Sưu tầm tư liệu, tìm hiểu về cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở địa phương em

252

Với giải Vận dụng 2 trang 33 Lịch Sử 12 Cánh diều chi tiết trong Bài 6: Cách mạng tháng Tám năm 1945 giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập Lịch Sử 12. Mời các bạn đón xem:

Giải bài tập Lịch sử 12 Bài 6: Cách mạng tháng Tám năm 1945

Vận dụng 2 trang 33 Lịch Sử 12: Sưu tầm tư liệu, tìm hiểu về cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở địa phương em và giới thiệu với thầy cô, bạn học.

Lời giải:

(*) Tư liệu tham khảo: Khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), không khí cách mạng ở Hà Nội càng thêm sôi sục. Xứ ủy Bắc kỳ, Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng quân sự chuẩn bị khởi nghĩa; đồng thời tổ chức phát động nhiều phong trào đấu tranh để rèn luyện, tập dượt quần chúng.

Đêm 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1, phát lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước.

Trước tình hình chuyển biến mau lẹ, Xứ ủy Bắc Kỳ họp (tối 14 và ngày 15/8/1945) tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), quyết định tiến hành khởi nghĩa trong 10 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Riêng vấn đề khởi nghĩa ở Hà Nội cần được cân nhắc kỹ do còn hơn 1 vạn quân Nhật chiếm đóng trong thành phố. Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội (tức Ủy ban Khởi nghĩa) để tích cực chuẩn bị khởi nghĩa.

Thực hiện chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, Thành ủy Hà Nội triệu tập Hội nghị quân sự bất thường ngay tối 15/8/1945 tại Chùa Hà (Dịch Vọng) bàn về kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa. Hội nghị nhận định: Tuy Chính phủ Nhật đã đầu hàng quân Đồng minh nhưng quân Nhật ở Hà Nội còn đông (hơn 1 vạn tên), lại được trang bị các loại vũ khí hiện đại. Chúng sẽ sẵn sàng nổ súng chống lại cách mạng khi bị đẩy vào tình thế nguy cấp.

Trong khi đó, về phía ta, tuy lực lượng quần chúng cách mạng đông đảo nhưng lực lượng vũ trang tập trung còn mỏng (hơn 700 người), trang bị phần lớn là vũ khí thô sơ (chỉ có hơn 40 khẩu súng trường và một số súng ngắn), mới qua một vài lớp huấn luyện quân sự cấp tốc. Từ nhận định trên, Hội nghị chủ trương tiếp tục tìm giải pháp phù hợp, cố gắng tránh xung đột vũ trang với quân đội Nhật; dự kiến phương pháp khởi nghĩa: lấy lực lượng vũ trang làm lực lượng xung kích đi đầu, huy động đông đảo lực lượng quần chúng cách mạng có vũ trang tham gia khởi nghĩa giành chính quyền; tiếp tục tăng cường tập hợp phát triển lực lượng vũ trang và nửa vũ trang, trang bị thêm vũ khí, sẵn sàng đối phó với quân Nhật khi cần thiết.

Trong thời gian này, các đội xung kích của ta vẫn tích cực hoạt động. Tối 15/8/1945, đội tuyên truyền xung phong của Việt Minh tổ chức diễn thuyết công khai ở những rạp hát lớn trong thành phố. Ngày 16/8/1945, truyền đơn, biểu ngữ kêu gọi khởi nghĩa xuất hiện khắp nơi. Chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim thân Nhật lung lay tận gốc rễ.

Nhưng chiều 17/8/1945, Tổng hội Viên chức tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại Nhà hát lớn với mục đích ủng hộ chính phủ thân Nhật. Nắm bắt kế hoạch từ trước, Đảng bộ Hà Nội của Đảng Cộng sản Đông Dương đã bí mật huy động quần chúng trong các tổ chức cứu quốc ở nội, ngoại thành đến tham dự, biến cuộc mít tinh thân Nhật thành cuộc mít tinh ủng hộ ủng hộ Việt Minh, sau đó biến nó thành một cuộc biểu tình tuần hành qua các phố, có cờ đỏ sao vàng dẫn đầu, vừa hô vang các khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh”, “Đả đảo bù nhìn”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập”. Cuộc biểu tình tuần hành diễn ra sôi động, lôi kéo thêm hàng vạn quần chúng xuống đường với khí thế cách mạng chưa từng thấy. Quân đội Nhật “án binh bất động”.

Nhận thấy thời cơ cách mạng đã chín muồi, ngay tối 17/8/1945, Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ và Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội quyết định phát động khởi nghĩa bằng phương thức huy động sức mạnh của quần chúng, lấy lực lượng chính trị quần chúng làm cơ bản, với lực lượng vũ trang làm nòng cốt, tổ chức mít tinh ở quảng trường Nhà hát lớn, sau đó chuyển thành tuần hành thị uy chiếm những cơ quan trọng yếu của chính phủ bù nhìn.

Các đội vũ trang là lực lượng xung kích của khởi nghĩa, đi đầu chiếm các mục tiêu, đồng thời bố trí ở những vị trí cơ động để sẵn sàng chi viện cho nhau. Để bảo đảm cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi, không đổ máu, Thường vụ Xứ ủy và Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội chủ trương tiếp tục giữ quân đội Nhật trong trạng thái “án binh bất động”; do đó không đặt ra vấn đề tước vũ khí của quân Nhật, cũng không đánh chiếm những nơi có quân Nhật đang đóng giữ (Phủ Toàn quyền, Bộ Tổng tham mưu, thành Cửa Bắc, Ngân hàng Đông Dương...). Trong trường hợp quân Nhật nổ súng, ta kiên quyết chống cự, chờ Giải phóng quân từ Việt Bắc về phối hợp chiến đấu. Thời gian khởi nghĩa được ấn định chính thức là ngày 19/8/1945.

Thực hiện mệnh lệnh phát ra, trong ngày 18/8/1945, không khí sửa soạn khởi nghĩa bao trùm khắp Hà Nội. Đến sáng 19/8/1945, cả Thủ đô tràn ngập khí thế cách mạng. Đồng bào tập trung kéo đến quảng trường Nhà hát Lớn dự cuộc mít tinh lớn do Mặt trận Việt Minh tổ chức. Đại biểu Việt Minh đọc tuyên ngôn, chương trình của Việt Minh và kêu gọi nhân dân đứng dậy giành chính quyền. Cuộc mít tinh nhanh chóng chuyển thành biểu tình, chia ra nhiều đoàn đi chiếm các công sở của chính quyền bù nhìn. Trước khí thế quần chúng khởi nghĩa, quân Nhật không dám chống lại.

Tối 19/8/1945, các cơ quan quan trọng của chính quyền bù nhìn tay sai tại Hà Nội đã về tay cách mạng, Việt Minh hoàn toàn làm chủ thành phố. Cuộc khởi nghĩa đã thắng lợi hoàn toàn. Sự kiện này có tác dụng cổ vũ lớn đối với phong trào cả nước, đặc biệt là ở Huế, Sài Gòn.

Như vậy, quán triệt đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ, Thành ủy và Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội giành thắng lợi triệt để; đặc biệt là tránh cho lực lượng khởi nghĩa không phải đối đầu trực tiếp với quân Nhật và loại trừ được các lực lượng chính trị phản động khác nuôi mưu đồ đảo ngược tình thế.

Sưu tầm tư liệu tìm hiểu về cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám

Cuộc mít tinh tại quảng trường Nhà hát Lớn ngày 19/8/1945

Những ngày cuối tháng 8/1945, nhân dân Hà Nội nhiệt liệt chào đón Giải phóng quân cùng các cơ quan đầu não Trung ương Đảng, Chính phủ cách mạng lâm thời từ căn cứ Việt Bắc về, mở ra một cột mốc lịch sử mới của thời đại.

Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trước hàng chục vạn đồng bào tham dự mít tinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Cũng từ đây, Hà Nội chính thức trở thành Thủ đô của nước Việt Nam mới, trở thành thành trì đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do và chính quyền non trẻ vừa giành được.

Nhìn lại chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc từ khi có Đảng lãnh đạo (1930), trực tiếp là cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, có thể khẳng định: Khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội (19/8/1945) thực sự là một sự kiện rất đặc biệt. Bởi đây là thắng lợi “mẫu mực, tiêu biểu” của nghệ thuật lãnh đạo phát hiện, chớp đúng thời cơ, với phương pháp cách mạng rất sáng tạo. Quan trọng hơn, cuộc khởi nghĩa thắng lợi ấy đã có sức cổ vũ to lớn thúc đẩy phong trào cách mạng của cả nước phát triển; đồng thời cũng dựng lên một thành trì vững chắc để nhân dân ta tiếp tục đấu tranh bảo vệ những thành quả cách mạng vừa giành được trong giai đoạn về sau./.

 
Đánh giá

0

0 đánh giá