Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Trình bày ý kiến về một vấn đề có tính thời sự trong đời sống của lứa tuổi học sinh Ngữ văn 9 Kết nối tri thức, gồm dàn ý và các bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo từ đó học cách viết văn hay hơn.
Trình bày ý kiến về một vấn đề có tính thời sự trong đời sống của lứa tuổi học sinh
Đề bài: Trình bày ý kiến về một vấn đề có tính thời sự trong đời sống của lứa tuổi học sinh hiện nay.
Dàn ý Trình bày ý kiến về một vấn đề có tính thời sự trong đời sống của lứa tuổi học sinh hiện nay
- Mở đầu: giới thiệu vấn đề, có thể giới thiệu trực tiếp hoặc gián tiếp bằng cách chia sẻ một trải nghiệm cá nhân hay kể lại một câu chuyện.
- Triển khai:
+ Nêu ngắn gọn lí do lựa chọn vấn đề.
+ Trình bày ý kiến về vấn đề. Chú ý sử dụng các lí lẽ và bằng chứng làm cơ sở cho ý kiến của mình, ưu tiên những trải nghiệm cá nhân và những sự thật mà người nghe có thể kiểm chứng được.
+ Nêu giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề.
+ Sử dụng ngôn ngữ cơ thể và điều chỉnh ngữ điệu nói cho phù hợp với nội dung trình bày.
- Kết thúc: khẳng định ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề.
Trình bày ý kiến về một vấn đề có tính thời sự trong đời sống của lứa tuổi học sinh - Mẫu 1
Xin chào thầy cô và các bạn, sau đây em xin trình bày về vấn đề bạo lực học đường hiện nay. Hiện nay, vấn đề bạo lực học đường đang trở thành một thách thức đáng kể với xã hội. Nó không chỉ ảnh hưởng đến tâm lí, sức khỏe của học sinh mà còn đặt ra câu hỏi lớn với giáo dục nói chung. Để giải quyết hiện tượng xấu này, chúng ta cần có nhận thức sâu sắc về nguyên nhân, hậu quả để từ đó đề xuất những giải pháp thích hợp để xóa bỏ nó.
Bạo lực học đường có thể bao gồm nhiều hình thức như lăng mạ, đánh nhau, đe dọa, lan truyền thông tin xấu hay bất kì hành động nào gây tổn thương tâm lí và vật lí cho nạn nhân. Điều này có thể xảy ra trực tiếp trong các cơ sở giáo dục hoặc thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Những hành vi bạo lực này khiến nạn nhân cảm thấy bị cô lập và không an toàn trong môi trường giáo dục.
Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau. Có thể là tâm lí lứa tuổi học sinh muốn thể hiện bản thân nhưng lại lựa chọn con đường bạo lực để thể hiện sức mạnh, quyền uy của bản thân. Áp lực học tập, áp lực từ phía thầy cô, gia đình cũng có thể gây đến bạo lực học đường. Sự thờ ơ của nhà trường, việc phụ huynh chưa quan tâm, sát sao với con cái cũng dẫn đến những khiếm khuyết về tâm lí, tính cách, suy nghĩ sai lệch dẫn đến hành động cực đoan của các em.
Khi bạo lực học đường diễn ra, các học sinh sẽ trở nên kém tập trung, lo âu, kết quả học tập giảm sút. Lâu dài, các em sẽ mất niềm tin vào giáo dục và có thể mắc các hội chứng trầm cảm, tự kỉ, sợ giao tiếp xã hội,... Vấn nạn này không chỉ tác động đến tâm lí, tinh thần của học sinh mà còn gây hậu quả lớn về mặt xã hội. Nó tạo ra môi trường học tập không an toàn, lành mạnh, gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và sự phát triển toàn diện của học sinh.
