Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (truyện) | Kết nối tri thức Ngữ văn lớp 9

1.4 K

Tài liệu soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (truyện) Ngữ văn lớp 9 Kết nối tri thức hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 9. Mời các bạn đón xem:

Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (truyện)

Cách 1:

Đề bài: Viết bài văn phân tích tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương”.

Bài văn mẫu tham khảo

Nguyễn Dữ là một trong những tác giả nổi tiếng về truyện truyền kỳ. Trong những tác phẩm của ông, có lẽ “Chuyện người con gái Nam Xương” là câu chuyện đặc sắc nhất. Tác phẩm viết về số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa, ca ngợi phẩm chất cao đẹp của học. Đồng thời, qua đó ta thấy được sự đồng cảm sâu sắc của tác giả với hoàn cảnh của họ.

Vũ Nương là người con gái “tính tình thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”. Chồng nàng là Trương Sinh, một người đa nghi và hay ghen. Mặc dù vậy, với tính cách dung hòa của mình, “nàng luôn giữ gìn khuôn phép”, cuộc sống gia đình của hai người luôn ổn định, không hề xảy ra bất hòa. Khi Trương Sinh phải sung binh, nàng lại là người vợ chung thủy, một lòng một dạ với chồng, chỉ mong chàng lên đường bình an trở về, không mong đeo được ấn phong hầu. Tình yêu và ước mơ của nàng thật giản dị và ý nghĩa. Chồng đi xa, nàng sinh con và chăm sóc mẹ chồng một cách chu đáo. Khi mẹ ốm, “nàng hết sức thuốc thang, lễ Phật cầu thần”, câu nói “Sau này trời giúp người lành, ban cho phúc trạch, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, mong ông xanh kia chẳng phụ con cũng như con đã chẳng nỡ phụ mẹ.” của mẹ chồng nàng đã cho ta thấy Vũ Nương là một người vợ chu đáo, một người con hiếu thảo biết chừng nào. Khi mẹ chồng mất, nàng đau xót, lo liệu ma chay như với cha mẹ đẻ của mình.

Tuy nhiên, người phụ nữ đức hạnh ấy lại phải chịu đựng một nỗi oan và dẫn đến cái chết thương tâm của nàng. Trong thời gian chồng đi tòng quân, nàng thường hay đùa với con bằng cách trỏ vào bóng mình trên tường và nói đó là cha Đản. Khi bị Trương Sinh nghi ngờ, nàng vẫn cố gắng hỏi rõ sự tình và thanh minh với chàng: “Thiếp vốn nhà nghèo, được vào cửa tía. Sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm, giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn, từng đã nguội lòng, ngõ liễu đường hoa chưa hề bén gót. Đâu có sự mất nết hư thân như lời chàng nói.” Tuy nhiên, khi Trương Sinh một mực không tin, nàng đã gieo mình xuống bến Hoàng Giang mà chết. Chi tiết này đã nói lên nét đẹp con người Vũ Nương, nàng sẵn sàng lấy cái chết để chứng minh sự trong sạch của mình. Hành động mà Vũ Nương nhờ Phan Lang về nói với Trương Sinh yêu cầu của nàng cũng một lần nữa nói nên tấm lòng chung thủy, một lòng son sắt của nàng. Khi hiểu ra sự tình, Trương Sinh đã vô cùng ân hận, đàn giải oan đã khiến cho Vũ Nương được trả lại sự trong sạch, yên lòng, nàng đã được đức Linh Phi cho hiện về, dẫu không thể trở lại cõi trần được nữa.

Tác phẩm của Nguyễn Dữ, một tác phẩm truyền kỳ có sử dụng những yếu tố hoang đường kỳ ảo. Nhưng từ đó lại thấy được cái nhìn, sự trân trọng và cảm thông của tác giả đối với số phận người phụ nữ xưa, ca ngợi phẩm chất cao đẹp của họ.

Cách 2:

* Yêu cầu:

- Giới thiệu khái quát tác phẩm truyện cần phân tích (nhan đề, tác giả, thể loại), nêu nhận xét chung về tác phẩm.

- Làm rõ được nội dung chủ đề tác phẩm.

