Giải Lịch Sử 9 Bài 25: Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946-1950)

3.1 K

Tailieumoi.vn giới thiệu Giải bài tập Lịch Sử lớp 9 Bài 25: Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946-1950) chính xác, chi tiết nhất giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946-1950) lớp 9.

Giải bài tập Lịch Sử Lớp 9 Bài 25: Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946-1950)

Trả lời câu hỏi giữa bài

Trả lời câu hỏi thảo luận số 1 trang 104 SGK Lịch Sử 9: Trước ngày 19-12-1946, thực dân Pháp đã có những hành động gì nhằm đẩy nước ta nhanh tới chiến tranh?

Phương pháp giải:

Dựa vào sgk Lịch sử 9 trang 103 để trả lời.

Trả lời:

Trước ngày 19-12-1946, thực dân Pháp đã có những hành động phá hoại nhằm đẩy nước ta nhanh tới chiến tranh như:

- Ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, thực dân Pháp tấn công các cơ sở cách mạng, vùng tự do, căn cứ địa của ta.

- Ở Bắc Bộ, ngày 20-11-1946, Pháp đánh chiếm một số vị trí quan trọng ở thành phố Hải Phòng, nổ súng vào quân ta ở thị xã Lạng Sơn.

- Tại Hà Nội, từ đầu tháng 12-1946, thực dân Pháp liên tiếp gây ra những cuộc xung đột vũ trang.

- Đặc biệt là ngày 18-12-1946, Pháp gửi tối hậu thư buộc chính phủ ta phải giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu, giao quyền kiểm soát Thủ đô cho chúng. Pháp tuyên bố nếu ta không chấp nhận thì ngày 20-12-1946, chúng sẽ hành động.

⟹ Trước tình hình đó, ngày 18, 19-12-1946, tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp đã quyết định phát động toàn quốc kháng chiến.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 2 trang 104 SGK Lịch Sử 9: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến trong hoàn cảnh nào? Nêu nội dung Lời kêu gọi... đó.

Phương pháp giải:

Dựa vào sgk Lịch sử 9 trang 103, 104 để trả lời.

Trả lời:

* Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến trong hoàn cảnh:

- Thực dân Pháp mở các cuộc tiến công vào Nam Bộ và Trung Bộ. Khiêu khích, tiến công ta ở Hải Phòng, Lạng Sơn. Tại Hà Nội, Pháp gửi tối hậu thư đưa ra yêu sách vô lí.

- Ngày 18, 19-12-1946 Ban thường vụ Trung ương Đảng họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) quyết định phát động phong trào toàn quốc kháng chiến.

- Tối 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

* Nội dung Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến:

- Vạch rõ nguyên nhân gây ra cuộc chiến tranh là do thực dân Pháp. => khẳng định cuộc chiến tranh của nhân dân ta là chiến tranh chính nghĩa.

- Nhân dân ta quyết tâm đứng lên chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc và chính quyền vừa giành được.

- Khẳng định niềm tin tất thắng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

- Tính chất, nội dung của cuộc kháng chiến chống Pháp là toàn dân, toàn diện.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 3 trang 104 SGK Lịch Sử 9: Tại sao nói cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta là chính nghĩa và mang tính chất nhân dân?

Phương pháp giải:

Dựa vào sgk Lịch sử 9 trang 104 để lí giải.

Trả lời:

- Cuộc kháng chiến của nhân dân ta mang tính chính nghĩa vì:

+ Cuộc kháng chiến của nhân dân ta là cuộc chiến tranh tự vệ, chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc.

+ Từng bước thực hiện nhiệm vụ dân chủ, đem lại ruộng đất cho nhân dân.

- Cuộc kháng chiến của ta mang tính nhân dân vì:

+ Toàn dân tham gia kháng chiến, chủ yếu là lực lượng vũ trang của ba thứ quân đó là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích.

