TOP 20 bài Cảm nhận về hình ảnh người mẹ hoặc người bố trong một bài thơ đã đọc khiến em xúc động

1.2 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Cảm nhận về hình ảnh người mẹ hoặc người bố trong một bài thơ đã đọc khiến em xúc động hay nhất, giúp các em có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức cho bài thi sắp tới. Mời các bạn đón xem:

Cảm nhận về hình ảnh người mẹ hoặc người bố trong một bài thơ đã đọc khiến em xúc động

Đề bài: Hình ảnh người mẹ hoặc người bố trong một bài thơ đã đọc khiến em xúc động nhất.

 Dàn ý Hình ảnh người mẹ hoặc người bố trong một bài thơ đã đọc khiến em xúc động nhất

1. Mở bài: giới thiệu hình ảnh người mẹ hoặc người bố trong một bài thơ đã đọc.

2. Thân bài:
- Điều mà bản thân ấn tượng ở hình ảnh người bố, người mẹ trong bài thơ đó.
- Nêu suy nghĩ về những ấn tượng ấy.

3. Kết bài: nêu cảm xúc, suy nghĩ về hình ảnh người bố, người mẹ.

Cảm nhận về hình ảnh người mẹ hoặc người bố trong một bài thơ đã đọc khiến em xúc động - Mẫu 1

      Có rất nhiều bài thơ viết về hình ảnh người mẹ. Đôi khi đó là vẻ đẹp dịu dàng, tình yêu thương con. Đôi khi lại là sự tảo tần, giản dị hay thậm chí là khó nhọc khiến cho người đọc day dứt không nguôi. Hình ảnh người mẹ trong bài thơ Về thăm mẹ của Đinh Nam Khương đã để lại trong lòng tôi sự xúc động sâu sắc như thế. Người mẹ trong bài thơ với những chuyện giản đơn thường ngày, tưởng như không có điều gì to tát mà lại khiến tôi ngẫm ngợi không thôi.

         Chắc chắn hình ảnh người mẹ tảo tần, hay những sự cơ cực của mẹ đã xuất hiện nhiều trong văn học. Vậy đâu là nét đặc sắc của bài thơ Về thăm mẹ? Đó là hình ảnh người mẹ không thể hiện trực tiếp mà được thể hiện gián tiếp qua những công việc mẹ làm hay nói cách khác, hình ảnh người mẹ hiện lên gián tiếp qua cái nhìn của người con. Cả bài thơ không có lấy một lời nói hay hành động trực tiếp nào của người mẹ vì ngay đầu bài thơ, chủ thể trữ tình đã cho biết: “Bếp chưa lên khói, mẹ không có nhà”.

         Những hình ảnh trong bài thơ cho ta thấy người mẹ ở đây là người mẹ của nông thôn. Từ những chum tương, nón mê, áo tơi đến đàn gà, trái na cuối vụ đã khẳng định điều đó.

Con về thăm mẹ chiều đông 

Bếp chưa lên khói, mẹ không có nhà

         Chiều đông mà mẹ không có nhà. Vậy mẹ đi đâu? Không ai có thể chắc chắn điều đó. Người đọc, dựa trên văn bản thơ chỉ có thể biết rằng người mẹ đang vắng mặt. Dù vắng mặt, người mẹ vẫn hiện lên gián tiếp qua cái nhìn của người con. Trời mưa thì chum tương mẹ đã đậy rồi. Điều đó thể hiện cho sự cẩn thận, chu đáo của người mẹ trước khi ra khỏi nhà. Những nón mê – dầm mưa, những áo tơi lủn củn khoác hờ người rơm, hay cả đàn gà vào ra quanh một cái nơm hỏng vành lại thể hiện một cuộc sống bình thường, giản dị. Chủ nhân của căn nhà này là người hay tận dụng những đồ đã cũ. Việc tận dụng vẫn là điều thường thấy trong mỗi chúng ta. Nhưng có lẽ, ở tuổi đã không còn đứng bóng, đã là lúc cần nghỉ ngơi mà người mẹ vẫn phải làm lụng, vẫn phải tiết kiệm, chắt chiu và đặc biệt là hình ảnh chiều đông cùng cơn mưa đã gây nên xúc cảm mạnh mẽ trong người con. Cuộc sống giản dị, tiết kiệm có phần khó khăn, phải chắt chiu nhưng người mẹ vẫn sống như vậy, tảo tần. Không ai biết người mẹ ấy có cảm thấy khó khăn, tủi khổ với cuộc sống như vậy không, chỉ biết rằng, trong mắt người con, cuộc sống của mẹ như vậy thật vất vả, chắp vá, khiến người con phải rưng rưng, nghẹn ngào.

