Soạn bài Tri thức ngữ văn lớp 9 trang 31 Tập 2 | Chân trời sáng tạo Ngữ văn lớp 9

169

Tài liệu soạn bài Tri thức ngữ văn trang 31 Tập 2 Ngữ văn lớp 9 Chân trời sáng tạo hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 9. Mời các bạn đón xem:

Soạn bài Tri thức ngữ văn lớp 9 trang 31 Tập 2

1. Truyện trinh thám

- Truyện trinh thám là thể loại truyện kể lại quá trình tìm kiếm sự thật về một vụ án. Dựa vào những manh mối ban đầu, người điều tra (thám tử, cảnh sát,...) từng bước khám phá sự thật.

Về nội dung, truyện phải có: (1) một vụ việc đã xảy ra và thủ phạm còn giấu mặt; (2) một cuộc điều tra được tiến hành chủ yếu bởi các thám tử và/ hoặc nhân vật bị tình nghi là thủ phạm.

- Không gian, thời gian: Không gian trong truyện trinh thám là nơi diễn ra hoặc lưu giữ các manh mối về vụ án (dấu vết, tung tích của tội phạm, của nạn nhân hoặc những người liên quan,...). Đó cũng là không gian diễn ra các hoạt động điều tra, khám phá những sự thật về vụ án. Thời gian trong truyện trinh thám là thời gian diễn ra các hoạt động điều tra, từ lúc khởi đầu cuộc điều tra cho đến khi các nhà điều tra chính thức đưa ra bằng chứng, những phân tích, lí giải thuyết phục và kết luận về vụ án. Thời gian này thường có giới hạn trong một vài tuần hoặc vài ngày, thậm chí vài giờ. Điều này mang lại những thách thức cho nhân vật chính trong quá trình khám phá vụ án.

- Cốt truyện, sự kiện: Cốt truyện của truyện trinh thám xoay quanh quá trình điều tra, làm sáng tỏ vụ án:

Soạn bài Tri thức ngữ văn lớp 9 trang 31 Tập 2 | Chân trời sáng tạo Ngữ văn lớp 9 (ảnh 1)

Những bí mật về thủ phạm được giữ kín đến cùng, tạo nên sự hấp dẫn, khiến người đọc luôn luôn ở trong trạng thái căng thẳng.

- Chi tiết: Chi tiết trong truyện trinh thám là loại chi tiết gắn với các tình huống có tác dụng gợi mở phán đoán đối với hoạt động điều tra. Mỗi chi tiết ấy như một bằng chứng hoặc một manh mối quan trọng trong quá trình điều tra.

- Nhân vật, nhân vật chính: Truyện trinh thám thường có những kiểu nhân vật quen thuộc: kẻ gây án giấu mặt, nạn nhân, cảnh sát, thám tử,... trong đó, nhân vật chính là thám tử (chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư) - người có kĩ thuật điều tra vượt trội, đồng thời có khả năng quan sát tinh tường, khả năng phân tích, suy luận, đánh giá sắc bén.

- Lời người kể chuyện: Trong truyện trinh thám, lời của người kể chuyện (ngôi thứ ba hoặc ngôi thứ nhất) gồm lời kể, miêu tả, phân tích, bình luận thường được kết hợp với lời của các nhân vật khác, nhất là lời của nhân vật thám tử, nhằm tái hiện một cách sinh động, hấp dẫn quá trình điều tra, khám phá vụ án.

- Lời đối thoại trong truyện trinh thám thường góp phần mở ra các manh mối cho cuộc điều tra.

- Lời độc thoại nội tâm trong truyện trinh thám được sử dụng nhằm thể hiện diễn biến tâm lí của nhân vật, nhất là nhân vật thám tử.

2. Câu rút gọn và câu đặc biệt: đặc điểm và chức năng

- Câu rút gọn là loại câu bị lược bỏ một hoặc một vài thành phần nào đó và có thể khôi phục lại (các) thành phần bị rút gọn nhờ ngữ cảnh.

Ví dụ:

Nhàn: - Thuyền trưởng của các anh... là ai?

Tiến: - Là người đã lặn lội mưa gió, nước lũ đưa đoàn xà lan này về đây cho xã các cô.

(Lưu Quang Vũ, Bệnh sĩ)

Trong ví dụ trên, “Là người đã lặn lội mưa gió, nước lũ đưa đoàn xà lan này về đây cho xã các cô.” là một câu rút gọn. Dựa vào ngữ cảnh của câu, chúng ta có thể khôi phục lại các thành phần bị rút gọn như sau: “Thuyền trưởng của chúng tôi là người đã lặn lội mưa gió, nước lũ đưa đoàn xà lan này về đây cho xã các cô.”.

Việc rút gọn câu có tác dụng làm cho câu ngắn gọn hơn, tránh lặp lại những từ ngữ đã xuất hiện trước đó.

Câu đặc biệt là loại câu không có cấu tạo theo mô hình chủ ngữ - vị ngữ mà chỉ có một nòng cốt đặc biệt. Loại câu này do một từ hoặc một cụm từ (trừ cụm chủ - vị) cấu tạo thành. Câu đặc biệt dùng để bộc lộ cảm xúc, gọi - đáp hoặc chỉ sự tồn tại của sự vật, hiện tượng, sự kiện,... Trong câu đặc biệt, có thể có thêm các thành phần phụ.

Ví dụ:

(1) Chao ôi! (Bộc lộ cảm xúc)

(2)  Lan ơi! (Gọi - đáp)

(3) Trên bàn có một lọ hoa. (Chỉ sự tồn tại của sự vật) trạng ngữ nòng cốt của câu đặc biệt

Xem thêm các bài soạn văn lớp 9 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

 

Đánh giá

0

0 đánh giá