Giải SGK Kinh tế Pháp luật 12 Bài 10 (Kết nối tri thức): Quyền và nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân và gia đình

628

Lời giải bài tập Giáo dục kinh tế Pháp luật lớp 12 Bài 10: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân và gia đình sách Kết nối tri thức hay, ngắn gọn sẽ giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập môn KTPL 12. Mời các bạn đón xem:

Giải bài tập KTPL 12 Bài 10: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân và gia đình

Mở đầu trang 74 KTPL 12: Theo em, công dân có những quyền gì trong hôn nhân và gia đình?

Lời giải:

- Công dân có quyền tự do kết hôn khi đáp ứng đủ các điều kiện kết hôn và có quyền yêu cầu Toà án giải quyết li hôn để chấm dứt hôn nhân theo quy định của pháp luật.

1. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân

Câu hỏi 1 trang 77 KTPL 12: Trong các trường hợp trên, các chủ thể đã vi phạm quy định nào của pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân? Vì sao?

Trường hợp 1. Sau khi kết hôn, vợ chồng anh D, chị A sinh được 2 người con. Do tính chất công việc, anh D phải sống xa nhà, thỉnh thoảng mới về quê thăm gia đình. Gần đây, chị A đi thăm chồng thì phát hiện anh D đang chung sống như vợ chồng với chị O. Hai người còn chụp ảnh cưới, tổ chức đám cưới tại nhà hàng với sự tham dự của gia đình chị O và bạn bè hai bên.

Trường hợp 2. Tròn 16 tuổi. S được bố mẹ tổ chức đám cưới với anh họ (con trai của chị gái ruột bố của S). Sau khi kết hôn, vì không có ruộng đất nên S phải đi làm thuê khắp nơi kiếm tiền chăm lo cho gia đình. Năng lực có hạn, việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh khiến cuộc sống của vợ chồng S càng ngày càng khó khăn, nhất là khi S sinh con gái đầu lòng và cháu bé không may bị nhiều dị tật bẩm sinh trên cơ thể khiến sức khoẻ suy yếu.

Trường hợp 3. Anh B và chị H kết hôn được 5 năm và đã có một con nhỏ. Trong thời gian chung sống, anh B nhiều lần có hành vi bạo hành vợ khi say rượu. Khuyên can chồng không được, chị H ngỏ ý muốn li hôn nhưng bị bố mẹ đẻ ngăn cản do sợ ảnh hưởng đến thanh danh, thể diện gia đình. Anh B cũng đe doạ, nếu chi H li hôn thì anh sẽ làm hại chị cùng con nhỏ.

Trường hợp 4. Anh M tâm sự với vợ muốn mua một căn nhà, khoản tiền cần trả trước là 400 triệu đồng, khoản vay là 1,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, anh M hiện đang trong danh sách khách hàng có khoản nợ xấu nên hai vợ chồng không thể vay thêm tiền ngân hàng. Anh bàn với vợ li hôn giả để chị K sau khi độc thân thì sẽ không bị ảnh hưởng bởi nợ xấu của anh và có thể vay tiền mua nhà. Chị K rất tin tưởng chồng nên đã đồng ý làm theo. Tuy nhiên, sau khi chị K rút hết khoản tiền vay được đưa cho anh M thì anh không mua nhà như đã thoả thuận trước đó. Anh chuyển về quê sinh sống và mở trang trại nuôi lợn trên mảnh đất của bố mẹ để lại. Khi chị K tìm về quê thì phát hiện anh M đã đăng kí kết hôn và chuẩn bị tổ chức đám cưới với một người phụ nữ cùng làng.

Lời giải:

- Trong trường hợp 1, anh D và chị O vi phạm quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân trong kết hôn, vì theo điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: cấm người đang có vợ mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có vợ. Do đó, khi anh D đã có vợ mà anh và chị O vẫn chung sống như vợ chồng, vẫn tổ chức đám cưới là vi phạm quy định của pháp luật.

