⟹ Tình bạn vĩ đại giữa C. Mác và Ăng-ghen đã để lại cho nhân loại tấm gương sáng về một tình bạn mẫu mực. Những lớp hậu thế trên khắp thế giới đã dựng tượng đài hai ông ở khắp nơi để tỏ lòng ngưỡng mộ về tình bạn và sự nghiệp cao quý của họ.

Bài 2 trang 34 sgk Lịch sử 8Trình bày vai trò của Quốc tế thứ nhất đối với phong trào công nhân quốc tế?

Trả lời:

* Vai trò của Quốc tế thứ nhất đối với phong trào công nhân quốc tế:

- Từ khi thành lập (1864) đến năm 1870, Quốc tế thứ nhất vừa truyền bá chủ nghĩa Mác, vừa đóng vai trò trung tâm thúc đẩy phong trào công nhân quốc tế.

- Qua các kì đại hội được tổ chức hằng năm, Quốc tế thứ nhất đã đấu tranh chống lại những tư tưởng phi vô sản, chủ nghĩa cơ hội,...

Lý thuyết Bài 4: Phong trào công nhân và sự ra đời của chủ nghĩa Mác

* Phong trào công nhân nửa đầu thế kỉ XX

1. Phong trào đập phá máy móc và đốt công xưởng

a. Nguyên nhân

- Thời gian làm việc của công nhân từ 12 – 16 giờ/ngày.

- Đồng lương chết đói.

- Điều kiện làm việc rất tồi tàn.

=> Công nhân >< tư sản.

b. Các hình thức đấu tranh đầu tiên

Đập phá máy móc, đốt công xưởng => bãi công, đòi tăng lương, giảm giờ làm.

=> Lập các công đoàn.

2. Phong trào công nhân trong những năm 1830 – 1840

*Sự phát triển của phong trào mang yếu tố chính trị

*Kết quả: thất bại, do:

- Lỏng lẻo, thiếu sự liên kết.

- Chưa có đường lối chính trị đúng đắn.

*Ý nghĩa:

- Cổ vũ mạnh mẽ các cuộc đấu tranh về sau của giai cấp công nhân.

- Là cơ sở lí luận cách mạng sau này.

Đánh giá

0

0 đánh giá