TOP 20 bài Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm truyện lớp 10 SIÊU HAY

525

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm truyện Ngữ văn 10 Cánh diều, gồm dàn ý và các bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo từ đó học cách viết văn hay hơn.

Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm truyện

TOP 20 bài Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm truyện lớp 10 SIÊU HAY (ảnh 1)

Đề bài: Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm truyện

Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm truyện - Mẫu 1

Nguyễn Tuân là người nghệ sĩ tài hoa suốt đời đi tìm cái đẹp. Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, mỗi lời văn đều trở thành những tín hiệu thẩm mĩ tuyệt đẹp qua lớp vỏ ngôn từ. Và đề cập tới cái đẹp thì không thể không nhắc tới tuyệt tác “Chữ người tử tù” của ông, tác phẩm khắc họa rõ nét hình tượng nhân vật Huấn Cao với khí phách và phẩm chất hơn người cùng khung cảnh cho chữ đầy đặc sắc.

Mang đặc trưng của tư tưởng sáng tác, các tác phẩm của ông thường hướng đến xây dựng những nhân vật tài hoa bất đắc chí, đó là những con người có tâm, có tài với tâm lòng trong sáng, tuy chí lớn không thành nhưng vẫn nổi bật với vẻ hiên ngang, bất khuất. Huấn Cao là nhân vật điển hình cho phong cách sáng tác đó.

Truyện ngắn “Chữ người tử tù”, nhà văn Nguyễn Tuân đã xây dựng nhân vật Huấn Cao theo bút pháp lãng mạn, một người anh hùng với những vẻ đẹp đầy lí tưởng. Tác giả không miêu tả trực tiếp vẻ đẹp của Huấn Cao mà hiện lên gián tiếp qua cuộc đối thoại giữa viên quản ngục và thơ lại. Đó là một con người hoàn hảo, văn tài võ lược lại mang chí lớn cứu nước, cứu dân, uy danh của Huấn Cao vang xa khắp cõi Tỉnh Sơn.

Cái tài của của Huấn Cao còn được thể hiện thông qua tài viết chữ đẹp, nét chữ của ông đẹp đẽ, vuông vắn. Với tài năng này đã có rất nhiều người ngưỡng mộ và mong muốn xin được nét chữ của ông để treo trong nhà, trong đó có viên quản ngục. Nét chữ của Huấn Cao là sự kết hợp tài tình giữa tài năng, vẻ đẹp tâm hồn của người nghệ sĩ nên mỗi nét chữ viết ra như hiện thân của khí phách, của thiên lương và tài hoa hơn người.

Nét chữ của Huấn Cao trở nên quý giá không chỉ bởi nó “đẹp lắm, vuông lắm” mà mỗi con chữ còn thể hiện được sự tài hoa cũng như khát vọng tung hoành của một con người. Xin được chữ của Huấn Cao cũng là tâm nguyện lớn nhất của người biệt nhỡn liên tài như viên quản ngục.

Huấn Cao là con người có bản lĩnh hơn người, hiên ngang không chịu khuất phục trước quyền lực và danh lợi. Ông không dùng tài năng của mình để đổi trác lấy danh lợi, có rất nhiều người sẵn sàng mua chữ của ông nhưng ông không bán, theo tâm sự của Huấn Cao thì trong cuộc đời ông, ông chỉ cho chữ những người tri kỉ, đáng kính và những người biết trân trọng, thưởng thức cái đẹp. Đây cũng là lí do vì sao Huấn Cao đã đồng ý cho chữ viên quản ngục trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt – trong ngục tù vì ông cảm động trước tấm lòng trong sáng của viên quản ngục.

Trong không gian ngục tù u ám, đen tối toàn mùi phân gián, phân chuột, dưới ánh sáng không rõ ràng của ngọn đuốc, Huấn Cao đã viết chữ tặng cho viên quản ngục. Không chỉ cho chữ, Huấn Cao còn tặng viên quản ngục những lời khuyên chân thành nhất, rằng hãy rời xa môi trường đen tối đầy tội ác của ngục tù trở về quê sinh sống để giữ gìn cho thiên lương được trong sáng. Ngay cả trong hoàn cảnh éo le nhất, tấm lòng trong sáng, thiên lương tốt đẹp của Huấn Cao vẫn có thể tỏa sáng và soi đường cho viên quản ngục để trở về với cuộc sống tốt đẹp, trong sạch hơn.

Qua truyện ngắn Chữ người tử tù, nhà văn Nguyễn Tuân đã mang đến cho người đọc niềm tin sâu sắc về sức mạnh của cái đẹp, cái thiện, nó có thể tỏa rạng trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngay cả trong không gian ngục tù đầy tối tăm nhất.

Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm truyện - Mẫu 2

Xin chào tất cả các bạn. Các bạn thân mến, nhắc đến những câu chuyện cổ tích của nước ta, không thể bỏ qua truyện “Cây khế”. Đây được xem là một trong những tác phẩm truyện cổ tích đặc sắc nhất trong kho tàng truyện dân gian của nước ta.

Truyện kể về hai anh em nhà nọ mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống nương tựa vào nhau. Cha mẹ mất để lại cho hai anh em một cây khế và một chút ruộng vườn, của cải, tuy không khá giả nhưng hai anh em vẫn có cuộc sống no đủ. Từ khi người anh trai lấy vợ bỗng sinh ra lười nhác, mọi việc đều đổ hết lên đầu vợ chồng người em. Thậm chí sợ em tranh công nên anh trai đã chia gia tài, chiếm hết của nải, đẩy vợ chồng em ra túp lều nát với cây khế của cha mẹ để lại. Vợ chồng người em chăm chỉ làm lụng, chăm bẵm cho cây khế ra quả, chim quý đến ăn và đã trả công vợ chồng em trai bằng vàng bạc. Tiếng đồn đến tai người anh, người anh tham lam nên gạ đổi gia tài lấy cây khế. Chim quý cũng đến ăn và hứa trả ơn bằng vàng, nhưng vì tính tham lam vô độ của người anh nên đã bị chim quý hất xuống biển sâu. Cốt truyện tuy rất đơn giản, ngắn gọn nhưng chất chứa trong đó những bài học về cuộc sống vô cùng sâu sắc và thấm thía.

Truyện “Cây khế” phản ánh cuộc xung đột giữa hai tuyến nhân vật trong một gia đình, một bên là vợ chồng người em trai hiền lành, chăm chỉ, chịu khó; một bên là vợ chồng người anh trai tham lam, ích kỉ, chỉ nghĩ đến đồng tiền. Thông qua khai thác xung đột trong gia đình này, tác giả dân gian đã phản ánh chủ đề của chuyện đó là phê phán sự tham lam, ích kỉ của con người, ca ngợi những con người chịu khó, chăm chỉ, biết sống lương thiện, biết thế nào là đủ. Câu chuyện còn là lời cảnh tỉnh cho những ai đã và đang xem nhẹ tình anh em trong gia đình, cắt đứt tình máu mủ ruột rà chỉ vì những cái lợi trước mắt. Chủ đề truyện này không mới nhưng nó vẫn có giá trị không riêng với thế giới cổ tích mà còn cả xã hội hiện thực bây giờ.

Góp phần tạo nên thành công cho câu chuyện, ngoài giá trị của chủ đề và bài học sâu sắc trong truyện Cây khế thì không thể quên sự đóng góp của các hình thức nghệ thuật. Chính những hình thức nghệ thuật đặc sắc ấy đã giúp cho chủ đề và bài học trong truyện trở nên sâu sắc, thấm thía hơn và hấp dẫn độc giả hơn.

Yếu tố nghệ thuật đầu tiên cần kể đến đó là nghệ thuật tạo tình huống. Tình huống truyện chia gia tài, vốn rất quen thuộc trong truyện kể dân gian. Nhờ tình huống này bản chất xấu xa tham lam của vợ chồng người anh trai được bộc lộ. Tình huống thứ hai, góp phần giúp mạch truyện tiến triển là tình huống chim quý xuất hiện và ăn khế của vợ chồng em trai. Nhờ chim quý vợ chồng em trai được đền đáp xứng đáng cho tấm lòng, sự lương thiện của mình. Cũng nhờ chim quý mà vợ chồng người anh trai đã bị trừng trị thích đáng cho bản tính tham lam, mờ mắt vì tiền của mình. Nhân vật chim quý đóng vai trò là nhân vật chức năng, thế lực siêu nhiên, thay nhân dân thực hiện mong ước của họ. Đây cũng là kiểu nhân vật khá quen thuộc trong truyện cổ tích Việt Nam.