- Trong trường hợp 2, S và chồng (anh họ) vi phạm quy định của pháp luật quyền và nghĩa vụ của công dân trong kết hôn, vì khi kết hôn với chồng, S chỉ mới 16 tuổi, chưa đủ độ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Mặt khác, theo quy định của pháp luật thì những trường hợp có họ trong phạm vi ba đời sẽ không được kết hôn với nhau. S và chồng là anh em họ, do đó, hai người có mối quan hệ huyết thống đời thứ 3 với nhau. Như vậy, mối quan hệ hôn nhân của vợ chồng S là trái pháp luật (vi phạm điểm d khoản 2 Điều 5 luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014).

- Trong trường hợp 3, bố mẹ chị H và anh B vi phạm quyền, nghĩa vụ của công dân trong li hôn, vì pháp luật quy định: cấm hành vi cản trở li hôn nhưng bố mẹ chị H và anh B lại dùng nhiều cách để ngăn cản chị H thực hiện quyền li hôn của mình.

- Trong trường hợp 4, Anh M, chị K vi phạm quyền, nghĩa vụ của công dân trong li hôn, vì pháp luật cấm hành vi li hôn giả nhưng anh M và chị K vẫn thực hiện hành vi này để tránh ảnh hưởng từ nợ xấu ngân hàng. Ngoài ra, anh M còn có dấu hiệu lừa dối chị K để li hôn vì mục đích trục lợi, do đó, hành vi của anh M là vi phạm pháp luật.

Câu hỏi 2 trang 77 KTPL 12: Theo em, hành vi vi phạm quyền, nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân có thể dẫn đến những hậu quả gì?

Lời giải:

- Hành vi vi phạm quyền, nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân có thể dẫn đến những hậu quả như:

+ Khiến công dân gặp khó khăn hoặc không thể thực hiện các quyền kết hôn, li hôn của mình;

+ Ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ, tinh thần, tính mạng;

+ Ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ của bà mẹ và trẻ em;

+ Ảnh hưởng xấu đến chất lượng dân số; gia tăng đói nghèo;

+ Gây rối loạn an ninh trật tự, an toàn xã hội;

+ Người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm pháp lí theo quy định của pháp luật;...

2. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong gia đình

Câu hỏi 1 trang 79 KTPL 12: Em hãy xác định các quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng được thể hiện ở trường hợp 1.

Trường hợp 1. Chị Y được lãnh đạo công ty tạo điều kiện cho chị tham gia khoá học chuyên ngành để quy hoạch vào vị trí quản lí nhưng chị băn khoăn vì nếu đi học thì sẽ không có nhiều thời gian chăm sóc cho gia đình. Chị tâm sự với chồng thì được anh D động viên đi học để nâng cao trình độ và có công việc tốt hơn trong tương lai. Anh D cũng chủ động sắp xếp thời gian để chăm sóc con và làm việc nhà, tạo điều kiện để chị Y yên tâm đi học.

Lời giải:

- Trong trường hợp 1, anh D đã thực hiện quyền, nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ vợ phát triển về mọi mặt (nghề nghiệp, học tập, nâng cao trình độ văn hoá, chuyên môn, nghiệp vụ, ... ) và nghĩa vụ cùng vợ chia sẻ, thực hiện các công việc gia đình thông qua việc động viên chị Y đi học để nâng cao trình độ và có công việc tốt hơn trong tương lai, chủ động sắp xếp thời gian để chăm sóc con và làm việc nhà, tạo điều kiện để chị Y yên tâm đi học.

Câu hỏi 2 trang 79 KTPL 12: Trong trường hợp 2, chủ thể nào đã vi phạm quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng? Hành vi vi phạm đó có thể dẫn đến những hậu quả gì?

Trường hợp 2. Vợ chồng anh A và chị B đều có công việc ổn định, thu nhập tương đối cao. Tuy nhiên, là người gia trưởng nên anh A luôn tự ý quyết định mọi việc trong nhà, không quan tâm đến ý kiến của chị B. Anh quản lí chặt chẽ nguồn tài chính của gia đình, mỗi lần cần tiền chi tiêu, chị B đều phải xin chồng và bị anh A tra xét từng khoản. Nếu chị B chi tiêu không đúng ý chồng thì sẽ bị anh A mắng chửi.