         Dẫu cuộc sống có phần chắp vá, có phần tận dụng, bình thường, giản dị, thì điều đó cũng không hề mâu thuẫn với tình cảm của người mẹ dành cho con mình. Vẫn là những điều rất giản dị đời thường: trái na cuối vụ mẹ dành phần con. Trái na cuối vụ có thể hiểu là thức thức đồ bắt đầu ít lại, trở nên hiếm. Vậy mà mẹ vẫn dành phần con. Cái để dành phần là cái được người ta giữ cho người khác, không hề mảy may động vào, cũng không phải phần thừa mứa mà để lại. Cái để phần chính là tình cảm, sự quan tâm, nâng niu, trân trọng mà người mẹ dành cho người con.

         Như vậy, ta có thể thấy, hình ảnh người mẹ ở đây đã được thể hiện qua cái nhìn của người con trên hai phương diện: cuộc sống và tình cảm. Hình ảnh người mẹ trong văn học được nói đến và thể hiện rất nhiều. Nhưng để nói về cái đời thường mà gây xúc động, để nói về cách khắc họa nhân vật mà nhân vật vẫn vắng mặt thì phải nói đến bài thơ Về thăm mẹ của Đinh Nam Khương.

TOP 20 bài Cảm nhận về hình ảnh người mẹ hoặc người bố trong một bài thơ đã đọc khiến em xúc động (ảnh 1)

Cảm nhận về hình ảnh người mẹ hoặc người bố trong một bài thơ đã đọc khiến em xúc động - Mẫu 2

M. Gorki đã từng viết:

“Trời không ánh sáng hoa nào nở
Dạ vắng yêu đương dạ những sầu
Đời thiếu mẹ hiền không phụ nữ
Anh hùng thi sĩ hỏi còn đâu?”

Có thể thấy, người mẹ có vai trò quan trọng trong cuộc sống. Cũng viết về người mẹ, bài thơ “Về thăm mẹ” của Đinh Nam Khương đã giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của người mẹ.

Trong một chiều đông, người con về thăm mẹ sau nhiều năm xa cách. Khi nhìn thấy những sự vật đã rất quen thuộc, con nhớ đến bóng dáng của mẹ:

“Con về thăm mẹ chiều đông
Bếp chưa lên khói mẹ không có nhà
Mình con thơ thẩn vào ra
Trời đang yên vậy bỗng oà mưa rơi”

Hình ảnh khói bếp đã rất quen thuộc, thường gắn bó với người bà người mẹ. Họ thường xuyên phải lo lắng công việc bếp núc trong gia đình. Người con nhìn căn bếp chưa lên khói, thì hiểu rằng mẹ không có nhà.

Điều đó khiến cho nỗi nhớ mẹ càng sâu sắc. Những đồ vật đã gắn bó với mẹ suốt bao năm tháng hiện ta trước mắt con:

“Chum tương mẹ đã đậy rồi
Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa
Áo tơi qua buổi cày bừa
Giờ còn lủn củn khoác hờ người rơm
Đàn gà mới nở vàng ươm
Vào ra quanh một cái nơm hỏng vành
Bất ngờ rụng ở trên cành
Trái na cuối vụ mẹ dành phần con”

Người mẹ tần tảo sớm hôm, lo lắng cho mọi thứ một cách chu toàn. Mẹ chăm sóc để đợi ngày con trở về thưởng thức. Đó chính là tấm lòng giàu đức hy sinh, cả cuộc đời chỉ biết lo nghĩa cho con của mẹ.

