Bài thơ Lá đỏ - Nguyễn Đình Thi - Nội dung, tác giả, tác phẩm

28.3 K

Tài liệu tác giả tác phẩm Lá đỏ Ngữ văn lớp 8 Kết nối tri thức gồm đầy đủ những nét chính về văn bản như: tóm tắt, nội dung chính, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm, dàn ý từ đó giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung bài Lá đỏ lớp 8.

Lá đỏ - Ngữ văn lớp 8

I. Tác giả Nguyễn Đình Thi

Lá đỏ - Tác giả tác phẩm (mới 2023) | Ngữ văn lớp 8 Kết nối tri thức

- Nguyễn Đình Thi (1924- 2003), sinh ra tại Thành phố Luông Pha Băng, nước Lào.

- Ông tham gia kháng chiến và giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng.

- Nguyễn Đình Thi được xem là một nghệ sĩ đa tài, ông sáng tác nhạc, làm thơ, viết tiểu thuyết, kịch, tiểu luận phê bình, ở lĩnh vực nào ông cũng có những đóng góp đáng trân trọng.

- Thơ ông tự do, phóng khoáng mà vẫn hàm súc, sâu lắng, suy tư và có nhiều tìm tòi theo hướng hiện đại.

- Những tác phẩm văn xuôi của Nguyễn Đình Thi là sự phản ánh kịp thời cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến. Các tác phẩm của ông đều mang tính thời sự về các cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam.

- Tác phẩm chính

+ Thơ: Người chiến sỹ (1958); Bài thơ Hắc Hải (1958); Dòng sông trong xanh (1974); Tia nắng (1985); Đất nước (1948 - 1955); Nhớ; Lá đỏ....

+ Tiểu thuyết Xung kích, Vỡ bờ; Thu đông năm nay (1954), Bên bờ sông Lô (1957), Vào lửa (1966), Mặt trận trên cao (1967)...

+ Phê bình văn học: Tiểu luận Nhận đường.

+ Kịch: Con nai đen (1961); Hoa và Ngần (1975); Giấc mơ (1983); Rừng trúc (1978); Nguyễn Trãi ở Đông Quan (1979); Người đàn bà hóa đá (1980); Tiếng sóng (1980); Cái bóng trên tường (1982); Trương Chi (1983); Hòn Cuội (1983 - 1986).

II. Tìm hiểu tác phẩm Lá đỏ

1. Thể loại

Văn bản Lá đỏ thuộc thể thơ tự do

2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác

Lá đỏ - Tác giả tác phẩm (mới 2023) | Ngữ văn lớp 8 Kết nối tri thức

Bài thơ Lá đỏ được sáng tác tháng 12 năm 1974 - thời điểm cuộc kháng chiến thống nhất đất nước bước vào giai đoạn cuối, toàn quân và dân ta đang dồn sức cho tiền tuyến.

3. Phương thức biểu đạt

Lá đỏ có phương thức biểu đạt là biểu cảm

4. Bố cục

- Phần 1: Từ đầu đến "Những buổi ngày xưa vọng nói về": Mùa thu đất nước trong hoài niệm của nhà thơ.

- Phần 2: Còn lại: Hình ảnh đất nước kháng chiến đau thương mà anh hùng tình nghĩa.

5. Giá trị nội dung

Bài thơ đã khắc họa hình ảnh sống động: lá đỏ, cô em gái tiền phương, đoàn quân - có sức gợi tả, khái quát cao cho vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam.

6. Giá trị nghệ thuật

- Bài thơ viết theo thể tự do. Trong 8 câu thơ có 7 câu là thể lục ngôn.

- Nhịp điệu thơ mang tính dồn dập, vững bền, chắc khoẻ.

- Yếu tố nghệ thuật chính làm nên thành công của “Lá đỏ” là hình ảnh, nhịp điệu và ngôn ngữ thơ.

- Bài thơ nêu ba hình ảnh: lá đỏ, em gái tiền phương và đoàn quân như những tâm điểm và đặc tả, có sức khái quát cao về vẻ đẹp của đất nước con người Việt Nam.

