Tổng hợp kiến thức Tiếng việt lớp 4 quan trọng nhất

117

Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh đang trong quá trình ôn tập tài liệu Tổng hợp kiến thức Tiếng việt lớp 4 quan trọng nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho kì thi môn Ngữ văn sắp tới. Chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.

Tổng hợp kiến thức Tiếng việt lớp 4 quan trọng nhất

A. TIẾNG LÀ GÌ?

1. Khái niệm: Tiếng là đơn vị cấu tạo nên từ. Tiếng có thể có nghĩa rõ ràng hoặc có nghĩa không rõ ràng. 

2. Đặc điểm của tiếng:

- Tiếng do ba bộ phận: âm đầu, vần, thanh tạo thành.

-  Tiếng nào cũng bắt buộc phải có vần và thanh. Bộ phận âm đầu không bắt buộc phải có mặt.

-  Thanh ngang không đánh dấu khi viết, còn các thanh khác đều được đánh dấu ở phía trên. Riêng dấu nặng đặt phía dưới.

3. Ví dụ:

Tiếng

Âm đầu

Vần

Thanh

Bầu

B

âu

huyền

Thương

Th

ương

ngang

 

B. TỪ VÀ CÁC LOẠI TỪ

Từ là đơn vị nhỏ nhất dùng có nghĩa dùng để đặt câu. Từ có 2 loại: Từ đơn và từ phức

1. Từ đơn

- Khái niệm: Từ đơn là từ có một âm tiết/một tiếng tạo thành. Thành phần cấu tạo ra từ đơn có nghĩa cụ thể.

- Cấu tạo đơn giản dẫn đến nghĩa của từ đơn cũng đơn giản.

- Ví dụ về từ đơn: xa, nhớ, yêu, đường, xe, nhà…

2. Từ phức

- Khái niệm: Từ phức là từ do hai hoặc nhiều tiếng tạo nên. Hiểu một cách đơn giản, từ phức chính là từ ghép. Ghép từ các tiếng giống nhau hoặc khác nhau tạo thành một từ có nghĩa. Khái niệm từ phức là gì chỉ đơn giản như trên.

- Đặc điểm của từ phức:

+ Từ phức chính là từ ghép

+ Từ phức là từ do nhiều tiếng tạo thành.

-Ví dụ về từ phức: Vui vẻ, xinh xắn, câu lạc bộ, vô tuyến truyền hình…

Từ nào cũng có nghĩa và dùng để tạo nên câu.

VD:  Nhờ / thầy cô / ân cần /giảng dạy/,lại / có / chí / học hành / nhiều / năm / liền /, Hạnh / là / học sinh / tiên tiến / .

Câu trên được tạo thành từ 21 từ, mỗi từ được phân cách bằng một dấu gạch chéo.

- Có thể thấy từ phức được chia thành 2 loại từ mà chúng ta hiểu rõ hơn đó là từ ghép và từ láy.

3. Từ ghép

Có hai cách để tạo từ phức là:

1. Ghép những tiếng có nghĩa lại với nhau. Đó là các từ ghép.

VD: tình thương, thương mến, ghi nhớ, thanh cao, vững chắc...

Từ ghép lại được phân loại cụ thể hơn đó là từ ghép phân loại và từ ghép tổng hợp.

Ví dụ:

Từ ghép phân loại: nhà ngói, nhà tầng, biệt thự…

Từ ghép tổng hợp: quần áo, nhà cửa, xe cộ…

Ngoài ra, căn cứ vào quan hệ mặt nghĩa giữa các tiếng trong từ ghép, người ta còn chia làm hai loại. Đó là từ ghép đẳng lập và từ ghép chính phụ.

4. Từ láy

- Khái niệm: Tương tự như từ ghép, từ láy cũng là một bộ phận của từ phức. Đồng thời cấu tạo từ 2 tiếng có mối quan hệ về âm thanh tạo thành. 

- Cụ thể mục đích của từ láy giúp câu chữ văn hoa uyển chuyển hơn, đồng thời thêm sự nhấn nhá thích hợp.

- Từ láy được nhiều nhà thơ nhà văn sử dụng để nâng cao chất lượng tác phẩm của họ.

- Loại từ này có một vẻ đẹp rất riêng. Từ láy thường là tính từ biểu thị một tính chất nào đó của sự vật sự việc. Cũng có từ láy 2 âm tiết và từ láy nhiều hơn 2 âm tiết tạo thành.

