Đề cương ôn tập học kì 1 Ngữ văn 12 Chân trời sáng tạo năm 2024

1.1 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu Đề cương ôn tập học kì 1 Ngữ văn 12 Chân trời sáng tạo năm 2024 – 2025. Tài liệu được biên soạn bởi đội ngũ giáo viên THPT dày dặn kinh nghiệm sẽ giúp các em làm quen với các dạng bài tập, nâng cao kỹ năng làm bài và rút kinh nghiệm cho bài thi học kì 1 Ngữ văn 12. Mời các bạn cùng đón xem:

Đề cương ôn tập học kì 1 Ngữ văn 12 Chân trời sáng tạo năm 2024

A. NỘI DUNG ÔN TẬP

1. Phần đọc hiểu

a. Thơ cổ điển và lãng mạn

 

Khái niệm

Đặc điểm

Phong cách

Phong cách: Là một tập hợp những nét độc đáo tương đối ổn định có giá trị thẩm mĩ trong sáng tác của một tác giả, một trường phái văn học, một thời đại hay một nền văn học

Phong cách cổ điển có đặc điểm nổi bật là đề cao tính chất khuôn mẫu, chuẩn mực về tư tưởng và nghệ thuật

Phong cách lãng mạn có đặc điểm là đề cao cảm xúc và trí tưởng tượng của con người, có khuynh hướng phá vỡ các quy phạm nhằm giải phóng con người cá nhân, bộc lộ cá tính một cách tự do nhất

 b. Truyện lãng mạn và hiện thực

 

Khái niệm

Đặc điểm

Phong cách hiện thực

Là phong cách nghệ thuật chú trọng việc khắc họa chính xác, tỉ mỉ những bức tranh chân thực về cuộc sống và môi trường xã hội với cảm hứng phê phán, bóc trần những mặt tiêu cực của thực tại

Đề tài gắn với cuộc sống hằng ngày, nhân vật thường điển hình cho một hoàn cảnh, một tính cách, một số phận trong xã hội

 c. Truyện truyền kì, văn tế

Thể loại

Khái niệm

Đặc điểm

Truyện truyền kì

- Là thể loại văn xuôi tự sự có nguồn gốc từ văn học Trung Quốc.

- Truyện truyền kì phát triển trên nền tảng thần thoại, truyền thuyết,… của văn học dân gian và những tín ngưỡng văn hóa trong đời sống tinh thần của các dân tộc

- Trong truyện truyền kì, yếu tố kì ảo được sử dụng như một phương thức nghệ thuật có tính đặc thù nhằm thể hiện các vấn đề của thực tại

- Ngôn ngữ truyện truyền kì: thường sử dụng lối nói so sánh - ẩn dụ; ưa hình thức biểu đạt cầu kì, khoa trương, phóng đại; chuộng ngôn từ hoa mĩ; dùng nhiều điển cố, hình ảnh biểu trưng;…

Văn tế

- Là thể loại văn học chủ yếu gắn với tục tang lễ, bày tỏ tình cảm của người còn sống đối với người đã mất

- Đôi khi văn tế biến thể được dùng trong những trường hợp đùa vui hay châm biếm

- Bài văn tế thường có hai nội dung cơ bản: tưởng nhớ người đã mất và thể hiện tình cảm của người còn sống trong giờ phút vĩnh biệt người mất

- Kết cấu gồm 4 phần: mở đầu (lung khởi), đoạn hai (thích thực), đoạn ba (ai vãn), đoạn kết

- Văn tế có thể được viết bằng văn xuôi cổ, có đối, văn vần, văn biền ngẫu

- Văn tế có khi được viết theo thể tự do nhưng phần nhiều văn tế phỏng theo thể phú Đường luật

- Văn tế thường sử dụng nhiều thán từ, những từ ngữ, hình ảnh giàu giá trị biểu cảm

 d. Phóng sự, nhật kí

Thể loại

Khái niệm

Đặc điểm

Nhật kí

- Ghi chép theo thứ tự ngày tháng về những sự kiện của đời sống mà tác giả là người trực tiếp tham gia hay chứng kiến

- Thường bộc lộ suy nghĩ, thái độ và đánh giá của người viết về con người, cuộc đời và chính bản thân mình

Phóng sự

- Ghi chép kịp thời, cụ thể những sự việc, con người nhằm làm sáng tỏ trước công luận về vấn đề đặt ra từ bài viết