Hai câu thơ cuối cho thấy tình cảm của nhà thơ dành cho người mẹ của mình. Người con ngồi trên hiên nhà vắng, thơ thẩn vào ra gợi sự bồi hồi khi nhìn thấy những đồ vật quen thuộc mẹ vẫn thường dùng, mong ngóng mẹ trở về:

“Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn
Rưng rưng từ chuyện giản đơn thường ngày”

Sự xúc động đến nghẹn ngào đã bày tỏ một tấm lòng yêu thương da diết của người con. Điều làm người con “Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn” đó là những chuyện giản đơn thường ngày - ngôi nhà do mẹ một tay vun vén, sự hy sinh mẹ dành cho con.

Bài thơ “Về thăm mẹ” đã giúp người đọc thấu hiểu được những nỗi vất vả, nhọc nhằn của mẹ. Từ đó, chúng ta thêm yêu thương và trân trọng những người mẹ nhiều hơn.

Cảm nhận về hình ảnh người mẹ hoặc người bố trong một bài thơ đã đọc khiến em xúc động - Mẫu 3

Bài thơ “Những cánh buồm” đã giúp người đọc cảm nhận được hình ảnh người cha với tình yêu thương sâu sắc dành cho con.

Mở đầu, tác giả đã khắc họa hình ảnh của người cha cùng với đứa con của mình:

“Hai cha con bước đi trên cát
Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh
Bóng cha dài lênh khênh
Bóng con tròn chắc nịch”

Dưới ánh mặt trời rực rỡ, nước biển trong xanh, người cha đang dắt con đi trên cát. Hình ảnh đối lập nhưng lại thật dễ thương. Bóng cha thì dài lênh khênh, còn bóng con thì tròn chắc nịch. Đó chính là sự khác biệt giữa hai thế hệ, người cha đã trưởng thành, còn đứa con vẫn bé bỏng.

“Sau trận mưa đêm rả rích
Cát càng mịn, biển càng trong
Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng
Nghe con bước, lòng vui phơi phới”

Sau trận mưa đêm, cát càng trở nên mịn, còn biển càng xanh hơn. Thiên nhiên trở nên rực rỡ, sức sống hơn. Người cha dắt con đi dưới cát, lắng nghe tiếng bước chân của con mà lòng cảm thấy vui tươi, phơi phới.

Những câu hỏi của đứa con thơ đã khiến cho cha nhớ đến hình ảnh của mình trong quá khứ:

“Con bỗng lắc tay cha khẽ hỏi:
“Cha ơi, sao xa kia chỉ thấy nước thấy trời,
Không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người ở đó?”

Cha mỉm cười xoa đầu con nhỏ:
“Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa,
Sẽ có cây, có cửa, có nhà
Vẫn là đất nước của ta
Ở nơi đó cha chưa hề đi đến.”

Người cha đã kiên nhẫn giải thích cho con hiểu về thế giới rộng lớn ngoài kia. Có thể thấy được ở đây tình yêu thương sâu sắc của người cha dành cho đứa con của mình.

“Cha lại dắt con đi trên cát mịn,
Ánh nắng chảy đầy vai
Cha trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời
Con lại trỏ cánh buồm xa hỏi khẽ:
“Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé,
Để con đi!”

Lời của con hay tiếng sóng thầm thì
Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm
Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận
Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con."

Hình ảnh người cha dắt con đi được lặp lại một lần nữa, cho thấy sự gắn bó của hai cha con. Đồng thời, chúng ta có thể cảm nhận được người cha đang cảm thấy bồi hồi, hạnh phúc khi gặp lại chính mình trong ước mơ của con. Lời của con hay cũng chính là tiếng lòng của cha khi còn là một cậu bé cũng từng mong ước như đứa con của mình. Những ước mơ chưa thể thực hiện của người cha nay được gửi gắm trong con.