Ví dụ về từ láy: Rầm rầm, khanh khách, lung linh…

-Phân loại:

Láy âm, láy vần, láy tiếng và lấy cả âm lẫn vần. Ngoài ra người ta còn gọi là láy đôi, láy ba, láy từ…

Nghĩa của từ láy được hình thành từ nghĩa của hình vị gốc. Theo hướng mở rộng hay thu hẹp. Tăng cường hoặc giảm nhẹ.

Ví dụ: 

Láy âm đầu: săn sóc, ngay ngắn ...

Láy vần: khéo léo, mảnh khảnh ...

Láy cả âm đầu và vần: ngoan ngoãn, luôn luôn...

5. Danh từ

- Khái niệm: Danh từ là những từ chỉ sự vật (người, vật, hiện tượng, khái niệm hoặc đơn vị)

- Phân loại: 

Có 2 loại danh từ đó là danh từ chung và danh từ riêng.

5.1. Danh từ chung: Dùng để gọi chung tên của các sự vật. Danh từ chung gồm danh từ cụ thể và danh từ trừu tượng.

- Danh từ cụ thể: Chỉ những sự vật có thể cảm nhận được bằng các giác quan như người, vật, các hiện tượng, đơn vị.

- Ví dụ:

- Danh từ chỉ người: bố, mẹ, học sinh, bộ đội,...

- Danh từ chỉ vật: bàn ghế, sách vở, sông, suối, cây cối,...

- Danh từ chỉ hiện tượng: nắng, mưa, gió, bão, động đất,...

- Danh từ chỉ đơn vị: (ghép được với số đếm).

+ Danh từ chỉ loại: cái, con, chiếc, tấm, cục, mẩu,...

+ Danh từ chỉ thời gian: ngày, tháng, năm, giờ, phút,...

+ Danh từ chỉ đơn vị đo lường: mét, cân, khối, sải tay,...

+ Danh từ chỉ đơn vị hành chính: thôn, xã, trường, lớp,...

+ Danh từ chỉ tập thể: cặp, đoàn, đội, bó, dãy, đàn,...

- Danh từ trừu tượng: Là các khái niệm trừu tượng tồn tại trong nhận thức của người, không nhìn được bằng mắt.

- Ví dụ: đạo đức, kinh nghiệm, cách mạng, tư tưởng, tinh thần, hạnh phúc, cuộc sống, lịch sử, tình yêu, niềm vui,...

5.2. Danh từ riêng: Dùng chỉ các tên riêng của người hoặc địa danh.

Ví dụ:

Chỉ tên người: Phạm Đức Hải Huy, Thu Hiền,...

Từ dùng với ý nghĩa đặc biệt: Người, Bác Hồ,...

Từ chỉ sự vật được nhân hoá: Cún, Dế Mèn, Lúa,...

Từ chỉ tên địa phương: Hà Nội,SaPa, Vũng Tàu,...

Từ chỉ địa danh: Hồ Tây, Nhà Thờ Lớn, Suối Tiên,...

Từ chỉ tên sông, núi, cầu, cống: sông Hồng, núi Ba Vì, cầu Rào, cống Trắng, đường Hồ Chí Minh, ngã tư Môi,...

5.3. Cụm danh từ

- Do danh từ chính kết hợp với từ hoặc một số từ khác. Như vậy cụm danh từ là một tổ hợp gồm 2 hay nhiều từ kết hợp lại.

- Cụm danh từ có danh từ chính đứng sau: Các từ đứng trước danh từ thường là những danh từ chỉ số lượng.

 + Ví dụ: mấy bạn học sinh, các thầy cô, những bông hoa, một chiếc ô tô,...

- Cụm danh từ có danh từ chính đứng trước: Các từ đứng sau danh từ thường bổ sung về tính chất, đặc điểm của danh từ chính.

 +Ví dụ: áo đỏ, mưa rào, ghế nhựa, con nuôi, bố đẻ, cửa sắt, gà trống, ô tô con,…

6. Động từ

- Khái niệm: Động từ là những từ chỉ hoạt động, trạng thái của sự vật.

Cùng với tính từ và danh từ, động từ khiến cho khả năng biểu đạt của tiếng Việt phong phú, đa dạng, không thua kém bất kì ngôn ngữ lâu đời nào trên thế giới. Khi kết hợp với những từ loại khác nhau, động từ sẽ có ý nghĩa khái quát và biểu thị khác.

