TOP 10 bài Nghị luận về Tình trạng học đối phó 2025 SIÊU HAY

356

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Nghị luận về Tình trạng học đối phó Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo, gồm dàn ý và các bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo từ đó học cách viết văn hay hơn.

Nghị luận về Tình trạng học đối phó

Đề bài: Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết - Tình trạng học đối phó.

10+ Viết bài nghị luận để gửi đăng diễn đàn Giúp nhau tiến bộ

Dàn ý Nghị luận về Tình trạng học đối phó

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Hiện tượng học qua loa đối phó của học sinh hiện nay.

Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào khả năng của mình.

2. Thân bài

a. Thực trạng

- Tình trạng lười học của học sinh ngày nay càng ngày càng phổ biến và dễ dàng nhận ra.

- Nhiều học sinh có cách học qua loa, đối phó, học cho có, học để qua mắt thầy cô, để thầy cô không khiển trách.

- Bài tập được giao về nhà các em không giải mà chỉ đi chép hoặc làm qua loa, gian lận trong thi cử…

b. Nguyên nhân

- Chủ quan: do ý thức học tập của một số bạn còn kém, các bạn chưa nhận ra được tầm quan trọng của việc học, do bản tính còn ham chơi,…

- Khách quan: thầy cô cho khối lượng bài tập rất nhiều và khó khiến các bạn không làm kịp nhưng vẫn phải nộp; do bố mẹ kì vọng cao, muốn con em mình học nhiều hơn nữa,…

c. Hậu quả

- Chất lượng giáo dục ngày càng đi xuống, các em học sinh không tiếp thu được nhiều kiến thức.

- Gây ra những thói quen xấu cho học sinh: ỷ lại, chép bài, gian lận trong thi cử,…

- Nền giáo dục ngày càng đi xuống.

d. Giải pháp

- Mỗi học sinh cần có tinh thần tự giác trong học tập, cố gắng tìm tòi học hỏi, không dựa dẫm vào người khác, hạn chế tối đa những hành vi không tốt trong học tập và thi cử.

- Gia đình không nên bắt em con em mình học tập quá sức hoặc quá đặt nặng thành tích lên con mình.

- Nhà trường và các thầy cô giáo cần ra lượng bài tập hợp lí, không quá nhiều đồng thời có những biện pháp nghiêm khắc đối với những trường hợp đối phó trong học tập của học sinh.

3. Kết bài

- Khái quát lại vấn đề nghị luận: Hiện tượng học qua loa đối phó của học sinh hiện nay đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.

Nghị luận về Tình trạng học đối phó - Mẫu 1

Bể học vô bờ, nhưng thiết nghĩ nếu bạn học tập với một tinh thần hăng say, nhiệt tình, nghiêm túc thì bạn cũng sẽ gặt hái được thành công mà thôi. Chính vì thế, việc ta học đối phó sẽ gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Bạn có suy nghĩ sao về vấn đề này, hãy cùng tôi tìm hiểu nhé.