- Vấn đề nêu lên trong bài phóng sự thường liên quan đến hoạt động và số phận của một hoặc nhiều người, có ý nghĩa thời sự đối với xã hội

 e. Hài kịch

Khái niệm

Đặc điểm

Các thành phần

Là thể loại kịch, dùng tiếng cười để chế giễu những thói tật, hiện tượng đáng phê phán vốn đi lệch các chuẩn mực tốt đẹp của con người và cộng đồng

Tiếng cười hài kịch cất lên từ sự vênh lệch, không tương thích giữa mục đích và phương tiện thực hiện, bản chất và biểu hiện, hành động và hoàn cảnh, tham vọng vá nhân và các khả năng thực hiện,… tức là từ những cái ngộ nghĩnh, ngược đời, bất hợp lí

- Nhân vật trong hài kịch: là những nhân vật tiêu biểu cho một thói tật đáng cười, đáng phê phán, hoặc những nhân vật thường xuyên nhầm lẫn, có cách ứng xử không phù hợp với hoàn cảnh thực tế

- Tình huống hài kịch: là những tình huống hài hước diễn ra trong cuộc sống sinh hoạt, thế sự với những toan tính đời thường, làm nổi bật những thói tật đáng cười của con người

- Xung đột trong hài kịch: thường được xây dựng trên cơ sở mâu thuẫn giữa ảo tưởng vớ những chuẩn mực và tiến bộ xã hội

 2. Phần tiếng Việt

a. Ngôn ngữ trang trọng

Khái niệm

Đặc điểm

- Là kiểu ngôn ngữ thường được sử dụng trong các giao tiếp liên quan đến công việc chung như thuyết trình, giảng dạy, trao đổi ý kiến trong cuộc họp, phát biểu ý kiến trong lớp học,… hoặc viết báo cáo, đơn từ, làm bài, viết bài nghiên cứu,…

- Thường được gọt giũa cẩn thận

- Từ ngữ và kiểu câu phải đảm bảo chuẩn mực về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và phong cách

- Ưu tiên sử dụng từ ngữ toàn dân với nghĩa chính thống và lịch sự, không sử dụng tiếng lóng, từ thông tục; ít sử dụng câu đặc biệt, câu rút gọn,…

 b. Lỗi câu mơ hồ và cách sửa

Khái niệm

Ví dụ

Là câu khiến người đọc có thể hiểu theo những cách khác nhau

Tôi đồng ý với những đánh giá về truyện ngắn của ông ấy

- Khó xác định câu này muốn đề cập những ý kiến của ông ấy đánh giá về truyện ngắn hay có những ý kiến của người khác đánh giá về truyện ngắn do ông ấy sáng tác

 c. Lỗi câu sai logic và cách sửa

Khái niệm

Ví dụ

Là câu có sự mâu thuẫn giữa các ý được trình bày, lẫn lộn các bình diện khi nói về đối tượng, đặt các đối tượng không cùng cấp độ trong quan hệ đồng đẳng

Bên cạnh việc hăng hái cách tân thi ca, ông còn là một chiến sĩ nhiệt thành đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít

- Vế đầu câu nói về hoạt động của chủ thể, vế sau lại nói đến vị thế xã hội của chủ thể, mặc dù câu được cấu trúc theo mẫu: bên cạnh… còn…

- Chính sự lẫn lộn các bình diện như thế khi nói về đối tượng đã khiến câu mắc lỗi logic

 d. Ngôn ngữ thân mật

Khái niệm

Đặc điểm

- Là kiểu ngôn ngữ thường được sử dụng trong các giao tiếp hằng ngày như trò chuyện hoặc viết tin nhắn, viết thư cho bạn bè, người thân, viết nhật kí cá nhân,…

- Thường sử dụng các từ ngữ có sắc thái gần gũi, dân dã, phù hợp với mối quan hệ giữa các đối tượng giao tiếp

- Kiểu câu trong ngôn ngữ thân mật cũng đa dạng, bao gồm cả câu đặc biệt, câu rút gọn

 e. Biện pháp tu từ nghịch ngữ

Khái niệm

Đặc điểm

Là biện pháp tu từ, ở đó, người nói, người viết dùng một cụm từ gây ấn tượng mạnh, làm nổi bật tính chất hai mặt của một tình thế, tâm trạng nào đó, hoặc làm phát lộ sự thật về đối tượng theo quan điểm của mình

Nghĩa của nghịch ngữ đối lập với nghĩa của các cụm từ khác trong câu hoặc trong các câu khác gần kề

Nghịch ngữ thường xuất hiện trong nói mỉa

 3. Phần làm văn

a. Viết bài nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ

Phần

Nội dung

Mở bài

Giới thiệu ngắn gọn về hai bài thơ và nếu cơ sở lựa chọn để so sánh, đánh giá.