+ Cuộc kháng chiến chống Pháp không chỉ diễn ra trên mặt trận quân sự mà cả trên các mặt trận chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 4 trang 105 SGK Lịch Sử 9: Hãy trình bày diễn biến cuộc chiến đấu ở các đô thị cuối năm 1946 - đầu năm 1947 và ý nghĩa của cuộc chiến đấu đó.

Phương pháp giải:

Dựa vào sgk Lịch sử 9 trang 105 để trả lời.

Trả lời:

1. Diễn biến:

- Quân dân ta chủ động tiến công, bao vậy, giam chân quân Pháp tại thủ đô Hà Nội, các thành phố và các thị xã, tạo thế trận đi vào cuộc chiến đấu lâu dài.

- Tại Hà Nội:

+ Cuộc chiến diễn ra ác liệt tại sân bay Bạch Mai, khu Bắc Bộ Phủ, cầu Long Biên,…

+ Ngày 17-2-1947, Trung đoàn Thủ đô thực hiện cuộc rút quân khỏi vòng vây của địch, ra căn cứ an toàn.

- Tại Nam Định, Huế, Đà Nẵng,…: quân dân ta chủ động tiến công, loại khỏi vòng chiến đấu nhiều lực lượng của chúng.

- Ở các tỉnh phía Nam, quân dân ta đẩy mạnh chiến tranh du kích, chặn đánh địch trên các tuyến giao thông, phá cơ sở hậu cần của chúng.

2. Ý nghĩa:

- Giam chân chúng trong thành phố, tạo điều kiện cho cơ quan đầu não và bộ đội chủ lực của ta chuyển lên Việt Bắc an toàn.

- Tạo cơ hội cho ta chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho cuộc kháng chiến lâu dài.

- Chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của Pháp bước đầu bị phá sản.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 5 trang 106 SGK Lịch Sử 9: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã được chuẩn bị như thế nào?

Phương pháp giải:

Dựa vào sgk Lịch sử 9 trang 105, 106 để trả lời.

Trả lời:

Quá trình chuẩn bị của nhân dân ta cho cuộc kháng chiến chống Pháp được thể hiện qua những điểm chính sau:

- Cuối năm 1946, công việc chuẩn bị cho kháng chiến ở Hà Nội được đẩy mạnh. Đợt tổng di chuyển bắt đầu nhằm đưa máy móc, thiết bị, vật liệu, hàng hóa, lương thực, thực phẩm đến nơi an toàn.

- Tiến hành “tiêu thổ kháng chiến”, vận động, tổ chức nhân dân tản cư, nhanh chóng chuyển đất nước sang thời chiến.

- Sau khi việc di chuyển hoàn thành, Nhà nước bắt tay xây dựng lực lượng về mọi mặt để bước vào cuộc chiến đấu lâu dài:

- Về chính trị: Chia nước ta thành 12 khu hành chính và quân sự.

- Về quân sự:

+ Mọi người dân từ 18 đến 45 tuổi đều tham gia dân quân và từ dân quân được tuyển chọn vào du kích, rồi bộ đội địa phương hoặc bộ đội chủ lực.

+ Vũ khí vừa tự tạo, vừa lấy của địch để tự trang bị.

- Về kinh tế:

+ Ban hành các chính sách duy trì và phát triển sản xuất, trước hết là sản xuất lương thực, theo khẩu hiệu “Thực túc binh cường", “Ăn no đánh thắng”.

+ Nha Tiếp tế được thành lập, làm nhiệm vụ thu mua, dự trữ và phân phối thóc gạo, muối, vải bảo đảm nhu cầu về ăn mặc cho lực lượng vũ trang và nhân dân ở hậu phương.

- Về giáo dục: phong trào Bình dân học vụ tiếp tục duy trì và phát triển.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 6 trang 107 SGK Lịch Sử 9: Hãy trình bày âm mưu và hành động của thực dân Pháp trong cuộc tiến công căn cứ địa Việt Bắc của ta.