Xây dựng nhân vật giàu tính biểu trưng cũng là một nét nổi bật cho truyện cổ tích Việt Nam. Trong đó người anh trai là tuyến nhân vật đại diện cho kiểu người tham lam, chỉ nghĩ đến đồng tiền; nhân vật em trai là đại diện cho tuyến nhân vật bất hạnh, mồ côi, chịu nhiều thiệt thòi, cam chịu. Hai tuyến nhân vật chính - tà khá quen thuộc trong truyện cổ tích, là đại diện cho các kiểu người trong xã hội phân chia giai cấp thời bấy giờ.

Nét đặc sắc cuối cùng em muốn nói đến trong bài viết là cách khắc họa tính cách nhân vật thông qua ngôn ngữ, hành động của nhân vật. Nhân vật trong truyện cổ tích vốn chưa có những tâm lý hay nét tính cách độc đáo, riêng biệt như trong văn xuôi của các tác giả văn học. Nhưng thông qua lời thoại, ngôn ngữ, hành động chúng ta cũng thấy được phần nào những nét tính cách đặc trưng của nhân vật. Chẳng hạn qua thái độ “rối rít, mừng quýnh, vái lấy vái để “ khi gặp chim thần của vợ chồng anh trai cũng đủ thấy vợ chồng anh ta là người tham lam, ích kỉ, tôn sùng vật chất, luôn trông chờ vào vận may; hành động “nhét đầy vàng vào tay áo, ống quần, lết mãi mới ra khỏi hang” đủ thấy anh trai tham lam đến mờ lý trí… còn vợ chồng người em trai thấy con chim thần chỉ biết than “ ông chim ơi, ông ăn hết khế nhà cháu…” rồi hành động “chỉ nhặt vừa đủ vàng bạc nhét vào túi rồi ra về” cũng đủ thấy người em trai vốn bản tính lương thiện, hiền lành. Nhân vật chỉ được khắc họa qua hành động, ngôn ngữ nhưng những nét tính cách nổi bật vẫn hiện lên tương đối đậm nét.

Những phân tích ở trên đây cho thấy Cây khế là một truyện cổ tích tiêu biểu trong kho tàng truyện cổ Việt Nam. Về chủ đề, truyện chính là lời cảnh tỉnh, phê phán đến những người có lối sống ham vật chất, coi thường tình cảm máu mủ. Về hình thức nghệ thuật, tác giả đã kết hợp hài hòa các yếu tố về tình huống truyện, ngôn ngữ, hành động để nhân vật bộc lộ rõ cá tính của mình, thông qua đó chủ đề truyện cũng được tô đậm.

Câu chuyện là một bài học đắt giá cảnh tỉnh những người tham lam, không coi trọng tình cảm gia đình, sớm hay muộn cũng sẽ nhận phải một kết cục không may mắn.

Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm truyện - Mẫu 3

Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng nói: “Văn học và nghệ thuật là hai đường tròn đồng tâm mà tâm điểm chính là con người”. Quả đúng là như vậy, giá trị chân chính của nghệ thuật chính là ở vẻ đẹp con người. Đến với mỗi tác phẩm văn học, chúng ta như được làm quen, gặp gỡ và thấu hiểu với một số phận, một cuộc đời. Và có lẽ, tôi sẽ chẳng thể nào quên nhân vật dì Mây trong truyện ngắn “Người ở bến sông Châu” của Sương Nguyệt Minh. Hôm nay, tôi muốn giới thiệu với các bạn về người phụ nữ mạnh mẽ ấy.

Lấy bối cảnh xã hội Việt Nam hậu chiến tranh, “Người ở bến sông Châu” xoay quanh cuộc đời của dì Mây – một người lính trở về sau cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đọc tác phẩm, ta không chỉ cảm nhận được nỗi vất vả, bất hạnh của dì mà còn thấy được sự khốc liệt mà chiến tranh gây ra với con người.

Trước hết, dì Mây chính là hình ảnh đại diện cho con người sẵn sàng đứng lên chiến đấu hi sinh thân mình vì độc lập dân tộc. Là một cô gái trẻ đẹp với mối tình đang nở rộ, dì sẵn sàng từ bỏ để đi vào chiến trường, đối mặt với tử thần. Trở về từ cuộc chiến, dì nhận được sự đón tiếp nồng hậu từ người dân khắp xóm Trại. “Người đưa đẩy, an ủi, kẻ cảm thông, xót xa”. Có lẽ bởi chiến tranh đã lấy đi của dì quá nhiều thứ. Một mối tình dang dở, một thanh xuân rực rỡ hay một mái tóc đen óng mượt. Ngày trở về, dì cảm thấy lạc lõng ngay chính quê hương của mình khi mọi thứ đã có nhiều thay đổi. Người mà dì yêu thương, mong muốn được gắn bó cả cuộc đời tưởng dì Mây đã hi sinh trong chiến trận mà kết hôn với người con gái khác. Mái tóc dì trước khia đen óng mượt bao nhiêu thì bây giờ rụng nhiều, xơ và thưa bấy nhiêu. Và hơn hết, dì đã mất đi đôi chân của mình. Dì phải dùng chân giả, chống nạng gỗ, khó nhọc leo lên sạp thuyền ngồi. Những điều bất hạnh đến dồn dập nhưng dì vẫn luôn nghị lực, kiên cường, vẫn sống đầy lạc quan.

Dì Mây còn là một người phụ nữ thuỷ chung, vị tha trong tình yêu. Ở chiến trường, không ngày nào dì không viết tên người mình ra trong nhật kí. Người con gái Trường Sơn nơi đạn nổ bom rơi luôn ôm theo nỗi nhớ thương và yêu vô hạn cho người bạn ở nơi xứ đầy hoa tuyết trắng. Những tưởng người phụ nữ ấy sẽ có một cái kết viên mãn sau khi trở về từ chiến tranh nhưng không... dì trở về trong sự lãng quên của người mà dì yêu thương nhất – chú San. Chàng trai dì từng “bỏ chèo ôm chặt, nép đầu vào ngực người yêu” nay đã có một cuộc sống mời bên tình yêu mới. Dì chẳng thể trách được ai, có chăng là do thời gian đã xoá nhoà đi tất cả những kí ức đẹp giữa hai người. Thế nhưng, trước lời ngỏ “từ bỏ tất cả” và “làm lại” của chú San, dì khẳng khái đáp lại “Không!”. Mặc dù buồn, dù đau, dù còn thương, còn yêu nhưng dì hiểu, hạnh phúc của mình cũng sẽ lấy đi cuộc đời của một người con gái khác: “Thôi! Thôi! Lỡ rồi! Đằng nào cũng chỉ một người đàn bà khổ. Anh về đi”. Vì hạnh phúc của người mình yêu, dì Mây sẵn sàng hi sinh bản thân mình. Một con người với trái tim thật cao thượng!

Tác giả đã đặt dì Mây vào tình huống trớ trêu hơn khi để dì đỡ đẻ cho cô Thanh – vợ chú San. Trong cơn mưa tầm tã, dì Mây với đôi chân thương tật của mình giúp cô Thanh vượt cạn. Mặc cho lời can ngăn của thím Ba, dì nhẹ nhàng khuyên bảo cô Thanh cố rặn: “Em cố lên. Hãy nghĩ đến đứa con. Nào...cố lên em....” Có lẽ sẽ chẳng ai nghĩ được rằng đây là lời nói của một người phụ nữ đối với người đã thế chỗ cho hạnh phúc của mình. Đỡ đẻ thành công, nghe tiếng trẻ con khóc, dì Mây “xót xa, tủi hơn xen lẫn niềm ao ước, chờ mong, vui buồn lẫn lộn”. Có lẽ dì cũng tủi thân khi bản thân giờ chỉ còn lẻ bóng một mình, dì xót thương cho số phận bất hạnh của bản thân. Giá như hai người không phải chia xa, giá như không có chiến tranh thì có lẽ, bây giờ dì cũng đang được hạnh phúc bên chồng con. Thật tội nghiệp và xót xa cho số phận người đàn bà ấy!

