Với giải Câu hỏi trang 113 Lịch sử lớp 10 Chân trời sáng tạo chi tiết trong Bài 18: Văn minh Đại Việt giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập Lịch sử 10. Mời các bạn đón xem:
Giải bài tập Lịch sử lớp 10 Bài 18: Văn minh Đại Việt
Câu hỏi trang 113 Lịch sử 10: Hãy nêu những thành tựu khoa học của văn minh Đại Việt
Phương pháp giải:
B1: Đọc mục II-5 trang 112, 113 SGK.
B2: Dựa vào thành tựu trên các lĩnh vực: Sử học, địa lí học, toán học, khoa học quân sự, y học.
Trả lời:
Lĩnh vực | Thành tựu |
Sử học |
- Cơ quan: Quốc sử viện (thời Trần), Quốc sử quán (nhà Nguyễn) - Tác phẩm: Đại Việt sử ký, Đại Việt sử ký tục biên, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam thực lục,… |
Địa lí học | Tác phẩm: Dư địa chí, Hồng Đức bản đồ sách, Đại Nam nhất thống chí, Gia Định thành thông chí,… |
Toán học | Tác phẩm: Lập thành toán pháp, Toán pháp đại thành, Khải minh toán học,… |
Quân sự |
- Vũ khí: nhà Hồ chế tạo được súng thần cơ, nhà Tây Sơn chế tạo nhiều loại pháo khác nhau và các thuyền chiến gắn đại bác. - Thành lũy: kiến trúc Vô-băng như kinh thành Huế, thành Hà Nội - Tư tưởng, chiến thuật: “tiên phát chế nhân”, “phụ tử chi binh”, “tâm công”; tác phẩm về khoa học quân sự như Binh thư yếu lược, Vạn kiếp tông bí truyền thư,… |
Y học |
- Sách: Nam dược thần hiệu, Hồng nghĩa giác tư y thư, Hải Thương y tông tâm lĩnh,… - Danh y: Nguyễn Bá Tĩnh, Lê Hữu Trác,… |
Lý thuyết Thành tựu văn minh tiêu biểu
1. Về kinh tế
a. Nông nghiệp
- Nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo với cây trồng chính là lúa nước; ngoài ra, nhân dân còn trồng nhiều cây khác: khoai, sắn, ngô, kê, đậu…
- Các triều đại đều có chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp qua lễ Tịch điền đầu năm.
Phục dựng lễ Tịch điền ở Núi Đọi (Hà Nam)
- Nhà nước đặt chức Hà đê sứ, Khuyến nông sứ để chăm lo việc đê điều, trị thuỷ.
- Việc dùng cày sắt và sức kéo của trâu bò, việc thâm canh, trồng hai vụ lúa một năm trở nên rất phổ biến.
- Công cuộc khẩn hoang đất đai rất được chú trọng, nhất là thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn.
b. Thủ công nghiệp
- Các nghề thủ công cổ truyền (dệt lụa, rèn sắt, đúc đồng, nhuộm,...) tiếp tục phát triển và nhiều nghề mới ra đời (làm tranh sơn mài, làm đường, làm giấy, khắc in bản gỗ,...) để lại nhiều thành tựu tiêu biểu, nổi bật là An Nam tứ đại khí (tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh, tượng Phật chùa Quỳnh Lâm).
- Một số làng, phường thủ công chuyên nghiệp xuất hiện, đặc biệt trong nghề dệt (sa màu La Khê, lĩnh hoa Bưởi, lượt Phùng, lụa Hà Đông).
- Nghề làm gồm có kĩ thuật tinh xảo, được thương nhân nước ngoài ưa chuộng, nhất là sản phẩm của các làng gốm nổi tiếng (Bát Tràng, Chu Đậu,...), được xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á, Nhật Bản, phương Tây.