- Ngôn ngữ thơ rất chân thực. Cuộc sống chiến trường sôi động, khắc nghiệt nhưng cũng rất trữ tình hiện lên một cách tự nhiên không một chút bóng bẩy, hào nhoáng.

III. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Lá đỏ

1. Đặc điểm về thể thơ, mạch cảm xúc và cảm hứng chủ đạo của bài thơ

a. Đặc điểm về thể thơ

- Số tiếng trong một dòng: tự do, linh hoạt, dòng sáu tiếng, dòng bảy tiếng. Bốn khổ, số dòng linh hoạt trong mỗi khổ

- Vần thơ: hai khổ đầu gieo vần chân (gió – đỏ, hương – trường), hai khổ cuối không gieo vần

- Về nhịp thơ:

Gặp em/ trên cao/ lộng gió

Rừng lạ/ ào ào/ lá đỏ

Em đứng bên đường/

như quê hương

Vai áo bạc/ quàng súng trường

Đoàn quân/ vẫn đi/ vội vã

Bụi Trường Sơn/ nhoà trời lửa

Chào em/ em gái tiền phương

Hẹn gặp nhé/ giữa Sài Gòn..

+ Nhịp thơ không tuân theo một quy tắc nhất định, dòng ngắt nhịp 2/2/2, dòng ngắt nhịp 4/3, dòng ngắt nhịp 3/3,... Nhịp thơ linh hoạt, phù hợp với cảm xúc của nhà thơ cũng như đối tượng miêu tả.

=> Hình thức bài thơ tự do, không bị gò bó vào các quy định về số tiếng trong một dòng, vần, nhịp,... do đó đã miêu tả (dù chỉ vài nét chấm phá) hết sức sinh động hình ảnh Trường Sơn những năm khói lửa, hình ảnh đoàn quân ra trận, hình ảnh người “em gái tiền phương” cũng như niềm xúc động sâu xa, niềm tin và hi vọng của nhà thơ vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.

b. Mạch cảm xúc

Bài thơ có thể chia làm 2 phần: phần 1 (4 dòng thơ đầu): Cuộc gặp gỡ trên đỉnh Trường Sơn và phần 2 (còn lại): Cuộc chia tay trên đỉnh Trường Sơn

- Mạch cảm xúc xuyên suốt bài thơ là tình yêu quê hương, đất nước. Cảm xúc ấy vận động qua các cung bậc:

+ Mến thương người em gái nhỏ – hình bóng quê hương - mà người lính tình cờ gặp gỡ trên tuyến đường Trường Sơn.

+ Yêu mến, tự hào về những người anh hùng chưa biết tên làm nên chiến thắng vĩ đại; biết ơn những cống hiến, hi sinh lớn lao, thầm lặng của hàng triệu người con cho Tổ quốc,...

+ Niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng cuối cùng của cuộc kháng chiến.

c. Cảm hứng chủ đạo

Cảm hứng chủ đạo trong bài thơ Lá đỏ là tinh thần chiến đấu anh dũng và lạc quan, niềm tin vào ngày mai thắng lợi. Ngoai ra bài thơ còn ca ngợi tinh thần yêu nước, những đóng góp lớn lao của những người anh hùng chưa biết tên để tạo nên sức mạnh dân tộc, góp phần làm nên chiến thắng trong những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm

2. Cuộc gặp gỡ trên đỉnh Trường Sơn

- Cuộc gặp gỡ diễn ra trên đỉnh Trường Sơn “lộng gió”, “rừng lạ ào ào lá đỏ”, “bụi Trường Sơn nhoà trời lửa.

- Các hình ảnh vẽ lên khung cảnh rừng Trường Sơn khoáng đạt, gợi ấn tượng vừa lãng mạn vừa hào hùng, dữ dội với những vẻ đẹp lạ lùng của rừng lá đỏ, những trận mưa lá đổ ào ào như trút trong gió lộng trên những đỉnh núi cao giữa mùa thu của đại ngàn Trường Sơn, lửa bụi chiến tranh bay nhoà trời,... Tất cả gợi lên một khung cảnh Trường Sơn trong những năm tháng không thể nào quên. Đó là thời điểm cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt, lúc toàn quân và dân ta đang dồn sức cho tiền tuyến, quyết tâm thống nhất đất nước.

