Bài thơ Qua đèo ngang - Bà Huyện Thanh Quan - Nội dung, tác giả, tác phẩm

2.6 K

Tài liệu tác giả tác phẩm Qua đèo ngang hát Ngữ văn lớp 8 Chân trời sáng tạo gồm đầy đủ những nét chính về văn bản như: tóm tắt, nội dung chính, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm, dàn ý từ đó giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung bài Qua đèo ngang lớp 8.

Tác giả tác phẩm: Qua đèo ngang - Ngữ văn 8

I. Tác giả Bà Huyện Thanh Quan

Qua đèo ngang - Tác giả tác phẩm (mới 2023) | Ngữ văn lớp 8 Chân trời sáng tạo

1. Tiểu sử

- Bà Huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh, sống ở thế kỉ XIX, chưa rõ năm sinh, năm mất.

- Quê quán: làng Nghi Tàm, nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội.

- Chồng bà làm tri huyện Thanh Quan (thuộc Thái Ninh), tỉnh Thái Bình, do đó mà có tên gọi Bà Huyện Thanh Quan.

- Bà là một trong số nữ sĩ tài danh hiếm có trong thời đại ngày xưa, hiện còn để lại sáu bài thơ Đường luật.

2. Sự nghiệp sáng tác

- Bà Huyện Thanh Quan sáng tác không nhiều nhưng các tác phẩm của Bà Huyện Thanh Quan đều thể hiện sự tài tình trong lối chơi chữ, đối vần điệu đúng luật nhưng vẫn đưa đầy đủ nét nữ tính vào trong thơ ca và trên hết là tấm lòng yêu nước, thương nhà da diết, khôn nguôi của người con đất Việt.

- Hầu hết các tác phẩm của bà được viết bằng chữ Nôm, theo thể Đường luật. Hiện tìm được những bài sau: Thăng Long thành hoài cổ, Qua chùa Trấn Bắc, Qua Đèo Ngang, Chiều hôm nhớ nhà, Tức cảnh chiều thu, Cảnh đền Trấn Võ, Cảnh Hương sơn.

- Phong cách nghệ thuật: bà Huyện Thanh Quan là một cây bút điêu luyện, đầy chất thơ với ngôn ngữ trau chuốt được gọt giũa cẩn thận. Thơ bà thể hiện lòng yêu mến cảnh quan thiên nhiên, đất nước và tâm sự u hoài trước thế sự đổi thay.

II. Tìm hiểu tác phẩm Qua đèo ngang

1. Thể loại

Thơ thất ngôn bát cú Đường luật.

2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác

- Bài thơ được sáng tác khi bà từ trên đường từ Bắc Hà vào Huế nhận chức “Cung Trung giáo tập”

3. Phương thức biểu đạt

Văn bản có phương thức biểu đạt là biểu cảm & miêu tả.

4. Bố cục bài Qua đèo ngang

- Phần 1 (hai câu đề): Cái nhìn chung về cảnh vật Đèo Ngang

- Phần 2 (hai câu thực): Cuộc sống của con người ở Đèo Ngang

- Phần 3 (hai câu luận): Tâm trạng của tác giả

- Phần 3 (hai câu kết): Nỗi cô đơn đến tột cùng của tác giả

5. Giá trị nội dung

- Bài thơ “Qua Đèo Ngang” cho thấy cảnh tượng Đèo Ngang thoáng đãng mà heo hút, thấp thoáng có sự sống của con người nhưng còn hoang sơ, đồng thời, thể hiện nỗi nhớ nước, thương nhà, nỗi buồn thầm lặng, cô đơn của tác giả.

6. Giá trị nghệ thuật

- Thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật

- Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình

- Sử dụng từ láy gợi hình gợi cảm và nghệ thuật đối lập, đảo ngữ

III. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Qua đèo ngang

Qua đèo ngang - Tác giả tác phẩm (mới 2023) | Ngữ văn lớp 8 Chân trời sáng tạo

1. Hai câu đề

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen đá lá chen hoa

- Thời điểm: bóng xế tà

→ Ánh nắng nhạt của chiều muộn ⇒ Gợi nỗi buồn.

→ Gợi lên một nỗi buồn man mác.

