Tailieumoi.vn giới thiệu giải Chuyên đề học tập Kinh tế Pháp luật lớp 12 Chuyên đề 1: Phát triển kinh tế và sự biến đổi văn hóa, xã hội sách Kết nối tri thức hay, chi tiết giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm Chuyên đề KTPL 12. Mời các bạn đón xem:
Giải Chuyên đề KTPL 12 Chuyên đề 1: Phát triển kinh tế và sự biến đổi văn hóa, xã hội
Mở đầu trang 5 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 12: Hội nhập để cùng phát triển, tiếp biển để phát triển trong hội nhập. Biển đổi văn hoá, xã hội thấm nhuần triết lí đó. Biến đổi văn hoá, xã hội ở Việt Nam hơn 20 năm qua là biến đổi cái gì? Chúng biến đổi như thế nào? Những nguyên nhân nào gây ra sự biến đổi đó?
Lời giải:
- Sự phát triển kinh tế đã đem lại nhiều biến đổi tích cực và tiêu cực đến đời sống văn hóa và xã hội của Việt Nam. Ví dụ như:
+ Tích cực: thúc đẩy sự giao lưu văn hóa giữa các quốc gia; giúp con người dễ dàng tiếp cận với kiến thức, nghệ thuật, văn hoá; nâng cao đời sống tinh thần của người dân…
+ Tiêu cực: làm mai một các giá trị văn hoá truyền thống ; xuất hiện những lệch lạc trong lối sống….
- Nguyên nhân của sự biến đổi ấy chủ yếu là do quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế, do quá trình hội nhập quốc tế.
1. Những biến đổi văn hoá do tác động của phát triển kinh tế
Câu hỏi 1 trang 8 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 12: Những thông tin trên phản ánh những biến đổi tích cực, tiêu cực nào của văn hóa dưới tác động của sự phát triển kinh tế? Em hãy kể thêm những biến đổi tích cực, tiêu cực khác của văn hóa do phát triển kinh tế mang lại.
Lời giải:
- Phát triển kinh tế tạo ra những biến đổi tích cực của văn hoá:
+ Nhờ sự phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã tạo ra cơ hội và điều kiện cho sự giao lưu văn hoá giữa các quốc gia, dân tộc được mở rộng, mang nền văn hoá đặc sắc của dân tộc này đến với các dân tộc khác; làm phong phú, đa dạng thêm cho nền văn hoá của vùng, miền và cùng hướng tới mục tiêu dân tộc và hiện đại.
+ Nhờ sự phát triển kinh tế, đời sống vật chất của người dân được nâng cao, dẫn tới những thay đổi đời sống văn hoá, tinh thần. Những đòi hỏi của nền kinh tế công nghiệp hiện đại dẫn đến sự thay đổi về các giá trị đạo đức, lối sống. Con người rèn luyện được tác phong công nghiệp, lối sống trách nhiệm, chủ động, năng động, sáng tạo, có ý thức kỉ luật, tự giác, nỗ lực vươn lên.
+ Sự phát triển khoa học công nghệ và truyền thông giúp con người dễ dàng tiếp cận với kiến thức, nghệ thuật, văn hoá. Nhờ đó, nhu cầu giải trí, giáo dục, sáng tạo nghệ thuật ngày càng thay đổi và nâng cao.
- Phát triển kinh tế còn dẫn đến những biến đổi tiêu cực của văn hoá:
+ Xu thế hội nhập và mở cửa đã làm xuất hiện tư tưởng sùng ngoại, chạy theo các giá trị tiêu cực trong văn hoá ngoại lai, sự mai một của các giá trị văn hoa truyền thống.
+ Kinh tế thị trường phát triển dẫn đến khoảng cách giàu - nghèo gia tăng, khiến cơ hội hưởng thụ, tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ văn hoá không đồng đều.
+ Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá dẫn đến sự suy giảm nghề thủ công truyền thống và mất đi giá trị văn hoá của các ngành nghề này.