-> Nhận xét về không gian gặp gỡ: Đó là một nơi đẹp đẽ, thoáng đãng, đứng từ trên cao nguyên lộng gió ta cảm nhận được một khoảng không vô tận, bao la. Và thể hiện trước không gian đó là hình ảnh rừng lá đỏ ào ào, bay trong gió. Giữa khung cảnh bầu trời xanh mát mẻ, nổi bật lên là hình ảnh là đỏ, màu lá đỏ như tô điểm thêm cho bầu trời Trường Sơn giữa lúc khói lửa mịt mù, do bom đạn thả xuống đất Trường Sơn. Không gian này đã giúp em hiểu thêm được con đường kháng chiến vô cùng nguy hiểm và gian nan.

- Hình ảnh “em gái tiền phương” hiện lên qua những chi tiết

“Em đứng bên đường, như quê hương

Vai áo bạc, quàng súng trường”

+ Hình ảnh so sánh: em gái tiền phương – quê hương: Em là giao liên, em là TNXP và em chính là hình ảnh quê hương dịu hiền, gần gũi, thân thương, chính là nơi để trở về sau trận chiến này.

+ “em gái tiền phương”, nữ chiến sĩ giao liên hay cô gái thanh niên xung phong. Sự có mặt của cô gái trên đỉnh Trường Sơn nơi tuyến đầu Tổ quốc đã nhắc với mai sau về cuộc chiến đấu toàn dân tham gia, trong đó có những người con gái trẻ trung xinh đẹp mảnh mai, mà lẽ ra họ sinh ra để được sống yên bình.

+ Hình ảnh “vai áo bạc, quàng súng trường” thật giản dị, thân thương. Đó là chứng tích sau biết bao tháng ngày dầm mưa dãi nắng; cũng là hình ảnh nổi bật giữa núi rừng Trường Sơn “ào ào lá đỏ”.

3. Trường Sơn trở thành trân địa thiêng liêng và niềm tin tất thắng

- Trong những năm tháng máu lửa của thời kì kháng chiến chống Mỹ, Trường Sơn đã trở thành trận địa thiêng liêng:

Đoàn quân vẫn đi vội vã

Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa”

Con đường hành quân đầy gian khổ, khốc liệt. Ta nhớ về hình ảnh con đường hành quân của những người lính Tây Tiến nơi núi rừng Tây Bắc: “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm/Heo hút cồn mây, súng ngửi trời”. Con đường càng đi như các thách thức ý chí của những người chiến sĩ. Song, đoàn quân “vẫn đi vội vã” với những bước chân hối hả, trùng điệp, rung chuyển đất trời: “Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa”. Câu thơ gợi khung cảnh hào hùng, không khí sử thi hào tráng ở những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh.

- Những đoàn quân cứ thế, nối tiếp nhau không ngừng nghỉ, nhà thơ – chiến sĩ chỉ kịp ghi lại dáng hình quê hương rồi gửi lời chào và hẹn gặp:

Chào em, em gái tiền phương

Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn.”

Sài Gòn – cái đích của cuộc hành quân, cuộc tiến công đã thật gần, con đường chạm tới chiến thắng, độc lập, tự do không còn xa. Lời chào, lời hẹn ước ấy chưa đựng biết bao nhiệt huyết của tuổi trẻ, khát khao, lý tưởng cao đẹp.

IV. Đọc tác phẩm Lá đỏ

LÁ ĐỎ

(Nguyễn Đình Thi)

Gặp em trên cao lộng gió

Rừng lạ ào ào lá đỏ

Em đứng bên đường như quê hương

Vai áo bạc quàng súng trường

 

Đoàn quân vẫn đi vội vã

Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa

Chào em em gái tiền phương

Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn…

V. Văn mẫu

Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) trình bày suy nghĩ của em về hình ảnh “em gái tiền phương” trong bài thơ.

