Sách bài tập Ngữ Văn 11 Bài tập đọc hiểu trang 3 | Cánh diều

271

Tailieumoi sưu tầm và biên soạn giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 11 Bài tập đọc hiểu trang 3 sách Cánh diều hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 11. Mời các bạn đón xem:

Giải SBT Ngữ Văn lớp 11 Bài tập đọc hiểu trang 3

Trái tim Đan Kô (Trích Bà lão I-déc-ghin)

Câu 1 trang 3 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Trong văn bản Trái tim Đan-kô, nhân vật chính là ai?

A. Bà lão I-déc-ghin

B. Đan-kô

C. Đoàn người

D. Tôi

Trả lời:

Đáp án B

Câu 2 trang 3 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Đoạn văn sau cho thấy đoàn người đang lâm vào tình thế gì?

“Cần phải ra khỏi khu rừng này, và muốn vậy chỉ có hai con đường: con đường thứ nhất là trở lại phía sau thì có những kẻ thù mạnh và hung dữ, con đường thứ hai là tiến lên phía trước thì ở đó là những cây khổng lồ, cành to khoẻ, ôm chặt lấy nhau, rễ ngoằn ngoèo đâm sâu xuống đất bùn dính chắc của đầm lầy. Những thân cây trơ trơ như đá ấy ban ngày đứng sừng sững, im lìm trong ánh sáng lờ mờ, xám xịt, và tối đến, khi đốt lửa lên thì cây cối càng dịch sát lại bao quanh đoàn người. Đêm cũng như ngày, xung quanh đoàn người bao giờ cũng có một vòng bóng tối vững chắc chỉ chực nghiến bẹp họ, mà họ thì đã quen với thảo nguyên bao la. Khi gió đập các ngọn cây và cả khu rừng gào thét như hăm doạ và hát bài ca đưa đám họ thì cảnh tượng càng ghê rợn hơn.”.

A. Đảo ngược

B. Khó khăn

C. Thảm hại

D. Thuận lợi

Trả lời:

Đáp án B

Câu 3 trang 3 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Lời nói của Đan-kô thể hiện triết lí nhân sinh nào?

“− Nghĩ ngợi không thể hất bỏ được tảng đá trên con đường ta đi. Kẻ nào không mó tay vào việc thì chẳng làm nên công chuyện gì. Cứ lo nghĩ làm chỉ cho hao tâm tổn sức? Hãy đứng lên, chúng ta sẽ đi sâu vào rừng và xuyên qua rừng, bởi vì rừng cũng có chỗ kết thúc, mọi cái trên đời đều có chỗ kết thúc! Ta đi đi! Nào! Tiến bước! ...”.

A. Khẳng định lẽ sống, hành động

B. Mọi người không nên hành động

C. Nên tin tưởng người hay lo nghĩ

D. Vận động có lợi cho sức khoẻ

Trả lời:

Đáp án A

Câu 4 trang 4 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Đối mặt với sự mệt mỏi, khó khăn và cái chết khi di chuyển trong rừng rậm, đoàn người đã đối xử với Đan-kô như thế nào?

A. Bắt trói và giết chết

B. Đuổi đánh

C. Oán trách, khép vào tội chết

D. Xa lánh, ruồng bỏ

Trả lời:

Đáp án C

Câu 5 trang 4 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Trước thái độ giận dữ, thù địch của đoàn người, tâm trạng của Đan-kô diễn biến ra sao?

A. Buồn rầu - Hiên ngang - Phẫn nộ - Yêu thương

B. Hiên ngang - Uất hận - Yêu thương - Buồn rầu

C. Hiên ngang - Phẫn nộ - Buồn bã - Yêu thương

D. Phẫn nộ - Rầu rĩ - Yêu thương - Khuất phục

Trả lời:

Đáp án B

Câu 6 trang 4 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Hành động của Đan-kô: “Bỗng nhiên, anh đưa hai tay lên xé toang lồng ngực, dứt trái tim ra và giơ cao trên đầu.” thể hiện điều gì?

A. Coi thường đoàn người

B. Khẳng định tài năng vượt trội

C. Phẫn nộ, uất hận

D. Sẵn sàng hi sinh vì đoàn người

Trả lời:

Đáp án D

Câu 7 trang 4 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Nhân vật Đan-kô là người như thế nào?

A. Can trường, bao dung

B. Hèn nhát, yếu đuối

C. Ích kỉ, tàn bạo

D. Mưu mô, xảo trá

Trả lời:

Đáp án A

Câu 8 trang 4 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 1, SGK) Văn bản Trái tim Đan-kô có mấy người kể chuyện? Đó là những ai và họ kể chuyện như thế nào?

Trả lời:

- Văn bản Trái tim Đan-kô có hai người kể chuyện. Đó là bà lão I-déc-ghin và nhân vật xưng “tôi”.

- Bà lão I-déc-ghin kể câu chuyện về chàng Đan-kô dũng cảm dẫn đoàn người vượt qua rừng rậm và đầm lầy hôi thối để đến thảo nguyên bao la và tự do (đoạn 2, đoạn 3). Nhân vật xưng “tôi” miêu tả quang cảnh thảo nguyên nơi bà lão kể chuyện, ghi cuộc đối thoại giữa họ (đoạn 1), bình luận về câu chuyện, về nhân vật Đan-kô; bình luận về giọng điệu kể chuyện của bà lão I-déc-ghin,... (đoạn 3).