- Cảnh: cỏ cây chen đá > < lá chen hoa

+ Điệp từ, tiểu đối

+ Điệp từ “chen”

+ Tiểu đối: Cỏ cây thì chen đá > < lá thì chen hoa.

→ Nơi đây có cây cối, có hoa lá chen chúc um tùm, hoang sơ.

⇒ Gợi lên vẻ hoang sơ, rậm rạp; không gian hoang vắng gợi nỗi buồn.

2. Hai câu thực

Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ mấy nhà

- Phép đối: Lom khom > < lác đác

→ Đối rất cân, rất chỉnh ⇒ Phác họa nên một bức tranh sơn thủy hữu tình.

- Từ láy tượng hình

+ Lom khom: Gợi dáng vẻ vất vả, nhỏ nhoi

+ Lác đác, vài: Gợi hình ảnh ít ỏi, thưa thớt.

- Đảo cấu trúc câu

+ Lom khom - tiều vài chú

+ Lác đác - chợ mấy nhà

→ Nhấn mạnh dáng vẻ nhỏ bé, tội nghiệp của con người và sự thưa thớt, xác xơ của cảnh vật.

- Đảo từ

+ Tiều vài chú

+ Chợ mấy nhà

→ Đảo từ trong cụm danh từ + từ chỉ số lượng ít ỏi (vài, mấy) ⇒ Gợi lên một thế giới cô liêu, lẻ loi, hoang vắng.

⇒ Cảnh: Sự sống ít ỏi, thưa thớt, hoang sơ.

⇒ Tình: Nỗi buồn man mát của lòng người.

3. Hai câu luận

Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

- Nghệ thuật đối

+ Nhớ nhà > < đau lòng

+ Con quốc quốc > < cái gia gia

+ Hệ thống thanh điệu cũng đối: TT BB BTT > < BB TT TBB

→ Làm nổi bật trạng thái, cảm xúc, tạo nhạc điệu cân đối cho bài thơ

- Nghệ thuật ẩn dụ: mượn tiếng chim để gợi tả lòng người

⇒ Sự hoang vắng của cảnh vật và nỗi nhớ nước, thương nhà bồn chồn của nhà thơ

4. Hai câu kết

Dừng chân đứng lại trời, non, nước

Một mảnh tình riêng ta với ta

- Cảnh đèo Ngang: trời, non, nước > < Mảnh tình riêng ta với ta

+ Cảnh: bao la, bát ngát, hùng vĩ, trùng điệp → Ấn tượng mênh mông, xa lạ, vắng vẻ và tĩnh lặng

+ Tình: nhỏ nhoi, cô đơn tuyệt đối

⇒ Hình ảnh đối lập. Cảnh bao la khôn cùng, con người buồn bã, cô đơn, nhỏ bé

⇒ Gợi tâm sự sâu kín về nỗi nhớ nước, thương nhà da diết, âm thầm, lặng lẽ của con người trước cảnh vật bao la và rộng lớn…

IV. Đọc tác phẩm Qua đèo ngang

QUA ĐÈO NGANG

(Bà Huyện Thanh Quan)

Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.

Lom khom dưới núi, tiều vài chú,

Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.

Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,

Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.

Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,

Một mảnh tình riêng, ta với ta.

V. Văn mẫu

Đề bài: Phân tích bài thơ Qua đèo ngang

Xã hội phong kiến luôn có sự chèn ép, ràng buộc tự do của những người phụ nữ bất hạnh, chỉ sống phụ thuộc, không làm chủ cho bản thân mình. Xã hội hiện đại bây giờ, phụ nữ luôn được tôn trọng, bình đẳng, không phân biệt đối xử như ngày xưa nữa.

Tình cảm yêu mến, muốn được bảo vệ hạnh phúc tự do cho mình, cũng không hề kém cạnh các đại nam nhi. Đối với bà Huyện Thanh Quan tuy không đi ra chiến trường chiến đấu, nhưng bà đã gửi gắm tinh thần, sự cổ động mạnh mẽ vào thơ, để tiếp thêm một phần sức mạnh, công lao của mình cho đất nước.

