Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Thảo luận về vấn đề Nhà trường có nên ban hành nội quy về việc sử dụng mạng xã hội của học sinh, giúp các em có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức cho bài thi sắp tới. Mời các bạn đón xem:
Thảo luận về vấn đề Nhà trường có nên ban hành nội quy về việc sử dụng mạng xã hội của học sinh
Đề bài: Thảo luận nhóm về vấn đề gây tranh cãi: Nhà trường có nên ban hành nội quy về việc sử dụng mạng xã hội của học sinh?
Thảo luận về vấn đề Nhà trường có nên ban hành nội quy về việc sử dụng mạng xã hội của học sinh - mẫu 1
Để làm rõ vấn đề "nhà trường có nên ban hành nội quy về việc sử dụng mạng xã hội của học sinh?", thay mặt nhóm Dế Choắt, em xin được trình bày phần chuẩn bị của nhóm mình. Kính mong cô và các bạn cùng chú ý lắng nghe.
Cô và các bạn thân mến, sự phát triển của các loại thiết bị điện tử và di động thông minh kéo theo sự ra đời của các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tiktok, Zalo,... Tại đây, chúng ta có thể kết nối, trò chuyện với mọi người đến từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Không gian mạng đem đến cho mọi người sự tự do trong việc thể hiện cá tính bản thân cũng như bày tỏ quan điểm cá nhân về các vấn đề xung quanh. Chính vì thế, thế giới "ảo" đã trở thành một phần không thể thiếu ở cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, đứng trước những mặt tiêu cực do mạng xã hội đem lại, Chính phủ đã ban hành Luật an ninh mạng năm 2009 để chấn chỉnh hành vi của người dùng. Hiện nay, một số nhà trường cũng ban hành nội quy về việc sử dụng mạng xã hội của học sinh.
Qua sự nhìn nhận, đánh giá của nhóm, chúng mình không đồng tình với việc này bởi việc ban hành nội quy về sử dụng mạng xã hội của học sinh khiến các bạn cảm thấy không thoải mái do quyền riêng tư cá nhân bị xâm phạm. Ngoài ra, học sinh không thể tự do bày tỏ quan điểm cá nhân hay bản thân đối với các vấn đề mình quan tâm chỉ vì sợ thầy cô đánh giá, khiển trách, vô tình tạo ra tâm lý cảnh giác, chống đối. Đây không phải là biện pháp khả thi vì học sinh luôn tìm mọi cách để tránh khỏi tầm kiểm soát của thầy cô.
Thay vào đó, mỗi người nên tự ý thức được những mặt tiêu cực mà mạng xã hội đem lại cũng như phân bổ thời gian sử dụng Internet hợp lí. Các bạn học sinh cần chọn lọc những nguồn thông tin chính thống, tiếp thu tin tức, vấn đề một cách có chọn lọc, không để kẻ xấu lôi kéo, giật dây. Điều quan trọng nhất là phải sử dụng điện thoại và mạng xã hội đúng lúc, đúng chỗ, tránh gây xao lãng, ảnh hưởng đến việc học tập.
Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Em cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe!
Em chào cô và các bạn. Em là Ngọc Linh, nhóm trưởng của nhóm 2. Ngày hôm nay, em sẽ thay mặt nhóm trình bày quan điểm về vấn đề "Nhà trường có nên ban hành nội quy về việc sử dụng mạng xã hội của học sinh?".
Cô và các bạn thân mến, chúng ta đang sống trong thời đại khoa học công nghệ phát triển rực rỡ. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến rất nhiều thiết bị điện tử hiện đại, phục vụ đời sống con người như: smartphone, máy tính bảng, laptop,... Từ đây, các trang mạng xã hội ra đời và trở nên bùng nổ với lượng người tham gia đông đảo, đến từ các quốc gia, khu vực trên khắp thế giới. Học sinh cũng không nằm ngoài guồng xoay ấy, chúng ta sử dụng rất nhiều ứng dụng như Tiktok, Facebook, Zalo, Instagram,...Vậy, câu hỏi đặt ra là "Nhà trường có nên ban hành nội quy về việc sử dụng mạng xã hội của học sinh?"