Văn bản Trái tim Đan-kô có hình thức truyện khung (truyện trong truyện). Khung bên ngoài là chuyện “tôi” được bà lão I-déc-ghin kể cho nghe câu chuyện về chàng Đan-kô. Ở khung bên ngoài này, nhân vật xưng “tôi” ngầm chỉ tác giả (tôi – tác giả). “Tôi” lúc này đóng vai trò là người kể chuyện ngôi thứ nhất, can dự trực tiếp vào câu chuyện với tư cách là một nhân vật. Lồng trong khung này là câu chuyện về trái tim cháy sáng của Đan-kô do bà lão I-déc-ghin kể. Giờ đây, người kể chuyện ngôi thứ nhất trở thành người nghe chuyện, đưa ra các nhận xét, bình luận về câu chuyện và giọng điệu kê chuyện của bà lão I-déc-ghin. Khác với tôi – tác giả, nhân vật bà lão I-déc-ghin đứng bên ngoài câu chuyện về chàng Đan-kô do bà lão kế, hoàn toàn không can dự gì vào các sự việc. Vì thế, câu chuyện về chàng Đan-kô có hình thức trần thuật từ người kể chuyện ngôi thứ ba. Sự luân phiên giữa kể, tả, bình luận của người kê chuyện và người nghe chuyện tạo nên nét độc đáo của văn bản.

Câu 9 trang 4 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 2, SGK) Hãy tóm tắt câu chuyện về chàng Đan-kô. Bối cảnh (không gian, thời gian) diễn ra các sự kiện trong câu chuyện có gì đáng chú ý?

Trả lời:

* Tóm tắt:

Thuở xưa, có một đám người sinh sống ở một khu vực nọ, xung quanh có ba bề rừng rậm bao bọc, một bề là thảo nguyên. Rồi những bộ lạc khác từ đâu xuất hiện, xua đuổi họ vào tít trong rừng sâu, ở đó chỉ có đầm lầy và bóng tối ghê rợn. Mọi người cứ ở đó lo nghĩ, những ý nghĩ buồn rầu làm họ hoang mang và kiệt sức. Nỗi khiếp sợ dân nảy nở trong họ, vì thế họ đã định nộp mình cho kẻ thù, chấp nhận kiếp sống nô lệ. Đúng lúc đó Đan-kô xuất hiện. Anh là một chàng trai đẹp và can đảm. Anh dẫn dắt đoàn người đi xuyên qua rừng rậm, qua đầm lầy hôi thối. Đường đi vô cùng khó khăn, sức đoàn người suy kiệt. Họ bắt đầu oán trách, kết tội chết, muốn vây bắt và giết Đan-kô. Dù phẫn uất sôi sục nhưng lòng thương người, tình yêu đối với đoàn người rừng rực trong trái tim Đan-kô. Anh liền xé toang lồng ngực của mình, dứt trái tim cháy rực sáng, soi tỏ con đường, đưa đoàn người vượt qua rừng rậm âm u, đầm lầy hôi thối, đến thảo nguyên bao la và tự do. Đúng lúc nhìn thấy thảo nguyên, Đan-kô gục xuống và chết. Một người cẩn thận trong đoàn người dẫm lên trái tim rực cháy của Đan-kô. Trái tim toé ra một loạt tia sáng rồi tắt ngấm.

* Bối cảnh (không gian, thời gian) diễn ra các sự kiện:

- Không gian diễn ra sự kiện là rừng rậm và thảo nguyên. Rừng rậm là nơi cây cối lâu đời, rậm rạp, toàn bóng tối và đầm lầy thì bốc hơi hôi thối vây chặt lấy đoàn người. Bối cảnh thiên nhiên khắc nghiệt thử thách ý chí, phẩm chất của đoàn người. Trong thử thách này, đoàn người vốn gồm “những người vui vẻ khoẻ mạnh và dũng cảm”, nay bộc lộ dần sự mất can đảm và trở nên hèn yếu. Đối lập với họ là Đan-kô. Trong bối cảnh thiên nhiên đó, anh bộc lộ phẩm chất can trường, lòng yêu thương con người, tinh thần dám xả thân vì đoàn người.

- Thời gian diễn ra các sự kiện trong câu chuyện về chàng Đan-kô là “thuở xưa”, khoảng thời gian không xác định. Khoảng thời gian này tô đậm màu sắc cổ tích, huyền thoại, bộc lộ trí tưởng tượng phi thường của tác giả và tính chất lãng mạn của truyện.

Trong thời gian “thuở xưa” đó, có “một hôm” dông bão gầm thét. Đây là thời khắc đặc biệt, thời điểm thiên nhiên thể hiện sức mạnh dữ dội, khủng khiếp của nó với đoàn người, thử thách phẩm chất ý chí và nghị lực của họ. Đây cũng là thời khắc người anh hùng toả sáng bằng hành động xé toang lồng ngực, giơ cao trái tim cháy sáng, dẫn đoàn người đi xuyên qua rừ ng rậm và đầm lầy, đến thảo nguyên và tự do.

Thiên nhiên thù nghịch với đoàn người nhưng lại cộng hưởng với bản lĩnh, sức mạnh của người anh hùng, tạo nền và gây phấn khích để phẩm giá người anh hùng toả sáng rực rỡ.

Câu 10 trang 5 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 5, SGK) Có ý kiến cho rằng: Văn bản Trái tim Đan-kô chứa đựng thông điệp có ý nghĩa triết lí nhân sinh về mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, Em tán thành hay phản đối quan điểm đó? Vì sao?

Trả lời:

Em rất tán thành quan điểm “Văn bản Trái tim Đan-kô chứa đựng thông điệp có ý nghĩa triết lí nhân sinh về mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng”. Văn bản đã truyền tải những những triết lí:

- Triết lí nhân sinh thể hiện trực tiếp trong lời nói của Đan-kô với đoàn người nhằm khẳng định lẽ sống hành động, khích lệ con người hành động: “Nghỉ ngơi không thể hất bỏ được tảng đá trên con đường ta đi. Kẻ nào không mó tay vào việc thì chẳng làm nên công chuyện gì. Cứ lo nghĩ làm chỉ cho hai tâm tổn sức? Hãy đứng lên, chúng ta sẽ đi sâu vào rừng và xuyên qua rừng, bởi vì rừng cũng có chỗ kết thúc, mọi cái trên đời đều có chỗ kết thúc! Ta đi đi! Nào! Tiến bước! ...”

Trên hết, hành động cần được thúc đẩy từ những suy xét, ngẫm nghĩ kĩ càng Nhưng lo nghĩ mà không dẫn đến hành động hoặc không chịu hành động thì không thể giải quyết được vấn đề thực tiễn, không thể dẫn đến thành công trong thực tiễn. Lời nói của Đan-kô nêu cao vai trò, giá trị của hành động, thôi thúc ta phải vận động tích cực, tham gia các hoạt động thực tiễn nhằm thể hiện, phát triển bản thân, giải quyết các vấn đề thực tiễn, góp phần tạo ra sản phẩm vật chất, tinh thần cụ thể, đóng góp cho sự phát triển giàu mạnh của cộng đồng.

- Triết lí nhân sinh thể hiện gián tiếp qua mối quan hệ giữa hình tượng Đan-kô và đoàn người. Đây là triết lí nhân sinh sâu sắc, thể hiện ý nghĩa cao đẹp của cuộc sống vì lợi ích cộng đồng, vì lợi ích nhân loại.

Trong văn bản Trái tim Đan-kô, Đan-kô không phải là kẻ xa lạ, đột nhiên từ đâu đến mà vốn là một thành viên của đoàn người, xuất hiện đúng lúc đoàn người rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Đoàn người đòi hỏi Đan-kô dẫn dắt họ. Anh không từ nan mà sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Trong quá trình di chuyển, đoàn người dần mất đi sự can đảm, trở nên yếu hèn, tỏ thái độ bất công, thù địch, đòi giết người anh hùng. Đan-kô phẫn nộ sục sôi nhưng rồi anh thấu hiểu, yêu thương đoàn người. Anh sẵn sàng hi sinh thân mình để đưa đoàn người đến thảo nguyên bao la và tự do.

Bàn luận mở rộng:

- Mỗi cộng đồng được tạo nên nhờ sự liên kết, ràng buộc tự nguyện của các cả nhân với nhau. Mỗi cá nhân sống trong cộng đồng vừa mang giá trị cá nhân vừa phát triển những phẩm chất, tính cách phù hợp với hệ giá trị của cộng đồng. Mỗi cá nhân sẽ chỉ cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa đích thực khi được sống giữa cộng đồng, gắn bó với cộng đồng, thuộc về một cộng đồng.

- Trong quá trình tồn tại, vận động và phát triển, các cộng đông thường gặp những tình thế khó khăn, thử thách. Mỗi khi ở vào tình thế đó, các cộng đồng đều đòi hỏi lòng dũng cảm, sự hi sinh của các thành viên cho lợi ích chung của cộng đồng. Những người dũng cảm, cao thượng, dám xả thân dẫn dắt cộng đồng thoát khỏi tình thế hiểm nghèo, vươn lên giành lấy cuộc sống tự do, hạnh phúc (như Đan-kô) sẽ luôn lo nghĩ cho mình, không dám hi sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích cộng đông sẽ bị. Những người hèn nhát hoặc ích kỉ, chỉ biết cộng đồng khinh ghét, xa lánh, ruồng bỏ (như La-ra).

Một người Hà Nội (Nguyễn Khải)

Câu 1 trang 5 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Người kể chuyện trong Một người Hà Nội là ai?

A. Anh Khải

B. Cô Hiền

C. Con trai cô Hiền

D. Một người Hà Nội vô danh

Trả lời:

Đáp án A

Câu 2 trang 5 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Những ai là nhân vật chính trong truyện Một người Hà Nội?

A. Anh bếp và chị vú

B. Cô Hiền và anh Khải

C. Cô Hiền và chị Đại

D. Vợ chồng cô Hiền

Trả lời:

Đáp án B

Câu 3 trang 5 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Những lời nói dưới đây thể hiện phẩm chất, tính cách gì của cô Hiền?

- “Vui hơi nhiều, nói cũng hơi nhiều, phải nghĩ đến làm ăn chứ?”.

- “Một đời tao chưa từng bị ai cám dỗ, kể cả chế độ.”.

- “Tao có bộ mặt rất tư sản, một cách sống rất tư sản, nhưng lại không bóc lột ai cả thì làm sao thành tư sản được.”.

Trả lời:

Những lời nói của cô Hiền thể hiện phẩm chất, tính cách: thẳng thắn, bản lĩnh.

Câu 4 trang 5 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Nhân vật nào sau đây khiến người kể chuyện xưng “tôi” có những nhận xét “không mấy vui vẻ” về Hà Nội?

A. Anh bếp, chị vú

B. Nghệ sĩ văn nhân

C. Một người bạn ở quận Đống Đa

D. Ông bạn trẻ đạp xe như gió

Trả lời:

Đáp án D

Câu 5 trang 5 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Đọc đoạn văn sau và cho biết đồ nội thất trong nhà cô Hiền như thế nào?

“Một bộ sa lông gụ "cái khánh", cái sập gụ chân quỳ chạm rất đẹp nhưng không khảm, cái tủ chùa một cánh bên trong bày một cái lọ men Thuý hồng, một cái lư thời Hán, một cái liễn hấp sâm Giang Tây, và mấy thứ bình lọ màu men thì thường nhưng có dáng lạ, chả rõ từ đời nào. Cô đang lau đánh một cái bát thuỷ tiên men đỏ, hai cái đầu rồng gắn nổi bằng đồng, miệng chân cũng đều bịt đồng, thật đẹp.”.

A. Đồ cổ, sang trọng, lịch lãm

B. Đồ cũ kĩ, không có giá trị

C. Đồ nội thất phong cách hiện đại

D. Đồ nội thất phong cách châu Âu

Trả lời:

Đáp án A

Câu 6 trang 6 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Tóm tắt truyện Một người Hà Nội. Xác định bối cảnh diễn ra các sự kiện trong truyện.