Như vậy, tác giả Sương Minh Nguyệt đã đặt nhân vật dì Mây vào những tình huống đầy thử thách để thông qua đó, nhân vật tự bộc lộ mình. Chúng ta có thể thấy rằng chiến tranh đã cướp đi của con người quá nhiều thứ: nhan sắc, sức khoẻ, tình yêu,... Thế nhưng, chiến tranh sẽ chẳng thể vùi dập tâm hồn con người – một tấm lòng vị tha và cao thượng.

Thông qua nhân vật dì Mây, tôi mong rằng mỗi các bạn hãy luôn dành cho nhau những tình cảm chân thành, đằm thắm, hãy trân trọng từng giây phút của hiện tại. Cuộc sống chúng ta đang có chính là một phần xương máu của những thế hệ đi trước.

Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm truyện - Mẫu 4

“Thần Trụ Trời” là một tác phẩm dân gian truyền miệng của người Việt cổ được sản sinh từ thời tối cổ và còn tồn tại đến ngày nay, được nhà khảo cứu văn hóa dân gian Nguyễn Đổng Chi sưu tầm, kể lại bằng bản văn trong “Lược khảo về thần thoại Việt Nam”. Qua truyện thần thoại này, người Việt cổ muốn giải thích nguồn gốc các hiện tượng thiên nhiên như vì sao có trời, có đất và vì sao trời với đất lại được phân đôi, vì sao mặt đất lại không bằng phẳng có chỗ lõm có chỗ lồi, vì sao có sông, núi, biển, đảo. Người Việt cổ cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới này đã cố gắng tìm để hiểu rõ những gì có xung quanh họ. Vì cũng chưa tìm hiểu được nhưng họ lại không chịu bó tay, họ bèn sáng tạo ra một vị thần khổng lồ để giải thích tự nhiên vũ trụ một cách hết sức ngây thơ và đáng yêu. Độc giả ngày nay cảm nhận được trong đó cái hồn nhiên và ước mơ của những người Việt cổ muốn vươn lên để giải thích thế giới tự nhiên quanh mình.

Mọi chi tiết kể và tả Thần Trụ Trời đều gợi những vòng hào quang, điểm tô tính chất kỳ lạ, phi thường của nhân vật, thần thoại. Truyện đã nhân cách hóa vũ trụ thành một vị thần. Hành động đầu tiên khi Thần Trụ Trời xuất hiện là “vươn vai đứng dậy, ngẩng cao đầu đội trời lên, giang chân đạp đất xuống,…” cũng là hành động và việc làm có tính phổ biến của nhiều vị thần tạo thiên lập địa khác trên thế giới. như ông Bàn Cổ trong thần thoại Trung Quốc cũng đã làm giống hệt như vậy. Tuy nhiên vẫn có điểm khác biệt chính là sau khi đã xuất hiện trong cõi hỗn độn giống như quả trứng của vũ trụ, ông đạp cho quả trứng tách đôi, nửa trên là trời, nửa dưới là đất và ông tiếp tục đẩy trời lên cao, đạp đất xuống thấp bằng sự biến hóa, lớn lên không ngừng của bản thân ông chứ không phải như Thần Trụ Trời đã xây cột chống trời. Như vậy cho thấy việc khai thiên lập địa của ông Thần Trụ Trời ở Việt Nam và ông Bàn Cổ ở Trung Quốc vừa có điểm giống nhau vừa có điểm khác nhau. Và đó cũng chính là nét chung và nét riêng có ở trong thần thoại của các dân tộc. Từ cái ban đầu vốn ít ỏi, người Việt cổ cũng như các dân tộc khác trên thế giới không ngừng bổ sung, sáng tạo làm cho nền văn học, nghệ thuật ngày một đa dạng hơn. Chúng ta cũng có thể đánh giá về kho tàng thần thoại Việt Nam đối với nền nghệ thuật Việt Nam như thế nào. Cũng nhờ nghệ thuật phóng đại mà các nhân vật thần thoại có được sức sống lâu bền, vượt qua mọi thời gian để còn lại với chúng ta ngày nay. Thần thoại đã tạo nên cho con người Việt Nam nếp cảm, nếp nghĩ, nếp tư duy đầy hình tượng phóng đại và khoáng đạt. Truyện thần thoại “Thần Trụ Trời” vừa cho các bạn đọc biết được sự hình thành của trời đất, sông, núi, đá,…vừa cho thấy sự sáng tạo của người Việt cổ. Tuy truyện có nhiều yếu tố hoang đường, phóng đại nhưng cũng có cái lõi của sự thật là con người thời cổ đã khai khẩn, xây dựng, tạo lập đất nước.

Trên đây là bài phát biểu của mình về nghệ thuật và cảm nhận với Thần Trụ trời, cảm ơn cô và cả lớp đã lắng nghe. Mình rất vui và hạnh phúc khi được nhận những nhận xét và góp ý từ mọi người.

TOP 20 bài Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm truyện lớp 10 SIÊU HAY (ảnh 2)

Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm truyện - Mẫu 5

Xin chào các bạn, chào mừng các bạn đến với bài thuyết trình của nhóm 4. Ngay sau khi nhận được đề bài từ cô giáo nhóm mình đã cũng nhau trao đổi, thảo luận. Và hôm nay chúng mình xin phép trình bày bài thuyết trình: Giới thiệu đánh giá về nhân vật dì Mây trong truyện “Người ở bến sông Châu” của Sương Nguyệt Minh.

Như các bạn đã biết chiến tranh qua đi, để lại biết bao mất mát tổn thương. Đó không chỉ là những nỗi đau về vật chất mà còn là nỗi đau về tinh thần. Như vết cứa rất sâu vào trái tim của con người, đặc biệt là những người phụ nữ. Truyện ngắn Người ở bến sông Châu là một truyện ngắn như thế, thấm đượm giá trị nhân văn và tình yêu thương, ca ngợi con người mà đặc biệt là những người phụ nữ.

Câu truyện xoay quanh về nhân vật dì Mây. Cô gái trẻ trung xinh đẹp, tóc dì đen dài, óng mượt "Dì đẹp gái nhất làng, có khối trai làng ra bến sông ngó trộm dì mày tắm”. Trước khi đi xung phong dì có mối tình đẹp đẽ, trong trẻo với chú San.  Nhưng phải chia tay nhau vì chú San đi học nghề ở nước ngoài. Còn dì thì xung phong làm cô y sĩ Trường Sơn. Hoàn cảnh trớ trêu đã đẩy chú dì vào cảnh người mỗi ngả chia li cách biệt. Có thể thấy chiến tranh, bom đạn thật tàn nhẫn khi đã đẩy họ vào hoàn cảnh tách biệt.

Khi từ chiến trường bom đạn chờ về. Dì Mây bị đạn phạt vào chân, phải đi tập tễnh, bằng chân giả. Tuy nhiên nỗi đau thể chất đó không thấm vào đâu khi ngày dì trở về cũng là ngày dì phải chứng kiến người đàn ông mình yêu thương, nghĩ tới nhiều nhất, người đàn ông mà dì viết tên hằng ngày vào cuốn nhật kí ở Trường Sơn đã đi lấy người phụ nữ khác. Thử hỏi làm sao dì có thể chịu đựng được cú sốc tinh thần dã man tới vậy, lòng người con gái giờ đây là sự hụt hẫng, bàng hoàng, trớ trêu và đầy tuyệt vọng. Nhưng trong hoàn cảnh tuyệt vọng đó ta vẫn thấy được sự kiên cường, mạnh mẽ của dì Mây. Thái độ của dì rất cương quyết, thể hiện sự bản lĩnh kiên cường của người phụ nữ. Dì nhất quyết không đồng ý trước lời đề nghị “Mây, chúng ta sẽ làm lại” của chú San. Trước sự thể đã rồi dì nhận phần thiệt thòi về mình, dì chỉ muốn một người đàn bà khổ. Có thể thấy dù đau đớn, tuyệt vọng nhưng dì vẫn nén vào trong, dì là đại diện cho phẩm chất kiên cường của những người phụ nữ bước ra từ chiến tranh và bom đạn 

Ở dì Mây còn nổi bật lên phẩm chất tốt bụng, vị tha và bao dung. Khi dì Mây nghe tin cô Thanh vợ chú San khó sinh cô Thanh đẻ thiếu tháng lại tràng hoa quấn cổ dì đã ngay lập tức giúp đỡ không hề suy nghĩa, đắn đo điều gì. Mặc dù ở vào hoàn cảnh của dì việc làm đó chẳng hề dễ dàng, nhưng dì vẫn không chút e ngại, chần chừ, suy nghĩ gì mà lập tức tới giúp đỡ cô Thanh vượt qua cơn nguy hiểm, để mẹ tròn con vuông.

