TOP 20 bài Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm thơ lớp 10 SIÊU HAY

1 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm thơ Ngữ văn 10 Cánh diều, gồm dàn ý và các bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo từ đó học cách viết văn hay hơn.

Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm thơ

TOP 20 bài Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm thơ lớp 10 SIÊU HAY (ảnh 1)

Đề bài: Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm thơ

Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm thơ - Mẫu 1

Nhắc đến cái tên Nguyễn Đình Thi, người ta nhắc đến một người con Hà Nội đa tài với nhiều tài nghệ đáng nể. Ông không chỉ viết nhạc nổi tiếng với bài Người Hà Nội mà còn viết kịch, viết truyện, viết thơ. Trong đó, tác phẩm thơ được nhiều người biết đến và được phổ thành nhạc là bài thơ Đất nước. Bài thơ là hình ảnh của đất nước Việt Nam trong mùa thu hoài niệm, trong những ngày bom lửa của chiến tranh và trong tầm nhìn về một tương lai mới tươi đẹp.

Bài thơ được viết trong một khoảng thời gian dài từ 1949 đến năm 1955 và có một số đoạn được trích từ các tác phẩm trước của ông như Sáng mát trong như sáng năm xưa hay Đêm mitting,... Thế nhưng, với tài năng của mình, Nguyễn Đình Thi đã biến nó thành một chỉnh thể thống nhất và để nó trở thành một trong những tác phẩm thơ viết về đề tài đất nước hay nhất trong diễn đàn văn học Việt Nam.

Mở đầu bài thơ, tác giả đã gợi lên cho người đọc không khí mùa thu tươi đẹp của đất nước. Đó là một mùa thu đầy ánh sáng với hương cốm phảng phất, là một đặc trưng của thủ đô Hà Nội. Chỉ với vài nét chấm phá, cả không gian lẫn thời gian đều được khắc họa một cách rõ nét. Chính cái không khí ấy đã làm cho tác giả gợi nhớ đến mùa thu trước kia của đất nước. Đó là một mùa thu “chớm lạnh với gió heo may thổi đầy trên “phố dài”. Đó là hình ảnh người chiến sĩ dứt áo “ra đi đầu không ngoảnh lại”, quyết tâm chiến đấu vì hòa bình và hạnh phúc. Nếu thuở Lưu Trọng Lư, hình ảnh người ra đi đượm buồn thì ở đây, Nguyễn Đình Thi đã khắc họa lên hình ảnh những người chiến sĩ ra đi dứt khoát, vì lý tưởng cao đẹp.

“Tôi nhớ những ngày thu đã xa

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.”

Ẩn sâu từng lời thơ là hình ảnh thủ đô Hà Nội 1000 năm văn hiến. Mùa thu Hà Nội hiện lên đẹp đẽ, đặc trưng, xen kẽ không gian man mác, đậm chất thơ là hình ảnh con người với những khát vọng rất đáng trân trọng.

Tiếp theo sau, Nguyễn Đình Thi lại kể về hình ảnh của trời thu, của sắc thu. Vẫn màu xanh ấy thế nhưng, thu ở đây "trong biếc tiếng nói cười", nó là màu xanh trong của hi vọng, của hạnh phúc tràn đầy của những con người được làm chủ đất nước của mình.

Trời thu thay áo mới

Trong biếc tiếng nói cười thiết tha

Và niềm vui ấy còn càng trào dâng mạnh mẽ hơn với niềm tự hào về một đất nước giàu có, tươi đẹp:

Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta

Những cánh đồng thơm ngát

Những ngả đường bát ngát

Những dòng sông đỏ nặng phù sa

Mỗi lời thơ là một lời giới thiệu, một niềm tự hào to lớn về Tổ quốc của mình. Chẳng thế mà nhà thơ liên tục khẳng định "đây là của chúng ta", lời khẳng định chắc nịch về chủ quyền của đất nước. Và những dòng thơ tiếp theo như một lời giới thiệu về non sông Tổ quốc mình với sự giàu có và tươi đẹp.

Sau những xúc cảm về mùa thu của đất nước, tác giả hồi tưởng lại quãng thời gian đất nước trong cuộc kháng chiến chống Pháp oanh liệt, hào hùng. Đó là đất nước với những con người bất khuất, dũng cảm, chiến đấu hết mình vì độc lập, tự do của dân tộc:

“Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về!”

Đất nước dường như có sức sống vô cùng bền bỉ. Đó là đất nước của những con người sống mãi với thời gian bởi họ đã dành cả tuổi thanh xuân của mình vì một lý tưởng chung. Đó là một truyền thống nghìn đời của dân tộc. Và sự hào hùng, bất khuất ấy dường như in sâu vào lớp trầm tích ngàn năm với những tiếng “rì rầm” “vọng nói về”, để rồi tiếp thêm sức mạnh cho ngày hôm nay.

Chúng ta - những người Việt Nam hiền lành, trung hậu, thế nhưng không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù dù chúng có mạnh mẽ, có những vũ khí tối tân đến thế nào! Chính vì thế mà sự tàn bạo chúng đặt lên đầu nhân dân ta càng khủng khiếp và man rợ bấy nhiêu, bởi chúng muốn đàn áp, muốn nhấn chìm đi những khát vọng hòa bình của dân tộc ta. Ở tại khổ thơ tiếp theo này, nhà thơ đã liệt kê cho chúng ta thấy được sự dã man của quân thù, những tội ác mà chúng đã gieo rắc cho nhân dân ta:

Bát cơm chan đầy nước mắt

Bay còn giằng khỏi miệng ta

Thằng giặc Tây, thằng chúa đất

Đứa đè cổ, đứa lột da

Những hình ảnh ấy thật đau đớn làm sao, cho chúng ta thấy được sự tàn ác của bè lũ kẻ thù. Và chính những đau thương ấy, sự khốc liệt ấy vừa khiến ta phải căm hờn vừa rèn giũa cho chúng ta - những người Việt Nam ý chí, sức mạnh, phẩm chất tạo nên những người anh hùng.

