Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Nghị luận trình bày ý kiến về Hòa nhập chứ không hòa tan Ngữ văn 12 Chân trời sáng tạo, gồm dàn ý và các bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo từ đó học cách viết văn hay hơn.
Nghị luận trình bày ý kiến về Hòa nhập chứ không hòa tan
Đề bài: Viết bài văn nghị luận trình bày ý kiến về vấn đề người trẻ trong bối cảnh toàn cầu hóa: Hòa nhập chứ không hòa tan.
Nghị luận trình bày ý kiến về Hòa nhập chứ không hòa tan - Mẫu 1
Thời kỳ hiện đại, thời kỳ của Cách mạng Công nghiệp 4.0 và sự liên kết toàn cầu, đã mang đến cho cuộc sống con người những biến đổi đầy hứa hẹn. Trong bước chuyển mình này, một khái niệm mà chúng ta không thể không nhắc đến là "Công dân toàn cầu."
Khái niệm về Công dân toàn cầu đang trở nên ngày càng phổ biến trên toàn cầu. Nó ám chỉ đến những người sống và làm việc tại nhiều quốc gia khác nhau, có thể sở hữu một hoặc nhiều quốc tịch mà không gặp rào cản về biên giới, địa lý, hoặc văn hóa. Các Công dân toàn cầu và mọi người trên hành tinh này chung sống và chia sẻ trách nhiệm cùng nhau để đưa thế giới phát triển một cách lý thú và bền vững hơn.
Ở thời kỳ hiện đại, việc hòa nhập vào cộng đồng toàn cầu trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, để tận dụng sự kết nối về kiến thức từ các lĩnh vực khác nhau. Trong trường hợp không hòa nhập, chúng ta có thể bị tỏ rơi và bỏ lỡ cơ hội phát triển. Hòa nhập vào cộng đồng toàn cầu giúp chúng ta phát huy tối đa tiềm năng cá nhân và đối mặt với các thách thức toàn cầu. Để thực sự trở thành Công dân toàn cầu, chúng ta cần hiểu biết về giá trị chung của từng khu vực và mang trong mình tinh thần trách nhiệm và ý thức về sự kết nối với cộng đồng toàn cầu. Tuy nhiên, trong cuộc sống, vẫn còn tồn tại những người bảo thủ, không chấp nhận hòa nhập để học hỏi và tiếp thu tri thức mới. Cũng có những người theo đuổi lối sống "ngoại lai," bất hòa với truyền thống dân tộc. Cả hai tình huống này đều đáng để chúng ta suy ngẫm và phê phán.
Lấy ví dụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã du hành khắp năm châu bốn bể để tìm đường cứu nước. Trong suốt cuộc hành trình đó, ông đã thăm đến nhiều quốc gia và tiếp xúc với nhiều nền văn hóa trên thế giới. Ông không chỉ học hỏi và thu thập tri thức từ những nơi đó, mà còn giữ vững bản sắc văn hóa của người Việt. Bác Hồ đã được bạn bè quốc tế yêu mến và kính trọng, cũng như được nhân dân Việt Nam tôn kính. Mặ despite sự xa xôi, ông không bao giờ quên gốc rễ của mình. Ông sống giản dị, ấm áp với cuộc sống làng quê, chia sẻ những bữa ăn đơn giản. Chính trong những đặc điểm này, ta thấy một ví dụ rõ ràng về việc kết hợp một cách hài hòa giữa việc tiếp thu tinh hoa nhân loại và bảo vệ truyền thống văn hóa dân tộc.
Trong tương lai, thế hệ trẻ sẽ là nguồn sức mạnh quan trọng của đất nước. Chỉ khi chúng ta cùng nhau thực hiện trách nhiệm với cộng đồng toàn cầu và với dân tộc mình, chúng ta mới có khả năng xây dựng một thế giới bền vững, hòa bình và phát triển.
Nghị luận trình bày ý kiến về Hòa nhập chứ không hòa tan - Mẫu 2
Có bao giờ bạn nghĩ mình sẽ đặt chân tới một vùng đất xa xôi nào đó? Có bao giờ bạn ước mơ được trở thành bạn bè của khắp năm châu bốn bể? Có bao giờ bạn muốn đi và đi thật nhiều? Chắc mọi người đang nghĩ chuyện đó là hảo huyền hoặc nó chỉ dành cho các cậu ấm cô chiêu nào đó. Với xã hội ngày nay, việc hội nhập trở thành công dân toàn cầu là điều vô cùng cần thiết. Đó không còn là viển vông hay ước mơ trong giả tưởng như phần đa mọi người vẫn nghĩ.