Có thể thấy dì Mây hiện lên với rất nhiều những phẩm chất cao thượng, tốt đẹp, dì đại diện cho những người con gái Việt Nam sẵn sàng hi sinh thầm lặng, đánh đổi cả thanh xuân tuổi trẻ và hạnh phúc của cá nhân mình vì những điều lớn lao khác.

         Trên đây là bài trình bày của nhóm mình cảm ơn cô giáo và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được những góp ý, nhận xét từ mọi người.

Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm truyện - Mẫu 6

Xin chào các bạn, Cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta đã là ngọn lựa hun đúc nên biết bao thế hệ anh hùng, đồng thời cũng trở thành một trong những đề tài văn học, nghệ thuật hấp dẫn và nhiều cảm hứng nhất của giới văn nghệ sĩ lúc bấy giờ. Nhân vật Dì Mây trong truyện ngắn “Người ở bến sông Châu” của nhà văn Sương Nguyệt Minh cũng là một trong những nhân vật bộc lộ được bản chất người lính đã trải qua cuộc chiến tranh, thấy được sự hy sinh mất mát, và nỗi đau khôn cùng của người phụ nữ Việt Nam.

Câu chuyện xoay quanh cuộc đời của một người phụ nữ đẹp nhưng lại có số phận đau thương, vây hãm cả đời. Dì đại diện cho một thế hệ thanh niên đã dâng hiến quãng đời thanh xuân tươi đẹp nhất cho cách mạng. Tuổi trẻ của dì là những ngày tháng lăn lộn trên khắp các nẻo đường Trường Sơn. Dì Mây có một mối tình đằm thắm, trong sáng với chú San, tuy nhiên lại rơi vào nghịch cảnh éo le: ngày cô trở về quê cũng là ngày người yêu – San đi lấy vợ vì tưởng cô hy sinh. Ngay đêm tân hôn, biết tin Mây còn sống quay về, San đã tìm gặp Mây. Anh xin cô được bỏ vợ để cả hai làm lại từ đầu. Mây khóc, từ chối vì cho rằng: “Một người phụ nữ đau khổ và lỡ dở đã là quá đủ”.

Ngoài nỗi buồn mất đi người mình yêu, dì Mây còn phải chịu những hậu quả do chiến tranh để lại. Từ một người con gái xinh đẹp trở thành một người tàn tật, vô cùng thương xót “Dì Mây bước tập tễnh, tóc Dì Mây rụng nhiều, xơ và thưa, dì có chân giả, chống nạng gỗ”. Tuy nhiên, không vì điều đó mà dì lại cảm thấy tủi thẹn, dì luôn luôn cảm thấy tự hào, vì đã dâng hiến quãng đời thanh xuân tươi đẹp cho cách mạng: “Dì Mây chắn cửa hầm che chở cho thương binh, …”. Bởi vậy, cuộc sống của dì Mây khi trở về quê hương cũng có sự thay đổi thay. Ai nấy trong gia đình đều cảm thấy thương dì, cuộc đời của dì thật đau xót. Những đặc sắc trong nghệ thuật xây dựng dì Mây đã cho thấy một hình ảnh người phụ nữ kiên cường, đầy nỗi bất hạnh vì chiến tranh. Cuộc chiến đã cướp đi tất cả: tuổi trẻ, tình yêu, hạnh phúc và mài mòn dần những gì còn sót lại của dì khi trở về sau chiến tranh.

Càng éo le hơn khi truyện đẩy nhân vật dì Mây vào những tình huống vô cùng trớ trêu và đau khổ. Khi dì đứng trước sự lựa chọn về tinh yêu của mình, dì đã cam đảm đối mặt với nó, mặc dù buồn, vẫn còn thương chú San nhiều nhưng dì đã cương quyết dứt khoát với chú “Thôi! Thôi! Lỡ rồi! Đằng nào cũng chỉ một người đàn bà khổ. Anh về đi!”, “Sự thế đã thế, cố mà sống với nhau cho vuông tròn”. Chưa dừng lại ở đó, tác giả lại một lần nữa đẩy nhân vật vào tình huống mà khiến dì phải đấu tranh lí trí và cảm xúc của bản thân. Đó là khi vợ chú San - cô Thanh vượt cạn thiếu tháng và dì Mây đã cố gắng hết sức đỡ đẻ cho cô mặc kệ lời thím Ba can ngăn. Chi tiết dì khóc ngay sau khi đỡ đẻ thành công cho vợ chú San, đã để lại cho người đọc nhiều xúc động. Giá như không đi bộ đội, nếu không có chiến tranh, thì cũng không bị chiến tranh làm xa cách dì Mây cũng có thể hạnh phúc bên chú San. Qua đây, em thấy được hình tượng của một người phụ nữ dưới thời chiến, đó là một người xinh đẹp, gan dạ và đầy lòng nhân ái, vị tha. Người phụ nữ mặc dù trải qua những khó khăn, thử thách ở những tình huống nghịch cảnh, đau khổ nhưng vẫn quyết tâm đối mặt với nó, với số phẩn của bản thân.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh đã vô cùng thành công trong việc xây dựng nhân vật dì Mây, bởi nhờ có ông, mà chúng ta thấy được những góc khuất của chiến tranh, những câu chuyện buồn dưới thời chiến. Chưa bao giờ, trong văn học Việt Nam xuất hiện người phụ nữ trở về sau chiến tranh lại bi thương đến vậy. Từ đó, ta mới càng cảm thông hơn với những số phận của họ và thật biết ơn với những công lao của họ để chúng ta có được cuộc sống như ngày hôm nay.

Cảm ơn các bạn đã thắng nghe phần giới thiệu, đánh giá của tôi về nhân vật dì Mây trong truyện “Người ở bến Sông Châu”.

Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm truyện - Mẫu 7

Kính chào thầy cô và các bạn. Tôi tên là............học sinh.........trường......... 

Trước một tác phẩm truyện, mỗi người đọc có thể có những cảm nhận, quan điểm riêng biệt, những đánh giá về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm đó. Đến với bài nói ngày hôm nay tôi xin giới thiệu, đánh giá về nội dung, nghệ thuật truyện ngắn “Chữ người tử tù” của nhà văn Nguyễn Tuân. 

Trước hết tôi sẽ trình bày lí do vì sao tôi lựa chọn tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân để giới thiệu đến các bạn. Thứ nhất, Nguyễn Tuân được đánh giá là “nhà văn lớn, một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp”, ông có vị trí và ý nghĩa quan trọng đối với nền văn học Việt Nam. Trước cách mạng ông thoát li hiện thực, tìm về một thời vang bóng, tập “Vang bóng một thời” chính là tập truyện tiêu biểu nhất cho phong cách của ông trước cách mạng. Trong đó ta không thể không nhắc đến “Chữ người tử tù” với niềm trân trọng thú viết chữ tao nhã truyền thống. Thứ hai, truyện ngắn này được đánh giá là một tác phẩm đạt gần tới sự toàn thiện, toàn mĩ. 

“Chữ người tử tù” được in trong tập “Vang bóng một thời” xuất bản năm 1940, tác phẩm khi xuất hiện trên tạp chí Tao đàn có tên “Dòng chữ cuối cùng”, sau in thành sách đổi thành “Chữ người tử tù”. Tác phẩm đã truyền tải đầy đủ tinh thần của tác giả, cũng như giá trị nhân văn của tác phẩm. “Chữ” là hiện thân của cái đẹp, cái tài sáng tạo ra cái đẹp, cần được tôn vinh, ngợi ca. “Người tử tù” là đại diện của cái xấu, cái ác, cần phải loại bỏ khỏi xã hội. Ngay từ nhan đề đã chứa đựng những mâu thuẫn gợi ra tình huống truyện éo le, gợi dậy sự tò mò của người đọc. Qua đó làm nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm: tôn vinh cái đẹp, cái tài, khẳng định sự bất tử của cái đẹp trong cuộc đời.

