TOP 10 bài Nghe và phản hồi về bài giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc một tác phẩm văn học 2024 SIÊU HAY

1.2 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Nghe và phản hồi về bài giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc một tác phẩm văn học Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo gồm 6 bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho bài thi sắp tới. 

Nghe và phản hồi về bài giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc một tác phẩm văn học

TOP 10 bài Nghe và phản hồi về bài giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc một tác phẩm văn học 2024 SIÊU HAY (ảnh 1)

Đề bài: Nghe và phản hồi về bài giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc một tác phẩm văn học hoặc tác phẩm nghệ thuật.

Dàn ý Nghe và phản hồi về bài giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc một tác phẩm văn học

- Mở bài:

+ Tóm tắt được một tác phẩm văn học (bài thơ) hoặc tác phẩm nghệ thuật (bức tranh, pho tượng)

- Thân bài:

+ Ghi chép được đặc điểm nội dung và hình thức của tác phẩm

+ Xác định được nội dung về chủ đề, thông điệp của tác phẩm.

+ Xác định một số ý kiến nhận xét, đánh giá về tác phẩm, tình cảm, cảm xuac khi đọc/ xem tác phẩm.

- Kết bài:

+ Khẳng định lại chủ đề và giá trị của một vài nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

+ Lắng nghe và phản hồi được nội dung giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc tác phẩm nghệ thuật

Nghe và phản hồi về bài giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc tác phẩm nghệ thuật - Mẫu 1

Chào mọi người, tên em là… học sinh lớp… “Cảnh khuya” nằm trong số những bài thơ trữ tình đặc sắc, bài thơ viết vào thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra vô cùng ác liệt, Bác Hồ đã viết bài thơ “Cảnh khuya” trong hoàn cảnh đó.

 “Tiếng suối trong như tiếng hát xa,

Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”.

(1947 – Hồ Chí Minh)

Bài thơ miêu tả cảnh khuya núi rừng một đêm trăng, nói lên những suy tư lo lắng của Bác Hồ đối với vận mệnh của dân tộc. Hai câu đầu làm hiện lên trước mắt người đọc một bức tranh sơn thủy về cảnh suối rừng, trăng ngàn Việt Bắc. Nhà thơ thao thức lắng nghe tiếng suối chảy rì rầm, êm nhẹ và trong trẻo từ rừng sâu vọng đến: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa”.

Suối là vẻ đẹp chốn lâm quyền, vẻ đẹp rừng già Việt Bắc. Bác lấy tiếng suối so sánh với tiếng hát, là khúc nhạc rừng ví với tiếng hát xa, êm ái, ngọt ngào của con người, làm cho cảnh khuya chiến khu trở nên gần gũi, mang hơi ấm cuộc đời. Câu thơ làm ta liên tưởng đến tiếng suối trong bài “Côn Sơn ca” của Ức Trai hơn 600 năm về trước:

“Côn Sơn suối chảy rì rầm

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai…”

Hai hồn thơ trở nên gần gũi, thân thiết. Nguyễn Trãi đã về Côn Sơn “quê cũ” để xa lánh bụi trần, danh lợi, lấy suối đá thông trúc làm bầu bạn. Bác Hồ cũng đến chốn lâm tuyền Việt Bắc, xây dựng chiến khu đánh Pháp. Suối trở thành bài ca câu hát nâng đỡ tâm hồn Bác trong những năm dài kháng chiến gian khổ.

Tả suối, nghệ thuật của Bác thật điêu luyện: Lấy cái động (tiếng suối chảy) để miêu tả cái tĩnh (Cảnh khuya) làm nổi bật sự thanh vắng, tĩnh lặng của chiến khu một đêm trăng. Càng về khuya, núi rừng như chìm trong vắng lặng mênh mông. Bác “chưa ngủ” nên mới nghe rõ âm thanh rì rầm suối chảy. Câu thứ hai tả trăng ngàn: “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”.

Hai vế tiểu đối gợi lên cảnh đẹp hài hòa của cảnh vật thiên nhiên. Trăng được nhân hóa, rất thơ mộng “lồng” vào cổ thụ, bóng cổ thụ lại “lồng” vào hoa. Cảnh thiên nhiên trở nên hữu tình, huyền ảo. Chữ “lồng” được láy hai lần, chất thơ trữ tình mang hồn người, quyến rũ. Ánh trăng trải khắp núi rừng, dát vàng xuống rừng cây, “lồng” và trùm lên cổ thụ. Cảnh rừng có tầng cao, tầng thấp, có mảnh sáng, mảnh mờ. Nét vẽ tinh tế, gam màu nhẹ và tươi mát, sự phối sắc tài tình, mĩ cảm, hấp dẫn.

Nếu như ở hai câu thơ đầu Bác chỉ miêu tả về thiên nhiên thì đến hai câu thư cuối ta thấy được hình ảnh một vị lãnh tụ đang trằn trọc không ngủ. Hai câu thơ cho chúng ta hiểu rõ thêm được tâm hồn yêu thiên nhiên của Bác nhưng cũng chính thiên nhiên lại khiến cho tâm hồn ấy trằn trọc chẳng thể nào ngủ nổi vì thiên nhiên mà nỗi lo cho đất nước càng dâng cao khiến cho vị lãnh tụ không thể nào chợp mắt. Giữa vầng trăng sáng vằng vặc giữa cảnh khuya trong trẻo có một người đang thao thức không yên .Người hòa mình vào thiên nhiên để cất tiếng thơ ngợi ca thiên nhiên núi rừng song đó chỉ là giây phút phiêu du vào mây gió còn tâm hồn người thực sự đang gửi gắm ở một chân trời khác: Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Chưa ngủ, thao thức, bồi hồi vì “lo nỗi nước nhà”. Nhà nước đang bị giặc Pháp xâm lăng, con thuyền kháng chiến đang băng qua ghềnh thác thì vị “thuyền trưởng” chưa thể ngủ ngon giấc được! Nguyễn Trãi đã từng thao thức vì đại nghĩa:

“Còn một tấc lòng âu việc nước

Đêm đêm thức nhẵn nẻo sơ chung”

(Quốc âm thi tập)

Bác Hồ cũng thao thức: “Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”. Cùng mang trong tâm hồn một tình yêu lớn đối với đất nước và nhân dân, thơ của bác chứa chan tình yêu nước. Có thể nói, câu thơ bình dị, sáng tỏ như một chân lý, để lại ấn tượng sâu sắc.