Thân bài

Có nhiều cách trình bày nội dung so sánh, đánh giá. Người viết cần linh hoạt trong việc lựa chọn cách trình bày phù hợp với hiểu biết và hứng thú của bản thân, điều này sẽ góp phần quan trọng vào thành công của bài viết. Có thể triển khai các nội dung so sánh, đánh giá theo những cách sau:

– Cách 1: Lần lượt phân tích từng bài thơ, sau đó chỉ ra điểm tương đồng, sự gặp gỡ và những điểm khác biệt, II giải nguyên nhân của sự tương đồng và khác biệt đó; đồng thời đánh giá về giá trị và đóng góp của mỗi bài thơ.

– Cách 2: Phân tích bài thơ thứ nhất theo các phương diện đã xác định, khi phân tích bài thơ thứ hai sẽ so sánh với bài thơ thứ nhất theo từng phương diện và lí giải nguyên nhân của những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai bài thơ, từ đó, đánh giá về giá trị và đóng góp của mỗi bài thơ.

- Cách 3: So sánh lần lượt các phương diện đã lựa chọn đối với hai bài thơ, chỉ ra điểm tương đồng và khác biệt; lí giải nguyên nhân sự tương đồng và khác biệt đó; đánh giá về giá trị và đóng góp của mỗi bài thơ từ các nội dung so sánh.

Kết bài

Khẳng định ý nghĩa của việc so sánh, đánh giá; nêu cảm nhận và ấn tượng của bản thân về các bài thơ.

 b. Viết bài nghị luận về một vấn đề liên quan đến tuổi trẻ

Phần

Nội dung

Mở bài

Giới thiệu vấn đề liên quan đến tuổi trẻ, nêu quan điểm của người viết về vấn đề đó.

Thân bài

– Giải thích từ ngữ, khái niệm để làm rõ bản chất vấn đề cần bàn luận liên quan đến tuổi trẻ.

- Trình bày các khía cạnh của vấn đề (Vì sao vấn đề này thiết yếu đối với tuổi trẻ? Vấn đề gợi cho tuổi trẻ những suy nghĩ và hành động như thế nào? Cần có những điều kiện gì để tuổi trẻ thực hiện yêu cầu mà vấn đề nêu ra?...). Với từng luận điểm, cần dùng lí lẽ và bằng chứng phù hợp để lập luận nhằm tạo nên sức thuyết phục của bài viết.

– Bình luận về sự đúng đắn, thiết thực của vấn đề, bác bỏ ý kiến trái ngược để củng cố quan điểm của mình.

– Định hướng hành động của bản thân sau khi nhận thức về vấn đề.

Kết bài

Khái quát lại ý nghĩa của vấn đề, liên hệ với đời sống thực tại, rút ra bài học cho bản thân.

 c. Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện, kí hoặc kịch

Phần

Nội dung

Mở bài

Giới thiệu hai tác phẩm truyện, kí hoặc kịch được xác định là đối tượng của sự so sánh, đánh giá; nêu mục đích và cơ sở của việc so sánh, đánh giá này.

Thân bài

Cần triển khai các ý:

+ Thông tin chung về từng tác phẩm: hoàn cảnh ra đời, đề tài, chủ đề, cốt truyện, nhân vật, vị trí của tác phẩm trong đời sống văn học...

+ Những điểm tương đồng giữa hai tác phẩm truyện kí hoặc kịch và nguyên nhân dẫn đến sự tương đồng ấy (ví dụ: hai tác phẩm cùng đề cập một loại hiện tượng đời sống hay một loại hình nhân vật; hai tác giả có cùng quan điểm thẩm mĩ và cách tiếp cận hiện thực; có hiện tượng tác giả này chịu ảnh hưởng tác giả kia về đề tài, cảm hứng, bút pháp, phong cách sáng tác;...).

+ Những điểm khác biệt giữa hai tác phẩm truyện kí hoặc kịch và điều kiện làm nên sự khác biệt ấy (ví dụ: mỗi nhà văn có quan điểm thẩm mĩ, cách tiếp cận hiện thực và cá tính sáng tạo riêng; mỗi nhà văn chịu ảnh hưởng của một truyền thống văn hoá, văn học khác nhau; đối tượng

dược miêu tả, câu chuyện được kể lại ở mỗi tác phẩm có điểm đặc thù;).

+ Đánh giá chung về sự tương đồng, khác biệt giữa hai tác phẩm truyện kí hoặc kịch và khẳng định giá trị độc đáo của mỗi tác phẩm.

