Tailieumoi.vn biên soạn và giới thiệu bộ câu hỏi ôn tập phần tiếng Việt lớp 5 (cả 3 bộ sách) có lời giải chi tiết, bám sát chương trình học trên trường; giúp học sinh ôn tập và bổ sung kiến thức cũng như hoàn thành tốt các bài kiểm tra môn Tiếng Việt lớp 5. Mời các bạn đón xem:
Bộ 500 câu hỏi ôn tập phần tiếng Việt lớp 5 (có lời giải chi tiết)
Câu hỏi: Tìm câu ghép trong đoạn văn dưới đây và xác định các vế trong mỗi câu ghép.
(1) Chúng tôi đi chăn trâu, ngày nào cũng qua suối. (2) Cỏ gần nước tươi tốt nên trâu ăn cỏ men theo bờ suối, rồi mới lên đồi, lên núi. (3) Chiều về, đàn trâu no cỏ đằm mình dưới suối, chúng tôi tha thẩn tìm những viên đá đẹp cho mình.
(Theo Văn Thành Lê)
Lời giải:
– Câu ghép trong đoạn văn dưới là:
+ Cỏ gần nước tươi tốt nên trâu ăn cỏ men theo bờ suối, rồi mới lên đồi, lên núi;
Vế 1 trong câu là: Cỏ gần nước tươi tốt
Vế 2 trong câu là: trâu ăn cỏ men theo bờ suối, rồi mới lên đồi, lên núi
+ Chiều về, đàn trâu no cỏ đằm mình dưới suối, chúng tôi tha thẩn tìm những viên đá đẹp cho mình.
Vế 1 trong câu là: Chiều về, đàn trâu no cỏ đằm mình dưới suối
Vế 2 trong câu là: chúng tôi tha thẩn tìm những viên đá đẹp cho mình.
Tìm hiểu thêm về câu ghép:
a. Khái niệm:
- Câu ghép là câu do nhiều vế câu ghép lại.
- Mỗi vế câu ghép thường có cấu tạo giống một câu đơn (có đủ chủ ngữ, vị ngữ) và thể hiện một ý có quan hệ chặt chẽ với ý của những vế câu khác.
Ví dụ:
+ Vì trời đổ mưa nên chuyến đi của lớp Lan đành phải hoãn lại.
→ Đây là câu ghép do hai vế câu đơn ghép lại
+ Trời đổ nắng to, mẹ đội nắng phơi thóc ngoài sân, bố gánh lúa từ ngoài đồng về, còn Nam thì vẫn ung dung ngồi quạt mát trong nhà.
→ Đây là câu ghép do 4 vế câu đơn ghép lại.
b. Cách nối các vế câu ghép:
Có 2 cách nối các vế trong câu ghép:
* Nối bằng những từ có tác dụng nối: Các vế câu trong câu ghép có thể được nối với nhau bằng một quan hệ từ hoặc một cặp quan hệ từ.
* Nối trực tiếp (không dùng từ nối). Trong trường hợp này, giữa các vế câu cần có dấu phẩy, dấu chấm phẩy hoặc dấu hai chấm.
c. Ví dụ:
- Nối các vế trong câu ghép bằng những từ có tác dụng nối: quan hệ từ hoặc cặp quan hệ từ:
+ Những quan hệ từ thường được dùng là:và, rồi, thì, nhưng, hay, hoặc,….
Mình đi siêu thị hay bạn đi ra chợ?
+ Những cặp quan hệ từ thường được dùng là:
++ vì… nên….; do…. nên….; nhờ….mà…. : Nhờ Minh giảng giải mà Lan đã giải xong bài toán đố.
++ nếu…thì…; giá….thì…; hễ….thì….: Giá Long chăm học hơn nữa thì kết quả đã không thấp thế này.
++ tuy….nhưng….; mặc dù….nhưng ….: Mặc dù trời mưa nhưng cuộc họp vẫn sẽ được tổ chức.
++ chẳng những…. mà……; không chỉ….. mà……: Chẳng những Tuấn lười học mà cậu ta còn hỗn láo nữa.
+ Những cặp từ hô ứng cũng thường được dùng:
++ vừa … đã; chưa … đã; mới… đã; vừa … vừa; càng … càng; đâu … đấy; nào … ấy; sao … vậy; bao nhiêu … bấy nhiêu: Trời càng mưa nhiều, đường càng lầy lội.
Nó học chăm học bao nhiêu thì em nó lại lười học bấy nhiêu.
- Nối trực tiếp (không dùng từ nối). Trong trường hợp này, giữa các vế câu cần có dấu phẩy, dấu chấm phẩy hoặc dấu hai chấm:
+ Trong vườn, hoa lặng lẽ tỏa hương, những chú ong thầm lặng hút mật đem lại ngọt bùi cho đời.
→ Hai vế “hoa lặng lẽ tỏa hương” và “những chú ong thầm lặng hút mật đem lại ngọt bùi cho đời” được nối với nhau bằng dấu phẩy.
+ Cảnh tượng xung quanh tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay, tôi đi học.
→ Hai vế “Cảnh tượng xung quanh tôi đang có sự thay đổi lớn” và “Hôm nay, tôi đi học” được nối với nhau bởi dấu hai chấm.
+ Kia là hoa hồng đang lặng lẽ tỏa hương; đây là hoa lan đang vươn mình trong nắng mới; xa xa là hoa cúc đang rung rinh trong những cơn gió đang về.
→ Ba vế “Kia là hoa hồng đang lặng lẽ tỏa hương”, “đây là hoa lan đang vươn mình trong nắng mới” và “xa xa là hoa cúc đang rung rinh trong những cơn gió đang về” được nối với nhau bởi dấu chấm phẩy.