Văn bản Phân tích bài “Khóc Dương Khuê” - Hoàng Hữu Yên - Nội dung, tác giả, tác phẩm

93

Tài liệu tác giả tác phẩm Phân tích bài “Khóc Dương Khuê” Ngữ văn lớp 9 Cánh diều gồm đầy đủ những nét chính về văn bản như: tóm tắt, nội dung chính, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm, dàn ý từ đó giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung bài Phân tích bài “Khóc Dương Khuê” lớp 9.

Tác giả tác phẩm: Phân tích bài “Khóc Dương Khuê” - Ngữ văn 9

I. Tác giả Hoàng Hữu Yên

- Hoàng Hữu Yên (1927 – 2011), quê ở Nghệ An.

- Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Văn khoa Hà Nội khoá I (1953-1956), nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Văn học, trường đại học Tổng hợp Hà Nội.

II. Tìm hiểu văn bản Phân tích bài “Khóc Dương Khuê”

1. Thể loại

- Tác phẩm Phân tích bài “Khóc Dương Khuê”thuộc thể loại: nghị luận văn học.

2. Xuất xứ

- In trong Giảng văn văn học Việt Nam hiện đại, NXB Đại học Giáo dục, 2001.

3. Phương thức biểu đạt

- Phương thức biểu đạt: nghị luận.

4. Tóm tắt

Văn bản bàn luận về tình bạn cao đẹp bất chấp thời thế của Dương Khuê và Nguyễn Khuyến thông qua bài thơ Khóc Dương Khuê, nhằm ca ngợi bài thơ là một tuyệt tác viết về tình bạn vĩnh cửu trong nền văn học nước nhà.

5. Bố cục đoạn trích

- Phần 1 (trong nhiều mối quan hệ … ông đã viết một áng thơ khóc bạn): Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.

- Phần 2 (tiếp … chân thành về tình bạn): Triển khai vấn đề về nghị luận.

- Phần 3 (còn lại): Tổng kết vấn đề nghị luận.

6. Giá trị nội dung

- Văn bản bàn luận về tình bạn cao đẹp bất chấp thời thế của Dương Khuê và Nguyễn Khuyến thông qua bài thơ Khóc Dương Khuê. Qua đó ca ngợi bài thơ là một tuyệt tác viết về tình bạn vĩnh cửu trong nền văn học nước nhà.

7. Giá trị nghệ thuật

- Lập luận rõ ràng, mạch lạc.

- Lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục.

- Sử dụng cách trình bày kết hợp nêu vấn đề khách quan và phát biểu ý kiến chủ quan.

III. Tìm hiểu chi tiết văn bản Phân tích bài “Khóc Dương Khuê”

1. Mục đích của người viết

- Mục đích của văn bản Phân tích bài Khóc Dương Khuê: muốn ca ngợi bài thơ là một tuyệt tác viết về tình bạn vĩnh cửu trong nền văn học nước nhà.

Phân tích bài Khóc Dương Khuê - Tác giả tác phẩm (mới 2024) | Ngữ văn lớp 9 Cánh diều

2. Cách triển khai luận đề, luận điểm và dẫn chứng

- Luận đề: Tình bạn lấp lánh bất chấp sự thay đổi của thời thế và cảnh ngộ riêng.

- Luận điểm 1: Tất cả nỗi đau mất bạn dường như dồn nén vào câu lục bát mở đầu này.

- Luận điểm 2: Với Nguyễn Khuyến, sau giây phút bình tĩnh lại, cả một quãng đời thanh xuân thơ mộng, êm đẹp đầy ắp kỉ niệm về tình bạn lần lượt hiện ra cụ thể, sinh động, sống dậy trong lòng và trước mắt tác giả cũng như độc giả.

- Luận điểm 3: Với mạch cảm xúc ấy, tác giả đưa chúng ta về những ấn tượng mới khó quên trong lần gặp gỡ cuối cùng của ông với bạn cố tri Dương Khuê.

- Luận điểm 4: Phần còn lại gồm mười sáu câu là phần quan trọng của tác phẩm Khóc Dương Khuê, diễn tả nỗi đau không còn bạn nữa!

- Luận điểm 5: Mấy câu kết của đoạn này làm hiện lên hình tượng nỗi đau khôn tả, tiếng khóc không nước mắt, nỗi đau dường như đã dồn cả vào lòng.

=> Các luận điểm có làm sáng tỏ được luận đề vì những luận điểm trên đã được tác giả triển khai rất chi tiết và rõ ràng.