Vậy công dân toàn cầu là gì? Và giới trẻ của chúng ta cần làm gì để hiện thực hóa ước mơ đó? Công dân toàn cầu (Global Citizen) là những người sống và làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau. Họ có thể có một hoặc nhiều quốc tịch. Dựa vào khái niệm trên ta có thể vạch ra bước đi đầu tiên trên hành trình trở thành công dân toàn cầu đó là xóa bỏ mọi rào cản về ranh giới, địa lí cũng như văn hóa của các quốc gia trong nhận thức của mình. Điều này nói thì có vẻ dễ dàng như không phải ai cũng làm được. Và nó sẽ càng khó khăn hơn với những người hướng nội, chỉ muốn bên cạnh những thứ thân quen với mình. Có nhiều người sinh sống ở nước ngoài lâu năm cũng không thể hòa nhập được với con người và nền văn hóa của nước họ. Âu một phần cũng là do bản thân quá cứng nhắc, thụ động trong việc hòa nhập với quốc tế của người Đông Á chúng ta.
Trong cuộc phỏng vấn tại một trường Đại học Úc, mọi sinh viên tại đó đều cho rằng sinh viên Việt Nam có phần rụt rè, ngại tiếp xúc với bạn bè ngoại quốc, họ chỉ hoạt động xung quanh thế giới của riêng họ cùng những người bạn cùng quốc tịch. Vì thế mới hiểu rõ, không phải chỉ cần du học, ra nước ngoài sinh sống là có thể trở thành công dân toàn cầu. Điều đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là nhận thức của chúng ta về khái niệm đó. Đương nhiên điều thứ hai phải kể đến cũng vô cùng quan trọng đó chính là khả năng ngoại ngữ. Khi đọc cuốn Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới của ba tấm gương tiêu biểu cho hình ảnh công dân toàn cầu Thu Hương, Phan Linh, Anh Đức. Tôi không khỏi ngưỡng mộ họ không những về niềm say mê, nỗ lực và khả năng hòa nhập cực xuất sắc mà ở họ còn có một nền móng ngoại ngữ khiến ta phải choáng ngợp.
Mỗi cá nhân đều sở hữu trên dưới bốn ngôn ngữ ngoại. Tôi nghĩ họ chắc chắn đã và đang là nguồn cảm hứng và động lực mạnh mẽ với hàng ngàn bạn trẻ khắp đất nước trên con đường vạch lối đi để trở thành công dân toàn cầu của mình. Ngoài hai vấn đề cốt lõi như đã nêu trên, bản thân mỗi bạn trẻ cùng cần phải có niềm đam mê khám phá, trau dồi kĩ năng mềm và đặc biệt là nền tảng kiến thức cơ bản. Tôi xin nhắc lại, vấn đề nhận thức là vô cùng quan trọng. Với những bạn trẻ ngày nay, có thể do quá vội vàng trên hành trình hòa nhập với thế giới mà có cái nhìn sai lệch về công dân toàn cầu. Câu khẩu hiệu rất quen thuộc của chính phủ ta đó là “ hòa nhập nhưng không hòa tan”. Quá sính ngoại mà quên đi cái đẹp cái hay của dân tộc là một hành vi cần phải lên án mạnh mẽ. Học hỏi, hòa nhập một cách có chọn lọc là việc làm khôn ngoan của các công dân toàn cầu tương lai. Bởi lẽ ở mỗi quốc gia đều có cái đẹp và cái chưa được đẹp, có cái phù hợp và cái chưa phù hợp với dân tộc ta.
Nếu các bạn là những người đang còn trẻ, nếu các bạn thật sự nghĩ mình cần phá vỡ ranh giới của riêng bạn. Thì câu nói này của Tony Robbin sẽ là dành cho bạn: “Nếu bạn nói về một điều gì đó thì đó là ước mơ, nếu bạn hình dung ra nó thì nó là có thể, nhưng nếu bạn lên kế hoạch thì đó sẽ là hiện thực.”