Trả lời:

* Tóm tắt truyện:

Người kể chuyện xưng “tôi”, tên Khải có người bà con xa là cô Hiền. Cô Hiền xinh đẹp và thông minh, sinh ra trong một gia đình giàu có, lương thiện. Thời son trẻ, cô Hiền mở sa lông văn học, giao lưu với khách văn chương trí thức, thanh niên con nhà giàu. Đến tuổi lập gia đình, cô lấy một ông giáo tiểu học hiền lành, chăm chỉ làm chồng. Suốt thời kháng chiến chống thực dân Pháp, vợ chồng cô Hiền vẫn sống ở Hà Nội. Sau ngày tiếp quản thủ đô, cô Hiền không phải đi học tập cải tạo vì làm nghề hoa giấy, chỉ có một dinh cơ, không có nhà riêng cho thuê, không “bóc lột” ai. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người con trai cả xin vào chiến trường, cô không ngăn cản. Anh Khải đã chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống nhiều năm nhưng cứ có dịp ra Hà Nội lại ghé thăm cô Hiền. Anh than phiền về lối ứng xử xuống cấp của người Hà Nội thời nay. Cô Hiền kể cho anh nghe chuyện cây si bật gốc vì bão ở đền Ngọc Sơn nay đã sống lại. Anh nhận ra cô Hiền chính là “hạt bụi vàng” của Hà Nội.

* Bối cảnh diễn ra các sự kiện trong truyện:

- Về không gian: Hà Nội (nhà riêng của cô Hiền, phố xá Hà Nội,...).

- Về thời gian: 1955 – 1965 (thời kì Hà Nội vừa được giải phóng, chính quyền cách mạng thực hiện nếp sống văn hoá mới, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh); 1965 – 1975 (thời kì Hà Nội cùng với cả nước kháng chiến chống đế quốc Mỹ); 1975 – 1990 (Hà Nội thời kì bao cấp và những năm đầu Đổi mới).

=> Không gian mở rộng, từ không gian mang tính cá nhân – gia đình đến không gian mang tính cộng đồng – xã hội. Thời gian trải dài, mang tính lịch sử, từ quá khứ đến hiện tại, qua nhiều hoàn cảnh lịch sử xã hội khác nhau.

Câu 7 trang 6 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Trong truyện Một người Hà Nội, cô Hiền có nói: “Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng, nói năng phải có chuẩn, không được sống tuỳ tiện, buông tuồng.”. Em tán thành hay phản đối quan điểm của nhân vật? Vì sao?

Trả lời:

Em tán thành quan điểm của nhân vật “Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng, nói năng phải có chuẩn, không được sống tuỳ tiện, buông tuồng.” vì đó là những lời răn dạy của cô Hiền với các con, dạy con từ khi chúng còn nhỏ và tỉ mỉ dạy từ điều nhỏ bé nhất. Cô dường như không coi chuyện ngồi ăn, chuyện cầm bát, cầm đũa, múc canh, v.v. đó cũng chỉ là chuyện sinh hoạt vặt vãnh mà coi đấy là văn hoá sống, là văn hoá của người Hà Nội. Cô Hiền là đại diện của cách sống của người Hà Nội gốc, rất coi trọng nề nếp, gia giáo và coi những chuẩn mực trong ăn nói, đi đứng là cách thể hiện lòng tự trọng. Từ cách sống có chuẩn mực, nề nếp mà hình thành chuẩn mực trong văn hóa, nhân cách. Lòng tự trọng không cho phép con người sống hèn nhát, ích kỉ cá nhân. Có lòng tự trọng sẽ có lòng yêu nước, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Có thể nói, với những người như­ cô Hiền, lòng yêu nước cũng là một nhu cầu tự nhiên, xa lạ với những gì ồn ào, giả tạo.

Câu 8 trang 6 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 3, SGK) Quan điểm, thái độ của người kể chuyện xưng “tôi” đối với các nhân vật và sự việc trong truyện được thể hiện như thế nào?

Trả lời:

Người kể chuyện xưng “tôi”, tên Khải là người có quan điểm, thái độ đối với các nhân vật và sự việc trong truyện.

- Cách nhìn người, nhìn đời đa chiều, sâu sắc, tinh tế (thể hiện: quan sát cô Hiền qua nếp nghĩ, lối sống, cách ứng phó với việc cá nhân, việc nhà, việc nước,... từ khi còn son trẻ cho đến khi đã là một bà lão bảy mươi tuổi, từ đó đưa ra một cách nhìn vừa mang tính lịch sử vừa nhất quán về phẩm chất, cốt cách của nhân vật).

- Quan điểm thẳng thắn, nhận xét trung thực, biểu hiện sự từng trái, tự tin, lịch lãm (sẵn sàng đối thoại với cô Hiền: “Cô vẫn răn lũ con tôi: “Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng nói năng phải có chuẩn, không được sống tuỷ tiện, buông tuồng”. Có lần tôi cãi: “Chúng tôi là người của thời loạn, các cụ lại bắt dạy con cái theo thời bình là khó lắm.”; thẳng thắn đưa ra những nhận xét “không mấy vui vẻ” về Hà Nội; bộc lộ những suy nghĩ sâu sắc về cô Hiền – “hạt bụi vàng” của Hà Nội).

- Thái độ nâng niu, trân trọng, ngưỡng mộ nét đẹp văn hoá Hà Nội (thái độ đối với cô Hiền); xót xa, đau tức khi những nét đẹp văn hoá đó bị mai một, hư hao, mất mát (thái độ đối với một số người Hà Nội thô lỗ, bất lịch sự); thân tình, cởi mở, sẵn sàng tiếp thu ý kiến của người khác (trong chuyện trò, giao tiếp với cô Hiền và các nhân vật khác).

Người kể chuyện là người hiểu Hà Nội, yêu Hà Nội, buồn vui với những thăng trầm của Hà Nội, say mê nét đẹp văn hoá của người Hà Nội; có cách nhìn đa chiều, sâu sắc đối với các nhân vật và sự việc trong truyện.

Câu 9 trang 6 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 5, SGK) Chuyện cây si cổ thụ ở đền Ngọc Sơn bị bão đánh bật rễ rồi lại hồi sinh có ý nghĩa và tác dụng ra sao trong việc thể hiện chủ đề của truyện.