Tác phẩm có tình huống gặp gỡ hết sức độc đáo, lạ, chúng diễn ra trong hoàn cảnh nhà tù, vào những ngày cuối cùng của người tử tù Huấn Cao, một người mang chí lớn và tài năng lớn nhưng không gặp thời. Vị thế xã hội của hai nhân vật cũng có nhiều đối nghịch. Huấn Cao kẻ tử từ, muốn lật đổ trật tự xã hội đương thời. Còn quản ngục là người đứng đầu trại giam tỉnh Sơn, đại diện cho luật lệ, trật tự xã hội đương thời. Nhưng ở bình diện nghệ thuật, vị thế của họ lại đảo ngược nhau hoàn toàn: Huấn Cao là người có tài viết thư pháp, người sáng tạo ra cái đẹp, còn quản ngục là người yêu và trân trọng cái đẹp và người sáng tạo ra cái đẹp. Đó là mối quan hệ gắn bó khăng khít chặt chẽ với nhau. Với tình huống truyện đầy độc đáo, đã giúp câu chuyện phát triển logic, hợp lí đẩy lên đến cao trào. Qua đó giúp bộc lộ tính cách nhân vật và làm nổi bật chủ đề của truyện: Sự bất tử của cái đẹp, sự chiến thắng của cái đẹp. Sức mạnh cảm hóa của cái đẹp.

Nổi bật trong tác phẩm chính là Huấn Cao, người có tài viết chữ đẹp và nổi tiếng khắp nơi: “người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp” tiếng tăm của ai khiến ai ai cũng biết đến. Cái tài của ông còn gắn liền với khát khao, sự nể trọng của người đời. Có được chữ của Huấn Cao là niềm mong mỏi của bất cứ ai, được treo chữ của ông trong nhà là niềm vui, niềm vinh dự lớn. Cái tài của Huấn Cao không chỉ dừng lại ở mức độ bình thường mà đã đạt đến độ phi thường, siêu phàm.

Không chỉ tài năng, vẻ đẹp của Huấn Cao còn là vẻ đẹp của thiên lương trong sáng: “Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”. “Khoảnh” ở đây có thể hiểu là sự kiêu ngạo về tài năng viết chữ, bởi ông ý thức được giá trị của tài năng, luôn tôn trọng từng con chữ mình viết ra. Mỗi chữ ông viết như một món quà mà thượng đế trao cho bản thân nên chỉ có thể dùng những chữ ấy để trao cho những tấm lòng trong thiên hạ. Trong đời ông, ông không vì uy quyền mà trao chữ cho ai bao giờ: “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”. Đặc biệt, tấm lòng thiên lương ấy còn thể hiện trong việc ông đồng ý cho chữ viên quản ngục: “Ta cảm tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”, tấm lòng của Huấn Cao với những con người quý trọng cái đẹp, cái tài.

Ở Huấn Cao ta còn thấy được trong ông vẻ đẹp của một con người có nghĩa khí, khí phách hơn người. Ông là người giỏi chữ nghĩa nhưng không đi theo lối mòn, dám cầm đầu một cuộc đại phản, đối đầu với triều đình. Khi bị bắt ông vẫn giữ tư thế hiên ngang, trước lời đe dọa của tên lính áp giải tù, Huấn Cao không hề để tâm, coi thường, vẫn lạnh lùng chúc mũi gông đánh thuỳnh một cái xuống nền đá tảng… Khi viên quản ngục xuống tận phòng giam hỏi han ân cần, chu đáo, Huấn Cao tỏ ra khinh bạc đến điều: “Ngươi hỏi ta muốn gì, ta chỉ muốn có một điều, là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Vào thời điểm nhận tin dữ (ngày mai vào kinh chịu án chém), Huấn Cao bình tĩnh, mỉm cười.

Và đẹp đẽ nhất là cảnh cho chữ, cả ba vẻ đẹp của ông được hội tụ và tỏa sáng. Trên tấm vải trắng còn nguyên vẹn lần hồ, chữ Huấn Cao “vuông tươi tắn” nói lên hoài bão, tung hoành của một con người có khí phách. Ông không để tâm đến mọi điều xung quanh chỉ tập trung vào việc tạo ra những nét chữ tuyệt tác. Với việc quản ngục xin chữ, Huấn Cao cũng hiểu ra tấm lòng của quản ngục, trong những giây phút cuối đời đã viết chữ dành tặng viên quản ngục, dành tặng cho tấm lòng biệt nhỡn liên tài trong thiên hạ.

Viên quản ngục là người có số phận bi kịch. Ông vốn có tính cách dịu dàng, biết trọng những người ngay thẳng, nhưng lại phải sống trong tù – môi trường chỉ có tàn nhẫn, lừa lọc. Nhân cách cao đẹp của ông đối lập với hoàn cảnh sống tù đầy, bị giam hãm. Ông tự nhận thức về ki kịch của mình, bi kịch của sự lầm đường lạc lối, nhầm nghề. Nhưng dù vậy, trong quản ngục vẫn giữ được tâm hồn cao đẹp, tâm hồn của một người nghệ sĩ. Ông khao khát có được chữ của Huấn Cao để treo trong nhà, và nếu không xin được chữ ông Huấn quả là điều đáng tiếc. Nhưng xin được chữ của Huấn Cao là điều vô cùng khó khăn: bản thân ông là quản ngục, nếu có thái độ biệt nhỡn, hay xin chữ kẻ tử tù – Huấn Cao, chắc chắc sẽ gặp tai vạ. Hơn nữa Huấn Cao vốn “khoảnh” không phải ai cũng cho chữ.

Trong những ngày cuối cùng của ông Huấn, quản ngục có hành động bất thường, biệt nhỡn với người tử tù. Cũng như Huấn Cao, vẻ đẹp tâm hồn của quản ngục được thể hiện rõ nhất ở đoạn cho chữ. Ông trân trọng, ngưỡng mộ nên đã bất chấp tất cả để tổ chức một đêm xin chữ chưa từng có. Ba con người, ba nhân cách cao đẹp chụm lại chứng kiến những nét chữ dần dần hiện ra…, viên quản ngục khúm lúm cất từng đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ, với thái độ sùng kính, ngưỡng mộ cái đẹp. Trước những lời giảng giải của Huấn Cao, viên quản ngục chắp tay vái người tù một vái, “kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.

Tác phẩm đã sáng tạo tình huống truyện vô cùng độc đáo. Với nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc, mỗi nhân vật mang một vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp thiên lương, khí phách và trọng đãi người tài. Đồng thời tác phẩm cũng thành công khi Nguyễn Tuân đã gợi lên không khí cổ xưa nay chỉ còn vang bóng. Nhịp điệu câu văn chậm, thong thả, góp phần phục chế lại không khí cổ xưa của tác phẩm. Bút pháp đối lập tương phản vận dụng thành thục, tài hoa.

Qua truyện ngắn Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đã thể hiện niềm tin vào sự chiến thắng tất yếu của cái đẹp, cái thiên lương với cái xấu xa, tàn nhẫn. Đồng thời ông cũng thể hiện tấm lòng chân trọng những giá trị văn hóa truyền thống, qua đó kín đáo bộc lộ lòng yêu nước. Với nghệ thuật xây dựng tình huống đắc sặc, ngôn ngữ tài hoa đã góp phần tạo nên sự thành công cho tác phẩm.

Cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Tôi rất vinh hạnh nếu được nghe chia sẻ giới thiệu, đánh giá về nội dung, nghệ thuật của nhiều những tác phẩm truyện khác mà mọi người quan tâm. 

Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm truyện - Mẫu 8

Chiến tranh qua đi, để lại biết bao mất mát tổn thương. Đó không chỉ là những nỗi đau về vật chất mà còn là nỗi đau về tinh thần. Như vết cứa rất sâu vào trái tim của con người, đặc biệt là những người phụ nữ. Truyện ngắn Người ở bến sông Châu là một truyện ngắn như thế, thấm đượm giá trị nhân văn và tình yêu thương, ca ngợi con người mà đặc biệt là những người phụ nữ.