Phương pháp giải:

Dựa vào sgk Lịch sử 9 trang 106 để trả lời.

Trả lời:

* Âm mưu:

- Tiêu diệt cơ quan đầu não và bộ đội chủ lực của ta.

- Khóa chặt biên giới Việt - Trung, ngăn chặn liên lạc giữa ta với quốc tế.

- Thành lập chính phủ bù nhìn Bảo Đại, nhanh chóng kết thúc chiến tranh.

* Hành động:

- Tháng 3-1947, Chính phủ Pháp cử Bô-la-e làm Cao ủy Pháp ở Đông Dương thay Đác-giăng-li-ơ.

- Bô-la-e lập ra Mặt trận quốc gia thống nhất, tiến tới thành lập một Chính phủ bù nhìn trung ương.

- Từ ngày 7-10-1947, Pháp huy động 12.000 quân tinh nhuệ gồm thuỷ quân, lục quân và không quân, chia làm 3 cánh tấn công lên Việt Bắc.

- Ngày 7 - 10 - 1947, một binh đoàn dù đổ quân xuống chiếm thị xã Bắc Kạn và chiếm thị trấn Chợ Mới, Chợ Đồn.

- Cùng ngày, một binh đoàn lính bộ từ Lạng Sơn đánh lên Cao Bằng, rồi từ Cao Bằng, một cánh quân khác đánh xuống Bắc Kạn, tạo thành gọng kìm bao vây phía đông và phía bắc căn cứ địa Việt Bắc.

- Ngày 9-10-1947, một binh đoàn hỗn hợp lính bộ và lính thủy đánh bộ ngược sông Hồng, sông Lô và sông Gâm lên thị xã Tuyên Quang, Chiêm Hóa, Đài Thị, bao vây phía tây căn cứ địa Việt Bắc.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 7 trang 108 SGK Lịch Sử 9: Dựa vào lược đồ (Hình 45), trình bày diễn biến chiến dịch Việt Bắc thu - đông năm 1947.

Phương pháp giải:

Dựa vào sgk Lịch sử 9 trang 107, 108 để trả lời.

Trả lời:

Giải Lịch Sử 9 Bài 25: Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946-1950) (ảnh 1)

1. Về Phía Pháp:

- Ngày 7-10-1947: Pháp cho quân nhảy dù xuống chiếm thị xã Bắc Kạn, thị trấn Chợ Mới, Chợ Đồn.

- Cùng ngày, cho một binh đoàn từ Lạng Sơn đánh lên Cao Bằng, rồi từ Cao Bằng, một cánh quân khác đánh xuống Bắc Kạn, tạo thành một gọng kìm bao vây Việt Bắc từ phía Đông và phía Bắc.

- Ngày 9-10-1947: Binh đoàn hỗn hợp lính bộ và lính thủy từ Hà Nội ngược sông Hồng, sông Lô, sông Gâm lên Tuyên Quang, Chiêm Hóa, Đài Thị bao vây phía Tây căn cứ địa Việt Bắc.

2. Về phía ta:

- Chủ trương của Đảng: Đảng ra chỉ thị "Phải phá tan cuộc hành quân mùa đông của Pháp".

- Ở Bắc Kạn:

+ Tiến hành bao vây, chia cắt, cô lập, tập kích những nơi địch chiếm đóng; phục kích trên đường từ Bắc Kạn đi Chợ Mới, Chợ Đồn.

+ Bí mật, khẩn trương di chuyển cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, công xưởng, kho tàng về nơi an toàn.

- Ở hướng Đông: chặn đánh địch trên đường số 4, tiêu biểu trận phục kích trên đường Bản Sao - đèo Bông Lau (30-10-1947).

- Ở hướng Tây: 

+ Ta phục kích chặn đánh nhiều trận trên sông Lô.

