TOP 10 Câu lạc bộ truyền thống của trường tổ chức diễn đàn Giúp nhau tiến bộ

365

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Câu lạc bộ truyền thống của trường tổ chức diễn đàn Giúp nhau tiến bộ Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo, gồm dàn ý và các bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo từ đó học cách viết văn hay hơn.

Câu lạc bộ truyền thống của trường tổ chức diễn đàn Giúp nhau tiến bộ

Đề bài: Câu lạc bộ truyền thống của trường tổ chức diễn đàn Giúp nhau tiến bộ, đăng những bài viết đề xuất giải pháp cho các vấn đề mà học sinh thường gặp phải. Em hãy chọn một vấn đề mà mình quan tâm, viết bài văn nghị luận để gửi đăng ở diễn đàn này.

TOP 10 Câu lạc bộ truyền thống của trường tổ chức diễn đàn Giúp nhau tiến bộ (ảnh 1)

Dàn ý Câu lạc bộ truyền thống của trường tổ chức diễn đàn Giúp nhau tiến bộ

a. Mở bài

- Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: hiện tượng gian lận trong thi cử của học sinh.

b. Thân bài

- Giải thích

+ Hiện tượng gian lận trong thi cử: là những hành vi vi phạm quy chế của các bạn học sinh trong các kì thi, làm những việc bị cấm như: mang tài liệu vào phòng thi, quay cóp, trao đổi bài,… Đây là những hành động tiêu cực mà chúng ta cần phải tẩy chay, phê phán.

- Nguyên nhân

+ Chủ quan: các em học sinh lười học, không có ý thức học tập nhưng vẫn muốn được điểm cao hoặc bị bệnh thành tích.

+ Khách quan: đề thi dài và khó, thầy cô và gia đình tạo áp lực về thành tích,…

- Hậu quả

+ Tạo thói quen xấu, đức tính xấu cho các em, ảnh hưởng đến quá trình làm người của các em.

+ Nhiều thành tích ảo cũng từ đó mà hình thành, điểm số không đánh giá được đúng năng lực của học sinh.

- Giải pháp khắc phục

+ Bản thân mỗi người học sinh cần phải tự có ý thức học tập, thực hiện nghiêm túc nội quy thi cử, không gian lận trong thi cử.

+ Gia đình cần dạy dỗ các em đức tính trung thực, không tạo áp lực cho các em và không đặt nặng bệnh thành tích.

+ Nhà trường cần đưa ra đề thi hợp lí, phổ biến nội quy thi cử và xử lí nghiêm khắc các trường hợp vi phạm để răn đe.

c. Kết bài

- Khái quát lại vấn đề nghị luận: hiện tượng gian lận trong thi cử, đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.

Câu lạc bộ truyền thống của trường tổ chức diễn đàn Giúp nhau tiến bộ - Mẫu 1

Trong xã hội hiện đại, áp lực học tập đã trở thành một vấn đề đáng lo ngại đối với nhiều học sinh. Áp lực này không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập mà còn gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh. Vậy nguyên nhân của áp lực học tập là gì và làm thế nào để giảm bớt áp lực này?

Trước hết, chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan về nguyên nhân gây ra áp lực học tập. Một trong những nguyên nhân chính là kỳ vọng quá cao từ phía gia đình và xã hội. Nhiều bậc phụ huynh mong muốn con em mình đạt thành tích cao, thi đỗ vào các trường đại học danh tiếng để có tương lai tốt đẹp hơn. Điều này vô tình tạo ra một gánh nặng lớn cho học sinh, khiến họ cảm thấy áp lực và lo lắng mỗi khi không đạt được kết quả như mong đợi.

Thứ hai, hệ thống giáo dục hiện nay với khối lượng kiến thức đồ sộ và phương pháp dạy học chưa thực sự linh hoạt cũng là một nguyên nhân gây ra áp lực. Học sinh phải học nhiều môn, ôn luyện nhiều đề thi, tham gia các lớp học thêm ngoài giờ để theo kịp chương trình. Điều này không chỉ làm cho thời gian học tập kéo dài mà còn khiến học sinh mất đi cơ hội thư giãn và phát triển các kỹ năng mềm cần thiết.

Thứ ba, môi trường học tập cạnh tranh cũng là yếu tố góp phần gia tăng áp lực. Học sinh thường xuyên phải đối mặt với sự so sánh từ bạn bè và thầy cô. Việc bị so sánh về điểm số, thành tích học tập có thể gây ra cảm giác tự ti, lo lắng và thậm chí là stress.