Nghị luận trình bày ý kiến về Hòa nhập chứ không hòa tan - Mẫu 3
Mỗi đất nước đều có một sắc văn hóa riêng biệt, đó là giá trị văn hóa quý báu mà chúng ta cần gìn giữ. Thế nhưng trong thời buổi xã hội toàn cầu hóa hiện nay, câu hỏi làm sao để có thể giữ gìn được bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc là một câu hỏi lớn buộc mọi người phải suy nghĩ. Vậy làm sao để hòa nhập chứ không bị hòa tan, làm sao để tiếp thu được nét đẹp trong truyền thống văn hóa các nước khác và truyền bá văn hóa dân tộc mình với các quốc gia khác trên thế giới? Để trả lời câu hỏi này sau đây chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm hiểu.
Trước hết, chúng ta cần phải hiểu được khái niệm về truyền thống dân tộc, vậy truyền thống là gì, tại sao chúng ta lại cần phải gìn giữ? Đầu tiên, truyền thống là những nét đẹp có trong văn hóa của mỗi quốc gia, nó là nét riêng biệt của mỗi dân tộc được hình thành và khẳng định qua thời gian, được truyền từ đời này sang đời khác. Dân tộc nào cũng có những truyền thống tốt đẹp và dân tộc Việt Nam của chúng ta cũng không là ngoại lệ. Chắc hẳn bạn đã nghe câu chuyện kể về cuộc hành trình gian khổ của người dân Việt Nam để giữ gìn lấy bản sắc dân tộc, ông cha ta đã bỏ ra vô vàn công sức cùng những cố gắng để không bị đồng hóa bởi quân giặc. Ai cũng biết trong chặng đường lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước, dân tộc đã đã phải đấu tranh và chịu đựng biết bao đau thương. Cuộc sống của dân ta trở nên khốn cùng bởi sự bóc lột của quân giặc, chúng không cho dân ta học chữ, bắt dân ta học ngôn ngữ của chúng, bắt dân ta làm đủ chuyện chỉ để phục vụ mục đích đồng hóa khiến chúng ta mất đi tiếng nói và bản sắc của mình. Thế nhưng, vượt lên ngàn đau thương, phong ba bão táp ấy cũng chẳng thể khiến con người ta từ bỏ đi bản sắc của mình, người này truyền cho người kia và cuối cùng những nỗ lực ấy cũng được báo đáp và dân tộc ta vẫn giữ được tiếng nói, vẫn giữ được nét đẹp truyền thống vốn có của mình.
Dân tộc Việt có vô vàn truyền thống quý báu trong đó phải kể đến truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, truyền thống tôn sư trọng đạo,… Đó là những truyền thống vô cùng quý báu của con người. Người này vẫn truyền tai người kia nối tiếp nhau, truyền cho nhau những đạo lý cơ bản để làm người. Chúng ta được sinh ra và lớn lên, được nuôi dạy trong một môi trường tràn ngập yêu thương, cha mẹ dạy ta cách sống sao cho đúng, làm sao cho phải, dạy ta biết lễ nghĩa, dạy cách để trở thành người tốt hơn. Đến lớp ta được giảng dạy về trang sử hào hùng của dân tộc, nghị lực và nhiệt huyết của họ đã nhắc nhở chúng ta phải cố gắng để gìn giữ truyền thống, bản sắc dân tộc và không ngừng học hỏi để thành tài góp phần xây dựng cho đất nước.
Thế nhưng không phải ai cũng thiểu được hết giá trị của truyền thống hoặc có người hiểu nhưng không biết quý trọng giá trị ấy. Vì chúng ta đang sống trong thời bình, chúng ta không phải đấu tranh và cuộc sống của chúng ta được cha mẹ che chở nên không biết giá trị của cuộc sống. Nhiều người trong chúng ta chuộng lối sống tây hóa, thích âu phục, thích phong cách rồi tự biến mình thành những con vẹt bắt chước văn hóa của nước khác. Dù vô tình hay không cố ý nhưng bằng cách nào đó chúng ta đã và đang truyền bá văn hóa của nước khác vào nước mình và làm mất thuần phong mỹ tục của dân tộc. Người con gái Việt Nam xưa cũ là vẻ đẹp trong tà áo dài kín đáo, vẻ đẹp hiền dịu mặn mà thế nhưng ngày nay người phụ nữ việt Nam lại du nhập lối sống “thoáng” quá mức của phương Tây. Nhiều bạn trẻ ăn mặc quá mức hở hang rồi lại không biết cách chọn trang phục phù hợp với hoàn cảnh, cũng chỉ vì vài ba cái mốt tây hóa mà người việt dần đánh mất đi bản sắc dân tộc của mình.
