Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết (trong đời sống xã hội) | Kết nối tri thức Ngữ văn lớp 9

129

Tài liệu soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết (trong đời sống xã hội) Ngữ văn lớp 9 Kết nối tri thức hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 9. Mời các bạn đón xem:

Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết (trong đời sống xã hội)

Trong thực tế, nhiều khi chúng ta phải đối mặt với những vấn để của đời sống xã hội. Việc quan tâm, bàn luận về những vấn đề như vậy là hết sức cần thiết, không chỉ có ý nghĩa đối với mỗi cá nhân, mà còn có khả năng tác động đến nhận thức của nhiều người. Từ đó, mọi người có thể chung tay hành động, góp phần giải quyết vấn để bằng những việc làm thiết thực, phù hợp với khả năng của mình.

* Yêu cầu:

• Nêu được vấn đề cần giải quyết trong đời sống xã hội (liên quan đến sự phát triển đất nước, đời sống của cộng đồng, quyền lợi và nghĩa vụ của cá nhân,...) để bàn luận.

• Trình bày được bản chất, phạm vi tác động của vấn đề đối với đời sống xã hội (theo hướng tích cực hoặc tiêu cực); tổ chức được hệ thống luận điểm chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, bằng chứng xác thực và tiêu biểu.

• Nêu được ý kiến trái chiều về vấn đề được bàn luận để phản bác một cách có cơ sở.

• Đề xuất được các giải pháp khả thi để giải quyết những bất cập trong phạm vi vấn đề.

* Phân tích ngữ liệu tham khảo

Văn bản: Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của đất nước (trang 79-81 sgk sgk Ngữ văn 9 Tập 2)

* Thực hành viết theo các bước

1. Trước khi viết

a. Lựa chọn đề tài

Muốn chọn được đề tài phù hợp để viết bài, em cần chú ý phạm vi nội dung mà phần Viết giới hạn (vấn đề cần giải quyết trong đời sống xã hội). Em chú ý thu thập tư liệu từ các nguồn khác nhau (sách báo, các phương tiện truyền thông,...) làm cơ sở cho việc tìm đề tài.

Có thể tham khảo một số vấn đề sau:

- Bảo vệ, khôi phục rừng và trồng cây phủ xanh đổi trọc.

- Công cuộc chuyển đổi số và vai trò của mỗi người.

- Giữ gìn nguồn nước cho hôm nay và mai sau.

- Văn hóa giao thông và trách nhiệm của mỗi người.

- Vai trò của thực phẩm sạch trong cuộc sống hằng ngày.

b. Tìm ý

Khi đã xác định được đề tài bài viết, cần tiến hành việc tìm ý. Phải tìm hiểu kĩ vấn đề để nắm được bản chất và các khía cạnh của nó. Từ kinh nghiệm viết bài nghị luận khi thực hiện ở phần Viết của bài 1. Thế giới kì ảo và bài 3. Hồn nước nằm trong tiếng mẹ cha, em có thể đặt ra các câu hỏi để tìm ý theo cách tương tự, chẳng hạn:

- Vấn đề cần được giải quyết là gì? Phần Mở bài của bài viết tham khảo nêu vấn đề di sản văn hóa và trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo tồn các di sản.

- Ý kiến của em về vấn đề như thế nào? Trong bài viết tham khảo, người viết trình bày quan điểm của mình về sự quý giá của di sản văn hóa, khẳng định tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy những di sản văn hóa truyền thống đối với quốc gia và nhân loại. Người viết cũng báo động và phân tích tình trạng xuống cấp, hư hại, mất mát của di sản văn hóá do nhiều nguyên nhân khác nhau.

- Có thể xuất hiện ý kiến nào trái ngược với quan iểm của người viết? Cần dùng những lí lẽ, bằng chứng nào để phản bác? Có thể có nhiều góc nhìn khác nhau về vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, vì vậy, ý kiến trái chiều khá đa dạng. Bài viết đã nêu và phản bác ý kiến cho rằng di sản văn hoa cần được tôn tạo, làm mới theo hướng “hiện đại hóa”, “vĩnh cửu hoá”.

- Cần có giải pháp nào để giải quyết vấn đề? Bài viết tham khảo nêu một số giải pháp cần thực hiện để giữ gìn và phát huy giá trị của các di sản văn hoa; đề cao trách nhiệm của mỗi người khi tham gia giải quyết vấn đề; liên hệ với bản thân (ở phần Kết bài).

c. Lập dàn ý

Các ý đã tìm được chỉ mới tồn tại dưới dạng liệt kê. Em cần lập dàn ý bằng cách sắp xếp những ý đó vào các phần theo trật tự hợp lí.

Dàn ý

- Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần giải quyết trong đời sống xã hội, nêu sự cần thiết phải bàn luận về vấn đề.

