TOP 20 bài Nghị luận về Cách giải quyết mâu thuẫn, xung đột ở lứa tuổi học trò

15.1 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Nghị luận về Cách giải quyết mâu thuẫn, xung đột ở lứa tuổi học trò Ngữ văn 9 Kết nối tri thức, gồm dàn ý và các bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo từ đó học cách viết văn hay hơn.

Nghị luận về Cách giải quyết mâu thuẫn, xung đột ở lứa tuổi học trò

Đề bài: Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết (trong đời sống của học sinh hiện nay) - Cách giải quyết mâu thuẫn, xung đột ở lứa tuổi học trò.

TOP 20 bài Nghị luận về Cách giải quyết mâu thuẫn, xung đột ở lứa tuổi học trò (ảnh 1)

Dàn ý Nghị luận Cách giải quyết mâu thuẫn, xung đột ở lứa tuổi học trò

a. Mở bài

- Giới thiệu, dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: Giải quyết mâu thuẫn, xung đột ở lứa tuổi học trò.

b. Thân bài

- Giải thích khái niệm xung đột, mâu thuẫn ở lứa tuổi học trò.

- Nêu hiện trạng hiện nay của tình trạng xung đột, mâu thuẫn ở lứa tuổi học trò.

- Nêu nguyên nhân dẫn đến tình trạng xung đột, mâu thuẫn ở lứa tuổi học trò.

- Nêu ra các giải pháp cho tình trạng xung đột, mâu thuẫn ở lứa tuổi học trò.

c. Kết bài

- Khái quát, liên hệ bản thân về vấn đề.

Nghị luận về Cách giải quyết mâu thuẫn, xung đột ở lứa tuổi học trò - Mẫu 1

Giáo dục là một môi trường nghiêm túc và đòi hỏi những chuẩn mực nhất, bởi đó là nơi nuôi dưỡng con người trưởng thành và phát triển. Tuy nhiên, vấn đề “bạo lực học đường” lại đang là “một thùng dầu loang lổ” giữa biển trời giáo dục, khiến cho giáo viên, phụ huynh và cả học sinh bận lòng.

Trước tiên khi nói về bạo lực học đường, đó là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lí, đạo lí, xúc phạm, trấn áp người khác gây những tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần trong phạm vi trường học. Đó là khi xảy ra xích mích giữa các học sinh trong lớp, trong trường, dẫn đến chửi, thậm chí là đánh nhau, gây những thương tích và cả những ký ức không đáng có trong cuộc đời học sinh của mỗi người. Bạo lực học đường không chỉ dừng lại ở chuyện làm tổn thương thể chất, đáng sợ hơn là những lời nói xúc phạm, mỉa mai, khiến người bị bạo lực rơi vào trạng thái tiêu cực nhất. Một thống kê gần đây cho thấy, từ năm 2010 đến nay, ở Việt Nam đã có hơn 7000 học sinh tham gia vào các sự việc đánh nhau, lôi kéo, dọa đánh bạn và bị kỷ luật. Hay ở Ai Cập, 70% học sinh từ 13-15 tuổi đã trả lời rằng họ bị bạo lực ít nhất một lần trong một tháng. Quả là một con số không tưởng, bạo lực học đường ở Việt Nam nói riêng, và cả khắp các nước trên thế giới nói chung đang ở mức “báo động đỏ”. Nghiêm trọng hơn, tình trạng này không chỉ dừng lại ở học sinh, dạo gần đây báo chí đã không ngừng đưa tin về những vụ việc giáo viên có những hành vi bạo lực quá thô bạo với học sinh của mình, tát, đạp, thậm chí là đánh đập dã man. Chứng kiến và nghe tin về những sự việc ấy, cộng đồng không khỏi lo lắng về sự an toàn trong trường học, một số phụ huynh còn không dám đưa con đến trường.

Bạo lực học đường bắt nguồn từ những nguyên nhân rất đơn giản, đôi khi chỉ từ những lời trêu đùa giữa các học sinh với nhau nhưng lại được nghiêm trọng hóa vấn đề. Một phần, vì đang ở độ tuổi nhạy cảm và bắt đầu hình thành những suy nghĩ mới, hoặc do những áp lực hay sự căng thẳng trong học tập, học sinh dần sinh ra thái độ bất cần, hiếu thắng và đó là chất kích thích để những vụ bạo lực xảy ra nhiều hơn. Thích thể hiện cái tôi cá nhân của mình, khả năng kiềm chế kém là lí do khiến không ít học sinh đã rơi vào trạng thái tồi tệ. Không thể không kể đến những tác động tâm lí đến từ gia đình và nhà trường, nếu bố mẹ không lựa chọn được cách giáo dục con tốt, gia đình bất hòa, hay trường học mắc “bệnh thành tích”, giáo viên thực hiện hành vi bạo lực. Tất cả những mặt tiêu cực ấy sẽ ảnh hưởng đến tâm lí của học sinh. Mặt khác, sự phát triển của công nghệ cũng khiến các bạn trẻ dễ tiếp cận hơn với những nguồn thông tin và những nội dung tiêu cực, ảnh hưởng nhiều đến nhận thức.

Tưởng chừng chỉ là sự hiếu động của lứa tuổi học trò, tuy nhiên bao lực học đường lại ảnh hưởng rất lớn đến học sinh, cả với người bị bạo lực hay người thực hiện hành vi bạo lực, hiện tại và cả sau này, khi họ không còn là học sinh, bởi không chỉ là thương tích mà còn là những vết thương lòng sau đó. Một số trường hợp may mắn được giải quyết, nhưng cũng có một số trường hợp để lại những hậu quả đáng tiếc, đó là sự đánh đổi cả mạng sống con người. Đứng trước tình trạng đáng báo động này, chính phủ nói chung và bộ giáo dục cần có nhận thức đúng đắn về vấn đề và đưa ra hướng giải pháp hợp lí. Mỗi học sinh cũng cần nhận thực được sự nguy hiểm của vấn nạn bạo lực trong trường học để bảo vệ mình và những người khác, đặc biệt, tác động và cách giáo dục từ cha mẹ cũng là một yếu tố gốc rễ, gia đình và nhà trường cần kết hợp cách giáo dục phù hợp nhất để giúp con, học sinh của mình có một môi trường giáo dục toàn vẹn.

Giải quyết vấn đề bạo lực học đường đang là vấn đề cấp thiết đặt ra cho xã hội, mỗi cá nhân cần chung tay để tạo một môi trường giáo dục trong sáng và hiệu quả như đúng bản chất của nó, để “mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui”.

5+ Nghị luận Cách giải quyết mâu thuẫn, xung đột ở lứa tuổi học trò (điểm cao)

Nghị luận về Cách giải quyết mâu thuẫn, xung đột ở lứa tuổi học trò - Mẫu 2

Trong những năm gần đây những xung đột, mâu thuẫn của học sinh, mà nặng hơn là bạo lực học đường đang là một vấn nạn lớn, làm đau đầu các nhà quản lí giáo dục và các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Gây bức xúc và gây tâm lý hoang mang cho phụ huynh, thầy cô và học sinh. Vậy làm thế nào để giải quyết được tình trạng này?

Chỉ cần lên Google đánh cụm từ "Học sinh đánh nhau" thì chỉ cần (0,08 giây) thì kết quả google tìm kiếm là 3.140.000 cụm từ liên quan đến việc học sinh dùng bạo lực để giải quyết những khúc mắc. Đây là một con số thật khủng khiếp và đáng báo động. Hoặc chỉ cần vào Youtube bạn sẽ thấy những hình ảnh, những thước phim bạo lực do học sinh quay lại và tung lên mạng. Những thước phim quay cảnh đấm đá vô nhân tính của các cô cậu mang đồng phục học trò đang đấm đá, xé áo, lột quần, túm tóc gây ám ảnh cho người xem và nỗi đau về một thế hệ tuổi trẻ với những nhân cách đang bị băng hoại nghiêm trọng.

Những nguyên nhân dẫn đến hành vi xung đột  thường là những hành vi do: học sinh cá biệt thành lập băng nhóm để ức hiếp bạn bè; do ảnh hưởng từ phim ảnh bạo lực; do ghen tị về thành tích học tập; do mâu thuẫn nhỏ trong bạn bè dẫn đến xích mích, nổi nóng thiếu kiềm chế; bên cạnh đó là những nguyên nhân cỏn con như "thích thì đánh cho nó chừa", "nhìn đểu".

Ông Phạm Ngọc Lưu, Trợ lý thanh niên Phòng Giáo dục quận 9, Tp Hồ Chí Minh cho rằng: Vấn đề bạo lực học đường hiện nay đang ở mức báo động cấp thiết, đang có nguy cơ nổ bùng và lan rộng. Và sẽ càng nguy hiểm hơn nếu bản thân các em tìm cách tự trả thù theo kiểu "xã hội đen" mà không cần đến sự giúp đỡ của thầy cô, nhà trường.

Nguyên nhân của những vụ việc trên có thể do học sinh bị tiêm nhiễm từ lối cư xử của các đối tượng bên ngoài nhà trường, thậm chí là những người lớn trong gia đình. Nhiều học sinh có cha mẹ hoặc người thân là những người hành nghề tự do trong xã hội và có cách cư xử không đúng chuẩn mực. Chính những thói quen ứng xử hằng ngày của họ đã vô tình gieo trong đầu các em những suy nghĩ không tốt, dẫn đến việc các em có lối cư xử, hành xử không hay trong nhà trường với bạn bè.

Những xung đột, mâu thuẫn ấy để lại những hậu quả nghiêm trọng, khó lường:

Gây tổn thương và gây dư chấn về tinh thần và thể xác: học sinh bị bạn bè đánh đập rồi bị quay phim tung lên mạng sẽ dễ bị chấn thương tâm lí, sốc về tinh thần, cảm thấy quê với bạn bè, xấu hổ với mọi người xung quanh. Vụ ba học sinh ở thành phố Vinh (Nghệ an) hành hung bạn, vụ học sinh Hà Nội hành hạ bạn giữa vườn hoa công viên: túm tóc, lột áo. Vụ học sinh trường THCS Chu Văn An (Tp Hồ Chí Minh) đánh bạn, quay phim làm nhức nhối dư luận trong thời gian qua. Chưa hết bàng hoàng thì vừa qua vào tháng 5 năm 2010 học sinh lớp 10 ở trường THPT Hồng Bàng tỉnh Đồng Nai đâm chết bạn ngay tại cửa lớp. Thầy Nguyễn Văn Đạo (42 tuổi), dạy môn Vật lý của trường THPT Trần Quang Diệu, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi bị một nhóm học sinh đánh bị thương nặng phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đặng Thuỳ Trâm, huyện Đức Phổ. Những thông tin này trong một bài viết ngắn không thể đem lên hết được nhưng cũng đủ để chúng ta gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về sự suy đồi đạo đức của một bộ phận giới trẻ Việt Nam.

Đau lòng hơn nữa khi mà những học sinh bị đánh, thầy cô giáo bị hành hung không phải xây xát nhẹ mà phải nằm viện với di chứng về tổn thương thể xác. Bị gãy tay chân, bị chấn thương sọ não. Thậm chí bị hoảng loạn, bị thần kinh, bỏ học, bỏ dạy.

Vậy chúng ta có thể có giải pháp nào cho vấn nạn này? Có Bốn giải pháp cấp thiết xóa bỏ hành vi xung đột, bạo lực trong môi trường học sinh:

Toàn xã hội cần phải củng cố, nâng cao chất lượng môi trường xã hội, văn minh tiến bộ. Cần có biện pháp quản lý, ngăn chặn và chế tài hiệu quả những hoạt động có tác hại đến môi trường văn hóa xã hội. Nghiêm cấm các game bạo lực.

Quan tâm nâng cao văn hóa gia đình. Trong từng gia đình, người lớn phải làm gương, giao tiếp ứng xử đúng mực, mạnh dạn lên án và loại bỏ bạo lực ra khỏi đời sống gia đình.

Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ ba môi trường giáo dục: gia đình – nhà trường – xã hội. Các cơ quan báo chí phải quan tâm thỏa đáng đối với lĩnh vực văn hóa, đạo đức và chấp hành luật pháp của mọi người dân.

Xã hội và ngành giáo dục cần xác định rõ lại vai trò, vị trí của người thầy, quyền hạn và trách nhiệm trong nhiệm vụ giáo dục đạo đức học sinh. Người thầy và nhà trường phải được bảo vệ danh dự và có đủ cơ chế để răn đe học sinh.

Nhà trường cần phát huy trách nhiệm đội ngũ giáo viên chủ nhiệm trong việc kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng cá nhân học sinh.

Tình thương, trách nhiệm là phương thuốc hiệu nghiệm nhất ngăn chặn bạo lực học đường. Theo bản thân người viết: Học sinh cần nghiêm túc kiểm điểm lại bản thân, biết kiềm chế được, biết nhận lỗi khi mình làm sai và biết vị tha khi bạn nhận ra lỗi lầm.

Với học sinh cá biệt, cần có sự quan tâm của gia đình - nhà trường - xã hội. Nếu tiếp tục vi phạm cần xử lý nghiêm bằng cách cho đi cải tạo, giáo dục nhân cách. Vì một môi trường học đường lành mạnh, Học sinh "HÃY NÓI KHÔNG VỚI XUNG ĐỘT, BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG". Mỗi người lớn trong gia đình phải là tấm gương lớn cho con em noi theo.

Nghị luận về Cách giải quyết mâu thuẫn, xung đột ở lứa tuổi học trò - Mẫu 3

Tuổi học trò luôn là khoảng thời gian tươi đẹp nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Thế nhưng, có một vấn nạn đang xảy ra và ngày càng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực trong cộng đồng hiện nay chính là việc xảy ra những mâu thuẫn, xung đột của học sinh trong môi trường học đường. Đây là một vấn đề vô cùng nhức nhối và cần có nhiều biện pháp để khắc phục, trả lại môi trường học đường trong sáng, lành mạnh cho học sinh.

Xung đột, mâu thuẫn là những vấn đề xoay quanh lời nói, hành vi bạo lực thô bạo, thiếu văn hóa giữa học sinh với học sinh và thậm chí và học sinh với thầy cô giáo. Những hành vi và lời nói này xúc phạm nghiêm trọng tới thể chất và tinh thần của người bị hại, gây những tác động xấu trong xã hội. Một thực tế đáng buồn là tình trạng này đang có dấu hiệu gia tăng.

Mỗi ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội hay trong chính cuộc sống xung quanh chúng ta cũng có thể bắt gặp những vụ bạo lực học đường. Các nhóm học sinh, sinh viên túm đông lại để xem 2 bạn học sinh “xử lý” lẫn nhau. Những nhóm học sinh hung bạo đánh đập thô bạo một bạn học sinh không có sức kháng cự. Đặc biệt là những vụ nữ sinh đánh nhau còn xé áo, xé quần nhằm làm nhục bạn rồi tung lên các trang mạng xã hội. Hay có những bài báo đưa tin thầy giáo, cô giáo có những lời lẽ và hành động xúc phạm đến danh dự và thân thể học sinh. Rồi học sinh có thái độ vô lễ, coi thường thầy cô giáo.

Những hành vi bạo lực đó để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với mọi người. Với những người bị hại, những hành vi bạo lực trên đã làm ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần của họ. Gây ra tâm lý hoang mang, lo sợ thường trực. Gây ra những mất mát, thương đau cho các gia đình có con bị hại. Thậm chí có những vụ bạo hành gây mất mạng. Nó cũng làm cho tình trạng xã hội ngày một bất ổn.

Không chỉ có ảnh hưởng xấu đối với những người bị hại mà cả những người gây bạo lực cũng bị những ảnh hưởng tiêu cực. Chắc chắn họ sẽ bị kỉ luật, bị chê trách, làm ảnh hưởng tới sự nghiệp và tương lai. Nếu hành vi này không được giáo dục và thay đổi sẽ dẫn tới sự phát triển không toàn diện sau này.

Vậy nguyên nhân của những hành vi bạo lực học đường này do đâu? Có thể kể đến một trong những nguyên nhân đầu tiên chính là sự thiếu hiểu biết và nhận thức một cách toàn diện của các bạn học sinh, sinh viên. Họ đánh bạn với những xích mích, những mâu thuẫn không đáng có, hoặc thậm chí đánh bạn để thể hiện ta đây là “đàn anh, đàn chị”, để ra oai. Có điều này là do họ bị ảnh hưởng bởi môi trường bạo lực, thiếu văn hóa hoặc tiếp xúc với quá nhiều những yếu tố bạo lực như phim ảnh hay các trò chơi điện tử. Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường cũng có một phần trách nhiệm do chưa có sự quan tâm thích đáng cũng như chưa có phương pháp giáo dục con cái, học sinh hợp lý. Một nguyên nhân nữa phải kể đến chính là sự dửng dưng của một bộ phận người trong xã hội trước những hành động bạo lực học đường. Nó khiến cho các hành động bạo lực có cơ hội được lan rộng.

Trước những hậu quả và nguyên nhân trên, cần có những biện pháp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu những hành vi xung đột học đường trong xã hội hiện nay. Trước hết, bản thân mỗi người cần có những nhìn nhận đúng đắn về hành vi của mình, có cách điều chỉnh và rèn luyện bản thân theo những hướng tích cực hơn. Nhà trường cần có những phương pháp giáo dục toàn diện hơn, chặt chẽ hơn để học sinh có thể nhìn thấy những tác hại khôn lường từ hành vi thiếu ý thức của mình. Gia đình cũng cần quan tâm tới cuộc sống của con cái nhiều hơn, hạn chế cho con tiếp xúc với những môi trường chứa nhiều bạo lực như phim ảnh hay các trò chơi điện tử.

Xung đột trong học đường tuy không phải là vấn đề mới nhưng nó có ảnh hưởng cũng như tác động xấu đối với toàn xã hội, vì thế mỗi người cần nâng cao ý thức của chính mình cũng như những người xung quanh để ngăn chặn hành vi này, trả lại cho học đường môi trường phát triển lành mạnh.

Nghị luận về Cách giải quyết mâu thuẫn, xung đột ở lứa tuổi học trò - Mẫu 4

Lứa tuổi học trò không thể tránh khỏi những bất đồng, xung đột. Thậm chí ở một vài nơi vẫn tồn tại bạo lực học đường trên lớp học, trong nhà trường, ngoài xã hội và đặc biệt còn bạo lực trên mạng xã hội. Điều này đã được hình thành và tồn tại từ lâu trong môi trường học đường. Đây cũng là vấn đề nhức nhối cần có sự phối hợp của cả học sinh, nhà trường, gia đình, xã hội để cải thiện tình hình và để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thời gian vừa qua, trên mạng xã hội liên tiếp xuất hiện các clip học sinh các trường THCS, THPT ở một số tỉnh, thành như Cao Bằng, Tuyên Quang, Hải Phòng, Cà Mau, TP Hà Nội…đánh nhau ở ngay trong lớp học hoặc bên ngoài khuôn viên nhà trường, trong các clip này, không chỉ hai học sinh đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn, mà cả một nhóm học sinh xông vào đánh, đấm, giẫm đạp lên người, lên đầu, thậm chí dùng cả gậy, mũ bảo hiểm đánh bạn một cách tàn bạo, nạn nhân chỉ biết van xin, không thể phản kháng, trong khi đó rất nhiều bạn bè đứng xung quanh nhưng không có hành động gì để can ngăn, thậm chí còn cổ vũ, đáng lưu ý hiện tượng bạo lực hiện nay không chỉ diễn ra trong nam sinh mà còn lan sang cả nữ sinh và ngày càng gia tăng. Những clip này là cú sốc lớn đối với phụ huynh và toàn xã hội khi tất cả mọi người đều nghĩ rằng các em đến trường đều chuyên tâm học hành, được đùm bọc trong sự thương yêu của thầy cô, bạn bè.

Những vụ việc trên là hồi chuông cảnh báo về sự bất lực của nhà trường, gia đình và xã hội. Khi xem những clip này nhiều người không khỏi xót xa, phẫn nộ trước tình trạng bạo lực học đường đang ngày một nghiêm trọng, nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng về tinh thần của học sinh, tạo tâm lý bất an cho học sinh, phụ huynh và cả xã hội. Khó ai biết, mỗi ngày đi học, con em mình có bị xâm hại thân thể, tinh thần hay không; bất cứ lúc nào, ở đâu, học sinh cũng có thể đánh nhau.

Vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, xung đột ở học sinh là gì? Thứ nhất, đó là nguyên nhân từ chính các em học sinh. Lứa tuổi học sinh là lứa tuổi  mà tâm, sinh lý các em có nhiều biến đổi, suy nghĩ bồng bột, thích tự chứng tỏ bản thân, dễ bị bạn bè rủ rê, lôi kéo, tâm lý có những nét bất ổn, đôi lúc bốc đồng, không kiểm soát được hành vi bản thân. Thứ hai, nguyên nhân từ môi trường gia đình và xã hội: môi trường đầu tiên mà mỗi đứa trẻ được sinh ra tiếp xúc là gia đình, bố, mẹ là những người có ảnh hưởng đầu tiên và quan trọng nhất đến việc hình thành tính cách, nhân cách và định hướng sống của con cái. Trong tình hình hiện nay, có không ít ông bố, bà mẹ dạy con bằng cách la mắng, đánh đập thô bạo con khi con mắc sai lầm, dần dần đã hình thành trong con cái tính hung hăng hơn. Việc con cái tiếp xúc với văn hóa  như phim ảnh, sách báo, game, đồ chơi (kiếm, súng) mang tính bạo lực... cũng gây ra những tác động tiêu cực, thúc đẩy sự gia tăng tính hung hăng ở trẻ. Xã hội cũng là nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng bạo lực học đường. Đa số những vụ việc bạo lực học đường thường xảy ra với những thanh thiếu niên sống trong cộng đồng dân cư có môi trường sống thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, nghèo khổ, nhiều đối tượng nghỉ học sớm, chơi bời lêu lổng, nơi có nhiều tệ nạn xã hội... khi tiếp xúc với nhiều đối tượng xấu đó đã tác động xấu tới các em, dần dần đưa vào môi trường học đường và tác động, ảnh hưởng đến những học sinh khác trong nhà trường. Thứ ba, nguyên nhân từ nhà trường: các trường học còn nặng về việc truyền thụ kiến thức cho học sinh, đôi khi lãng quên nhiệm vụ giáo dục con người. Mặt khác, cuộc sống thực dụng, chạy theo đồng tiền của một phần xã hội đã làm cho giá trị quan trọng của nhà trường, đạo đức của một bộ phận thầy cô giáo bị xuống cấp. Một số vụ việc học sinh đánh nhau ngay tại lớp học nhưng nhà trường không hay biết, chỉ đến khi trên mạng xuất hiện clip mới quay lại xác minh, xử lý.

Vậy làm thế nào để có thể giảm thiểu những mâu thuẫn, xung đột ở học sinh? Nhà trường cần có biện pháp giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức của các em học sinh về hành động, hậu quả của hành động bạo lực. Với những học sinh cá biệt, có biểu hiện “đầu gấu” thì phải khoanh vùng, phối hợp cùng gia đình uốn nắn, giúp đỡ các em, lôi kéo các em vào các phong trào của lớp, tạo sân chơi lành mạnh làm cho các em đỡ nhàm chán.

Các gia đình cần nhìn nhận lại cách giáo dục con trẻ, cần quan tâm tìm hiểu xem trẻ nghĩ gì, cần gì, xử sự như thế nào với bạn bè; cha mẹ hãy là bạn đồng hành với con cái, không nên tạo cho con cái một vỏ bọc quá cứng nhắc sẽ gây tâm lý ỷ lại, dựa dẫm, chơi bời, hưởng thụ; cần có thái độ phê phán, lên án những hành vi thô bạo và có những biện pháp xử lý có tính chất răn đe để làm gương cho người khác.

Nhà trường cần chủ động trao đổi thông tin với gia đình các em học sinh và chính quyền địa phương để nắm tình hình, quản lý và giáo dục học sinh. Giáo viên chủ nhiệm cần nắm chắc diễn biến tư tưởng của học sinh, không để các hành vi tiêu cực, bạo lực xảy ra. Cần chú trọng việc dạy các môn học giáo dục công dân, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, xây dựng môi trường sư phạm thân thiện, trang bị cho học sinh nhận thức đúng đắn để các em có hành động đẹp, biết yêu thương, tôn trọng bạn bè.

Cả hệ thống chính trị cần nhận thức đúng đắn vai trò trách nhiệm của mình trong giải quyết vấn nạn bạo lực học đường, phát huy hết vai trò của mình trong công tác phòng ngừa tình hình bạo lực học đường, chủ động sử dụng tốt biện pháp vận động quần chúng, tăng cường tuyên truyền, vận động tại các khu dân cư, khi phát hiện mâu thuẫn cần kịp thời ngăn chặn, không để gây hậu quả xấu.

Những xung đột ở lứa tuổi học sinh đang ngày càng nhiều hơn và trở thành mối lo ngại của toàn xã hội. Những hành động tưởng như rất nhỏ của một thế hệ học sinh nhưng đang đe dọa đến sự ổn định xã hội mà chúng ta đang sinh sống. Không có gì là tự nhiên mà có, chúng ta phải hành động, phải thay đổi cách nhìn nhận vấn đề, biết nhận thức được cái nào tốt, cái nào xấu, cái nào cần phải loại bỏ và cái nào nên tích cực phát huy. Những xung đột, mâu thuẫn của học trò là những điều cần loại bỏ để thời thanh xuân của mỗi người đẹp đẽ hơn.

Nghị luận về Cách giải quyết mâu thuẫn, xung đột ở lứa tuổi học trò - Mẫu 5

Mái trường thân yêu luôn là nơi ươm mầm những ước mơ, khát vọng và chắp cánh cho những tâm hồn trẻ thơ bay cao, bay xa. Tuy nhiên, bên cạnh những kỷ niệm tươi đẹp, tình bạn trong sáng, học đường cũng không tránh khỏi những va chạm, mâu thuẫn giữa các cá nhân, tập thể. Là một học sinh, em nhận thấy rằng việc giải quyết xung đột và hòa giải trong môi trường này là vô cùng cần thiết, không chỉ để duy trì một môi trường học tập lành mạnh mà còn để rèn luyện những kỹ năng sống quan trọng, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ.

Xung đột học đường, một vấn đề không mới nhưng luôn mang tính thời sự và cấp bách, được hiểu là những mâu thuẫn, bất đồng quan điểm, tranh chấp phát sinh giữa các học sinh trong quá trình học tập và sinh hoạt tại trường. Những xung đột này có thể nảy sinh từ những nguyên nhân rất nhỏ nhặt như tranh giành đồ dùng học tập, lời nói đùa vô ý, cho đến những vấn đề nghiêm trọng hơn như bắt nạt, bạo lực học đường.

Thực tế đáng buồn là xung đột học đường đang diễn ra ngày càng phổ biến và có xu hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ học sinh cho biết từng là nạn nhân hoặc chứng kiến hành vi bạo lực học đường trong năm học vừa qua lên tới con số đáng báo động 30%. Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, sức khỏe của học sinh mà còn làm suy giảm chất lượng giáo dục, gây mất niềm tin trong xã hội.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này rất đa dạng và phức tạp. Có thể kể đến như sự khác biệt về tính cách, quan điểm, sở thích giữa các cá nhân; sự cạnh tranh trong học tập, hoạt động ngoại khóa; sự thiếu hiểu biết, kỹ năng giao tiếp và giải quyết vấn đề; sự tác động tiêu cực từ môi trường gia đình, bạn bè và mạng xã hội...

Để lại những hệ lụy khôn lường, xung đột học đường không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của học sinh, gây ra những tổn thương về tinh thần, thể chất, mà còn làm giảm sút kết quả học tập, phá vỡ các mối quan hệ bạn bè, thầy trò, thậm chí dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật. Nếu không được giải quyết kịp thời và hiệu quả, những xung đột này sẽ trở thành mầm mống của bạo lực học đường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của cá nhân học sinh và toàn xã hội.

Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến cho rằng xung đột là một phần tất yếu của cuộc sống, là cơ hội để học sinh rèn luyện tính tự lập, khả năng tự giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, quan điểm này cần được xem xét một cách toàn diện và khách quan. Việc để mặc những xung đột tự diễn biến có thể dẫn đến những hậu quả khó lường, đặc biệt là đối với những học sinh chưa có đủ nhận thức và kỹ năng để đối phó với những tình huống căng thẳng.

Trước hết, để ngăn chặn xung đột ngay từ trong trứng nước, việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hòa giải là vô cùng cần thiết. Học sinh, giáo viên, và ban giám hiệu nhà trường cần chung tay tổ chức các buổi sinh hoạt lớp, diễn đàn, hội thảo về kỹ năng giải quyết xung đột và hòa giải. Bên cạnh đó, việc lồng ghép nội dung này vào các môn học như Giáo dục công dân, Kỹ năng sống cũng là một cách tiếp cận hiệu quả. Sử dụng các công cụ hỗ trợ như sách, tài liệu, video, trò chơi mô phỏng tình huống xung đột sẽ giúp học sinh hiểu rõ hơn về nguyên nhân, hậu quả của xung đột, từ đó có thái độ tích cực hơn trong việc phòng ngừa và giải quyết xung đột. Thực tế đã chứng minh, những trường học có chương trình giáo dục về hòa giải thường có tỷ lệ xung đột và bạo lực học đường thấp hơn đáng kể so với những trường không có chương trình này.

Bên cạnh đó, xây dựng kỹ năng giao tiếp hiệu quả là một yếu tố quan trọng không kém. Là học sinh, chúng ta cần chủ động tham gia các khóa học, câu lạc bộ về kỹ năng giao tiếp để rèn luyện khả năng lắng nghe tích cực, diễn đạt rõ ràng và kiểm soát cảm xúc. Khi chúng ta biết cách lắng nghe và thấu hiểu người khác, những hiểu lầm sẽ được giảm thiểu, và nguy cơ xung đột cũng theo đó mà giảm xuống. Một nghiên cứu của Đại học Harvard đã chỉ ra rằng những người có kỹ năng giao tiếp tốt có khả năng giải quyết xung đột cao hơn 30% so với những người khác, một con số đáng để chúng ta suy ngẫm.

Không chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức và rèn luyện kỹ năng, chúng ta cần chung tay tạo dựng một môi trường học đường thân thiện, cởi mở. Học sinh, giáo viên, và ban giám hiệu nhà trường có thể cùng nhau tổ chức các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, đội nhóm để tạo cơ hội cho học sinh giao lưu, hợp tác và xây dựng mối quan hệ tích cực. Khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động tình nguyện, giúp đỡ lẫn nhau cũng là một cách hiệu quả để gắn kết các thành viên trong cộng đồng học đường. Tại Phần Lan, một quốc gia nổi tiếng với môi trường học đường lý tưởng, học sinh được khuyến khích tham gia các hoạt động ngoại khóa và có nhiều cơ hội giao lưu, hợp tác với nhau, góp phần tạo nên một môi trường học tập an toàn và thân thiện.

Để giải quyết những xung đột đã xảy ra, việc thành lập các nhóm hòa giải học đường là một giải pháp đáng được cân nhắc. Các nhóm này, bao gồm những học sinh được đào tạo bài bản về kỹ năng hòa giải, sẽ tiếp nhận, lắng nghe, và hỗ trợ các bên liên quan trong xung đột tìm ra giải pháp. Mô hình nhóm hòa giải học đường đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Canada, Úc, và đã chứng minh được hiệu quả trong việc giải quyết xung đột một cách nhanh chóng, hiệu quả và bảo mật.

Cuối cùng, không thể không nhắc đến vai trò của sự hợp tác giữa gia đình và nhà trường. Phụ huynh, giáo viên, và ban giám hiệu nhà trường cần thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình học tập, rèn luyện của học sinh, tạo điều kiện cho phụ huynh tham gia các hoạt động của nhà trường. Sự đồng hành và hỗ trợ từ cả gia đình và nhà trường sẽ giúp học sinh cảm thấy được quan tâm, yêu thương, từ đó có thêm sức mạnh để vượt qua khó khăn, bao gồm cả những xung đột với bạn bè.

Bản thân em cũng đã từng trải qua những mâu thuẫn với bạn bè trong lớp. Nhờ sự giúp đỡ của thầy cô và gia đình, em đã học được cách kiềm chế cảm xúc, nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và tìm ra giải pháp hòa giải phù hợp. Qua đó, em nhận thấy rằng việc giải quyết xung đột một cách tích cực không chỉ giúp giải quyết vấn đề mà còn giúp em trưởng thành hơn, hiểu biết hơn về bản thân và mọi người xung quanh.

Xây dựng một môi trường học đường không xung đột là một hành trình dài hơi và đòi hỏi sự chung tay của toàn thể cộng đồng. Là học sinh, chúng ta hãy cùng nhau nâng cao nhận thức, rèn luyện kỹ năng, xây dựng mối quan hệ tích cực với bạn bè, thầy cô và gia đình. Bằng những nỗ lực không ngừng, chúng ta hoàn toàn có thể biến ước mơ về một môi trường học đường hòa bình, nơi mọi người đều cảm thấy hạnh phúc và thành công, thành hiện thực.

Nghị luận về Cách giải quyết mâu thuẫn, xung đột ở lứa tuổi học trò - Mẫu 6

Đang cập nhật ...

Đánh giá

0

0 đánh giá