TOP 10 bài Nghị luận về tác phẩm Âm mưu và tình yêu 2024 SIÊU HAY

2 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Nghị luận về tác phẩm Âm mưu và tình yêu Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo gồm 2 bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho bài thi sắp tới. 

Nghị luận về tác phẩm Âm mưu và tình yêu

Đề bài: Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học (kịch bản văn học) hoặc tác phẩm nghệ thuật (bộ phim): tác phẩm Âm mưu và tình yêu

Nghị luận về tác phẩm Âm mưu và tình yêu - Mẫu 1

Một trong những đặc điểm nổi bật của nghệ thuật xây dựng nhân vật kịch của Schiller là việc nhân vật thường trở thành người phát ngôn trực tiếp cho tư tưởng của tác giả, những tư tưởng tiên tiến của thời đại. Sự nhiệt tình khi lên án chế độ phong kiến và sự thẳng thắn khi diễn đạt quan điểm chính trị đã khiến cho các nhân vật chính diện thể hiện ý chí kiên cường chống lại bạo quyền và khát khao tự do. Điều đó làm cho các nhân vật, bất kể tầng lớp, giới tính hay trình độ văn hóa cũng đều có những phát biểu và hành động tương tự. Trong đó, "Âm mưu và Tình yêu" của nhà văn Friedrich Schiller là một tác phẩm văn học kinh điển trong thế giới văn học. Đoạn kịch này được coi là một cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai nhân vật chính, trong đó tình yêu bị kéo vào cuộc đấu tranh quyền lực. Chỉ với vài nhân vật, tác giả đã tạo ra một thế giới phức tạp và thể hiện được tính cách con người.

Trong đoạn kịch này, hai nhân vật chính là Ferdinand và Luise đối mặt với nhau. Ferdinand là con trai của tể tướng Von Walter, đem lòng yêu Luise - một cô gái bình dân và là con của nhạc công Miller. Đó là một tình yêu trong trắng, dũng cảm và không quan tâm đến sự chênh lệch địa vị xã hội. Tuy nhiên, tình yêu của họ phải đối mặt với những âm mưu tăm tối. Tể tướng muốn con trai kết hôn với người phụ nữ tên Minna, một tình nhân mà ông đã từ bỏ để đạt được sự thăng tiến trong sự nghiệp chính trị. Đồng thời, người đồng li Vuôm đã chủ mưu để tể tướng nghi ngờ rằng Luise có tình cảm với một người khác. Âm mưu này gieo rắc nghi ngờ và gây đau khổ cho Ferdinand, khiến anh ta trầm luân và uống thuốc độc. Ferdinand buồn rầu ép Luise phải uống thuốc độc theo mình. Những âm mưu vụ lợi và quyền lực đã đánh tan tình yêu của họ, khiến tình cảm tan vỡ.

Qua đó, đoạn kịch này cũng giúp phát triển tư duy và tình cảm của hai nhân vật Ferdinand và Luise. Ferdinand ban đầu là một người đàn ông tự tin và quyền lực, nhưng qua cuộc đối đầu với Luise, ông trở nên mất kiểm soát và bị ám ảnh bởi sự đố kỵ và thù hận. Trong khi đó, Luise lại hết lòng trung thành và dũng cảm trước sự hiểm ác cũng như hạnh phúc trong tình yêu. Qua tình huống, ngôn ngữ sắc bén, thông điệp và sự phát triển nhân vật, tác giả tạo ra một tác phẩm đầy cảm xúc và mang tính nhân văn, khám phá sâu sắc về tình yêu và con người. Đoạn kịch này là một điểm nhấn đáng chú ý trong vở kịch "Âm mưu và Tình yêu", mang đến trải nghiệm đáng nhớ cho người đọc và khán giả. Qua việc phản ánh cuộc đối đầu giữa tình yêu và quyền lực, Schiller đặt câu hỏi về giá trị của tình yêu và tầm quan trọng của đạo đức trong cuộc sống. Từ đó, người đọc có thể suy ngẫm và đặt câu hỏi về bản chất con người và sự lựa chọn của chúng ta trong một tình huống cụ thể. Tác phẩm như lời nhắc nhở về tầm quan trọng của lòng trắc ẩn và sự trân trọng con người. Trái tim của Ferdinand bị áp đảo bởi sự đố kỵ và hận thù, dẫn đến việc anh ta mất đi sự tỉnh táo và rơi vào âm mưu. Tác phẩm tạo ra một cuộc đối đầu căng thẳng giữa tình yêu và quyền lực. Schiller khám phá tầm quan trọng của tình yêu trong việc đánh bại những âm mưu và tham vọng. Luise, cô gái với lòng yêu thương chân thành là đại diện cho sự tình cảm và lòng trắc ẩn, đối đầu với Ferdinand – người bị ám ảnh bởi âm mưu gia đình và cuộc cạnh tranh quyền lực. Tác giả nhấn mạnh rằng tình yêu và thủy chung có thể chinh phục cả những tâm hồn tàn ác nhất.