Câu truyện xoay quanh về nhân vật dì Mây. Cô gái trẻ trung xinh đẹp, tóc dì đen dài, óng mượt "Dì đẹp gái nhất làng, có khối trai làng ra bến sông ngó trộm dì mày tắm”. Trước khi đi xung phong dì có mối tình đẹp đẽ, trong trẻo với chú San. Nhưng phải chia tay nhau vì chú San đi học nghề ở nước ngoài. Còn dì thì xung phong làm cô y sĩ Trường Sơn. Hoàn cảnh trớ trêu đã đẩy chú dì vào cảnh người mỗi ngả chia li cách biệt. Có thể thấy chiến tranh, bom đạn thật tàn nhẫn khi đã đẩy họ vào hoàn cảnh tách biệt.

Khi từ chiến trường bom đạn chờ về. Dì Mây bị đạn phạt vào chân, phải đi tập tễnh, bằng chân giả. Tuy nhiên nỗi đau thể chất đó không thấm vào đâu khi ngày dì trở về cũng là ngày dì phải chứng kiến người đàn ông mình yêu thương, nghĩ tới nhiều nhất, người đàn ông mà dì viết tên hằng ngày vào cuốn nhật kí ở Trường Sơn đã đi lấy người phụ nữ khác. Thử hỏi làm sao dì có thể chịu đựng được cú sốc tinh thần dã man tới vậy, lòng người con gái giờ đây là sự hụt hẫng, bàng hoàng, trớ trêu và đầy tuyệt vọng. Nhưng trong hoàn cảnh tuyệt vọng đó ta vẫn thấy được sự kiên cường, mạnh mẽ của dì Mây. Thái độ của dì rất cương quyết, thể hiện sự bản lĩnh kiên cường của người phụ nữ. Dì nhất quyết không đồng ý trước lời đề nghị “Mây, chúng ta sẽ làm lại” của chú San. Trước sự thể đã rồi dì nhận phần thiệt thòi về mình, dì chỉ muốn một người đàn bà khổ. Có thể thấy dù đau đớn, tuyệt vọng nhưng dì vẫn nén vào trong, dì là đại diện cho phẩm chất kiên cường của những người phụ nữ bước ra từ chiến tranh và bom đạn

Ở dì Mây còn nổi bật lên phẩm chất tốt bụng, vị tha và bao dung. Khi dì Mây nghe tin cô Thanh vợ chú San khó sinh cô Thanh đẻ thiếu tháng lại tràng hoa quấn cổ dì đã ngay lập tức giúp đỡ không hề suy nghĩa, đắn đo điều gì. Mặc dù ở vào hoàn cảnh của dì việc làm đó chẳng hề dễ dàng, nhưng dì vẫn không chút e ngại, chần chừ, suy nghĩ gì mà lập tức tới giúp đỡ cô Thanh vượt qua cơn nguy hiểm, để mẹ tròn con vuông.

Có thể thấy dì Mây hiện lên với rất nhiều những phẩm chất cao thượng, tốt đẹp, dì đại diện cho những người con gái Việt Nam sẵn sàng hi sinh thầm lặng, đánh đổi cả thanh xuân tuổi trẻ và hạnh phúc của cá nhân mình vì những điều lớn lao khác.

Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm truyện - Mẫu 9

Truyền thuyết dân gian vốn là món ăn tinh thần vô cùng phong phú của dân tộc ta, được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Thuở ấu thơ ta lớn lên nhờ những câu chuyện kể của bà, của mẹ, lúc trưởng thành ta lại ru con ngủ bằng chính những câu chuyện hấp dẫn ấy. Có rất nhiều câu chuyện đã trở nên quen thuộc trong lòng mỗi người ví như Tấm Cám, Sọ Dừa, Sơn Tinh Thủy Tinh hay Thánh Gióng,... Tựu chung lại những truyền thuyết, những câu chuyện cổ ấy đều phản ánh chân thực khát khao của nhân dân ta về một cuộc sống tốt đẹp, lương thiện, về việc chế ngự thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm với một niềm tin tích cực. Sự tích Hồ Gươm cũng chính là một truyền thuyết như vậy. Bối cảnh của truyền thuyết diễn ra trong lúc giặc Minh đô hộ nước ta, tuy đã có nghĩa quân Lam Sơn dựng cờ khởi nghĩa chống giặc, nhưng buổi đầu thế lự còn non yếu, nên vẫn thường thua trận. Long Quân thấy nghĩa quân anh dũng, xả thân vì nước nên quyết định cho mượn gươm thần. Tuy nhiên, việc cho mượn gươm Long Quân cũng thiết kế một cách rất tinh tế, như là một thử thách cho Lê Lợi, bởi cái gì dễ có được người ta thường không trân trọng. Hơn thế nữa việc cho mượn gươm có phần thử thách ấy còn giúp Lê Lợi thu nạp được thêm một vị tướng tài là Lê Thận.

Lê Thận ban đầu vốn làm nghề đánh cá, có lẽ Long Quân đã thấy được khí chất anh hùng và tiềm năng của chàng trai miền biển này nên đã cố tình gửi gắm lưỡi gươm cho Lê Thận. Sau ba lần thả lưới ở ba khúc sông khác nhau mà vẫn vớt được cùng một lưỡi gươm kỳ lạ, đen thui, giống một thanh sắt không hơn không kém, Lê Thận đã quyết định đem về dựng ở xó nhà, vì linh cảm của một người thông minh thì gươm này ắt có điều bí ẩn, sau này có thể dùng được. Theo dòng chảy định mệnh, Lê Thận tham gia nghĩa quân Lam Sơn, trở thành phụ tá đắc lực, lập nhiều công lớn, chiến đấu anh dũng, thế nên có lần Lê Lợi đã ghé nhà Lê Thận chơi. Dương như đã nhận ra chủ tướng Lê Lợi, nên lưỡi gươm đen sì, vốn vẫn gác xó nhà lại sáng rực lên bất thường. Lê Lợi cầm lên xem thì thấy hai chữ "Thuận Thiên", như báo trước cuộc khởi nghĩa do Lê Lợi lãnh đạo là hợp ý trời, được trời cao ủng hộ. Tuy nhiên đến đây những con người trần mắt thịt vẫn chưa thể nào liên hệ đến sự thần kỳ của lưỡi gươm kỳ lạ ấy.

Chỉ đến một lần, nghĩa quân thất thế, Lê Lợi phải chạy một mình vào rừng tránh sự truy lùng của giặc, lúc này đây vô tình phát hiện ra ánh sáng kỳ lạ ở một ngọn cây trong rừng, Lê Lợi tò mò trèo lên xem thì phát hiện một chuôi gươm nạm ngọc cực đẹp. Là người nhanh nhạy Lê Lợi lập tức liên tưởng đến lưỡi gươm ở nhà Lê Thận, ông liền đem chuôi gươm ấy về. Qủa đúng như vậy, khi lắp lưỡi gươm vào chuôi gươm thì vừa in, sau nhiều lần thử thách cuối cùng chuôi và lưỡi gươm cũng tìm được nhau, ý trời đã phó thác cho Lê Lợi làm việc lớn. Ngoài ra sự tương hợp của chuôi và lưỡi gươm còn thể hiện một lời nhắc nhở rất hay của Long Quân, rằng muốn làm việc lớn trước hết cần sự đoàn kết, nếu chỉ có chuôi gươm đẹp đẽ thì cũng chẳng thể chém đầu tên địch nào, còn nếu chỉ có lưỡi gươm thì cũng chẳng thể dùng bởi thiếu mất chuôi. Hình ảnh chuôi gươm cũng đại diện cho vị chủ tướng là Lê Lợi người lãnh đạo nghĩa quân, lúc nào cũng phải sáng suốt và mạnh mẽ. Hình ảnh lưỡi gươm là đại diện cho quân đội của ta, tiêu biểu là những vị tướng dưới trướng như Lê Thận, người sẽ giúp Lê Lợi chém đầu từng tên giặc cướp nước. Như vậy sự vừa vặn của chuôi và lưỡi gươm chính là biểu hiện của sự phối hợp ăn ý giữa chủ tướng Lê Lợi và nghĩa quân dưới trướng, đó là sức mạnh tổng hòa làm nên chiến thắng của nhân dân ta.