“Cảnh khuya” bài thơ tứ tuyệt làm đẹp nền thơ ca kháng chiến. Câu thơ giàu hình tượng và truyền cảm. Cảnh và tình hòa hợp, vừa cổ kính, vừa hiện đại. Tình yêu nước thiết tha, tình yêu thiên nhiên trong sáng là cốt cách vẻ đẹp của bài thơ.

Nghe và phản hồi về bài giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc tác phẩm nghệ thuật - Mẫu 2

Chào mọi người, em tên là… học sinh lớp… Nguyễn Du là nhà thơ tài hoa, nỗi lạc của dân tộc Việt Nam. Ông đã để lại vô vàn tác phẩm xuất sắc nổi bật trong đó là tác phẩm “Truyện Kiều”. Qua tên gọi “ Đoạn Trường Tân Thanh” là tiếng khóc, tiếng kêu xé lòng của những số phận tài hoa bạc mệnh trong xã hội phong kiến mục ruỗng thối nát xưa kia. Tác giả đã khắc họa được hết hình ảnh Kiều một cách vô cùng tinh tế qua đó cuộc đời nhân vật Kiều được tạo ra một cách vô cùng éo lo và khốn khổ. Điều đó thể hiện rõ nét nhất ở đoạn trích Trao duyên, khi mà Kiều phải đau khổ trao đi hạnh phúc riêng tư thầm kín. Có lẽ đây là cảnh tượng đau lòng chưa từng thấy trong nền văn học nhân loại.

Nội dung khái quát của đoạn trích là tình yêu giữa Thúy Kiều và Kim Trọng đang tươi đẹp, nồng nàn thì Kim Trọng phải về Liêu Dương hộ tang chú. Trong khi đó tai họa đổ ập xuống gia đình Thúy Kiều. Của cải bị bọn sai nha vét sạch. Cha và em trai Thúy Kiều bị bắt, bị đánh. Bọn quan lại đòi đút lót “có ba trăm lạng việc này mới xuôi”. Trước biến cố đau lòng đó, một người giàu tình cảm, giàu đức hi sinh như Thúy Kiều không còn cách nào khác là phải bán mình lấy tiền cứu cha và em. Nhưng còn mối tình với Kim Trọng? Thúy Kiều hết sức đau khổ. Cuối cùng nàng quyết định nhờ em thay mình lấy Kim Trọng. Nguyễn Du đã dựng lại cốt truyện vô cùng sống động dựa vào những chi tiết của truyện Thanh Tâm Tài Nhân. Khi bắt đầu vào cuộc nói chuyện Kiều không đi vào ngay câu chuyện chính mà lại tạo ra một không khí vô cùng trang nghiêm.

“Thúy Vân chợt tỉnh giấc xuân” thì thấy chị mình đang thổn thức giữa đêm khuya. Vân ghé đến ân cần hỏi han. Thúy Kiều thật là khó nói, nhưng “để lòng thì phụ tấm lòng với ai”. Thương cha, nàng bán mình, thương người tình, nàng đành cậy em:

“Cậy em, em có chịu lời,

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa,

Giữa đường đứt gánh tương tư,

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc, em’’.

Cái tinh tế của Nguyễn Du nằm ở chỗ, ông đã không sử dụng từ nhờ mà lại dùng từ “Cậy” , một từ thể hiện niềm tin tuyệt đối của bản thân  mình đối với người được nhờ mà người ấy không thể thoái thác được. Chưa dừng lại ở đó tác giả tiếp tục sử dụng từ “lạy” một từ mà chẳng bao giờ người chị lại dành cho em mà lại còn chỉ để trao duyên của mình. Mối tình với chàng Kim sâu nặng biết chừng nào, thiêng liêng biết chừng nào! Trong nước mắt, giữa đêm khuya, Thúy Kiều đã kể lể sự tình cho cô em nghe:

“Kể từ khi gặp chàng Kim 

Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề

Sự đâu sóng gió bất kì

Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai”.

Kiều rất nhanh chóng kể lại những sự việc xảy ra với mình mà Thúy Vân cũng đã chứng kiến và biết từ trước, Chuyện gặp chàng Kim trong buổi chiều thanh minh Chuyện thề nguyền hẹn ước với Kim Trọng. Chuyện sóng gió của gia đình. Nhưng có một chi tiết mà một người giản đơn như Thúy Vân không bao giờ biết được:

“Hữu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai”.

Qua câu thơ thì cũng có thể cảm nhận được sự đay nghiến của tác giả Nguyễn Du dành cho xã hội phong kiến xưa khi mà chữ hiếu và tình yêu không thể đặt lên bàn cân mà so sánh được. Một xã hội mà hết sức tàn bạo độc ác khi mà bắt con người lựa chọn những lựa chọn không thể làm khác thậm chí khiến cho bản thân đau khổ tột độ. Và Thúy Kiều cũng không thoát khỏi số phận quái ác như vậy khi mà nàng đã phải từ bỏ tình yêu đẹp đẽ của mình để lựa chọn báo hiếu cho cha. Cho nên hi sinh chữ tình, nàng Kiều coi như không tồn tại trên cõi đời này nữa. Mỗi lời của nàng không phải là nước mắt mà là máu đang rỉ ra trong lòng.

