Giải Sinh Học 8 Bài 6: Phản xạ

1.1 K

Tailieumoi.vn giới thiệu Giải bài tập Sinh Học lớp 8 Bài 6: Phản xạ chính xác, chi tiết nhất giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Phản xạ lớp 8.

Giải bài tập Sinh Học lớp 8 Bài 6: Phản xạ

Trả lời câu hỏi giữa bài

Trả lời câu hỏi thảo luận trang 20 SGK Sinh học 8:- Hãy nêu thành phần cấu tạo của mô thần kinh. 

- Mô tả cấu tạo của một nơ ron thần kinh

Trả lời:

Thành phần cấu tạo của mô thần kinh:

- Mô thần kinh gồm các tế bào thần kinh gọi là nơron và các tế bào thần kinh đệm (còn gọi là thần kinh giao).

- Mô tả cấu tạo của một nơron điển hình:

Cấu tạo một nơron điển hình gồm: thân chứa nhân, từ thân phát đi nhiều tua ngắn phân nhánh và một tua dài gọi là sợi trục. Tận cùng sợi trục là các đầu mút.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 1 trang 21 SGK Sinh học 8: Có nhận xét gì về hướng dẫn truyền xung thần kinh ở nơron hướng tâm và nơron li tâm?

Trả lời:

Xung thần kinh chỉ theo một chiều.

- Nơron hướng tâm: Truyền về trung ương thần kinh.

- Nơron li tâm: Truyền tới các cơ quan phản ứng.

Chiều dẫn truyền của 2 nơron này ngược nhau.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 2 trang 21 SGK Sinh học 8:

- Phản xạ là gì?

- Nêu sự khác biệt giữa phản xạ động vật với hiện tượng cảm ứng ở thực vật (ví dụ chạm tay vào cây trinh nữ thì lá cụp lại).

Trả lời:

- Phản xạ là phản ứng của cơ thể trả lời các kích thích của môi trường dưới sự điều khiển của hệ thần kinh. Ví dụ, khi đột ngột chạm tay vào cốc nước nóng ta có phả ứng rụt tay lại. Phản xạ không chỉ trả lời các kích thích của môi trường ngoài mà còn đáp ứng các kích thích của môi trường trong. Ví dụ, sự tăng nhịp hô hấp và sự thay đổi nhịp co bóp của tim... khi lao động, sự tiết mồ hôi khi trời nóng, da tái lại (do co mạch dưới da khi trời lạnh)... đều là các phản xạ.

- Phân biệt phản xạ với cảm ứng ở thực vật: Phản xạ là phản ứng có sự tham gia của hệ thần kinh.

- Cảm ứng ở thực vật: là những phản ứng lại kích thích của môi trường không có sự điều khiển của hệ thần kinh.

Ví dụ: hiện tượng cụp lá ở cây xấu hổ chủ yếu là những thay đổi về trương nước ở các tế bào gốc lá, không phải do thần kinh điều khiển.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 3 trang 21 SGK Sinh học 8: Quan sát hình 6-2, hãy xác định:

- Các loại nơron tạo nên một cung phản xạ.

- Các thành phần của một cung phản xạ.

Giải Sinh Học 8 Bài 6: Phản xạ (ảnh 1)

Trả lời:

- Có 3 loại nơron tạo nên cung phản xạ:

   + Nơron hướng tâm (nơron cảm giác).

   + Nơron trung gian (nơron liên lạc).

   + Nơron li tâm (nơron vận động).

- Thành phần một cung phản xạ gồm:

   + Cơ quan thụ cảm. 

   + 3 nơron (hướng tâm, trung gian, ly tâm).

   + Cơ quan trả lời (còn gọi là cơ quan phản ứng). 

Vậy, cung phản xạ là đường dẫn truyền xung thần kinh từ cơ quan thụ cảm, qua trung ương thần kinh tới cơ quan phản ứng (cơ hoặc tuyến). 

Trả lời câu hỏi thảo luận trang 22 SGK Sinh học 8: Nêu một ví dụ về phản xạ và phân tích đường dẫn truyền xung thần kinh trong phản xạ đó.

Trả lời:

- Ví dụ: Khi ta nghe thấy tiếng gọi tên mình ở phía sau, ta quay đầu lại, đó là phản xạ

- Phân tích ví dụ: Âm thanh gọi tên ta kích thích vào cơ quan thụ cảm thính giác làm phát sinh xung thần kinh truyền theo dây thần kinh hướng tâm về thần kinh trung ương, từ thần kinh trung ương phát đi xung thần kinh theo dây thần kinh ly tâm tới cơ quan phản ứng làm ta quay đầu lại phía có tiếng gọi.

Câu hỏi và bài tập (trang 23 SGK Sinh học 8)

Bài 1 trang 23 SGK Sinh học 8: Phản xạ là gì? Hãy lấy ví dụ về phản xạ.

Trả lời:

Là phản ứng của cơ thể trả lời các kích thích của môi trường thông qua hệ thần kinh

VD: khi nghe thấy tiếng gọi tên mình, ta ngoảnh đầu lại, đi dưới trời nóng mặt đỏ, đổ mồ hôi, chạm vào vật nóng tay rụt lại...

Bài 2 trang 23 SGK Sinh học 8: Từ một ví dụ cụ thể đã nêu, hãy phân tích đường đi của xung thần kinh trong phản xạ đó.

Trả lời:

Phân tích đường đi của xung thần kinh trong phản xạ:

VD: Nếu ta dẫm phải hòn than nóng thì cơ quan thụ cảm ở đó nhận được một cảm giác rất nóng, liền xuất hiện một xung thần kinh theo dây thần kinh hướng tâm về trung ương thần kinh.

 -> Rồi từ trung ương phát đi xung thần kinh theo dây li tâm tới chân (cơ quan phản ứng) làm chân rụt lại

 ->Kết quả của sự phản ứng được thông báo ngược về trung ương theo hướng làm nếu phản ứng chưa chính xác thì phát lệnh điều chỉnh, nhờ dây li tâm truyền tới cơ quan phản ứng. Nhờ vậy mà cơ thể có thể phản ứng chính xác đối với kích thích.

Lý thuyết Bài 6: Phản xạ 

I. Cấu tạo và chức năng của Nơron

Nơron có hai chức năng cơ bản là cảm ứng và dẫn truyền xung thần kinh.

Giải Sinh Học 8 Bài 6: Phản xạ (ảnh 2)

Hình 6-1. Nơron và hướng lan truyền xung thần kinh

+ Cảm ứng là khả năng tiếp nhận các kích thích và phản ứng lại các kích thích bằng hình thức phát sinh xung thần kinh.

+ Dẫn truyền xung thần kinh là khả năng lan truyền xung thần kinh theo một chiều nhất định từ nơi phát sinh hoặc tiếp nhận về thân nơron và truyền đi dọc theo sợi trục.

- Các loại nơron.

Căn cứ vào chức năng người ta phân biệt 3 loại nơron :

+ Nơron hướng tâm (nơron cảm giác) có thân nằm ngoài trung ương thần kinh, đảm nhiệm chức năng truyền xung thần kinh về trung ương thần kinh.

+ Nơron trung gian (nơron liên lạc) nằm trong trung thần kinh, đảm bảo liên hệ giữa các nơron.

+ Nơron li tâm (nơron vận động) có thân nằm trong trung ương thần kinh (hoặc ở hạch thần kinh sinh dưỡng), sợi trục hướng ra cơ quan phản ứng (cơ, tuyến), truyền xung thần kinh tới các cơ quan phản ứng.

II. Cung phản xạ

1. Phản xạ

Tay chạm vào vật nóng thì rụt lại, đèn sáng chiếu vào mắt thì đồng tử (con ngươi) co lại, thức ăn vào miệng thì tuyến nước bọt tiết nước bọt... Các phản ứng đó gọi là phản xạ. Mọi hoạt động của cơ thể đều là phản xạ.

2. Cung phản xạ

Cung phản xạ là con đường mà xung thần kinh truyền từ cơ quan thụ cảm (da...) trung ương thần kinh đến cơ quan phản ứng (cơ, tuyến...).

Giải Sinh Học 8 Bài 6: Phản xạ (ảnh 3)

Hình 6-2. Cung phản xạ

3. Vòng phản xạ

Cơ quan thụ cảm tiếp nhận kích thích của môi trường sẽ phát xung thần kinh theo dây hướng tâm về trung ương thần kinh, từ trung ương phát đi xung thần kinh theo dây li tâm tới cơ quan phản ứng.

Kết quả của sự phản ứng được thông báo ngược về trung ương theo dây hướng tâm, nếu phản ứng chưa chính xác hoặc đã đầy đủ thì phát lệnh điều chỉnh, nhờ dây li tâm truyền tới cơ quan phản ứng.

Nhờ vậy mà cơ thể có thể phản ứng chính xác đối với kích thích (xem sơ đó vòng phản xạ hình 6-3).

Giải Sinh Học 8 Bài 6: Phản xạ (ảnh 4)

Hình 6-3. Sơ đồ vòng phản xạ (1) Xung thần kinh hướng tâm; Cơ quan thụ cảm tiếp tục bị kích thích; (2) Xung thần kinh li tâm; (3) Xung thần kinh thông báo ngược; (4) Xung thần kinh li tâm điều chỉnh.

Bài giảng Sinh học 8 Bài 6: Phản xạ

Đánh giá

0

0 đánh giá