Trong bài thơ Lá đỏ, nhà thơ Nguyễn Đình Thi không dùng nhiều chi tiết để miêu tả hình ảnh những cô gái tiền phương. Mặc dù vậy họ vẫn hiện lên rất chân thực và rõ nét. Tác giả ví các cô gái tiền phương đáng đứng bên đường chỉ lối cho xe qua “như quê hương”. Điều đó cho thấy sự thân thuộc và quý mến mà ông dành cho những cô gái ấy. Ông không rõ tên hay tuổi của họ, nhưng trong hình dáng giàu sự hi sinh ấy, ông thấy được những người chị, người mẹ, người bà Việt Nam vĩ đại của mình. Đặc điểm ngoại hình duy nhất của những cô gái ấy được miêu tả, là cái vai áo đã bị sờn đi bởi chiếc súng trường. Chi tiết ấy vừa khắc họ sự khó khăn, vất vả trong một thời gian dài của các cô ở nơi đây, vừa chứng tỏ sự mạnh mẽ, can trường không hề kém cạnh các đắng nam nhi của họ. Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, cho nên dù là phụ nữ, các cô gái cũng khoác súng trên vai, sẵn sàng chiến đấu với giặc bấy kì lúc nào. Tất cả những yêu thương, kính trọng và mong mỏi mà tác giả dành cho các cô gái ấy, đã được gói ghém lại trong lời hẹn gặp lại những “em gái tiền phương” tại Sài Gòn khi đất nước đã hòa bình.

Đề bài: Phân tích bài thơ Lá đỏ của Nguyễn Đình Thi

Nguyễn Đình thi là nhà thơ miệt mài, cần cù trong suốt hành trình nghệ thuật của mình, hơn 60 năm cầm bút ông đã để lại khối lượng tác phẩm đồ sộ thuộc nhiều loại hình khác nhau, song thơ là lĩnh vực ông dành nhiều tâm huyết nhất. Mỗi bài thơ của ông đều mang bản sắc riêng rõ nét, “Lá đỏ” là một điển hình, tiêu biểu cho cả nội dung và nghệ thuật thơ Nguyễn Đình Thi.

Bài thơ được sáng tác năm 1974, giai đoạn đất nước ta chuẩn bị tổng tiến công, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bài thơ có nội dung, cảm hứng chủ đạo là niềm tin vào sự chiến thắng của dân tộc. Tác phẩm như một lời dự cảm về ngày mai tươi sáng của đất nước, khi chúng ta đã giành được độc lập, tự do, hòa bình.

Chỉ với tám dòng thơ ngắn gọn và súc tích, Nguyễn Đình Thi đã tái hiện cả một cuộc hành quân trường kì, vĩ đại của đất nước ta trong cuộc chiến tranh khốc liệt để bảo vệ Tổ quốc. Đó là cuộc hành quân trên đường Trường Sơn, bộ đội tiến vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bài thơ được viết khi nhà thơ được trực tiếp đến và trải nghiệm cuộc sống ở Trường Sơn – cũng là lí do cho những dòng viết chân thực và sống động trong thơ ông.

Mở đầu bài thơ là hình ảnh thiên nhiên núi rừng hùng vĩ:

“Gặp em trên cao lộng gió

Rừng lạ ào ào lá đỏ”

Có thể cảm nhận được vị trí nơi nhà thơ đứng là đỉnh Trường Sơn “cao lộng gió”, một nơi có thể phóng tầm mắt nhìn ra bao la, rộng lớn và bao quát. “Trên cao” còn có hàm ý về vị thế trong tư tưởng, tình cảm – tức cao quý, cao cả. Hai chữ “lộng gió” tựa như lòng người rộng mở, niềm tin phơi phới, đón chào những luồng gió Cách mạng.

Từ đỉnh núi, ông thấy được cảnh thiên nhiên đẹp lạ lùng: “Rừng lạ ào ào lá đỏ”. Từ láy “ào ào” được sử dụng độc đáo, gợi ra cảnh một cơn cuồng phong làm nên trận “mưa” lá đỏ tuôn trào, mãnh liệt như sức sống Trường Sơn. Màu đỏ của lá tựa như màu đó của lá cờ Tổ quốc, của dòng máu chảy trong mỗi trái tim người con đất Việt.

Hai câu thơ tiếp theo xuất hiện bóng dáng con người, hình ảnh thật đẹp trong cuộc chiến tranh nhân dân – “em gái tiền phương”, nữ chiến sĩ giao liên hay cô gái thanh niên xung phong:

“Em đứng bên đường, như quê hương

Vai áo bạc, quàng súng trường.”