- Nêu vấn đề khách quan:

+ Trước ông, Phạm Thái chẳng đã viết văn tế Trương Đăng Thụ và sau ông, Phan Bội Châu cũng viết văn tế Phan Châu Trinh.

+ Nỗi đau mất bận hiện ra dưới nhiều cung bậc: lúc bộc phát, lục ngậm ngùi nuối tiếc, lúc lắng đọng thấm sâu, chi phối tuổi già của tác giả.

- Phát biểu ý kiến chủ quan:

+ Tiếc thay đó lại là sự thật nghiệt ngã!

+ Kì tái ngộ quý hóa biết dường nào!

+ Đúng là nỗi mừng biết lấy chi cân?

IV. Đọc tác phẩm: Phân tích bài “Khóc Dương Khuê”

1. Trong nhiều mối quan hệ của cuộc sống con người thì tình bạn xưa nay vẫn được coi là một nhu cầu tinh thần không thể thiếu.

 
 

PHÂN TÍCH BÀI "KHÓC DƯƠNG KHUÊ" (HOÀNG HỮU YÊN)

1. Trong nhiều mối quan hệ của cuộc sống con người thì tình bạn xưa nay vẫn được coi là một nhu cầu tinh thần không thể thiếu. Tục ngữ dân gian khẳng định: “Giàu vì bạn, sang vì vợ.". Truyện dân gian kể về đôi bạn Lưu Bình - Dương Lễ rất cảm động. Danh nho Lục tỉnh Nguyễn Đình Chiểu để lại những hình tượng đẹp đẽ, cao cả về tình bạn Vân Tiên - Hớn Minh, Vân Tiên - Tử Trực, đồng thời lưu danh Trịnh Hâm là một tên phản bạn (Truyện Lục Vân Tiên).

Hai ông Dương Khuê - Nguyễn Khuyến kết bạn từ hồi để chỏm cho đến lúc đầu bạc răng long, từ thuở bạch diện thư sinh cho đến lúc thượng quan hưu trí. Tình bạn lấp lánh bất chấp sự thay đổi của thời thế và cảnh ngộ riêng.

Bỗng nhiên, Nguyễn Khuyến được tin Dương Khuê qua đời! Ông không gò văn gọt chữ viết văn tế điếu như thường tình. Trước ông, Phạm Thái chẳng đã viết văn tế Trương Đăng Thụ và sau ông, Phan Bội Châu cũng viết văn tế Phan Châu Trinh. Nhiều người khác đều làm như vậy. Sẵn lối song thất lục bát, một thể thơ dân tộc, ông đã viết một áng thơ khóc bạn. [ ... ]

2. Lần theo trình tự bài thơ, chúng ta thấy được mạch văn phát triển theo diễn biến tâm trạng của tác giả như sau:

- Tin đến đột ngột.

- Sự hồi tưởng về những kỉ niệm của thời xuân xanh, chưa thành đạt.

- Về ấn tượng mới trong lần gặp cuối cùng, lúc cả hai đã mãn chiều xế bóng.

- Nỗi đau khôn tả lúc bạn đã dứt áo “ra đi”.

Hai dòng mở đầu:

Bác Dương thôi đã thôi rồi,

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.

Phong cách và bút pháp Nguyễn Khuyến vốn thâm thuý, cảm xúc lắng đọng. Tất cả nỗi đau mất bạn dường như dồn nén vào câu lục bát mở đầu này.

Dòng lục ngắn gọn cất lên tiếng kêu thương đột ngột, với nỗi niềm thất vọng. “Thôi đã thôi rồi”, cụm từ hầu như chỉ có từ “thôi” lặp lại, nhấn mạnh sự mất mát, sự trống vắng không phương bù đắp. Dòng bát dàn trải, diễn tả về sự mất mát ấy, cả không gian cũng nhuộm màu tang tóc ("man mác") mà ta thì như đứt ra từng khúc ruột ("ngậm ngùi")!

Mười hai dòng tiếp theo:

Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,

[…]

Biết bao đông bích, điển phần trước sau.

Với Nguyễn Khuyến, sau giây phút bình tĩnh lại, cả một quãng đời thanh xuân thơ mộng, êm đẹp, đầy ắp kỉ niệm về tình bạn lần lượt hiện ra cụ thể, sinh động, sống dậy trong lòng và trước mắt tác giả cũng như độc giả. Nào là cả hai chuyên cần đèn sách “Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau”; nào là những thú vui nơi dặm khách “Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo” (âm thanh vang vọng), nơi gác hẹp đắm say trong lời ca, tiếng đàn, nhịp phách “Có khi từng gác cheo leo, / Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang."; nào là chén rượu, câu văn tương ẩm, tương đắc, ... Cuộc đời, tình bạn đẹp như giấc mơ tiên!

Những lạc thú kể trên là của một thời, của khách làng Nho. Chẳng là cả hai ông đều là đồ đệ của cửa Khổng, sân Trình, cùng nhau dùi mài kinh sử, mong được ghi tên vào bảng vàng bia đá. Và cả hai đều đậu đại khoa: Dương Khuê - Tiến sĩ, Nguyễn Khuyến - Tam nguyên Hoàng giáp. Vào tuổi xế bóng, hai ông đều là thượng quan trí sĩ. Hiểu như vậy để chúng ta không ngỡ ngàng về những “thú vui" trong bài. Có điều là: Ai cũng biết tác phẩm hấp dẫn chúng ta bởi cảm xúc chân thành và sự tái hiện đầy tài năng những cảm xúc đó như đã phân tích trên đây.

Với mạch cảm xúc ấy, tác giả đưa chúng ta về những ấn tượng mới khó quên trong lần gặp gỡ cuối cùng của ông với bạn cố tri Dương Khuê.

Trong tám dòng:

Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn,

[ ... ]

Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can.

Nguyễn Khuyến tập trung gợi lại hình ảnh mừng mừng tủi tủi của hai ông bạn già thân thiết mà lâu ngày mới được gặp lại:

Cầm tay hỏi hết xa gần,

Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can.

Ông mừng cho bạn, đồng thời cũng tự mừng cho mình rằng cả hai đều vượt qua mọi thử thách của thời thế (ý nói cảnh nhiễu nhương của buổi giao thời – ý ngoài lời) và của tuổi tác đang ngả chiều xế bóng. Kì tái ngộ quý hóa biết dường nào! Đúng là nỗi mừng biết lấy chi cân? Nhưng không ngờ: chia tay lần này lại là kì vĩnh biệt!

Phần còn lại gồm mười sáu dòng:

Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,

[ ... ]

Hơi đâu chuốc lấy hai hàng chứa chan!

là phần quan trọng của tác phẩm Khóc Dương Khuê, diễn tả nỗi đau không còn bạn nữa!

Nỗi đau mất bạn hiện ra dưới nhiều cung bậc: lúc bột phát, lúc ngậm ngùi nuối tiếc, lúc lắng đọng thấm sâu, chi phối tuổi già của tác giả.

Trước hết, tác giả giãi bày nỗi đau tái tê, bủn rủn “Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời” và càng đau hơn vì cái chết của bạn dường như phi lí: “Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác, / Tôi lại đau trước bác mấy ngày”. Tiếc thay đó lại là sự thật nghiệt ngã!

Từ đây, giọng thơ chuyển sang âm điệu bi ai, nuối tiếc, day dứt, băn khoăn: khi thì trách bạn “sao vội về ngay", khi lại cho rằng bạn sớm lìa đời là phải (vì đời đáng chán!) nhưng rồi lại cảm thấy hụt hẫng lớn, bèn lên tiếng hỏi vọng "Sao vội vàng đã mải lên tiên".

Giờ này, trước mắt và trong lòng tác giả là cả một sự trống vắng ghê người! Sáu dòng thơ “Rượu ngon không có bạn hiền ... Câu thơ nghĩ đắn đo không viết ... Giường kia treo cũng hững hờ ... " đọng lại một nỗi niềm đau đáu nhớ bạn khôn khuây!

Ta lại bắt gặp ở đây những thú vui thanh lịch và tập quán của một thời (uống rượu, ngâm thơ, gảy đàn, săm giường riêng đợi bạn). Rất mừng là ngày nay chúng ta vẫn cảm nhận: Đó là tình bạn đẹp đẽ, quý hiếm bởi vì tấm lòng, tài nghệ của tác giả đã để lại cho hậu thế những ấn tượng đẹp, những cảm xúc sâu sắc và chân thành về tình bạn.

3. Mấy dòng kết của đoạn này làm hiện lên hình tượng nỗi đau khôn tả, tiếng khóc không nước mắt, nỗi đau dường như đã dồn cả vào lòng. Nỗi đau ấy là nỗi đau triền miên bất tận!

Tuổi già hạt lệ như sương,

Hơi đâu chuốc lấy hai hàng chứa chan!

Hai dòng cuối này đã cực tả nỗi đau như vậy. Với tài năng và tấm lòng, nhà thơ dân tộc Nguyễn Khuyến đã để lại kiệt tác Khóc Dương Khuê, một viên ngọc quý viết về tình bạn lung linh trong vườn hoa văn học nước nhà.

V. Văn mẫu

Đánh giá

0

0 đánh giá