Bài thơ Những cánh buồm thể hiện niềm tự hào của người cha khi thấy con mình cũng ấp ủ những ước mơ cao đẹp. Hình ảnh người cha hiện lên trong bài với những tình cảm yêu thương sâu sắc dành cho đứa con của mình.

Cảm nhận về hình ảnh người mẹ hoặc người bố trong một bài thơ đã đọc khiến em xúc động - Mẫu 4

Trong bài thơ "Con cò", nhà thơ Chế Lan Viên có viết:

"Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con"

Quả thực như vậy, mẹ luôn là người yêu thương, che chở cho chúng ta. Chính vì thế, nhiều nhà văn, nhà thơ đã sáng tác nên vô vàn tác phẩm hay để ca ngợi tấm lòng, đức hi sinh cao cả của mẹ. Đặc biệt, chúng ta không thể bỏ qua bài thơ "Về thăm mẹ" của Đinh Nam Khương. Hình ảnh người mẹ trong tác phẩm đã để lại cho em nhiều rung cảm sâu sắc.

Đầu tiên, em vô cùng xúc động trước nỗi vất vả, lam lũ của người mẹ. Dù không xuất hiện trực tiếp nhưng hình ảnh về mẹ vẫn hiện lên hết sức chân thực. Bóng dáng mẹ gắn liền với ngôi nhà thân thương, với "chum tương", với "đàn gà mới nở vàng ươm". Có thể thấy, đôi bàn tay nhỏ bé của mẹ đã sắp xếp gọn ghẽ mọi thứ. Không chỉ vậy, ngoài ruộng đồng, mẹ cũng rất cần cù, chịu thương chịu khó. Hình ảnh "nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa" và áo tơi "giờ còn lủn củn khoác hờ người rơm" đã khắc họa rõ nét hình bóng mẹ nhọc nhằn làm lụng không quản ngại thời tiết nắng mưa.

Ngoài ra, em còn thấy ấn tượng, cảm động về tấm lòng chan chứa yêu thương của người mẹ trong "Về thăm mẹ". Mẹ sẵn sàng dành cho con những gì tốt đẹp nhất mà không giữ lại điều gì riêng mình. Câu thơ "trái na cuối vụ đã dành phần con" đã tô đậm tấm lòng bao la, cao cả của mẹ. Từ đây, em càng thêm trân trọng, nâng niu tình thương bao la, vô bờ của những người đã mang nặng đẻ đau.

Theo dòng thời gian, hình ảnh người mẹ sẽ luôn in sâu trong tâm trí bạn đọc bởi đức hi sinh thầm lặng cùng tình thương con vô bờ. Qua bài thơ, tác giả Đinh Nam Khương cũng khéo léo nhắc nhở mỗi người phải biết quan tâm, yêu thương cha mẹ nhiều hơn.

Cảm nhận về hình ảnh người mẹ hoặc người bố trong một bài thơ đã đọc khiến em xúc động - Mẫu 5

"Những điều bố yêu" là một sáng tác nổi bật của tác giả Nguyễn Chí Thuật. Bài thơ là lời bày tỏ chân tình của người bố dành cho đứa con. Qua đó, hình ảnh người bố hiện lên thật chân thực với tấm lòng, tình thương vô bờ, lớn lao.

Trước hết, em ấn tượng với tình yêu giản dị, ấm áp của người bố. Bố yêu mọi thứ gắn liền với đứa con bé bỏng, từ "cái chỗ con nằm" đến "những hàng tã chéo mẹ giăng đầy nhà" rồi "thêm yêu dìu dịu nước hoa". Trong trái tim và tâm trí bố, con luôn chiếm một vị trí quan trọng.

Bên cạnh đó, em còn cảm thấy xúc động trước hành trình đồng hành cùng con của người bố. Ngay từ giây phút con cất tiếng khóc chào đời, bố đã vô cùng hạnh phúc và vui sướng. Những ngày tháng sau đó, bố lại nhẹ nhàng ru hát đưa con vào giấc ngủ say nồng "Cứ "À ơi, gió mùa thu"/ "Con ong làm mật", "Mù u bướm vàng"...". Khi con bi bô tập nói "Mẹ ơi", chập chững tập đi hay lúc lớn khôn và trưởng thành , bố vẫn luôn dõi theo. Như vậy, bố đã song hành cùng con trong mọi khoảnh khắc quan trọng của cuộc đời.

Qua hình ảnh người bố, em càng thêm biết ơn, trân trọng tấm lòng cao cả của đấng sinh thành. Người bố trong "Những điều bố yêu" cũng làm em nhớ tới bố của mình - một người luôn yêu thương, quan tâm tới con cái.

Tác giả Nguyễn Chí Thuật thật tài tình và khéo léo khi phác họa hình ảnh người bố qua những hình ảnh thơ giản dị, thân thuộc. Từ đây, người bố hiện lên chân thực, sắc nét với tấm lòng, tình yêu thương cao cả.

TOP 20 bài Cảm nhận về hình ảnh người mẹ hoặc người bố trong một bài thơ đã đọc khiến em xúc động (ảnh 2)

Cảm nhận về hình ảnh người mẹ hoặc người bố trong một bài thơ đã đọc khiến em xúc động - Mẫu 6

Đọc bài thơ "À ơi tay mẹ", em thấy vô cùng xúc động trước tình thương bao la của mẹ. Mượn hình ảnh "bàn tay mẹ" cùng lời ru "à ơi", nhà thơ Bình Nguyên đã khắc họa chân thực hình bóng người mẹ tần tảo, chịu thương chịu khó.

Trước hết, em cảm nhận được tấm lòng, đức hi sinh cao cả của mẹ. Đứng trước giông tố cuộc đời, mẹ dùng đôi bàn tay nhỏ bé của mình để che chở, bảo vệ con "Bàn tay mẹ chắn mưa sa/ Bàn tay mẹ chặn bão qua mùa màng.". Khi khó khăn qua đi, bàn tay mẹ lại dịu dàng, vỗ về con vào giấc ngủ say nồng. Trong đôi mắt mẹ, con giống như "cái trăng vàng", "cái trăng tròn", "Mặt Trời bé con". Mẹ luôn coi con là nguồn sống, là ánh sáng sưởi ấm trái tim mình. Vì thế, mẹ sẵn sàng làm mọi thứ để con được hạnh phúc, bình yên và vui vẻ. Dù sau này con lớn khôn, trưởng thành thì mẹ vẫn nguyện thức một đời hát ru "Mai sau bể cạn non mòn/ À ơi tay mẹ vẫn còn hát ru". Từ đây, em đã thấu hiểu hơn nữa về nỗi nhọc nhằn, vất vả của những người mẹ vĩ đại.

Bên cạnh đó, em càng thêm yêu mến, xúc động bởi tấm lòng yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc của người mẹ trong "À ơi tay mẹ". Người mẹ ấy đã làm tất cả mọi thứ để con có cuộc sống vui vẻ. Trước khó khăn, vất vả, bàn tay mẹ vẫn chăm chỉ làm lụng, chắt chiu mọi thứ từ chính những dãi dầu. Mẹ dành cho con bao điều tốt đẹp, thơm ngọt của cuộc đời mà chẳng hề giữ lại riêng mình "Ru cho đời nín cái đau/ À ơi... Mẹ chẳng một câu ru mình".

Bằng lời thơ tha thiết, dạt dào cảm xúc, hình ảnh gần gũi, giản dị, nhà thơ đã đem đến cảm nhận sâu sắc về tình mẫu tử thiêng liêng, cao đẹp. Để rồi, mỗi khi nhắc tới bài thơ, người đọc sẽ không thể nào quên bóng dáng người mẹ lam lũ, giàu tình thương. Qua đây, nhà thơ cũng khéo léo nhắc nhở mỗi người cần phải biết yêu mến, kính trọng bậc sinh thành.

 
Đánh giá

0

0 đánh giá