“Ngày xuân em hãy còn dài

Xót tình máu mủ thay lời nước non

Chị dù thịt nát xương mòn

 Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”.

Hai chị em đều “xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” vậy mà nàng nói “ngày xuân em hãy còn dài” đau đớn biết chừng nào! Những lời nó thiêng liêng này xuất phát từ tận đáy lòng mà nàng muốn gửi đến cho Kim Trọng một phần vì khá lo cho chàng một phần cũng mong muốn chàng có thể tìm kiếm được hạnh phúc trong sự tan vỡ này. Trong khi bản thân mình đau khổ không lối thoát, thương tích đầy mình vậy mà nàng vẫn có thể suy nghĩ cho người khác. Qủa thật là một cô gái hết sức lương thiện, một cô gái mà xứng đáng được hưởng những hạnh phúc, những điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời này. Biết là em thuận lòng, nàng trao cho em những kỉ vật giữa nàng và chàng Kim:

“Chiếc vành với bức tờ mây

Duyên này thì giữ, vật này của chung”.

Tình cảm dẫu sao vẫn còn trừu tượng, chứ kỉ vật của tình yêu thì cứ hiển nhiên hiện ra đó, cho nên Thúy Kiều trao “chiếc vành với bức tờ mây” cho em thì nàng cũng đau đớn đến tột độ. Mỗi một lời nàng nói có thể hiểu được sự đau khổ tột độ nên mới thốt ra được câu nói nặng như chì như thế. Qủa thật là một cô gái hết sức đáng thương. Nàng trao duyên, trao lại những kỉ vật cho em mà trong lòng tràn đầy những uất hận, lòng nghẹn lại thầm trách xã hội sao mà lại vô tình đến thế. Một lời tố cáo vô cùng hùng hồn vang thấu trời xanh của Nguyễn Du.

Thúy Kiều trao duyên là coi như mình đã khuất. Nàng dặn em giữ gìn ki vật và còn dặn em hãy thương lấy linh hồn vật vờ đau khổ của chị trên cõi đời đen bạc này:

“Mai sau dù có bao giờ,

Đốt lò hương ấy, so tơ phím nàv.

Trông ra ngọn cỏ lá cây,

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.

Hồn còn mang nặng lời thề,

Nát thân bồ liễu, đền nghì trúc mai”.

Có lẽ rằng tâm hồn của Kiều đã chết khi phải đưa ra sự lựa chọn. Thúy Kiều tưởng tượng nàng chỉ còn là bóng ma. Lời lẽ huyền hồ bóng ma nàng sẽ hiện lên trong hương trầm và âm nhạc. Hồn ma còn mang nặng lời thề với Kim Trọng, cho nên dẫu “thịt nát xương mòn” thì hồn nàng vẫn còn quanh quẩn với “ngọn cỏ lá cây”, với “hiu hiu gió…”. Tình của người bạc mệnh vẫn còn làm chấn động cả vũ trụ. Chìm trong sự đau đớn tột cùng của tình yêu, nàng quên mất trước mặt mình là Thúy Vân mà than khóc với Kim Trọng.

“Trăm nghìn gửi lạy tình quân,

Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi

Phận sao phận bạc như vôi!

Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng”.

Có thể cảm nhận được mỗi một lời nàng nói đều đau đến xé lòng. Đứng trước nốt đau tan nát trái tim này nàng chỉ trách mình là “phận bạc”, là “hoa trôi”, những hình ảnh đó khiến chúng ta cũng có những động lòng thương cảm. Trong lòng chứa đầy vết thương lòng là vậy nhưng mỗi khi nghĩ đến Kim Trọng nàng luôn mặc cảm dằn vặt bởi vì chính nàng đã phụ chàng. Tất cả những điều đó càng khiến nàng chìm vào những đau khổ của sự tan nát tình cảm.

“Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!

Thôi thôi! Thiếp đã phụ chàng từ đây!”

Đoạn “Trao duyên” trong “Truyện Kiều” là một khúc “đoạn trường” trong “Đoạn trường tân thanh”.  Bằng tất cả sự tinh tế Nguyễn Du đã cảm thấy trong truyện Thanh Tâm Tài Nhân một hình ảnh hết sức cảm động vì vậy ông đã dựng lại đoạn trao duyên một cách hết sức tình cảm và trải đầy nỗi lòng. Tác giả đã đối lập hai tính cách của hai chị em một cách tài tình: con người của đời thường và con người của phi thường. Trong sự kiện “sóng gió bất kì” này, Thúy Vân vô tư, hồn nhiên (cũng đừng vội chê trách Thúy Vân. Nhân vật này còn là một kho bí mật trong công trình nghệ thuật kiệt tác của Nguyễn Du mà chúng ta chưa kịp bàn ở đây), còn Thúy Kiều thì đau đớn.  Sự miêu tả tài tình của tác giả khiến chúng ta có thể cảm nhận được Thúy Kiều là một người lương thiện, luôn suy nghĩ cho người khác mà hi sinh đi bản thân mình. Một nhân cách như vậy mà vừa chớm bước vào đời như một bông hoa mới nở đã bị sóng gió dập vùi tan tác. Nói như Mộng Liên Đường chủ nhân: khúc đoạn trường này như có máu rỏ trên đầu ngọn bút của Nguyễn Du, như có nước mắt của thi nhân thấm qua trang giấy. Hơn hai trăm năm rồi, những giọt nước mắt nhân tình ấy vẫn chưa ráo.

Nghe và phản hồi về bài giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc tác phẩm nghệ thuật - Mẫu 3

Kính thưa thầy/cô và các bạn, em tên là…Sau đây em xin đại diện cho nhóm A trình bày bài nói về giới thiệu, đánh giá nội dung và nghệ thuật của tác phẩm “Những cánh buồm” của Hoàng Trung Thông.