Kết bài

Nêu ý nghĩa của việc đánh giá các tác phẩm truyện khi đặt chúng trong tương quan so sánh.

 d. Viết thư trao đổi về một vấn đề đáng quan tâm

Tri thức về kiểu bài

Nội dung

Kiểu bài

Là kiểu văn bản thư tín, trong đó người viết thư trao đổi với người nhận thư về một vấn đề trong cuộc sống, đồng thời sử dụng lí lẽ, bằng chứng để thuyết phục người đọc

Yêu cầu về nội dung

Nêu được vấn đề cần quan tâm, trình bày được ý kiến về vấn đề

Yêu cầu về hình thức

Với thư tay, bố cục văn bản gồm:

- Mở đầu: Nêu địa điểm, thời gian viết thư, danh tính người nhận, lời chào mở đầu

- Nội dung: Trình bày ý kiến trao đổi về vấn đề

- Kết thúc: Lời chào tạm biệt, danh tính người viết thư

 e. Viết văn bản dưới hình thức thư trao đổi công việc

Tri thức về kiểu bài

Nội dung

Kiểu bài

Là kiểu văn bản thư tín của cá nhân hay tổ chức, dùng để trao đổi thông tin mà hai bên cùng quan tâm, cùng bàn bạc, nhằm đạt được kết quả mong đợi

Yêu cầu về nội dung

Trao đổi công việc về những nội dung cụ thể (vd: lợi ích của công việc, yêu cầu thực hiện, cách thức thực hiện, kết quả dự kiến,…); Thông tin trao đổi: đầy đủ, chính xác, có sức thuyết phục

Yêu cầu về hình thức

Dung lượng văn bản cô đọng, tập trung vào mục đích trao đổi công việc; ngôn ngữ: nhã nhặn, tạo sự tin cậy, trọng thị lẫn nhau

Có bố cục 3 phần:

- Mở đầu: Nêu địa điểm và thời gian viết thư, danh tính người nhận thư, lời chào mở đầu

- Nội dung chính: Làm rõ mục đích trao đổi công việc, ý nghĩa/ kết quả mong đợi, đề xuất về (các) phương án giải quyết, hợp tác giữa các bên (nếu có),…

- Kết thúc: Lời chào tạm biệt, danh tính người viết thư,…

B. ĐỀ THI MINH HỌA

I. ĐỌC HIỂU (4đ)

Học sinh đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi kế tiếp

BÍ ẨN CỦA LÀN NƯỚC

(Bảo Ninh)

(1) Các dòng sông trôi đi như thời gian, và cũng như thời gian, trên mặt nước các triền sông biết bao nhiêu là chuyện đời đã diễn ra. Nhất là về đêm, trên làn nước của dòng sông quê hương tôi lấp lánh hằng hà những đốm sáng bí ẩn, có cả điều bí ẩn của đời tôi.

(2) Năm ấy, nhằm trúng đỉnh lũ đêm Rằm tháng Bảy, một loạt bom Mĩ phá tan vệt đê canh giữ đằng trước làng tôi. Dứt dậy nổ của bom và tiếng gầm ghê rợn của máy bay cường kích là chuỗi ầm ầm long lở của dòng sông phá bụng đê tràn ngang vào đồng ruộng.

Từ trên điếm canh, tôi chạy lao về làng. Hồi chiều, hay tin vợ ở nhà trở dạ nhưng tôi không thể rời vị trí hộ đê. Bây giờ giời đất sập rồi, trong tôi chỉ còn con tôi, vợ tôi. Tôi dốc toàn lực bình sinh vào đôi chân. Đằng sau, cơn đại hồng thuỷ đuổi bén gót.

Nước đã ngập làng. Tôi về, kịp dìu vợ leo lên mái. Mái nhà tranh của vợ chồng tôi bị lôi đi trong đêm đen. Đến khi mái rạ sắp rã tan ra thì ơn trời nó vướng vào thân đa trước đình làng. Đã cả một đám đông bám trên các cành. Nhiều bàn tay chìa xuống giúp tôi đỡ vợ con trèo lên. Vợ tôi ôm khư khư đứa con mới sinh, nhất định không để tôi bế đỡ.

– Con trai... con trai mà... con trai... Để yên em ẵm, anh vụng...

Nhiều giờ trôi qua. Mưa tuôn, gió thổi. Mực nước không dâng cao hơn, nhưng chảy xiết hơn. Cây đa đầy người hơn. Tôi mỏi nhừ. Tay ôm chặt vợ, tay níu mình vào chạc cây. Vợ tôi yếu lả, ướt lướt thướt, lạnh ngắt.

Khoảng gần sáng, bỗng có tiếng quẫy nước ngay dưới cành đa của vợ chồng tôi. Một giọng nghẹn sặc với lên:

- Cứu mẹ con tôi mấy... cứu mấy, người ơi...

Một bàn tay nhớt và lạnh như tay ma rờ vào chân tôi đang buông thống. Tôi vội cúi xuống, đưa tay ra. Nhưng bàn tay của người đàn bà dưới nước truội đi, chìm nghỉm. Cành đa kêu rắc, chao mạnh. Vợ tôi “ối” kêu một tiếng thảng thốt, và “ùm” con trai tôi, đứa con sơ sinh tôi chưa được nhìn thấy mặt, tuột khỏi bọc ni-lông trên tay mẹ nó, sa xuống làn nước tối tăm.

- Con tôi...! – Vợ tôi hét rú lên và lao ngay lập tức xuống nước hòng chụp lấy con.

Tôi phóng mình theo. Nước lạnh, ngầu bùn, sâu hút và cuốn mạnh. Tôi vớ kịp thằng con, nhao vội lên, trao nó cho những bàn tay đang chìa xuống, rồi lại lặn tiếp ngay để cứu vợ. Nhiều người phi xuống theo để trợ sức tôi...

Tôi tỉnh lại, thấy trời sáng rồi và đã tạnh mưa. Tôi nằm trong khoang một ca-nô cứu nạn đầy ắp người. Hồi đêm, tôi đã vật lộn điên dại quyết sống mái một phen với làn nước giết người, nhưng tôi đã thua cuộc. Ứa ra cả máu tai máu mũi mà không những không cứu nổi vợ, đến thi thể cô ấy tôi cũng bất lực không tìm thấy. Khi ca-nô quân đội tới, mọi người đã phải dùng sức để buộc tôi rời mặt nước. Kiệt sức, tôi ngất đi. Khổ đau, tôi tỉnh dậy, nước mắt nóng rực, tế nhói. Một chị phụ nữ chen tới bên tôi, lên lời an ủi:

– Phận chị ấy đã vậy, thôi thì anh phải nén lòng lại, giữ sức khoẻ mà nuôi con.

Ơn trời, anh còn kịp cứu được cháu. Chao ôi, vừa kịp khóc chào đời đã trải một cơn kinh hoàng hú vía. Anh coi con anh này. Cứ như không. Đã bú, đã ngủ rồi đây này.

Ngoan chưa này... Ôi chao, nó tè dầm rồi này.

Chị nựng nịu, và từ từ giở bọc chăn chiên đang ủ kín con tôi. Chị thay tã cho nó. Tôi nhìn, chết lặng.

- Con tôi... – Tôi khóc, đỡ lấy bọc chăn. – Con tôi!

(3) Từ bấy tới nay, thời gian trôi qua và triền nước trôi đi, tôi đã có tuổi và con gái tôi đã thành một thiếu nữ. Nó là đứa con của làn nước, mọi người đều nói thế bởi vì chuyện nó sa xuống dòng nước lụt rồi được cha nó cứu lên thì cả làng ai cũng biết. Nhưng điều bí mật kia thì không ai hay, kể cả con gái tôi cũng không thể biết.

Chỉ có dòng sông biết.

Có ngày nào mà tôi không ra đê ngắm làn nước trôi. Vợ tôi, con tôi và người đàn bà vô danh nhìn tôi từ đáy nước. Thời gian, năm tháng cứ trôi, dòng sông và lịch sử, tất cả đều đổi thay nhưng mà niềm đau của đời tôi thì khôn nguôi bởi ấy là một niềm đau không thể nói nên lời.

(Bảo Ninh, Những truyện ngắn, NXB Trẻ, Tái bản 2021)

* Bảo Ninh sinh năm 1952, tên thật là Hoàng Ấu Phương, quê ở xã Bảo Ninh, huyện Quảng Ninh (nay thuộc thành phố Đồng Hới), tỉnh Quảng Bình, Việt Nam. Ông từng chiến đấu ở mặt trận B3 Tây Nguyên. Từ 1976 – 1981, ông học đại học ở Hà Nội, sau đó làm việc ở Viện Khoa học Việt Nam. Từ 1984 – 1986, ông học khoá 2 Trường Viết văn Nguyễn Du. Ông làm việc tại báo Văn nghệ Trẻ và là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1997.

Câu 1. Tóm tắt ngắn gọn nội dung truyện xác định tình huống thử thách đối với nhân vật “tôi” và ý nghĩa của tình huống ấy (1đ)

Câu 2. Nhân vật “tôi” là người thế nào? Em có đồng ý với nhân vật “tôi” để “điều bí mật kia không ai hay… chỉ có dòng sông biết” không? (1đ)

Câu 3. Xác định điểm nhìn trần thuật, nghệ thuật trần thuật trong văn bản Bí ẩn của làn nước. Việc sử dụng điểm nhìn, nghệ thuật trần thuật ấy có ý nghĩa như thế nào đối với việc truyền tải nội dung của văn bản? (1đ)

Câu 4. Bí ẩn của làn nước là gì? Em hãy xác định cảm hứng và thông điệp của văn bản bằng đoạn văn dài từ 7- 10 dòng (1đ)

II. VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. Truyện ngắn Bí ẩn của làn nước có ý nghĩa như thế nào với đời sống hôm nay? Tác phẩm tác động tới nhận thức và cảm xúc của em như thế nào? (trả lời bằng đoạn văn khoảng 200 chữ) (2đ)

Câu 2.

Đọc đoạn trích từ văn bản Sống chết mặc bay của Phạm Huy Tốn sau đây và viết bài luận so sánh, đánh giá nét tương đồng và khác biệt với tác phẩm Bí ẩn của làn nước của Bảo Ninh (4đ)

SỐNG CHẾT MẶC BAY

(Phạm Huy Tốn)

Gần một giờ đêm, trời mưa tầm tã. Nước sông Nhị Hà lên lên to quá, khúc đê làng… thuộc phủ….. xem chừng núng thế lắm, hai ba đoạn đã thẩm lậu rồi, không khéo thì vỡ mất.

Dân phu kể hàng trăm nghìn con người, từ chiều đến giờ hết sức giữ gìn, kẻ thì thuổng kẻ thì cuốc, kẻ đội đất, kẻ vác tre, nào đắp nào cừ, bì bõm dưới bùn lầy ngập quá khuỷu chân, người nào người nấy ướt lướt thướt như chuột lột. Tình cảnh trông thật thảm.

Tuy trống đánh liên thanh, ốc thổi vô hồi, tiếng người gọi nhau sang hộ, nhưng xem chừng ai ai cũng mệt lử cả, ấy vậy mà trên trời vẫn mưa tầm tã trút xuống, dưới sông thì nước bốc lên. Than ôi! Sức người khó lòng địch nổi sức trời! Thế đê không sao cự lại được với thế nước! Lo thay! Nguy thay! Khúc đề này hỏng mất, ấy lũ con dân đang chân lấm tay bùn, trăm lo nghìn sợ, đem thân yếu hèn mà chống với mưa to gió lớn, để bảo thủ lấy tính mạng, gia tài, thế thời quan cha mẹ ở đâu?

Thưa rằng: đang ở trong đình kia. Cách đó chừng bốn năm trăm thước. Đình ấy cũng ở trên mặt đề, nhưng cao mà vững chãi, dẫu nước to thế nào cũng không việc gì.

Trong đình đèn thắp sáng trưng, nha lệ, lính tráng, kẻ hầu người hạ, đi lại rộn ràng. Trên sập mới kê ở gian giữa, có một mình quan phụ mẫu, uy nghi chễm chệ ngồi. Tay trái dựa gối xếp, chân phải duỗi thẳng ra, để cho tên người nhà quỳ dưới đất mà gãi. Một tên lính lệ đứng bên, cầm cái quạt lông chốc chốc lại phe phẩy.

Tên nữa đứng khoanh tay chực hầu điếu đóm. Bên cạnh ngài, mé tay trái, bát yến hấp đường phèn, để trong khay khảm, khói bay nghi ngút, tráp đổi mới chữ nhật để mở, trong ngăn bạc đẩy những trầu vàng... trông mà thích mắt.

Ngoài kia tuy mưa gió ầm ầm, dân phu rối rít, nhưng trong này xem chừng tĩnh mịch, nghiêm trang lắm: trừ quan phụ mẫu, mọi người không dám to tiếng.

So với cảnh trăm họ đang lấm láp, gội gió tắm mưa như đàn sâu lũ kiến ở trên đê, thời ở trong đình rất là nhàn nhã, đường bệ, nguy nga: nào quan ngôi trên, nào nha ngồi dưới, người nhà lính lệ khoanh tay sắp hàng, nghi vệ tôn nghiêm, như thần như thánh. Thỉnh thoảng nghe tiếng quan phụ mẫu gọi: “Điếu mày”, tiếng tên lính hầu thưa: “Dạ”; tiếng thầy để hỏi: “Bẩm bốc”, tiếng quan lớn truyền: “Kẻ này “Bát sách! Ăn. Người kia “Thất văn”!... “Phỗng” lúc mau, lúc khoan, dung êm ái; khi cười, khi nói, vui vẻ, dịu dàng. Thật là tôn kính, xứng đáng với một vị phúc tinh.[...]

Quan lớn ù thêm. Người đầu cánh, kẻ cuối tay, tranh nhau phô bài để lớn rõ rằng: “Mình có đôi mà không dám phỗng qua mặt!”. Hèn chi mà quan chẳng ù luôn! Quan ù ấy là hạnh phúc....

Khi đó, ván bài quan đã chờ rồi. Ngài xơi xong bát yến vừa xong, ngồi khểnh vuốt râu rung đùi, mắt đang mãi trông đĩa nọc, bỗng nghe ngoài xa tiếng kêu vang dậy trời đất. Mọi người đều giật nảy mình, quan vẫn điềm nhiên, chỉ lăm le chờ người ta bốc trúng quân mình chờ mà hạ, vì ngài sắp ù to.

Có người khẽ nói:

- Bẩm, dễ có khi đê vỡ?

- Bẩm... quan lớn... đê vỡ mất rồi!

Ngài cau mặt, gắt rằng:

- Mặc kệ! [...]

- Đê vỡ rồi!... Đê vỡ rồi, thời ông cách cổ chúng mày. Có biết không... Lính đâu? Sao bay dám để cho nó chạy xồng xộc vào đây như vậy? Không còn phép tắc gì nữa à?

[...]

(Nguyễn Cừ, Phạm Duy, Phạm Duy Tốn – Tác phẩm chọn lọc, NXB Văn học 2002)

(*) “Sống chết mặc bay” đăng trên tạp chí Nam Phong, số 18/12/1918.

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.

ĐÁP ÁN

Phần I. Đọc hiểu

Câu 1 (1 điểm)

- Tóm tắt: “Tôi” nhớ lại đỉnh lũ đêm Rằm tháng Bảy, một loạt bom Mĩ phá

tan vệt đê, “tôi” hộ đê, vợ vừa sinh con trai, lũ cuốn nhà, cả nhà mắc lại trên cành đa cùng nhiều người trong đêm. Đúng lúc có người kêu cứu mẹ con tôi với, “tôi” với tay thì cành gãy, cả vợ con rơi xuống nước. “Tôi” lao vào dòng nước nhưng chỉ cứu được đứa bé gái. Ai cũng tưởng rằng “tôi” cứu được con. Tôi nuôi bé gái khôn lớn và ôm nỗi đau cùng bí mật chỉ dòng nước biết.

* Tình huống thử thách bất thường nằm ở đoạn số 2: người kêu, cành cây gãy, vợ con rơi xuống nước, “tôi” lao vào dòng nước nhưng chỉ cứu được đứa bé gái (con người kêu cứu). Ai cũng tưởng rằng “tôi” cứu được con.

+ Tình huống, khoảnh khắc gay cấn, căng thẳng, sự đe doạ dồn dập... tính mạng người khó bảo toàn.

+ Tình huống phản ánh được hiện thực cuộc sống khó khăn: Chiến tranh và thiên tại.

+ Con người không thể toan tính buộc phải hành động gấp,... Bối cảnh buộc mỗi con người bộc bộ nhân cách, bản tính của mình.

Câu 2 (1 điểm)

- Về nhân vật “tôi”: Học sinh dựa vào gợi ý sau và bổ sung dẫn chứng

+ Là người trải qua nhiều đau thương, mất mát, sống sâu sắc.

+ Là người trách nhiệm với vợ con, với xã hội.

+ Là người giàu yêu thương, nhân ái.

- Về việc giữ bí mật: Học sinh tự nêu ý kiến cá nhân (chú ý đến giả định nếu công khai/ không công khai bí mật điều gì sẽ xảy ra).

Câu 3 (1 điểm)

- Điểm nhìn: Thuật kể từ điểm nhìn của nhân vật “tôi” (phối hợp điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong); điểm nhìn thuật trần thuật phù hợp để truyền tải nội dung của văn bản: những sự việc xảy ra với gia đình nhân vật “tôi” trong quá khứ nay đã thành nỗi đau không thể nguôi quên.

→ Nghệ thuật trần thuật từ người kể chuyện ở ngôi thứ nhất, với điểm nhìn từ bên trong (suy ngẫm đoạn đầu và cuối) đã giúp độc giả đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật, khiến tác phẩm trở nên chân thực, giàu chất trữ tình.

- Nhịp điệu trần thuật:

+ Đoạn số 2: sự việc, chi tiết diễn ra nhanh, gấp gáp, nhịp câu ngắn để diễn tả tình thế hiểm nguy, kịch tính của cuộc sống;

+ Đoạn 1, 3 sử dụng điểm nhìn từ bên trong, nhịp điệu chậm để diễn tả nỗi đau, những suy nghĩ, trải nghiệm sâu sắc từ tấm lòng nhân ái của nhân vật “tôi”

Câu 4 (1 điểm)

– Bí ẩn của làn nước: Vợ nhân vật “tôi” sinh con trai nhưng đứa bé anh cứu sống là con gái. Điều mọi người không biết là: vợ anh sinh con trai và ngay trước khi cành đa gãy có một người mẹ kêu: “cứu con tôi với!”. “Tôi” mất cả vợ con trong cơn lũ dữ.

– Cảm hứng: hiện thực; cảm thương

– Thông điệp

+ Trong những tình huống nguy nan, ranh giới sống chết chỉ như sợi tóc

con người vẫn có thể sống yêu thương, đùm bọc, sẻ chia, thậm chí hi sinh cả sinh mạng cho người khác, cao thượng, nhân hậu.

+ Trong cuộc sống vô tận, thời gian có thể xoá nhoà đi nhiều thứ song có những nỗi đau, mất mát còn đọng mãi, không thể nguôi yên hành động cao cả, tình thương và đức hi sinh đôi khi khiến người ta vẫn phải chịu ám ảnh, xót xa.

II. VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1 (2 điểm)

Học sinh viết đoạn đảm bảo độ dài và hướng vào các nội dung chính sau:

- Truyện ngắn Bí ẩn của làn nước có ý nghĩa:

+ Đề cập đến hiện thực – tình huống bất thường của cuộc sống – thiên tai lũ lụt) xảy ra hằng năm trên khắp đất nước ta và thế giới.

+ Sự mất mát, nỗi đau và tình người trong hoạn nạn.

– Tác động đến nhận thức, cảm xúc: Học sinh tự làm (Gợi ý: nhận thức cuộc sống luôn có biến động bất thường (thiên tai, tai nạn,...); Cảm xúc: đau xót, cảm thông, trân trọng cách ứng xử của nhân vật “tôi”).

Câu 2.

Đọc đoạn trích từ văn bản Sống chết mặc bay của Phạm Huy Tốn sau đây và viết bài luận so sánh, đánh giá nét tương đồng và khác biệt với tác phẩm Bí ẩn của làn nước của Bảo Ninh

Phần chính

Điểm

Nội dung cụ thể

Mở bài

0,25

- Giới thiệu hai tác phẩm và tác giả cần so sánh; vấn đề (điểm chung giữa hai tác phẩm đề yêu cầu so sánh).

- Nêu bình diện cần so sánh và vị trí của chúng đối với tác phẩm/dư luận.

Thân bài

2,5đ

* Điểm chung ở hai tác phẩm (dùng hình ảnh/chi tiết giàu ý nghĩa)

– Thể loại: truyện ngắn

- Bối cảnh, tình huống gay cấn, nguy hiểm bởi thiên tai, lũ lụt

→ Hai tác giả chọn thể loại truyện ngắn và bối cảnh lũ lụt để phản ánh cuộc sống và bản chất con người.

- Phong cách hiện thực; tư tưởng nhân đạo (xót thương thảm cảnh con người trước thiên tai...).

* Điểm khác biệt

- Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn: tố cáo sự vô đạo, bất nhân của bọn quan lại, mang đậm giá trị hiện thực, nhân đạo cao cả về tình người.

- Bí ẩn của làn nước của Bảo Ninh: Trong những tình huống nguy nan, ranh giới sống chết chỉ như sợi tóc, con người vẫn có thể sống yêu thương, đùm bọc, sẻ chia, thậm chí hi sinh cả sinh mạng cho người khác, cao thượng, nhân hậu.

* Lí giải sự khác biệt: căn cứ vào hoàn cảnh ra đời của hai tác phẩm

Kết bài

0,25

- Nhận thức, đánh giá của cá nhân về ý nghĩa của từng tác phẩm theo bình diện đã so sánh ở trên.

- Đánh giá sự đóng góp, thành công của từng nhà văn (rút ra từ phần phân tích trên) đối với nền văn học.

Yêu cầu khác

0,25

- Sử dụng thành thạo thao tác so sánh, tổng hợp, chứng minh.

- Dẫn chứng phong phú, đa dạng phù hợp với lí lẽ, luận điểm.

Đánh giá

0

0 đánh giá