+ Cuối tháng 10 -1947, 5 tàu chiến địch có máy bay hộ tống từ Tuyên Quang đi Đoan Hùng lọt vào trận địa phục kích của ta (tại Đoan Hùng).

+ Đầu tháng 11 - 1947, 2 tàu chiến và 1 ca nô địch từ Chiêm Hóa về thị xã Tuyên Quang đã lọt vào trận địa phục kích của ta (tại Khe Lau, ngã ba sông Lô và sông Gâm).

- Phối hợp với cuộc chiến đấu ở Việt Bắc, quân dân ta trên các chiến trường toàn quốc hoạt động mạnh, góp phần kiềm chế quân địch.

=> Ngày 19/12/1947, đại bộ phận quân Pháp rút khỏi Việt Bắc.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 8 trang 109 SGK Lịch Sử 9: Hãy cho biết âm mưu của thực dân Pháp ở Đông Dương sau thất bại trong cuộc tiến công Việt Bắc thu - đông 1947.

Phương pháp giải:

Dựa vào sgk Lịch sử 9 trang 108 để trả lời.

Trả lời:

- Âm mưu của Pháp ở Đông Dương sau thất bại trong cuộc tiến công Việt Bắc thu – đông 1947:

+ Chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” chuyển sang đánh lâu dài.

+ Tăng cường thực hiện chính sách dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 9 trang 109 SGK Lịch Sử 9: Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện của ta được đẩy mạnh như thế nào sau chiến thắng Việt Bắc thu - đông năm 1947?

Phương pháp giải:

Dựa vào sgk Lịch sử 9 trang 108, 109 để trả lời.

Trả lời:

Đảng và Chính phủ chủ trương tăng cường sức mạnh và hiệu lực của chính quyền dân chủ nhân dân từ trung ương đến cơ sở, tang cường lực lượng vũ trang nhân dân, đẩy mạnh cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện.

*Về quân sự: thực hiện vũ trang toàn dân, phát triển chiến tranh du kích.

*Về chính trị:

- Năm 1948, tại Nam Bộ, bầu cử Hội đồng Nhân dân cấp xã đến cấp tỉnh.

- Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Kháng chiến hành chính các cấp được củng cố và kiện toàn ở nhiều nơi.

- Tháng 6-1949, Việt Minh và Hội Liên Việt được thống nhất từ cơ sở đến trung ương.

*Về kinh tế: ta chủ trương phá hoại kinh tế của địch, xây dựng nền kinh tế tự cấp, tự túc.

*Về văn hoá, giáo dục: Chính phủ đề ra chủ trương cải cách giáo dục phổ thông (7-1950).

*Về ngoại giao:

- Ngày 14-1-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với bất cứ nước nào tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

- Trung Quốc, Liên Xô và lần lượt các nước dân chủ nhân dân khác công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước ta.

Câu hỏi và bài tập (trang 109 SGK Lịch Sử 9)

Bài 1 trang 109 SGK Lịch Sử 9: Tại sao cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp của nhân dân ta bùng nổ ngày 19-12-1946?

Phương pháp giải:

Dựa vào sgk Lịch sử 9 trang 108, 109 để lí giải. 

Trả lời:

- Sau Hiệp định sơ bộ (6-3-1946) và Tạm ước (14-9-1946), ta đã thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung kí kết, nhưng với âm mưu xâm lược lâu dài đất nước ta, Pháp đã bội ước và tăng cường các hành động khiêu khích:

+ Ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, thực dân Pháp tấn công các cơ sở cách mạng, vùng tự do, căn cứ địa của ta.

+ Ở Bắc Bộ, ngày 20-11-1946, Pháp đánh chiếm một số vị trí quan trọng ở thành phố Hải Phòng, nổ súng vào quân ta ở thị xã Lạng Sơn.

+ Tại Hà Nội, từ đầu tháng 12-1946, thực dân Pháp liên tiếp gây ra những cuộc xung đột vũ trang.