Ví dụ: 

- Động từ chỉ hoạt động : Đi, chạy ,nhảy,…

- Động từ chỉ trạng thái : Vui, buồn, giận, …

- Chức năng: 

+ Động từ cũng giống như hầu hết các từ loại, chức năng chính là để bổ nghĩa cho danh từ và làm vị ngữ trong câu. Song với mỗi cách kết hợp khác nhau, mỗi kiểu động từ khác nhau lại bổ sung một ý nghĩa khác cho các từ đứng trước nó.

- Phân loại:

+ Dựa theo đặc điểm, động từ chia làm 2 tiểu loại lớn là động từ chỉ hoạt động và động từ chỉ trạng thái.

+ Ngoài ra còn có cách chia khác chia thành nội động từ và ngoại động từ.

6.1. Động từ chỉ hoạt động và động từ chỉ trạng thái:

a) Động từ chỉ hoạt động

- Khái niệm: Động từ chỉ hoạt động là những động từ dùng để tái hiện, gọi tên các hoạt động của con người, sự vật, hiện tượng.

  + Ví dụ: đi, chạy, nhảy, (chim) hót, (mưa) rơi, (gió) thổi, hát, ca, đuổi nhau,...

- Những động từ chỉ hoạt động của con người có thể dùng để chỉ hoạt động của các sự vật, hiện tượng nhằm làm tăng sức gợi hình và biến các sự vật vô tri ấy trở nên gần gũi hơn với con người.

b) Động từ chỉ trạng thái

- Khái niệm: Động từ chỉ trạng thái là những động từ để tái hiện, gọi tên các trạng thái cảm xúc, suy nghĩ, tồn tại của con người, sự vật, hiện tượng.

 + Ví dụ: vui, buồn, hờn, giận, bị đánh,...

- Trong động từ chỉ trạng thái, có thể chia thành các tiểu loại nhỏ hơn, mỗi tiểu loại bổ sung ý nghĩa cho về các mặt khác nhau cho từ kết hợp cùng hoặc đứng trước nó.

- Động từ chỉ trạng thái tồn tại (hoặc trạng thái không tồn tại): là những động từ cho biết sự tồn tại của sự vật, hiện tượng trong hiện thực khách quan: còn, có, hết,...

- Đặc điểm ngữ pháp nổi bật nhất của động từ chỉ trạng thái:

 Nếu như ĐT chỉ hoạt động, hành động có thể kết hợp với từ “xong” ở phía sau (ăn xong, đọc xong ,…) thì ĐT chỉ trạng thái không kết hợp với “xong” ở phía sau (không nói : còn xong, hết xong, kính trọng xong, …). Trong Tiếng Việt có một số loại ĐT chỉ trạng thái sau :

    +   ĐT chỉ trạng thái tồn tại (hoặc trạng thái không tồn tại) :còn,hết,có,…

    +   ĐT chỉ trạng thái biến hoá : thành, hoá,…

    +   ĐT chỉ trạng thái tiếp thụ : được, bị, phải, chịu,…

    +   ĐT chỉ trạng thái so sánh : bằng, thua, hơn, là,…

- Một số ĐT sau đây cũng được coi là ĐT chỉ trạng thái : nằm, ngồi, ngủ, thức, nghỉ ngơi, suy nghĩ, đi, đứng , lăn, lê, vui, buồn , hồi hộp, băn khoăn, lo lắng,...Các từ này có một số đặc điểm sau :

- Một số từ vừa được coi là Động từ chỉ hành động, lại vừa được coi là ĐT chỉ trạng thái.

- Một số từ chuyển nghĩa thì được coi là ĐT chỉ trạng thái (trạng thái tồn tại ).

VD: Bác đã đi rồi sao Bác ơi ! (Tố Hữu )

VD: Tôi // còn việc phải làm

       Làng tôi // có con sông xanh uốn quanh cánh đồng lúa chín

    + Động từ chỉ trạng thái biến hóa: hóa, thành, biến thành, hóa thành, trở nên, trở thành, sinh ra, hóa ra,...

VD: Tấm // hóa thành nàng tiên trốn trong quả thị

       Con người // trở nên ích kỷ khi lòng tham nổi lên

    + Động từ chỉ ý nghĩa tình thái về ý chí: định, toan, dám, quyết, nỡ,...