Khi xưa, người Việt Nam thường tự hào bởi cách ăn nói lịch sự, trang nhã của mình thì nay cách ăn nói, xử sự của giới trẻ lại làm người ta thực sự thất vọng. Nhiều bạn trẻ nói tục chửi bậy, chuộng sử dụng tiếng lóng để giao tiếp với mọi người, họ không biết phép lịch sự nơi công cộng, không biết giúp đỡ người gặp khó khăn mà ngược lại còn chê bai, khinh miệt những tấm thân nghèo khó.
Để giữ gìn truyền thống dân tộc thì phải hiểu về lịch sử nước nhà thế nhưng thời điểm hiện tại có mấy bạn trẻ biết về lịch sử nước nhà. Nhiều bạn chê bai lịch sử khô khan và khó học thế sao lịch sử nước khác họ lại am hiểu tường tận đến thế, hằng ngày thay vì nghiên cứu lịch sử nước nhà để thấm nhuần được sự mất mát và hy sinh của thế hệ trước thì họ lại đắm chìm trong những bộ phim cổ trang Trung Quốc rồi lại đến những bộ phim dã sử Hàn Quốc. Họ ăn ngủ với lịch sử nước ngoài nhưng lịch sử việt Nam thì lại hoàn toàn mù tịt, điều này thật sự đáng buồn.
Truyền thống của dân tộc là uống nước nhớ nguồn thế nhưng hiện nay có biết bao bạn trẻ cãi lại lời bố mẹ, thậm chị có người còn vô ơn đuổi cha mẹ già ra khỏi đường. Họ phủi đi công sức nuôi dạy của đấng sinh thành và ngược đãi cha mẹ, cha mẹ thì bất lực không thể làm được gì với đứa con khó dạy của mình rồi lại ngậm ngùi trong nước mắt và chỉ tự trách mình là không biết dạy con. Nhưng trong chúng ta ai cũng biết đây hoàn toàn không phải lỗi của họ, lỗi lầm chỉ tại những đứa con ham chơi thiếu hiểu biết đã hòa nhập đồng thời hòa tan luôn nhân cách con người mình.
Trong thời buổi hội nhập ngày nay thì việc làm sao để có thể gìn giữ được truyền thống là một mối quan tâm hàng đầu của các nhà chức trách và của mọi người, vì vậy chúng ta cần phải thay đổi phương pháp giảng dạy để giới trẻ hứng thú hơn với lịch sử nước nhà. Chỉ khi hiểu rõ về lịch sử nước nhà, ta mới biết trân trọng những cố gắng của cha ông đã không ngừng gây dựng, giữ gìn và giá trị văn hóa của dân tộc. Giáo dục trẻ em về tầm quan trọng của truyền thống dân tộc và tạo cho trẻ em những trải nghiệm thực tế để hiểu hơn về những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Với thế hệ trẻ, những người đã tự nhận thức được vấn đề thì cần cùng nhau tuyên truyền và có những hình thức mới mẻ để họ hứng thú với những nét đẹp trong truyền thống dân tộc, tạo cho họ đam mê với những nét đẹp ấy cũng là một giải pháp cho việc giữ gìn truyền thống dân tộc. Cả dân tộc hãy cùng nhau chung tay để gìn giữ giá trị truyền thống quý báu mà cha ông ta đã đánh đổi cả mồ hôi, công sức để gìn giữ.
Được sinh ra trong thời bình và được hưởng một cuộc sống đầy đủ khiến em cảm thấy rất biết ơn. Và để đền đáp công ơn đó em sẽ cố gắng học tập và rèn luyện thật tốt để thành tài phục vụ cho đất nước. Không chỉ có thế em thấy mình cũng có trách nhiệm trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đó là nghĩa vụ của mọi công dân đang sinh sống trên dải đất hình chữ S này.
Nghị luận trình bày ý kiến về Hòa nhập chứ không hòa tan - Mẫu 4
Trên thế giới ngày nay, xã hội đang chứng kiến một quá trình toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ, khiến cho việc hòa nhập văn hóa trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với người trẻ. Tuy nhiên, hòa nhập không có nghĩa là phải hòa tan, mà là sự cân bằng giữa bảo tồn bản sắc văn hóa và sẵn sàng chấp nhận và tôn trọng những giá trị từ các nền văn hóa khác.
Đầu tiên, việc hòa nhập văn hóa giúp cho các thế hệ trẻ trở nên rộng lượng hơn, hiểu biết hơn về sự đa dạng của thế giới. Điều này tạo cơ hội cho các cá nhân khám phá, học hỏi và áp dụng những giá trị tốt đẹp từ các nền văn hóa khác vào cuộc sống và công việc của mình. Hòa nhập cũng là cách để tăng cường sự đoàn kết và hợp tác toàn cầu, giúp cho các quốc gia và cộng đồng có thể phát triển bền vững hơn.
Tuy nhiên, để đảm bảo rằng quá trình hòa nhập diễn ra một cách bền vững và tích cực, chúng ta cần phải giữ vững bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc và cộng đồng. Việc này không chỉ đảm bảo sự đa dạng văn hóa mà còn giúp người trẻ có thể phát triển một cách tự tin và xây dựng nhân bản văn hóa riêng biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay.
Trong ngữ cảnh hiện nay, việc xây dựng một xã hội hòa hợp và phát triển bền vững không thể thiếu sự hòa nhập văn hóa. Điều quan trọng là cách chúng ta hòa nhập sao cho có lợi cho mọi người và bảo vệ được giá trị văn hóa của từng cộng đồng. Chính sự hiểu biết và sự tôn trọng với những nét đặc trưng của mỗi nền văn hóa sẽ là nền tảng để xây dựng một tương lai hài hòa và phát triển cho thế hệ trẻ.
Nghị luận trình bày ý kiến về Hòa nhập chứ không hòa tan - Mẫu 5
Ngày nay, khi giới trẻ được làm quen và tiếp cận với những nền văn minh mới hiện đại và tiên tiến hơn thì vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trở nên cần thiết và cấp bách hơn bất cứ khi nào hết. Và vấn đề hội nhập văn hóa từ đó cũng được đặt ra.
Xã hội hiện nay đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, con người hòa nhập. Nhiều bản sắc bị mai một, giới trẻ ngày càng ít quan tâm, tìm hiểu về những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Thay vào đó, giới trẻ có xu hướng theo đuổi những và ưa chuộng những văn hóa của các nước khác.
Hậu quả của việc chạy theo những nền văn hóa khác nhau là những giá trị truyền thống tốt đẹp ngày càng bị mai một dần đi, nhiều bản sắc đã và đang dần mất đi. Nhiều đứa trẻ hiện nay không hiểu nền văn hóa truyền thống của đất nước mình bằng sự tân tiến của thế giới. Những điều này sớm muộn gì cũng khiến cho con người đánh mất đi giá trị cốt lõi của đất nước mình.
Để khắc phục tình trạng trên, trước hết mỗi cá nhân đặc biệt là học sinh chúng ta phải tìm hiểu những bản sắc văn hóa vốn có của dân tộc, giữ gìn và phát huy những giá trị đó với bạn bè năm châu. Bên cạnh đó, nhà trường cần tổ chức nhiều hơn những hoạt động để tuyên truyền, mang đến cho học sinh nguồn tri thức về bản sắc văn hóa dân tộc. Học sinh cần phải đặt trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc lên hàng đầu và tích cực trau dồi hiểu biết của mình về những giá trị văn hóa tốt đẹp của nước nhà. Hội nhập để vươn tầm quốc tế nhưng không đánh mất đi bản sắc văn hóa dân tộc, hòa nhập nhưng không được hòa tan.
Mỗi con người một hành động nhỏ sẽ đem lại những giá trị to lớn cho đất nước. Chính vì thế chúng ta cần có ý thức đúng đắn và bắt tay vào hành động để giữ gìn những truyền thống văn hóa đẹp đẽ của đất nước Việt Nam này, khiến đất nước ngày càng tươi đẹp hơn. Nhưng cũng không quên tiếp thu và chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại.
Nghị luận trình bày ý kiến về Hòa nhập chứ không hòa tan - Mẫu 6
Thế giới ngày càng vận động đến xu hướng hội nhập. Ảnh hưởng và giao lưu văn hóa ngày càng mạnh mẽ. Ngày nay chúng ta không thể không tiếp nhận văn hóa thế giới bởi lẽ nếu không tiếp nhận văn hóa thế giới thì tình trạng lạc hậu, chậm phát triển càng thêm trầm trọng và nặng nề. Điện thoại di động, máy vi tính, tivi cũng như rất nhiều những sản phẩm điện tử, công nghệ sinh học, hóa học, lý học đang tràn ngập thế giới và trở thành những điều không thể thiếu trong đời sống vật chất và tinh thần của con người Việt Nam. Bên cạnh mặt tốt bởi ích lợi của nó cũng biểu hiện rất nhiều lo ngại về ảnh hưởng mặt trái của nó. Một số biểu hiện cần phải được quan tâm suy ngẫm để làm sao những giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc văn hóa Việt Nam được lưu giữ, bảo tồn và phát huy trong đời sống của con người Việt Nam.
Ngày nay khi công nghiệp tác động mạnh mẽ vào đời sống thì nhiều văn hóa nghệ thuật của dân tộc không còn khả năng hấp dẫn, cuốn hút mạnh mẽ. Thanh niên và cả tầng lớp trung lưu không còn thích xem tuồng, chèo, hát ca trù… Chiếc áo dài tân thời - sản phẩm văn hóa mặc kết hợp cả văn hóa mặc Đông - Tây đã và đang là vẻ đẹp văn hóa mặc mang bản sắc Việt Nam cũng cần phải được nhận thức và giữ gìn. Do điều kiện sinh hoạt vật chất ngày nay tốt hơn nên nhiều phụ nữ không được mảnh mai và vì vậy không thích mặc áo dài ngay cả những ngày lễ, tết.
Giữ gìn bản sắc văn hóa không có nghĩa là loại bỏ các yếu tố văn hóa ngoại lai. “Bảo tồn bản sắc văn hóa” khác với “bảo vệ bản sắc văn hóa”. “Bảo tồn bản sắc văn hóa” là giữ để cho không mất đi, còn “bảo vệ bản sắc văn hóa” là giữ không để cho xâm phạm. “Bảo tồn” không có nghĩa là chỉ giữ lấy mà còn phải làm cho nó phát triển lớn mạnh hơn, giàu có hơn và vẫn được bổ sung các yếu tố mới. Trong việc bảo tồn và phát triển cũng đòi hỏi phải biết lựa chọn, sàng lọc. Các yếu tố văn hóa bản địa trước đây đã từng dùng hợp với các yếu tố văn hóa ngoại nhập nhưng vẫn tạo ra những nét văn hóa bản sắc. Vấn đề là phải dung hợp như thế nào và điều đó phải trở thành nhận thức, ý thức thường trực trong tiếp nhận và sử dụng. Thực tế cho thấy nhiều người có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam rất quan ngại khi các yếu tố văn hóa ngoại nhập đã làm xâm phạm và làm lu mờ những giá trị văn hóa truyền thống. Gần đây trang phục và diễn xuất của nhiều ca sĩ, diễn viên trên sân khấu đã tạo ra sự phản cảm, trở thành một vấn đề nhức nhối khiến cho một bộ phận không nhỏ khán giả quay lưng với nghệ thuật sân khấu. Người Việt Nam thừa nhận và tiếp nhận cái tinh túy, đẹp đẽ của vũ Ba lê, của nhạc Rock, của kịch nói, của nghệ thuật điện ảnh nhưng không chấp nhận phim ảnh khiêu dâm cùng những trò chơi bạo lực trên máy tính.
Giữ gìn bản sắc văn hóa là một yêu cầu vừa lâu dài vừa cấp thiết. Có lẽ trước hết mỗi cá nhân phải nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc văn hóa theo đúng cách nghĩ: mọi cái sẽ đi qua, cái còn lại của mỗi dân tộc là văn hóa. Xã hội và nhà trường phải tăng cường giáo dục để mọi công dân hiểu được những giá trị, những biểu hiện truyền thống văn hóa… Hiểu được chỗ hay và biết cách thưởng thức, thanh niên sẽ bớt thờ ơ với các loại hình sân khấu truyền thống của Việt Nam mà thế giới đang hết lời ca ngợi như chèo, tuồng, múa rối nước, cải lương… Biết được lý do tồn tại và phạm vi sử dụng của một hiện tượng văn hóa nước ngoài, thanh niên sẽ không học đòi chạy theo đến mức mù quáng. Hiểu được về văn hóa sẽ hạn chế được hàng loạt sai sót đáng tiếc xảy ra khá thường xuyên trong cuộc sống và trên các báo đài
Vấn đề hội nhập văn hóa là mối quan tâm của toàn xã hội, khi vừa đáp ứng bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại. Hội nhập để mang bản sắc văn hóa dân tộc đến với các quốc gia trên thế giới, để quảng bá hình ảnh Việt Nam tươi đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Chứ không phải chạy theo lối sống sính ngoại mà đánh mất đi những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc. Đó mới là hội nhập đúng nghĩa.
Nghị luận trình bày ý kiến về Hòa nhập chứ không hòa tan - Mẫu 7
Bước vào thế kỉ XXI, Việt Nam từng bước tiến gần hơn với hội nhập sâu rộng quốc tế với các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh đó, nhiều vấn đề được đặt ra trong đó có vấn đề văn hóa hội nhập. Người ta lo ngại rằng bản sắc văn hóa dân tộc sẽ bị mai một theo thời gian và cần có những hướng đi đúng đắn để vừa bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vừa tiếp thu, chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại.
Trong bối cảnh hòa nhập vào nền kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập quốc tế hiện nay, vai trò vị trí của bản sắc văn hóa dân tộc càng được khẳng định hơn nữa và gắn bó mật thiết với trách nhiệm của thế hệ trẻ. Là những chủ nhân tương lai của đất nước, thế hệ thanh thiếu niên học sinh Việt Nam đã và đang phát huy bản sắc dân tộc bằng những việc làm tích cực. Mặc dù có sự du nhập và tác động từ văn hóa nước ngoài nhưng không ít bạn trẻ vẫn tìm về với những giá trị truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc như những trò chơi dân gian, những loại hình văn hóa dân gian như ca trù, nhã nhạc cung đình,..., đặc biệt là không ngần ngại quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra thế giới. Trong phần thi về Trang phục dân tộc, Hoa hậu H'Hen Niê đã tỏa sáng với bộ quốc phục được lấy cảm hứng từ những chiếc bánh mì, mang theo niềm tự hào về thành tựu nông nghiệp của nước ta trên đấu trường nhan sắc quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong xã hội hiện nay, chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp những thanh niên với lối sống xa rời bản sắc dân tộc. Họ thờ ơ với những giá trị truyền thống ở cả vật chất cũng như tinh thần; và đề cao những giá trị văn hóa du nhập ở nước ngoài qua sự thần tượng, sính ngoại vượt ngưỡng cho phép. Chẳng hạn như việc các bạn trẻ vô tư sử dụng những ngôn từ nước ngoài xen kẽ vào tiếng Việt, tạo nên những cách diễn đạt khó hiểu và ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt. Những hành động đó đã vô tình tác động xấu đến việc duy trì, phát huy nền văn hóa dân tộc.
Thế hệ trẻ cần ý thức được vai trò, ý nghĩa của bản sắc dân tộc để nâng cao tinh thần gìn giữ những giá trị tốt đẹp này. Đồng thời, cần rèn luyện lối sống, những hành động tích cực phù hợp với những truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc, bảo lưu, phát huy những giá trị riêng đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng ta còn cần lên án, phê phán những hành vi làm mai một bản sắc dân tộc, và có thái độ đấu tranh mạnh mẽ để bài trừ và tẩy chay những hoạt động văn hóa không lành mạnh đang lan truyền với tốc độ chóng mặt trong xã hội hiện nay.
Như vậy, thế hệ trẻ là tầng lớp có vai trò, ý nghĩa to lớn trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vừa là những công dân toàn cầu xây dựng đất nước phát triển. Là những học sinh được sinh ra và lớn lên trong cái nôi của bản sắc dân tộc, chúng ta cần nỗ lực, cố gắng trong học tập, lao động để trở thành những công dân tốt, góp phần xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.