+ Đặc biệt là ngày 18-12-1946, Pháp gửi tối hậu thư buộc chính phủ ta phải giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu, giao quyền kiểm soát Thủ đô cho chúng. Pháp tuyên bố: nếu ta không chấp nhận thì ngày 20-12-1946, chúng sẽ hành động.

⟹ Trước những hành động xâm lược của thực dân pháp, nhân dân ta chỉ có con đường kháng chiến bảo vệ độc lập tự do.

- Ngày 18, 19-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định phát động toàn quốc kháng chiến.

- Ngay trong đêm 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

⟹ Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta bùng nổ.  

Bài 2 trang 109 SGK Lịch Sử 9: Đường lối kháng chiến tàn dân, toàn vẹn, trường kì, tự lực cánh sinh và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế của Đảng được cụ thể hóa ra sao?

Phương pháp giải:

Dựa vào sgk Lịch sử 9 trang 108, 109 để trả lời.

Trả lời:

Đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế của Đảng được nêu ra trong:

+ Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của chủ tịch Hồ Chí Minh.

+ Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Ban Thường vụ Trung ương Đảng.

+ Tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của Tổng bí thư Trường Chinh.

* Thứ nhất, kháng chiến toàn dân:

- Xuất phát từ truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta, từ quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” của Chủ nghĩa Mác Lê-nin, từ tư tưởng chiến tranh nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Trong đó lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân, gồm: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích làm nòng cốt.

- Để phát huy tối đa sức mạnh của toàn dân tộc, Đảng tổ chức, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, đảng phái,... cùng tham gia một mặt trận dân tộc thống nhất (Mặt trận Việt Minh).

- Có lực lượng  toàn dân tham gia mới thực hiện được kháng chiến toàn diện và tự lực cánh sinh.

* Thứ hai, kháng chiến toàn diện:

- Do địch đánh ta toàn diện nên ta phải chống lại toàn diện.

- Cuộc kháng chiến của ta bao gồm cuộc đấu tranh trên tất cả các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục ngoại giao,... nhằm phát huy khả năng của mỗi người trên từng lĩnh vực, tạo ra sức mạnh tổng hợp.

+ Về quân sự: thực hiện vũ trang toàn dân, phát triển chiến tranh du kích.

+ Về chính trị: Năm 1948, tại Nam Bộ, bầu cử Hội đồng Nhân dân cấp xã đến cấp tỉnh; Ở nhiều nơi, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Kháng chiến hành chính các cấp được củng cố và kiện toàn.

+ Về kinh tế: ta chủ trương phá hoại kinh tế của địch, xây dựng nền kinh tế tự cấp, tự túc.

+ Về văn hoá, giáo dục: tháng 7-1950, Chính phủ đề ra chủ trương cải cách giáo dục phổ thông.

+ Về ngoại giao: Ngày 14-1-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với bất cứ nước nào tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Sau đó, Trung Quốc, Liên Xô, lần lượt các nước dân chủ nhân dân khác công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước ta.

- Đồng thời ta vừa kháng chiến vừa kiến quốc, tức là xây dựng chế độ mới nên phải kháng chiến toàn diện.

* Thứ ba, kháng chiến trường kì:

- So sánh lực lượng lúc đầu giữa ta và địch chênh lệch, địch mạnh hơn ta nhiều về mọi mặt, ta chỉ hơn địch về tinh thần và chính nghĩa. Do đó ta phải có thời gian để chuyển hóa lực lượng làm cho địch yếu dần, phát triển lực lượng của ta, tiến lên đánh bại kẻ thù.

- Thông qua cuộc chiến đấu ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16 và Chiến dịch Việt Bắc thu - đông năm 1947 thấy rõ chủ trương đánh bại kế hoạch “Đánh nhanh thắng nhanh”, buộc thực dân Pháp phải chuyển qua đánh lâu dài của Đảng ta.

* Thứ tư, kháng chiến tự lực cánh sinh và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế:

- Mặc dù rất coi trọng thuận lợi và sự giúp đỡ từ bên ngoài, nhưng vận mệnh của dân tộc ta phải do nhân dân ta quyết định, phải dựa vào sức mạnh của ta, sự giúp đỡ bên ngoài chỉ là điều kiện hỗ trợ.

- Đảng và nhân dân nhận thức được rằng: xây dựng nền chính trị, kinh tế, giáo dục,… vững mạnh chính là tiềm lực để thực hiện kháng chiến tự lực cánh sinh.

- Mặc dù vậy, Đảng ta luôn tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với bất cứ nước nào tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Bài 3 trang 109 SGK Lịch Sử 9: Phân tích ý nghĩa lịch sử của cuộc chiến đấu thắng lợi ở đô thị và chiến dịch Việt Bắc thu - đông 1947.

Phương pháp giải:

Dựa vào sgk Lịch sử 9 trang 105, 108 để phân tích, đánh giá. 

Trả lời:

* Ý nghĩa của cuộc chiến đấu thắng lợi ở các đô thị:

- Làm tiêu hao sinh lực địch, giam chân chúng trong thành phố, tạo điều kiện cho cơ quan đầu não và bộ đội chủ lực của ta chuyển lên Việt Bắc an toàn.

- Tạo ra thế trận cho chiến tranh nhân dân, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài, toàn dân, toàn diện.

- Chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của Pháp bước đầu bị phá sản.,

* Ý nghĩa thắng lợi của chiến dịch Việt Bắc thu - đông 1947:

- Đây là chiến dịch phản công lớn đầu tiên của ta giành được thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp.

- Căn cứ Việt Bắc vẫn được giữ vững, bộ đội chủ lực ngày càng trưởng thành.

- Chiến thắng này đã chứng minh sự đúng đắn về đường lối kháng chiến lâu dài của Đảng.

- Làm thất bại âm mưu “Đánh nhanh thắng nhanh” buộc Pháp phải chuyển sang đánh lâu dài với ta.

- Sau chiến thắng Việt Bắc, ta có thêm điều kiện để xây dựng và phát triển lực lượng kháng chiến toàn quốc, toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh.

- Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Lý thuyết Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946-1950)

Giải Lịch Sử 9 Bài 25: Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946-1950) (ảnh 2)

I. Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược bùng nổ (19-12-1946)

1. Kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược bùng nổ

- Thực dân Pháp bội ước.

+ Sau Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 và Tạm ước 14-9-1946, Pháp khiêu khích ta ở Hải Phòng, Lạng Sơn.

+ Tại Hà Nội: thực dân Pháp liên tiếp gây xung đột vũ trang.

+ Ngày 18-12- 1946, Pháp gửi tối hậu thư buộc Chính phủ ta giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu và giao quyền kiếm soát thủ đô cho chúng.

- Ban thường vụ Trung Ương Đảng quyết định phát động toàn quốc khán chiến (19-12-1946)

- Tối 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

=> Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ.

2. Đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp của ta.

- Tháng 9-1947, Tổng Bí thư Trường Chinh đã viết “Kháng chiến nhất định thắng lợi”, nêu những nội dung cơ bản đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp xâm luợc.

- Nội dung cơ bản của đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của ta là cuộc chiến tranh nhân dân - toàn dân toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế.

II. Cuộc chiến đấu ở các đô thị phía bắc vĩ tuyến 16

- Cuộc chiến đấu quyết liệt đã diễn ra ở hầu hết các thị xã, thành phố từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc.

+ Miền Bắc: Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh.

+ Miền Trung: Huế, Đà Nẵng.

- Tiêu biểu cho cả nước là cuộc chiến đấu oanh liệt suốt 60 ngày đêm ở thủ đô Hà Nội để bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước.