- Thân bài:

+ Trình bày ý kiến của bản thân về vấn đề, triển khai thành hệ thống luận điểm.

• Luận điểm 1: Bản chất của vấn đề đời sống được bàn luận, biểu hiện của vấn đề trong thực tế xã hội (dùng lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ).

• Luận điểm 2: Sự tác động của vấn đề đối với cá nhân, cộng đồng, đất nước theo hướng tích cực hoặc tiêu cực (dùng lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ).

• Luận điểm 3: Trách nhiệm của mỗi người trước vấn đề (dùng lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ).

+ Nêu ý kiến trái chiều về vấn đề để phản bác.

+ Đề xuất giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề đời sống được bàn luận.

- Kết bài: Khẳng định tầm quan trọng của việc nhận thức đúng đắn và giải quyết thoả đáng vấn đề nêu ra.

2. Viết bài

Khi viết bài, em cần chú ý:

- Bám sát yêu cầu của kiểu bài và dàn ý đã lập để triển khai các phần của bài viết.

- Rút kinh nghiệm từ việc viết bài văn nghị luận xã hội (ở các bài trước), từ việc đọc văn bản nghị luận ở bài học này cũng như qua tìm hiểu bài viết tham khảo, em cần vận dụng linh hoạt kĩ thuật viết các phần của bài văn.

- Có thể mở bài bằng lối trực tiếp (giới thiệu nhanh vấn đề nghị luận) hoặc gián tiếp (dùng một mẩu chuyện, một thông tin, một câu nói nối tiếng hoặc nêu ý tương phản,... để dẫn đến vấn đề bàn luận).

- Khi triển khai các luận điểm của phần Thân bài, cần đặc biệt chú ý việc sử dụng lí lẽ và bằng chứng để tăng sức thuyết phục của bài văn nghị luận (quan sát cách trình bày lí lẽ và nêu bằng chứng ở các văn bản đọc và bài viết tham khảo để học tập cách viết).

- Kết bài nên liên hệ tới trách nhiệm của mỗi người trong việc giải quyết vấn đề. “Hơn bảy mươi phần trăm cơ thể bạn là nước” - đó không còn là lời quảng cáo cho một hãng nước khoáng nào nữa, giờ đây nó trở thành lời cảnh báo cho con người về tầm quan trọng của nước sạch đối với đời sống. Đặc biệt trong thực tế, nguồn nước sạch ngày càng vơi cạn như hiện nay.

* Bài viết tham khảo:

Nhắc đến nước sạch, ta nhắc đến những nguồn nước ngầm được đưa lên mặt đất (nước máy, nước giếng), hay nước mưa...Những nguồn nước này được sử dụng cho sinh hoạt của con người: Ăn uống, tắm giặt..., cho sản xuất mà không gây hại cho sức khỏe.

Con người có thể nhịn ăn cả tuần nhưng khó có thể nhịn uống một vài ngày. Nhận định lấy phần nào thể hiện được vai trò của nước sạch đối với đời sống. Không chỉ vậy, nhắc đến nước sạch, ta còn nhắc đến một phần tất yếu không thể thiếu trong nhiều mặt của cuộc sống.

Nước sạch dùng cho sinh hoạt hàng ngày, nước để uống, nước để rửa thực phẩm, chế biến thực phẩm, nước để tắm rửa, để lau dọn... Cơ thể người có đến hơn 70% là nước. Như vậy, nước chiếm một vai trò rất lớn đối với sự sống con người: Nước chiếm một lượng lớn trong tế bào, nước vận chuyển, đưa máu đi khắp cơ thể, nước thanh lọc thận... Không có nước sạch, rau củ quả, thịt cá cũng không được rửa sạch, khi đó con người cũng không được dùng chúng một cách ngon lành. Không có nước sạch, thực phẩm rất khó được chế biến, lúc đó biết đâu ta sẽ phải ăn sống hoặc ăn toàn đồ cháy? Có ai đó nói rằng: Nước là thứ duy nhất trên cõi đời này trong sạch. Nước trong sạch trước hết bởi chính bản thân chúng trong sạch và còn bởi nước làm trong sạch nhiều thứ. Nước để giặt giũ, nước để lau dọn, để thanh lọc...Hãy thử tưởng tượng, nước bao trùm lên mọi thứ vì lí do này hay vì lí do khác kể cả con người, khi ấy nếu nước vẫn bẩn thì mọi thứ cũng theo đó mà ô nhiễm, tanh hôi...

Nước sạch còn là yếu tố không thể thiếu để sản xuất. Nước để tưới tiêu cho nông nghiệp. Nước để giảm nhiệt máy cho công nghiệp nặng, nước để làm sạch nguyên liệu cho công nghiệp nhẹ...Nước sạch là một tài nguyên không thể thiếu cho sự duy trì và phát triển kinh tế.

Vai trò của nước to lớn là vậy nhưng tiếc thay, nước sạch lại không phải là tài nguyên vô tận. Càng đáng tiếc hơn là khi con người không bảo vệ được nước sạch vì thế mà nguồn nước sạch đang dần dần vơi cạn.

Thực tế cho thấy các mạch nước ngầm đang giảm dần. Để có được nước sạch, giếng phải đào sâu hơn vào lòng đất, có nơi sâu đến vài chục mét mà vẫn vô vọng. Lưu lượng các con sông cũng giảm dần. Ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây, sông Hồng, sông Đuống...hay rơi vào tình trạng "sông cạn", mực nước xuống thấp dưới mức báo động làm tàu thuyền không thể lưu thông...Đó là chưa nói đến tình trạng nước sạch bị ô nhiễm, váy bẩn. Rác thải sinh hoạt khiến những dòng sông đổi màu nhanh chóng. Chất độc hoá học làm ô nhiễm mạch nước ngầm. Đó là chưa nhắc đến tình trạng lãng phí nước sạch ở nhiều gia đình, nhiều cá nhân. Bởi sự phụ thuộc của sự sống con người, của sản xuất đối với nước sạch, khi nước sạch dần vơi cạn, đời sống con người cũng phải lên tiếng kêu cứu. Đâu cứ phải châu Phi nóng bức, sa mạc trải dài mới thiếu nước sạch. Ngay giữa lòng thành phố của nhiều quốc gia tình trạng thiếu nước cũng vẫn là vấn đề căng thẳng, nhức nhối. Hà Nội là một ví dụ sinh động, tiêu biểu cho điều đó. Những con sông ô nhiễm nặng nề như một mầm bệnh nguy hiểm nằm im chờ dịp bùng phát bệnh tật. Những làng "ung thư", làng "u bệnh" xuất hiện trong vài năm trở lại đây là hậu quả của những mạch nước ngầm bị nhiễm độc. Rồi mùa màng bị tàn phá, kim loại bị ăn mòn...đó là hậu quả của những cơn mưa axit độc hại...

Nước sạch đang dần vơi cạn, thực tế đó như một hiểm họa đe dọa sự sống toàn nhân loại. Trái đất tự ép mình, co rúm. méo mó, ép hoài, ép hoài mới cho ra vài giọt nước hiếm hoi mỏng manh...Vài giọt ấy sao có thể ban phát sự sống cho mấy tỷ con người vẫn đang tiếp tục gia tăng?

Con người phải hành động để giữ gìn, bảo vệ nước sạch và cũng là bảo vệ chính con người. Tiết kiệm nguồn nước sạch hiện có là biện pháp trước mắt. Nhưng về lâu dài, chúng ta phải biết giữ vệ sinh; rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp phải được thu gom xử lí. Bên cạnh đó bảo vệ rừng cũng là cách để thanh lọc nguồn nước bị ô nhiễm, từ đó cải hoá nước mưa axit, các nguồn nước bị ô nhiễm.

Bên cạnh nước sạch, không khí, rừng... cũng là những tài nguyên vô giá thiên nhiên ban tặng cho sự sống. Song, trước thực tế đang ngày càng vơi cạn, dần bị ô nhiễm của các loại tài nguyên, con người cần gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh lẫn nhau để cùng bảo vệ sự sống.

3. Chỉnh sửa bài viết

- Đọc bài viết thật kĩ, đặt câu hỏi để tự kiểm tra lại từng phần, từng khía cạnh và thao tác được sử dụng:

+ Vấn đề bàn luận có được nêu rõ ràng không?

+ Bản chất và từng khía cạnh của vấn đề đã được làm rõ chưa? Bản thân có ý kiến như thế nào về vấn đề? Tầm quan trọng của vấn đề đối với đời sống xã hội có được làm nổi bật không?

+ Thực trạng của vấn đề đã được nêu cụ thể chưa? Giải pháp đề xuất có tính khả thi không? Trách nhiệm của bản thân trong việc tham gia giải quyết vấn đề được nêu như thế nào?

+ Có nêu được ý kiến trái chiều để phản bác không? Nếu có, việc phản bác đã đủ cơ sở chưa?

+ Ở từng luận điểm, lí lẽ và bằng chứng được sử dụng như thế nào? Có đảm bảo sức thuyết phục không?

+ Bài viết có những lỗi nào về chính tả, diễn đạt (dùng từ, đặt câu, liên kết đoạn)?

- Sau khi rà soát, nếu phát hiện thấy chỗ nào chưa đạt yêu cầu thì cần bổ sung, chỉnh sửa hoặc thay thế.

Xem thêm các bài soạn văn lớp 9 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Đánh giá

0

0 đánh giá