Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Trình bày ý kiến về sử dụng ngôn ngữ bạo lực trong giao tiếp học đường Ngữ văn 9 Kết nối tri thức, gồm dàn ý và các bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo từ đó học cách viết văn hay hơn.
Trình bày ý kiến về sử dụng ngôn ngữ bạo lực trong giao tiếp học đường
Đề bài: Trình bày ý kiến về một vấn đề có tính thời sự trong đời sống của lứa tuổi học sinh hiện nay - sử dụng ngôn ngữ bạo lực trong giao tiếp học đường.
Dàn ý Trình bày ý kiến về sử dụng ngôn ngữ dung tục trong giao tiếp học đường
a. Mở bài:
Dẫn dắt, giới thiệu hiện tượng sử dụng ngôn ngữ dung tục trong giao tiếp học đường.
b. Thân bài:
- Giải nghĩa khái niệm:
+ Sử dụng ngôn ngữ dung tục là cách nói năng, giao tiếp sử dụng các từ ngữ kém văn hóa, mang ý nghĩa tiêu cực gây xúc phạm đến đối tượng giao tiếp.
- Thực trạng nói dung tục ở giới trẻ và học sinh hiện nay:
+ Sử dụng ngôn ngữ dung tục đang trở thành một hiện tượng phổ biến ở nhiều tầng lớp trong xã hội đặc biệt là giới trẻ.
+ Tốc độ lây lan và gia tăng của thói xấu này ngày càng nhanh chóng.
+ Nói tục chửi thề có xu hướng trở thành thói quen của một bộ phận người trong xã hội.
+ Việc ngăn chặn và kiểm soát vấn đề chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
- Nguyên nhân của nói dung tục:
+ Ý thức cá nhân của giới trẻ con kém, chưa ý thức được tác hại và bản chất của việc nói tục chửi thề.
+ Quan niệm chưa chín chắn về thói nói tục chửi thề ở giới trẻ (xem đây là cách hơn thua, thể hiện bản thân, chứng tỏ,…).
+ Ảnh hưởng từ môi trường sống thiếu lành mạnh (bạn bè, người lớn nói tục chửi thề khiến trẻ học theo).
+ Gia đình và nhà trường chưa có biện pháp giáo dục và quan tâm thích đáng.
+ Sự yếu kém trong kiểm soát các mạng xã hội, game online, phim ảnh,… có sử dụng yếu tố nói tục chửi thề.
…
- Hậu quả của nói dung tục:
+ Ảnh hưởng tiêu cực đến nhân cách, phẩm chất con người.
+ Đánh mất đi vẻ đẹp văn minh của xã hội.
+ Làm giảm giá trị của một con người, khiến họ không nhận được sự tôn trọng và đánh giá cao từ những người xung quanh.
+ Làm tăng sự mâu thuẫn và tranh chấp giữa người và người trong xã hội có thể dẫn tới nhiều hậu quả nghiệm trọng như đánh nhau thậm chí tới tính mạng
- Giải pháp giảm thiểu dùng ngôn ngữ dung tục:
+ Rèn luyện, nâng cao ý thức cá nhân.
+ Học hỏi, chọn lọc và tiếp thu những lời hay, ý đẹp.
+ Nhà trường và gia đình có sự quan tâm và điều chỉnh hợp lí trong cách giáo dục và chăm sóc trẻ.
+ Các cơ quan nên có sự kiểm soát chặt chẽ hơn các văn hóa phẩm trước khi phát hành.
…
Trình bày ý kiến về sử dụng ngôn ngữ bạo lực trong giao tiếp học đường - Mẫu 1
Môi trường học đường của chúng ta hiện nay đang đứng trước nhiều thói hư tật xấu như: bạo lực học đường, nói tục chửi thề, gian lận trong thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục. Một trong những vấn đề thách thức hàng đầu hiện nay đó chính là hiện tượng học sinh “nói tục chửi thề”. Đây là một hiện tượng xấu có nhiều tác hại mà ta cần lên án và loại bỏ.
Trước hết ta cần hiểu “nói tục chửi thề” là gì? Nói tục chửi thề là hiện tượng học sinh dùng những từ ngữ thiếu văn hóa, thiếu chuẩn mực để giao tiếp với nhau hằng ngày. Biểu hiện của hiện tượng này, là việc học sinh dùng những từ ngữ thô tục để lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm người khác hoặc đôi khi chỉ nói quen miệng nhưng gây nên sự phản cảm lớn đối với người nghe.
Theo cách giải thích ở trên, ta thấy hiện tượng nói tục chửi thề là hiện tượng có nhiều tác hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân cách, đạo đức của thế hệ học sinh nói riêng và xã hội hiện nay nói chung. “Nói tục chửi thề” làm đạo đức và nhân cách của người học sinh bị suy đồi. Biến con người mình thành kẻ thiếu học thức, bị đánh giá là vô văn hóa, bị mọi người xa lánh, ghê tởm như căn bệnh. Việc nói tục chửi thề làm cho kỹ năng giao tiếp của học sinh trở nên yếu kém vì những phát ngôn lệch chuẩn. Từ đó khiến cho các cuộc giao tiếp trở nên thiếu lịch sự, đôi khi trở thành “thảm họa”.
Không chỉ vậy, việc nói tục, chửi thề còn ảnh hưởng rất lớn đến người khác. Nhất là trong các trường hợp nói tục chửi thề với mục đích lăng mạ, sỉ nhục người đối diện. Hành động đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, lòng tự trọng của người bị lăng mạ. Nếu việc này lặp đi lặp lại xảy ra nhiều lần, có thể gây ra tâm lý bức bối, không kiểm soát được bản thân, có những hành động có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Thực sự đã có nhiều vụ bạo lực học đường đau lòng xảy ra cũng chỉ vì một lời nói tục, một cái nhìn đểu. Nguy hiểm hơn nữa là nếu không ngăn chặn thói xấu này, dần sẽ tạo nên một hệ lụy khôn lường. Từ một người nói tục, cả bàn nói tục, cả lớp nói tục, cả trường nói tục rồi lan ra cả ngoài xã hội. Khi đó xã hội văn minh sẽ biến mất mà thay vào đó là một xã hội thiếu văn hóa trầm trọng.
Từ việc phân tích tác hại đã nêu ở trên, ta cần tìm ra nguyên nhân. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến “nói tục chửi thề” nhưng chủ yếu là những nguyên nhân sau. Nhiều học sinh xuất thân trong gia đình có bố mẹ, anh chị làm nghề tự do. Do có mối quan hệ xã hội phức tạp nên đôi khi mang những lời nói tục tĩu về nhà. Từ đây, việc học cái tốt thì rất khó, nhưng học điều xấu thì lại rất dễ bởi “nghe quen tai, nói quen miệng”. Chắc chắn lời nói của người lớn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngôn ngữ của giới trẻ. Cũng một phần do học sinh tiếp xúc với nhiều phần tử xấu trong xã hội hoặc học sinh cá biệt. Cũng có thể là do nói quen miệng, khi trở thành thói quen rất khó bỏ. Phía nhà trường chưa có những sự tác động tích cực đến việc giáo dục học sinh.
Từ tác hại và những nguyên nhân trên, ta thấy cần phải có những biện pháp để khắc phục tình trạng nói tục chửi thề này. Trước hết là trong gia đình, cha mẹ phải cẩn trọng với từng lời nói của mình. Phải giáo dục trẻ, để trẻ không giao du với các thành phần xấu. Trong trường lớp thì cần phải tổ chức thêm nhiều hoạt động Đoàn, Đội lành mạnh để các em vui chơi, giao lưu học hỏi những điều tốt đẹp. Bản thân mỗi người cần rèn luyện nhân cách phẩm giá của mình để tránh xa những thói hư tật xấu.
Tóm lại, nói tục chửi thề là một hiện tượng xấu, có nhiều tác hại ảnh hưởng lớn đến môi trường học đường và đời sống xã hội. Mỗi cá nhân và tập thể cần lên án, đấu tranh và loại bỏ thói xấu ấy ra khỏi môi trường sống của chúng ta. Vì một môi trường học đường văn minh, tất cả hãy nói không với “Nói tục chửi thề”.
Trình bày ý kiến về sử dụng ngôn ngữ bạo lực trong giao tiếp học đường - Mẫu 2
Càng tiến bộ, con người càng nên tử tế trong đối xử và lịch sự hơn trong lời nói. Thế nhưng, ngày nay, thay vì tử tế và lịch sự hơn, con người ngày càng thô lỗ trong ứng xử và lời nói, nhất là đối tượng học sinh. Hiện tượng sử dụng ngôn ngữ dung tục của học sinh ngày nay khiến xã hội vô cùng lo lắng và bức xúc.
Nói dung tục là hiện tượng học sinh dùng những từ ngữ tục tĩu, thiếu văn hóa, thiếu chuẩn mực để giao tiếp với nhau hằng ngày (nói tục) hoặc dùng những từ ngữ bất kính để xúc phạm, lăng mạ nhân cách, đánh dự của người khác (chửi thề). Học sinh nói tục, chửi thể thường dùng những ngôn ngữ nhạy cảm, thiếu tế nhị, thiếu chuẩn mực, thậm chí là vô văn hóa trong lời nói thường ngày của mình.
Tình trạng nói dung tục của học sinh hiện nay đang ở mức đáng báo động. Hiện tượng nói dung tục ngày càng trở nên phổ biến khi đời sống và công nghệ ngày càng phát triển. Nó có ở ở mọi lứa tuổi, mọi thành phần trong đó có giới trẻ. Học sinh sử dụng lời lẽ thiếu văn hóa để nói chuyện với nhau, nói với thầy cô tại trường học. Việc sử dụng những ngôn ngữ thiếu lịch sư, tục tĩu, phản cảm đang có xu hướng lan rộng và trở thành ngôn ngữ “cửa miệng”. Gia đình, nhà trường và xã hội dù đã rát nỗ lực nhưng vẫn chưa có cách khắc phục hữu hiệu đối với vấn đề này.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng học sinh nói dung tục trước hết xuất phát từ ý thức cá nhân của mỗi học sinh chưa tốt, chưa ý thức được tác hại và bản chất của việc lệch lạc ngôn ngữ. Dù đã được giáo dục từ nhà trường, thế nhưng nhiều học sinh chưa có quan niệm chín chắn về thói nói tục, chửi thề. Họ xem đây là cách hơn thua, thể hiện bản thân, chứng tỏ… một cách ngược đời, vô cùng xấu xí
Do ảnh hưởng từ môi trường sống thiếu lành mạnh là một yếu tố gây nên hiện tượng nói tục, chửi thề tràn lan trong học sinh ngày nay. Bạn bè nói tục, chửi thề; người lớn nói lời thiếu chuẩn mực khiến, ngôn ngữ và hành vi thiếu gương mẫu khiến các bạn trẻ học theo. Mặt khác, văn hóa mạng với vô số hình ảnh, ngôn ngữ hỗn tạp, bừa bộn, thiếu chuẩn mực, vô văn hóa tràn lan khắp mọi nơi gây ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa giao tiếp của học sinh. Sự yếu kém trong kiểm soát các mạng xã hội, game online, phim ảnh,… có sử dụng yếu tố nói tục, chửi thề.
Do gia đình và nhà trường chưa có biện pháp giáo dục và quan tâm thích đáng. Nhà trường chỉ giáo dục về lý thuyết, chưa thực sự nghiêm khắc trong công tác giáo dục đạo đức chuẩn mực cho mỗi học sinh. Gia đình buông lỏng, phó thác việc giáo dục con em cho nhà trường khiến học sinh lơ là trong nhiệm vụ rèn luyện đạo đức theo những mẫu mực tốt đẹp.
Hiện tượng dùng ngôn ngữ dung tục gây ra những hậu quả to lớn đối với bản than học sinh và đối với xã hội. Nói dung tục ảnh hưởng tiêu cực đến nhân cách, phẩm chất con người. Người có thói quen tùy tiện trong ngôn ngữ giao tiếp trở nên xấu xí hơn trong mắt của người khác, khiến người khác khinh thường, xa lánh. Nhiều người giao tiếp bằng ngôn ngữ thô lỗ, tục tĩu là tự đánh mất đi vẻ đẹp văn minh của xã hội, làm giảm giá trị của một con người, khiến họ không nhận được sự tôn trọng và đánh giá cao từ những người xung quanh.
Nói dung tục làm tăng sự mâu thuẫn và tranh chấp giữa người và người trong xã hội có thể dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng như đánh nhau thậm chí tới tính mạng. Càng nói tục, chửi thể càng suy thoái đạo đức, càng thất bại trong cuộc sống. Người có nhân cách cao quý sẽ không bao giờ cẩu thả trong lời nói và hành vi ứng xử. Và ngược lại, người có lời nói thô tục, hành vi đáng khinh không thể là người đạo đức.
Nói dung tục làm nảy sinh thói kiêu căng, ngạo mạn, tự cao, tự đại, coi người khác thấp kém hơn mình, sống thiếu tôn trọng. Họ sẵn sàng sỉ nhục, chà đạp nhân cách, nhân phẩm, danh dự người khác bằng những lời lẽ khó nghe. Những người như thế sớm muộn gì cũng nhận lấy hậu quả tương xứng.
Để khắc phục vấn nạn nói tục, chửi thề trong học sinh ngày nay, trước hết, mỗi học sinh cần tích cực chăm chỉ học tập ra sức rèn luyện nhan cách và đạo đức, nâng cao ý thức cá nhân, học tập và làm theo những tấm gương trong giao tiếp và lối sống mẫu mực ở xung quanh mình. Tích cực học hỏi, chọn lọc và tiếp thu những lời hay, ý đẹp.
Nhà trường, gia đình và xã hội cần có sự quan tâm và điều chỉnh hợp lí trong cách giáo dục và chăm sóc trẻ. Nhà trường nhanh chóng nâng cao chương trình và chất lượng giáo dục đạo đức, ngôn phong cho học sinh. Gia đình xây dựng văn hóa giao tiếp chuẩn mực và nghiêm khắc trong giáo dục lời nói và thái độ giao tiếp cho con em mình. Xã hội quyết liệt lên án, phê phán những hành vi thiếu chuẩn mực trong giao tiếp hàng ngày.
Các cơ quan chức năng nên có sự kiểm soát chặt chẽ hơn các văn hóa phẩm trước khi phát hành. Cần xử phạt nặng các hành vi phát tán văn hóa phẩm đồi trụy, thiếu chuẩn mực, nhạy cảm. Kiểm soát chặt chẽ các chương trình phát sóng trực tiếp, ngôn phong của các nghệ sĩ, người nói tiếng. Nói dung tục có thể coi là hành vi phi đạo đức, phản văn minh và đi ngược lại với xu hướng phát triển văn hoá chung của nhân loại. Nói dung tục là dấu hiệu của suy thoái nhân cách con người và là một trong những con đường dẫn đến góc tối tệ nạn xã hội.
Chúng ta cần tuyên chiến với hiện tượng nói dung tục không phải là ngăn cấm mà là loại bỏ nó ngay lập tức khỏi hành vi giao tiếp ngôn ngữ của chúng ta. Nếu hôm nay, bạn kiên trì lau rửa tấm gương đạo đức, ngày mai bạn sẽ nhìn thấy hình ảnh của mình thật đẹp. Nếu hôm nay, bạn sống lười biếng, buông thả và dễ dãi, ngày mai bạn sẽ nhận lấy sự thất vọng, nỗi khổ đau và những thất bại. Yếu tố quan trọng hơn cả có thể giúp bạn sống và làm việc thành công không phải là kiến thức mà chính là thái độ sống tích cực và một nền tảng đạo đức tốt đẹp.
“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang; người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Lời ăn tiếng nói phản ánh sâu sắc văn hóa, đạo đức và lối sống của mỗi con người. Sử dụng ngôn ngữ dung tục làm tổn thương tâm hồn, gây nên mâu thuẫn. Bởi thế, mỗi học sinh nên phấn đấu rèn luyện lời nói sao cho chuẩn mực, phù hợp trong và ngoài nhà trường. Đó không chỉ là việc nên làm mà là nhiệm vụ cần phải làm ngay từ hôm nay.
Trình bày ý kiến về sử dụng ngôn ngữ bạo lực trong giao tiếp học đường - Mẫu 3
Ông bà ta xưa đã dạy:
“Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”
Nhưng con người hiện nay, đặc biệt là giới trẻ lại bất cẩn khi phát ngôn, sử dụng ngôn ngữ dung tục một cách thiếu suy nghĩ, thiếu văn hóa. Hiện tượng này thật đáng để mỗi chúng ta cần suy nghĩ.
Nói dung tục là nói ra những lời lẽ trái với thuần phong mỹ tục, thiếu văn minh, thiếu tôn trọng người đang giao tiếp với mình. Thật đáng buồn khi chúng ta thấy những lời nói này được phát ngôn bừa bãi, trong mọi hoàn cảnh. Khi bực tức chửi thề đã đành, thậm chí khi vui vẻ cũng lại chửi thề. Những lời nói ấy không những được “văng” ra đối với bạn bè cùng trang lứa mà nói còn được sử dụng ngay khi họ giao tiếp với những người lớn tuổi hơn; không chỉ trong giao tiếp với người khác mà còn ở cả những nơi công cộng. Và những lời lẽ khó nghe ấy được nói ra một cách thản nhiên, không chút suy nghĩ. Đây không chỉ là một hành động xấu, thiếu văn minh, lịch sự trong giao tiếp mà còn xúc phạm đến người khác, cho thấy sự kém hiểu hiểu biết của một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ hiện nay.
Điều đáng lo ngại là những người thường xuyên phát ngôn một cách khiếm nhã lại coi đó là một thói quen mà không hề ý thức được hậu quả khôn lường của nó. Lời nói là kết quả sau những suy nghĩ của chúng ta, nó góp phần không nhỏ trong việc xây dựng hình ảnh của bản thân trong mắt người khác. Vì thế, những lời nói thiếu văn hóa trong giao tiếp sẽ thể hiện ngay người nói là một người kém hiểu biết, thiếu văn minh, dễ để lại ấn tượng xấu với người đối diện, khiến bản thân không được tôn trọng, thậm chí là dần bị xa lánh. Hơn nữa, chửi thề có thể trở thành một thói quen xấu, khó bỏ, lâu dần ảnh hưởng lớn đến đạo đức của bản thân.
Chúng ta thậm chí quen miệng mà nói bậy chứ không ý thức hết được những phát ngôn của mình. Tai hại hơn là những lời nói không hay cũng được đưa lên mạng xã hội. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh bản thân mà còn là nơi bắt đầu của những mâu thuẫn, những xung đột có hậu quả mà ta không lường trước được. Còn đối với người nghe, cách xử sự kém lịch sự có thể khiến họ cảm thấy không thoải mái, bực bội, thậm chí không muốn tiếp chuyện. Đặc biệt, những lời chửi thề có sự ảnh hưởng rất tiêu cực đến nhận thức của những em nhỏ còn chưa hiểu hết ý nghĩa của chúng. Đối với xã hội, những lời nói không hay được nhân rộng ra có thể làm suy giảm đi nét đẹp văn hóa của cả cộng đồng, làm méo mó đi những quy chuẩn giá trị đạo đức, làm cho ngôn ngữ tiếng việt mất đi sự giàu đẹp và trong sáng vốn có của nó.
Vậy hiện tượng nói dung tục có nguyên nhân từ đâu? Về phía khách quan, có thể thấy những tác động tiêu cực của môi trường sống không lành mạnh, của những lời ăn tiếng nói thô thiển xung quanh đến đạo đức, nhận thức và cách ứng xử của mỗi con người. Người ta nói: “Trẻ em như tờ giấy trắng”. Nếu không phải do sớm phải tiếp xúc với sự thiếu văn hóa của những người xung quanh, hay thiếu đi sự quan tâm, giáo dục của những người thân trong gia đình thì đâu có những lời nói khiếm nhã, những câu nói dung tục khi con người lớn lên. Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ. Những phát ngôn bừa bãi xuất phát từ những nhận thức chưa thật đúng đắn, đầy đủ và trọn vẹn về tầm quan trọng, sức ảnh hưởng của lời nói đến cuộc sống của con người. Khi bản thân đã không làm chủ được ta rất dễ bắt chước theo lời nói, hành động xấu của những người kém văn minh mà không thể tự điều chỉnh hành vi của mình. Nhiều người lại cho việc ăn nói thô lỗ là “oai”, muốn thể hiện bản thân trước mọi người. Hay một số người cũng chỉ nói cho vui miệng mà không hề quan tâm đến suy nghĩ và cảm nhận của người khác.
Tuy nhiên, bên cạnh một bộ phận hay nói tục chửi thề, thật may khi vẫn còn đó những con người hiểu biết, nhận thức rõ ý nghĩa của tiếng nói biết nói những lời lẽ lịch sự, khiến người nghe hài lòng. Đây quả là những điểm sáng cần nhân rộng để có một xã hội văn minh hơn.
Để khắc phục thực trạng nói dung tục đang phổ biến hiện nay, mỗi người chúng ta cần ý thức được tầm quan trọng của lời nói. Từ đó mà có những hành động cụ thể như tuyên truyền vận động mọi người biết dùng lời hay ý đẹp, tránh xa những lời nói kém văn minh; kiên quyết nhắc nhở khi thấy người khác nói dung tục. Còn bản thân phải trau dồi văn hóa, những kỹ năng giao tiếp văn minh lịch sự, phải biết tự dặn mình “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”.
Xã hội đang ngày càng thay đổi theo chiều hướng hiện đại hơn đòi hỏi con người cũng cần trau dồi, phát triển bản thân để trở nên văn minh hơn. Một trong những điều cần thay đổi cấp thiết là những lời nói thô tục, trau dồi lời hay ý đẹp để góp phần tạo nên phong cách đẹp cho con người thời đại mới.
Trình bày ý kiến về sử dụng ngôn ngữ bạo lực trong giao tiếp học đường - Mẫu 4
“Lời nói gói vàng” câu nói xưa đã nhắc nhở chúng ta về giá trị của lời nói. Nhưng với xã hội ngày nay ngôn ngữ đang ngày càng bị lạm dụng một cách vô văn hóa với những câu nói ngôn ngữ dung tục. Khiến nét đẹp của ngôn ngữ nói chung hay Tiếng Việt nói riêng dần mất hết sự thuần khiết.
“Ngôn ngữ ”được coi là phương tiện giao tiếp chủ yếu của con người giúp con người truyền đạt được thông tin mình muốn biểu đạt. Ngôn ngữ ngoài chức năng đưa thông tin từ người này sang người khác thì ngôn ngữ còn như một phép thử để biết được tính cách và nhân phẩm của một con người. Nói dung tục là nói những lời thô tục không có văn hóa, thiếu tế nhị mục đích là để xúc phạm hay mắng chửi, bôi nhọ, sỉ nhục người khác. Hiện trạng nói tục chửi thề ngày nay đang diễn ra tràn lan từ người già cho đến trẻ con bình thường cũng có thể văng tục và coi đó như câu nói cửa miệng. Đó là một thói hư tật xấu gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng đối với đạo đức và hành vi ứng xử của con người.
Việc nói dung tục có ở khắp mọi nơi chủ yếu là ở giới trẻ độ thanh thiếu niên. Đặc biệt là xuất hiện rất nhiều ở các trường học. Học sinh thường dùng những lời lẽ thô tục, thiếu lễ độ, vi phạm nghiêm trọng các huấn mực đạo đức, văn hóa nhà trường trong giao tiếp. Không chỉ có ở độ tuổi bồng bột đang thiếu sự dạy bảo mà đôi khi ngay cả người lớn tuổi có lúc cũng kìm chế được bản thân và nói ra những câu tục bậy. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến nạn chửi thề vô tội vạ đó là nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Nguyên nhân chủ quan đến từ chính bản thân người sử dụng ngôn ngữ họ không ý thức được điều mình đang nói giận quá mất khôn. Trong lúc tức giận không kìm chế được đã nói ra những lời không sạch sẽ. Họ không kiên định để giữ được phẩm giá trong lời nói của mình bị hoàn cảnh, nhưng dung tục cuốn đi. Họ thiếu nhận thức về tác hại của việc nói tục. Còn lại là nguyên nhân khách quan đến từ phía xã hội. Do cuộc sống công nghệ ngày càng phát triển mà những văn hóa ngoại lai xâm nhập vào nước ta khiến những ai tiếp cận không đúng dẫn đến lệch lạc về mặt kiến thức dùng những từ được coi là “teen, ngầu…” mà không biết đó là lai căng, kệch cỡm, a dua vô tình chúng ta đang tiếp tay cho những ngôn ngữ bên ngoài làm vấy bẩn ngôn ngữ Việt. Từ một vài cá nhân nói tục chửi thế trở dẫn đến cả tập thể nói tục chửi thề. Người lớn thiếu gương mẫu trở thành tấm gương xấu cho người trẻ noi theo.
Thường xuyên sử dụng ngôn ngữ thông tục sẽ trở thành thói quen khó sửa, làm đạo đức nhân cách con người bị suy đồi. Biến con người ta trở thành kẻ vô văn hóa thiếu thế nhị thô lỗ, làm khả năng giao tiếp giảm sút. Nói tục không chỉ làm ảnh hưởng đến trực tiếp người nói mà nó còn ảnh hưởng đến người xung quanh khi nói chuyện xuất hiện những từ tục tĩu sẽ khiến bầu không khí mất vui, đối phương sẽ thấy mình bị thiếu sự tôn trọng. Nhiều trường hợp vì một câu chửi thề mà gây xung đột đánh nhau dẫn đến hậu quả khó lường.. Nói tục còn là nguyên nhân dẫn đến tệ nạn xã hội và hành động phạm pháp.
Để xóa việc dùng ngôn ngữ dung tục thì mỗi người phải tự rèn luyện nhân cách, nâng cao vốn sống sự hiểu biết, bản lĩnh trước những thứ dung tục của cuộc sống. Trau dồi ngôn ngữ, học tập cách sống lành mạnh, ăn nói tế nhị lịch sự không sử dụng tiếng lóng, nhại lại… Tôn trọng đối phương khi nói chuyện, tôn trọng nhân cách và phẩm giá tốt đẹp của người xung quanh không tùy tiện xúc phạm hay chửi mắng mà chưa tìm hiểu kĩ sự việc… Tránh xa những thói hư tật xấu, những tệ nạn xã hội bởi đó là vực thẳm không lối thoát làm phá hủy nhân cách con người.
Hãy nói và hành động đúng theo nghĩa của hai từ “văn minh” đừng để mình bị cuốn theo những thói hư tật xấu ở trên đời.
Trình bày ý kiến về sử dụng ngôn ngữ bạo lực trong giao tiếp học đường - Mẫu 5
Nhắc đến bạo lực hẳn mỗi chúng ta chỉ nghĩ tới việc sử dụng cú đấm, cái tát nhằm xúc phạm, hạ nhục danh dự, nhân phẩm của người nào đó. Nhưng hành vi bạo lực không chỉ dừng lại ở việc dùng vũ lực, sử dụng những ngôn từ xấu xí để nhục mạ người khác cũng được liệt vào bạo lực. Bạo lực ngôn từ ngày càng xảy ra phổ biến hơn và gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội. Vậy có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này hay không?
Bạo lực ngôn từ là một vấn đề còn khá mới mẻ ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Trong tiếng Anh bạo lực ngôn từ được hiểu là hành vi ngôn từ để tấn công, công kích, xúc phạm một hoặc nhiều người. Trong tiếng Pháp bạo lực ngôn từ không giống với bạo lực thể xác, đó là hành vi dùng lời nói nhằm mục đích gây đau đớn, tổn thương người khác, tấn công họ bằng các hình thức khác nhau như xúc phạm, lăng mạ, chửi bới, nhạo báng, chê bai, định kiến, tin đồn, phân biệt chủng tộc. Bạo lực bằng lời nói không để lại dấu vết có thể nhìn thấy dấu vết bằng mắt thường nhưng gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho người khác thậm chí phá huỷ họ.
Trong thực tế bạo lực ngôn từ thường được chia làm hai loại bạo lực có chủ định và bạo lực không chủ định. Hành vi bạo lực có chủ định là hành vi của những người cố tình dùng ngôn từ để tấn công, công kích ai đó. Hành vi không chủ định là những người vì kém hiểu biết mà sử dụng những ngôn ngữ cẩu thả, lệch chuẩn vô tình làm tổn thương người khác, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân và tập thể.
Với môi trường thoáng và xu hướng cổ vũ cho tự do ngôn luận như hiện nay thì việc sử dụng những ngôn ngữ thô tục, xấu xí hay còn được gọi là bạo lực ngôn từ ngày càng trở nên phổ biến. Điều này gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội hiện đại. Những lời nói miệt thị, xúc phạm, chế giễu trên nhiều phương diện như xúc phạm ngoại hình quá gầy, quá béo, lùn hay quá cao, xấu xí không ưa nhìn; xúc phạm về gia cảnh, xúc phạm về trình độ… bằng những ngôn từ xấu xí, thô tục… khiến người bị hại vô cùng đau đớn, tổn thương. Những ngôn ngữ này vượt quá phạm vi của sự hợp lý thông thường, vượt ra khỏi ranh giới của đạo đức và pháp luật, uy tín của cá nhân, tổ chức trong xã hội…
Nhiều người cho rằng mức độ nghiêm trọng của bạo lực ngôn ngữ là không quá lớn nhưng thực tế bạo lực ngôn ngữ có thể gây ra những hậu quả khủng khiếp, nặng nề không hề kém bạo lực thể xác. Cụ thể cá nhân, tổ chức bị bạo lực ngôn ngữ có thể bị ảnh hưởng nặng nề về tinh thần, thấy thất vọng hoặc xấu hổ về bản thân, mất niềm tin và cuộc sống. Đó là mầm mống gây ra các căn bệnh trầm cảm và nguy hại hơn còn có rất nhiều người vì quá phẫn uất, nhục nhã do bị xúc phạm còn tìm đến việc kết liễu cuộc đời mình. Thực tế đã chứng minh có rất nhiều các vụ bạo lực ngôn từ khiến nhiều người tìm đến cái chết như: vụ các thần tượng xứ Hàn, Trung, một số bạn học sinh các trường trung học, đại học kết liễu cuộc đời mình chỉ vì không chịu được những lời xúc phạm bằng ngôn từ. Cụ thể tháng 6/2013 một nữ sinh của lớp 12 một trường THPT ở Đà Nẵng đã uống thuốc an thần tự tử nhưng may mắn thoát chết do người nhà phát hiện kịp thời. Nguyên nhân được cho rằng nữ sinh này bị viết bài vu khống, thoá mạ bôi nhọ trên Facebook, nhiều người không biết thực hư cũng hùa vào chỉ trích, xúc phạm khiến em mệt mỏi quá mức dẫn đến tự tử. Năm 2020 sau khi cố nghệ sĩ Vân Quang Long qua đời, cha mẹ anh là những người vừa ôm nỗi đau mất con đã bị tấn công trên mạng xã hội trong suốt nửa năm với nhiều chuyện được thêu dệt, thậm chí gọi gia đình anh là tà đạo, nhà giáo u tối, vợ chồng thất đức… điều này càng khiến cho nỗi đau tinh thần của gia đình ca sỹ thêm nặng nề hơn.
Rõ ràng những hậu quả nghiêm trọng của tình trạng bạo ngôn từ gây ra là khủng khiếp hơn chúng ta tưởng. Vậy có giải pháp nào để có thể hạn chế được vấn nạn này hay không? Hoàn toàn có thể kiểm soát hoặc hạn chế hành vi bạo lực ngôn từ này được. Nếu như chúng ta biết xây dựng một môi trường giao tiếp lành mạnh, thắt chặt an ninh giao tiếp trên các trang mạng xã hội. Tích cực nâng cao vai trò của gia đình và trường học trong phòng chống bạo lực ngôn từ trên mạng, ngoài đời. Việc trau dồi đạo đức cho thế hệ trẻ là việc làm cần thiết hơn bao giờ hết để xây dựng một môi trường văn minh, để xã hội tiến đến những điều tốt đẹp hơn.
Chúng ta hãy nói không với bạo lực ngôn từ, hướng đến một cuộc sống nhân ái, văn minh, nói những lời hay ý đẹp để đưa xã hội ngày càng phát triển nhé.
Trình bày ý kiến về sử dụng ngôn ngữ bạo lực trong giao tiếp học đường - Mẫu 6
Đang cập nhật ...