- Phân tích được những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm truyện (cốt truyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật, ngôi kể, ngôn ngữ người kể chuyện, không gian, thời gian, chi tiết tiêu biểu,…) và hiệu quả thẩm mĩ của chúng; tập trung vào một số yếu tố nghệ thuật nổi bật của tác phẩm.

- Triển khai hệ thống luận điểm chặt chẽ; sử dụng lí lẽ thuyết phục, bằng chứng xác đáng để làm sáng tỏ ý kiến nêu trong bài viết.

- Khẳng định được ý nghĩa, giá trị của tác phẩm.

* Phân tích bài viết tham khảo

Văn bản “Nốt nhạc trầm trên đỉnh non cao”

1. Giới thiệu và nhận xét khái quát về tác phẩm.

- Nguyễn Thành Long (1925 - 1991) là nhà văn có sở trường về truyện ngắn và bút kí.

Lặng lẽ Sa Pa - một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của ông […]. Truyện có sức hấp dẫn bởi tình huống truyện độc đáo, nhân vật được xây dựng bằng bút pháp lí tưởng hóa, không khí truyện thấm đẫm chất thơ, ẩn chứa những thông điệp sâu xa.

2. Phân tích nội dung chủ đề tác phẩm

- Chủ đề 1: Sự cống hiến, hi sinh lặng thầm của những con người lao động nhỏ bé, bình dị.

+ Phân tích các đặc điểm của nhân vật anh thanh niên.

- Chủ đề 2: giới hạn của nghệ thuật trước cuộc đời.

+ Phân tích suy nghĩ của nhân vật ông họa sĩ.

3. Phân tích những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

- Phân tích nghệ thuật kể chuyện độc đáo:

+ Tình huống truyện bất ngờ.

+ Nghệ thuật tạo dựng không khí truyện.

+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật.

4. Khẳng định ý nghĩa và giá trị của tác phẩm.

Lặng lẽ Sa Pa là truyện ngắn tiêu biểu, giàu sức gợi.

- Khẳng định sức sống của tác phẩm trong lòng bạn đọc cho đến ngày nay

* Thực hành viết theo các bước

1. Trước khi viết

a. Lựa chọn đề tài

Trong chương trình Ngữ văn cấp Trung học cơ sở, em đã được học nhiều tác phẩm truyện truyền kì, truyện thơ Nôm, truyện ngắn hiện đại,… Hãy lựa chọn một tác phẩm mà mình yêu thích để phân tích. Em có thể phân tích toàn bộ tác phẩm hoặc chỉ lựa chọn phân tích một đoạn, một khía cạnh tiêu biểu. Các tác phẩm truyện thơ Nôm thường tương đối dài, bởi vậy em nên lựa chọn trích đoạn biểu đạt một nội dng trọn vẹn, có độ dài vừa phải. Chẳng hạn, với Truyện Kiều, em có thể phân tích đoạn miêu tả vẻ đẹp của chị em Thuý Kiều, đoạn Kiều thề nguyền cùng Kim Trọng, đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích hay đoạn Thcs Sinh từ biệt Thuý Kiều,… Đối với những tác phẩm truyện truyền kì hay truyện ngắn hiện đại có dung lượng vừa phải, em có thể phân tích trọn vẹn tác phẩm hoặc lựa chọn một khía cạnh tiêu biểu để phân tích, chẳng hạn: bi kịch của người phụ nữ trong Chuyện người con gái Nam Xương hoặc hình tượng các cô gái thanh niên xung phong trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi,…

b. Tìm ý

Để tìm ý cho bài văn phân tích một tác phẩm truyện, em có thể đặt ra và trả lời các câu hỏi sau:

- Nội dung chủ đề của tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) là gì? Có thể phân tích chủ đề ấy như thế nào?

Làm rõ nội dung chủ đề là một yêu cầu cơ bản của bài văn phân tích tác phẩm truyện. Theo bài viết tham khảo, chủ đề của truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa là sự cống hiến và hi sinh thầm lặng của những người lao động bình dị. Từ đó bài viết phân tích chủ đề hình tượng anh thanh niên – nhân vật chính của tác phẩm. Bài viết tham khảo cũng phân tích một nội dung chủ đề khác của truyện là những trăn trở, suy ngẫm của nhà văn về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời.

- Tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) có những nét đặc sắc gì về nghệ thuật? Những nét đặc sắc đó đem đến hiệu quả thẩm mĩ như thế nào?

Bên cạnh đặc trưng chung của thể loại truyện, mỗi tác phẩm ra đời trong các thời kì khác nhau, thuộc các thể loại truyện khác nhau sẽ có những đặc điểm riêng. Với truyện truyền kì, khi phân tích đặc sắc về hình thức nghệ thuật, em cần chú ý các yếu tố cốt truyện, nhân vật, không gian, thời gian nghệ thuật, chi tiết,… đặc biệt là tác dụng của các yếu tố kì ảo. Với truyện thơ Nôm, em cần tập trung làm rõ sự kết hợp giữa yếu  tố tự sự với yếu tố trữ tình. Đối với truyện ngắn hiện đại, em cần chú ý đến các vấn đề như ngôi kể, cốt truyện, ngôn ngữ, nghệ thuật kể chuyện mang đặc trưng của thời hiện đại,… Em không nhất thiết phải phân tích tất cả các nét đặc sắc nghệ thuật trong tác phẩm, mà nên đi sâu khai thác những yếu tố tiêu biểu, hơn nữa cần chú ý  làm nổi bật những yếu tố thể hiện rõ đặc trưng thể loại, Bài viết tham khảo đã lựa chọn phân tích hiệu quả thẩm mĩ của tình huống truyện, nghệ thuật tạo dựng không khí truyện, ngôn ngữ và nghệ thuật xây dựng nhân vật.

- Tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) có giá trị, ý nghĩa gì?

Sau khi phân tích, em cần nêu được thông điệp mà tác giả gửi gắm và giá trị nghệt huật của tác phẩm. bài viết tham khảo đã khái quát giá trị của tác phẩm, từ đó giúp người đọc hiểu hơn về sức hấp dẫn của truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa.

c. Lập dàn ý

Em hãy sắp xếp các ý tìm được thành một dàn ý chặt chẽ, hợp lí. Có thể tổ chức theo nhiều cách khác nhau (phân tách nội dung và nghệ thuật; phân tích nội dung trước, nghệ thuật sau hoặc ngược lại; phân tích theo các vấn đề chính trong tác phẩm truyện). Gợi ý:

- Mở bài: Giới thiệu tác phẩn truyện (nhan đề, tác giả, thể loại) và nêu ý kiến  khái quát về tác phẩm.

- Thân bài:

+ Phân tích nội dung chủ đề của tác phẩm truyện (phân tích hiện thực đời sông; hình tượng con người; tư tưởng, tình cảm của nhà văn;…), có lí lẽ và bằng chứng.

+ Phân tích những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm (cốt truyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật, ngôi kể, ngôn ngữ người kể chuyện, không gian, thời gian, chi tiết tiêu biểu,…) và hiệu quả thẩm mĩ của chúng, có lí lẽ và bằng chứng.

- Kết bài: Khẳng định ý nghĩa, giá trị của tác phẩm truyện

2. Viết bài

- Triển khai bài viết trên cơ sở dàn ý đã lập. Tuy vậy nội dung bài viết có thể có thay đổi so với dàn ý nếu cần thiết,

- Chú ý đảm bảo yêu cầu của kiểu bài nghị luận phân tích tác phẩm văn học, bám sát đặc trưng thể loại truyện:

+ Tổ chức hệ thống luận điểm họp lí, mỗi luận điểm cần được phân tích, chứng minh bằng các lí lẽ và bẳng chứng thuyết phục, tránh kể lại nội dung văn bản.

+ Tập trung vào những nét nổi bật của tác phẩm, tạo điểm nhấn cho bài viết.

Bài viết tham khảo

Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc, cũng là người đã mang văn học của Việt Nam vươn xa ra thế giới qua tác phẩm Truyện Kiều. Tác phẩm là lời phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội phong kiến với bộ mặt tàn bạo của tầng lớp thống trị, là tiếng kêu đau thương của những số phận bị áp bức trong thời kì ấy. Và thông qua đó, ta có thể thấy được lòng thương cảm, tình yêu thương con người sâu sắc của tác giả. Đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích" là một trong những đoạn trích hay nhất được trích từ tác phẩm này.

Đoạn trích nằm ở phần thứ hai "Gia biến và lưu lạc". Sau khi biết mình bị lừa vào chốn lầu xanh, Kiều uất ức định tự vẫn. Tú Bà sợ mất vốn, bèn lựa lời khuyên giải, cho người mua thuốc thang và hứa hẹn khi nàng bình phục, sẽ gả nàng cho một người đàn ông tốt nhưng thực chất là giam lỏng Kiều ở lầu Ngưng Bích, chờ thời cơ thực hiện âm mưu mới. Đoạn trích là những lời tự bộc bạch, là nỗi lòng cô đơn, buồn tủi của Kiều khi nhớ về người yêu, khi nghĩ về số phận đớn đau của đời mình.

Sáu câu thơ đầu gợi tả thiên nhiên nơi lầu Ngưng Bích với không gian và thời gian:

"Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia
Bẽ bàng mây sớm, đèn khuya
Nửa tình, nửa cảnh như chia tấm lòng"

Khung cảnh thiên nhiên được nhìn dưới con mắt của Thúy Kiều. Lầu Ngưng Bích, nơi giam lỏng nàng chính là nơi khóa tuổi xuân của Kiều lại. Hai chữ "khóa xuân" mà Nguyễn Du dành cho Kiều sao mà đớn đau, buồn bã đến thế! Một mình nơi lầu Ngưng Bích bao la, rộng lớn, Kiều chỉ có đám mây cùng với ngọn đèn bầu bạn. Nghệ thuật đối lập: "non xa" - "trăng gần" gợi một không gian rợn ngợp, không một bóng người, chỉ có mình Kiều với nỗi cô đơn, trống trải. Những cồn cát vàng gối đầu lên nhau, những bụi hồng ở xa kia dù biết Kiều đang chơi vơi, trơ trọi nhưng cũng không thể nào đến gần, bầu bạn với nàng được. Trước khung cảnh đượm buồn của buổi chiều tà, Kiều cảm thấy lòng mình như chia đôi, diễn tả nỗi chua xót, đau đớn của Kiều trong một vòng tuần hoàn khép kín của "mây sớm đèn khuya". Ngày nào cũng như vậy, vẫn những cảnh vật đó không hề thay đổi, chỉ có lòng người ngày càng buồn hơn.

Chính trong hoàn cảnh cô đơn nơi đất khách quê người, Kiều càng thấy nhớ người yêu:

"Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ"

Nhớ người yêu, Kiều nhớ đến khi nàng cùng Kim Trọng uống chén rượu thề dưới ánh trăng, nguyện ở bên nhau đến trọn đời. Ấy vậy mà giờ đây, tất cả chỉ còn là quá khứ. Nàng không thể ở bên người mình yêu, cũng không thể cùng chàng thực hiện lời nguyện ước. Ở bên ngoài kia, Kim Trọng vẫn luôn chờ đợi nàng, chàng đâu hề hay biết lời hứa năm nào đã tan thành mây khói, mà vẫn ngóng trông tin tức về Thúy Kiều. Càng thương Kim Trọng, Kiều càng đau xót cho thân phận của chính mình, bởi lẽ tấm lòng thủy chung, son sắt của nàng giờ không thể nào gột rửa được:

"Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai"

Sau khi nhớ người yêu, nàng nhớ tới cha mẹ của mình:

"Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt lồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm"

Ở đây, người đọc có thể cảm thấy một điều vô lí, rằng tại sao Kiều lại nhớ đến người yêu trước khi nhớ về cha mẹ của nàng? Ta có thể hiểu được khi Kiều phải bán mình chuộc cha, hy sinh chữ "Tình" để làm tròn chữ "Hiếu" thì hẳn là ở đây, Kim Trọng là người đau đớn hơn cả. Do đó, Kiều nhớ tới Kim Trọng trước tiên, là áy náy, cảm thấy có lỗi đối với chàng. Khi nhớ về cha mẹ, Nguyễn Du cho Kiều được thể hiện sự đau xót của nàng "Xót người tựa cửa hôm mai". Kiều đau đớn bởi vì nàng không thể phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc cha mẹ khi về già. Ở nơi quê nhà, không biết đã có ai thay Kiều quạt cho cha mẹ những khi trời nóng, chăm sóc cha mẹ khi ốm đau hay chưa? Một loạt thành ngữ "quạt nồng ấp lạnh", "cách mấy nắng mưa" cùng điển cổ "Sân Lai", "gốc tử" cho thấy tài năng tuyệt vời của tác giả.

Sau khi nhớ tới người thân, Kiều nghĩ về thân phận của mình. Tám câu thơ cuối là bức tranh thiên nhiên mang âm hưởng trầm buồn:

"Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ dầu dầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi."

Điệp từ "buồn trông" được lặp lại bốn lần ở các câu thơ sáu chữ như trở thành điệp khúc, diễn tả nỗi buồn như đang dâng lên thành từng đợt, tạo thành con sóng lòng của Kiều. Nàng nhìn ra cửa bể, thấy thấp thoáng một bóng người bên cánh buồm của họ. Bóng người cô độc giữa non sông rộng lớn giống như sự đơn côi một mình của Kiều nơi lầu Ngưng Bích này. Chỉ có điều, nếu Kiều phải ở mãi nơi đây một mình, chưa biết ngày mai, thì người ngư dân đó đang bận rộn trở về đoàn tụ với gia đình sau một ngày làm việc vất vả. Hướng tầm mắt lại gần, Kiều trông thấy những cánh hoa đang trôi dạt, như là lênh đênh, là vô định trước cuộc đời. Những cánh hoa kia y hệt như cuộc đời của Kiều vậy. Cảnh vật cũng như buồn hơn dưới con mắt của Kiều, nàng nhìn đâu đâu cũng thấy bóng dáng những sự vật đơn độc, lẻ loi...

Hai câu thơ cuối là tâm trạng hoang mang, lo lắng, là khi những đợt sóng lòng của nàng trở nên dữ dội hơn:

"Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi"

Âm thanh của tiếng sóng dồn đến như cơn bão táp của nội tâm, là cực điểm cảm xúc trong lòng Kiều. Kiều sẽ phải làm gì với cuộc đời phía trước đây? Tám câu thơ cuối quả thực là tám câu thơ rất hay, mở ra một bức tranh thiên nhiên đối sóng với tâm trạng của Kiều, qua đó thấy được tài năng tả cảnh cũng như miêu tả tâm lí của nhà thơ.

Đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích" với đoạn mở đầu là bức tranh thiên nhiên, kế đến là lời độc thoại của nhân vật và kết thúc lại bằng một bức tranh thiên nhiên. Điệp khúc vòng cho thấy cái nét độc đáo trong cách làm thơ của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, đồng thời gieo vào lòng ta niềm thương cảm sâu sắc trước số phận của nhân vật Kiều.

3. Chính sửa bài viết

Đọc lại bài viết, căn cứ vào yêu cầu của bài văn phân tích một tác phẩm truyện và dàn ý đã lập để chỉnh sửa các phần. Việc chỉnh sửa cần chú ý các vấn đề sau:

- Nếu thiếu các thông tin giới thiệu tác giả, tác phẩm thì cần bổ sung.

- Nếu việc phân tích nội dung chủ đề và các yếu tố nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm chưa đủ rõ, chưa chính xác thì cần chỉnh sửa.

- Nếu các luận điểm chưa chặt chẽ, lí lẽ và bằng chứng chưa đạt yêu cầu, thiếu sức thuyết phục thì cần chỉnh sửa.

- Điều chỉnh dung lượng các ý để đảm bảo bài viết có bố cục hợp lí.

- Rà soát và chỉnh sửa lỗi chính tả, diễn đạt để đảm bảo chuẩn mực về ngôn ngữ.

Xem thêm các bài soạn văn lớp 9 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Ngày xưa (Vũ Cao)

Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (truyện)

Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (Làm thế nào để học tốt môn Ngữ văn)

Củng cố, mở rộng trang 111

“Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng”, một bài thơ tiễn biệt tiêu biểu trong thơ Đường (Nguyễn Khắc Phi)

Rô-mê-ô và Giu-li-ét (trích, Uy-li-am Sếch-xpia)

Đánh giá

0

0 đánh giá