Tình cảm gia đình là thứ tình cảm thiêng liêng đối với mỗi người, là chỗ dựa tinh thần giúp con người vượt qua bao sóng gió, thử thách trong cuộc đời. Đã có biết bao bài thơ, câu truyện hay ca ngợi tình cảm gia đình, một trong số đó là bài thơ “Những cánh buồm” (Hoàng Trung Thông). Bài thơ viết về tình cảm cha con thiêng liêng bằng lời kể giản dị, chân thành, đã để lại cho người đọc nhiều cảm xúc.

Bài thơ được viết năm 1963, in trong tập thơ cùng tên. Bằng thể thơ tự do, kết hợp với các yếu tố tự sự và miêu tả, bài thơ là lời kể lại của người cha về câu chuyện ước mơ của hai thế hệ, đọng lại trên trang thơ những cảm xúc dạt dào, những suy tư, hoài bão xa xăm.

Mở đầu bài thơ là cảnh hai cha con dạo chơi trên biển: “Hai cha con bước đi trên cát/ Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh”. Không gian ở đây khoáng đạt, rực rỡ với sắc màu của biển xanh và mặt trời chiếu rọi. Bóng cha và bóng con in trên nền cát mịn. Tác giả khéo léo sử dụng biện pháp đối lập giữa bóng cha - bóng con:

Bóng cha dài lênh khênh

Bóng con tròn chắc nịch.

Dài – trơn, lênh khênh - chắc nịch làm nổi bật cái già nua vì thời gian của thế hệ trước như đối lập với cái vững chãi, tự tin của cả thế hệ con cháu. Cha dắt con đi hay chính quá khứ dìu bước cho hiện tại, lớp trước nâng bước cho lớp sau. Hình ảnh con người hòa nhập, chan hòa với thiên nhiên. Người cha chỉ dẫn cho con bước đi trong một thế giới tràn ngập màu hồng của một chân trời tương lai đang mở rộng. Ánh mai hồng đang nhẹ nhàng chiếu sáng mở đầu cho một ngày mới. Phải chăng trong tầm mắt nhà thơ, người con đang được thừa hưởng những gì cao quý, đẹp nhất của người cha và trong lòng chợt lóe lên những tia mơ ước đầu tiên về tương lai qua câu hỏi ở phần trò chuyện tiếp theo bài thơ.

Tiếp đó là cuộc trò chuyện của hai cha con. Người con hỏi cha:

Cha ơi!

.. không thấy người ở đó?”

“Cha mượn cho con buồm trắng nhé,

Để con đi…” Đây là câu hỏi ngây thơ, hồn nhiên thể hiện người con mong muốn mở rộng kiến thức, khát khao được đi nhiều nơi. Đứng trước câu hỏi hồn nhiên của con, người cha nhẹ nhàng đáp:

 “Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa

Những nơi đó cha chưa hề đi đến”. 

Người cha trầm ngâm, nhẹ nhàng mỉm cười giảng giải cho con những điều con thắc mắc, từng bước nâng đỡ ước mơ con. Người cha có phần tiếc nuối xa xăm về ước mơ dang dở chưa thực hiện được. Trong cuộc nói chuyện giữa hai cha con, tác giả sử dụng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “Ánh nắng chảy đầy vai” làm tăng sức hấp dẫn, thú vị cho câu thơ, giúp người đọc hình dung cụ thể về khung cảnh đẹp đẽ trên biển, và hình ảnh ẩn dụ cánh buồmCánh buồm chính là biểu tượng của ước mơ, khát vọng được đi xa, được mở rộng hiểu biết của người con. Dấu chấm lửng cuối lời của con “Để con đi…” mang nhiều ý nghĩa. Đó không chỉ là khát vọng vươn cao vươn xa của người con mà đó còn là sự tiếp nối của thế hệ sau với thế hệ trước. Qua đây người đọc thấy được tình cảm yêu thương, trìu mến của người cha dành cho con và khao khát được khám phá những điều chưa biết của người con. Ta còn cảm nhận được sự yêu thương, tin cậy của con đối với cha.

Phần cuối bài chính là uớc mơ của con gợi ước mơ của người cha khi còn nhỏ:

Lời của con hay tiếng sóng thầm thì

Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm

Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận

Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con.

Người cha đã gặp lại những ước mơ, hoài bão của mình thời thơ ấu trong chính ước mơ của đứa con hôm nay. Người cha tự hào khi thấy con mình cũng ấp ủ những ước mơ đẹp như ước mơ của mình thời thơ ấu. Câu thơ: Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con cuối bài còn cho thấy đó là sự tiếp nối của thế hệ trẻ thực hiện ước mơ của thế hệ đi trước khám phá thế giới rộng lớn ngoài kia.

Tác giả như hoá thân vào hình ảnh người cha nói ra những suy nghĩ, thể hiện tình cảm cha con và đã gieo vào lòng các bạn trẻ - những thế hệ sau này một khát vọng, ước mơ khám phá, chinh phục những vùng đất mới. Và người đọc cũng thấy rõ tâm tư cảu tác giả: trân trọng tình cảm cha con thiêng liêng trong cuộc đời, trân trọng những ước mơ tuổi thơ.

Qua bài thơ “Những cánh buồm”, nhà thơ Hoàng Trung Thông đã “thổi” cho “cánh buồm” của mỗi người yêu thơ một phần nào đó hơi gió cuộc sống mà mai sau chúng ta sẽ càng phồng vượt xa trong chân trời mới đang mở rộng. Hi vọng rằng sẽ có thật nhiều, thật nhiều cánh buồm no gió lao đi trên biển, khơi quê hương Việt Nam dấu yêu. Mỗi chúng ta cố gắng phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu dự định ma mình đã đề ra để có cuộc sống tươi đẹp hơn.

