Bộ 10 đề thi giữa kì 1 Tiếng Việt lớp 5 Chân trời sáng tạo có đáp án năm 2024

897

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bộ đề thi giữa kì 1 môn Tiếng Việt lớp 5 sách Chân trời sáng tạo năm 2024 – 2025. Tài liệu gồm 4 đề thi có ma trận chuẩn bám sát chương trình học và đáp án chi tiết, được biên soạn bởi đội ngũ giáo viên Tiểu học dày dặn kinh nghiệm sẽ giúp các em ôn tập kiến thức và rèn luyện kĩ năng nhằm đạt điểm cao trong bài thi Giữa học kì 1 Tiếng Việt lớp 5. Mời các bạn cùng đón xem:

Đề thi giữa kì 1 Tiếng Việt lớp 5 Chân trời sáng tạo có đáp án năm 2024

Đề thi giữa kì 1 Tiếng Việt lớp 5 Chân trời sáng tạo có đáp án - Đề 1

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Trường Tiểu học .....

Đề thi Giữa kì 1 Tiếng Việt lớp 5

(Bộ sách: Chân trời sáng tạo)

Thời gian làm bài: .... phút

(Đề số 1)

A. Kiểm tra đọc

I. Đọc thành tiếng

GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định.

II. Đọc thầm văn bản sau:

Chim vành khuyên và cây bằng lăng

            Đàn chim vành khuyên bay trong mưa bụi. Rồi đàn chim vụt đậu xuống hàng cây bằng lăng non. Những con chim mỏi cánh xuống nghỉ chân à? Tiếng chim lích chích trên cành:

            - Không, không, chúng em đi làm, năm sớm chúng em đi làm đây, không phải nghỉ chân đâu.

            À, thế ra những con vành khuyên kia đến cây bằng lăng cũng có công việc. Con chim vành khuyên, chân đậu nhẹ chẳng rụng một giọt nước mưa đã bám thành hàng dưới cành. Vành khuyên nghiêng mắt, ngước mỏ, cắm cúi, hí hoáy. Cái mỏ như xát mặt vỏ cây. Đôi mắt khuyên vòng trắng long lanh. Đôi chân thoăn thoắt. Vành khuyên lách mỏ vào tìm bắt sâu trong từng khe vỏ rách lướp tướp.

            Những con chim ríu rít chuyền lên chuyền xuống. Mỗi lần móc được con sâu lại há mỏ lên rồi nhún chân hót. Như báo tin bắt được rồi... bắt được rồi... Như hỏi cây: Đỡ đau chưa? Khỏi đau chưa? Có gì đâu, chúng em giúp cho cây khỏi ghẻ rồi chóng lớn, chóng có bóng lá, che cho chúng em bay xa có chỗ nghỉ chân, tránh nắng. Ta giúp đỡ nhau đấy thôi. Hạt nước trên cành bằng lăng rơi lã chã. Cây bằng lăng khóc vì cảm động.

            Đàn vành khuyên đương tìm sâu ở cành, ở lộc cây, ở những chiếc lá còn lại. Rõ ràng nghe được tiếng chim. Vành khuyên trò chuyện, vành khuyên reo mừng, vành khuyên thủ thỉ. Vành khuyên hát cho cây bằng lăng nghe.

            Lúc sau, đàn vành khuyên bay lên. Như bác sĩ khám bệnh, cho thuốc tiêm, thuốc uống rồi. Chỉ trông thấy làn mưa bụi phơi phới. Nhưng vẫn nghe tiếng vành khuyên ríu rít:

            - Chúng em đi nhé! Chúng em đi nhé! Các bạn bằng lăng chóng tươi lên, xanh tươi lên!...

(Theo Tô Hoài)

Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:

Câu 1. Bài văn tả cảnh đàn chim vành khuyên đi làm vào mùa nào?

A. Mùa xuân.

B. Mùa hạ.

C. Mùa thu.

D. Mùa đông.

Câu 2. Dòng nào dưới đây gồm 5 từ ngữ tả vành khuyên chăm chú tìm bắt sâu?

A. đậu nhẹ, nghiêng mắt, ngước mỏ, cắm cúi, há mỏ.                                  

B. nghiêng mắt, ngước mỏ, cắm cúi, hí hoáy, há mỏ.

C. đậu nhẹ, nghiêng mắt, cắm cúi, hí hoáy, há mỏ.

D. nghiêng mắt, ngước mỏ, cắm cúi, hí hoáy, lách mỏ.

Câu 3. Chi tiết cây bằng lăng “khóc” giúp em hiểu được điều gì?

A. Bằng lăng đau đớn vì bị những con sâu đục khoét trên thân cây.

B. Bằng lăng cảm động vì được đàn chim chia sẻ nỗi đau của cây.

C. Bằng lăng xúc động trước sự quan tâm, giúp đỡ của đàn chim.

D. Bằng lăng đau vì sâu đục khoét và cảm động vì chim giúp đỡ.

Câu 4. Dòng nào dưới đây nêu đúng và đủ ý nghĩa sâu sắc của bài văn?

A. Giúp người khác là đem lại niềm vui và hạnh phúc cho họ.

B. Giúp người khác là đem lại niềm vui cho họ và cho mình.

C. Giúp người khác là đem lại niềm vui cho bản thân mình.

D. Giúp người khác là đem lại niềm vui cho toàn xã hội.

Câu 5. Từ nào dưới đây đồng nghĩa với từ “cảm động”?

A. cảm tình

B. cảm xúc

C. rung rinh

D. xúc động

Câu 6. Dòng nào dưới đây có từ in nghiêng là từ đồng âm?

A. cây bằng lăng/ cây thước kẻ

B. mặt vỏ cây/ mặt trái xoan

C. tìm bắt sâu/ moi rất sâu

D. chim vỗ cánh/ hoa năm cánh

Câu 7. Từ việc tốt của chim vành khuyên, em thấy mình có thể làm được những gì để bảo vệ môi trường quanh ta?

Câu 8.  Em hãy tìm 2 từ đồng nghĩa với từ “hợp tác” và đặt câu với các từ vừa tìm được.

B. Kiểm tra viết

I. Chính tả: Nghe - viết

Trạng nguyên nhỏ tuổi

            Nguyễn Hiền quê ở làng Dương A, huyện Thượng Hiền, phủ Thiên Trường. Từ bé, cậu đã thể hiện tư chất vượt trội, học đâu hiểu đó, nên được mệnh danh là thần đồng.

            Nhờ trí tuệ tinh thông, Nguyễn Hiền đỗ trạng nguyên khi mới mười hai tuổi. Nhà vua thấy Trạng còn nhỏ nên cho về nhà ba năm để học lễ. Một lần, triều đình tiếp sứ thần nhà Nguyên. Nghĩ rằng nước Đại Việt không có người tài, sứ thần bèn thách đố vua quan nhà Trần xâu sợi chỉ qua vỏ một con ốc xoắn nhỏ xíu.

II. Tập làm văn Em hãy viết bài văn tả cảnh công viên.

ĐÁP ÁN

A. Kiểm tra đọc

II. Đọc thầm văn bản sau:

Câu 1. 

Bài văn tả cảnh đàn chim vành khuyên đi làm vào mùa xuân.

Đáp án A.

Câu 2. 

5 từ ngữ tả vành khuyên chăm chú tìm bắt sâu là: nghiêng mắt, ngước mỏ, cắm cúi, hí hoáy, há mỏ.

Đáp án B.

Câu 3. 

Chi tiết cây bằng lăng “khóc” giúp em hiểu được bằng lăng xúc động trước sự quan tâm, giúp đỡ của đàn chim.

Đáp án C.

Câu 4. 

Ý nghĩa của bài văn là giúp người khác là đem lại niềm vui cho họ và cho mình.

Đáp án B.

Câu 5. 

Từ “cảm động” và “xúc động” đều có nghĩa là có sự rung động trong lòng, trong tình cảm trước sự kiện hoặc cử chỉ tốt.

Đáp án D.

Câu 6. 

Trong câu này, từ "sâu" có hai nghĩa khác nhau. "Sâu" ở tìm bắt sâu là chỉ loại côn trùng, “sâu” ở moi rất sâu là chỉ độ sâu.

Đáp án C.

Câu 7. 

Từ việc tốt của chim vành khuyên trong câu chuyện, em thấy mình có thể làm những việc sau để bảo vệ môi trường quanh ta:

- Em cùng bạn bè dọn dẹp rác thải ở trường học hoặc khu vực xung quanh nhà mình để giữ gìn không gian sống sạch sẽ.

- Em tham gia vào các hoạt động trồng cây hoặc chăm sóc cây xanh để tạo ra môi trường trong lành và có bóng mát.

- Em không vứt rác xuống sông, hồ và tuyên truyền cho mọi người về việc bảo vệ nguồn nước.

- …..

Câu 8.  

Từ đồng nghĩa với từ "hợp tác" là cộng tác, hợp sức.

- Trong lớp, chúng em thường cộng tác với nhau để hoàn thành bài tập nhóm nhanh hơn.

- Khi tổ chức hoạt động ngoại khóa, các bạn trong lớp cần hợp sức để mọi việc diễn ra suôn sẻ.

B. Kiểm tra viết

I. Chính tả

- Bài viết không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, trình bày đúng hình thức đoạn văn.

- Không mắc các lỗi chính tả, trình bày đẹp, sạch sẽ.

II. Tập làm văn

Du khách đến Biên Hoà không thể không ghé thăm công viên thành phố em. Công viên nằm cạnh dòng sông Đồng Nai nước trong xanh, êm ả chảy bốn mùa.

Từ xa nhìn lại, công viên thành phố em giống như một tấm thảm nhiều màu. Nổi bật trên đó là hàng dừa cao vút, đong đưa tàu lá trong gió, soi mình xuống dòng nước lững lờ. Bước chân vào công viên, những lối đi viền gạch đỏ, giữa trải đá bột dẫn du khách tới những bồn hoa lớn. Nơi đây trồng đủ loại hoa: hoa cúc vàng tươi, hoa hồng đỏ thắm, hoa hướng dương vàng rực nổi bật dưới nắng... Giữa công viền, xen bên hai bồn hoa lớn là cụm dền xanh đỏ được trồng thành hàng chữ "Công viên Đồng Nai". Cạnh muôn hoa là những cây kiểng được cắt uốn thành hình muông thú đẹp mắt. Đây là chú nai tơ, to bằng thật, đang tròn mắt ngơ ngác nhìn quanh làm em nhớ đến câu thơ của một nhà thơ nào đó đã được cô giáo nhắc đến trong hài giảng về tiết thu: Con nai vàng ngơ ngác, Đạp trên lá vàng khô. Kia là cây kiểng tượng hình chú chim sâu - to cứ như một con giang - đang chúi mỏ xuống đám cỏ non như tìm kiếm. Gần ngay đấy là một cô công, xoè đuôi tròn như một cái quạt, ý chừng muốn chào du khách trước khi múa lượn...

Chính giữa công viên, sừng sững một hòn non bộ mà nhìn gần ta thấy đủ chú mục đồng đang say sưa thổi sáo trên lưng trâu. Rồi Lã Vọng ngồi câu cá ngay bên chiếc cầu đá. Gần đấy là ngôi nhà lá núp dưới bụi tre ngà. Có cả cò đang mò tôm dưới lạch nước trong... và đàn cá hồng lượn lờ, luồn lách theo từng ngách đá của non bộ. Rải rác khắp công viên là những hàng ghế đá nhiều màu sắc, nấp dưới những tán cây mát rượi làm chỗ nghỉ chân cho khách vãn cảnh. Nhiều khách ưa ngồi ở những hàng ghế quay mặt ra đòng sông. Ngồi đây có thể ngắm dòng nước đang đêm ngày xuôi chảy về thành phố mang tên Bác, ngắm ngôi nhà Thủy Tạ nhô ra ngoài sông, ngắm nhìn cây cầu Mới, cầu Ghềnh phía xa xa. Xa hơn nữa là ngọn núi Châu Thới mờ mờ trong ráng chiều đỏ ối. Chiều xuống, mặt trời ngả về Tây, dòng sông ánh lên màu đỏ pha sắc vàng rực rỡ. Công viên rộn rã hẳn lên với bước chân người, với tiếng cười đùa của trẻ con theo bố mẹ ra công viên chơi. Các em chạy nhảy tung tăng, líu lo bên bố mẹ.

Công viên quê em đẹp như thế đấy!

Đề thi giữa kì 1 Tiếng Việt lớp 5 Chân trời sáng tạo có đáp án - Đề 2

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Trường Tiểu học .....

Đề thi Giữa kì 1 Tiếng Việt lớp 5

(Bộ sách: Chân trời sáng tạo)

Thời gian làm bài: .... phút

(Đề số 2)

 A. TIẾNG VIỆT (6,0 điểm)

1. Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau: 

Cây mây đầu ngõ

Cây mây đầu ngõ

Mọc từng bụi nhỏ

Gai góc đầy mình

Quả mọc linh tinh

Thành chùm trĩu nặng.

 

Những ngày trời nắng

Mẹ thường chặt mây

Tước một rổ đầy

Thân mây tước nhỏ

Đem phơi khô nó

Đan giỏ, đan nia.

Tuổi thơ thấm thía

Trốn ở bụi mây

Gai mây chọc đầy

Xước da, xước áo.

Mẹ về, mếu máo

Sợ bị mắng to

Nhưng mẹ lại lo

Hơn là trách mắng.

 

Mây giờ ít lắm

Bụi rậm ngày xưa

Giờ thành tường gạch

Vừa cao vừa sạch

Hết buổi ban trưa

Đi tìm nhau nữa

Nhớ hoài muôn thuở

Một thời tuổi thơ.

Theo Thư Linh

Câu 1 (0,5 điểm). Cây mây ở đầu ngõ nhà bạn nhỏ được miêu tả như thế nào?

A. Thân mây trơn, nõn nà và mọc thành từng bụi rậm.

B. Thân mây nhỏ, quả mọc linh tinh thành từng chùm.

C. Mọc theo từng bụi, thân nhiều gai và quả mọc thành chùm.

D. Thân mây trơn và nhỏ, quả nhiều gai và mọc thành từng chùm.

Câu 2 (0,5 điểm). Mẹ bạn nhỏ chặt mây, đem phơi khô để làm gì?

A. Để đan giỏ, đan nia.

B. Để làm thành roi mây.

C. Để đan rổ.

D. Cả A và C đều đúng.

Câu 3 (0,5 điểm). Vì sao bạn nhỏ lại sợ bị mẹ mắng?

A. Vì buổi trưa trốn mẹ đi chơi cùng các bạn.

B. Vì đã chặt cây mây của mẹ để làm đồ chơi.

C. Vì bị gai mây chọc đầy người xước da, xước áo.

D. Vì ngã vào bụi mây bị gai mây chọc xước da, xước áo.

Câu 4 (0,5 điểm). Bụi mây ở đầu ngõ ngày xưa và bây giờ khác nhau như thế nào?

A. Ngày xưa mây mọc thành từng bụi nhỏ, bây giờ mây mọc thành từng bụi to.

B. Ngày xưa quả mây mọc linh tinh, bây giờ quả mây mọc thành từng chùm.

C. Ngày xưa mây mọc thưa thớt, bây giờ mây mọc thành từng bụi.

D. Ngày xưa mây mọc nhiều thành từng bụi, bây giờ mây mọc ít.

2. Luyện từ và câu (4,0 điểm)

Câu 5 (2,0 điểm). Điền từ thích hợp vào chỗ trống trong các câu thơ sau:

Lặng im, yên ắng, vắng lặng

a.

Nhà …………. tiếng chân đi rất nhẹ

Gió từng hồi trên mái lá ùa qua

(Theo Bằng Việt)

b.

Cái trống ………….

Nghiêng đầu trên giá

c.

Trên thung sâu ………..

Những đài hoa thanh tân.

Uống dạt dào mạch đất

Đang kết một mùa xuân

(Theo Trần Lê Văn)

Câu 6 (2,0 điểm). Tìm từ đồng nghĩa với từ in đậm trong mỗi câu văn sau:

a. Mặt trời  ra, chói lọi trên những vòm lá bưởi lấp lánh. (Tô Hoài)

b. Biển luôn thay đổi màu tùy theo sắc mây trời. (Vũ Tú Nam)

c. Nhà cửa dựng dọc theo những bờ kênh, dưới những hàng đước xanh rì. (Mai Văn Tạo)

B. TẬP LÀM VĂN (4,0 điểm)

Câu 7. Viết bài văn (4,0 điểm)

Đề bài: Hãy viết bài văn tả cảnh quê hương nơi em sống.

BÀI LÀM

……………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………

Đánh giá

0

0 đánh giá