Vượt qua tất cả những điều tàn ác, ách đô hộ của kẻ thù, đất nước đã “đứng lên”, “bật lên” để rồi tạo nên kỳ tích mà bình và cho đến tận bây giờ, mỗi khi nhắc lại, bất cứ kẻ thù nào cũng đều phải run sợ:

“Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”

Chỉ với bốn câu thơ lục ngôn, Nguyễn Đình Thi đã khép lại bài thơ bằng giọng điệu đanh thép, kiên cường, tự hào. Khẳng định rằng, mỗi khi đất nước lâm nguy, nhân dân Việt Nam sẽ đứng lên, “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Đó là một sức mạnh cộng đồng rất đáng trân trọng của nhân dân. Và đó cũng là định nghĩa về đất nước rất thơ của Nguyễn đình Thi. Đó là một đất nước nhỏ bé, lam lũ, suốt chiều dài của lịch sử hết đế quốc này đến địa chỉ khác lăm le xâm lược, Thế nhưng vượt lên trên tất cả, đất nước ấy luôn đứng dậy, kiên cường, mạnh mẽ, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc.

Đất nước của Nguyễn Đình Thi là một bài thơ ca ngợi về Tổ quốc, về con người Việt Nam. Nhà thơ đã miêu tả đất nước trong hành trình đi lên từ những đau thương của chiến tranh cho tới khát vọng về một tương lai tương sáng, khi con người Việt Nam được làm chủ quê hương của mình, cùng nhau phát triển đất nước. Sâu bên trong từng câu chữ là niềm tự hào của tác giả về truyền thống của cha ông qua bao thế hệ và nhắc nhở mọi người về truyền thống "uống nước nhớ nguồn". Về mặt nghệ thuật, bài thơ sử dụng nhiều hình ảnh mang sức gợi lên, giàu chất thơ, lồng trong tình yêu nước sâu sắc. Ngôn từ thơ giản dị, chan chứa yêu thương, niềm tự hào dân tộc. Ngoài ra, các biện pháp nghệ thuật cũng được sử dụng hết sức linh hoạt và nhuần nhuyễn.

Bài thơ Đất nước của nhà thơ Nguyễn Đình Thi là một trong những bài thơ hay nhất về đề tài đất nước trong nền thơ ca Việt. Bài thơ đã khẳng định tên tuổi của Nguyễn Đình Thi, để ông xứng đáng góp mặt trong những nhà thơ xuất sắc nhất của văn đàn thơ của dân tộc ta.

Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm thơ - Mẫu 2

Mùa hoa mận là một trong những bài thơ tiêu biểu của Chu Thùy Liên, được viết vào Tháng Chạp năm 2016. Trích trong tập Thuyền đuôi én, NXB văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 2009. Bài thơ nói về nỗi nhớ quê hương của người đi xa.

Khổ thơ đầu tiên:

Cành mận bung cánh muốt

Lũ con trai háo hức chơi cù

Lũ con gái rộn ràng khăn áo

Bóng bay nâng ước mơ con trẻ

Câu thơ đầu tiên "Cành mận bung cánh muốt" báo hiệu mùa xuân về với bao điều mới mẻ, hoa mận trắng tinh làm sáng rực cả một mảng trời. Dưới cành mận ấy xuất hiện hình ảnh gần gũi, quen thuộc của bản làng đó là hình ảnh "lũ con trai chơi cù, lũ con gái khăn áo". Với tâm thế háo hức và rộn ràng. Cành mận gắn bó với tuổi thơ của trẻ em nơi đây, nó chứng kiến quá trình trưởng thành và chất chứa những ước mơ của con trẻ.

Khổ thứ hai:

Cành mận bung cánh muốt

Giục mẹ xôn xang lá, gạo

Giục cha vui lòng căng cánh nỏ

Giục người già bản hối hả làm đu

Không những thế dưới cành mận trắng xoá ấy còn là bức tranh sinh hoạt đầy rộn ràng và tấp nập của dân làng. Mọi người đang chuẩn bị để đón một mùa xuân với những điều tốt lành. Người mẹ "xôn xang lá, gạo" để làm bánh, một món bánh đặc trưng cho mùa xuân, người cha "căng cánh nỏ", người già bản "làm đu" để phục vụ cho trò chơi dân gian của bản địa. Có thể thấy, cành mận nó trở thành một biểu tượng không thể thiếu của mùa xuân nơi đây, nó chất chứa bao niềm vui, nỗi buồn, gắn bó với bản làng suốt năm tháng.

Khổ thứ ba:

Cành mận bung cánh muốt

Nhà trình tường ủ hương nếp

Giục lửa hồng nở hoa trong bếp

Cho người đi xa nhớ lối trở về

"Cành mận bung cánh muốt" được điệp lại 3 lần, nó nhấn mạnh làm cho bài thơ trở nên sinh động, đồng thời báo hiệu mùa xuân đã về đến bản làng. Trong ngôi nhà truyền thống "nhà trình tường ấy", mùi "nếp" tỏa ra khắp căn phòng với ánh lửa hồng biến căn nhà ấy trở nên ấm cúng. Để rồi khi đi xa, họ luôn hướng về quê hương với những thứ mộc mạc, gần gũi và thân quen, đặc biệt là vào mùa hoa mận nỗi niềm đó lại nhân lên gấp bội, gợi nhớ về những kí ức xa xưa. Hoa mận như dẫn lối họ trở về với những hoài niệm, nhớ nhung, nhớ các hoạt động sinh hoạt hàng ngày đang diễn ra một cách hối hả, xốn xang của các mẹ, cha, người già bản, sự vui vẻ, háo hức của lũ con trai, con gái trong bản làng.

Qua bài thơ trên, ta như được hòa mình vào bức tranh mùa xuân ở bản làng Tây Bắc với tất cả vẻ đẹp bình yên. Bằng ngòi bút tinh tế và tài hoa, nhà thơ đã giới thiệu đến bạn đọc vẻ đẹp của Tây Bắc vào mùa xuân với màu trắng của hoa mận hoà cùng với hoạt động rộn ràng, hối hả của dân làng khiến cho bức tranh trở nên có hồn. Làm cho những người đi xa luôn hướng về với quê hương với những gì mộc mạc và giản dị nhất.

Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm thơ - Mẫu 3

Các bạn đã bao giờ có khoảng thời gian quê hương của mình chưa? Khi xa quê, bạn thường nhớ về hình ảnh gì đầu tiên? Hãy cùng tôi chia sẻ những cảm xúc của bạn thông qua bài thơ “Mùa hoa mận” của Chu Thuỳ Liên nhé!

Quê hương là nơi chúng ta đi để trở về. Và trong tâm trí chúng ta, khi nhắc về quê hương, mỗi người sẽ có một ấn tượng riêng. Quê hương có thể gắn với một mối tình đậm sâu, một ngôi nhà ấm cúng, một con đường tấp nập hay đơn giản chỉ là những cành mận trắng xoá. Quê hương Tây Bắc đã xuất hiện trong những vần thơ “Mùa hoa mận” của Chu Thuỳ Liên một cách thật đặc biệt.

Chỉ với một cành mận trắng, Chu Thuỳ Liên đã tinh tế vẽ nên không khí Tây Bắc vào mỗi dịp đầu năm. Mùa xuân Tây Bắc say đắm lòng người bởi trùng trùng thung núi, bát ngát mây trời, bềnh bồng sương khói, và đặc biệt là muôn vàn loài hoa đua nhau khoe sắc, tạo thành những rừng hoa, đồi hoa bạt ngàn. Nổi bật nhất, ấn tượng nhất của hoa Tây Bắc có lẽ là những cánh rừng hoa mận. Sắc trắng của loài hoa này như làm bừng sáng cả không gian núi đồi. Khung cảnh ấy đã đi vào thơ Chu Thùy Liên với những vần thơ mộc mạc mà đầy cảm xúc trong "Mùa hoa mận". Câu thơ “cành mận bung cánh muốt” được lặp lại ở đầu mỗi khổ thơ đã để lại nhiều ấn tượng với bạn đọc. Với từ “bung” và từ “muốt”, ta không chỉ cảm nhận được sắc trắng của bông hoa mà còn thấy được cả sức sống căng tràn trong đó. Đây được coi là hình ảnh, điểm nhấn cho bài thơ, tạo nên cảnh sắc đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Có thể thấy rằng, những cánh hoa mận trắng đã có tác động mạnh mẽ như thế nào trong tâm trí của nhân vật trữ tình.

Bên cạnh một thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp, căng tràn sức sống, chúng ta còn cảm nhận được không khí tươi vui, rộn ràng của con người trong “mùa hoa mận”. Lũ con trai thì háo hức chơi cù, con gái thì rộn ràng khăn áo. Những trái bóng bay nhưng nâng cao ước mơ của con trẻ.Chúng chính là tương lai, niềm hy vọng và niềm tự hào của quê hương. Hoa mận nở, báo hiệu xuân về, cũng là lúc “giục mẹ xôn xang lá, gạo/ giục cha vui lòng căng cánh nỏ/ giục người già bản hối hả làm đu”. Tất cả mọi người nơi đầy đều đang hối hả chuẩn bị cho một năm mới. Tinh thần lao động tươi vui, sảng khoái của họ khiến núi rừng Tây Bắc thêm phần rộn ràng, nô nức. Qua đó, tác giả đã tái hiện nếp sống của người dân vùng núi cao trong mỗi dịp đầu năm. Đó cũng chính là cách để nhà thơ gửi gắm tình cảm với con người nơi đây.

Kết thúc bài thơ là nỗi nhớ quê hương của người con đi xa. Cành mận bung cánh muốt không chỉ tạo nên cảnh sắc mùa xuân mà còn để dẫn lối người đi xa trở về. Một người con xa quê mang theo nỗi nhớ nhung, hồi hộp, bâng khuâng khi trở về mảnh đất nơi mình đã sinh ra. Nhớ quê, con người “nhớ màu hoa mận, nhớ nhà trình tường ủ hương nếp, nhớ lửa hồng nở hoa trong bếp”. Quê hương luôn thường trực trong tâm trí của nhân vật trữ tình, gắn với những hình ảnh thật giản dị, thân quen, gần gũi.

Như vậy, bài thơ là bức tranh đẹp, yên bình về cảnh sắc thiên nhiên và mùa xuân miền Tây Bắc. Qua đó, nỗi nhớ quê hương, tình yêu quê hương của "người đi xa" theo từng mùa hoa mận mà "nhớ lối trở về". Bằng nghệ thuật điệp cấu trúc độc đáo kết hợp với các từ láy, hình ảnh nhân hoá, bài thơ “Mùa hoa mận” trở nên thật ấn tượng, giàu sức hút với bạn đọc. Như vậy, quê hương trong mỗi chúng ta chính là thiên nhiên quen thuộc, gẫn gũi, là những con người giản dị.Dù ở bất cứ nơi đâu, quê hương sẽ luôn dang rộng vòng tay đón ta trở về.

Còn bạn thì sao? Quê hương trong tâm trí bạn là gì? Hãy chia sẻ cùng tôi nhé!

TOP 20 bài Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm thơ lớp 10 SIÊU HAY (ảnh 2)

Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm thơ - Mẫu 4

Nhắc tới Nguyễn Đình Thi chúng ta nhớ ngay đến một nghệ sĩ đa tài, có đóng góp lớn cho văn học nghệ thuật nước nhà trên nhiều lĩnh vực. Nhìn lại sự nghiệp sáng tác nghệ thuật của ông có thể khái quát rằng, ngợi ca đất nước đẹp giàu, bất khuất, nhân dân cần cù, anh dũng chính là cảm hứng nồng đậm nhất. Hiện lên từ những trang văn, bài thơ, bài hát của Nguyễn Đình Thi là hình tượng một đất nước từ trong gông xiềng áp bức vùng dậy tự giải phóng và rực rỡ trong ánh sáng thời đại mới. Đất nước là một trường hợp tiêu biểu như thế, một trong những đỉnh cao của thơ trữ tình cách mạng Việt Nam.