- Nghề đóng tàu thuyền ra đời sớm và đạt trình độ cao: chiến thuyền “Cổ lâu” (thế kỉ XV), thuyền chiến có đặt súng lớn (thế kỉ XVIII), tàu thuỷ chạy bằng máy hơi nước (thế kỉ XIX)
Làng gốm Bát Tràng (Hà Nội)
c. Thương nghiệp
- Nội thương:
+ Thời Lý – Trần phổ biến việc đúc tiền kim loại, thời nhà Hồ đã có tiền giấy.
+ Chợ địa phương và phố buôn bán ra đời, trong đó kinh đô Thăng Long là trung tâm buôn bán sầm uất.
+ Thăng Long thời Lý – Trần có 61 phố phường, đến thời Lê sơ sắp xếp thành 36 phố phường.
- Ngoại thương:
+ Việc buôn bán với Trung Quốc và các nước Đông Nam Á phát đạt.
+ Từ thế kỉ XVI – XVIII, Đại Việt mở rộng buôn bán với Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp, qua các trung tâm ở Thăng Long, Phố Hiến (thuộc Đàng Ngoài) và Thanh Hà, Hội An, Sài Gòn, Đồng Nai, Mỹ Tho, Hà Tiên (thuộc Đàng Trong).
Tranh thương cảng Hội An thế kỉ XVIII
2. Về chính trị
- Về tổ chức bộ máy nhà nước:
+ Nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền với vai trò tối cao của nhà vua, từng bước phát triển từ thế kỉ XI và hoàn thiện, đạt đến đỉnh cao vào thế kỉ XV.
+ Sự hoàn thiện bộ máy nhà nước là một bước trưởng thành về văn minh chính trị của quốc gia Đại Việt.
- Nhà nước phong kiến Đại Việt đã lãnh đạo thành công nhiều cuộc kháng chiến chống xâm lược như chống Tống (thế kỉ X, XI), chống Mông – Nguyên (thế kỉ XIII).
- Về mặt luật pháp:
+ Năm 1002, nhà Tiền Lê định luật lệ.
+ Năm 1042, nhà Lý ban hành bộ Hình thư (bộ luật thành văn đầu tiên của Đại Việt).
+ Nhà Trần có bộ Hoàng triều đại điển và bộ Hình luật.
+ Nhà Lê sơ ban hành bộ Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức). Đây là bộ luật mang đậm tính dân tộc, có những điểm tiến bộ về mặt kĩ thuật lập pháp, được xem là bộ luật tiến bộ nhất thời phong kiến Việt Nam.
+ Nhà Nguyễn ban hành bộ Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long).
3. Về tư tưởng, tôn giáo
a. Tư tưởng yêu nước thương dân:Phát triển theo hai xu hướng: dân tộc và thân dân.
- Dân tộc: đề cao trung quân ái quốc, đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đề cao sức mạnh toàn dân đánh giặc.
- Thân dân: gần dân, yêu dân; vua quan cùng nhân dân quan tâm đến mùa màng, sản xuất, chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc.
b. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và tổ tiên:tiếp tục phát triển qua việc xây lăng, miếu, đền đài thờ tổ tiên, các vị anh hùng dân tộc, các Thành hoàng làng, các vị tổ nghề,…, tạo nên tinh thần cởi mở, hoà đồng tôn giáo của người Việt.
=> Người Việt sẵn sàng tiếp thu ảnh hưởng các tôn giáo từ Ấn Độ, Trung Hoa, kể cả phương Tây trên cơ sở hoà nhập với tín ngưỡng cổ truyền, tạo nên một nếp sống văn hoá rất nhân văn.
c. Phật giáo:phát triển mạnh trong buổi đầu độc lập và trở thành quốc giáo thời Lý – Trần.
- Dưới thời vua Lý Thánh Tông, thiền phái Thảo Đường được sáng lập.
- Thời Trần, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ra đời, vua Trần Nhân Tông được vinh danh là Phật hoàng.