Học đối phó là ý thức học tập thiếu trách nghiệm, sự nghiêm túc và hăng say, chỉ đi học vì bố mẹ ép buộc hoặc vì mong muốn của gia đình mà thôi. Người học đối phó luôn có tâm lí chán nản, mệt mỏi khi phải làm theo sự chỉ dẫn của người khác và mất đi mục đích ý nghĩa của việc học chân chính. Hiện nay ở nước ta tình trạng học đối phó diễn ra khá nghiêm trọng và phổ biến khiến cho ngành giáo dục và gia đình học sinh gặp nhiều phiền muộn trong việc nâng cao tinh thần, ý thức trách nghiệm của việc học tập đối với học sinh. Khi học đối phó sẽ gây ra cảm giác chán nản, mệt mỏi và căng thẳng cho người học. Người học đối phó bị mất đi niềm say mê và hứng thú học tập sẽ khiến cho thái độ học vô trách nghiệm, bất cần dẫn đến kết quả học tập sa sút. Nhưng đâu chỉ riêng người học bị ảnh hưởng mà thay vào đó, những yếu tố kéo theo cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Tuy chỉ là học đối phó những bạn cũng phải đầu tư tiền bạc, mồ hôi công sức của bố mẹ cho việc đóng học phí. Vậy thì chẳng phải bạn đã tự làm hủy hoại công sức của bố mẹ mình hay sao. Hơn nữa khi học đối phó, kiến thức được tiếp thu một cách thụ động, nông cạn và không giá trị, người học dẫn dần vì thế mà cảm thấy chán nản, buông xuôi, dẫn đến hành động tiêu cực. Học đối phó là sự ảnh hưởng đến không chỉ cá nhân mà còn tập thể. Chúng ta, những mầm non tương lai của đất nước, là nguyên khí quốc gia, nếu ngay cả chúng ta là lực lượng nòng cốt của dân tộc còn có thái độ vô trách nhiệm với chính mình, gia đình mình thì tương lai đất nước sẽ trông chờ vào đâu. Chúng ta chỉ biết nghĩ về bản thân nhưng quên mất rằng mỗi chúng ta là một mắt xích quan trọng trong sự tiến bộ và phát triển chung của dân tộc và nhân loại. Đời người chỉ sống có một lần, hãy sống sao cho khỏi phải ân hận, xót xa vì năm tháng sống hoài, sống phí. Những năm tháng còn đi học, còn cắp sách đến trường chẳng phải là tuổi trẻ, tuổi thanh xuân chẳng thắm lại hai lần đó ư? Vậy thì còn gì ý nghĩa và cao quý hơn là việc học để khẳng định giá trị sự tồn tại của bản thân, để góp phần vào sự tiến bộ, văn minh chung của nhân loại. Người không học đối phó sẽ tìm thấy cho mình trách nghiệm và mục đích phấn đấu, từ đó không ngừng vượt qua chính mình để phát triển và nâng cao bản thân. Nếu không có thái độ học tập nghiêm túc, dần dần bạn cũng chỉ như con thiêu thân lao vào vùng cấm đen tối và tù đọng, tự mình tìm cách buộc dây mình mà thôi. Sự học chưa và không bao giờ là dễ dàng, vì thế để có thể học tập hiệu quả và đúng đắn thì mỗi người cần tự rèn luyện cho mình một nhân cách bản lĩnh, thái độ nghiêm túc trong học tập. Chính lòng nhiệt tình và sự hăng say sẽ là động lực để bạn chiến thắng chính mình. Hãy dùng kiến thức của mình tích lũy được và vun đắp nên truyền thống và bề dày hiếu học của cha ông, làm giàu có chính mình và phát triển non sông sánh vai với các cường quốc năm châu bạn nhé.

Ngay bây giờ, hãy đứng lên và hành động có trách nhiệm. Bằng cách học tập và cống hiến hết mình cho tổ quốc thân yêu để khẳng định và tỏa sáng chính mình, vì điều làm nên sự khác biệt giữa con người với con người chính là tri thức.

Nghị luận về Tình trạng học đối phó - Mẫu 2

Xã hội ngày càng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kéo theo đó là nhiều nỗi lo về sự gia tăng của những tệ nạn, vấn nạn ngày càng diễn biến phức tạp. Một trong những vấn đề nóng bỏng nhận được sự quan tâm của toàn dư luận hiện nay chính là hiện tượng học qua loa đối phó của học sinh hiện nay.

Thực trạng dễ dàng nhận thấy đó là tình trạng lười học của học sinh ngày nay càng ngày càng phổ biến và dễ dàng nhận ra. Nhiều học sinh có cách học đối phó, học cho có, học để qua mắt thầy cô, để thầy cô không khiển trách chứ trong suy nghĩ của các bạn chưa thực sự coi trọng việc học. Những bài tập được giao về nhà các bạn không giải mà chỉ đi chép hoặc làm qua loa, thậm chí là sẵn sàng gian lận trong thi cử…

Nguyên nhân của hiện tượng này trước hết phải kể đến ý thức chủ quan của mỗi người: do ý thức học tập của một số bạn còn kém nhưng muốn thành tích cao. Đôi khi còn là do các bạn chưa nhận ra được tầm quan trọng của việc học, do bản tính còn ham chơi,… Nguyên nhân khách quan phải nhắc đến là do thầy cô cho khối lượng bài tập rất nhiều và khó khiến các bạn không làm kịp nhưng vẫn phải nộp; do bố mẹ kì vọng cao, muốn con em mình học nhiều hơn nữa,…

Hậu quả của việc học qua loa đối phó vô cùng nghiêm trọng. Đầu tiên phải kể đến chính là việc chất lượng giáo dục ngày càng đi xuống, các em học sinh không tiếp thu được nhiều kiến thức quý báu. Bên cạnh đó, hiện tượng này còn gây ra những thói quen xấu cho học sinh: ỷ lại, chép bài, gian lận trong thi cử,… Và một hậu quả chung mà ai cũng có thể nhìn thấy đó là việc nền giáo dục ngày càng đi xuống.