    Đất nước có ý nghĩa khá đặc biệt. Nó là sản phẩm của một quá trình nung nấu, một sáng tác mang tính chất tổng hợp. Hãy để ý đến thời gian tác giả sáng tác bài thơ: 1948 - 1955. Đây là một dấu hiệu lạ chứng tỏ điểm độc đáo của Đất nước và là căn cứ quan trọng để hiểu đúng bài thơ. Thông thường, một bài thơ trữ tình với dung lượng ấy được sáng tác chỉ trong một ngày, một buổi, thậm chí chỉ trong dăm ba tiếng đồng hồ (Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, Tây Tiến của Quang Dũng). Vậy tại sao Đất nước được hình thành, được khởi bút từ thời kì đầu dân tộc bước vào cuộc trường chinh chống thực dân Pháp mà đến tận ngày kháng chiến trường kì thắng lợi, hoà bình lập lại mới hoàn thành? Điều đó phản ánh ý đồ của Nguyễn Đình Thi như ông đã có dịp tâm sự. Viết Đất nước, nhà thơ muốn tạo dựng một tượng đài Tổ quốc Việt Nam trong Cách mạng tháng Tám, trong chín năm kháng chiến anh hùng phần nào tương xứng với tầm vóc cao đẹp của đất nước ta trong lịch sử. Với mong muốn này, dễ hiểu vì sao nhà thơ phải đầu tư thời gian, cần tập trung tâm trí và đưa vào đây (tất nhiên có sửa chữa) một số đoạn vốn ở các bài thơ khác. Lẽ thường, khi vượt qua một chặng đường lịch sử, nhìn lại để tổng kết, để tự hào, mới có thể hoàn thiện bức tượng đài. Đất nước trở thành một sáng tác mang tính chất tổng hợp, hài hoà giữa cảm hứng sử thi hùng tráng với rung cảm trữ tình thiết tha khi ca ngợi một đất nước từ trong gông xiềng áp bức, từ trong lam lũ đói nghèo vùng dậy tự giải phóng, anh dũng chiến đấu bảo vệ quyền độc lập tự do thiêng liêng và rực rỡ trong ánh sáng thời đại mới.

      Thời gian sáng tác, ý đồ nghệ thuật nêu trên chính là cơ sở để chúng ta phân tích vẻ đẹp của hình tượng đất nước trong bài thơ này. Đất nước trở thành hình tượng trung tâm trong bài thơ. Nếu cần chọn một từ, chỉ một từ thôi, nói trúng vẻ đẹp cơ bản nhất của hình tượng này, hẳn đó là từ vận động. Một đất nước trường chinh trên dặm dài lịch sử, một đất nước có truyền thống bất khuất, bền bỉ đang ngời lên trong hiện tại đau thương, khói lửa và đang vững bước đi tới tương lai tươi sáng - đó là cảm nhận rõ rệt nhất khi đọc bài thơ này. Cả bài thơ toát lên sự vận động. Từng khổ thơ cũng thể hiện sự vận động trên trục thời gian quá khứ - hiện tại - tương lai. Đây là đất nước có lịch sử dài lâu, đất nước của những người chưa bao giờ khuất:

Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về.

      Đất nước của bao thế hệ chưa bao giờ khuất ấy đang vươn mình lớn dậy trong hiện tại gian khổ, đau thương:

Từ những năm đau thương chiến đấu

Đã ngời lên nét mặt quê hương

Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu

Đã bật lên những tiếng căm hờn.

Chính từ trong hiện tại chiến đấu anh dũng, lao động cần cù ấy gương mặt đất nước ngày một ngời sáng. Dường như càng về cuối bài thơ, cảm hứng tương lai càng nồng đậm:

Ngày nắng đốt theo đêm mưa giội

Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh

Trán cháy rực nghĩ trời đất mới

Lòng ta bát ngát ánh bình minh.

      Trong cuộc trường chinh vạn dặm, đất nước mình ngày càng vững bước tới tương lai, trong "vất vả đau thương" đất nước mình càng "tươi thắm vô ngần" - đó là cảm nhận sâu sắc của Nguyễn Đinh Thi về sức sống bền bỉ, mãnh liệt của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam.

      Một đặc điểm nữa là hình tượng đất nước trong bài thơ này mang vẻ đẹp bình dị mà cao cả trong ánh sáng thời đại mới. Hãy chú ý hệ thống hình ảnh về đất nước trong bài thơ. Xây dựng tượng đài phải có chất liệu. Để làm việc đó, có tác giả lấy chất liệu chủ yếu từ lịch sử, có tác giả tìm chất liệu chủ yếu từ văn hoá dân gian... Hình tượng đất nước được Nguyễn Đình Thi xây dựng bằng những vẻ đẹp của thiên nhiên xanh tươi, dạt dào sức sống, bằng những hành động chiến đấu anh dũng, lao động cần cù của nhân dân. Nhà thơ đã ngắm nhìn, cảm nhận đất nước từ chỗ đứng, bằng tấm lòng của "chúng ta" - những con người vừa được cách mạng giải phóng khỏi thân phận nô lệ khổ nhục đang đứng lên làm chủ non sông đất nước mình. Bởi thế, đất nước này rất đỗi bình dị, thân thương mà cao cả, kì vĩ trong ánh sáng thời đại mới. Đất nước, đó là mùa thu hương cốm mới, núi đồi, rừng tre phấp phới. Đất nước, đó là những cánh đồng thơm mát, những ngả đường bát ngát, những dòng sông đỏ nặng phù sa, gốc lúa bờ tre hồn hậu. Đất nước, đó là "Trời đầy chim và đất đầy hoa", "Khói nhà máy cuộn trong sương núi - Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng"... Bình dị, thân thương là thế nhưng đất nước ấy mang tầm vóc mới bởi đang do những con người lão động làm chủ - đất nước của thời đại dân chủ nhân dân:

Ôm đất nước những người áo vải

Đã đứng lên thành những anh hùng.

       Cảm hứng về đất nước của Nguyễn Đình Thi gắn liền với niềm tự hào mang tính dân chủ của thời đại mới. "Trời xanh đây là của chúng ta - Núi rừng đây là của chúng ta" - chỉ đến thơ ca sau Cách mạng tháng Tám mới xuất hiện đại từ "chúng ta" với tư thế ấy, tầm vóc ấy.