Sự có mặt của những cô gái trên đỉnh Trường Sơn đã góp phần tạo nên một thời kì huy hoàng của Tổ quốc, một cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, trong đó có cả những cô gái trẻ trung, xinh đẹp mà lẽ ra được hưởng cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Hình ảnh những cô gái bên đường Trường Sơn gợi nhắc về hình ảnh những cô thanh niên xung phong trên cao điểm trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” (Lê Minh Khuê).

Có biết bao chàng trai, cô gái ngày đêm không ngừng nghỉ, thậm chí hi sinh cả tính mạng vì sự nghiệp của Tổ quốc, tất cả đã cùng làm nên những trang lịch sử chói lọi, làm nên “Đất Nước muôn đời”. Hình ảnh “vai áo bạc, quàng súng trường” thật giản dị, thân thương. Đó là chứng tích sau biết bao tháng ngày dầm mưa dãi nắng; cũng là hình ảnh nổi bật giữa núi rừng Trường Sơn “ào ào lá đỏ”.

Trong những năm tháng máu lửa của thời kì kháng chiến chống Mỹ, Trường Sơn đã trở thành trận địa thiêng liêng:

“Đoàn quân vẫn đi vội vã

Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa”

Con đường hành quân đầy gian khổ, khốc liệt. Ta nhớ về hình ảnh con đường hành quân của những người lính Tây Tiến nơi núi rừng Tây Bắc: “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm/Heo hút cồn mây, súng ngửi trời”. Con đường càng đi như các thách thức ý chí của những người chiến sĩ. Song, đoàn quân “vẫn đi vội vã” với những bước chân hối hả, trùng điệp, rung chuyển đất trời: “Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa”. Câu thơ gợi khung cảnh hào hùng, không khí sử thi hào tráng ở những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh.

Những đoàn quân cứ thế, nối tiếp nhau không ngừng nghỉ, nhà thơ – chiến sĩ chỉ kịp ghi lại dáng hình quê hương rồi gửi lời chào và hẹn gặp:

“Chào em, em gái tiền phương

Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn.”

Sài Gòn – cái đích của cuộc hành quân, cuộc tiến công đã thật gần, con đường chạm tới chiến thắng, độc lập, tự do không còn xa. Lời chào, lời hẹn ước ấy chưa đựng biết bao nhiệt huyết của tuổi trẻ, khát khao, lý tưởng cao đẹp.

Không chỉ tạo ấn tượng sâu sắc về nội dung, bài thơ cũng mang những yếu tố hình thức nghệ thuật đặc sắc. Yếu tố chính làm nên thành công của bài là hình ảnh, nhịp điệu và ngôn ngữ thơ. Bài thơ đã khắc họa hình ảnh sống động: lá đỏ, cô em gái tiền phương, đoàn quân – có sức gợi tả, khái quát cao cho vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam.

Về nhịp điệu, cơ bản xuyên suốt bài thơ là nhịp điệu của bước chân hành quân dồn dập, chắc khỏe. Ngôn ngữ thơ giản dị, gần gũi và chân thực, hình ảnh cuộc sống nơi chiến trường hiện lên tự nhiên, sống động.

Những cuộc kháng chiến đã qua đi, thời gian cũng dần phủ bụi nhưng kí ức về những năm tháng ấy có lẽ không bao giờ có thể xóa nhòa. Nhiều năm sau, độc giả vẫn sẽ nhớ về những năm tháng ấy, nhớ về tuyến đường Trường Sơn “ào ào lá đỏ”, nhớ hình ảnh những cô gái tiền phương, những chàng trai chiến sĩ với những bước đi rung chuyển đất trời. Có lẽ vì vậy mà Balzac đã từng nói những người nghệ sĩ làm văn, viết thơ là “thư kí trung thành của thời đại”.

Xem thêm các bài tìm hiểu Tác giả, tác phẩm Ngữ văn lớp 8 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Tác giả - tác phẩm: Đồng chí

Tác giả - tác phẩm: Lá đỏ

Tác giả - tác phẩm: Những ngôi sao xa xôi

Tác giả - tác phẩm: Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Tác giả - tác phẩm: Nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam

Đánh giá

0

0 đánh giá