Tác phẩm của Schiller là một bản ca ngợi về những con người không chịu khuất phục trước bạo quyền. Họ dũng cảm đứng lên bảo vệ quyền lợi của dân tộc, của giai cấp mà họ thuộc về, không bằng sự bạo lực mà bằng trí tuệ. Ferdinand cũng có thể chống lại cha mình bằng vũ khí, bằng sự giết chóc. Tuy nhiên, Schiller không cho phép nhân vật của mình làm như vậy. Ferdinand phải đánh bại cha mình bằng chính những tội lỗi mà ông đã gây ra. Đây chính là cách trả thù thông minh và sâu sắc nhất. Hành động đó cũng là biểu tượng cao cả nhất cho tư tưởng của Schiller đó là không muốn sử dụng bạo lực, đại diện cho triết lý vĩnh cửu về nhân tính trong cuộc sống.

Nghị luận về tác phẩm Âm mưu và tình yêu - Mẫu 2

Trên bầu trời văn học Đức thế kỷ XVIII, người ta thấy nổi lên hai ngôi sao sáng rực rỡ, một trong số đó là nhà viết kịch thiên tài Sile. Ông được mệnh danh là "viên công tố của toàn nhân loại đã kêu gọi loài người cùng hướng về trời sao". Các vở kịch của ông là những tác phẩm được gây dựng với cốt truyện là những mâu thuẫn xung đột dữ dội, các nhân vật đều có tính cách thật nhất quán và điển hình, thể hiện khao khát mãnh liệt về một cuộc sống tự do, tinh thần bất khuất kiên cường chống lại cường quyền áp bức, những trái ngang trong xã hội phong kiến, nơi mà con người ta không có quyền được sống, được yêu được hạnh phúc theo ước muốn của mình. m mưu và tình yêu là một trong những vở kịch xuất sắc nhất của Sile, với những nội dung như thế.

Vở Âm mưu và tình yêu được gây dựng dựa trên mâu thuẫn giữa tình yêu trong sáng của đôi trai tài gái sắc là thiếu tá Fecđinăng con trai tể tướng Fôn Vante và Luydo, vốn là con gái của nhạc công Minle. Fôn Vante là người quyền cao chức trọng bậc nhất trong triều đình, nhưng cuộc đời của ông ta lại chỉ toàn những âm mưu xấu xa và thủ đoạn độc ác để bước tới vị trí ngày hôm nay. Và một lần nữa, chỉ vì muốn lấy lòng Công tước, ông ta sẵn sàng hy sinh con trai của mình là Fecđinăng, ép con phải kết hôn với người phụ nữ vốn từng tình nhân cũ của Công tước, nay đã thất sủng, dù biết con trai đã có người yêu sâu đậm. Đặc biệt để chia rẽ tình yêu ấy, ông ta tìm mọi cách khiến đôi trẻ hiểu lầm nhau, Fecđinăng còn điên cuồng, bắt ép người yêu uống thuốc độc tự tử cùng mình, chính chàng cũng đã tự tay giết chết người con gái mình yêu, một bi kịch đau đớn vô cùng.

Đoạn trích Ngang trái diễn ra với bối cảnh trong gian nhà nhỏ của ông Minle, đó là cuộc gặp gỡ của những con người với lập trường và quan điểm đối lập, đại diện cho bên cường quyền độc ác và một bên là tinh thần tự do chống lại cái ác tận cùng. Tể tướng Fôn Vante đã tìm đến tận nhà Luydơ để sỉ nhục cô, cho rằng cô là hạng phụ nữ lẳng lơ, bám lấy con ông ta chỉ vì tiền, là loại đĩ điếm không hơn. Điều này đã khiến lòng tự trọng của Luydơ tổn thương vô cùng sâu sắc, cô gái vì quá nhục nhã đã quyết định chấm dứt tình yêu với Fecđinăng: "Thưa ông Vante, giờ ông đã được giải thoát khỏi lời thề rồi" bằng một giọng đầy tôn nghiêm và đầy bất bình. Riêng Fecđinăng thì không thể tin được vào những lời nhục mạ bẩn thỉu thốt tha từ người cha quyền cao chức trọng ấy, chàng giận dữ đến mức chỉ kịp thốt lên "Ma quỷ, ta đã nghe thấy gì thế này". Như vậy trong mắt người con, người cha dần dà hiện lên với một hình dạng khủng khiếp, ma quỷ, mâu thuẫn bắt đầu được đẩy lên cao.

Tình thân, tình yêu đều quan trọng và Fecđinăng đang bị kẹt ở chính giữa cha mình sỉ nhục người con gái mình yêu nhất, đó là một cú tát đau đớn với chàng trai trẻ. Sự sỉ nhục nặng nề của Fon Vante đã khiến Luydơ - một cô gái với tâm hồn lương thiện, lòng tự trọng sâu sắc không chịu nổi mà ngất đi. Fecđinăng vì quá căm giận sự độc địa của người cha nên đã tuốt kiếm ra khỏi vỏ, chĩa về phía tể tướng, tuy nhiên chàng không hề động thủ mà lại xuôi tay, xem như trả lại cho người cha mạng sống của mình. Rồi đến ông Minle nén nhịn đã lâu cũng không thể chịu đựng được sự sỉ nhục của tể tướng mà cho hắn một bạt tai, thậm chí buông lời mỉa mai tể tướng Fôn Vante, điều này đã khiến cơn giận, khiến con thú độc ác trong người tể tướng trỗi dậy đòi bỏ tù ông Minle và đưa mẹ con Luydơ lên giá nhục hình. Fecđinăng cảnh cáo cha mình bằng một giọng rất bình tĩnh, rằng ông đừng chạm tới một góc tối của trái tim chàng, nơi mà tiếng "cha" không thể vang tới. Ôi, có lẽ giới hạn mong manh của tình cha con và sự đối đầu của kẻ tử thù sắp bị chọc thủng bằng những lời lẽ quá đỗi đểu cáng và độc ác của tể tướng rồi chăng?

Mâu thuẫn đỉnh điểm là khi tể tướng sai nhân viên pháp đình bắt giữ cả nhà Luydo, còn một mình Fecđinăng phải chống cự quyết liệt, ngăn cản đám người ấy đưa Luydo đi, chàng đã cầu xin cha mình "Đừng dồn ép tôi thêm nữa". Thế nhưng một con người thủ đoạn như tể tướng nào có để tâm đến lời khẩn thiết của con trai mình đâu, cái ông ta muốn là đạt được mục đích bẩn thỉu của mình là đạp lên người khác để ngồi thật vững ngôi vị. Những lời quát nạt, thúc giục của tể tướng với nhân viên pháp đình đã khiến Fecđinăng bùng nổ giận dữ, chàng không thể lùi bước cố thủ thêm nữa, chàng phải chiến đấu, trước hết là vì Luydơ, sau là vì công lý, vì lẽ phải. Đao của chàng đã đâm trúng mấy đứa tùy tùng, trước tình cảnh đó tể tướng càng kiên quyết hơn, tự tay túm Luydơ giao cho một tùy tùng, giọng đầy thách thức "Ta muốn xem thử lưỡi gươm kia có nhọn chăng?".

Fecđinăng định dùng chính bản thân mình để uy hiếp tể tướng Fôn Vante "Cha nghe đây, nếu nàng bị đem bêu trên giá nhục hình, thì thiếu tá con trai của tể tướng sẽ cùng đứng chịu với nàng. Cha vẫn cương quyết không chuyển chăng?". Trong sâu thâm tâm chàng trai vẫn còn chút gì đó hi vọng vào tình cha con, chàng vẫn muốn tin rằng cha mình sẽ để ý tình cha con mà tha cho Luydơ, tin rằng hổ dữ đến mấy cũng chẳng ăn thịt con đâu. Lần đầu câu hỏi "Cha vẫn cương quyết không đổi ư?", vang lên ta cảm thấy một niềm mong mỏi đầy thương cảm của Fecđinăng, chàng trai ấy vẫn đang mong cha mình quay đầu. Ôi, nhưng không khổ nhục kế của chàng đã thất bại một cách đau đớn, Fôn Vante vẫn mặc kệ lời uy hiếp của Fecđinăng, vẫn kiên quyết, thậm chí mỉa mai "Thế thì cuộc trưng bày sẽ càng thêm thú vị chứ sao?Nhanh lên, lôi nó đi."

Uy hiếp và hy vọng vào chút tình cha con còn sót lại của Fecđinăng đã thất bại, chàng kiên quyết hơn, chàng không còn niệm tình cha con nữa, đưa ra một lời thách thức đầy gay gắt, lấy sức mạnh của một sĩ quan để chống lại cha "Tôi sẽ dùng thanh gươm sĩ quan của tôi mà che chở cho thiếu nữ này. Cha vẫn cương quyết không chuyển chăng?". Thế nhưng điều đó dường như càng khiến cho mâu thuẫn dâng lên cao hơn, tể tướng Fôn Vante càng trở nên điên cuồng, tiếp tục mỉa mai "Thanh gươm của mày đã học được thói quen nhơ nhuốc rồi đấy. Nhanh lên đưa nó đi". Ông ta còn chẳng thèm bận tâm đến lời đe dọa của Fecđinăng, có lẽ ông nghĩ chàng chẳng thể làm gì hơn thế nữa, chàng sẽ phải chịu thua thôi. Thế nhưng hẳn ông ta đã nhầm to, bởi khi bị dồn đến đường cùng người ta thường sẽ làm ra những chuyện không tưởng, điên cuồng hơn những gì ông ta có thể tưởng tượng được.

Fecđinăng, mạnh mẽ giành lại Luydơ tội nghiệp, đang ngất xỉu từ tay tên tùy tùng một cách điên cuồng, chàng đã đến bước đường cùng, chàng đã không còn cách nào khác. Chàng phải đau đớn mà chọn cách cuối cùng, hòng khiến Fôn Vante run sợ trước quyết tâm không đổi của mình, chàng chĩa gươm về phía người yêu "Thà tôi đâm lưỡi gươm này qua xác vợ tôi, còn hơn nhìn nàng bị sỉ nhục. Cha vẫn còn cương quyết không chuyển chăng?". Thiếu tá đổi cách xưng hô, chính thức coi Luydơ là vợ, chứ không phải là người yêu nữa, cũng nhằm ngụ ý nếu Luydơ chết, chàng sẽ chết theo, cho tể tướng vừa lòng. Nhưng Fôn Vante dường như thích thú với lời uy hiếp ấy, bởi Luydơ là trở lực chính trong con đường liên hôn chính trị của ông ta, nàng ta chết đi càng tốt.

Mâu thuẫn dâng trên đỉnh điểm bỗng bị chùng lại, lời đau đớn của Fecđinăng với Chúa khiến người ta phải xót xa, những lời uy hiếp của chàng là những thủ đoạn của con người, chàng đã làm mọi cách, nhưng người cha độc ác của chàng chẳng hề lay chuyển chút nào. Ông ta không phải người, ông ta đã bán linh hồn cho quỷ dữ, thế nên cách cuối cùng, Fecđinăng đành phải dùng đến thủ đoạn của loài quỷ dữ may ra mới có thể chiến thắng. Đến đây nút thắt của mâu thuẫn đã được mở ra, Fecđinăng, hét lên đầy thách thức "Được rồi. Chúng mày, cứ mang nàng đi! Còn ta. Ta sẽ đem kể cho cả cái xứ này biết câu chuyện với nhan đề: Người ta đã leo lên cái ghế tể tướng bằng cách nào". Fecđinăng đã rơi vào trạng thái điên cuồng, bất chấp, quyết tâm một mất một còn với chính cha ruột của mình, chàng sẽ khiến ông ta mất tất cả, khiến ông ta phải nhục nhã, để trả giá cho những tội ác, những sự sỉ nhục của ông ta với chàng, với gia đình Luydơ, ông ta đáng bị như vậy. Lúc này đây, chỉ khi Fecđinăng uy hiếp đến cái ghế tể tướng của Fôn Vante, ông ta mới hốt hoảng, mới bắt đầu lo sợ, thật là một con người đáng sợ. Tình cha con, tình người, lương tâm không thể làm ông ta lay chuyển dù chỉ một chút, nhưng quyền lực, địa vị lại khiến ông ta lo sốt vó, phải chăng cái ghế tể tướng mới là "con" của ông ta.

Hồi hai của vở kịch đã kết thúc bằng lời uy hiếp "quỷ dữ" của Fecđinăng và sự lo sợ, lay chuyển của Fôn Vante vì cái ghế tể tướng. Từ một trích đoạn nhỏ như thế, ta đã phân lập được rõ ràng tính cách của hai nhân vật là Fecđinăng và tể tướng Fôn Vante, một bên là đại diện cho chính nghĩa, lương tâm con người, một bên là loài quỷ dữ, mờ mắt vì quyền lực, sẵn sàng không từ thủ đoạn xấu xa nào để đạt được điều mình muốn.

Đánh giá

0

0 đánh giá