Câu hỏi 2 trang 8 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 12: Theo em, nguyên nhân nào dẫn đến những biến đổi tích cực của văn hóa dưới tác động của phát triển kinh tế?
Lời giải:
- Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những biến đổi của văn hoá là do quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế, do quá trình hội nhập quốc tế.
2. Những biến đổi xã hội do tác động của sự phát triển kinh tế
Câu hỏi 1 trang 11 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 12: Những thông tin trên phản ánh những biến đổi tích cực, tiêu cực nào của xã hội dưới tác động của sự phát triển kinh tế? Em hãy kể thêm những biến đổi tích cực, tiêu cực khác của xã hội do phát triển kinh tế mang lại.
Lời giải:
♦ Những thông tin trên phản ánh những biến đổi tích cực, tiêu cực của xã hội dưới tác động của sự phát triển kinh tế. Cụ thể là:
- Kinh tế thị trường phát triển cùng với quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới đã tạo ra nhiều biến đổi tích cực về xã hội:
+ Phát triển kinh tế tạo ra cơ hội về việc làm, gia tăng thu nhập cho người dân, giúp cải
thiện mức sống, giảm bớt đói nghèo trong xã hội.
+ Phát triển kinh tế luôn gắn liền với đảm bảo tiến bộ xã hội, cung cấp những điều kiện vật chất để xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông, viễn thông, các dịch vụ y tế, giáo dục, ... ) góp phần tăng khả năng tiếp cận các thông tin, giảm khoảng cách giữa các khu vực, nâng cao chất lượng cuộc sống.
- Phát triển kinh tế còn gây ra những biến đổi tiêu cực của xã hội:
+ Mặt trái của kinh tế thị trường là gây ra sự phân hoá giàu - nghèo.
+ Sự tăng trưởng kinh tế thường đi kèm với hiện tượng đô thị hoá nhanh, khiến các thành phố trở nên quá tải về cơ sở hạ tầng, dịch vụ và nhà ở; trong khi nông thôn mất đi nguồn nhân lực và tài nguyên, gây ra mất cân bằng đô thị - nông thôn.
+ Phát triển kinh tế thường đi liền với việc gây ô nhiễm môi trường, khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, suy thoái hệ sinh thái tự nhiên, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
+ Kinh tế thị trường làm tăng áp lực về cạnh tranh, căng thẳng xã hội, làm nảy sinh các vấn đề về an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Câu hỏi 2 trang 11 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 12: Theo em, nguyên nhân nào dẫn đến những biến đổi tích cực, tiêu cực của xã hội dưới tác động của phát triển kinh tế?
Lời giải:
- Nguyên nhân chủ yếu của những biến đổi xã hội là do:
+ Quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế;
+ Tác động của cơ chế thị trường;
+ Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam (công tác quản lí của Nhà nước, vấn đề giải quyết hài hoà giữa mục tiêu phát triển kinh tế với tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường; nhận thức của cộng đồng về tác động của sự phát triển kinh tế đối với môi trường và xã hội;...).
3. Một số giải pháp hạn chế, khắc phục tác động tiêu cực của sự phát triển kinh tế đến những biến đổi văn hoá, xã hội
Câu hỏi 1 trang 13 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 12: Các thông tin trên đã đề cập đến những giải pháp nào để phát huy tác động tích cực, hạn chế những tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đối với những biến đổi văn hoá, xã hội?
Lời giải:
Các thông tin trên đã đề cập đến những giải pháp:
- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững:
+ Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, vùng ven biển và hải đảo.
+ Đa dạng hoá sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo.
+ Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng.
+ Phát triển giáo dục nghề, việc làm bền vững.
+ Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, ...
- Thực hiện Chiến lược phát triển văn hoá:
+ Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển văn hoá.
+ Hoàn thiện thể chế, chính sách, khung khổ pháp lí.
+ Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.
+ Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế.
+ Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hoá.