Bài nói của em đến đây là kết thúc. Cảm ơn thầy/cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của thầy/cô và các bạn để bài nói được hoàn thiện hơn.

TOP 10 bài Nghe và phản hồi về bài giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc một tác phẩm văn học 2024 SIÊU HAY (ảnh 2)

Nghe và phản hồi về bài giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc tác phẩm nghệ thuật - Mẫu 4

Chào cô và các bạn, mình là Minh Trang, hôm nay mình sẽ thuyết trình bài nói về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Vợ chồng A Phủ, mọi người lắng nghe cùng mình nhé!

Vợ chồng A Phủ được đánh giá là truyện ngắn đặc sắc và tiêu biểu nhất của Tô Hoài viết về đời sống của người dân miền núi phía Bắc. Giá trị của truyện không chỉ ở nội dung thể hiện được cảnh sống khốn cùng của người dân miền núi bị áp bức, vùng lên phản kháng mãnh liệt mà còn ở những yếu tố nghệ thuật được sử dụng một cách khéo léo trong văn bản.

Về nội dung, tác phẩm có hai khía cạnh chính là giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo. Ở giá trị hiện thực, tác phẩm đã phản ánh một cách chân thực số phận của người dân nghèo miền Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn cường quyền phong kiến tàn bạo. Sự vạch trần của Tô Hoài giúp người đọc thấy rõ sự tàn bạo, độc ác của bọn chúa đất áp bức mà tiêu biểu là cha con nhà thống lí Pá Tra. Chúng đã bóc lột, hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần người dân lao động nghèo, miền núi. Bên cạnh đó, thông qua cuộc đời của Mị và A Phủ, Tô Hoài đã diễn tả thật sinh động quá trình thức tỉnh vươn lên tìm ánh sáng cách mạng của người dân nghèo Tây Bắc.

Tác phẩm còn cho thấy giá trị nhân đạo và tấm lòng của nhà văn Tô Hoài qua cái nhìn cảm thông sâu sắc với nỗi thống khổ cả về tinh thần lẫn thể xác của những người lao động nghèo khổ như Mị, A Phủ. Nhà văn phát hiện và ca ngợi vẻ đẹp đáng quý ở Mị, A Phủ. Đó là vẻ đẹp khỏe khoắn, cần cù, yêu tự do và đặc biệt là sức sống tiềm tàng, mãnh liệt ở họ. Tiếng nói tố cáo ách thống trị phong kiến miền núi bạo tàn, lạc hậu đã chà đạp và bóc lột con người đến xương tủy cũng được nêu cao, thể hiện mạnh mẽ trong văn bản. Nhà văn còn đưa ra lối thoát cho nhân vật bằng cách hướng những con người lao động nghèo khổ đang bị chà đạp, dồn nén đến con đường tươi sáng là tự giải phóng mình, tìm đến cách mạng và cầm súng chiến đấu chống lại kẻ thù.

Bên cạnh những giá trị hiện thực và nhân đạo ấy, nghệ thuật được sử dụng trong văn bản cũng là một yếu tố làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm. Nghệ thuật miêu tả phong tục tập quán của Tô Hoài rất đặc sắc với những nét riêng (cảnh xử kiện, không khí lễ hội mùa xuân, những trò chơi dân gian, tục cướp vợ, cảnh cắt máu ăn thề...). Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên miền núi với những chi tiết, hình ảnh thấm đượm chất thơ. Nghệ thuật kể chuyện tự nhiên, sinh động, hấp dẫn. Truyện có kết cấu, bố cục chặt chẽ, hợp lý; dẫn dắt những tình tiết đan xen, kết hợp một cách khéo léo, tạo sức lôi cuốn. Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng rất thành công, mỗi nhân vật được sử dụng một bút pháp riêng để khắc họa tính dù họ đều có chung số phận và hoàn cảnh sống. Cách miêu tả ngoại hình, tâm lý cũng được thể hiện một cách tinh tế, với dòng kí ức chập chờn, những suy nghĩ thầm lặng để khắc họa nỗi đau khổ và sức sống của Mị, còn A Phủ thì tả ngoại hình, hành động và những mẩu đối thoại ngắn để thấy tính cách giản đơn. Ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản tinh tế, mang đậm màu sắc miền núi. Giọng điệu trần thuật có sự pha trộn giữa giọng người kể với giọng nhân vật nên tạo ra chất trữ tình.

Có thể thấy Vợ chồng A Phủ đã trở thành tác phẩm tiêu biểu viết về người dân miền núi phía Bắc trong thời kỳ cách mạng của nhà văn Tô Hoài. Truyện đã thể hiện được cuộc sống khổ cực, bị đẩy đến đường cùng của người dân và cho thấy sức phản kháng mãnh liệt của họ bằng nghệ thuật xây dựng nhân vật thành công, ngôn ngữ sinh động mang đậm màu sắc miền núi, hình ảnh giàu chất thơ.

Bài thuyết trình về giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của mình đến đây là kết thúc, cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe. Mọi người hãy đưa ra góp ý và nhận xét cho mình nhé!

Nghe và phản hồi về bài giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc tác phẩm nghệ thuật - Mẫu 5

Chào mọi người, em tên là… học sinh lớp… Sống trong ngọc đá kim cương

Không bằng sống giữa tình thương bạn bè

Câu ca dao đã nêu bật được một tình cảm thiêng liêng đáng quý - Tình bạn chân thành thắm thiết. Nguyễn Khuyến, một vị quan về ở ẩn mang nỗi cô đơn u hoài, sống hiu quạnh nơi nông thôn, cũng cảm xúc dạt dào khi gặp lại bạn cũ. Ta hãy lắng nghe tiếng nói chân thành mộc mạc của nhà thơ khi nói với bạn:

Đã bấy lâu nay, bác tới nhà

Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa

Ao sâu nước cả, khôn chài cá

Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà

 Cải chửa ra hoa, cà mới nụ

Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa

Đầu trò tiếp khách, trầu không có

Bác đến chơi đây ta với ta

Bài thơ đã khơi dậy trong ta niềm xúc động trước tấm chân tình của nhà thơ Nguyễn Khuyến:

Một chút nhẹ nhàng tự nhiên hóm hỉnh được tác giả mở đầu bằng câu thơ:

Đã bấy lâu nay, bác tới nhà

Câu thơ như một lời chào hồ hởi thân mật vừa bộc lộ nỗi vui bất ngờ vừa tỏ ý trân trọng, quý mến bạn. Đã bấy lâu nay có nghĩa là một thời gian dài, một thời gian nhà thơ không gặp bạn, giờ đây có dịp gặp nhau làm sao mà không xúc động, không vui mừng cho được. Từ lúc cáo quan về vui sống với cảnh điền viên, ông chỉ biết lấy thiên nhiên làm bạn. Trái tim ông gửi trọn cho đất nước quê hương, nên tâm hồn luôn khắc khoải u hoài. Trong những giây phút ấy mà không ai không muốn có một người bạn để tâm sự, để an ủi. Người bạn đó đã đến với ông - Còn nỗi vui mừng nào hơn. Chính nỗi vui mừng, bất chợt mà Nguyễn Khuyên đã thốt ra lời bông đùa với bạn một cách dí dỏm cho thoả lòng trông đợi.

Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa

Ao sâu nước cả, khôn chài cá

Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà

Cải chửa ra cây, cà mới nụ

Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa

Đầu trò tiếp khách, trầu không có.

Mới nghe qua, ta thấy dường như nhà thơ tỏ ý làm tiếc rằng đã lâu lắm rồi bạn mới tới nhà vậy mà không có một thứ gì để tiếp, bạn để thết đãi bạn cả: chợ thì xa, người nhà trẻ con đều đi vắng cả, ao thì sâu mà nước lớn, nên không chài bắt được cá; vườn rộng thênh thang thì khó mà bắt được gà. Đến một cây cải, mớ cà hoặc một quả bầu, một trái mướp cũng không sẵn; thậm chí một miếng trầu để tiếp khách cũng không có. Tác giả đang phân trần, giải thích sự thiếu sót của mình. Thực ra đây chỉ là cách nói cường điệu như vậy mà đã đùa với bạn, vừa tỏ thái độ nhớ mong chờ đợi bấy lâu mà thôi. Và qua những lời trần tình ấy ta cũng hiểu được cuộc sống của tác giả ở làng quê: đạm bạc, giản dị, luôn gắn bó với nông thôn.

Nhịp thơ đều đặn 4-3 nhẹ nhàng êm ái như một lời thủ thỉ, kèm theo là nụ cười hóm hỉnh, cười vui của tác giả. Đối lập với những cái "không" ấy là cái có thật đáng quý.

Bác đến chơi đây, ta với ta...

Câu thơ bộc lộ thật rõ nét tình cảm chân thành của tác giả đối với bạn. Đó là một tình cảm thiêng liêng cao quý. Quan hệ bạn bè ở đây được xây dựng trên cơ sở vững chắc là tình cảm yêu thương chân thật không màng đến vật chất. Bác đến chơi đây không có gì cả, chỉ có ta với ta khiến ta nhớ đến câu kết trong bài  Qua đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan khi đứng trước cảnh đèo ngang hoang vắng cô liêu, đang mang nặng một nỗi u buồn, niềm suy tư khôn cả, không thể tâm sự cùng ai, nên bà tự quay về với lòng mình “ta với ta”. Còn “ ta với ta” mà nhà thơ Nguyễn Khuyến sử dụng nhằm chỉ nhà thơ và người bạn tuy hai mà một, tuy một mà hai, nó gắn bó quyện chặt vào nhau, không gì chia cắt được. Ở đây chỉ có ta với ta nhưng lại có tất cả. Bởi vì tình bạn giữa ta với ta mới là cao quý, nó không đòi hỏi bất kì một điều kiện vật chất nào cả, thậm chí cả một miếng trầu làm đầu câu chuyện để tiếp bác cũng không. Qua đó ta mới thấy nghệ thuật trào lộng của Nguyễn Khuyến thật là hóm hỉnh nhẹ nhàng mà tế nhị sâu sắc.

Bài thơ thể hiện sự thành công của tác giả trong bút pháp trào phúng. Ngôn ngữ được sử dụng một cách đặc sắc. Tuy là bài thơ Đường với khuôn mẫu bó buộc nhưng lời thơ lại bình dị như lời ăn tiếng nói hằng ngày. Những sản vật của nông thôn được đưa vào thơ ông thật đậm đà hương vị làng quê. Ngôn ngữ quần chúng kết hợp với âm a (nhà, xa, cá, gà, hoa, ta) thể hiện rõ nét chất phác thật thà đôn hậu của một con người. Chính yếu tố âm điệu, nhịp điệu bài thơ phối hợp nhịp nhàng tạo ra một mạch thơ liên tục, thanh thoát, tự nhiên như lời nói chuyện tâm tình của nhà thơ với người bạn tri âm tri kỉ của mình.

Đây là một trong những bài thơ hay về tình bạn trong sáng chân thành thắm thiết của Nguyễn Khuyến. Bài thơ làm nổi bật một nét đẹp trong cuộc đời và thơ văn Nguyễn Khuyến. Ông xứng đáng là một nhà thơ của làng quê Việt Nam. Tình bạn cao cả tuyệt vời của nhà thơ sẽ là bài học giúp ta tìm và cảm nhận được những tình cảm thiêng liêng đáng quý đó.

Nghe và phản hồi về bài giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc tác phẩm nghệ thuật - Mẫu 6

Chào mọi người, em tên là… học sinh lớp… Bài thơ có bố cục bốn phần. Bài thơ đi từ cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân thiên nhiên, đất trời đến cảm xúc của nhà thơ về mùa xuân đất nước. Từ những vẻ đẹp đó bài thơ thể hiện lời ước nguyện chân thành, tha thiết của nhà thơ đến lời ngợi ca quê hương, đất nước qua điệu dân ca xứ Huế. Có thể thấy, xuyên suốt cả bài thơ là hình ảnh mùa xuân thiên nhiên, mùa xuân của đất nước và cũng là “mùa xuân nho nhỏ” trong lòng mỗi người.

Có thể thấy, bài thơ được khơi nguồn, nảy nở từ sức sống, vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên, rộng hơn là mùa xuân đất nước, mùa xuân cách mạng. Khi cảm xúc lắng dần vào suy tư câu chữ sẽ toát lên ước nguyện hóa thân vào bản hòa ca vĩ đại của cuộc đời bằng một nốt trầm xao xuyến của riêng mình, góp vào mùa xuân chung lớn lao “một mùa xuân nho nhỏ”. Khép lại bài thơ bằng những cảm xúc thiết tha, tự hào về quê hương đất nước qua điệu dân ca xứ Huế Thanh Hải vừa thể hiện được giá trị truyền thống của quê hương vừa cho thấy tình yêu, sự trân trọng của ông dành cho đất nước mình.

Bài thơ là sự hài hòa giữa hình ảnh tự nhiên, giản dị với hình ảnh giàu ý nghĩa biểu trưng. Ngôn ngữ thơ trong sáng, giàu hình ảnh, giàu cảm xúc với các ẩn dụ, điệp ngữ. Cấu tứ bài thơ chặt chẽ, dựa trên sự phát triển của hình ảnh mùa xuân. Tất cả điều đó đã làm nên một bài thơ năm chữ nhẹ nhàng về những rung cảm trước mùa xuân thiên nhiên, đất nước và khát vọng cống hiến cho đất nước, cho cuộc đời.

Người ta nói, tác phẩm văn học thành công là tác phẩm chưa đựng thông điệp của tác giả, là nơi tác giả gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình. Và khi tìm hiểu, phân tích “Mùa xuân nho nhỏ” người đọc sẽ thấy được những tư tưởng, tình cảm mà Thanh Hải gửi gắm trong tác phẩm của mình.

TOP 10 bài Nghe và phản hồi về bài giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc một tác phẩm văn học 2024 SIÊU HAY (ảnh 3)

Nghe và phản hồi về bài giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc tác phẩm nghệ thuật - Mẫu 7

Tài sản về vật chất, dù có thể nhanh chóng đến và rời đi, nhưng tài sản về tinh thần lại là điều vĩnh cửu và không thể đo lường bằng giá trị vật chất. Đối với người Việt Nam, có một kho tàng tinh thần chung, và đỉnh cao của nó không thể không nhắc đến Truyện Kiều - một kiệt tác văn hóa mà tất cả các tác giả đều khao khát có được.

Truyện Kiều, một kiệt tác vĩ đại viết bằng chữ Nôm, là một bức tranh hùng vĩ của cuộc sống, sáng tạo từ truyện "Kim Vân Kiều Truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân, nhưng với sự đổi mới của Nguyễn Du, tạo nên một Đoạn Trường Tân Thanh thích hợp với văn hóa Việt Nam và thể hiện tinh hoa ngôn ngữ dân tộc.

Cốt truyện xoay quanh cuộc đời của Thúy Kiều, một người con lương thiện bị cuộc sống đẩy vào biến cố khó lường. Từ Gặp gỡ và đính ước đến Gia biến và lưu lạc, và cuối cùng Đoàn tụ, mỗi phần đều là một hành trình đầy bi thương, tìm kiếm hạnh phúc và tự do.

Truyện Kiều không chỉ là một tác phẩm văn học, mà còn là một tác phẩm mang đầy giá trị hiện thực và nhân đạo. Nó chiếu rõ xã hội đầy bất công và tàn bạo, với con người bị vùi dập dưới áp đặt của tiền bạc. Phụ nữ trong tác phẩm bị đối xử tàn nhẫn, nhưng họ vẫn giữ được nhân phẩm và thể hiện sự mạnh mẽ, tài năng và khát khao tự do.

Nghệ thuật của Truyện Kiều thực sự là một hiện vật tinh túy của ngôn ngữ và văn hóa dân tộc. Sử dụng thể thơ lục bát một cách xuất sắc, tác phẩm không chỉ gần gũi mà còn phản ánh sự bác học và sáng tạo. Đến nay, nó đã được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ và là đề tài của hàng nghìn nghiên cứu, đóng góp vào việc đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Truyện Kiều không chỉ là một kiệt tác văn hóa mà còn là một nguồn cảm hứng cho đất nước và con người Việt Nam. Với nội dung và nghệ thuật hoàn hảo, những nhân vật sống động như trong đời thực, tác phẩm này thật sự là một biểu tượng của văn hóa Việt Nam và làm nên một giá trị vô cùng to lớn.

Nghe và phản hồi về bài giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc tác phẩm nghệ thuật - Mẫu 8

Xin chào thầy cô và các bạn, trong buổi học nói và nghe hôm nay, em sẽ giới thiệu đến thầy cô và các bạn một bài thơ em vô cùng yêu thích. Bài thơ giúp ta cảm nhận sâu sắc khí phách và vẻ đẹp đậm chất hào khí Đông A của người anh hùng vệ quốc thời nhà Trần. Và đó là bài thơ “Thuật hoài” - “Tỏ lòng” của nhà thơ Phạm Ngũ Lão.

Trong dòng chảy của văn học trung đại Việt Nam, chủ nghĩa yêu nước là một nội dung lớn, bao trùm và xuyên suốt văn học giai đoạn này với nhiều tác giả, tác phẩm nổi tiếng và bài thơ “Thuật hoài” (Tỏ lòng) của tác giả Phạm Ngũ Lão là một trong số những tác phẩm tiêu biểu. Ra đời sau chiến thắng Mông - Nguyên của quân đội nhà Trần, bài thơ đã thể hiện vẻ đẹp của hào khí Đông A, sức mạnh của con người và quân đội thời Trần.

Đọc bài thơ, người đọc có thể nhận thấy hai câu thơ mở đầu bài thơ đã khắc họa một cách rõ nét, chân thực hình tượng của con người và quân đội thời trần. Trước hết đó chính là hình tượng con người thời Trần được khắc họa qua câu thơ đầu tiên:

Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu
(Múa ngang ngọn giáo trải mấy thu)

Câu thơ đã vẽ lên hình ảnh con người tay cầm ngang ngọn giáo mà bảo vệ, trấn giữ quê hương, đất nước. “Cầm ngang ngọn giáo” là một hành động rất mạnh mẽ, nó gợi lên tư thế hiên ngang, hùng dũng, sẵn sàng chiến đấu của người chiến sĩ. Thêm vào đó, tác giả còn đặt hình ảnh người tráng sĩ trong không gian “giang sơn” rộng lớn của núi rừng, của Tổ quốc và thời gian chiến đấu dài đằng đẵng, suốt từ năm này qua năm khác - “kháp kỉ thu” đã thêm một lần nữa tô đậm thêm tư thế tư thế hiên ngang, bất khuất của người tráng sĩ trong công cuộc đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước.

Thêm vào đó, hình tượng quân đội nhà Trần tràn đầy sức mạnh và khí thế cũng được tác giả Phạm Ngũ Lão tái hiện thật sống động, rõ nét.

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu
(Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu)

“Tam quân” chính là ba quân trong được quân đội nhà Trần xây dựng, đó là tiền quân, trung quân và hậu quân. Thêm vào đó, câu thơ với việc sử dụng hàng loạt các hình ảnh so sánh và lối nói phóng đại khi so sánh quân đội nhà Trần với “tì hổ” - sức mạnh của loài hổ báo, nó có thể át đi cả sao Ngưu trên trời đã cho thấy khí thế dũng mãnh, hào hùng của quân đội nhà Trần. Đó cũng chính là sức mạnh, là khí thế của hào khí Đông A được cả dân tộc tự hào.

Như vậy, hai câu thơ mở đầu bài thơ, với hình ảnh so sánh, phóng đại và giọng điệu hào hùng đã khắc họa một cách rõ nét tư thế hiên ngang, bất khuất của các tráng sĩ thời Trần cùng sức mạnh, tầm vóc mạnh mẽ của quân đội nhà Trần.

Nếu hai câu thơ mở đầu bài thơ đã thể hiện hình tượng con người và quân đội thời Trần thì trong hai câu thơ còn lại tác giả đã tập trung làm bật nổi nỗi lòng của chính mình.

Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu

(Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.)

Theo quan niệm của Nho giáo, công danh chính là lập công, ghi danh sử sách để tiếng thơm còn vương lại đến muôn đời sau, đây cũng chính là một món nợ lớn đối với mỗi trang nam nhi. “Công danh” dường như đã trở thành lí tưởng đối với nam nhi dưới thời đại phong kiến. Là một người văn võ song toàn, từng ghi được nhiều chiến công, nhưng với ông, mình vẫn còn mắc nợ - món nợ “công danh”. Hai chữ “vương nợ” trong bản dịch thơ như khắc sâu thêm nỗi niềm da diết trong lòng tác giả, ông vẫn luôn tự ý thức một cách sâu sắc về trách nhiệm của mình với quê hương, với đất nước.

Không dừng lại ở đó, hai câu thơ còn cho chúng ta thấy được vẻ đẹp nhân cách, tâm hồn của Phạm Ngũ Lão. Vẻ đẹp ấy được thể hiện qua nỗi “thẹn” của ông với Vũ Hầu. Như chúng ta đã biết, Vũ Hầu tức là Gia Cát Lượng, một nhân vật lịch sử lỗi lạc và là một con người tài năng, một bề tôi trung thành, đã từng nhiều lần giúp đỡ Lưu Bị khôi phục nhà Hán. Nhắc đến tích chuyện về Vũ Hầu, Phạm Ngũ Lão cảm thấy “thẹn”, thấy xấu hổ, thua kém. Nỗi “thẹn” ấy của Phạm Ngũ Lão xét đến cùng là biểu hiện của một nhân cách cao đẹp, nó đánh thức chí làm trai đàn cuồn cuộn trong ông và đồng thời cũng thể hiện lí tưởng, hoài bão của tác giả.

Như vậy, hai câu thơ khép lại bài thơ với âm hưởng trầm lắng, đã cho người đọc thấy được vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách cao cả của Phạm Ngũ Lão cùng quan điểm tiến bộ về chí làm trai của ông.

Tóm lại, bài thơ “Thuật hoài’ với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt hàm súc, ngôn ngữ cô đọng đã thể hiện được hình tượng, khí thế hiên ngang, dũng mãnh của con người và quân đội thời Trần. Đồng thời, qua đó cũng giúp người đọc thấy được vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của nhà thơ Phạm Ngũ Lão.

Trên đây là toàn bộ phần giới thiệu của em về bài thơ “Thuật hoài” của nhà thơ Phạm Ngũ Lão. Rất cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp để bài thuyết trình được hoàn thiện hơn.

Đánh giá

0

0 đánh giá