Để giảm bớt áp lực học tập, trước hết cần có sự thay đổi từ phía gia đình và xã hội. Các bậc phụ huynh nên hiểu rằng mỗi đứa trẻ có một khả năng và sở thích riêng. Thay vì đặt nặng vấn đề điểm số, cha mẹ nên động viên, khích lệ con em mình phát triển toàn diện cả về kiến thức lẫn kỹ năng sống. Điều này không chỉ giúp học sinh cảm thấy thoải mái hơn mà còn giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống.

Ngoài ra, hệ thống giáo dục cũng cần có những cải cách để giảm bớt gánh nặng cho học sinh. Việc tinh giản chương trình học, áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại, linh hoạt sẽ giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả hơn. Đồng thời, các trường học cũng nên tạo ra môi trường học tập thân thiện, không có sự so sánh, cạnh tranh quá mức giữa các học sinh.

Cuối cùng, học sinh cũng cần biết cách quản lý thời gian và áp lực học tập. Việc lập kế hoạch học tập khoa học, phân bổ thời gian hợp lý giữa học tập và nghỉ ngơi sẽ giúp giảm bớt căng thẳng. Học sinh cũng nên tham gia các hoạt động ngoại khóa, thể dục thể thao để giải tỏa stress và phát triển toàn diện.

Tóm lại, áp lực học tập là một vấn đề cần được quan tâm và giải quyết một cách triệt để. Để làm được điều này, cần có sự chung tay từ phía gia đình, nhà trường và xã hội. Chỉ khi đó, học sinh mới có thể học tập hiệu quả, phát triển toàn diện và tự tin bước vào tương lai.

Câu lạc bộ truyền thống của trường tổ chức diễn đàn Giúp nhau tiến bộ - Mẫu 2

Công bằng mà nói, tuổi trẻ thời nay có những ưu điểm vượt trội so với các thế hệ trước như khả năng tiếp thu khoa học kĩ thuật rất nhanh, năng động, sáng tạo trong nếp nghĩ, nếp làm việc… Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít người lại mắc phải những thói hư tật xấu, trong đó có tật nói tục, chửi thề. Đây là hiện tượng đáng phê phán bởi nó là biểu hiện của nhận thức lệch lạc và cách sống thiếu văn hóa.

Dân gian đã nói: Người thanh tiếng nói cũng thanh… hoặc: Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, Người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe, với ý khẳng định thông qua lời ăn tiếng nói của một cá nhân nào đó, ta có thể đánh giá được phần nào tính cách, phẩm giá của cá nhân đó. Trong cuộc sống hằng ngày, ngôn ngữ là một phương tiện giao tiếp hết sức quan trọng, không gì thay thế được. Ngoài ngôn ngữ chung của toàn xã hội, còn có ngôn ngữ riêng của từng người. Khi giao tiếp, chúng ta phải sử dụng đồng thời hai loại ngôn ngữ đó để đạt được mục đích giao tiếp.

Ông cha ta dạy con cháu phải Học ăn, học nói, chính là học cách sử dụng ngôn ngữ sao cho đúng, cho hay. Tiếng Việt là thứ tiếng giàu và đẹp, có thể biểu hiện mọi khái niệm về sự vật hoặc mọi cung bậc tình cảm của con người. Nhiệm vụ của các thế hệ sau là phải học tập, gìn giữ và phát huy tinh hoa của tiếng mẹ đẻ. Ấy vậy nhưng có một thực tế đáng lo ngại là nhiều người không nhận thức được điều đó mà ngược lại còn vô tình hay cố ý phá hoại thứ của cải tinh thần vô giá ấy.

Hiện tượng nói tục, chửi thề xuất hiện rất nhiều ở những nơi công cộng, kể cả ở trường học là nơi kỉ luật khá nghiêm túc, chặt chẽ. Để ý một chút, ta sẽ thấy hễ cứ dăm ba bạn trai tụ tập với nhau là hiện tượng nói tục, chửi thề xuất hiện. Có bạn hầu như cứ mở miệng ra là văng tục trước rồi mới nói sau. Mãi thành quen, cứ tự nhiên, bất chấp những người xung quanh muốn nghĩ sao thì nghĩ. Tệ hại hơn, có nhiều bạn lại cho rằng dám nói tục chửi thề mới là “dân chơi sành điệu”.