      Có thể tìm thấy nhiều đoạn, nhiều khổ thơ đặc sắc trong Đất nước để chứng minh cho các đặc điểm trên của hình tượng trung tâm trong bài thơ.

      Lịch sử dài lâu của đất nước, sức sống bền bỉ của bao thế hệ ông cha được Nguyễn Đình Thi cảm nhận sâu sắc:

Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về.

     Về ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu, đoạn thơ này chứng tỏ cảm xúc thiết tha, lắng đọng của Nguyễn Đình Thi. Dù ngắn nhưng đoạn thơ bố cục có tầng lớp theo lối diễn dịch sau khi xướng lên đối tượng để nhìn ngắm, chiêm nghiệm. "Nước chúng ta" là nước như thế nào ? Đây là "Nước những người chưa bao giờ khuất". Điều đó thể hiện ở đâu ? Hai dòng tiếp sau lại là sự diễn giải, chứng minh cụ thể.

      Đất nước là bài thơ được viết theo thể tự do, câu dài, câu ngắn xen kẽ. Rõ ràng, "Nước chúng ta" là dòng thơ ngắn nhất trong bài. Nó cất lên lời xưng danh dõng dạc, đàng hoàng. Đã xưng danh thì phải ngắn, phải cất cao đĩnh đạc. Nó toát lên niềm tự hào về đất nước, về quyền làm chủ đất nước ấy.

      Nguyễn Đình Thi không phải là người đầu tiên, người duy nhất khẳng định sức sống bền bỉ của truyền thống dân tộc nhưng ông đã có cảm nhận, cách thể hiện của riêng mình. Nhiều người thường nói truyền thống đất nước, sức sống cha ông qua những tấm gương, câu chuyện lịch sử, qua những danh lam thắng cảnh, sự tích núi sông, nghĩa là qua những hình ảnh mang tính thị giác. Ở đây, Nguyễn Đình Thi lại nói qua hình tượng âm thanh. Một âm thanh gần gũi mà thiêng liêng đặc biệt. Cứ đêm đêm vọng lên từ lòng đất tiếng nói của những người chưa bao giờ khuất. Hình bóng và tâm linh của bao thế hệ ông cha vẫn còn thức động giữa hôm nay. Chữ rì rầm gợi lên thứ âm thanh không lớn nhưng không bao giờ dứt. Đã là tiếng trong lòng đất thì phải rì rầm. Hãy chú ý những từ ngữ của đoạn thơ: khuất, rì rầm, ngày xưa, vọng - chúng tạo nên một không khí cổ kính, trầm lắng đặc biệt. "Đêm đêm" là hiện tại, "những buổi ngày xưa" là quá khứ xa xưa. Hai chiều thời gian tưởng chừng rất xa nhau được kéo nhập làm một qua tiếng rì rầm ấy, trong không khí ấy. "Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất" - tại sao viết tiếng đất chứ không phải lòng đất ? Hình như ở đây có hai thứ tiếng. "Rì rầm" là tiếng của con người, của nhân sinh. "Tiếng đất" là tiếng của núi non, của vũ trụ. Tiếng của ông cha, của lịch sử đã hoà trong tiếng của đất đai, của vũ trụ mà vọng mãi muôn đời.

       Nhằm ca ngợi tinh thần bất khuất của nhân dân ta, sự vùng dậy quật cường của đất nước, nhằm tố cáo tội ác của kẻ thù, Nguyễn Đình Thi đã dựng tả gương mặt quê hương, đất nước đau thương trong lửa khói chiến tranh. Nhiều người cho rằng khổ thơ dưới đây thuộc loại hay nhất của thơ ca kháng chiến chống thực dân Pháp:

Ôi những cánh đồng quê chảy máu

Dây thép gai đâm nát trời chiều

Những đêm dài hành quân nung nấu

Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.

Nhận xét ấy có căn cứ bởi đây là những câu thơ vừa giàu tính tạo hình vừa giàu cảm xúc. Nguyễn Đình Thi từng tâm sự rằng đây là những câu thơ được viết từ kỉ niệm trong cuộc đời kháng chiến, từ những buổi chiều cùng bộ đội hành quân qua các vùng quê hoang vu. Một hoạ sĩ dựa vào hai câu thơ này hoàn toàn có thể vẽ nên một bức tranh có hình khối, đường nét, sắc màu, có không khí và linh hồn. Những cánh đồng quê trống vắng, xác xơ vì bị lũ giặc tàn phá. Bầu trời chiều trên những cánh đồng ấy càng mờ xám, ảm đạm. Nối giữa mặt đất cánh đồng với bầu trời chỉ là những hàng dây thép gai của đồn giặc như tua tủa xỉa cắt. Nhìn về phía tây, ánh hoàng hôn đỏ lựng đang hắt ngược một khoảng lên nền trời. Bức tranh này không có cây cối, cửa nhà mà toát lên vẻ lạnh lẽo, tang thương. Hình ảnh thơ lạnh, vắng mà thấm đẫm cảm xúc thương đau, uất hận. Chính từ màu đỏ của hoàng hôn, từ máu của bao con người đã đổ trên quê hương mà Nguyễn Đình Thi liên tưởng đến cánh đồng đang chảy máu. Cũng bởi lòng xót xa đau đớn mà nhà thơ tưởng như dây thép gai đâm nát cả bầu trời đất nước. Trong các từ chảy máu, đâm nát có cả cõi lòng tan nát của nhà thơ. Thương đau, uất hận không nén nổi khiến lời thơ cất lên thành giọng điệu cảm thán.

      Như thế, từ một hình ảnh, một ấn tượng thực, với hai câu thơ này Nguyễn Đình Thi đã vẽ nên một bức tranh mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc cho đất nước đau thương trong chiến tranh, bị kẻ thù giày xéo. "Nói về tội ác kẻ thù có thể có nhiều cách nói khác nhau, tôi không miêu tả cụ thể mà từ chất liệu cụ thể khái quát lên một điều gì sâu xa hơn".

      Chính từ trong đau thương chiến đấu, gương mặt đất nước ngày càng ngời sáng. Các động từ ngời lên, bật lên đã diễn tả sự vùng dậy quật cường của dân tộc:

Từ những năm đau thương chiến đấu

Đã ngời lên nét mặt quê hương

Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu

Đã bật lên những tiếng căm hờn.