Lời giải:

- Trong trường hợp 2, anh A đã vi phạm quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Cụ thể, anh A đã vi phạm nguyên tắc bình đẳng về quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong cả quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản khi luôn tự ý quyết định mọi việc trong nhà, không quan tâm đến ý kiến của chị B và quản lí tất cả nguồn tài chính của gia đình, buộc chị B phải xin từng đồng và mắng chửi chị khi chị chi tiêu không đúng ý dù số tiền của gia đình có một phần do chị B lao động mà có.

- Hành vi vi phạm của anh A có thể dẫn đến những hậu quả như: xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp trong gia đình của chị B; gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ, tinh thần của chị B; ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ của các thành viên trong gia đình; gây ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ hôn nhân;...

Câu hỏi 1 trang 81 KTPL 12: Em có nhận xét gì về hành vi của mỗi chủ thể trong trường hợp 1? Pháp luật quy định giữa cha mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình có những quyền và nghĩa vụ gì?

Trường hợp 1. Gia đình M có bốn thế hệ cùng chung sống, các thành viên luôn hoà thuận, yêu thương, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau. Ông bà, bố mẹ M luôn giữ nếp sống mẫu mực, nêu gương tốt cho con, cháu học tập. M cùng các anh, chị, em và cháu của mình cũng rất ngoan ngoãn, hiếu thảo. Mọi người đều tự giác tham gia các công việc chung của gia đình, làm việc, đóng góp công sức, tài chính theo năng lực của bản thân để duy trì cuộc sống chung và tích luỹ cho tương lai.

Lời giải:

- Trong trường hợp 1, M cùng người thân của mình đã thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình khi luôn hoà thuận, yêu thương, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau và tự giác tham gia các công việc chung của gia đình, làm việc, đóng góp công sức, tài chính theo năng lực của bản thân để duy trì cuộc sống chung và tích luỹ cho tương lai.

+ Ông bà, bố mẹ M đã thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ yêu thương con cháu; sống mẫu mực, trở thành tấm gương tốt cho con cháu học tập.

+ M cùng các anh, chị, em và cháu của mình cũng thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ yêu thương, chăm sóc lẫn nhau; yêu quý, hiếu thảo, tôn trọng người lớn tuổi trong gia đình.

- Pháp luật quy định về quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình:

+ Cha, mẹ có quyền và nghĩa vụ yêu thương, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con; tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập và giáo dục để con phát triển lành mạnh, toàn diện cả về thể chất, trí tuệ và đạo đức.

+ Con có quyền được cha mẹ thương yêu, tôn trọng; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức; có bổn phận kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ; có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật.

+ Anh, chị, em có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện để thực hiện nghĩa vụ của mình.

+ Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu; cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà.

Câu hỏi 2 trang 81 KTPL 12: Trong trường hợp 2 và 3, chủ thể nào đã vi phạm quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình? Nêu hậu quả của hành vi đó.

Trường hợp 2. Ông A và bà G kết hôn với nhau được hơn 15 năm và có một con trai và một con gái. Vợ chồng ông A cho rằng sau này con trai mới là người chăm sóc, phụng dưỡng mình nên ngay từ khi các con còn nhỏ đã thể hiện sự phân biệt đối xử. Hai ông bà đối xử hà khắc với con gái nhưng luôn nuông chiều và cho con trai nhiều quyền lợi hơn.

Trường hợp 3. Sau khi thi trượt đại học, anh K không ôn tập để năm sau thi lại hoặc đi học nghề mà thường xuyên tụ tập cùng một số thanh niên hư hỏng trong khu phố. Nhiều lần ông bà nội và bố mẹ góp ý, khuyên bảo thì anh K gắt gỏng, phản đối. Gần đây, khi bị ông bà, bố mẹ ngăn cản anh đi chơi với bạn xấu thì anh K đã có những lời nói tiêu cực phản ứng lại.