Để đối mặt với vấn đề này, chúng ta cần thực hiện các biện pháp nhất quán và đồng bộ từ nhiều phía khác nhau. Trước hết, hệ thống giáo dục cần thiết lập các chương trình đào tạo và hoạch định giáo dục tâm lí, giúp học sinh xây dựng kĩ năng kìm chế cảm xúc và giải quyết xung đột. Gia đình và nhà trường cũng cần kết hợp chặt chẽ để giáo dục con em về những tác hại, hệ quả xấu của nạn bạo lực học đường. Các bạn học sinh là người trực tiếp tiếp xúc với bạo lực, cho dù có nghe, nhìn hay là nạn nhân của vấn nạn này, các bạn cũng phải dũng cảm lên tiếng để bảo vệ chính mình và mọi người xung quanh. Ngoài ra, các cấp quản lí và xã hội cũng cần tạo ra các cơ chế xử lí công bằng đối với các trường hợp bạo lực học đường.
Bạo lực học đường không chỉ là vấn đề của trường học mà còn là thách thức đối với toàn xã hội. Tất cả mọi người cần chung tay xây dựng một môi trường học tập an toàn, tích cực để giúp học sinh phát triển toàn diện về cả kiến thức và tâm lí. Từ đó, mầm mống bạo lực sẽ dần được loại bỏ, trường học sẽ thực sự là “ngôi nhà thứ hai” đầy hạnh phúc của học sinh.
Trình bày ý kiến về một vấn đề có tính thời sự trong đời sống của lứa tuổi học sinh - Mẫu 2
Chào tất cả các bạn! Tôi tên là…. Dạo gần đây, tôi thấy một số người bạn của mình đang gặp phải một vấn nạn nhức nhối và báo động trong các nhà trường, đó là bạo lực học đường. Tuy nhiên, các bạn ấy vẫn chưa biết cách để giải quyết vấn đề này. Nên hôm nay, tôi sẽ thảo luận với các bạn về bạo lực học đường trong nhà trường hiện nay, để chúng ta tìm ra những biện pháp hay, giúp ích cho những nạn nhân của bạo lực học đường.
Tôi lựa chọn đề tài này bởi tôi mong muốn chấm dứt ngay vấn đề đáng lẽ không nên xảy ra trong môi trường giáo dục, đồng thời mong muốn bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với những bạn đang là nạn nhân và thức tỉnh kẻ gây ra bạo lực học đường, giúp trường học trở thành nơi mà chúng ta được bảo vệ, chia sẻ.
Trước hết, vô số những bạn học sinh khác trên cả nước đang là nạn nhân của bạo lực học đường. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2023, cả nước có gần 1600 vụ việc học sinh đánh nhau, cứ 9 trường lại có học sinh đánh nhau. Đây chỉ là con số được thống kê, ngoài ra còn có vô số những vụ việc bạo lực học đường khác chưa được cập nhật. Nạn nhân của bạo lực học đường thường là những cô, cậu học sinh tâm lý chưa vững, rất dễ bị trầm cảm, mắc bệnh tâm lý do bị dọa nạt, không tìm được hướng giải quyết, từ đó giảm khả năng học tập, nghỉ học, thậm chỉ là tự tử
Bạo lực học đường không chỉ gây ra vấn đề tâm lý cho nạn nhân, mà còn cho cả những người đang bắt nạt. Họ sẽ bị “tiêm nhiễm” những thói hư, tật xấu, coi việc bắt nạt người khác là chuyện đương nhiên. Hậu quả là, họ sẽ chểnh mảng học tập, không trở thành người có ích cho xã hội, đồng thời, vô hình chung, trở thành gánh nặng cho cả cộng động và gia đình. Một xã hội không phát triển là một xã hội nhiều kẻ bạo lực.
Vậy, giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này? Theo tôi, chúng ta nên giáo dục và tuyên truyền cho học sinh về hậu quả của bạo lực học đường. Cần có những hình phạt răn đe thích đáng cho những kẻ bắt nạt (kỉ luật, đi cải tạo,…) để các bạn trẻ noi gương mà không làm theo. Bên cạnh đó, gia đình cũng nên chú ý đến con em mình hơn. Khi thấy con mình có dấu hiệu bị bắt nạt, hãy chủ động chia sẻ, giải quyết vấn đề cùng con, luôn động viên con. Còn khi thấy con mình đang bắt nạt bạn khác, hãy lập tức ngăn chặn hành động đó lại thật quyết liệt, có thể răn dạy ở nhà hoặc báo lên chính quyền địa phương để ngăn chặn,
Quan trọng hơn cả, bản thân nạn nhân cũng nên tự tìm ra những hướng giải quyết. Đừng ngần ngại chia sẻ với người thân và thầy cô về vấn đề mình đang gặp phải. Hãy mạnh mẽ đứng lên đấu tranh, vì xung quanh bạn có rất nhiều ủng hộ, che chở cho bạn.
Bài thảo luận của tôi đến đây là kết thúc. Tôi hi vọng bài thảo luận này sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho mọi người về bạo lực học đường. Tôi rất mong nhận được sự góp ý và nhận xét từ các bạn. Tôi xin cảm ơn!
Trình bày ý kiến về một vấn đề có tính thời sự trong đời sống của lứa tuổi học sinh - Mẫu 3
Xin chào thầy cô và các bạn, sau đây em xin trình bày về hiện tượng học lệch của học sinh hiện nay.
Học sinh là những cánh chim non, những chủ nhân tương lai của đất nước và trong tương lai sẽ đưa đất nước phát triển đi lên sánh vai với các cường quốc năm châu. Chính vì vậy mà ngay từ bây giờ việc học tập của học sinh đang được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, nhiều bạn vẫn chưa xác định đúng đắn được mục đích và động cơ học tập nên vẫn còn tình trạng học lệch diễn ra.
Học lệch là việc học không cân đối, không đều các môn, chú trọng môn này mà xao lãng môn khác, chỉ chú tâm đến môn mình sẽ thi đại học hay là đi theo sở thích cá nhân chứ không phải học để có kiến thức toàn diện.
Biểu hiện của việc học lệch rất rõ ràng nhận ra trong suốt quá trình học tập và qua những lần kiểm tra, thi cử. Có những bạn chỉ thích học các môn tự nhiên vì chúng không đòi hỏi phải học thuộc quá nhiều và cũng không cần ghi chép đến mức mỏi tay mà chỉ cần có một bộ não tư duy sắc bén. Hay có những bạn lại thích học các môn xã hội vì nó không khô khan như công thức toán lí hóa và chỉ cần chăm chỉ là có thể học tốt. Bên cạnh đó còn có xu hướng chuyên tâm học Ngoại ngữ mà quên đi các môn học còn lại. Vì sao vậy? Vì trong bối cảnh đất nước đang trên đà giao lưu, hội nhập có khả năng ngoại ngữ tốt là một hành trang vô cùng hữu ích cho những ai muốn nâng cao vị trí, tầm quan trọng của mình trong xã hội.
Học lệch là học chuyên sâu về một vài lĩnh vực nào đó và quả thật là chúng ta sẽ có kiến thức vô cùng vững vàng và chắc chắn trong lĩnh vực ấy. Thế nhưng đó cũng là cách ta tự tạo ra một lỗ hổng kiến thức cho mình. Kiến thức cơ bản không có người ta trở nên chán ghét môn học, dần dần cảm thấy chán nản khi nhắc đến và không muốn học. Khi đó, kết quả học tập giảm sút làm ảnh hưởng đến chính người học và sau cùng là suy giảm chất lượng giáo dục. Giáo dục kém, đất nước thiếu đi những nhân tài toàn diện là điểm yếu của một đất nước trong giai đoạn đang phát triển.