Trong những năm gần đây, ở Hà Nội và một số địa phương khác, trong học sinh, sinh viên còn nảy sinh hiện tượng “tự chế” ra những từ mới mà họ cho là hay, là độc đáo. Ví dụ như khi khen một cái gì đó, họ nói: “Cái áo này hơi bị đẹp!”; “Món này hơi bị ngon!”, “Cậu hơi bị yết kiêu đấy!”… Rồi thì “tinh vi”, “bố tướng”, “lăn tăn”, “chập cheng”, “ẩm IC”, “xong phắt”, “nói cho nhanh”, “bùng”, “phắn”, “biến”, “lặn”, “bà vãi”, “ông khốt”, “thằng chíp hôi”… cùng bao nhiêu từ bậy bạ khác không hề có trong từ điển, trong cung cách nói năng đường hoàng, lễ độ xưa nay. Nghe những từ ngữ, những câu nói chối tai của họ, nhiều người nhăn mặt, khó chịu và cho rằng đó là biểu hiện của lối sống thiếu văn hóa, văn minh, làm ô nhiễm môi trường xã hội.

Nói tục, chửi thề là một thói xấu đáng chê trách, phê phán. Lứa tuổi học sinh chúng ta không nên bắt chước thói xấu đó. Hãy luôn nhớ lời khuyên của ông cha: Lời nói chẳng mất tiền mua,/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Để có thể nói đúng, nói hay, chúng ta cần phải có ý chí và nghị lực rèn luyện trong quá trình lâu dài thì mới đạt kết quả tốt.

10+ Viết bài nghị luận để gửi đăng diễn đàn Giúp nhau tiến bộ

Câu lạc bộ truyền thống của trường tổ chức diễn đàn Giúp nhau tiến bộ - Mẫu 3

Con người sinh ra là một bản thể sống, càng lớn lên càng phát triển, tâm sinh lý càng thay đổi. Đặc biệt, khi ở lứa tuổi đang phát triển, trẻ cực kỳ nhạy cảm với những vấn đề mới, những hấp dẫn và kích thích sự tò mò, hứng thú của bản thân, vì vậy vấn đề giáo dục giới tính ở tuổi vị thành niên là vấn đề rất cần thiết trong xã hội ở mọi thời đại.

Tuổi vị thành niên là những trẻ trong giai đoạn từ 10-19 tuổi, ở lứa tuổi này các em không chỉ có sự phát triển mạnh về thể chất mà tâm lý bên trong cũng có nhiều biến động. Là lứa tuổi dễ xúc động cũng dễ bị chi phối với các tác động bên ngoài, ham thích sự tò mò và ưa khám phá, các em bắt đầu nhận thức được rõ ràng hơn về giới tính và có những chuyển biến tình cảm, những cảm xúc trước bạn khác giới. Nên lứa tuổi này các em nên được giáo dục để có cách nhìn nhận đúng đắn và sâu sắc hơn về mọi việc, bởi vậy vấn đề giáo dục giới tính cần được triển khai cho các em trong giai đoạn phát triển này. Giáo dục giới tính trước nhất nó là một môn học, một cách thức để truyền tải tới học sinh, thúc đẩy các em có thái độ hành vi đúng đắn trong việc tôn trọng, có trách nhiệm và bảo vệ sức khỏe sinh sản cho chính mình và cho mọi người.

Đứng trước một thực tế đầy xót xa khi hàng năm có đến hàng chục ngàn vụ phá thai của học sinh đang độ tuổi đến trường. Nhiều vụ xâm hại tình dục học đường lan tràn trên các báo điện tử, báo chính thống khiến vấn đề càng thêm nhức nhối. Nhiều em học sinh ham mới lạ mà quan hệ tình dục sớm, hậu quả là nghỉ học nuôi con, ngừng cả một tương lai đầy hy vọng phía trước. Nhiều trẻ không biết cách tự vệ bản thân mà bị người khác thực hiện hành vi đồi bại vẫn âm thầm chịu đựng vì sợ bạn bè chê cười, xa lánh. Không những sức khoẻ sinh sản bị ảnh hưởng mà tinh thần cũng bị suy sụp, lo lắng, áp lực từ phía gia đình và xã hội lớn khiến nhiều học sinh tìm đến cái chết để giải thoát cho bản thân. Khi quan hệ tình dục trước tuổi một cách thiếu hiểu biết gây nên những bệnh nghiêm trọng hệ lụy về sau.