Lời giải:

- Trong trường hợp 2:

+ ông A và bà G đã vi phạm quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ và con vì có sự phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới, hà khắc với con gái nhưng luôn nuông chiều và cho con trai nhiều quyền lợi hơn.

+ Hành vi của vợ chồng ông A có thể dẫn đến những hậu quả như: gây nên tình trạng bất bình đẳng giữa các con; ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển và tương lai của các con; gây bất hoà trong gia đình;...

- Trong trường hợp 3:

+ Anh K đã vi phạm quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ của con với cha mẹ, cháu với ông bà vì không chịu lao động, đóng góp công sức cho gia đình, tỏ thái độ không tôn trọng bố mẹ, ông bà.

+ Hành vi của K có thể gây nên những hậu quả như: ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ gia đình; ảnh hưởng tiêu cực tới tương lai của K;...

Luyện tập

Luyện tập 1 trang 82 KTPL 12: Các chủ thể trong những trường hợp dưới đây có thể thực hiện quyền kết hôn hay li hôn không? Vì sao?

a. Anh N-con trai ông bà B đã 25 tuổi nhưng bị tâm thần bẩm sinh. Mỗi khi phát bệnh, anh N không nhận thức và không làm chủ được hành vi của mình. Ông bà B lo ngại lúc hai người mất, anh N sẽ không còn chỗ dựa nên rất muốn tìm đối tượng cho anh N kết hôn, lập gia đình.

b. Trong thời gian chị O mang thai con đầu lòng, chồng chị là anh P thường xuyên bỏ mặc không quan tâm, chăm sóc vợ. Khi chị O góp ý thì anh P nổi giận và tuyên bố sẽ li hôn với chị.

c. Ông bà nội của anh A sinh được 5 người con, bố A là con cả, cô G là con út. Vì hoàn cảnh khó khăn, ông bà nội của anh A đã đồng ý để vợ chồng người quen nhận cô G làm con nuôi từ khi cô còn bé. Thời gian sau đó, cô G theo bố mẹ nuôi đi nơi khác lập nghiệp nên mất liên lạc với gia đình ông bà nội của anh A. Gần đây, anh A dẫn người yêu là chị M về ra mắt gia đình và xin phép tổ chức đám cưới. Sau khi tìm hiểu, bố mẹ anh A phát hiện chị M là con đẻ cô G nên đã giải thích để anh A với chị M hiểu mối quan hệ huyết thống của mình và yêu cầu hai người chấm dứt mối quan hệ yêu đương. Tuy nhiên, vì tình cảm quá sâu nặng, anh A và chị M không muốn chấm dứt mối quan hệ. Hai người quyết định sẽ về quê chị M đăng kí kết hôn và chung sống với nhau.

Lời giải:

- Trường hợp a. Anh N không thể thực hiện quyền kết hôn vì anh N là bệnh nhân tâm thần, không có năng lực hành vi dân sự nên không đáp ứng đủ các điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp b. Anh P không thể thực hiện quyền li hôn với chị O vì chị O đang mang thai. Theo quy định của pháp luật thì khi vợ đang có thai, người chồng sẽ không có quyền yêu cầu li hôn.

- Trường hợp c. Anh A và chị M không thể kết hôn với nhau vì anh A và chị M là những người có họ với nhau trong phạm vi ba đời. Theo quy định của pháp luật thì những người có họ trong phạm vi ba đời sẽ bị cấm kết hôn với nhau.

Luyện tập 2 trang 82 KTPL 12: Em hãy nhận xét việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trong gia đình của các chủ thể ở những trường hợp dưới đây.

a. Chị K kết hôn với anh S và có một con chung là cháu V. Anh chị chung sống hạnh phúc được ba năm thì li hôn, chị K nuôi con. Sau li hôn, chị K đã thuê nhà ở riêng nhưng vẫn tạo điều kiện để anh S và ông bà nội thăm nom, chăm ăn tạo điều kiện để anh S và ông bà sóc cháu V.

