Đề cương ôn tập học kì 1 Ngữ Văn 10 Cánh diều năm 2024

1 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu Đề cương ôn tập học kì 1 Ngữ Văn 10 Cánh diều năm 2024 – 2025. Tài liệu được biên soạn bởi đội ngũ giáo viên THPT dày dặn kinh nghiệm sẽ giúp các em làm quen với các dạng bài tập, nâng cao kỹ năng làm bài và rút kinh nghiệm cho bài thi học kì 1 Ngữ Văn 10. Mời các bạn cùng đón xem:

Đề cương ôn tập học kì 1 Ngữ Văn 10 Cánh diều năm 2024

A. KIẾN THỨC

BÀI 2: THƠ ĐƯỜNG LUẬT

 

ĐỌC

Đọc hiểu văn bản chú ý đặc trưng của thể loại thơ Đường luật

- Hình ảnh, cách gieo vần; nghệ thuật đối: đối giữa các câu, đối giữa các vế; ý nghĩa đối tương đồng và đối tương phản.

- Với một số bài thơ Nôm Đường đã có những thay đổi về nhịp điệu câu thơ, sử dụng từ ngữ và hình ảnh từ đời sống.

- Chủ thể trữ tình: chủ thể phát ngôn thường là tác giả hoặc người đại

diện cho quan niệm thẩm mỹ và tư tưởng thời đại về một vấn đề nào đó trong cuộc sống.

THỰC HÀNH

TIẾNG VIỆT

Trật tự từ trong tiếng Việt

VIẾT

Viết báo cáo kết quả nghiên cứu một vấn đề

NÓI VÀ NGHE

Trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu một vấn đề

 

BÀI 3: KỊCH BẢN CHÈO TUỒNG

ĐỌC

Đọc hiểu văn bản chú ý đặc trưng của thể loại

- Đề tài, tích truyện, nhân vật, lời thoại, chỉ dẫn sân khấu …

- Bối cảnh lịch sử văn hóa, chủ đề, thông điệp…

THỰC HÀNH

TIẾNG VIỆT

Phát hiện và sửa lỗi dùng từ trong Tiếng Việt

VIẾT

Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm

NÓI VÀ NGHE

Thảo luận về một vấn đề có những ý kiến khác nhau

 

BÀI 4: VĂN BẢN THÔNG TIN

ĐỌC

Đọc hiểu văn bản chú ý đặc trưng của thể loại như:

- Văn bản thông tin tổng hợp cung cấp thông tin khách quan, phương thức biểu đạt hay dùng thuyết minh kết hợp với một hoặc nhiều phương thức biểu đạt khác…

- Bản tin ngắn gọn, có tính thời sự, …

THỰC HÀNH

TIẾNG VIỆT

Cách sử dụng các phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ trong văn bản.

 

VIẾT

Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan

niệm

NÓI VÀ NGHE

Thảo luận về một vấn đề có những ý kiến khác nhau

B. CẤU TRÚC ĐỀ THI (90’)

I. ĐỌC HIỂU: 6.0 điểm

- Hình thức: Trắc nghiệm kết hợp trả lời dạng câu hỏi ngắn (7 câu hỏi trắc nghiệm khách quan, 3 câu hỏi tự luận ngắn)

- Nội dung:

+ Đọc hiểu văn bản ngoài sách giáo khoa

+ Văn bản đọc hiểu thuộc thể loại thơ Đường luật chèo, tuồng, văn bản thông tin,…

+ Kiến thức đọc hiểu văn bản: phương thức biểu đạt, biện pháp tu từ, ý nghĩa hình ảnh, từ ngữ, chi tiết đặc sắc….

+ Kiến thức về các đặc trưng của thể loại văn bản

II. VIẾT: 4.0 điểm

- Hình thức tự luận

- Nội dung:

+ Nghị luận xã hội: Viết bài văn nghị luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen.

+ Nghị luận văn học: Viết bài văn nghị luận về một tác phẩm văn học hoặc một đoạn trích trong tác phẩm văn học.

C. ĐỀ MINH HỌA

ĐỀ SỐ 1

I.   ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

(1)   “Tất cả chúng ta ai cũng mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp, và chúng ta biết phải làm gì để đạt được điều đó. Nhưng trước khi bắt tay vào việc, ta lại quyết định rằng mình cần có một kì nghỉ nho nhỏ ở vùng đất kì ảo mang tên: Đảo Một-Ngày-Nào-Đó. Chúng ta nói rằng: Một ngày nào đó, mình sẽ đọc quyển sách này. Một ngày nào đó, mình sẽ bắt đầu chương trình tập luyện kia. Một ngày nào đó, mình sẽ nâng cao kĩ năng và kiếm nhiều tiền hơn… Một ngày nào đó, mình sẽ thực hiện hết những việc cần làm để đạt được mục tiêu. Một ngày nào đó… Có khoảng 80% dân số dành phần lớn thời gian sống trên đảo Một-Ngày-Nào-Đó. Họ nghĩ ngợi, mơ mộng và tưởng tượng những thứ họ sẽ thực hiện vào “một ngày nào đó”.

(2)   Nguyên tắc thành công đầu tiên rất đơn giản: Hãy cuốn gói khỏi đảo Một-Ngày-Nào-Đó! Ngừng viện cớ! Làm hoặc không làm – chứ đừng viện cớ. Đừng nghĩ ra lí lẽ hay lời biện minh vòng vo cho việc mình không chịu hành động. Hãy bắt tay vào thực hiện. Làm bất cứ việc gì. Hãy hành động! Lặp đi lặp lại điều này: Nếu điều đó xảy ra, thì tôi phải là người làm cho nó xảy ra!

 

Nếu người ta dốc sức để chinh phục mục tiêu cũng nhiều như khi người ta biện hộ cho sự thất bại, thì họ sẽ bất ngờ về chính mình. Nhưng trước hết, bạn phải thoát khỏi đảo Một-Ngày-Nào-Đó đã”.

(Trích Ngừng viện cớ, Brian Tracy, TGM Books dịch)

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên là:

A.   Thuyết minh

B.   Tự sự

C.   Nghị luận

D.   Biểu cảm

Câu 2. Theo tác giả, đâu là nguyên tắc thành công đầu tiên ?

A.   Cần một kì nghỉ nho nhỏ ở vùng đất kì ảo mang tên: Một-Ngày-Nào-Đó

B.   Nghĩ ngợi, mơ mộng và tưởng tượng những thứ họ sẽ thực hiện vào “một ngày nào đó”.

C.   Nếu điều đó xảy ra, thì tôi phải là người làm cho nó xảy ra

D.   Hãy cuốn gói khỏi đảo Một-Ngày-Nào-Đó

Câu 3. Theo bạn, đề tài của văn bản trên là gì ?

A.   Sự nỗ lực

B.   Sự trì hoãn

C.   Sự biện hộ

D.   Sự lười biếng

Câu 4. Biện pháp tu từ nào được sử dụng phổ biến trong đoạn (1)?

A.   Ẩn dụ

B.   Điệp

C.   Nhân hóa

D.   Nói quá

Câu 5. Phát biểu nào sau đây nêu lên nội dung khái quát của văn bản ?

A.   Tác hại của thói quen trì hoãn

B.   Tác hại của thói quen trì hoãn và cách khắc phục

C.   Hậu quả của thái độ không dứt khoát

D.   Những cách thức để đạt được thành công

Câu 6. Quan điểm của tác giả đối với thói quen trì hoãn là gì?

A.  Phê phán

B.  Ủng hộ

C.  Ca ngợi

D.  Trung lập

Câu 7. Theo bạn, mục đích của tác giả khi viết văn bản trên là gì ?

A.   Giúp người đọc nhận ra tác hại của thói quen trì hoãn

B.   Cổ vũ người đọc hãy bắt tay ngay vào những việc mình cần làm

C.   Phê phán, nhắc nhở những người có thói quen trì hoãn

D.   Cả ba đáp án trên

 

Trả lời câu hỏi/ thực hiện các yêu cầu:

Câu 8. Thông điệp nào từ văn bản trên có ý nghĩa nhất đối với bạn? Vì sao?

Câu 9. Hãy chỉ ra 02 phương pháp giúp khắc phục thói quen trì hoãn ?

Câu 10. Bạn có cho rằng nếu khắc phục được thói quen trì hoãn thì con người chắc chắn sẽ thành công không? (Viết khoảng 5 – 7 dòng)

II.   LÀM VĂN (4,0 điểm)

Bạn hãy viết một bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen lạm dụng mạng xã hội Facebook.

ĐỀ SỐ 2

I.ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Đọc văn bản:

Nếu đã lâu rồi bạn không nghe thấy tin tức gì về tầng ozone, đó là vì tình hình đang khá sáng sủa. Câu chuyện phục hồi và bảo vệ tầng ozone đã chứng tỏ rẳng khi khoa học và quyết tâm chính trị hợp lực, thế giới có thể thay đổi vận mệnh của mình.

Năm 1985, các nhà khoa học khí quyển ở Nam Cực phát hiện một điều đáng lo ngại: tầng ozone đang trên đà biến mất trong mấy mươi năm tới. Từ đây, cộng đồng quốc tế bắt đầu thảo luận và hành động – với một tốc độ chưa từng có.

Chỉ hai năm sau đó vào ngày 16/9/1987 Nghị định thư Mông – te – rê – an (Montreal) về các chất làm suy giảm tầng ozone được thông qua. Tua nhanh đến ngày hôm nay: tầng ozone đang trên đà hồi phục, trở thành phông nền xán lạn cho một câu chuyện đầy cảm hứng và nhiều bài học về nhân loại, gợi mở cho chúng ta những con đường để giải quyết các khủng hoảng môi trường khác.

…. Câu chuyện thành công này cho thấy: có những cá nhân cụ thể đã “kích hoạt” quá trình thay đổi quỹ đạo của nhân loại, nhưng cần nhớ rằng chính công chúng, sự đồng thuận quốc tế và hành động nhất quán toàn cầu mới là năng lượng bền bỉ của cuộc chiến”

( Lê My, Theo báo Tuổi trẻ cuối tuần, ngày 31/10/2021)

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1: Thông tin của văn bản là:

A.Thông tin chính trị
B.Thông tin thời sự
C.Thông tin khoa học
D.Thông tin kinh tế

Câu 2: Nhận xét cách sử dụng ngôn ngữ trong văn bản trên:

A.Ngắn gọn, sáng rõ, đơn giản
B.Ngắn gọn, hấp dẫn
C.Đa nghĩa
D.Thể hiện màu sắc cá nhân đậm nét.

Câu 3: Theo anh chị nhan đề của bài báo là?

A.Phục hồi tầng ozone: Thành công hiếm hoi của nỗ lực toàn cầu
B.Tình trang tầng ozone hiện nay
C.Chung tay vì tầng ozone
D.Cuộc chiến bảo vệ tầng ozone

Câu 4: Xác định thành phần trạng ngữ trong câu sau: “Chỉ hai năm sau đó vào ngày 16/9/1987 Nghị định thư Mông – te – rê – an (Montreal) về các chất làm suy giảm tầng ozone được thông qua”

A.Chỉ hai năm sau đó
B.Chỉ hai năm sau đó vào ngày 16/9/1987
C. Ngày 16/9/1987
D. Chỉ hai năm sau đó vào ngày 16/9/1987 Nghị định thư Mông – te – rê – an

Câu 5: Từ “kích hoạt” trong văn bản trên có thể thay thế bằng từ:

A.Khởi động
B.Điều chỉnh
C.Thay đổi
D.Tác động

Câu 6: Năng lượng bền bỉ của cuộc chiến là do đâu?

A.Công chúng
B.Sự đồng thuận quốc tế
C.Hợp tác toàn cầu
D.Tất cả các phương án trên

Câu 7: Văn bản trên thuộc thoại văn bản thông tin nào?

A.Báo cáo
B.Bản tin
C.Thư từ
D.Diễn văn

Thực hiện các yêu cầu/ Trả lời câu hỏi:

Câu 8: Tác giả thể hiện quan điểm như thế nào trong bài viết?

Câu 9: Từ văn bản trên kết hợp hiểu biết của em, em có suy nghĩ gì về sự tồn vong của nhân loại và Trái Đất?

Câu 10: Hãy viết một bản tin ngắn (khoảng 12 dòng) về một sự kiện ở trường mà em chứng kiến hoặc tham gia.

II.VIẾT (4.0 điểm)

Phân tích bức tranh thiên nhiên và vẻ đẹp tâm hồn tác giả trong bài thơ sau:

Thu vịnh

Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.
Nước biếc trông như tầng khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào.
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không ngỗng nước nào?
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.

Nguyễn Khuyến

Đánh giá

0

0 đánh giá