Để khắc phục hiện trạng này, trước hết, mỗi học sinh cần có tinh thần tự giác trong học tập, cố gắng tìm tòi học hỏi, không dựa dẫm vào người khác, hạn chế tối đa những hành vi không tốt trong học tập và thi cử. Bên cạnh đó, gia đình không nên bắt em con em mình học tập quá sức hoặc quá đặt nặng thành tích lên con mình. Ngoài ra, nhà trường và các thầy cô giáo cần ra lượng bài tập hợp lí, không quá nhiều đồng thời có những biện pháp nghiêm khắc đối với những trường hợp đối phó trong học tập của học sinh.

Hiện tượng học qua loa đối phó của học sinh hiện nay không còn quá xa lạ trong cuộc sống. Biết rằng chúng chỉ mang lại những tác hại, nên mỗi chúng ta hãy cùng chung tay, góp sức để hạn chế việc học đối phó vừa để khiến bản thân mình phát triển hơn, vừa góp sức giúp đất nước và xã hội phát triển bền vững.

10+ Nghị luận về Tình trạng học đối phó (điểm cao)

Nghị luận về Tình trạng học đối phó - Mẫu 3

Học đối phó là một trong những mối quan tâm được đặt lên hàng đầu không chỉ với nhà trường mà còn ở trong ngành giáo dục Việt Nam. Hiện tượng này hiện vẫn đang tồn tại và lan rộng ra.

Học đối phó được hiểu là một cách học của học sinh nhằm mục đích qua một kì thi hoặc một môn học nào đó. Tuy nhiên những kiến thức học sinh đó tiếp thu được là rất ít, hoặc gần như là không có.

Xét về một khía cạnh nào đó, nó đem lại những lợi ích nhất thời với học sinh. Học sinh sẽ chỉ cần dành khoảng thời gian ngắn cho việc học mà vẫn đạt một mức điểm vừa đủ để bản thân không bị đánh trượt môn. Tuy nhiên về lâu dài, nó là một phương pháp học tiêu cực. Lượng kiến thức của học sinh khi ngồi trên ghế nhà trường sẽ bị thu hẹp và hạn chế. Khi nó trở thành một thói quen, đặc biệt là ngay từ những kiến thức nền tảng, thì sau này học chuyên sâu, học sinh đó sẽ khó nắm bắt được một cách tối đa. Hệ quả là, với kinh nghiệm non yếu cùng với kiến thức kém học sinh đó sẽ gặp vô vàn khó khăn khi bước vào đời.

Lí do dẫn đến hiện tượng này có thể là do thực trạng của việc học quá tải. Sau một ngày học hành vất vả tại trường, các phụ huynh còn cho con em tham gia các lớp học phụ đạo, đi học thêm, học gia sư,… Việc học dàn trải, học nhiều khiến học sinh không có nhiều thời gian để hoàn thành bài tập, tiếp thu kiến thức. Bên cạnh đó, là ý thức của chính mỗi bản thân người học sinh. Việc ham chơi, ưa tụ tập bạn bè… dẫn tới việc học sinh không muốn dành nhiều thời gian cho việc học. Hơn nữa, không tự xác định được học để làm gì và học như thế nào khiến học sinh lâm vào cảnh chán học và học không có mục đích.

Để có thể giải quyết một cách triệt để được những hiện tượng trên, thì ngay từ phía phụ huynh cần có những định hướng, quan tâm nhiều hơn về việc học hành cho con em mình. Ngoài ra, học cũng nên cho con em mình những khoảng thời gian riêng cho những hoạt động ngoại khóa. Phía nhà trường cũng cần có những biện pháp làm giảm tải áp lực thi cử cho học sinh.