b. Anh U và chị D kết hôn với nhau và cả hai đều làm việc ở thủ đô Hà Nội. Sau khi kết hôn, anh U đã tự ý dùng khoản tiền mừng cưới, tiền tiết kiệm của hai người để mua một ngôi nhà ở quê, gần nơi ở của bố mẹ anh và yêu cầu vợ phải nghỉ việc ở thành phố để cùng mình chuyển về quê sinh sống.

c. Vợ chồng anh P, chị E kết hôn được ba năm và đã có một con gái. Anh P là người vô trách nhiệm, không có việc làm ổn định, mọi việc chi tiêu, chăm sóc con cái trong gia đình đều do chị E lo liệu. Thời gian gần đây, anh P thường xuyên tụ tập uống rượu bia với bạn bè và mỗi khi say, anh lại đánh, chửi Vợ con.

d. Sau khi kết hôn, anh Đ yêu cầu vợ là chị Q nghỉ việc ở công ty để ở nhà chăm con và nội trợ. Gần đây, chị Q phát hiện anh Đ có mối quan hệ tình cảm với người phụ nữ khác và có một con riêng 5 tháng tuổi. Chị Q yêu cầu li hôn và được anh Đ chấp thuận. Anh Đ đồng ý cho chị Q nuôi con và anh sẽ chu cấp cho con 5 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, về tài sản thì anh Đ chỉ chia cho chị Q 50 triệu đồng vì anh cho rằng chị ở nhà, không làm ra tiền nên không có quyền hưởng những tài sản do anh vất vả làm ra.

Lời giải:

- Trường hợp a.

+ Anh S đã thực hiện tốt quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ giữa cha và con vì dù anh S và chị K đã li hôn, cháu V theo mẹ đi thuê nhà nơi khác để ở nhưng anh vẫn yêu thương, chăm sóc con như trước.

+ Bố mẹ anh S thực hiện tốt quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ giữa ông bà và cháu khi thường xuyên tới chỗ ở của con dâu cũ để thăm nom, chăm sóc cháu nội.

- Trường hợp b.

+ Hành vi của anh U đã vi phạm quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ giữa vợ chồng và đáng bị lên án, phê phán. Việc anh U tự ý dùng tiền mừng cưới, tiền tiết kiệm của hai vợ chồng để mua nhà và yêu cầu vợ phải nghỉ việc để chuyển về quê sinh sống đã thể hiện sự thiếu tôn trọng, không bình đẳng trong quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản của anh U với chị D.

+ Hành vi của anh U có thể dẫn đến những hậu quả xấu trong mối quan hệ hôn nhân với vợ, thậm chí có thể gây đổ vỡ trong hôn nhân.

- Trường hợp c. Hành vi của anh P trái với quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình và đáng bị phê phán. Việc anh P bỏ mặc vợ tự lo kinh tế, tự chăm sóc con cái một mình và thường xuyên đánh chửi vợ con thể hiện thái độ vô trách nhiệm với gia đình và có thể gây nên những hậu quả tiêu cực nếu không được ngăn chặn kịp thời.

- Trường hợp d. Những hành vi của anh Đ là một chuỗi những hành vi sai trái và đáng bị lên án, phê phán. Trong đó:

+ Hành vi yêu cầu vợ nghỉ việc để ở nhà chăm con và nội trợ thể hiện thái độ gia trưởng, áp đặt, thiếu tôn trọng của anh Đ đối với vợ, vi phạm quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng;

+ Hành vi có tình cảm và có con riêng với người phụ nữ khác khi đang có vợ là vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, vi phạm quy định của pháp luật;

+ Hành vi chỉ chia cho chị Q 50 triệu đồng và phủ nhận công sức đóng góp của chị Q trong gia đình là hành vi vi phạm nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa vợ chồng trong quan hệ tài sản.

Luyện tập 3 trang 83 KTPL 12: Các chủ thể dưới đây đã thực hiện đúng hay vi phạm quyền, nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân và gia đình? Vì sao? Nếu vi phạm thì có thể dẫn đến hậu quả gì?

a. Chị X chung sống như vợ chồng với một người đàn ông đã có vợ.

b. Bố mẹ qua đời đột ngột nên vợ chồng B đón em gái nhỏ về chăm sóc, nuôi dưỡng.

c. Vợ chồng hàng xóm nhà ông C nhiều lần ngược đãi con nhỏ.

d. Các con của bà H đùn đẩy trách nhiệm, không chịu phụng dưỡng khi mẹ già yếu, không đi lại được.

e. Anh P mua một chiếc xe máy tặng em gái nhưng giấu không cho vợ biết.