VD: Bác Hồ // quyết chí ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng

       Cậu gió // không nỡ thổi mạnh lay động cành cây đánh thức chú sơn ca

    + Động từ chỉ sự cần thiết: cần, nên, phi,...

VD: Cậu // cần hoàn thành tài liệu này trước ngày mai

       Học sinh // nên học hành chăm chỉ

    + Động từ chỉ tình thái nguyện vọng, mong muốn: mong, muốn, ước,...

VD: Tớ // ước gì mình có đôi hài vạn dặm để đi khắp thế gian

       Cụ Mem-bơ // mong sẽ vẽ được một kiệt tác trong đời mình.

    + Động từ chỉ tình trạng tiếp thụ, chịu đựng: bị, được, phải, mắc,...

VD: Bài thơ Tây Tiến // được sáng tác khi Quang Dũng về bên dòng Phù Lưu Chanh nhìn ngắm thiên nhiên và nhớ đến đoàn binh Tây Tiến.

Phương // bị phạt vì không làm bài tập toán

    + Động từ chỉ trạng thái so sánh: là, hơn, thua, bằng, không bằng, chẳng bằng....

VD: Mặt trời //   hành tinh trung tâm trong hệ mặt trời.

       Gió se mùa thu // không lạnh bằng gió mùa đông bắc được

6.2. Nội động từ và ngoại động từ

a) Nội động từ

- Khái niệm: Nội động từ là những động từ hướng vào người làm chủ hoạt động (ngồi, đi, đứng, nằm,...)

- Động từ nội động cần phải có quan hệ từ để có bổ ngữ chỉ đối tượng

VD: Mẹ    mua                    cho           tôi con mèo

              Nội động từ    Quan hệ từ       Bổ ngữ

b) Ngoại động từ

- Khái niệm: Ngoại động từ là những động từ hướng đến người, vật khác (xây, cắt, đập, phá,...)

- Ngoại động từ không cần phải có quan hệ từ mà có khả năng có bổ ngữ chỉ đối tượng trực tiếp.

VD: Mọi người yêu quý                mẹ

                      Ngoại động từ    Bổ ngữ

6.3.  Cụm động từ

- Khái niệm: Cụm động từ là cụm từ có động từ là từ trung tâm, kết hợp với các phụ trước và phụ sau để tạo thành.

- Chức năng: Chức năng của cụm động từ cũng giống như của động từ. Tức là cụm động từ cũng có chức năng chính là làm vị ngữ, nhưng cũng có thể làm chủ ngữ, định ngữ hoặc trạng ngữ trong câu.

- ĐT chỉ trạng thái mang một số đặc điểm về ngữ pháp và ngữ nghĩa giống như tính từ . Vì vậy, chúng có thể làm vị ngữ trong câu kể : Ai thế nào? 

7. Tính từ:

Tính từ trong tiếng Việt là từ loại có khả năng biểu đạt cao nhất. Bởi lẽ mỗi tính từ có khả năng gợi hình ảnh, gợi cảm xúc ở mức độ khác nhau. Chỉ cần thay đổi thì sắc thái biểu đạt của từ cũng đã khác rất nhiều.

- Khái niệm: là những từ miêu tả đặc điểm hoặc tính chất của sự vật, hoạt động, trạng thái....

- Phân loại:

Để phân biệt tính từ trong tiếng Việt hơi phức tạp, vì nhiều khi tính từ có dạng thức như động từ hoặc danh từ.

Có những từ vừa có thể coi là tính từ, vừa có thể coi là động từ như từ ăn cướp trong hành động ăn cướp; hoặc từ ấy vừa là tính từ vừa là danh từ như từ thành thị trong lối sống thành thị

Dựa theo những điều trên, tính từ trong tiếng Việt có thể phân làm hai loại lớn là tính từ tự thân và tính từ không tự thân.

a) Tính từ tự thân

- Khái niệm: Tính từ tự thân (bản thân chúng là tính từ) là những tính từ chỉ có chức năng biểu thị phẩm chất, màu sắc, kích thước, hình dáng, mức độ, hương vị,...của sự vật hay hiện tượng.

 + Ví dụ: đỏ, đen, cao, thấp,...

- Ta có thể phân những tính từ trong loại này thành những tiểu loại nhỏ hơn:

    + Tính từ chỉ màu sắc: xanh, đỏ, vàng, xanh ngắt, tím biếc, vàng hoe,...

    + Tính từ chỉ phẩm chất: tốt, xấu, dũng cảm, hèn nhát, anh hùng, tiểu nhân, đúng, sai,...

    + Tính từ chỉ kích thước: cao, thấp, rộng, hẹp, nhỏ, khổng lồ, tí hon, mỏng, dày, ngắn, dài, to, bự,...

    + Tính từ chỉ hình dáng: vuông, tròn, méo, thẳng, cong, quanh co, hun hút, ngoằn ngoèo, khúc khuỷu,...

   + Tính từ chỉ âm thanh: ầm ĩ, ồn ào, xôn xao, trầm bổng, vang vọng, ồn,...

    + Tính từ chỉ hương vị: thơm, ngọt, cay, đắng, chát, mặn, chua, tanh, thối,...

    + Tính từ chỉ mực độ, cách thức: xa, gần, nhanh, chậm, lề mề, nhanh nhẹn,...

    + Tính từ chỉ lượng: nhiều, ít, nặng, nhẹ, vơi, đầy, vắng vẻ, đông đúc, hiu quạnh, nông, sâu,...

b) Tính từ không tự thân

- Khái niệm: Tính từ không tự thân là những từ vốn không phải tính từ mà những từ thuộc từ loại khác (danh từ, động từ) chuyển loại và được sử dụng như tính từ.

- Những tính từ không tự thân được tạo ra bằng cách chuyển loại của các từ thuộc nhóm từ loại khác nên ý nghĩa của tính từ này chỉ được xác định khi đặt chúng trong mối quan hệ với những từ khác trong cụm từ hoặc trong câu. Nếu tách chúng ra khỏi mối quan hệ ấy thì chúng không được coi là tính từ hoặc có ý nghĩa khác.

   + VD: rất Quang Dũng (chỉ phong cách, cá tính, những hành động, ngôn ngữ mang đặc trưng của tác giả này)

- Khi danh từ, động từ được sử dụng như tính từ thì ý nghĩa của chúng sẽ mang nghĩa khái quát hơn so với nghĩa thường được sử dụng của chúng.

   + VD: ăn cướp: dùng sức mạnh của bản thân để tước đoạt tài sản của người khác

=> Nghĩa hay được sử dụng

Hành động ăn cướp: những hành động có ý nghĩa hoặc tính chất giống như ăn cướp chứ không phải ăn cướp thật.

c, Cụm tính từ

- Khái niệm: Cụm tính từ là cụm từ có tính từ là trung tâm, kết hợp với các phụ trước, phụ sau để tạo thành.

- Chức năng của cụm tính từ: cũn giống như tính từ, cụm tính từ có chức năng chính là vị ngữ, nhưng có thể dùng chúng để làm chủ ngữ, bổ ngữ trong câu.

- Chức năng:

    + Ở trong câu tính từ (cụm tính từ) có chức năng chính là làm vị ngữ trong câu để bổ sung ý nghĩa cho danh từ.

VD: Hôm nay, trời       //      trong veo

                 CN (Danh từ)       VN (tính từ)

Cô ấy            //         rất đáng yêu

CN (Cụm danh từ)         VN (Cụm tính từ)

    + Ngoài chức năng chính là làm vị ngữ, tính từ (cụm tính từ) cũng có thể làm chủ ngữ, bổ ngữ trong câu.

VD:

+ Tính từ làm chủ ngữ: Mộc mạc  // là sự bình dị, không cầu kì, vẫn giữ được vẻ tự nhiên

                             CN (tính từ)          VN (cụm danh từ/cụm tính từ/cụm động từ)

+ Tính từ làm bổ ngữ: Cô Bình // gửi cho tôi một bức thư      rất dài

                                                      động từ                           Cụm tính từ (bổ ngữ xa)

8. Trạng ngữ

- Khái niệm:

 Trạng ngữ là thành phần phụ của câu xác định thời gian, nơi chốn, nguyên nhân, mục đích,… của sự việc nêu trong câu.

- Ví dụ:

Chiều nay, trường tôi tổ chức sơ khảo văn nghệ chào mừng ngày 20 tháng 11

Vì lười học, Lan đã làm bố mẹ rất buồn học.

- Tác dụng của trạng ngữ:

    + Trạng ngữ trả lời cho các câu hỏi Khi nào? Ở đâu? Vì sao? Để làm gì?

- Ví dụ:

Để bố mẹ vui lòng, Long luôn cố gắng chăm chỉ học hành.

Trên sân trường, các bạn học sinh đang chơi đùa vui vẻ.

- Thêm trạng ngữ chỉ nơi chốn cho câu:

   + Để làm rõ nơi chốn diễn ra sự việc nêu trong câu, ta thêm trạng ngữ chỉ nơi chốn vào câu

  + Trạng ngữ chỉ nơi chốn trả lời cho câu hỏi Ở đâu?

- Ví dụ:

Trong vườn, những chú chim đang hót líu lo.

Dưới những mái nhà ẩm nước, mọi người vẫn thu mình trong giấc ngủ mệt mỏi.

C. CÂU: DẤU CÂU VÀ CÁC KIỂU CÂU

DẤU CÂU

1. Dấu ngoặc kép

- Dấu ngoặc kép viết là : " "

Tác dụng 

    + Dấu ngoặc kép thường được dùng để dẫn lời nói trực tiếp của nhân vật hoặc của người nào đó. 

VD: Bác nói : " Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. "

    + Nếu lời nói trực tiếp là một câu trọn vẹn hay một đoạn văn thì trước dấu ngoặc kép ta thường phải thêm dấu hai chấm.

    + Dấu ngoặc kép còn được dùng để đánh dấu những từ ngữ được dùng với ý nghĩa đặc biệt.

VD :  Có bạn tắc kè hoa

          Xây " lầu " trên cây đa

          Rét, chơi trò đi trốn

          Đợi ấm trời mới ra.

2. Câu hỏi và dấu chấm hỏi

- Khái niệm:

Câu hỏi (còn gọi là câu nghi vấn) dùng để hỏi về những điều chưa biết.

Ví dụ:

Trời đang mưa sao?

Anh ấy có đến không?

Ai đã ăn cái bánh này?

- Chú ý

1. Câu hỏi dùng để hỏi ai?

Phần lớn câu hỏi dùng để hỏi người khác, nhưng cũng có khi để tự hỏi chính mình

- Hỏi người khác:

  + Chiều nay mấy giờ vào lớp vậy Lan?

  + Cậu có đi chơi không?

- Hỏi chính bản thân mình:

  + Mình đã đến nơi này chưa nhỉ?

  + Mình đã gặp bài toán này ở đâu rồi nhỉ?

2. Dấu hiệu nhận biết câu hỏi

- Câu hỏi thường có các từ nghi vấn (ai, gì, nào, sao, không,...)

- Khi viết cuối câu hỏi thường có dấu hỏi chấm (?)

- Ví dụ:

  Ai là người đến muộn?

  Sao anh không trả lời?

Đây là con gì?

3. Dấu hai chấm

Dấu hai chấm được viết là " : "

-Tác dụng:

Dấu hai chấm có tác dụng báo hiệu bộ phận câu đứng sau nó là lời nói của một nhân vật hoặc là lời giải thích cho bộ phận đứng trước.

Khi báo hiệu lời nói của nhân vật, dấu hai chấm được dùng phối hợp với dấu ngoặc kép hay dấu gạch đầu dòng.

- Ví dụ về dấu hai chấm:

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành." Nguyện vọng đó chi phối mọi ý nghĩ và hành động trong suốt cuộc đời của Người.

Trong câu trên, dấu hai chấm cho biết phần sau là lời nói của Bác Hồ (ở đây dấu hai chấm được dùng phối hợp với dấu ngoặc kép).

4. Dấu gạch ngang

- Dấu gạch ngang được viết là ( - )

- Tác dụng:

Dấu gạch ngang  ( - ) dùng để đánh dấu:

    + Chỗ bắt đầu lời nói của nhân vật trong đối thoại.

- Ví dụ: Dấu gạch ngang để đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói của nhân vật trong đối thoại.

Thấy tôi sán đến gần, ông hỏi tôi :

- Cháu con ai ?

- Thưa ông, cháu là con ông Thư.

    + Phần chú thích.

- Ví dụ: Dấu gạch ngang dùng để đánh dấu phầnchú thích.

Một bữa Pa- xcan đi đâu về khuya, thấy bố mình - một viên chức tài chính - vẫn cặm cụi trước bàn làm việc. Anh rón rén lại gần. Ông bố vẫn mải mê với những con số : Ông đang phải kiểm tra sổ sách.                                                          

    + Các ý trong một đoạn liệt kê.

- Ví dụ : Dấu gạch ngang có tác dụng đánh dấu các ý trong một đoạn liệt kê.

Để quạt điện được bền, người dùng nên thực hiện các biện pháp sau đây:

- Trước khi bật quạt, đặt quạt nơi chắc chắn để chân quạt tiếp xúc đều với nền.

- Khi điện đã vào quạt, tránh để cánh quạt bị vướng víu, quạt không quay được sẽ làm nóng chảy cuộn dây trong quạt.

- Hằng năm, tra dầu mỡ vào ổ trục, bộ phận điều khiển hướng quay của quạt, nhưng không nên tra quá nhiều, vì dầu mỡ sẽ chảy vào trong làm hỏng dây bên trong quạt.

- Khi không dùng, cất quạt vào nơi khô, mát, sạch sẽ, ít bụi bặm.

- Phân biệt dấu gạch ngang và dấu gạch nối:

Dấu gạch nối không phải là dấu câu. Nó chỉ được dùng để nối các tiếng trong những từ mượn gồm nhiều tiếng.

Về độ dài, dấu gạch nối ngắn hơn dấu gạch ngang.

  + Dấu gạch ngang là dấu câu của tiếng Việt. Nó được dùng để:       

  + Đánh dấu bộ phận chú thích, giải thích trong câu;

  + Đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật hoặc để liệt kê;

  + Nối các từ nằm trong một liên danh.

Về độ dài, dấu gạch ngang dài hơn dấu gạch nối.

Ví dụ:

+ Dấu gạch ngang:

Tiếng rì rào bất tận của những khu rừng xanh bốn mùa, cùng tiếng sóng rì rào từ biển Đông và vịnh Thái Lan ngày đêm không ngớt vọng về trong hơi gió muối – thứ âm thanh đơn điệu triền miên ấy ru ngủ thính giác, càng làm mòn mỏi và làm đuối dần đi tác dụng phân biệt của thị giác con người trước cái quang cảnh chỉ lặng lẽ một màu xanh đơn điệu.

(Đoàn Giỏi)

+ Dấu gạch nối:

Nhà thám hiểm Hao-ớt Lim-be trưởng đoàn thám hiểm Hội địa lí Hoàng gia Anh sau khi thăm động Phong Nha về đã phát biểu: Với kinh nghiệm của mười sáu năm thám hiểm hang động ở tổ chức nghiên cứu hang động mạnh nhất của Hoàng gia Anh, tôi khẳng định Phong Nha là hang động dài nhất và đẹp nhất thế giới.

(Trần Hoàng)

CÂU KỂ

Câu kể( còn được gọi là câu trần thuật) là những câu dùng để:

- Kể, tả hoặc giới thiệu về sự vật, sự việc.

VD:

 Bu-ra-ti-nô là một chú bé bằng gỗ. (câu kể dùng để giới thiệu)

Chú có cái mũi rất dài. (câu kể dùng để miêu tả)

Chú người gỗ được bác rùa tốt bụng Tóoc- ti- la tặng cho chiếc chìa khóa vàng để mở một kho báu.( câu kể dùng để kể)

- Nói lên ý kiến hoặc tâm tư, tình cảm của mỗi người.

VD:

Sáo đơn, sáo kép, sáo bè,...như gọi thấp xuống những vì sao sớm. (câu kể dùng để nêu ý kiến, nhận định)

Chúng tôi vui sướng đến phát dại nhìn lên trời. (câu kể kể lại sự việc và nói lên tình cảm )

- Cuối câu kể thường có dấu chấm.

 Câu kể có các cấu trúc: Ai làm gì? Ai thế nào? Ai là gì?

1. Câu kể Ai là gì?

-  Câu kể Ai là gì? gồm hai bộ phận: Chủ ngữ trả lời câu hỏi Ai? (cái gì? con gì?). Vì vậy Chủ ngữ thường do danh từ (cụm danh từ) tạo thành. Vị ngữ trả lời câu hỏi là gì? (là ai? là con gì?). Vì vậy Vị ngữ thường do danh từ (cụm danh từ) tạo thành.

- Chức năng:

+ Dùng để giới thiệu, nêu định nghĩa,nhận xét về con người, sự vật, sự việc nào đó.