- Giữa tháng 2-1947, cuộc chiến đấu trong các khu đô thị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiêu hao sinh lực địch, giam chân địch trong các thành phố, lực lượng ta rút lên chiến khu an toàn. Cuộc chiến đấu tạm thời kết thúc để chuyển sang một giai đoạn chiến đấu mới.

III. Chiến dịch Việt Bắc Thu – Đông năm 1947

1. Thực dân Pháp tấn công căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc

- Âm mưu của địch:

+ Pháp lúng túng trong chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh”

+ Chính trị: Thành lập chính phủ bù nhìn trung ương.

+ Quân sự: Mở cuộc tấn công quy mô lớn lên Việt Bắc để tiêu diệt quân chủ lực của ta, phá tan cơ quan đầu não kháng chiến, khóa chặt biên giới Việt - Trung.

+ Pháp tấn công lên Việt Bắc: Ngày 7-10-1947, Pháp cho quân nhảy dù xuống Bắc Cạn, Chợ Mới, Chợ Đồn, đồng thời cho hai cánh quân theo đường số 4 và sông Lô bao vây Việt Bắc.

2. Quân ta chiến đấu bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc.

- Chủ trương của ta:

+ Chiến đấu bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc, phá tan âm mưu của địch.

+ Quân dân ta chiến đấu bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc: bao vây, tập kích quân nhảy dù.

+ Bẻ gãy hai gọng kìm của địch:

/ Đường thủ ở Đoan Hùng ở (25-10-1947).

/ Đường bộ ở đèo Bông Lau (30-10-1947).

- Ngày 19-12-1947, đại bộ phận Pháp rút khỏi Việt Bắc.

- Kết quả: Ta giành thắng lợi lớn, tiêu diệt và tiêu hao nhiều sinh lực địch, căn cứ địa Việt Bẳc được giữ vững. Cơ quan đầu não của ta an toàn, bộ đội chủ lực trưởng thành.

- Ý nghĩa: Đánh bại chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của địch, buộc chúng phải chuyển sang đánh lâu dài với ta.

IV. Đẩy mạnh kháng chiến toàn dân, toàn diện.

1. Âm mưu mới của địch:

Sau thất bại ở Việt Bắc, chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của địch bị phá sản, buộc chúng phải chuyển sang đánh lâu dài.

- Chúng thực hiện chính sách "dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh" với nội dung chủ yếu là: tăng cường hoạt động mị dân, lôi kéo Bảo Đại để xúc tiến việc thành lập chính phủ bù nhìn trung ương.

- Phá hoại khối đoàn kết toàn dân (lập các xứ tự trị ở Đông Bắc, Tây Bắc, Hoà Bình, Tây Nguyên): tăng cường bình định nhằm giữ vững, củng cố vùng tạm chiếm, tăng cường bắt binh lính xây dựng ngụy quân

2. Về phía ta:

- Thực hiện phương châm “đánh lâu dài"

- Đấy mạnh cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện.

- Từ 1948-1950:

+ Về quân sự: Ta chủ trương động viên nhân dân thực hiện vũ trang toàn dân, phát triển chiến tranh du kích.

+ Về chinh trị, ngoại giao:

/ Năm 1948, tại Nam Bộ tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp.

/ Tháng 6-1949, Việt Minh và Hội Liên Việt quyết định thống nhất hai tổ chức từ cơ sở đến trung ương.

/ Ngày 14-1-1950, Chính phủ nhiều nước chính thức đặt quan hệ ngoại giao với ta.

+ Về kinh tế:

/ Ta chủ trương phá hoại kinh tế địch.

/ Đẩy mạnh xây dựng và bảo vệ kinh tế dân chủ nhân dân.

+ Văn hoá giáo dục:

/ Tháng 7-1950, Chính phủ đề ra chủ trương cải cách giáo dục phổ thông.

/ Hướng dẫn giáo dục phục vụ nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc.

Đánh giá

0

0 đánh giá