Lời giải:

- Trường hợp a.

+ Chị X vi phạm quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân và gia đình.

+ Giải thích: Pháp luật quy định cấm người chưa có chồng chung sống như vợ chồng với người đang có vợ. Do đó, hành vi của chị X là hành vi trái pháp luật, không tuân thủ nguyên tắc chế độ hôn nhân một vợ, một chồng.

+ Hậu quả: Gây ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ hôn nhân, gia đình của công dân; gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ, tinh thần, cuộc sống của những người liên quan; ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ em; gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự, an toàn xã hội; có thể khiến người vi phạm phải chịu trách nhiệm pháp lí;...

- Trường hợp b.

+ Vợ chồng anh B thực hiện đúng quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ giữa anh, chị em trong gia đình.

+ Giải thích: Theo quy định của pháp luật, anh, chị, em có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ. Do đó, việc vợ chồng anh B đón em gái nhỏ về chăm sóc, nuôi dưỡng khi bố mẹ đột ngột qua đời là thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của anh, chị đối với em gái.

- Trường hợp c.

+ Vợ chồng hàng xóm ông C vi phạm quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ với con

+ Giải thích: Theo quy định của pháp luật, cha mẹ có nghĩa vụ yêu thương, trông nom, nuôi dưỡng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên; con có quyền được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức, được bảo vệ khỏi bất cứ hình thức xâm hại, ngược đãi nào. Do đó, việc vợ chồng hàng xóm nhà ông C nhiều lần ngược đãi con nhỏ là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quyền và nghĩa vụ của bố mẹ với con.

+ Hậu quả: Gây nên những tổn thương về thể chất, tinh thần cho trẻ em; gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bình thường của trẻ; ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự, an toàn xã hội; khiến người vi phạm phải chịu trách nhiệm pháp lí tương ứng;...

- Trường hợp d.

+ Các con của bà H vi phạm quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của con với cha mẹ

+ Giải thích: Theo quy định của pháp luật, con có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật. Hành vi đùn đẩy trách nhiệm, không chịu phụng dưỡng khi mẹ già yếu, không đi lại được vi phạm quy định của pháp luật về nghĩa vụ của con đối với cha mẹ.

+ Hậu quả: Gây ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ gia đình; ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ và tinh thần của bà H; khiến các con của bà H có thể phải chịu trách nhiệm pháp lí tương ứng;...

- Trường hợp e.

+ Anh P vi phạm quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng

+ Giải thích: Theo quy định của pháp luật, vợ chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong quan hệ tài sản, việc sử dụng tài sản chung phải có sự bàn bạc, thoả thuận chung của hai vợ chồng. Do đó, việc anh P mua xe máy cho em gái nhưng giấu không cho vợ biết là trái với quy định pháp luật và thể hiện sự thiếu tôn trọng vợ trong quan hệ tài sản.

+ Hậu quả: Xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của vợ anh P; gây ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ hôn nhân và quan hệ gia đình;...

Luyện tập 4 trang 83 KTPL 12: Em hãy xử lí tình huống sau:

Sau khi kết hôn, vợ chồng anh trai của M mua nhà ở riêng trên thành phố. Gần đây, M được bố mẹ yêu cầu mang thực phẩm sạch ở quê lên thăm chị dâu đang mang thai. Trong thời gian ở nhà anh chị, M thấy anh trai của mình không bao giờ làm việc nhà, mọi việc đều do chị dâu làm.

Nếu là M, em sẽ khuyên anh trai như thế nào để anh thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân và gia đình?

Lời giải:

- Nếu là M, em sẽ giải thích để anh trai hiểu quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng, hiểu được tình trạng sức khoẻ của chị dâu. Khuyên anh nên thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ của mình để chăm sóc chị dâu thật tốt và giữ gìn hạnh phúc gia đình,...