"Qua đèo ngang" gợi lên sự điềm tĩnh, nhẹ nhàng, trầm buồn của bà Huyện Thanh Quan làm tiêu biểu cho phong cách thơ. Bài thơ "Qua đèo ngang" được tác giả sáng tác trong hoàn cảnh vào Phú Xuân (Huế) nhận chức và đi ngang qua đèo này. Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là nỗi buồn man mác, nhớ nhà, quê hương, thương cho thân người con gái yếu đuối đường xa. Bài thơ được sáng tác theo thể thất ngôn bát cú. Với 8 câu thơ mà đã thấy được những thần thái, cái hồn trong cảnh vật và con người trước cảnh núi rừng hiu quạnh.

"Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen lá, đá chen hoa"

Hai câu đề hiện rõ khung cảnh rừng núi hoang sơ lúc "bóng xế tà". Một cảnh chiều nặng nề làm cho lòng người trở nên u buồn, gợn sầu hơn. Tất cả như gợi lên nỗi nhớ muốn tỏ rõ nỗi lòng mà không ai bầu bạn, sẻ chia. Chỉ có "cây cỏ chen lá, đá chen hoa" hiu quạnh. Điệp từ "chen" khẳng định sức sống mạnh mẽ của cỏ, cây, bấu víu để sinh sôi nảy nở.

"Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ mấy nhà"

Đến hai câu thơ tiếp theo thì mới thấy bóng dáng của con người. "người tiều phu" đi lượm củi vẫn tạo cảm giác vô định, "lom khom" từ ngữ nhấn mạnh thể hiện sự vất vả của người tiều phu, phải đi kiếm từng khúc củi, ước tính số lượng cụ thể, sự sống hiếm hoi, xa vời, tìm một người bạn trở nên khó khăn hơn. Tiếp đến hai câu thơ luận phần nào cảm xúc của tác giả như được thể hiện rõ nét hơn:

"Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia"

Giữa chốn rừng sâu vắng lặng, vang lên tiếng chim cuốc đau lòng não ruột. Đó cũng có thể là thanh âm thật là hay là tiếng lòng trong tâm trạng nhà thơ. Mượn bút pháp ước lệ và nghệ thuật chơi chữ để nói lên tiếng lòng mình trước cảnh. Tiếng chim kêu làm tăng phần cô quạnh, phải chăng đó là tâm trạng hoài vọng nhớ thương nước nhà?

Cái bao la, vô tận của non nước làm chơi vơi bóng hình một mình giữa thiên nhiên, hồn cảnh - hồn người như hòa lẫn vào nhau, làm nỗi buồn da diết bị lắng đọng cùng.

"Dừng chân đứng lại trời non nước

Một mảnh tình riêng ta với ta"

Tiếng lòng non nước thấm thía, không san sẻ buộc nhà thơ thốt lên giãi bày "ta với ta" nghe chua xót. Chỉ ta mới hiểu được lòng ta, sự cô đơn như tăng lên gấp bội. Dù sầu muội như bà Huyện Thanh Quan vẫn cảm nhận được vẻ đẹp non nước dù nơi dừng chân có vẻ hoang sơ, nhưng đã tô lên vẻ đẹp hùng vĩ, bao la của núi rừng.

Bài thơ "Qua Đèo Ngang" vừa gợi lên một bức tranh về cảnh đẹp thiên nhiên núi rừng hoang sơ, hùng vĩ, vừa gợi ra khung cảnh sống giản dị, đơn sơ mà ấm áp. Từ đó mang lại những cảm xúc, nỗi niềm, riêng tư của tác giả với tình yêu quê hương, đất nước da diết khi xa quê hương, lẻ loi một bóng hình nơi đất khách quê người.

Đề bài: Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ cùng phong cách cổ điển: so sánh bài thơ Qua đèo ngang (Bà Huyện Thanh Quan) và bài thơ Thu Vịnh (Nguyễn Khuyến)

Thơ ca Việt Nam từ lâu đã nổi danh với những tác phẩm mang đậm tâm hồn dân tộc, thể hiện sự tinh tế trong cảm xúc và ngôn ngữ. Trong số những tác phẩm tiêu biểu, "Thu Vịnh" của Nguyễn Khuyến và "Qua Đèo Ngang" của Bà Huyện Thanh Quan là hai bài thơ mang đến những cảm nhận sâu sắc về thiên nhiên và tâm tư con người. Mặc dù được sáng tác trong những hoàn cảnh khác nhau, nhưng cả hai tác phẩm đều thể hiện vẻ đẹp kỳ diệu của mùa thu cùng những suy tư trăn trở của tác giả, đồng thời bộc lộ những nét riêng biệt trong phong cách và nội dung biểu đạt.