Theo nhóm mình, việc ban hành nội quy về sử dụng mạng xã hội của học sinh là không phù hợp. Nếu nhà trường đưa ra các điều luật, quy định thì học sinh sẽ bị kiểm soát và trở nên gò bó. Họ không thể tự do bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân về các sự kiện, thông tin nào đó. Ngoài ra, thầy cô càng cấm đoán thì học sinh càng làm ngược lại để khẳng định cái tôi của bản thân. Một vài bạn có thể dùng nick ảo để like, bình luận, chia sẻ.
Nhóm mình còn nhận ra rằng việc ban hành nội quy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền riêng tư của học sinh. Để có thể quản lý và kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội, nhà trường và thầy cô cần học sinh cung cấp dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, một số bạn có xu hướng sống khép kín. Các bạn cảm thấy ái ngại khi nhiều người theo dõi, chú ý tới tài khoản cá nhân của mình.
Như vậy, việc ban hành nội quy không phải là biện pháp hữu hiệu. Có rất nhiều cách để học sinh lách luật và qua mặt thầy cô. Họ có thể lập các nick ảo, chặn các tài khoản để thoải mái like, bình luận hay chia sẻ. Chính bởi vậy, nhóm mình đưa ra một số giải pháp thay thế cho việc "ban hành nội quy về việc sử dụng mạng xã hội của học sinh". Đầu tiên, mỗi bạn học sinh cần tự biết phân bố thời gian "lướt" mạng xã hội một cách hợp lí. Chúng ta phải luôn ý thức về những phát ngôn của bản thân. Ngoài ra, chúng ta không nên bị phụ thuộc và chịu ảnh hưởng quá nhiều bởi mạng xã hội. Khi đón nhận các sự kiện được đăng tải hằng ngày, các cá nhân phải tỉnh táo, biết chọn lọc những thông tin hữu ích, tích cực để phục vụ cho cuộc sống của bản thân.
Trên đây là bài thuyết trình của nhóm em. Em rất mong sẽ nhận được ý kiến đóng góp, bổ sung của tất cả mọi người. Em xin cảm ơn.
Em chào cô và các bạn lớp 7B. Em là Ngọc Khánh. Hôm nay, em sẽ thay mặt cho nhóm 3 - nhóm Đệ nhất trình bày về vấn đề: "Nhà trường có nên ban hành nội quy về việc sử dụng mạng xã hội của học sinh?"
Mọi người chắc chắn đã được nghe và biết tới hai chữ "nội quy" đúng không nào? Vậy, theo các bạn, nội quy là gì? Và các bạn hiểu như thế nào là "nội quy về việc sử dụng mạng xã hội của học sinh"?
Theo nhóm mình, nội quy là hệ thống các quy định được đưa ra, có tính chất bắt buộc với mọi người cùng một tập thể, nhằm đảm bảo trật tự và kỉ luật trong tập thể đó. Tương tự như vậy, "nội quy về việc sử dụng mạng xã hội của học sinh" là những yêu cầu bắt buộc học sinh chấp hành khi tham gia các trang mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Zalo,...
Thông qua việc giải nghĩa trên, chắc hẳn mọi người cũng có thể tự trả lời vấn đề "Nhà trường có nên ban hành nội quy về việc sử dụng mạng xã hội của học sinh?". Với nhóm mình, sau khi đi đến thống nhất, chúng mình đồng tình với vấn đề trên.
Thứ nhất, nhóm mình thấy rằng việc ban hành nội quy về sử dụng mạng xã hội sẽ giúp xây dựng môi trường học đường và "không gian mạng" văn minh, lịch sự. Khi các quy định được đưa ra, học sinh phải nghiêm túc tuân thủ và chấp hành. Những hiện tượng như nói tục, chửi bậy trên mạng dần được hạn chế. Các bài viết sẽ được nhà trường, thầy cô kiểm duyệt chặt chẽ, tránh trường hợp thông tin đăng tải không hợp độ tuổi, không đúng sự thật, mang tính "giật gân" nhằm câu like, câu view.
Tiếp đến, nếu có quy định rõ ràng về việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok,... học sinh sẽ biết cách ứng xử đúng đắn: không vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, không tuyên truyền các nội dung xuyên tạc lịch sử,... Ngày nay, một vài bạn do thiếu hiểu biết nên bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo gây ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội, đất nước. Chính vì thế, để học sinh không "lầm đường lạc lối", nhà trường và thầy cô cần có nội quy đầy đủ, chi tiết về những việc không nên làm trên mạng xã hội.