Trả lời:

- Ý nghĩa của câu chuyện cây si cổ thụ ở đền Ngọc Sơn bị bão đánh bật rễ rồi lại hồi sinh: Cây si là loại cây thường được trồng ở chùa miếu; tán rộng, xanh mượt, có nhiều rễ bám chắc vào đất, có sức sống lâu bền. Cây si cổ thụ thường gắn liền với đời sống tinh thần, với sinh hoạt văn hoá tâm linh suốt cả đời một con người, gắn liền với văn hoá – lịch sử của một vùng đất. Chuyện cây si cổ thụ ở đền Ngọc Sơn bị bão đánh bật rễ rồi lại hồi sinh khẳng định sức sống, khả năng hồi sinh của những giá trị nhân sinh lâu đời, cao quý (các giá trị văn hoá có thể nhất thời bị tàn phá, bị đứt gãy nhưng không thể chết, không thể vĩnh viễn mất đi).

- Tác dụng trong việc thể hiện chủ đề: Nếu nhân vật cô Hiền là biểu tượng của phẩm chất, cốt cách con người Hà Nội – một người biết cách tôn trọng, gìn giữ nét đẹp văn hoá của người Hà Nội thì cây si cổ thụ ở đền Ngọc Sơn là một biểu tượng văn hoá tâm linh. Phẩm chất, bản lĩnh của cô Hiền – cái mà thời cuộc thăng trầm không thể đổi dời và sức sống, khả năng hồi sinh của cây si cổ thụ ở đền Ngọc Sơn là những bằng chứng khẳng định niềm tin vào sự bất diệt của những giá trị văn hoá tinh thần, nhân văn cao quý.

Tuy nhiên, cây si cổ thụ bị bão đánh bật rễ ở đền Ngọc Sơn chỉ có thể hồi sinh khi con người có ý thức gìn giữ và biết cách bảo tồn. Nếu con người thờ ơ, vô trách nhiệm với nó thì chưa chắc cây si cổ thụ có cơ hội sống sót.

Như thế, chuyện cây si cổ thụ ở đền Ngọc Sơn bị bão đánh bật rễ rồi lại hồi sinh có tác dụng bổ sung, làm rõ hơn nữa thông điệp: Phẩm cách con người và bản sắc văn hoá bị tác động bởi thời thế, nhưng những giá trị tốt đẹp, tử tế, đích thực thì luôn có sức sống mạnh mẽ, trường tồn.

Câu 10 trang 6 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 6, SGK) Từ truyện Một người Hà Nội, em có suy nghĩ gì về mối quan hệ giữa phẩm chất cá nhân với việc nhận thức, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc?

Trả lời:

Mối quan hệ giữa phẩm chất cá nhân với việc nhận thức, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc:

- Cô Hiền là một người Hà Nội thông minh, nhạy cảm, ứng phó linh hoạt với thời cuộc, tính toán thực tế, không “lãng mạn”, “viễn vông”. Trước những biến động thăng trầm của thời thế, cô không dễ để mình bị lôi kéo, mua chuộc, vẫn luôn gìn giữ được nếp nghĩ thực tế, lối sống sang, đẹp; biết dạy bảo con cháu những điều tử tế (“không được sống tuỳ tiện, buông tuồng”, “biết tự trọng, biết xấu hổ”); biết gìn giữ và chăm chút những đồ vật cổ kính, duy trì không gian gia đình tao nhã, sang trọng (qua hình ảnh những đồ nội thất trong phòng khách nhà cô Hiền); nhận biết rõ những giá trị trường tồn giữa những biến động xã hội khôn lường (qua câu chuyện về cây si ở đền Ngọc Sơn). Vì thế, cô Hiền đích thực là một “hạt bụi vàng” của Hà Nội, rất đáng trân trọng, ngưỡng mộ.

– Đối lập với cô Hiền là cách nói năng, cư xử tục tằn, thô lỗ với người già ở ngoài đường của “một ông bạn trẻ”: “Một ông bạn trẻ đạp xe như gió thúc mạnh bánh xe vào đít xe tôi, may mà gượng kịp. Tôi quay lại nói cũng nhẹ nhàng: “Cậu đi đâu mà vội thế?”. Hắn không trả lời, đạp vượt qua xe tôi, rồi quay mặt lại chửi một câu đến sững sờ: “Tiên sư cái anh già!”. Đó là thái độ, cách cư xử thiếu lễ độ, bất lịch sự, bộc lộ cách nhìn người nông cạn, thiển cận, chỉ biết coi trọng hình thức bề ngoài của những người Hà Nội khác: “Lại một buổi sáng tôi đến thăm một người bạn ở quận Đống Đa, đã lâu không đến nên quên đường, lát lát phải hỏi thăm. Có người trả lời, là nói sống hoặc hất cằm, có người cứ giương mắt nhìn mình như nhìn con thú lạ. Tôi có than phiền với vợ chồng bạn về sự thiếu lễ độ của người Hà Nội, cô con gái đang cho con bú góp lời liền: “Ông ăn mặc tẩm như thế lại đi xe đạp họ khinh là phải, thử đội mũ dạ, áo ba-đờ-xuy, cưỡi con Cúp xem, thưa gửi tử tế ngay”.”.

Rõ ràng, phẩm chất, tính cách của cá nhân có quan hệ chặt chẽ với năng lực nhận thức và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá dân tộc. Người có phẩm chất, tính cách cá nhân tốt đẹp như cô Hiền sẽ nhận thức rõ các giá trị văn hoá, từ đó có ý thức gìn giữ nếp nghĩ, lối sống tốt đẹp của gia đình, tôn trọng, bảo tồn các giá trị văn hoá của Hà Nội và dân tộc. Người có năng lực nhận thức hạn chế, phẩm chất thấp kém ắt cũng khó nhận biết rõ các giá trị văn hoá để từ đó biết tôn trọng, có hành động gìn giữ nếp nghĩ, lối sống tốt đẹp của cha ông, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá của địa phương và đất nước.

Tầng hai (Phong Điệp)

Câu 1 trang 6 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Ai là người quan sát, cảm nghĩ về gia đình nhân vật Thắng?

A. Nhân vật Thắng

B. Nhân vật Phan

C. Nhân vật bà mẹ

D. Nhân vật chị vợ

Trả lời:

Đáp án B

Câu 2 trang 6 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Truyện chủ yếu diễn ra trong không gian nào?

A. Căn nhà hai tầng ở Vân Hồ – Hà Nội

B. Căn nhà trọ mười bốn mét vuông ở Hà Nội

C. Nhà bếp chừng tám mét vuông ở Vân Hồ – Hà Nội

D. Phòng Tiếp thị – Thị trường

Trả lời:

Đáp án A

Câu 3 trang 6 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Phương án nào thể hiện đúng nhất những âm thanh mà nhân vật Phan nghe thấy lúc đêm khuya?

A. Tiếng thở dài - tiếng khóc - tiếng người mẹ

B. Tiếng cánh cửa - tiếng thở nặng nhọc - nhịp thở đều đều

C. Tiếng ti vi - tiếng gõ bát đũa - tiếng la oai oái

D. Tiếng xe máy - tiếng áo mưa rũ - tiếng trẻ khóc

Trả lời:

Đáp án A

Câu 4 trang 7 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Tìm từ láy có trong các câu văn dưới đây:

- Liền sau đấy là tiếng hỉ mũi rất to và những tiếng nấc tức tưởi.

- Lần này cộng thêm cả tiếng gõ bát đũa lanh canh khiến cái tầng hai trở nên hết sức nhộn nhạo.

- Nhạc bật lên rộn rã. Tiếng ti vi léo nhéo.

Hãy nhận xét về cách dùng từ láy của tác giả.

Trả lời:

- Các từ láy: tức tưởi, lanh canh, nhộn nhạo, rộn rã, léo nhéo

- Nhận xét về cách dùng từ láy của tác giả: Đó đều là các từ láy tượng hình, tượng thanh giàu sức biểu cảm, biểu tượng, giúp người đọc dễ hình dung bối cảnh.

Câu 5 trang 7 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Đọc đoạn văn sau và cho biết, nhân vật mẹ của Phan thường làm gì vào buổi sáng sớm?

“Phan vẫn có thói quen nằm yên lặng trong bóng đêm, lắng nghe những âm thanh từ tầng hai vọng xuống, tưởng tượng ra những gương mặt. Những lúc ấy, cô lại chợt nhớ nhà đến cồn cào. Mẹ cô thường dậy sớm quạt bếp lò, nấu ấm nước nóng cho cha cô pha trà rồi làm bữa ăn sáng cho cả nhà. Khuôn mặt mẹ vì vậy mới sớm ra đã lấm tấm mồ hôi.”.

Trả lời:

Nhân vật mẹ của Phan vào buổi sáng sớm thường dậy sớm quạt bếp lò, nấu ấm nước nóng cho cha cô và làm bữa ăn sáng cho cả nhà.

Câu 6 trang 7 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 1, SGK) Hãy tóm tắt truyện Tầng hai. Từ đó, nhận xét về cốt truyện và bố cục của văn bản.

Trả lời:

* Tóm tắt truyện:

Phan là một cô gái trẻ sinh ra ở tỉnh lẻ. Gia đình Phan gồm có bố mẹ và chị gái. Họ không phải là gia đình giàu có. Ở quê, từng có lúc mẹ Phan phải đi vay nợ để chăm lo cho con ăn học. Sau khi tốt nghiệp đại học, Phan không về quê lập nghiệp mà ở lại Hà Nội. Phan làm việc năng nổ, chăm chỉ ở Phòng Tiếp thị – Thị trường của một công ty. Cô khao khát trở nên giàu có. Phan kí hợp đồng thuê căn phòng tầng một trong căn nhà hai tầng ở Vân Hồ làm chỗ ở. Căn phòng như cái hộp, thông với tầng hai qua lối cầu thang. Phan làm việc suốt ngày ở công ty, khi về phòng trọ thì thường vào lúc đêm khuya. Phan sống kín đáo, khép mình, sợ gây ồn ào làm phiền chủ nhà sống trên tầng hai. Ở trong phòng riêng, Phan thường nghe được những âm thanh vọng xuống. Trên tầng hai có bà mẹ sống cùng vợ chồng người con trai. Bà mẹ ngoài sáu mươi tuổi, ở phòng riêng, bị bệnh thấp khớp, chân tay hay tê mỏi, hay ngủ mê. Anh con trai tên Thắng làm việc ở xưởng in. Thỉnh thoảng đêm khuya chưa thấy chồng về nhà, chị vợ lại tủi thân, bật khóc. Những lúc như thế, bà mẹ dịu dàng khuyên nhủ, an ủi con dâu. Có lúc, Phan nghe được cuộc trò chuyện của đôi vợ chồng, cuộc trò chuyện của người mẹ và anh con trai. Đôi vợ chồng quan tâm đến nhau, anh con trai lo lắng cho sức khoẻ của mẹ, còn bà mẹ thì quan tâm, lo lắng cho người con dâu đang mang thai. Rồi một ngày, chị vợ sinh em bé, căn nhà rộn ràng. Những người trên tầng hai trò chuyện thân mật, đùa vui, cưng nựng em bé mới chào đời. Phan dự định rồi lại rụt rè không dám bước lên tầng hai nhưng rồi Phan cũng lên thăm cháu bé sơ sinh. Lần đầu được nhìn rõ không gian sinh hoạt của gia đình chủ nhà, Phan rất ngạc nhiên. Không ngờ những âm thanh sống động và tiếng nói cười hạnh phúc lại có thể xuất hiện ở nơi chốn giản dị đến thế. Phan nghĩ về gia đình mình, về người mẹ, người chị gái ở quê. Phan hình dung những khuôn mặt thân thương ruột thịt mà lâu rồi Phan đã không mường tượng. Phan nghĩ đó là hạnh phúc, vậy mà lâu nay cô cứ mải mốt tìm kiếm nó ở đẩu ở đâu.

* Nhận xét về cốt truyện: Tầng hai không có cốt truyện kịch tính với cấu trúc năm thành phần như đã thấy trong văn bản Hồi trống Cổ Thành (Tam quốc diễn nghĩa – La Quán Trung); cũng không có những mâu thuẫn, xung đột căng thẳng, diễn biến bất ngờ như trong Trái tim Đan-kô (Go-rơ-ki). Nó cũng không phải là câu chuyện cuộc đời một con người với những quyết định hệ trọng, đặt trong bối cảnh xã hội – lịch sử rộng dài như truyện Một người Hà Nội (Nguyễn Khải). Tầng hai có cốt truyện tâm lí. Sự kiện trong truyện là những việc vụn vặt, nhỏ nhặt; những nỗi lo âu và hi vọng thường nhật được kết nối dựa theo diễn biến tâm lí (tâm trạng, cảm xúc, hồi ức, liên tưởng) của nhân vật chính.

* Nhận xét về bố cục: Văn bản Tầng hai có bố cục gồm năm phần.

Phần (1) giới thiệu các nhân vật, phòng trọ, thói quen sinh hoạt và lối sống của Phan, cuộc nói chuyện trong đêm khuya của người mẹ và cô con dâu. Phần (2) kể về công việc của Phan ở công ty, cuộc trò chuyện vào buổi đầu hôm của đôi vợ chồng, cuộc trò chuyện của con dâu với mẹ chồng, tâm trạng của Phan. Phần (3) miêu tả sinh hoạt vào buổi sáng của người trong nhà. Phan nghe được âm thanh, hình dung cử chỉ, hành động, sự quan tâm lẫn nhau của đôi vợ chồng trẻ. Phan quan sát đồ đạc trong căn phòng trọ, nghĩ về quyết tâm lập nghiệp ở thành phố. Phần (4) kể chuyện người vợ sinh em bé, cuộc sống của gia đình chủ nhà khi có thêm thành viên mới; Phan lần đầu tiên lên tầng hai thăm cháu bé, quan sát nơi ở của chủ nhà, ngạc nhiên về hạnh phúc bình dị của họ. Phần (5) nói về việc Phan nhớ nhà, nhớ mẹ, hình dung về những gương mặt của người thân yêu ruột thịt ở quê, suy nghĩ về mục đích sống của cô lâu nay.

=> Từ cốt truyện và bố cục, có thể thấy trật tự thời gian tuyến tính trong kiểu cốt truyện truyền thống được tác giả kế thừa nhưng làm mới bằng cách để người kể chuyện (Phan) thường xuyên có các liên tưởng, hồi ức, tạo sự đan xen giữa hiện tại và quá khứ, giữa cuộc sống của gia đình Thắng – cuộc sống của Phan (ở Hà Nội) – cuộc sống của gia đình Phan (ở tỉnh). Phần mở đầu (1) và phần kết thúc (5) có liên hệ chặt chẽ, tạo một vòng tròn, vừa mở ra / khép lại câu chuyện về gia đình Thắng, vừa hé mở bức tranh sinh hoạt của gia đình Phan, góp phần thể hiện rõ hơn chủ đề và triết lí nhân sinh của truyện.

Câu 7 trang 7 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Truyện xảy ra trong những thời điểm nào? Nêu các từ ngữ chỉ thời gian được tác giả sử dụng trong truyện giúp em xác định được các thời điểm đó.

Trả lời:

Truyện xảy ra trong những thời điểm:

- Chủ yếu vào chiều tối, đêm khuya:

Lại có lần, cô trở về nhà khi ngôi nhà đã hoàn toàn yên lặng trong giấc ngủ… Giấc ngủ nhập nhoạng kéo đến tê tê mí mắt, Phan lại nghe thấy âm thanh giống như tiếng khóc.

Một đêm về sáng, Phan chợt giật mình vì nghe tiếng động lạ trên tầng hai.

- Sáng sớm ngày nghỉ của Phan:

Có lần, vào ngày nghỉ, người mẹ về quê ăn cưới, tầng hai chỉ có đôi vợ chồng trẻ. Sáng sớm, chị vợ lạch cạch mở khóa cửa, xách làn đi chợ,...

Câu 8 trang 7 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 3, SGK) Nhân vật “bà mẹ” sống trong căn nhà hai tầng được giới thiệu như thế nào? Nêu những chi tiết tiêu biểu trong truyện thể hiện tính cách của nhân vật này.

Trả lời:

- Nhân vật được giới thiệu: bà mẹ đã già, là cựu thanh niên xung phong, sức khoẻ yếu, có bệnh thấp khớp, chân tay hay tê mỏi, đêm ngủ hay nói mê.

- Chi tiết (lời nói, thái độ) thể hiện tính cách của bà mẹ:

+ Lời nói thể hiện lòng nhân hậu, bao dung; bảo ban, an ủi con dâu, con trai: “Mày có ngủ đi không con! – Tiếng người mẹ – Mà cái thằng này nó cũng tệ. Đi đâu phải báo với nhà một tiếng chứ cứ mất mặt như thế, lỡ có chuyện gì. Thôi ngủ đi con ạ. Chắc nó lại ham chơi bạn bè đấy mà. Để mai nó về mẹ cho nó một trận.”; “Đang mang thai mà khóc như thế này là không tốt đâu, con ạ. Thôi, chồng nó có gì không nên không phải thì bảo ban lấy nhau mà sống. Ai lại khóc lóc như trẻ con thế. Ngủ đi con!”.

+ Lời nói thể hiện sự quan tâm lo lắng cho sức khoẻ của con dâu, sự an toàn của con trai: “Mà con có đói thì uống thêm cốc sữa. Chịu khó mà ăn cho con nó khoẻ. Lúc tối mẹ thấy mày ăn ít quá, mẹ lại xót. Sắp làm mẹ đến nơi rồi đấy, biết không con.”; “Đi cẩn thận con nhé!”, “Ăn cố bát nữa, lấy sữa cho con nó bú đi con.”.

+ Khi tiếp xúc với người thuê nhà, bà có những lời nói, cử chỉ tỏ rõ thái độ vui vẻ, niềm nở: “Kìa cháu. - Bà chủ nhà vồn vã - Lên đây cháu!”.

Câu 9 trang 7 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 5, SGK) Vì sao nhân vật Phan lại ngẫm nghĩ: “Hoá ra hạnh phúc giản dị hơn những gì cô tâm niệm.”? Theo em, đây có phải là chủ đề của truyện không? Hãy làm rõ ý kiến của em.

Trả lời:

Nhân vật Phan ngẫm nghĩ: “Hoá ra hạnh phúc giản dị hơn những gì cô tâm niệm.”. Đây là suy nghĩ đột nhiên, bất ngờ của Phan, trái với điều lâu nay Phan đã thường xuyên nghĩ tới và tự nhắc mình để ghi nhớ, làm theo.

- Phan từng không thích thú gì cuộc sống dưới quê. Cô từng không muốn nghĩ đến quê hương, gia đình của mình vì gia đình Phan ở quê túng thiếu tiền bạc, nghèo khổ, thường hay bất hoà. (“Cô ít khi về dưới quê vì chán những cảnh cãi vã như cơm bữa.”, “Cô đã quá thấm thía nỗi khổ cực do sự nghèo mang lại...”).

- Phan từng quyết tâm phải lập thân, lập nghiệp ở thành phố. (“Cô sống chết cũng phải bám lấy đất này, phải mở mày mở mặt tại đây...”).

Phan thường xuyên nghĩ tới, động viên nhắc nhở mình phải cố gắng để trở thành người thật giàu có. Với Phan, giàu có chính là điều kiện thiết yếu để có được cuộc sống hạnh phúc (“Cô sẽ phải giàu, thật giàu.”).

Nhưng khi lắng nghe những âm thanh của cuộc sống vọng xuống từ tầng hai, nhất là khi tận mắt quan sát căn phòng hẹp, đồ đạc đơn sơ, giản dị của gia đình chủ nhà, cô bất ngờ nhận thức được rằng: Cuộc sống hạnh phúc không phải là cuộc chạy đua tìm kiếm sự giàu có về vật chất, tiền bạc như cô từng tâm niệm mà có thể có trong một căn nhà chật hẹp, đồ đạc đơn sơ nhưng mọi người được sống chan hoà trong sự quan tâm, chia sẻ, yêu thương lẫn nhau.

=> Ý nghĩ của Phan ẩn chứa chủ đề của truyện Tng hai: Hạnh phúc là được sống cuộc đời trong sự quan tâm, chia sẻ, yêu thương. Đây là chủ đề của truyện vì thông điệp này bộc lộ gián tiếp qua các yếu tố như nhan đề, nhân vật, bối cảnh, điểm nhìn, giọng kể (sự thay đổi trong cách nhìn, cách cảm nghĩ của Phan về cuộc sống); bộc lộ một cách trực tiếp qua ý nghĩ của nhân vật Phan, nhất là ở đoạn cuối truyện (ý nghĩ về hạnh phúc, hình dung về niềm vui giản dị trong gia đình).

Câu 10 trang 7 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Từ truyện ngắn Tầng hai, em có suy nghĩ gì về mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội hiện đại? Hãy ghi lại suy nghĩ đó bằng một đoạn văn (khoảng 8 – 10 dòng).

Trả lời:

– Trong truyện Tầng hai, có mối quan hệ giữa chủ nhà và người thuê nhà, giữa các thành viên trong gia đình. Người thuê nhà (Phan) ban đầu sống khép kín, thu mình, rụt rè. Phan cũng thờ ơ với những người thân trong gia đình. Các thành viên trong gia đình chủ nhà thì sống trong sự chan hoà, quan tâm lẫn nhau và bày tỏ sự cởi mở, thân thiện với người thuê nhà. Chính thái độ và lối sống của gia đình chủ nhà đã làm thay đổi quan niệm và tình cảm của Phan một cách tích cực: Phan nhận ra hạnh phúc đến từ sự thương yêu, quan tâm lẫn nhau giữa những người thân trong gia đình. Sự quan tâm, chia sẻ giữa con người với con người trong xã hội khiến cá nhân có thể vượt qua các ranh giới, các rào cản (tuổi tác, giới tính, địa vị, quê quán) để hoà nhập, kết nối, cùng nhau chung sống vui vẻ, hạnh phúc.

– Mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội hiện đại đang có nhiều thay đổi, khác biệt rõ so với trong xã hội truyền thống. Xã hội hiện đại (nhất là ở khu vực đô thị) đề cao tính cá nhân, riêng tư, coi trọng vật chất nhiều khi đến mức cực đoan đã dẫn con người đến lối sống khép kín, “Đèn nhà ai nhà ấy rạng”, ít quan tâm, không muốn chia sẻ, thậm chí thờ ơ, lạnh lẽo với người thân, người xung quanh. Mối quan hệ giữa con người với con người có xu hướng trở nên lỏng lẻo, nhạt nhẽo hoặc sòng phẳng, lạnh lùng. Ngược lại, xã hội truyền thống (nhất là ở khu vực nông thôn) đề cao tính cộng đồng, “Tình làng nghĩa xóm”, “Tắt lửa tối đèn có nhau”, coi trọng các quan hệ tình thân, dòng tộc, làng xã, vì thế mà mối quan hệ giữa con người và con người trở nên thân thiết, ấm áp. Tuy nhiên, sự quan tâm thái quá, nhiều khi thiếu tế nhị (thường hay dò hỏi chuyện riêng của người khác chỉ để thoả mãn sự hiếu kì, thậm chí xâm phạm quyền riêng tư của họ một cách hồn nhiên),... đã gây ra những sự phiền phức, quấy nhiễu cuộc sống của người khác. Làm sao để trong khi quan tâm đến nhau, gìn giữ mối quan hệ tốt đẹp giữa con người và con người, mỗi người vừa thể hiện được sự quan tâm, chia sẻ (để cuộc sống cá nhân bớt khép kín, cô đơn, cô độc) vừa thể hiện được sự tôn trọng quyền riêng tư của nhau là một vấn đề mà truyện Tầng hai gợi ra.

Đánh giá

0

0 đánh giá