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông ở Yên Tử (Quảng Ninh)
- Từ thế kỉ XV, Phật giáo mất vai trò quốc giáo, song vẫn có sự phát triển mạnh mẽ, đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
d. Đạo giáo:phổ biến trong dân gian và được các triều đại phong kiến coi trọng, có vị trí nhất định trong xã hội.
e. Nho giáo: dần phát triển cùng với sự phát triển của giáo dục và thi cử.
- Thế kỉ XI, nhà Lý cho xây dựng Văn Miếu để thờ Khổng Tử.
- Thế kỉ XV, Nho giáo giữ địa vị độc tôn, là hệ tư tưởng của giai cấp thống trị để xây dựng nhà nước quân chủ trung ương tập quyền. Nho giáo đã góp phần to lớn trong việc đào tạo đội ngũ trí thức, những người hiền tài cho đất nước.
=> Các tín ngưỡng và tôn giáo Đại Việt có sự hoà đồng (nhất là Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo), ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống tinh thần của nhân dân. Thế kỉ XVI, Thiên Chúa giáo du nhập vào Việt Nam, từng bước tạo nên những nét văn hoá mới trong các cộng đồng cư dân.
4. Giáo dục và văn học
a. Giáo dục
- Năm 1075, nhà Lý mở khoa thi đầu tiên để tuyển chọn nhân tài.
- Năm 1076, triều đình xây dựng Quốc Tử Giám làm nơi học tập cho con em quý tộc, quan lại.
- Dưới thời Trần, triều đình lập Quốc học viện cho con em quý tộc, quan lại học tập.
- Năm 1247, kì thi Tam khôi đầu tiên được tổ chức.
- Năm 1374, kì thi Tiến sĩ đầu tiên được tổ chức.
- Tinh thần “tôn sự trọng đạo” được đề cao, thể hiện qua việc tôn thờ nhà giáo Chu Văn An trong Quốc Tử Giám.
Tượng Chu Văn An ở Quốc Tử Giám (Hà Nội)
- Đến thời Lê sơ, nền giáo dục và thi cử ngày càng quy củ. Khoa cử trở thành phương thức chủ yếu để tuyển chọn quan lại.
- Từ năm 1463, cứ 3 năm một lần triều đình tổ chức thì Hội tại kinh thành, thi Hương tại địa phương.
- Năm 1484, triều đình đặt ra lệ xướng danh và khắc tên các tiến sĩ vào bia đá ở Văn Miếu.
Bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội)
- Tại các địa phương, bên cạnh các trường do nhà nước quản lí còn có các trường tư. Con em bình dân ưu tú cũng được đi học, đi thi và bổ nhiệm làm quan.
=> Từ thế kỉ XVI đến nửa đầu thế kỉ XIX, giáo dục Nho học tiếp tục đóng vai trò chủ yếu đào tạo quan lại và nâng cao dân trí. Nền giáo dục Đại Việt phát triển và sản sinh nhiều bậc hiền tài như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du,...
b. Chữ viết
- Trên cơ sở tiếp thu chữ Hán của người Trung Quốc, người Việt đã sáng tạo chữ Nôm để ghi tiếng nói dân tộc. Các vua Hồ Quý Ly, Quang Trung rất có ý thức để cao chữ Nôm, bên cạnh chữ Hán.
- Đến thế kỉ XVII, chữ quốc ngữ ra đời từ sự cải tiến bảng chữ cái La-tinh để ghi âm tiếng Việt và phát triển trở thành chữ viết chính thức ngày nay của Việt Nam.
c. Văn học
- Văn học chữ Hán:
+ Chủ yếu là thơ, phú, hịch, thể hiện lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc.
+ Các tác phẩm tiêu biểu: Chiếu dời đô (Lý Thái Tổ), Nam quốc sơn hà (không rõ tác giả), Hịch tướng sĩ (Trần Hưng Đạo), Bạch Đằng giang phú (Trương Hán Siêu), Bình Ngô đại cáo, Ức Trai thi tập (Nguyễn Trãi), Quỳnh Uyển cửu ca (các tác giả trong Hội Tao Đàn), Bạch Vân am thi tập (Nguyễn Bỉnh Khiêm), Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ)....
+ Thế kỉ XVIII, văn xuôi tự sự chữ Hán đạt thành tựu lớn: tiểu thuyết chương hồi: Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái); truyện kí: Thượng kinh ký sự (Lê Hữu Trác), Vũ trung tùy bút (Phạm Đình Hổ),...
- Văn học chữ Nôm:
+ Xuất hiện từ thế kỉ XIII, phát triển mạnh vào các thế kỉ XVI – XIX:
+ Tác phẩm tiêu biểu: Văn tế cá sấu (Hàn Thuyên), Quốc âm thi tập (Nguyễn Trãi), Bạch Vân quốc ngữ thi tập (Nguyễn Binh Khiêm), Chinh phụ ngâm khúc (bản dịch của Đào Thị Điểm), Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều), thơ Hồ Xuân Hương, thơ Bà Huyện Thanh Quan,.. nổi tiếng hơn cả là Truyện Kiều (Nguyễn Du) và Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu),…
- Văn học dân gian:
+ Tiếp tục phát triển mạnh trong các thế kỉ XVI – XVIII.
+ Những tri thức khoa học, kinh nghiệm sản xuất, cách ứng xử,... được đúc kết dưới dạng thơ, ca dao, tục ngữ thể hiện những suy tư của cá nhân về cuộc sống, về chiến tranh, tình yêu nam nữ, tình yêu thiên nhiên, thể hiện khát vọng sống tự do, hoà bình.
5. Khoa học
a. Sử học
- Nhà Trần thành lập Quốc sử viện.
- Nhà Nguyễn thành lập Quốc sử quán.
- Nhiều bộ sử lớn được biên soạn: Đại Việt sử ký (Lê Văn Hưu, thời Trần), Đại Việt sử ký tục biên (Phan Phu Tiên, thời Lê sơ), Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên và các sử thần thời Lê), Đại Việt thông sử (Lê Quý Đôn, thế kỉ XVII), Đại Nam thực lục (Quốc sử quán triều Nguyễn), Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Quốc sử quán triều Nguyễn), Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú, đầu thế kỉ XIX),...
b. Địa lí học: Những công trình tiêu biểu là:
- Dư địa chí (Nguyễn Trãi, thời Lê sơ),
- Hồng Đức bản đồ sách (thời Lê Thánh Tông),
- Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn),
- Gia Định thành thông chí (Trịnh Hoài Đức, thời Nguyễn),…
c. Toán học: Những tác phẩm tiêu biểu là:
- Lập thành toán pháp (Vũ Hữu)
- Toán pháp đại thành (hay Đại thành toán pháp)
- Khải minh toán học (Lương Thế Vinh)
- Ý Trai toán pháp nhất đắc lục (Nguyễn Hữu Thận),…
d. Khoa học quân sự
- Nhà Hồ đã chế tạo được súng thần cơ. Nhà Tây Sơn đã chế tạo được các loại đại pháo, hoả pháo, các loại chiến thuyền gắn nhiều đại bác. Nhà Nguyễn xây dựng thành quách theo kiến trúc Vô-băng với các công trình nổi bật: kinh thành Huế, thành Hà Nội, thành Gia Định,...
- Tư tưởng và nghệ thuật quân sự đặc sắc có “tiên phát chế nhân” (Lý Thường Kiệt), “phụ tử chi binh” (Trần Quốc Tuấn), “tâm công” (Nguyễn Trãi),…
- Các tác phẩm nổi tiếng về khoa học quân sự có Binh thư yếu lược, Vạn kiếp tông bí truyền thư (Trần Hưng Đạo), Hổ trướng khu cơ (Đào Duy Từ).....
e. Y học: các danh y vừa lo chữa bệnh cứu người vừa biên soạn nhiều bộ y thư có giá trị, tiêu biểu như:
- Nam dược thần hiệu, Hồng nghĩa giác tư y thư (Tuệ Tĩnh)
- Y học yếu giải tập chú di biên (Chu Văn An)
- Châm cứu tiệp hiệu diễn ca (Nguyễn Đại Năng)
- Hải Thượng y tông tâm lĩnh (Lê Hữu Trác)
- Liệu dịch phương pháp toàn tập
- Hộ nhi phương pháp (Nguyễn Gia Phan)
- La Khê phương dược (Nguyễn Quang Tuân).