Trên đây là bài thuyết trình của nhóm 3 về vấn đề "Nhà trường có nên ban hành nội quy về việc sử dụng mạng xã hội của học sinh?". Em rất mong nhận được ý kiến đóng góp của cô và các bạn. Em xin cảm ơn.
Xin chào cô và các bạn. Trong buổi học ngày hôm nay, em sẽ đại diện cho nhóm 1 trình bày suy nghĩ về vấn đề "Nhà trường có nên ban hành nội quy về việc sử dụng mạng xã hội của học sinh?". Mời cô cùng các bạn theo dõi.
Chúng ta thường bắt gặp từ "nội quy" ở khắp mọi nơi, từ trường lớp đến công viên, khu giải trí hay trên các phương tiện giao thông như xe bus, tàu hỏa,... Nhưng đã bao giờ các bạn nghe đến "nội quy về việc sử dụng mạng xã hội của học sinh" hay chưa? Đây là một vấn đề được rất nhiều người quan tâm và chú ý.
Theo như ý kiến của tất cả các thành viên trong nhóm, chúng mình không ủng hộ việc nhà trường ban hành nội quy về sử dụng mạng xã hội. Khi những quy định được đưa ra, học sinh cần phải cung cấp mọi thông tin để thầy cô dễ dàng nắm bắt và quản lí. Tuy nhiên, nhiều bạn ngại công khai, chia sẻ tâm tư, suy nghĩ của mình. Các bạn cảm thấy không thoải mái khi có quá nhiều ánh mắt theo dõi mình. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền riêng tư của các cá nhân.
Ngoài ra, việc ban hành nội quy còn làm hạn chế sự tự do khi sử dụng các trang mạng xã hội. Học sinh không thể thoải mái bày tỏ suy ngẫm, cảm nhận của bản thân. Để "lách luật", một số bạn dùng các nick ảo hoặc "chặn" thầy cô rồi chia sẻ ý kiến, quan điểm về một thông tin, sự kiện nào đó. Hệ lụy của sự việc này sẽ dẫn đến tình trạng "lừa thầy dối bạn". Hay đôi lúc, vì khoảng cách thế hệ nên thầy cô và học sinh không có cùng hệ tư tưởng, dễ dẫn đến hiểu lầm.
Bài thuyết trình của nhóm em đến đây là kết thúc. Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe. Em rất mong sẽ nhận được ý kiến đóng góp, bổ sung để bài của nhóm thêm hoàn thiện hơn ạ.
Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc tiếp cận với khoa học công nghệ và mạng xã hội chắc hẳn không còn xa lạ với mọi người, đặc biệt là các thể hệ học sinh. Chính vì thế, vấn đề “Nhà trường có nên ban hành nội quy về việc sử dụng mạng xã hội của học sinh” đang nhận được rất nhiều quan tâm. Để phục vụ cho quá trình học tập, các em học sinh sử dụng mạng xã hội với nhiều chức năng khác nhau. Ví dụ các em có thể dễ dàng tìm kiếm tài liệu để phục vụ cho môn học, tra cứu những câu hỏi, đáp án để tham khảo, hỗ trợ cho các em có một kết quả học tập cao. Bên cạnh đó, các em có thể liên hệ, trao đổi bài học với nhau thông qua mạng xã hội qua các ứng dụng như facebook, zalo, zoom,... Dựa trên thực tế đó, em đồng tình với vấn đề ban hành nội quy về việc sử dụng mạng xã hội của học sinh. Thứ nhất, việc xây dựng nội quy về sử dụng mạng xã hội giúp xây dựng môi trường mạng xã hội văn minh, giúp cho các em học sinh hình thành thói quen sử dụng mạng có ý thức, tra cứu kiến thức có khoa học chứ không lạm dụng quá nhiều kiến thức có sẵn dẫn đến việc ỷ lại, lười học. Thứ hai, giúp cho học sinh ứng xử có văn hóa, đúng mực khi sử dụng mạng xã hội,. Không tuyên truyền, xuyên tạc, ủng hộ những thông tin trái đạo đức, trái pháp luật, sử dụng mạng xã hội với những mục đích đúng đắn. Mạng xã hội luôn chất chứa nguy hiểm tiềm ẩn, nhà trường cần xây dựng nội quy đầy đủ để phòng tránh những rủi ro đáng tiếc khi học sinh sử dụng mạng xã hội.