Học sinh là thế hệ trẻ, là tương lai của đất nước. Việc ngăn chặn, bài trừ học đối phó là góp phần cho đất nước phát triển giàu mạnh, có thể sánh ngang cùng bạn bè quốc tế.

Nghị luận về Tình trạng học đối phó - Mẫu 4

"Sự thiếu kiến thức không đáng xấu hổ bằng việc từ chối học hỏi". Quả đúng như vậy, nếu bạn không sẵn lòng học hỏi, chắc chắn bạn sẽ bị tụt lại phía sau trong thế giới hiện đại. Tuy nhiên, hiện tượng học đối phó đang trở nên phổ biến đối với học sinh ở mọi cấp và đã để lại nhiều hậu quả xấu, ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thống giáo dục của quốc gia.

Học tập là nền tảng vững chắc nhất để đưa bạn tới thành công. Học tập không chỉ đơn thuần là nhận thông tin từ sách vở, mà còn là quá trình kết hợp giữa "học" và "hành". Nếu bạn chỉ coi việc học là cách để đạt điểm cao, mà không quan tâm đến việc hiểu và thực hành, thì đó là một điều đáng tiếc vì đó chính là học đối phó. "Học đối phó" là học với thái độ chống đối, chỉ đơn thuần học để hoàn thành, không có đam mê hay hứng thú với việc học. Học đối phó khiến học sinh trở nên lười suy nghĩ và ảnh hưởng đến khả năng tư duy. Vì vậy, khi đối mặt với các bài thi khó, những người có thói quen học đối phó thường trở nên bối rối và không thể tập trung để làm bài, dẫn đến kết quả thi khác hoàn toàn so với kết quả kiểm tra hàng ngày.

Người học đối phó là những người không trung thực trong học tập, không tự giác làm bài khi được giao mà chỉ chờ đợi để sao chép từ bạn bè hoặc tìm lời giải trên mạng để đạt điểm số cao. Hơn nữa, những người học đối phó còn thiếu nghiêm túc trong lớp học, học một cách thụ động hoặc dành thời gian riêng trong lớp, khiến khi bị giáo viên gọi lên trả lời câu hỏi, họ phải nhờ sự giúp đỡ từ bạn bè xung quanh. Học đối phó sẽ khiến học sinh ngày càng dựa vào tài liệu có sẵn mà không chịu tư duy. Hơn nữa, học đối phó còn làm giảm chất lượng giáo dục của trường học, vì không thể đánh giá đúng năng lực thực tế của học sinh, giáo viên khó nhận biết được những điểm yếu kiến thức để giảng dạy chi tiết, dẫn đến sự lớn lên của những khoảng trống kiến thức của người học.

Một nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng học chống đối là do ý thức tự giác trong học tập của một số học sinh chưa cao. Họ thiếu mục tiêu học tập rõ ràng, dễ nản chí khi gặp phải những bài tập khó mà không nỗ lực tìm giải pháp. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khách quan từ phía gia đình và nhà trường góp phần tạo ra sự chống đối trong học tập. Áp lực về điểm số từ gia đình đã trở thành rào cản khiến học sinh cảm thấy chán nản, bởi vì các bậc phụ huynh đều mong muốn con cái của mình thành công, nhưng lại ép buộc con học mà không để thời gian nghỉ ngơi. Đối với nhà trường, việc không xử lý triệt để khi học sinh chống đối hoặc giao quá nhiều bài tập về nhà cũng làm nhiều học sinh nản chí và chỉ muốn chép bài để hoàn thành nhanh.

Vì vậy, để khắc phục tình trạng học chống đối và đưa Việt Nam trở thành một cường quốc như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, mỗi học sinh cần có thái độ nghiêm túc trong học tập, xác định mục tiêu và kế hoạch học tập rõ ràng. Họ cần nhận thức về tầm quan trọng của việc tự học để đạt hiệu quả học tập tối đa, không chỉ là những điểm số trên giấy. Chúng ta cần tự chuẩn bị và làm bài tập trước khi đến lớp để tự tin thể hiện kết quả của mình. Sự quan tâm, giám sát và sự hỗ trợ từ gia đình và nhà trường cũng là yếu tố quan trọng để giúp học sinh cảm thấy học không còn là gánh nặng mỗi khi đến trường.