6. Nghệ thuật
a. Âm nhạc
- Phát triển với nhiều thể loại: múa rối nước, ca đối đáp, hát ví giặm, tuồng, chèo, quan họ, ngâm thơ, ả đảo, hát xẩm,...
- Từ thời Lê, âm nhạc cung đình có vai trò quan trọng, gắn liền với quốc thể.
Sân khấu múa rối nước
- Nhiều lễ hội được tổ chức hàng năm như: Lễ Tịch điền, Hội thề Minh Thế, Giỗ Tổ Hùng Vương, Hội Gióng, Hội Dâu, Tết Nguyên đán, tiết Thanh minh, Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu,… đã trở thành truyền thống chung của các cộng đồng dân tộc Việt Nam.
b. Kiến trúc và điêu khắc
* Kiến trúc:
- Phát triển mạnh dưới thời Lý –Trần. Từ thời Lê sơ, cung điện, lâu đài, thành quách và chùa tháp được xây dựng với quy mô lớn, kiến trúc bề thế và vững chãi.
- Công trình tiêu biểu: Hoàng thành Thăng Long, thành nhà Hồ, Lam Kinh, thành nhà Mạc, Luỹ Thầy, thành Gia Định, kinh thành Huế, thành Hà Nội,…
Đoan Môn trong Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội)
- Những ngôi chùa nổi tiếng được xây dựng như chùa Một Cột, chùa Quán Sứ, chùa Trấn Quốc, chùa Phổ Minh, chùa Quỳnh Lâm, chùa Thiên Mụ, chùa Báo Quốc,…
* Điêu khắc:
- Điêu khắc trên đá, trên gốm rất độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc, đồng thời tiếp thu những nét đẹp trong nghệ thuật điêu khắc của Trung Quốc và Chăm-pa.
- Điêu khắc gỗ phát triển, các bức chạm gỗ ở các đình làng, các tượng Phật chạm trổ chi tiết, mềm mại, thanh thoát,…
- Nghệ thuật tạc tượng thế kỉ XVIII đạt đến trình độ điêu luyện, tiêu biểu là tượng Phật Quan Âm nghìn tay nghìn mắt ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh); 18 pho tượng La Hán ở chùa Tây Phương (Hà Nội).
Xem thêm lời giải bài tập Lịch sử 10 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Câu hỏi trang 106 Lịch sử 10: Trình bày khái niệm văn minh Đại Việt...
Câu hỏi trang 107 Lịch sử 10: Nêu cơ sở hình thành nền văn minh Đại Việt...
Câu hỏi trang 108 Lịch sử 10: Nêu nội dung cơ bản của quá trình phát triển văn minh Đại Việt...
Câu hỏi 1 trang 109 Lịch sử 10: Thông qua Hình 18.5, em hãy nêu ý nghĩa của Lễ Tịch điền...
Câu hỏi 1 trang 110 Lịch sử 10: Nét nổi bật về chính trị của quốc gia Đại Việt là gì?...
Câu hỏi trang 115 Lịch sử 10: Nêu những thành tựu chủ yếu về nghệ thuật của văn minh Đại Việt...
Câu hỏi trang 116 Lịch sử 10: Nêu ưu điểm và hạn chế của văn minh Đại Việt...
Câu hỏi trang 116 Lịch sử 10: Văn minh Đại Việt đã kế thừa những gì từ văn minh Văn Lang – Âu Lạc...
Xem thêm các bài giải SGK Lịch sử 10 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Bài 19: Các dân tộc trên đất nước Việt Nam
Bài 20: Khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam