Soạn bài Thực hành tiếng Việt lớp 9 trang 92 Tập 1 | Cánh diều Ngữ văn lớp 9

79

Tài liệu soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 92 Tập 1 Ngữ văn lớp 9 Cánh diều hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 9. Mời các bạn đón xem:

Soạn bài Thực hành tiếng Việt lớp 9 trang 92 Tập 1

Câu 1 (trang 92 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 1): Ghép các lời dẫn (in đậm) ở bên A với cách dẫn phù hợp ở bên B:

A. Lời dẫn

B. Cách dẫn

a) Ông kiểm điểm từ người trong óc. Không mà, họ toàn là những người có tinh thần cả mà. Họ đã ở lại làng, quyết tâm một sống một chết với giặc, có đời nào lại cam tâm làm điều nhục nhã ấy! (Kim Lân)

1) Dẫn trực tiếp ý nghĩ của nhân vật

b) Bà Hai bỗng lại cất tiếng:

- Thầy nó ngủ rồi ư? Dậy tôi bảo cái này đã? (Kim Lân)

2) Dẫn gián tiếp lời nói của nhân vật

c) Anh tìm vô nhà gặp mạ, kể với mạ anh ấy gặp cậu đang theo bộ đội đi qua bên mặt trận… (Phùng Quán)

3) Dẫn trực tiếp lời nói của nhân vật

d) Trong đầu tôi chợt nảy ra một ước mơ rất trẻ con: “Biết đâu có lúc nào đó mình cũng làm được một chiếc xe như thế nhỉ?”. (Hon-đa Sô-i-chi-rô – Honda Soichiro)

4) Dẫn gián tiếp ý nghĩ của nhân vật

M: a) – 4)

Trả lời:

a) – 4)

b) – 3)

c) – 2)

d) – 1)

Câu 2 (trang 92 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 1): Tìm lời dẫn trong những đoạn văn dưới đây. Xác định các trường hợp dẫn lời nói, dẫn ý nghĩ; dẫn trực tiếp, dẫn gián tiếp. Chỉ ra đặc điểm giúp em nhận biết mỗi cách dẫn và sự phù hợp của cách dẫn đó trong mỗi đoạn văn

a) Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lời và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.”. (Hồ Chí Minh)

b) Ông kể lại hôm Tây vào khủng bố. Chúng nó có bao nhiêu thằng, bao nhiêu Tây, bao nhiêu Việt gian, đi những đường nào, đốt phá những đâu đâu và dân quân, tự vệ làng ông bố trí, cầm cự ra sao, rành rọt, tỉ mỉ như chính ông lão vừa mới dự trận đánh giặc ấy xong thật… (Kim Lân)

c) Hoạ sĩ nghĩ thầm: “Khách tới bất ngờ, chắc cu cậu chưa kịp quét tước dọn dẹp, chưa kịp gấp chăn chẳng hạn.”. (Nguyễn Thành Long)

Trả lời:

a) Lời dẫn trong đoạn văn: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lời và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.” – là lời dẫn trực tiếp. Lời dẫn được tách ra khỏi phần đứng trước bằng dấu hai chấm và dấu ngoặc kép. Hồ Chí Minh đã trích nguyên câu văn trong Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 để khẳng định tự do, bình đẳng là quyền mà tất cả mọi người dân trên thế giới được hưởng.

b) Lời dẫn trong đoạn văn: Chúng nó có bao nhiêu thằng, bao nhiêu Tây, bao nhiêu Việt gian, đi những đường nào, đốt phá những đâu đâu và dân quân, tự vệ làng ông bố trí, cầm cự ra sao, rành rọt, tỉ mỉ như chính ông lão vừa mới dự trận đánh giặc ấy xong thật… - là lời dẫn gián tiếp. Lời dẫn không trích y nguyên lời nói của nhân vật mà đã điều chỉnh, thay đổi theo lời người thuật lại. Lời dẫn này đã giúp cho tác giả thể hiện được cách nhìn nhận đánh giá của mình về nhân vật thông qua lời kể của nhân vật.

c) Lời dẫn trong đoạn văn: “Khách tới bất ngờ, chắc cu cậu chưa kịp quét tước dọn dẹp, chưa kịp gấp chăn chẳng hạn.”. – là lời dẫn trực tiếp ý nghĩ của nhân vật. Lời dẫn được tách ra khỏi phần đứng trước bằng dấu hai chấm và dấu ngoặc kép. Lời dẫn này thể hiện sự đánh giá chủ quan của tác giả đối với anh thanh niên, sự đánh giá này chưa chắc đã đúng.

Câu 3 (trang 92 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 1): Chuyển lời dẫn trực tiếp dưới đây thành lời dẫn gián tiếp:

a) Hôm sau, Linh Phi lấy một cái túi bằng lụa tía, đựng mười hạt minh châu, sai sứ giả Xích Hỗn đưa Phan ra khỏi nước. Vũ Nương nhân đó cũng đưa gửi một chiếc hoa vàng mà dặn:

- Nhờ nói hộ với chàng Trương, nếu còn nhớ chút tình xưa nghĩa cũ, xin lập một đàn giải oan ở bến sông, đốt cây đèn thần chiếu xuống nước, tôi sẽ trở về. (Nguyễn Dữ)

b) Sau khi thằng con đi, lão tự bảo rằng: “Cái vườn là của con ta. Hồi còn mồ ma mẹ nó, mẹ nó cố thắt lưng buộc bụng, dè sẻn mãi, mới để ra được năm mươi đồng bạc tậu. Hồi ấy, mọi thức còn rẻ cả…”. (Nam Cao)

c) Nhà văn Xu-khôm-lin-xki (Sukhomlynsky) đã nói: “Con người sinh ra không phải để tiêu biến như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác.”. (Theo Trần Thị Ngọc Luyến)

Trả lời:

a) Hôm sau, Linh Phi lấy một cái túi bằng lụa tía, đựng mười hạt minh châu, sai sứ giả Xích Hỗn đưa Phan ra khỏi nước. Vũ Nương nhân đó cũng đưa gửi một chiếc hoa vàng mà dặn nói hộ với chàng Trương rằng nếu còn nhớ chút tình xưa nghĩa cũ, thì xin lập một đàn giải oan ở bến sông rồi đốt cây đèn thần chiếu xuống nước, nàng sẽ trở về.

bSau khi thằng con đi, lão tự bảo rằng cái vườn là của con lão. Hồi mẹ nó còn sống, mọi thứ còn rẻ, mẹ nó cố thắt lưng buộc bụng, dè sẻn mãi, mới để ra được năm mươi đồng bạc tậu đước cái vườn ấy.

c) Nhà văn Xu-khôm-lin-xki (Sukhomlynsky) đã từng nói rằng con người sinh ra không phải để tiêu biến như một hạt cát vô danh mà họ sinh ra để in dấu trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác.

Câu 4 (trang 92 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 1): Viết đoạn văn (khoảng 8-10 dòng) về chủ đề tinh thần yêu nước của nhân dân ta, trong đó có dẫn trực tiếp một trong các ý kiến dưới đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

a) Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta.

b) Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng.

Trả lời:

a) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”. Điều đó đã được khẳng định từ quá khứ đến hiện tại. Trong những năm chiến tranh, nhân dân Việt Nam luôn đoàn kết một lòng chống lại kẻ thù xâm lược: từ phương Bắc đến thực dân Pháp hay đế quốc Mĩ. Ở bất cứ thời đại nào, cũng có những bậc anh hùng - hữu danh hay vô danh nguyện hi sinh để giành lại độc lập cho dân tộc. Còn khi hòa bình, tinh thần yêu nước lại được thể hiện qua nhiều hành động khác nhau. Sự biết ơn, yêu mến những người đã sinh ra, dạy dỗ chúng ta. Hay là mong muốn học tập để mai này trở về xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp. Cùng với đó là ý chí bảo vệ và phát huy những nét văn hóa truyền thống của quê hương. Đặc biệt là lòng quyết tâm chiến đấu bảo vệ đất nước của mỗi con người trong những lúc gian nguy rình rập (chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh…). Như vậy, mỗi người dân Việt Nam hãy luôn giữ gìn và phát huy tinh thần yêu nước - truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

b) Nhân dân Việt Nam có một truyền thống yêu nước nồng nàn. Điều đó được thể hiện từ trong quá khứ đến hiện tại. “Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng.” (Hồ Chí Minh). Để rồi đến hiện tại, tinh thần yêu nước đó lại tiếp tục được phát huy. Từ cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng, trẻ thơ…ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để bám sát lấy giặc đặng tiêu diệt giặc. Hay những công chức ở hậu phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội. Cả những người phụ nữ khuyên chồng tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải. Rồi nam nữ nông dân và công nhân hăng hái tăng gia sản xuất. Ngay cả những đồng bào điền chủ quyên ruộng cho Chính phủ…. Thế mới thấy tinh thần yêu nước không luôn tiềm ẩn trong mỗi con người, không phân biệt giới tính, tuổi tác hay nghề nghiệp, giai cấp…

Xem thêm các bài soạn văn lớp 9 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Ông lão bên chiếc cầu

Thực hành tiếng Việt trang 92

Thực hành đọc hiểu: Chiếc lược ngà

Thực hành đọc hiểu: Chiếc lá cuối cùng

Phân tích một tác phẩm truyện

Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống

Đánh giá

0

0 đánh giá