Tại sao quá trình "trồng người" lại mất hàng thế kỷ? Bởi vì con người là những chủ nhân xây dựng đất nước. Một quốc gia phát triển phụ thuộc vào hệ thống giáo dục phát triển nhằm đào tạo nhiều tài năng ở nhiều lĩnh vực. "Cây trồng kiến thức có mùi vị đắng nhưng quả ngọt ngào" nên chúng ta cần cố gắng trau dồi kiến thức, chăm chỉ học tập để thu hoạch những thành tựu ngọt ngào trong cuộc sống.

Nghị luận về Tình trạng học đối phó - Mẫu 5

Học tập là quá trình không ngừng nỗ lực của con người. Vì vậy, những thái độ học tập không đúng đắn sẽ dẫn đến thất bại và sai lầm. Học đối phó là một thái độ học tập tồi tệ, gây nhiều hậu quả đáng tiếc. Đó là việc chỉ học vì điểm số, mà không thực sự nắm vững kiến thức. Khi học đối phó, con người chỉ quan tâm đến lợi ích ngắn hạn, không đạt được sự hiểu biết và kỹ năng thực sự. Ngoài ra, khi học đối phó, chúng ta sẽ không bao giờ đạt được thành tựu trong học tập. Học đối phó là nền tảng và nguồn gốc của sự va chạm xã hội, luôn chỉ tìm cách đối phó và lách qua. Rất khó để thành công khi chúng ta duy trì thái độ sống như vậy. Nếu chỉ học vì thi, chỉ học vì điểm số, thậm chí sử dụng phao và gian lận để có con số trên giấy, chúng ta sẽ không bao giờ biết được khả năng thực sự của bản thân. Nếu chúng ta không thay đổi bản thân, cuộc sống này chỉ là một vở kịch của sự đối phó, những hành động xấu xa và bóng tối.

Nghị luận về Tình trạng học đối phó - Mẫu 6

Học sinh - chìa khóa cho tương lai thịnh vượng của đất nước. Sự phát triển của quốc gia phụ thuộc vào sự nỗ lực học tập của thế hệ học sinh ngày nay. Tuy nhiên, một vấn đề đáng buồn là sự xuất hiện của tình trạng học đối phó trong học sinh hiện tại. Học đối phó đề cập đến việc học sinh chỉ học và lắng nghe giảng bài theo cách ép buộc, chỉ nhằm vượt qua kì thi hoặc bài kiểm tra mà không tiếp thu kiến thức và rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Điều này là hiện tượng xấu thường xuyên xảy ra trong môi trường học tập và rất khó kiểm soát. Dễ dàng nhìn thấy những học sinh nói chuyện hoặc làm việc riêng trong lớp mà không tập trung vào học. Có nhiều bạn học sinh vì ham chơi nên bỏ bê học tập, chỉ khi đến gần kỳ thi hoặc bài kiểm tra mới vội vàng học để qua môn. Tình trạng học đối phó này xuất phát từ ý thức tự giác của học sinh. Họ chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học và chưa có ý thức học tập tốt, mà thay vào đó mải mê theo đuổi niềm vui cá nhân. Học đối phó cũng phần nào do lượng bài tập và kiến thức áp lên học sinh quá nhiều, khiến họ không có đủ thời gian để học một cách kỹ lưỡng và sâu sắc, từ đó dẫn đến tình trạng học đối phó. Học đối phó cũng khiến con người thiếu kiến thức vì không thấu hiểu và tiếp thu sâu rộng bất kỳ môn học nào. Hơn nữa, học đối phó dẫn đến sự suy giảm và yếu kém trong quá trình học tập. Điều này không chỉ có tác động tiêu cực đến bản thân mỗi cá nhân, mà còn tạo ra những hệ lụy ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và xã hội, bởi vì mỗi học sinh ngồi trên ghế nhà trường là tương lai của đất nước. Hiểu được tầm quan trọng của việc học đối với bản thân và xã hội, chúng ta, những người trẻ, hãy cố gắng hết sức trong quá trình học tập, vươn lên trong công việc và cuộc sống, để trở thành những công dân tốt, đóng góp cho xã hội.

Đánh giá

0

0 đánh giá