- Ví dụ:

1) Mẹ em | là giáo viên

                       DT

(2) Mai | là một học sinh giỏi

                CDT

→ Câu (1) giới thiệu về nghề nghiệp của mẹ, câu (2) đánh giá về năng lực học tập của bạn Mai

2. Câu kể Ai làm gì?

- Trong câu kể Ai làm gì? Chủ ngữ chỉ sự vật (người, con vật hay đồ vật, cây cối được nhân hóa) có hoạt động được nói đến ở vị ngữ.

- Chức năng:

+ Dùng để kể về hành động, hoạt động củacon người, sự vật, sự việc ở chủ ngữ..

Ví dụ:

+ Dế Mèn // bênh vực chị Nhà Trò.

CN là con vật được nhân hóa

+ Mẹ // em đang nấu cơm.

CN là người

+ Chú mèo // đang rình chuột.

   CN                 VN

- Chủ ngữ thường do danh từ (hoặc cụm danh từ) tạo thành

VD:

+ Học sinh // đang chăm chú nghe giảng.

CN là danh từ

+ Những học sinh ấy // đang chăm chú nghe giảng.

CN là cụm danh từ

3. Câu kể Ai thế nào?

-  Câu kể Ai thế nào? gồm hai bộ phận:

  + Chủ ngữ trả lời câu hỏi: Ai (cái gì, con gì)?

  + Vị ngữ trả lời cho câu hỏi: Thế nào?

VD:

+ Lan // thẳng thắn và trung thực.

CN             VN

+ Cây cối // héo rũ rượi.

CN                  VN

+ Căn phòng // trống trơn.

CN                     VN

- Chức năng:

- Dùng để miêu tả các đặc điểm, tính chất,trạng thái của con người, sự vật, sự việc ở chủ ngữ

- Vị ngữ trong câu kể Ai thế nào? chỉ đặc điểm, tính chất hoặc trạng thái của sự vật được nói đến ở chủ ngữ.

VD: Cánh đại bàng rất khỏe.

- Vị ngữ thường do tính từ, động từ (hoặc cụm tính từ, cụm động từ) tạo thành

VD:

+ Bộ quần áo // dài và rất xấu.

CN                           VN

+ Chiếc bàn // mục nát.

CN                       VN

4. Câu khiến:

- Khái niệm: Câu khiến (câu cầu khiến, câu mệnh lệnh) dùng để nêu yêu cầu, đề nghị, mong muốn ,… của người nói, người viết với người khác.

- Khi viết, cuối câu khiến có dấu chấm than hoặc dấu chấm.

- Đặc điểm câu khiến:

+ Câu cầu khiến có thể mang ngữ điệu cầu khiến, và ngữ điệu ấy thường đến từ việc sử dụng động từ – cụm động từ với sắc thái nhấn mạnh. Câu cầu khiến cũng thường sử dụng những từ ngữ mang tính chất ra lệnh hay yêu cầu. Từ cầu khiến có thể xen đứng trước động từ hoặc sau động từ trung tâm.

Qua giọng điệu khi đọc/nói: giọng nói gấp gáp hoặc cũng có thể giọng nói như có ý muốn đề nghị/yêu cầu/ra lệnh làm việc nào đó.

Có từ ngữ điều cầu khiến trong câu ví dụ như: ngay, nào, đừng, hãy, thôi…

Thông thường kết thúc câu bằng dấu chấm than để nhấn mạnh câu nói.

- Cách đặt câu cầu khiến:

    + Thêm từ hãyhoặc đừng, chớ, nên, phải,… vào trước ĐT.

    + Thêm từ lên hoặc đi, thôi, nào,…vào cuối câu.

    + Thêm từ đề nghị hoặc xin, mong,…vào đầu câu.

- Dùng giọng điệu phù hợp với câu khiến.

5. Câu cảm

- Khái niệm: Câu cảm (câu cảm thán) là câu dùng để bộc lộ cảm xúc (vui mừng, thán phục, đau xót, ngạc nhiên,..) của người nói.

- Ví dụ:

Chiếc váy này đẹp quá!

Bạn Ngọc thông minh thật!

- Dấu hiệu nhận biết:

   + Trong câu cảm, thường có các từ ngữ: ôi, chào, chà, trời; quá lắm, thật,…

   + Khi viết, cuối câu cảm thường có dấu chấm than (!)

- Ví dụ:

Trời ơi! Anh ta đã đi rồi.

Ôi chao! Cậu bất ngờ tới làm mình bất ngờ quá!

Chị Mai mặc chiếc váy này xinh thật!

 

Đánh giá

0

0 đánh giá