Xét về nguyên nhân, đầu tiên là phải bàn đến bản thân người học. Đôi khi là do sở thích vốn có, chỉ thích môn này, môn kia mà bỏ bê những môn còn lại. Cũng có thể do bệnh lười ăn sâu, ngại học, ngại tìm tòi, nghiên cứu. Tuy vậy yếu tố khách quan cũng có tác động mạnh. Đó là tác động của kì thi Trung học phổ thông quốc gia. Các sĩ tử chỉ tập trung vào môn học xét tuyển đại học để có được điểm số cao, đỗ vào trường mình mơ ước để sau này dễ tìm kiếm việc làm.
Bởi những hậu quả khó lường mà học lệch gây ra, mỗi chúng ta cần có ý thức nói không với học lệch, tích cực với tất cả các môn, vận dụng lý thuyết vào thực tế để ghi nhớ, khắc sâu. Cần tuyên truyền đến mọi người về những tác hại do học lệch gây ra, tham gia các diễn đàn, chương trình học tập để nâng cao vốn tri thức.
Nói tóm lại, học lệch gây ra rất nhiều tác hại, không những hổng kiến thức mà còn làm cho kiến thức không lâu bền, dễ phai mờ. Ý thức được điều đó, em sẽ phân chia thời gian cho các môn học sao cho hợp lí mà vẫn có thể nâng cao hơn những môn thi đại học.
Trình bày ý kiến về một vấn đề có tính thời sự trong đời sống của lứa tuổi học sinh - Mẫu 4
Xin chào thầy cô và các bạn, sau đây em xin trình bày về vấn đề nghiện game của học sinh hiện nay. Không thể phủ nhận được game online được xem chính là một trò chơi giải trí lành mạnh. Trò giải trí nào cũng sẽ có mục đích đó chính là sẽ giúp cho đầu óc thư giãn và cho chúng ta thấy được những sự thoải mái sau những căng thằng. Nhưng hiện nay có thể thấy được rằng những trò game online dường như lại đối với một số bạn trẻ đã không còn giữ được sự trong sáng đó nữa. Qủa thực những vấn đề nghiện game online hiện nay dường như cũng đang khiến cho phụ huynh và rất nhiều người khác nhức nhối vì chưa giải quyết triệt để hay có cách nào triệt tiêu nó đi.
Game online chúng ta hiểu nôm na ra đó chính là những trò chơi qua mạng Internet, trò chơi này thì lại với nhiều loại hình khác nhau, nó dường như giúp cho chúng ta có thể chọn lựa thoải mái bạn trẻ chọn lựa. Nếu như các bạn mà chỉ chơi để giải trí thì nó không ảnh hưởng đến học hành nhưng dường như nếu như nghiện, hay chúng ta lại quá mê mẩn quá thì sẽ dẫn đến nhiều điều tai hại. Đó dường như cũng chính là nghiện game. Khi chúng ta mà nghiện game được định nghĩa chính là khi chúng ta mà sa vào trò chơi đó mà không thể thoát ra được. Điều đó như cho con người cứ mãi chìm đắm trong thế giới game, đặc biệt là sự sao nhãng việc học tập cũng như khiến cho tinh thần không còn đủ minh mẩn hay tỉnh táo nữa.
Ta như thấy được hiện nay tình trạng nghiện game online nó như đang diễn ra rất nhiều. Và đặc biệt nó lại càng diễn ra phổ biến ở lứa tuổi học sinh, sinh viên. Vì đây được xem chính là lứa tuổi dễ bị sa vào những trò chơi vô bổ, khi mà các em học sinh lại chưa phải lo nghĩ nhiều đến tương lai. Một phần khác thì lại bị bạn bè dụ dỗ, lôi kéo cùng chơi sau rồi cũng thành nghiện lúc nào không hay. Ta như thấy được chính trò game online nếu chơi không khoa học sẽ bị nghiện, và chất gây khích thích và chất gây nghiện dường như lại được nằm ở trong những trò chơi. Và ta cũng cần phải biết được rằng không phải trò nào cũng có thể gây nghiện được.
Hiện nay ta như thấy được những quán game đang ngày càng mọc lên nhảm nhảm, ngoài phố, hay trong những con ngõ, đặc biệt đó chính là ở gần trường học đâu đâu cũng thấy game. Đâyđược đánh giá là một trong những điểm hút học sinh, sinh viên. Có thể thấy được rằng quan trọng hơn tất cả thì bản thân các em không kiềm chế được sự tò mò, hay đó chính là những sự kích thích của trò chơi mà sa vào.
Nhiều người đã từng đưa ra rất nhiều nguyên nhân mà giới trẻ nghiện game xuất phát từ nhiều phía. Đầu tiên đó có thể là do các bậc cha mẹ không chăm lo quan tâm đến đời sống tinh thần của con cái. Khi không được quan tâm cho nên con cái sẽ tìm đến một thế giới khác để giải tỏa tâm lý, và mới đầu chỉ là để giải tỏa, sau lại thành nghiệ. Thực sự cũng đã có rất nhiều bạn trẻ rời nhà lên thành phố học đại học, ba mẹ không quản được mà dường như cũng đã bị bạn bè lôi kéo nên ngày đêm chìm ngập trong thế giới đó. Qủa thật ta có thể nhận thấy được rằng chính bản thân mỗi người nếu không có bản lĩnh và đó cũng chính là những sự kiềm chế thì chắc chắn sẽ bị thế giới ảo này cuốn trôi vào vòng xoáy của cơn nghiệm trò chơi điện tử.
Có thể nói rằng chính hậu quả của việc nghiện game online thực sự rất đang ngại. Học tập sa sút nghiêm trọng, nó như làm cho các em bỏ bê việc học. Lý do đó chính là các em lại như đã dành thời gian để “cày” game quá nhiều còn dẫn đến đầu óc không còn được tỉnh táo. Khi tập trung vào một vấn đề quá mức thì sao các em có thể học tập tốt được. Thực sự khi các em sao nhẵng quá mức vào các trò chơi này thì như cổ nhân có một câu “Tiền mất tật mang”. Thực sự thế giới game sẽ chẳng mang lại cho bạn bất cứ được điều gì có ích cả nếu như bạn không biết làm chủ chính mình. Thế giới game dường như cũng chỉ toàn những điều tai hại.
Chúng ta rất khó để đưa họ ra khỏi thế giới ảo đó, để giúp họ có thể quay về cuộc sống đời thường. Nhưng có một điều chắc chắn đó là chúng ta có thể ngăn ngừa, hạn chế được thói hư này. Các bậc làm cha là mẹ cũng nên động viên, khuyến khích các bạn tham gia những câu lạc bộ tình nguyện để như là một cách có thể làm phong phú thêm đời sống tinh thần. Đó cũng là một biện pháp bổ ích và thú vị.
Chúng ta cũng cần phải hạn chế việc nghiện game thì mới giúp chocác bạn trẻ đã tự tạo cho mình một sân chơi lành mạnh để học và chơi hiệu quả, an toàn nhất.
Như vậy, ta có thể thấy rằng tình trạng nghiện game online ở giới trẻ đang tăng lên, cần phải tìm cách để có thể hạn chế được thực trạng đáng báo động này. Trò chơi là để giải trí chứ đừng quá dành nhiều thời gian cho nó mà quên mất đi nghĩa vụ chính của học sinh là học tập.
Bài thảo luận của em đến đây là kết thúc. Rất hi vọng bài thảo luận này sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho mọi người về tình trạng nghiện game. Em rất mong nhận được sự góp ý và nhận xét từ các bạn. Em xin cảm ơn!
Trình bày ý kiến về một vấn đề có tính thời sự trong đời sống của lứa tuổi học sinh - Mẫu 5
Xin chào thầy cô và các bạn, sau đây em xin trình bày về hiện tượng gian lận trong thi cử. "Điểm cấp ba và điểm đại học có thể mua được mà", câu nói từng gây phẫn nộ cộng đồng mạng vì sự ngạo mạn được cho là bịa đặt của một hotgirl trẻ tuổi hiện nay đã không hoàn toàn chỉ là một câu nói xốc nổi. Trên thực tế cho thấy, tình trạng gian lận trong thi cử đang xuất hiện ngày một nhiều và diễn biến công khai, rầm rộ.
Gian lận trong thi cử là hành vi sử dụng tài liệu giấy, "phao" hay các thiết bị điện tử tinh vi như tai nghe, máy tính bỏ túi,... để quay cóp bài trong quá trình thi. Hành động vi phạm quy chế thi này xảy ra rất thường xuyên, đặc biệt là những bài thi học thuộc hoặc những kì thi quan trọng như thi cuối kì, thi Đại học,..
Việc gian lận trong thi cử có quy mô rải rác từ nhỏ đến lớn. Học sinh đi học ít nhất cũng có một lần không thuộc bài, đến gì kiểm tra thì tìm cách mở sách vở, lên mạng tra bài nhắm chép lại vào bài thi của mình, tránh bị điểm kém. Tại trường học, sự gian lận có thể bắt gặp từ những mảnh phao ruột mèo chữ nhỏ li ti vứt trong thùng rác, trong ngăn bàn mỗi lần thi học kì xong, xuất hiện nhiều sau những môn thi đòi hỏi sự chăm chỉ, kiên nhẫn như Văn, Lịch Sử, Địa lý,... Các bạn học sinh không ngại ngần kết hợp với nhau để được cùng mở sách, cùng dùng tài liệu, trao đổi bài cho nhau, nhắc bài, thậm chí lợi dụng sơ hở của giáo viên để đổi đề làm bài hộ nhau. Sự "thông minh" và lanh lợi này của học trò dường như đã trở thành thói quen, một phòng thi vài chục thí sinh, giáo viên coi thi cũng khó có thể kiểm soát được toàn bộ tình hình để đưa ra hình thức xử phạt hợp lý.
Tinh vi hơn, có tổ chức hơn phải kể đến những hành vi gian lận sử dụng thiết bị công nghệ tiên tiến. "Siêu tai nghe" được thiết kế rất nhỏ, có kết nối với hệ thống bên ngoài để nhắc bài, hỏi bài trực tiếp mà các giám thị rất khó có thể phát hiện. Trước kì thi THPT Quốc gia năm 2018, phòng Bảo vệ an ninh Chính trị và công an Hà Nội đã bắt giữ đối tượng buôn bán hơn 40 bộ tai nghe siêu nhỏ định bán cho thí sinh có ý muốn thực hiện hành vi gian lận. Như vậy, việc gian lận trong thi cử còn được mua bán như một món hàng, thực hiện tinh vi và có tổ chức. Ngoài ra, trong hai kì thi Trung học phổ thông Quốc gia vừa qua, cả nước bàng hoàng khi phát hiện ra hàng loạt vụ gian lận, nâng điểm cho các thí sinh con ông cháu cha, thậm chí, thí sinh thủ khoa Sư Phạm năm 2019 còn được nâng tới 19 điểm. Chưa kể đến hàng loạt những tỉnh thành như Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La có tỉ lệ thí sinh được nâng điểm cao chóng mặt, rất nhiều trong số các học sinh này đã nhập học các trường nổi tiếng thuộc bộ công an, quân đội, y khoa,...
Nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ nhiều khía cạnh. Đối với học sinh, xét cho cùng việc gian lận cũng chỉ để có điểm cao, không bị cha mẹ quở mắng. Như vậy, phụ huynh vô hình dung đặt lên vai con cái gánh nặng điểm số, điểm kém đồng nghĩa với việc ngu dốt, lười biếng mà không xét theo cả một quá trình cố gắng rèn luyện. Chính từ đó, các bậc phụ huynh có xu hướng mua điểm cho con để con được vào trường chuyên lớp chọn, làm rạng danh gia đình. Giáo viên vì áp lực dạy, nhà trường vì áp lực đầu vào,... tạo nên một hệ thống gian lận nhằm đảm bảo cho cái danh, cái vỏ ngoài lộng lẫy với những điểm giả cao chót vót.
Có ý kiến cho rằng, sự gian lận là do chính bản thân học sinh, vì lười biếng, ham chơi, dành thời gian học để chơi điện tử, trò chuyện với bạn bè, nước đến chân mới nhảy, không có ý chí vươn lên trong học tập mà chỉ muốn có điểm số để duy trì. Ý kiến này đúng nhưng dường như chưa đủ, vì một đứa trẻ sẽ không thể tự sinh ra những tính xấu, tìm cách lách luật nếu sống trong môi trường trong sạch, không bị đe dọa bởi đòn roi khi bị điểm kém mà thay vào đó là những lời động viên, giúp đỡ để cải thiện điểm số.
Tình trạng gian lận thi cử công khai này là một tiếng chuông báo động về tình trạng dối trá của cả một hệ thống từ nhà trường, học sinh và phụ huynh. Học sinh quen thói gian lận, quay cóp trở nên phụ thuộc, tư duy đình trệ, lười biếng, chỉ nghĩ đến việc gian lận mà không tập trung ôn luyện. Gia đình chạy theo cuộc đua điểm số, phung phí tiền bạc với thứ "hữu danh vô thực". Điều cốt lõi nhất là khi gian lận trở thành thói quen, học sinh hoàn toàn không có kiến thức nền tảng trong đầu để ứng dụng vào cuộc sống, điểm số trên bảng thành tích cao vời vợi nhưng bản chất lại rỗng tuếch. Thay vì được lấp đầy bằng kiến thức trong quá trình học tập, các em lại thuần thục những thói hư tật xấu như gian lận, dối trá,... Nhà trường từ đó không có hướng giải quyết để bù đắp lỗ hổng kiến thức cho các em học sinh, khi điểm thi học kì không phản ánh đúng thực chất. Các trường Đại học có các sinh viên vào trường do gian lận thi cử vừa bị ảnh hưởng tới danh tiếng, vừa không thể kiểm soát được quá trình đào tạo những cử nhân Đại học tương lai.
Gian lận là một hành vi xấu, gian lận trong thi cử là hành vi thể hiện sự mục ruỗng và thiếu vững chắc trong nền tảng giáo dục. Để có được một thế hệ có thể tự lực gồng gánh vận mệnh quốc gia, bản thân mỗi học sinh thay đổi thôi chưa đủ, cần có sự tác động từ cả gia đình trong việc quán xuyến, hình thành tính cách thật thà, trong sạch cho trẻ và nhà trường trong việc khuyến khích các em không đặt nặng điểm số mà hãy chú tâm vào chất lượng kiến thức. Học sinh cần hiểu rằng, điểm số không quan trọng, quan trọng là các em có gì trong tay để ra đời, có thể vận dụng những kiến thức bổ ích ấy vào xã hội.
Thế kỉ của hội nhập và phát triển sẽ không dung túng cho những trường hợp gian lận để đạt lấy thành công. Nếu chế tài xử phạt không quản lý được, ắt hẳn cuộc sống sẽ tự cô lập và đào thải các cá nhân, tổ chức có hành vi dối trá trong học tập và làm việc. Là mầm non tương lai của đất nước, bản thân mỗi chúng ta cần rèn luyện, trau dồi đạo đức và nói không với gian lận thi cử, chung tay xây dựng và kiến thiết môi trường học đường sạch sẽ, văn minh.
Bài thảo luận của em đến đây là kết thúc. Rất hi vọng bài thảo luận này sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho mọi người về vấn nạn gian lận trong thi cử. Em rất mong nhận được sự góp ý và nhận xét từ các bạn. Em xin cảm ơn!
Trình bày ý kiến về một vấn đề có tính thời sự trong đời sống của lứa tuổi học sinh - Mẫu 6
Đang cập nhật ...
Trình bày ý kiến về một vấn đề có tính thời sự trong đời sống của lứa tuổi học sinh - Mẫu 7
Đang cập nhật ...