      Càng về cuối bài Đất nước, cảm hứng lạc quan càng nồng đượm. Đứng ở hiện tại chiến thắng vinh quang nhìn lại con đường lịch sử vừa qua của dân tộc, Nguyễn Đình Thi tỉnh táo và tự hào khẳng định:

Ngày nắng đốt theo đêm mưa giội

Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh

Trán cháy rực nghĩ trời đất mới

Lòng ta bát ngát ánh bình minh.

      Bởi ý đồ tổng kết lịch sử, hệ thống hình ảnh trong khổ thơ trên kết hợp hài hoà mặt cụ thể, gợi cảm với tính khái quát, biểu tượng (ngày nắng đốt, đêm mưa giội, trán, lòng, trời đất mới, ánh bình minh). Con đường vừa qua của đất nước đâu bằng phẳng thênh thang. Trên con đường ấy, chúng ta vừa trải qua bao khó khăn, thử thách này lại tiếp ngay thử thách khác, mỗi bước đường phải trả giá bằng bao xương máu. Sức mạnh nào đã đưa dân tộc vượt qua con đường gian khổ, vinh quang ấy và bước tiếp tới tương lai tươi sáng ? Đó chính là lí trí tỉnh táo, tư tưởng cách mạng đúng đắn, phương pháp cách mạng khoa học, là tình cảm lạc quan phơi phới. Khi một cá nhân, một cộng đồng kết hợp được hai mặt này thì sẽ mang sức mạnh vô địch. Khổ thơ chứng tỏ sự tổng kết lịch sử sâu sắc của Nguyễn Đình Thi theo cách một nhà thơ trữ tình.

     Mọi vẻ đẹp của hình tượng đất nước, những cảm hứng chính của Nguyễn Đình Thi được kết tinh khá trọn vẹn ở khổ cuối bài thơ. Đây là đỉnh điểm của cảm hứng sử thi khi ngợi ca tầm vóc đất nước, khi dựng tả bức tượng đài:

Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng loà.

     Khổ thơ xây dựng hình ảnh theo tầng lớp. Từ hình ảnh những lớp người cụ thể, Nguyễn Đình Thi liên tưởng, khái quát thành hình ảnh đất nước trong thời đại mới, nghĩa là khổ thơ kết hợp hài hoà tính tả thực, gợi cảm với tính biểu tượng. Trong một bài viết kể về việc sáng tác Đất nước, Nguyễn Đình Thi có giải thích rằng khổ thơ kết này được hình thành từ một hình ảnh thực chính mắt nhà thơ được chứng kiến. Đó là từ trong chiến hào đầy bùn đất, các chiến sĩ ta dũng mãnh xông lên tấn công vào đồn giặc Pháp. Quân phục các anh lấm lem nhưng lưỡi lê tuốt trần, bóng người lấp lánh trong lửa đạn. Chính từ đây, nhà thơ xây dựng một cảnh tượng thật giàu chất điện ảnh. Dưới bầu trời ầm vang tiếng súng, dọc ngang chớp đạn, những lớp người ồ ạt xông lên với khí thế không gì ngăn cản nổi. Lớp này ngã, những lớp sau tiến bước, cứ ào ào như sóng cuộn. Sự đè nén, áp bức tàn bạo của kẻ thù khiến lòng hờn căm, giận dữ của dân ta càng nóng bỏng để vùng lên mạnh mẽ. Hình ảnh này gợi ta liên tưởng đến câu tục ngữ “Tức nước vỡ bờ”.

     Từ hình ảnh cụ thể trên, Nguyễn Đình Thi đã khái quát, đúc kết nên hình tượng đất nước. Đó là một đất nước từ trong máu lửa đau thương của chiến tranh, từ trong bùn lầy của lam lũ, đói nghèo mà vươn mình đứng dậy. Hình tượng đất nước này khiến ta nhớ lại cái vươn vai kì diệu của chú bé làng Gióng thuở nào. Tầm vóc đất nước vụt trở nên kì vĩ lạ thường. Đúng là trong vất vả đau thương đất nước càng "tươi thắm vô ngần" như Nguyễn Đình Thi từng viết:

Anh yêu em như yêu đất nước

Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần.

     Kiểu liên tưởng khái quát này ta sẽ còn bắt gặp khá nhiều trong thơ ca Việt Nam về sau. Chẳng hạn, từ tư thế hi sinh hiên ngang của anh giải phóng quân trên đường băng Tân Sơn Nhất (ở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968) nhà thơ - liệt sĩ Lê Anh Xuân liên tưởng đến "Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỉ". Từ dáng đứng này, Lê Anh Xuân cảm nhận "Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân" (Dáng đứng Việt Nam). Hay ở Việt Nam, máu và hoa, trong không khí hào hùng của thời đại dân tộc đánh đế quốc Mĩ và chiến thắng, Tố Hữu ca ngợi: "Ôi Việt Nam ! Từ trong biển máu - Người vươn lên, như một thiên thần!".

      Khổ thơ của Nguyễn Đình Thi còn hay ở thể sáu chữ, ở nhịp điệu vừa nhịp nhàng vừa ngày một đẩy tới, dâng cao (nhất là ở dòng thứ hai và dòng cuối). Nhịp điệu ấy cũng tương ứng với sự vươn lên mạnh mẽ, với tầm vóc kì vĩ của hình tượng đất nước. Đỉnh điểm của nhịp thơ chính ở chữ "sáng loà" cuối cùng. Từ đây, hiện lên hình tượng đất nước Việt Nam rực rỡ, chói ngời trong ánh hào quang chiến thắng.

Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm thơ - Mẫu 5

Bài thơ “Đất nước” là tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Đình Thi, thể hiện rõ tâm tư và tình cảm của tác giả về quê hương, Tổ quốc. Trước hết, tác giả thể hiện cảm xúc dâng trào trước những đổi thay của mùa thu đất nước:

“Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới”

Mở đầu bài thơ, tác giả đã gợi lên cho người đọc không khí mùa thu tươi đẹp của đất nước. Đó là một mùa thu đầy ánh sáng với hương cốm phảng phất, là một đặc trưng của thủ đô Hà Nội. Chỉ với vài nét chấm phá, cả không gian lẫn thời gian đều được khắc họa một cách rõ nét. Chính cái không khí ấy đã làm cho tác giả gợi nhớ đến mùa thu trước kia của đất nước. Đó là một mùa thu “chớm lạnh với gió heo may thổi đầy trên “phố dài”. Đó là hình ảnh người chiến sĩ dứt áo “ra đi đầu không ngoảnh lại”, quyết tâm chiến đấu vì hòa bình và hạnh phúc. Nếu thuở Lưu Trọng Lư, hình ảnh người ra đi đượm buồn thì ở đây, Nguyễn Đình Thi đã khắc họa lên hình ảnh những người chiến sĩ ra đi dứt khoát, vì lý tưởng cao đẹp.

“Tôi nhớ những ngày thu đã xa

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.”

Ẩn sâu từng lời thơ là hình ảnh thủ đô Hà Nội 1000 năm văn hiến. Mùa thu Hà Nội hiện lên đẹp đẽ, đặc trưng, xen kẽ không gian man mác, đậm chất thơ là hình ảnh con người với những khát vọng rất đáng trân trọng.

Tiếp theo đó, tác giả lý từ quá khứ đến hiện tại. Mùa thu của đất nước đầy vui tươi, hòa ca cùng niềm chiến thắng, độc lập mà biết bao con người đã cùng nhau chiến đấu mới giành được. Mùa thu đi đã khác, con người đã có thể hiên ngang đứng “giữa núi đồi” để ngân để ngân vang bài ca chiến thắng. Tiếng “nói cười”, tiếng hát, như hòa cùng núi sông “xanh biếc”. Và mùa thu của hôm đi dường như đã khác mùa thu ngày hôm qua. Nói như mở ra tương lai của đất nước tươi đẹp, hứa hẹn những đột phá ở phía trước.

“Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta

Những cánh đồng thơm mát

Những ngả đường bát ngát

Những dòng sông đỏ nặng phù sa”

Với điệp từ “đây”, “chúng ta”, “những”,… Nguyễn đình Thi như đã khắc họa được lời ca tiếng hát của biết bao nhiêu con người trong ngày chiến thắng. Giờ đây, bầu trời, núi xanh, những cánh đồng, ngả đường hay là cả những con sông đều đã là của “chúng ta”. Đó như lời ngân vang tràn đầy hạnh phúc và tự hào của nhân dân bởi những nỗ lực và chiến đấu không ngừng đã giành được sự độc lập và hòa bình cho đất nước.  Chỉ với vài vần thơ, Nguyễn Đình Thi đã khắc họa được tâm thế và những xúc cảm của cả một thế hệ.

Sau những xúc cảm về mùa thu của đất nước, tác giả hồi tưởng lại quãng thời gian đất nước trong cuộc kháng chiến chống Pháp oanh liệt, hào hùng. Đó là đất nước với những con người bất khuất, dũng cảm, chiến đấu hết mình vì độc lập, tự do của dân tộc:

“Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về!”

Đất nước dường như có sức sống vô cùng bền bỉ. Đó là đất nước của những con người sống mãi với thời gian bởi họ đã dành cả tuổi thanh xuân của mình vì một lý tưởng chung. Đó là một truyền thống nghìn đời của dân tộc. Và sự hào hùng, bất khuất ấy dường như in sâu vào lớp trầm tích ngàn năm với những tiếng “rì rầm” “vọng nói về”, để rồi tiếp thêm sức mạnh cho ngày hôm nay.

Qua ngòi bút của Nguyễn Đình Thi, đất nước hiện lên đau thương nhưng cũng rất đỗi anh hùng:

“Ôi những cánh đồng quê chảy máu

Dây thép gai đâm nát trời chiều”

Những nỗi đau trong quá khứ, những mất mát mà cuộc chiến tranh mang lại có lẽ sẽ không bao giờ có thể quên được. Biết bao con người đã ngã xuống, biết bao cánh đồng xanh mướt một màu đỏ của máu, của khói lửa. Đến cả những con vật vô tri, “những gốc lúa bờ tre hồn hậu” “cũng bật lên những tiếng căm hờn” bởi tội ác dã man mà quân giặc tạo ra. Thế nhưng dù quân giặc của tàn ác đến đâu, dân tộc Việt Nam vẫn luôn luôn dũng cảm, lạc quan, sẵn sàng chiến đấu:

“Xiềng xích chúng bay không khóa được

Trời đầy chim và đất đầy hoa

Súng đạn chúng bay không bắn được

Lòng dân ta yêu nước thương nhà!”

Lời thơ như khẳng định dù có phải chịu biết bao nhiêu đè nén, tàn ác của thực dân thì đất nước Việt Nam vẫn luôn là mình, hồn hậu, tươi đẹp với “chim”, “hoa”. Và hơn cả là “lòng (…) yêu nước thương nhà” của nhân dân đoàn kết.

Vượt qua tất cả những điều tàn ác, ách đô hộ của kẻ thù, đất nước đã “đứng lên”, “bật lên” để rồi tạo nên kỳ tích mà bình và cho đến tận bây giờ, mỗi khi nhắc lại, bất cứ kẻ thù nào cũng đều phải run sợ:

“Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”

Chỉ với bốn câu thơ lục ngôn, Nguyễn Đình Thi đã khép lại bài thơ bằng giọng điệu đanh thép, kiên cường, tự hào. Khẳng định rằng, mỗi khi đất nước lâm nguy, nhân dân Việt Nam sẽ đứng lên, “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Đó là một sức mạnh cộng đồng rất đáng trân trọng của nhân dân. Và đó cũng là định nghĩa về đất nước rất thơ của Nguyễn đình Thi. Đó là một đất nước nhỏ bé, lam lũ, suốt chiều dài của lịch sử hết đế quốc này đến địa chỉ khác lăm le xâm lược, Thế nhưng vượt lên trên tất cả, đất nước ấy luôn đứng dậy, kiên cường, mạnh mẽ, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc.

Bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi Với giọng điệu đầy chất thơ, những hình ảnh quen thuộc đậm chất gợi hình, gợi tả, Nguyễn Đình Thi đã khắc họa quá khứ hào hùng của dân tộc và một niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng của đất nước. Bài thơ “Đất nước” cùng với biết bao tác phẩm khác đã khắc họa nên một đất nước Việt Nam tươi đẹp, có bề dày lịch sử, văn hoá rất đáng trân trọng.

Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm thơ - Mẫu 6

Mùa thu, cái mùa làm xao xuyến lòng người gợi cho ta bao hoài niệm. Mùa thu giấu trong mình những bầu trời xanh cao vợi, cái nắng hanh vàng, chút se lạnh về đêm. Vì mùa thu đẹp quá nên nó đã trở thành chất liệu thi ca của biết bao nhà văn nhà thơ trong đó có Tiếng thu của Lưu Trọng Lư.

Mùa thu qua cảm nhận của Lưu Trọng Lư thật khác biệt. Ông không dùng mắt để quan sát vẻ đẹp tuyệt diệu của mùa thu mà ông lắng nghe từng hơi thở, từng âm thanh của mùa thu.

Mùa thu dường như gợi rất nhiều vấn vương trong thơ ca của những người thi sĩ. Đối vớ Lưu Trọng Lư cũng như thế, mùa thu cũng khiến cho ông có rất nhiều cảm xúc. Tác giả đã chọn cho mình một góc riêng để ngắm thu để mơ mẩn vè thu để rồi đứng ngồi không yên khi cảm xúc ùa về và để rồi viết lên những trang thu tuyệt diệu.

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức
Em không nghe rạo rực

Hai câu thơ mở ra cho chúng ta cả một trời thương nhơ vấn vương. Cả bài thơ là một cuộc đối thoại giữa chàng trai và cô gái giữa người đang ngoài chiến trận với người đang mòn mỏi từng ngày ở nhà ngóng tin. Thật là bồi hồi biết bao khi một người đang thổn thức dang rạo rực đang bừng cháy còn một người thì không nghe thấy gì. Hoặc em cũng đang nghe thấy nhưng anh giả vờ như em không nghe thấy mà hỏi vậy. Em mà tác giả đang gọi là ai? Phải chăng là một người đang buồn rầu ngóng tin hay một người tưởng tượng trong tâm trí nhà thơ hay đó chính là nhà thơ đang nói chuyện với chính lòng mình. Ở đây ta đặt ra một câu hỏi mà rất khó trả lời được. Nhưng là ai không quan trọng, quan trọng chính là người đó đang nghĩ gì đang có tâm sự ra sao trước cảnh đời đang trôi?. Mùa thu trăng mờ, phải trăng ánh trăng chính là một hình ảnh mà các thi nhân rất thích sử dụng khi nói về thu hay khi người ngắm trăng đang mang nhiều tấm trạng. Một mình đứng ngắm trăng rất nhiều tâm sự trong lòng không thể san sẻ cùng ai, nhưng dường như dưới ánh trăng vằng vặc kia như đang hiểu thấu nỗi lòng người thi nhân. Như vậy chủ đề mùa thu đã được nhà thơ diễn tả trước hết bằng từ ngữ. Xuất hiện xuyên suốt bài thơ là một từ "nghe" xuất hiện cả ba lần trong câu thơ đầu tác phẩm. Chúng ta nghe lời thổn thức của mùa thu đã được nhân cách hóa, nghe tiếng lòng rạo rực trong rừng vắng của người phụ nữ đi đánh trận nghe tiếng lá thu rơi. Bên cạnh đó tiếng thu còn được tác giả diễn tả bằng âm thanh “em không nghe”. Hai câu thơ tiếp theo cho người đọc hiểu rõ hơn về nhân vật trữ tình trong bài thơ.

“Hình ảnh người chinh phụ
Trong lòng người cô phụ”

Hình ảnh người lính ra đi lên đường chiến trận là một hình ảnh có lẽ không thể nào quên được trong tâm trí những người tới đưa tiễn chồng lên chiến trường . Hình ảnh ấy cứ khuất dần khuất dần rồi mất hút hẳn theo mù thu theo dáng hình người lính. Đó là tâm sự chủ yêu của những người cô phụ trong thời kì này.

Khổ thơ cuối cùng khép lại bài thơ nhưng nó lại mang một âm hưởng lưu luyến bởi tiếng nhạc khiến ta không thôi bồi hồi.

“em không nghe rừng thu
Lá thu rơi xao xác
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?”

Cách gieo vần liền kết hợp với các từ láy đặt ở cuối câu đã khiến liên kết các câu trong khổ thơ cuối trở nên đều đặn. Khi hình ảnh con nai vàng xuất hiện ta đã nghe được gì khi hình ảnh con nai vàng xuất hiện. Phải chăng ta đã nghe thất tiến lá vàng vỡ vụn dưới bước chân của những con nai vàng ngơ ngác. Tiếng thơ đích thực trong thơ của Lưu Trọng Lư là như thế đó ta không nghe thấy được thu bằng tai mà nghe thấy thu qua trí tưởng tượng nghe vang lên trong tâm hồn. Thu thanh của Lưu Trọng Lư chính là một vô thanh . Đó là cái vô thanh thắng hữu thanh . Có người cho rằng “Thực tế Việt Nam làm gì có khu rừng vàng”. Đấy là rừng châu Âu. Rừng Việt Nam là rừng luốm nhuốm. Mùa thu Việt Nam đúng như Nguyễn Du mô tả trong Kiều: "Rừng thu từng biếc chen hồng". Và con nai Việt Nam cũng nhanh nhẹn lắm, tinh ranh lắm, nó đâu có ngơ ngác!

Tác phẩm đã để lại nhiều suy nghĩ cho người đọc . Đó là một con mắt nhìn đời nhìn thơ khá khác biệt của Lưu Trọng Lư. Tác phẩm đã khiến cho chúng ta thấy được mùa thu mơ màng bất tận của người thi sĩ đồng thời cũng cho chúng ta thấy được nỗi lòng của người cô phụ đối người chồng nơi chinh chiến.

Đánh giá

0

0 đánh giá