+ Bảo vệ và phát huy di sản văn hoá dân tộc.
+ Chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hoá, ...
- Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội:
+ Phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam.
+ Khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội.
+ Xây dựng môi trường và đời sống văn hoá phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, hội nhập quốc tế, đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo pháp luật.
Câu hỏi 2 trang 13 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 12: Hãy đánh giá tác động của những biện pháp, chính sách đó đối với việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến kinh tế, văn hoá, xã hội trong thực tế.
Lời giải:
Tác động của những biện pháp, chính sách đó đối với việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến kinh tế, văn hoá, xã hội trong thực tế:
- Về kinh tế:
+ Tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững;
+ Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, gắn sản xuất với thị trường;
+ Mở rộng quan hệ thương mại quốc tế tới nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ;
+ Cải thiện cán cân thương mại, thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài.
- Về văn hoá, xã hội:
+ Cải thiện tiến bộ và công bằng xã hội, đời sống của đại bộ phận dân cư được nâng lên rõ rệt;
+ Phát triển khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động;
+ Phát huy sức mạnh giá trị văn hoá, con người Việt Nam trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Câu hỏi 3 trang 13 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 12: Em hãy sưu tầm bài báo, hình ảnh, số liệu, video,... về tác động tích cực tiêu cực của phát triển kinh tế đến văn hoá, xã hội ở địa phương mình. Từ đó đề xuất giải pháp để hạn chế, khắc phục tác động tiêu cực.
Lời giải:
- Để hạn chế và khắc phục các tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đối với biến đổi văn hoá, xã hội cần thực hiện một số biện pháp và chính sách sau:
+ Đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục – thể thao và du lịch.
+ Đấu tranh loại trừ các sản phẩm văn hoá độc hại, có nội dung trái thuần phong mĩ tục của dân tộc; phản bác các quan điểm sai trái, phản nhân văn trong lĩnh vực văn hoá, văn học, nghệ thuật.
+ Tiếp tục thực hiện Chiến lược quốc gia về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
+ Khuyến khích mọi người dân làm giàu theo pháp luật, thực hiện có hiệu quả mục tiêu xoá đói, giảm nghèo.
+ Chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo.
+ Bảo đảm cung ứng dịch vụ công thiết yếu, bình đẳng cho mọi người, tạo việc làm và thu nhập, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.
+ Thực hiện tốt và có hiệu quả hơn nữa các chính sách xã hội như xoá đói giảm nghèo, lao động, việc làm, phát triển hệ thống y tế.
Câu hỏi 4 trang 13 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 12: Em hãy chia sẻ với các bạn trong nhóm về một số biện pháp và chính sách đang áp dụng trong thực tế nhằm giải quyết các vấn đề có liên quan đến kinh tế, văn hoá, xã hội.
Lời giải:
(*) Tham khảo: Trong gần 20 năm đổi mới, nhờ thực hiện cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn nước ta, công cuộc xóa đói, giảm nghèo đã đạt được thành tựu đáng kể, có ý nghĩa to lớn cả về kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh - quốc phòng, phát huy được bản chất tốt đẹp của dân tộc ta và góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh trong khoảng thời gian 5 năm từ 17,2% năm 2001 với 2,8 triệu hộ, xuống còn 8,3% năm 2004 với 1,44 triệu hộ, bình quân mỗi năm giảm 34 vạn hộ, đến cuối năm 2005 còn khoảng dưới 7% với 1,1 triệu hộ. "Những thành tựu giảm nghèo của Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công nhất trong phát triển kinh tế".
4. Thực hành
Bài tập thực hành trang 13 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 12: Nghiên cứu về tác động tích cực hoặc tiêu cực triển kinh tế đến văn hoá, xã hội ở địa phương mình sinh sống; giải pháp hạn chế, khắc phục tác động tiêu cực.
Gợi ý cách trình bày nội dung báo cáo
- Giới thiệu kết quả về ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế đến biến đổi về văn hoá, xã hội.
- Những biến đổi tích cực/tiêu cực của phát triển kinh tế đến văn hoá, xã hội. Chủ trương, chính sách.
- Giải pháp.
- Kết quả.
Lời giải:
(*) Tham khảo: Chuyển biến văn hóa – xã hội của Hà Nội trong bối cảnh hội nhập hiện nay
► Những chuyển biến rõ nét
Từ năm 2008, khi thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội, địa giới hành chính Hà Nội được mở rộng, những vấn đề văn hóa, xã hội, con người của Hà Nội có sự điều chỉnh, bổ sung về chính sách, chủ trương, kế hoạch, kinh phí, tổ chức lại hệ thống quản lý văn hóa trên địa bàn. Những thành tựu về xây dựng gia đình văn hóa, bảo tồn di sản, xây dựng làng nghề, phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh của Hà Tây cũ được Hà Nội tiếp nhận, phát triển trong những điều kiện mới. Những vấn đề về văn hóa dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc ít người trở thành những vấn đề mới, lĩnh vực mới của văn hóa Hà Nội. Văn hóa đô thị và những bài học về quản lý văn hóa, hoạt động nghệ thuật, xây dựng công dân Thủ đô thanh lịch, văn minh, xây dựng nông thôn mới,... trở thành nhiệm vụ chung của thành phố.
Có thể nói, sau khi địa giới hành chính Hà Nội được mở rộng, nhiều vấn đề của văn hóa và con người Thủ đô được xem xét từ nhiều góc độ, trong đó mục đích đầu tiên là xóa nhòa những khoảng cách về hưởng thụ văn hóa của hai địa bàn, từ đô thị đến làng xã, khai thác những thế mạnh của văn hóa Thủ đô để xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm văn hóa lớn, đầu tàu của cả nước. Điều dễ nhận thấy là trong hơn 10 năm, tốc độ đô thị hóa, xây dựng của Hà Nội phát triển một cách chóng mặt, đời sống của người dân được đổi thay theo hướng tích cực. Quá trình đô thị hóa không chỉ làm thay đổi phương thức, hình thức cư trú, thay đổi các phương thức sản xuất, tiến hành các hoạt động kinh tế mà còn là sự thay đổi lớn trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và cá nhân. Đối với người dân, kinh tế gia đình phát triển, điều kiện hưởng thụ và chăm lo cuộc sống gia đình và bản thân tốt hơn, mức sống và sinh hoạt văn hóa được nâng lên.
Thành phố tập trung xây dựng các mô hình làng văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa; tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử địa phương; nếp sống thanh lịch, văn minh. Việc ban hành, thực hiện hai Quy tắc ứng xử nơi công sở và nơi công cộng được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, góp phần bồi đắp nền tảng văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Thành phố còn đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa, thực hiện đồng bộ các giải pháp: Xây dựng cơ chế, chính sách, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố, các cơ quan, đơn vị, các Đại sứ quán tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá văn hóa, đất nước, con người, du lịch tại Thủ đô Hà Nội. Các hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. Thời gian qua, có gần 400 sự kiện văn hóa nghệ thuật, du lịch tổ chức trên phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, trong đó có 65 sự kiện quốc tế và 21 sự kiện của các tỉnh, thành phố trong nước. Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch nổi bật được đưa vào phục vụ nhân dân, du khách. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá, phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với hoạt động xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế được đẩy mạnh. Tăng cường tổ chức Ngày văn hóa Hà Nội tại các tỉnh, thành phố trong cả nước và các thành phố trên thế giới, tổ chức hoạt động văn hóa, giao lưu quốc tế. Tham gia các liên hoan, lễ hội nghệ thuật quốc tế, tổ chức thành công chương trình biểu diễn giới thiệu một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam (hát chèo, ca trù, hát văn và trình diễn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt) tại 3 thành phố của Ấn Độ là New Delhi, Guwahati và Kolkata… Xây dựng và triển khai các nội dung hợp tác với nhiều thành phố, quốc gia khác trên thế giới, trong đó có hợp tác về văn hóa.
Đặc biệt, thế giới và cả nước đã ghi nhận những nỗ lực của Thủ đô về phát triển văn hóa. Với việc tham gia “Mạng lưới các thành phố sáng tạo” của UNESCO, sở hữu những giá trị văn hóa đặc sắc của làng nghề truyền thống, giá trị văn hóa ẩm thực độc đáo, Hà Nội coi hội nhập là động lực của sự phát triển bền vững. Là thành viên của “Mạng lưới các thành phố sáng tạo”, Hà Nội có cơ hội làm nổi bật đặc trưng văn hóa của Thủ đô đối với thế giới, đồng thời, xây dựng chiến lược văn hóa toàn diện, tổng thể, đổi mới tư duy về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội, vừa giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, vừa tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại.
► Giải pháp và mục tiêu phát triển văn hóa – xã hội thời gian tới
Trong sự nghiệp xây dựng, phát triển, Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc phát triển văn hóa là nội dung trọng tâm, xuyên suốt, vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản và lâu dài; văn hóa trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa… Thành phố ban hành và đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình phát triển, trong đó có Chương trình số 04-CTr/TU về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Thời gian tới, để Hà Nội phát triển hơn về mọi mặt, nhất là về văn hóa, xứng tầm của một thành phố hàng triệu dân, còn rất nhiều việc phải làm.
Mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025 được đề ra tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, đó là: Giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Quản trị xã hội hiệu quả, bảo đảm an sinh, tiến bộ, công bằng xã hội; không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực đô thị và nông thôn. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô. Tập trung xây dựng, phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, đậm đà bản sắc, anh hùng, vì hòa bình, hữu nghị gắn với tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển; coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô.
Theo đó, cần kiên trì phát triển, phát huy giá trị văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tinh thần đổi mới, sáng tạo ở các cấp (nhất là người đứng đầu), các ngành và cộng đồng dân cư trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển sự nghiệp văn hóa. Có cơ chế, chính sách và nguồn lực đầu tư thích đáng phát triển văn hóa để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh, một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế. Quan tâm phát triển văn hóa ở vùng nông thôn, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, các khu công nghiệp, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các khu vực dân cư và giai tầng xã hội. Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo, tín ngưỡng và giữ gìn, nâng cao đạo đức truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội.
Chủ động và sáng tạo trong hội nhập quốc tế về văn hóa, tích cực đưa Hà Nội trở thành địa điểm hấp dẫn về giao lưu hợp tác, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao trong nước và quốc tế. Tăng cường tổ chức các sự kiện và xây dựng các sản phẩm văn hóa mang tầm quốc tế. Quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch gắn với thiết kế sáng tạo, quản lý, khai thác hiệu quả các không gian văn hóa công cộng, cảnh quan, di tích; khuyến khích phát triển các không gian văn hóa sáng tạo trong cộng đồng; gắn phát triển công nghiệp văn hóa với kinh tế du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa bền vững, có giá trị kinh tế cao.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin truyền thông, báo chí về truyền thống thanh lịch, văn minh; khả năng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại tạo nên những giá trị văn hóa mới của người Hà Nội; kịp thời biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt, tạo sự lan tỏa trong xã hội; xử lý, ngăn chặn hiệu quả những hiện tượng, hành vi xuống cấp về đạo đức, lối sống; đẩy lùi tiêu cực và các tệ nạn xã hội.
Xem thêm các bài giải Chuyên đề học tập Kinh tế Pháp luật 12 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Chuyên đề 1: Phát triển kinh tế và sự biến đổi văn hóa, xã hội
Chuyên đề 2: Một số vấn đề về luật doanh nghiệp
Chuyên đề 3: Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế