Dấu chấm lửng: Định nghĩa, công dụng và ví dụ minh họa

524

Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh đang trong quá trình ôn tập tài liệu Dấu chấm lửng: Định nghĩa, công dụng và ví dụ minh họa giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho kì thi môn Ngữ văn sắp tới. Chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.

Dấu chấm lửng: Định nghĩa, công dụng và ví dụ minh họa

1. Dấu chấm lửng là gì? 

- Khái niệm: Dấu chấm lửng được kí hiệu bởi ba dấu chấm, còn gọi là dấu ba chấm, là một trong các loại dấu câu thường gặp trong văn viết.

- Kí hiệu dấu chấm lửng: được kí hiệu bởi ba dấu chấm nằm cạnh nhau: “...”

2. Cách dùng dấu chấm lửng

- Dùng để cho biết còn nhiều thông tin mà người viết không thể liệt kê hay mô tả hết vì nội dung quá dài.

- Để diễn tả lời nói, cảm xúc ngập ngừng, bỡ ngỡ, đứt quãng.

- Tăng sự kịch tính, hài hước cho câu chuyện.

- Làm giảm nhịp điệu câu văn, lời nói nào đó.

- Biết được kết quả câu trả lời, nhưng vì nhiều lý do ta cũng dùng dấu chấm lửng để thay cho câu trả lời.

- Tùy thuộc vào bối cảnh, vị trí trong một câu, dấu chấm lửng có thể dùng để thể hiện suy nghĩ chưa hoàn thành, cảm xúc nào đó. 

3. Tác dụng của dấu chấm lửng

- Dấu chấm lửng phối hợp với dấu phẩy ngầm cho biết nhiều sự vật, hiện tượng tương tự chưa liệt kê hết.

Ví dụ:

“Chúng ta có quyền tự hào về những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung…”

 (Hồ Chí Minh)

- Dấu chấm lửng thể hiện lời nói bỏ dở, ngập ngừng, ngắt quãng.

Ví dụ:

“Thốt nhiên một người nhà quê, mình mẩy lấm láp, quần áo ướt đầm, tất cả chạy xông vào thở không ra lời:

- Bẩm... quan lớn... đê vỡ mất rồi!”.

(Phạm Duy Tốn)

- Dấu chấm lửng làm giãn nhịp điệu của câu văn, chuẩn bị cho sự xuất hiện của một từ ngữ biểu thị nội dung bất ngờ thường có sắc thái hài hước, châm biếm.

Ví dụ:

“Quan đi kinh lí trong vùng

Đâu có... gà vịt thời lùng về xơi.”

(Tú Mỡ)

4. Bài tập về dấu chấm lửng

Bài 1. Hãy tìm và nêu tác dụng của dấu chấm phẩy trong các ví dụ dưới đây

a. Theo báo cáo khoa học của đoàn thám hiểm của Hội địa lý Hoàng gia Anh gần đây, cửa hang cao và rộng nhất; bãi cát, bãi đá rộng và đẹp nhất; có những hồ ngầm đẹp nhất; hang khô rộng và đẹp nhất; thạch nhũ tráng lệ và kì ảo nhất; sông ngầm dài nhất.

b. Những bến vận hà nhộn nhịp dài theo dòng sông; những lò than hầm gỗ đước sản xuất loại than củi nổi tiếng nhất của miền Nam; những ngôi nhà bè ban đêm ánh đèn măng sông chiếu rực trên mặt nước như những khu phố nổi.

Trả lời:

a. Dấu chấm phẩy được sử dụng làm ranh giới giữa các bộ phận trong một phép liệt kê phức tạp.

b. Dấu chấm phẩy để ngăn ranh giới các vế của một câu ghép có cấu tạo phức tạp.

Bài 2. Trong mỗi câu có dấu chấm lửng dưới đây, dấu chấm lửng được dùng để làm gì?

a.

- Lính đâu? Sao bay dám để cho nó chạy xồng xộc vào đây như vậy? Không còn phép tắc gì nữa à? 

- Dạ, bẩm...

- Đuổi cổ nó ra!

(Phạm Duy Tốn)

b. Ô hay, có điều gì bố con trong nhà bào nhau chứ sao lại...

(Đào Vũ)

Trả lời:

Công dụng của dấu chấm lửng:

a. Thể hiện chỗ lời nói bỏ dở hay ngập ngừng, ngắt quãng.

b. Thể hiện chỗ lời nói bỏ dở hay ngập ngừng, ngắt quãng.

Đánh giá

0

0 đánh giá