Trước tiên, xét về nội dung, "Thu Vịnh" là một tác phẩm thể hiện tình yêu thiên nhiên rất sâu sắc của Nguyễn Khuyến. Trong bài thơ, ông không chỉ miêu tả vẻ đẹp của mùa thu với hình ảnh "thềm hiên" và "hoa cúc" mà còn gửi gắm tâm hồn mình vào bức tranh thiên nhiên. Vẻ đẹp mùa thu không chỉ đơn thuần là hình ảnh bên ngoài mà còn gợi tới những nỗi niềm riêng tư. Nguyễn Khuyến làm nổi bật sự gắn bó giữa lòng người và cảnh vật, nhấn mạnh sự thanh bình trong tâm hồn. Cảm xúc trong "Thu Vịnh" nhẹ nhàng, êm đềm nhưng vẫn đầy trăn trở về cuộc đời và sự mất mát.

Ngược lại, "Qua Đèo Ngang" của Bà Huyện Thanh Quan lại mang một tấm lòng trĩu nặng, với nét buồn man mác giữa cảnh vật. Hình ảnh "đèo Ngang" trở thành biểu tượng cho những chặng đường gian nan trong cuộc sống. Qua mỗi câu thơ, bà diễn tả không chỉ vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn là sự cô đơn, lẻ loi của một người phụ nữ trong dòng chảy của thời gian. Sự đối lập giữa cảnh đẹp thiên nhiên và tâm trạng nhân vật tạo nên một bức tranh đầy sắc thái, vừa bi thương, vừa nên thơ.

Về phong cách nghệ thuật, cả hai tác phẩm đều sử dụng ngôn ngữ tinh tế và hình ảnh giàu sức gợi. "Thu Vịnh" hướng tới sự nhẹ nhàng, êm dịu với những câu thơ mang đậm nhạc điệu, khiến người đọc cảm thấy thư giãn và gần gũi. Ngược lại, "Qua Đèo Ngang" lại thể hiện sự tráng lệ trong âm hưởng với những hình ảnh vừa cụ thể vừa ẩn dụ, làm nổi bật sự kết nối giữa thiên nhiên và tâm hồn con người.

Cuối cùng, cả hai bài thơ không chỉ phản ánh tình yêu thiên nhiên mà còn thể hiện nỗi lòng của người sáng tác. "Thu Vịnh" bộc lộ sự bình yên, một cách tìm về với cái đẹp đơn giản trong cuộc sống, trong khi "Qua Đèo Ngang" là tiếng khóc giữa cảnh đẹp, thể hiện sự cô đơn, bất lực trước dòng đời xô bồ.

Tóm lại, "Thu Vịnh" và "Qua Đèo Ngang" đều là những tác phẩm kiệt xuất trong nền thơ ca Việt Nam, mỗi bài thơ mang một vẻ đẹp và giá trị riêng. Qua việc so sánh hai tác phẩm, ta không chỉ thấy được khía cạnh nghệ thuật của mỗi tác giả mà còn hiểu sâu hơn về tâm tư, tình cảm và quan niệm sống của con người trong thời đại của họ. Cả hai bài thơ đều góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn học lao động và tư tưởng của dân tộc, phản ánh tâm hồn Việt Nam với những vẻ đẹp tiềm ẩn và chiều sâu cảm xúc.

Xem thêm các bài tóm tắt Tác giả, tác phẩm Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Tác giả - Tác phẩm: Nam quốc sơn hà

Tác giả - Tác phẩm: Qua đèo ngang

Tác giả - Tác phẩm: Lòng yêu nước của nhân dân ta

Tác giả - Tác phẩm: Chạy giặc

Tác giả - Tác phẩm: Bồng chanh đỏ

Đánh giá

0

0 đánh giá