Vì sao Điện Biên Phủ trở thành điểm quyết chiến chiến lược của thực dân Pháp trong chiến tranh Đông Dương

105

Với giải Câu hỏi trang 83 Bài 16 Lịch Sử 9 Chân trời sáng tạo chi tiết trong Bài 16: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi (1951 – 1954) giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập Lịch Sử 9. Mời các bạn đón xem:

Giải bài tập Lịch sử 9 Bài 16: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi (1951 – 1954)

Câu hỏi trang 83 Lịch Sử 9: Vì sao Điện Biên Phủ trở thành điểm quyết chiến chiến lược của thực dân Pháp trong chiến tranh Đông Dương?

Trả lời:

- Theo đánh giá của Pháp và Mĩ: thì Điện Biên Phủ “là một vị trí chiến lược quan trọng chẳng những đối với chiến trường Đông Dương mà còn đối với miền Đông Nam Á – một trục giao thông nối liền các miền biên giới Lào, Thái Lan, Myanma và Trung Quốc”. Đó là “một cái chìa khóa để bảo vệ Thượng Lào”, một “bàn xoay” có thể xoay đi bốn phía Việt Nam, Lào, Myanma, Trung Quốc. Từ Điện Biên Phủ, quân Pháp có thể bảo vệ được Lào, rồi từ đó đánh chiếm lại các vùng đã mất ở Tây Bắc trong những năm 1950 – 1953 và tạo điều kiện thuận lợi để tiêu diệt các sư đoàn chủ lực của Việt Nam tại đây. Mặt khác đây còn là một căn cứ không quân, lục quân lợi hại, phục vụ cho chính sách xâm lược của Mỹ ở Đông Nam Á.

+ Pháp và Mĩ cho rằng, khi mở cuộc chiến đấu tại Điện Biên Phủ, phía Việt Nam sẽ không thể khắc phục được hạn chế trong công tác hậu cần (vận chuyển thủ công lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược, thuốc men,… qua địa hình đèo cao, vực sâu hiểm trở của vùng Tây Bắc).

=> Với những tính toán như vậy, nên khi kế hoạch Na-va bước đầu bị phá sản, thực dân Pháp đã chọn Điện Biên Phủ để xây dựng tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương.

Lý thuyết Cuộc Tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954 và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954

♦ Kế hoạch Na-va của Pháp và Mỹ:

- Từ giữa năm 1953, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã triển khai Kế hoạch Na-va với hi vọng sẽ giành được thắng lợi quân sự quyết định trong vòng 18 tháng để “kết thúc chiến tranh trong danh dự".

- Điểm mấu chốt của kế hoạch là tập trung lực lượng cơ động chiến lược mạnh ở đồng bằng Bắc Bộ, lúc cao điểm lên đến 44 tiểu đoàn, nhằm giành lại sự chủ động chiến lược xoay chuyển tình thế trên chiến trường Đông Dương, thực hiện đòn tiến công mang tính quyết định khi có điều kiện.

♦ Cuộc Tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954

- Trước tình hình mới, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra Kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954. Phương hướng chiến lược là tấn công một số địa bàn có tầm quan trọng về chiến lược mà quân Pháp tương đối yếu, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai và buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó.

- Từ tháng 12/1953 - tháng 2/1954, quân chủ lực Việt Nam đã tấn công nhiều nơi, như: Lai Châu, Trung Lào, Thượng Lào, Tây Nguyên… Kết quả: Pháp buộc phải phân tán lực lượng thành năm nơi tập trung quân là: đồng bằng Bắc Bộ, Điện Biên Phủ, Xê-nô, Luông Pha-bang, Plây-ku.

=> Những thắng lợi của quân dân Việt Nam trong Đông-Xuân 1953-1954 đã bước đầu làm phá sản kế hoạch Na-va của Pháp và can thiệp Mỹ.

♦ Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954)

- Từ cuối năm 1953, thực dân Pháp được Mỹ giúp sức đã xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm kiên cố ở Đông Dương.

- Đầu tháng 12-1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến là “đánh nhanh, thắng nhanh”. Tuy nhiên, sau khi đánh giá tình hình lực lượng giữa hai bên, phương án tác chiến đã được chuyển sang ”đánh chắc, tiến chắc”. Công tác chuẩn bị cho chiến dịch được xúc tiến khẩn trương với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

- Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra từ ngày 13-3 đến ngày 7-5-1954 và chia làm ba đợt.

+ Đợt 1, từ ngày 13/3 đến 17/3/1954: quân dân Việt Nam tiến công tiêu diệt các căn cứ Him Lam và toàn bộ phân khu Bắc.

+ Đợt 2, từ ngày 30/3 đến 26/4/1954: quân dân Việt Nam tiến công các cứ điểm phía đông phân khu Trung tâm Mường Thanh.

+ Đợt 3, từ ngày 1/5 đến 7/5/1954: quân dân Việt Nam tiến công khu Trung tâm Mường Thanh và phân khu  Nam. 7/5/1954, toàn bộ Ban Tham mưu của Pháp phải đầu hàng.

=> Ý nghĩa: đập tan Kế hoạch Na-va, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh ở Đông Dương, tạo điều kiện cho cuộc đấu tranh ngoại giao giành thắng lợi. Chiến thắng này cũng là nguồn cổ vũ to lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Lý thuyết Lịch Sử 9 Chân trời sáng tạo Bài 16: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi (1951 – 1954)

Đánh giá

0

0 đánh giá