Trong khi đó, ở đất nước chúng ta, vấn đề giáo dục giới tính lại chưa thực sự được quan tâm đúng mực. Một phần là do tâm lý e ngại của số đông trước chủ đề khá nhạy cảm, phần khác là do vấn đề này chưa thực sự được chú trọng, thực sự coi là vấn đề thiết yếu trọn đời sống. Chúng ta phải nhìn lại những hậu quả mà do sự thiếu hiểu biết về giới tính của tuổi vị thành niên để lại mà có biện pháp giáo dục kịp thời. Đừng quá chú trọng vào việc bồi đắp cho các em những kiến thức lý thuyết mà hãy dạy cho các em những kỹ năng bảo vệ bản thân mình, giáo dục giới tính cho các em trong tuổi vị thành niên là vô cùng cần thiết, hết sức cấp bách trong xã hội với đầy rẫy những vấn nạn nguy hiểm ngày nay. Hãy coi giáo dục giới tính như là một môn học trong nhà trường nhằm nâng cao hiểu biết của các em về sức khỏe sinh sản, cách bảo vệ, tự vệ bản thân, kỹ năng làm chủ bản thân, tôn trọng người khác. Cần hướng cho các em có cái nhìn khách quan, giúp các em hiểu và nhìn nhận vấn đề nghiêm túc, giáo viên phải là người thân thiện, tế nhị và tôn trọng học sinh. Lắng nghe những tâm tư, tình cảm, của học sinh mình, từ đó hướng cho các em những hành vi đúng đắn trong đời sống. Người giáo viên qua các bài học trên lớp có thể dẫn dắt những bài học thực tế thông qua đó giáo dục giới tính cho học sinh mình. Tránh những cách giáo dục mang tính hình thức qua loa, không những không mang lại hiệu quả mà còn gây tác dụng ngược, những hiểu lầm trong cách nghĩ của học sinh. Bên cạnh đó, gia đình và xã hội cũng cần quan tâm hết mức đến vấn đề này. Các tổ chức, cá nhân, phương tiện truyền thông phải không ngừng nâng cao, đưa ra những giải pháp, tuyên truyền về giáo dục giới tính cho tuổi vị thành niên. Cần tổ chức các buổi ngoại khoá, các cuộc thi tìm hiểu về giới tính, sức khỏe sinh sản phù hợp cho học sinh tham gia. Mỗi thành viên trong gia đình, đặc biệt là cha mẹ phải là người hiểu và tinh tế nhận ra những sự thay đổi trong tâm tư tình cảm của con mình, bằng những cuộc trò chuyện chân tình, thoải mái đặt ra những vấn đề giới tính để con hiểu hơn. Những vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số cần được chú trọng hết mực về giáo dục giới tính. Tránh nạn tảo hôn và những hậu quả nghiêm trọng khác.

Thiết nghĩ, khi xã hội càng ngày càng phát triển, tệ nạn càng nhiều, các em lứa tuổi vị thành niên lại chưa thể đủ trưởng thành để vượt qua mọi cám dỗ. Vì vậy mỗi người trong chúng ta phải có trách nhiệm hướng đến những điều đúng đắn, giáo dục giới tính là cách thức hữu hiệu nhất giúp các em có đủ kiến thức để bảo vệ mình, bạn bè và người thân, giúp các em có trách nhiệm hơn trước những quyết định của chính mình.

Câu lạc bộ truyền thống của trường tổ chức diễn đàn Giúp nhau tiến bộ - Mẫu 4

Sách là một phương tiện dùng để ghi chép, lưu giữ và lưu truyền tri thức trong xã hội loài người. Sách đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tri thức. Mỗi quyển sách là một động lực phát triển văn minh xã hội. Ngày nay, do nền công nghệ thông tin phát triển mạnh, sách đã bị xem thường. Xu hướng toàn cầu hóa diễn ra ồ ạt, khiến cho học sinh ngày nay không chịu đọc sách. Một thực tế cần phải xác nhận là học sinh ngày nay không còn yêu mến sách nữa. Việc đọc sách của học sinh vì thế cũng rất hạn chế.

Trước sự phát triển của cuộc sống, con người nguyên thủy nhận thức rõ tầm quan trọng của tri thức. Họ tìm cách lưu giữ những thông tin mình đã nhận thức được để lại cho các thế hệ sau. Và sách đã ra đời. Có thể nói từ khi có sách thì nền văn minh của loài người mới được xác thực.

Hình thức ban đầu của sách là những hình khắc và kí tự lên vách đá, mai rùa, xương thú. Rồi đến thời kì viết chữ lên thẻ tre, thẻ trúc, lên tấm vải. Cuối cùng là viết hoặc in lên trang giấy và đóng thành tập. Trải qua thời gian, hình thức của sách không ngừng thay đổi. Càng thay đổi, sách ngày càng tiện lợi, dễ sử dụng và bảo quản hơn.

Trước đây, sách là phương tiện chính để học tập, giáo dục và phổ biến tri thức trong xã hội. Ngày nay, nhờ các thành tựu của nền khoa học kĩ thuật, các phương tiện truyền thông và thiết bị điện tử gần như đã thay thế vai trò của sách. Con người đã tiến hành ghi chép và lưu trữ tri thức vào các bộ nhớ điện tử. Đồng thời phổ biến nó bằng các định dạng thông qua các ứng dụng điện tử.

Người đọc có thể tiếp cận nguồn tri thức mà không cần phải giở từng trang sách. Công cụ tìm kiếm của Google là một minh chứng rõ ràng cho hình thức này. Bộ lưu trữ điện tử sẽ là hình thức của sách ở tương lai. Có hai hình thức sách cùng tồn tại song song ở nước ta là sách giấy và sách điện tử. Ngoài ra, còn có các ứng dụng cung cấp tri thức một cách phong phú, khá đầy đủ. Sách điện tử luôn tạo được sự tiện lợi và hứng thú cho người đọc.

Theo khảo sát của các tổ chức thế giới, tỉ lệ người đọc sách tại nước ta còn khá cao. Tuy nhiên, ở lứa tuổi học sinh, tỉ lệ này lại khá thấp. Đó cũng là thực trạng chung của các nước trên thế giới. Học sinh Việt Nam ngày nay không có hứng thú đọc sách. Ngoài những quyển sách bắt buộc phải đọc học sinh ít quan tâm đến sách khác. Học sinh thường hay đọc các loại truyện tranh có nội dung nhảm nhí, vô bổ mà ít tìm đến các loại sách khoa học. Những quyển sách văn học tuổi teen với nội dung dễ dãi thường được học sinh lựa chọn đọc. Còn sách lịch sử, sách địa lí, sách khoa học gần như không nằm trong danh mục lựa chọn.

Việc học sinh không muốn đọc những quyển sách có nội dung nghiên cứu khoa học, học thuật, nghệ thuật,… xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Bởi đó là lĩnh vực khó, đòi hỏi nhiều công sức. Kéo theo đó là những hậu quả lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của con người và xã hội.

Có nhiều nguyên nhân khiến học sinh không còn hứng thú đọc sách. Trước hết, là phải nói đến sự phát triển của công nghệ thông tin. Công nghệ điện tử số làm cho hình thức và phương thức đọc sách có nhiều thay đổi. Việc đọc sách ngày nay không nhất thiết là đọc trang sách in hay ngồi trong phòng. Học sinh có thể đọc trang sách điện tử bất cứ lúc nào và bất cứ đâu. Sự phát triển rầm rộ của các ngành công nghệ giải trí với những chương trình mới lạ, đặc sắc thu hút học sinh theo dõi. Từ đó học sinh lơ là việc đọc sách.

Thật không thể nào kể hết được các kênh truyền hình giải trí đang được phát sóng hiện nay. Ngoài những kênh phim truyện còn có những chương trình trực tiếp. Các chương trình này tương tác thực tế, sống động vô cùng. Sự phát triển của các phương tiện truyền thông tạo điều kiện cho học sinh dễ dàng tiếp cận với văn bản điện tử hơn. Học sinh hoặc chơi game, hoặc giải trí tầm thường. Từ đó không còn hứng thú với sách. Việc đọc sách trở nên nhàm chán, không còn hấp dẫn nữa.

Học sinh ngày nay với lối sống dễ dãi, yêu thích những thứ tầm thường có tính thuần giải trí như game, facebook, fan cuồng thần tượng, phim kinh dị, và các ấn phẩm có nội dung đồi trụy, phản cảm… Việc tiếp cận và say mê nguồn thông tin này khiến học sinh suy đồi đạo đức, trở nên lười biếng trong học tập, mất dần các thói quen bổ ích. Chẳng hạn như là việc đọc sách hằng ngày.

Gia đình, nhà trường và xã hội thiếu quan tâm đến việc phát triển tâm hồn và năng lực trí tuệ cho học sinh. Phụ huynh vì bận rộn với công việc mà không quan tâm khuyến khích con cái đọc sách. Nhà trường không có kế hoạch đọc sách, hay không gian đọc sách cho học sinh. Xã hội không có chương trình khuyến khích, cổ động việc đọc sách trong toàn dân để nâng cao dân trí. Và dường như, khôi phục thói quen đọc sách trong toàn dân chỉ nằm trên khẩu hiệu.