Từ khi có sự trợ giúp của thanh gươm thần, nghĩa quân ta liên tục thắng trận, quân giặc bị đánh đuổi không còn một mảnh giáp, phải đầu hàng và rút quân về nước trong sự nhục nhã. Có được chiến thắng ấy, một phần là nhờ sự thần kỳ của gươm thần mà Long Quân cho mượn, đồng thời gươm ấy đã mang lại niềm tin và nhuệ khí cho nghĩa quân ta, giúp sức mạnh nghĩa quân tăng gấp bội.

Chuyện sau khi Lê lợi đã lên làm vua, trong một lần du thuyền trên hồ Tả Vọng (hồ Gươm bây giờ), thì có rùa Thần lên đòi gươm về cho Long Quân có nhiều ý nghĩa. Đầu tiên là lý lẽ có mượn có trả, Lê Lợi đã chiến thắng quân Minh, đất nước ta đã yên bình, thanh gươm cũng không còn phận sự gì nữa thì nên được trả về cho chủ cũ. Thứ hai là Long Quân muốn gửi gắm một điều rằng, sự trợ giúp của thần linh âu cũng chỉ là một phần nhỏ, còn nếu muốn vận nước hưng thịnh lâu dài thì phải dựa vào tài trị quốc của Lê Lợi, đừng nên ỷ vào việc có gươm thần mà lơ là cảnh giác, bài học của An Dương Vương vẫn còn sáng mãi cho đến tận bây giờ. Dù bất kỳ lý do nào, Long Quân đòi lại gươm cũng thật xác đáng. Câu chuyện trả Gươm cũng giải thích lý do hồ Tả Vọng còn có tên là hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm.

Sự tích Hồ Gươm không chỉ đặc sắc về nội dung mà còn rất phong phú về nghệ thuật Trong truyền thuyết này có hai câu chuyện vừa lồng ghép vừa tách bạch với nhau: câu chuyện mượn gươm và câu chuyện trở gươm. Chúng có nội dung riêng nhưng đồng thời bổ sung nghĩa cho nhau. Không chỉ vậy văn bản là sự kết hợp giữa yếu tố thực và yếu tố tưởng tượng, kì ảo một cách hài hòa, hợp lí. Với sự kết hợp hài hòa các yếu tố kì ảo và sự bền bỉ với các yếu tố lịch sử, Sự tích Hồ Gươm không chỉ giải thích, nguồn gốc ra đời của tên gọi Hồ Gươm. Mà qua câu chuyện này còn nhám ca ngơi, tôn vinh tính chất chính nghĩa, tính chất nhân dân của khởi nghĩa Lam Sơn Tên họ Hoàn Kiếm đồng thời cũng dùng để đánh dấu chiến thắng của dân tộc, thể hiện ước mơ, khát vọng hòa bình của nhân dân.

Truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm là một truyền thuyết có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện lòng tin và khát vọng mạnh mẽ của nhân dân ta về sức mạnh chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Bởi cuộc chiến của nhân dân ta là cuộc chiến vì chính nghĩa, có sự trợ giúp của thần linh, là thuận theo ý trời, những kẻ hung tàn bạo ngược ắt phải thất bại. Sự tích ấy còn là lời lý giải lý thú về những cái tên khác của hồ Gươm.

Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm truyện - Mẫu 10

Kính thưa cô giáo và các bạn, em tên là…..học sinh lớp………

Sau đây em xin trình bày bài nói của mình về đánh giá nội dung, nghệ thuật của một truyện kể Ếch ngồi đáy giếng. Mời cô và các bạn lắng nghe.

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, chắc hẳn chúng ta đều ấn tượng với chú ếch tự cao, tự đại, đi lại tự do và bị trâu giẫm bẹp. Đó chính là truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng. Đây được xem là một trong những tác phẩm truyện ngụ ngôn hay và đặc sắc về chủ đề cùng những hình thức nghệ thuật xuất sắc.

Truyện kể về con ếch sống lâu ngày trong một cái giếng, ở môi trường này, ếch ta to mồm kêu oạp oạp suốt ngày khiến các loại khác điếc tai, không ai muốn lại gần dây dưa. Ếch ta tưởng thế là hay ho, tưởng các loài cua cá, rắn…đều sợ mình nên đắc thắng và cho mình là bá chủ nơi này. Sống trong giếng không ra đến ngoài nên ếch chỉ nhìn thấy bầu trời bé bằng cái vung. Một hôm mưa lớn, nước mưa dâng cao khiến ếch ta bị tràn ra khỏi giếng. Vẫn giữ thói quen cũ, ếch ta đi lại ngang tàng và bị con trâu đi qua giẫm bẹp. Cốt truyện tuy rất đơn giản, ngắn gọn nhưng chất chứa trong đó những bài học về cuộc sống vô cùng sâu sắc và thấm thía.

Đọc Ếch ngồi đáy giếng ta có thể dễ dàng nhìn ra rằng giá trị của truyện trước hết thể hiện qua chủ đề và bài học cuộc sống mà nó gửi gắm. Hình ảnh con ếch đã được tác giả hình tượng hóa để đề cập đến thói huênh hoang, coi thường người khác. Qua câu truyện trên, nhân dân ta muốn ngụ ý phê phán thói xấu của con người trong xã hội xưa cũng như ngày nay. Đằng sau lên án là lời cảnh cáo đến toàn thể những ai đang mắc phải những thói xấu trên tự thay đổi chính mình, phải nhận định được bản thân đang ở vị trí nào, xuất phát điểm ra sao. Hãy nhớ rằng thế giới này bao la rộng lớn, mình chỉ là hạt cát bụi bé nhỏ mà thôi. Chủ đề của truyện mang tính chất khái quát bởi không chỉ đúng với một nhóm người nhất định mà đúng với tất cả mọi người.

Tạo nên thành công cho truyện không chỉ có chủ đề và bài học cuộc sống mà câu chuyện gửi gắm, đó còn là các hình thức nghệ thuật. Chính những hình thức nghệ thuật đặc sắc ấy đã giúp cho chủ đề và bài học trong truyện trở nên sâu sắc, thấm thía hơn và hấp dẫn độc giả hơn. Yếu tố nghệ thuật đầu tiên cần kể đến đó là nghệ thuật tạo tình huống. Tác giả dân gian khéo léo đặt con ếch trong hai môi trường khác nhau với cùng một tính cách và hướng tới kết quả mà con ếch phải chịu. Tình huống tuy khá đơn giản nhưng qua đó người đọc thấy rõ được bản chất của con ếch, tính cách, nhận thức không hề thay đổi khi môi trường thay đổi.

Không chỉ tạo dựng tình huống truyện mà tác giả dân gian còn xây dựng nhân vật giàu tính biểu trưng. Đây là một thủ pháp nghệ thuật khá quan trọng trong thể loại truyện ngụ ngôn. Mượn hình ảnh loài vật để nói về kiểu loại người luôn cho mình là giỏi, là nhất, coi trời bằng vung. Nhận thức con người luôn hạn chế, không bao giờ là đủ. Trong môi trường nhỏ hẹp ta không thể nhìn ra trông rộng, nhưng khi thay đổi môi trường, vượt ra khỏi môi trường sống cũ nhưng ếch ta vẫn ngạo mạn coi, cho mình là nhất. Những phân tích ở trên đây cho thấy Ếch ngồi đáy giếng là một truyện ngụ ngôn tiêu biểu trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Về chủ đề, truyện chính là lời cảnh tỉnh, phê phán đến những người có lối sống tự cao, tự mãn, tự cho mình là nhất. Về hình thức nghệ thuật, tác giả đã kết hợp hài hòa các yếu tố về tình huống truyện, ngôn ngữ, và xây dựng hình tượng nhân vật đặc trưng góp phần làm rõ chủ đề của truyện. Truyện nhắc nhở đối với mỗi người chúng ta cần khiêm tốn, có cái nhìn rộng, bao quát hơn để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Mỗi khi nhắc đến văn học dân gian là em lại nhớ đến hình ảnh chú ếch kêu oạp oạp khi ở giếng và hình ảnh chú khi bị trâu giẫm bẹp. Bản thân lại tự nhắc nhở phải khiêm tốn, phải kiềm chế cái tôi của mình và cố gắng học hỏi từ xung quanh để mở rộng vốn hiểu biết.