Vận dụng

Vận dụng trang 83 KTPL 12: Trong cuộc sống hằng ngày, em đã làm gì để thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân và gia đình? Những việc làm đó mang lại ý nghĩa như thế nào đối với bản thân em và những người xung quanh?

Lời giải:

(*) Tham khảo: Là một học sinh, em thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân và gia đình thông qua các hành động sau đây:

+ Tham gia vào các hoạt động gia đình: Em tham gia vào các hoạt động gia đình như việc chăm sóc các thành viên gia đình, giúp đỡ trong việc làm nhà và nấu nướng, hoặc tham gia các hoạt động vui chơi, dã ngoại cùng gia đình.

+ Tôn trọng và lắng nghe: Em tôn trọng quyền lợi và ý kiến của các thành viên trong gia đình, lắng nghe và chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của mình một cách mở cửa và trung thực.

+ Chia sẻ trách nhiệm và giúp đỡ: Em chia sẻ trách nhiệm trong việc chăm sóc gia đình và nhà cửa, giúp đỡ bố mẹ trong công việc hàng ngày, chăm sóc các em nhỏ hoặc hỗ trợ anh chị em trong việc học tập.

=> Những việc làm này mang lại ý nghĩa lớn đối với bản thân em và những người xung quanh bởi chúng giúp xây dựng mối quan hệ gia đình mạnh mẽ, tạo ra một môi trường gia đình hạnh phúc và ấm áp. Ngoài ra, việc thực hiện quyền và nghĩa vụ trong hôn nhân và gia đình cũng giúp em phát triển kỹ năng giao tiếp, tôn trọng người khác và học hỏi từ kinh nghiệm sống hàng ngày.

Xem thêm các bài giải bài tập Kinh tế Pháp luật lớp 12 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 9: Quyền và nghĩa vụ của công dân về sở hữu tài sản và tôn trọng tài sản của người khác

Bài 10: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân và gia đình

Bài 11: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong học tập

Bài 12: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ và bảo đảm an sinh xã hội

Bài 13: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ di sản văn hoá, môi trường và tài nguyên thiên nhiên

Bài 14: Một số vấn đề chung về pháp luật quốc tế

Lý thuyết Kinh tế pháp luật 12 Bài 10: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân và gia đình

1. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân

- Công dân có quyền tự do kết hôn khi đáp ứng đủ các điều kiện kết hôn và có quyền yêu cầu Toà án giải quyết li hôn để chấm dứt hôn nhân theo quy định của pháp luật.

- Công dân có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của Hiến pháp và pháp luật trong kết hôn, li hôn; phải tôn trọng quyền kết hôn, li hôn của người khác.

Lý thuyết KTPL 12 Kết nối tri thức Bài 10: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân và gia đình | Kinh tế Pháp luật 12

2. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong gia đình

a) Quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng

- Vợ chồng bình đẳng trong quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản, có quyền và nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, có nghĩa vụ yêu thương chung thuỷ, tôn trọng lẫn nhau, có quyền và nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau phát triển về mọi mặt; có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình.

Lý thuyết KTPL 12 Kết nối tri thức Bài 10: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân và gia đình | Kinh tế Pháp luật 12

b) Quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình

- Cha, mẹ có quyền và nghĩa vụ yêu thương, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con; tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập và giáo dục để con phát triển lành mạnh, toàn diện cả về thể chất, trí tuệ và đạo đức.

Lý thuyết KTPL 12 Kết nối tri thức Bài 10: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân và gia đình | Kinh tế Pháp luật 12

- Con có quyền được cha mẹ thương yêu, tôn trọng; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức; có bổn phận kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ; có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật.

- Anh, chị, em có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện để thực hiện nghĩa vụ của mình.

- Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu; cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà.

Lý thuyết KTPL 12 Kết nối tri thức Bài 10: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân và gia đình | Kinh tế Pháp luật 12

Đánh giá

0

0 đánh giá