Các nhà xuất bản chạy theo lợi nhuận, không chịu đầu tư vào chất lượng và số đầu sách mới. Trên kệ sách hầu như chỉ thấy các tác phẩm quen thuộc được chỉnh sửa bìa sách cho khác đi mà ít thấy những tác phẩm mới có giá trị, thực sự mang lại lợi ích cho người đọc. Việc kiểm soát của các cơ quan chức năng chưa thật sự chặt chẽ và nghiêm khắc khiến cho sách giả, sách kém chất lượng tràn lan trên thị trường làm mất niềm tin ở người đọc.

Tình trạng học sinh ngày nay ít đọc sách đã gây ra những hậu quả lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của con người và ổn định trật tự xã hội. Học sinh không muốn đọc sách khiến cho việc học tập cũng trở nên khó khăn, tri thức hết sức hạn chế, hiểu biết hạn hẹp. Một hậu quả dễ thấy nhất là học sinh ngày nay có năng lực đọc rất kém, viết sai chính tả nhiều, không phân biệt được lỗi phát âm và diễn đạt vụng về, thô lỗ.

Không đọc sách làm cho tâm hồn học sinh khô héo, thiếu cảm xúc và những rung động chân thành. Học sinh ngày càng trở nên cộc cằn, ăn nói tục tĩu, ứng xử thiếu lịch sự, thường vô lễ với thầy cô và người lớn. Việc ít đọc sách khiến học sinh không biết cảm thông, chia sẻ hay yêu thương; không biết tự kiềm chế bản thân làm nảy sinh ngày càng nhiều các vụ bạo lực xảy ra trong học đường.

Không những ít đọc hoặc không đọc sách, thiếu sự tôn trọng đối với sách, nhiều học sinh còn tỏ ra xem thường sách, có hành vi hủy hoại sách. Những người như thế thật đáng chê trách. Nhà trường, gia đình và xã hội cần có những giải pháp và hành động thiết thực để nâng cao năng lực và đam mê đọc sách cho học sinh. Điều đó là rất cần thiết bởi không đọc sách, học sinh không thể tiến bộ, tâm hồn sẽ khô kiệt, hiểu biết hạn hẹp, kĩ năng sống không phát triển được. Điều quan trọng nhất, không đọc sách sẽ không thể có được cuộc sống tâm hồn phong phú, không cảm nhận được cái đẹp và ý nghĩa trọn vẹn của cuộc sống này.

Đối với học sinh, trước hết, hãy chăm chỉ đọc sách mỗi ngày để phát triển trí tuệ và tâm hồn. Hãy quý trọng sách, giữ gìn và bảo vệ sách. Khuyến khích bạn bè, người thân cùng đọc sách. Tổ chức thảo luận, bàn luận về những quyển sách hay, ý nghĩa, có giá trị lớn lao. Vừa đọc sách vừa rèn luyện bản thân mình.

Đối với gia đình, nhà trường, xã hội, cần dành nhiều sự quan tâm đối với việc bồi dưỡng tâm hồn và trí tuệ các em bằng những quyển sách hay, có nội dung trong sáng, lành mạnh. Khuyến khích và tổ chức đọc sách trong trường học và ngoài xã hội, tạo được phong trào đọc sách trong toàn dân.

Các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ việc xuất bản và lưu hành các ấn phẩm sách, đảm bảo chất lượng, phục vụ tốt cho nhu cầu của người đọc hiện nay.

“Đọc sách hay cũng giống như trò chuyện với các bộ óc tuyệt vời nhất của những thế kỉ đã trôi qua”. Đọc sách là thể hiện lòng biết ơn đối với người xưa và trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và đất nước. Sách đối với con người như nước đối với cây cối. Không có nước, cây cối sẽ héo rũ. Không có sách, cuộc sống loài người sẽ buồn chán biết chừng nào. Bởi thế, hãy lựa chọn cho mình những quyển sách hay và đọc nó hằng ngày. Đó chính là con đường đúng đắn dẫn bước ta đến cánh cửa của tương lai.

Câu lạc bộ truyền thống của trường tổ chức diễn đàn Giúp nhau tiến bộ - Mẫu 5

“Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Câu tục ngữ đã thể hiện phần nào sự thông minh, tinh nghịch của những cô cậu tuổi đến trường. Sự thông minh ấy được bộc lộ trong việc tiếp thu bài, trong việc vui chơi, trong việc sinh hoạt tập thể.… Tụy nhiên, thời gian gần đây, sự thông minh của học trò được sử dụng vào một mục đích không tốt, gây bức xúc trong nhà trường nói riêng và với xã hội nói chung. Mục đích đó là: gian lận trong thi cử.

Gian lận trong thi cử là sử dụng những hình thức vi phạm quy chế thi cử như mang tài liệu vào phòng thi, quay cóp, nhờ người thi hộ, bản bài, viết “phao”…, trong đó hình thức quay cóp, bản bài, viết “phao” được áp dụng rất phổ biến. Quay cóp, viết “phao” thường xảy ra nhiều nhất trong những giờ kiểm tra môn xã hội – những bộ môn học thuộc lòng khó “nhằn”. Còn đối với các bộ môn tự nhiên như Toán, Vật lí, hóa học,… thì hình thức bản bài hay nhìn bài bạn được học sinh “ứng dụng” triệt để.

Một thực trạng đáng buồn hiện nay là việc gian lận trong thi cử đã trở thành chuyện “thường ngày ở huyện” đối với học sinh. Ở những nơi gần phòng thì ta có thể nhặt được rất nhiều mẫu giấy bé hơn lòng bàn tay chi chít những con chữ nhỏ xíu. Chủ nhân của những mẩu giấy này dường như chẳng cần chọn chỗ hủy “phao”, bởi họ quan niệm “người người chép phao, nhà nhà chép phao, có phải mình mình chép đâu mà sợ!”. Còn việc bản bài, nhìn bài bạn hay thậm chí là cho bạn nhìn bài mình qua con mắt học sinh trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái! Gian lận trong thi cử dường như không có gì sai trái, mà lại còn là cách học sinh thể hiện sự thông minh của mình trong việc mặt giám thị.

Nhưng liệu gian lận trong thi cử có thật sự là một việc làm thông minh? Hãy cùng nhau xem xét. Đối với học sinh, gian lận trong thi cử có thể khiến họ trở nên lười biếng, không chịu động não, không chịu đào sâu suy nghĩ vào bài học. Không những vậy, việc có được điểm số cao một cách không quá khó khăn khiến cho học sinh kém chú ý trong giờ học, quay ra làm việc riêng hoặc nói chuyện, vừa ảnh hưởng tới trật tự lớp, cản trở việc tập trung nghe giảng của các bạn khác, vừa ảnh hưởng đến việc giảng dạy của thầy cô. Hơn nữa, không nắm được kiến thức cơ bản khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường sẽ khiến học sinh không đủ hành trang để bước vào cuộc đời, khó có thể tìm kiếm cho bản thân con đường đúng dân để xây dựng đất nước.

Hơn nữa, gian lận khi còn trong giai đoạn trưởng thành có thể khiến học sinh mất đi tính trung thực, tự giác, khả năng phấn đấu, học hỏi, từ đó những tính xấu như dối trá, biếng lười có thể thừa cơ phát triển. Gian lận trong thi cử đang làm hỏng cả một thế hệ tương lai của đất nước. Còn đối với gia đình và nhà trường, điểm số “ảo” do gian lận trong thi cử có được sẽ khiến đánh giá của các bậc cha mẹ và giáo viên đối với học sinh trở nên rối loạn gây khó khăn trong việc giúp đỡ học sinh tiến bộ. Như vậy, gian lận trong thi cử hoàn toàn là một việc làm xấu, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội.

Vậy nguyên nhân nào đã dẫn đến những việc làm thiếu trung thực ấy?

Có nhiều ý kiến cho rằng việc học sinh gian lận trong thi cử xảy ra bởi sự phát triển quá nhanh chóng của công nghệ thông tin. Những trang web, mạng internet, những trò chơi trực tuyến đang ngày một thu hút thêm Sự chú ý và say mê của giới trẻ. Thời gian dành cho việc lướt web, chơi game thay thế cho thời gian học tập ở nhà vốn đã vô cùng ít ỏi. Khi học sinh sa vào những trò chơi hấp dẫn này, thì đừng nói một tiếng, cả đêm thậm chí cả ngày hôm sau cũng khó mà có thể dứt ra được. Như vậy, các trò chơi trên Internet đã gây ra ảnh hưởng tiêu cực đối với việc học hành thi cử của học sinh.

Không những vậy, có rất nhiều học sinh chia sẻ rằng lí do khiến họ phải gian lận trong thi cử là do sức ép từ các bậc phụ huynh, những người luôn muốn được tự hào khoe thành tích học tập của con mình. Khá nhiều bậc phụ huynh đầu tư kĩ lưỡng cho việc học của con bằng cách thuê gia sư về dạy kèm con, cho con đi học thêm, luyện thi ở các “lò” luyện đông đúc chật chội. Họ không hiểu rằng những gì con họ cần là thời gian dành cho việc làm bài tập và tự ôn luyện. Nhiều học sinh nhà xa, đến được với trung tâm ôn luyện đã mất nửa tiếng, mệt đứt hơi ngồi trong lớp mà mắt cứ díp lại, đầy mệt mỏi. Thử hỏi kiến thức thu thập được là bao? Sức ép từ gia đình, từ thầy cô khiến học sinh mất phương hướng, lầm tưởng mục đích của việc học là để có điểm cao, chứ không phải là để trau dồi kiến thức cho chính bản thân mình. Từ đó, việc gian lận trong thi cử diễn ra như một Cách để học sinh đối phó với gia đình và nhà trường, một cách để họ tự giải tỏa phiền phức cho bản thân.

Tuy nhiên tất cả những lí do ấy thực chất chỉ là ngụy biện cho sự nản chí, không có quyết tâm vươn lên trong học tập. Nếu họ ham học hỏi thì sự kiềm chế của họ đối với những trò chơi điện tử phải mạnh mẽ hơn những gì họ nói. Nếu họ quyết tâm phấn đấu thì những sức ép từ gia đình sẽ biến thành động lực khiến họ cố gắng hơn, khiến cho họ chuyên cần hơn và thẳng thắn hơn để đối diện với cha mẹ và nói lên những điều họ mong muốn. “Lười biếng” mới chính là “con sâu làm rầu nồi canh”, phá hoại những đức tính tốt đẹp khác của học trò.

Gian lận trong thi cử là một việc làm xấu, cần phải được nhanh chóng đẩy lùi ngăn chặn. Với mong muốn có được môi trường học thân thiện, công bằng, nghiêm túc, đặc biệt là xóa bỏ việc gian lận trong thi cử, cả xã hội đang chung tay góp sức thực hiện những việc làm thiết thực cho nền giáo dục.

Hiểu được tâm lí học trò thích các hoạt động vui chơi, hiện nay trường học đẩy mạnh hình thức học có giáo cụ trực quan, tổ chức trò chơi củng cố kiến thức bài học trên lớp, giúp cho học sinh có thể “học mà vui, vui mà học”. Hình thức giảng dạy theo cách thảo luận nhóm cũng giúp học sinh nhớ kiến thức lâu hơn. Khi học sinh nắm chắc và nhớ kĩ kiến thức, việc ôn luyện cho kiểm tra sẽ đỡ vất vả hơn, học sinh sẽ không cần phải dựa dẫm vào “phao” thi hay bất cứ hình thức gian lận nào khác nữa. Thêm vào đó, cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” đã và càng đi sâu vào tâm lí học sinh, khiến cho họ ý thức rõ nét hơn về những tác hại mà gian lận gây ra cho cuộc sống mai sau của họ. Sự thấu hiểu của gia đình đối với những cố gắng nỗ lực của con em mình cũng khiến cho nhiều học sinh thay đổi cách nghĩ, trở nên kiên trì hơn trong quá trình học tập.

Nhưng điều quan trọng nhất cần phải chú ý đến, đó là mỗi học sinh cần phải nâng cao ý thức tự giác học tập. Chúng ta có thể thực hiện những việc làm nho nhỏ để “lên dây cót tinh thần” khi học: như trang trí góc học tập với. những khẩu hiệu kích thích tính ham học, như: “Học, học nữa, học mãi”, “Không gian lận trong thi cử”, “Học vì ngày mai tươi sáng”,… Khi nhìn những khẩu hiệu này, vô hình trung chúng ta đang tự xác định lại mục đích học tập đúng dẫn cho bản thân mình, từ đó học tập sẽ trở thành nhu cầu thiết yếu mà học sinh không thể phủ nhận.

Hơn nữa, học sinh cũng cần phải biết cách sử dụng thời gian của mình có hiệu quả nhất. Thay vì lên mạng lướt web, chơi game, tại sao ta không lên các diễn đàn trao đổi tư liệu, kinh nghiệm học để mở rộng thêm kiến thức đã được học trên lớp. Với cách này, internet sẽ trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy đối với mỗi học sinh, giúp học sinh trau dồi kiến thức, tiếp tục bước đi trên con đường học vấn của mình.

Học tập không phải vì điểm số mà là vì chính tương lai của bạn. Đừng để gian lận trong thi cử làm hại đến cuộc sống mai sau. Trung thực và thẳng thắn từ bây giờ, sẽ giúp cuộc sống mai sau của bạn tươi đẹp và mãi mãi vững bền!

Đánh giá

0

0 đánh giá