Trên đây là bài phát biểu của em về nội dung, nghệ thuật về truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng. Cảm ơn cô và cả lớp đã lắng nghe. Mình rất vui khi được nhận những nhận xét và góp ý từ mọi người.

Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm truyện - Mẫu 11

Xin chào các bạn, chào mừng các bạn đến với bài thuyết trình của nhóm 4. Trương Phi và Quan Công là hai trong số các nhân vật chính trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa nổi tiếng, về đức độ của hai nhân vật này, ở bài thơ Tức cảnh, Hồ Chí Minh đã ngợi ca: Thụ sao xảo họa Trương Phi tượng – Xích nhật trường minh Quan Vũ tâm (Cành lá khéo in hỉnh Dực Đức – vầng hồng sáng mãi dạ Quan Công). Nhưng tính cách của họ thế nào? Đoạn trích Hồi trống cổ Thành đã phần nào cho người đọc cảm nhận được những nét tính cách có phần đối lập của hai nhân vật này.

Nội dung của câu chuyện Hồi trống Cổ Thành được tóm tắt trong câu: “Chém Sái Dương anh em hoà giải; Hồi Cổ Thành tôi chúa đoàn viên”. Đoạn trích này đã thể hiện khá rõ những đặc sắc nghệ thuật trần thuật và nghệ thuật xây dựng nhân vật của Tam quốc diễn nghĩa. Những nét tính cách không thường nổi bật trong tác phẩm của hai nhân vật Quan Công và Trương Phi đã được thể hiện trong đoạn trích. Quan Công vốn rất tự phụ, ít khi nhún nhường ai, nhưng trong trường hợp đặc biệt này, trước cơn giận của Trương Phi, lại rất nhũn nhặn, mềm mỏng. Ở đây hiện lên một Quan Công oai hùng trong tư thế chém đầu tướng giặc nhưng cũng lại là một người anh chín chắn, đúng mực. Còn Trương Phi tính tình vốn xốc nổi, đơn giản nhưng mối nghi ngờ đã làm cho vị anh hùng này thận trọng hơn. Đó là những nét tính cách khác tạo nên sự đa chiều trong nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật của tác giả. Dù thế nào thì mỗi nhân vật của Tam quốc diễn nghĩa vẫn có một tính cách đặc trưng rất cá tính, không thể trộn lẫn vào đâu được. Đoạn trích này ca ngợi tài năng phi thường của Quan Công, lòng dạ thẳng ngay của Trương Phi và trên hết là lòng trung nghĩa sắt son của cả hai người.

Trương Phi nổi tiếng là người ngay thẳng, nóng nảy và trung thực. Nên mọi lí lẽ với Trương Phi đều không có sức thuyết phục. Người như Trương Phi không bao giờ chấp nhận và cũng khó có thể hiểu được những uẩn khúc trong việc Quan Công về ở với Tào Tháo. Vì thế khi nghe tin Quan Công đến Cổ Thành, Trương Phi đã phản ứng rất quyết liệt: “Phi nghe xong, chẳng nói chẳng rằng, lập tức mặc áo giáp, vác mâu lên ngựa…”. Nhìn thấy Quan Công thì không thèm nói một lời, “Trương Phi mắt trợn tròn xoe, râu hùm vểnh ngược, hò hét như sấm, múa xà mâu chạy lại đâm Quan Công”.

Không có lời bình luận, không miêu tả tâm lí nhân vật nhưng tính nóng nảy và sự tức giận của Trương Phi được thể hiện rất rõ qua hành động, nét mặt, lời nói. Phản ứng của Trương Phi thể hiện tính trung thực, yêu ghét rõ ràng. Lời thanh minh của Quan Công, lời giải thích của Cam phu nhân, Mi phu nhân đều chỉ như dầu đổ vào lửa. Trương Phi không thích nghe lí lẽ, chỉ tin vào những điều mắt trông thấy. Cơn giận đang ngùn ngụt lại trông thấy quân mã kéo tới. Cơn giận của Trương Phi được đẩy lên đỉnh điểm “múa bát xà mâu hăm hở xông lại đâm Quan Công”. Nhân vật của tiểu thuyết cổ điển tuy có tính cách rất rõ nét nhưng vẫn mang tính ước lệ của văn học trung đại. Vì vậy, hành động của nhân vật bao giờ cũng minh hoạ cho tính cách và tư tưởng giai cấp chứ không nhất thiết tuân theo lôgic tâm lí. Tình nghĩa anh em thuở hàn vi sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu ai đó bị nghi ngờ là phản bội. Chỉ có lí tưởng trung nghĩa là nguyên tắc ứng xử duy nhất. Và mọi mâu thuẫn chỉ được giải quyết trên cơ sở lợi ích cộng đồng.

Anh em Quan, Trương đoàn tụ khi đầu Sái Dương rơi xuống đất. Trương Phi thẳng tay đánh trống giục giã Quan Vũ và “rỏ nước mắt thụp lạy Vân Trường” khi nỗi nghi ngờ được giải toả. Việc Trương Phi buộc Quan Công phải chém đầu Sái Dương trong ba hồi trống thể hiện một thái độ dứt khoát và cương quyết, đây cũng là chi tiết đậm màu sắc Tam quốc nhất. Trương Phi biết rõ tài năng của Quan Công, Quan Công từng chém rơi đầu Hoa Hùng, một viên tướng giỏi và trở về doanh trại mà chén rượu vẫn còn nóng. Việc Quan Công chém được Sái Dương không phải là việc khó nhưng lại rất có ý nghĩa bởi đó là cách duy nhất để Quan Công minh oan. Sự minh oan cũng không mấy khó khăn nhưng nó thể hiện thái độ dứt khoát và trắng đen rõ ràng của Trương Phi. Tác giả đã tạo nên một tình huống rất đặc sắc để vừa ngợi ca tình cảm anh em gắn bó nghĩa tình của Lưu, Quan, Trương vừa bộc lộ rõ tính cách thẳng ngay của Trương Phi và đức độ của Quan Công.

Trương Phi và Quan Công là những tướng tài của nhà Thục, tiêu biểu cho nhà Thục. Lưu Bị và nhà Thục là nơi tác giả gửi gắm ước mơ của quần chúng nhân dân về một ông vua hiền, một triều đình chính nghĩa và nhân đạo.

Với lối kể chuyện dân gian, đơn giản hoá tình tiết trong sự đa dạng của sự kiện, Tam quốc diễn nghĩa đã đạt đến chuẩn mực của nghệ thuật kể chuyện. Tam quốc diễn nghĩa là tiểu thuyết cổ điển tiêu biểu ở cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Thành công của tác phẩm không chỉ bởi giá trị lớn của tác phẩm về quân sự, lịch sử và về đạo đức mà còn bởi thế giới nhân vật được xây dựng rất thành công. Những nhân vật tiêu biểu của Tam quốc diễn nghĩa đã trở nên rất quen thuộc đối với văn hoá và người đọc phương Đông. Không đi sâu khai thác tính cách bằng diễn biến tâm lí nhân vật như tiểu thuyết hiện đại mà xây dựng tính cách nhân vật bằng những hành động, cử chỉ có ý nghĩa khái quát, La Quán Trung vẫn xây dựng được một thế giới nhân vật đa dạng có khả năng bao quát và tái hiện sinh động một thời kì lịch sử dài gần một trăm năm với rất nhiều biến động. Qua đây tác giả đã gửi gắm những suy nghĩ và thể hiện cái nhìn của mình về xã hội Minh Thanh.

Chỉ với một đoạn trích Hồi trống cổ thành nhưng hai nhân vật Quan Công và Trương Phi đã nổi lên vẻ đẹp sáng ngời về lòng nhân nghĩa, sự trung thực và chân thành của tình anh em, tôi chúa. Là tiểu thuyết khai thác đề tài trận mạc nhưng Tam quốc đã để lại rất nhiều những câu chuyện giáo dục nghĩa tình, giáo dục lối sống, lối ứng xử theo tiêu chuẩn Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín của người quân tử phương Đông.

Đánh giá

0

0 đánh giá