Lý thuyết GDCD 8 Bài 2 (Chân trời sáng tạo 2024): Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc

0.9 K

Với tóm tắt lý thuyết Giáo dục công dân lớp 8 Bài 2: Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết cùng với 15 câu hỏi trắc nghiệm chọn lọc có đáp án giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Giáo dục công dân 8.

Lý thuyết GDCD 8 Bài 2: Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc

A. Lý thuyết GDCD 8 Bài 2: Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc

1. Khái niệm

- Dân tộc là cộng đồng người ổn định làm thành nhân dân một nước, có ý thức về sự thống nhất của mình, gắn bó với nhau bởi truyền thống chính trị, kinh tế, truyền thống văn hóa và truyền thống đấu tranh chung.

- Đa dạng của các dân tộc là sự tồn tại của nhiều dân tộc khác nhau ở một khu vực hoặc trên thế giới.

- Đa dạng của các nền văn hóa là sự cùng tồn tại của nhiều nền văn hóa, dạng thức văn hóa và nhiều cách biểu đạt văn hóa khác nhau ở một vùng nói riêng hoặc trên thế giới nói chung.

2. Biểu hiện sự đa dạng của các dân tộc

- Sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa được biểu hiện thông qua:

+ Mỗi dân tộc có những đặc trưng khác nhau về màu da, ngoại hình

+ Mỗi nền văn hóa có sự khác biệt về phong tục, tập quán, ngôn ngữ, chữ viết, phương thức sinh hoạt, ẩm thực, trang phục, nghệ thuật, kiến trúc,…

Lý thuyết GDCD 8 Chân trời sáng tạo Bài 2: Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc

3. Ý nghĩa của việc tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc

- Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới có ý nghĩa quan trọng:

+ Giúp mỗi cá nhân luôn sẵn sàng học hỏi để có thể hòa nhập và phát triển, trở thành công dân toàn cầu;

+ Phát huy được bản sắc của dân tộc mình và mở rộng các quan hệ giao lưu, hợp tác.

Lý thuyết GDCD 8 Chân trời sáng tạo Bài 2: Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc

4. Trách nhiệm của học sinh

- Để tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới, chúng ta cần:

+ Tôn trọng tiếng nói, trang phục, tập quán, nghi thức;

+ Sẵn sàng tiếp thu và học hỏi những tiến bộ, thành tựu của các dân tộc, các nền văn hóa khác trên thế giới.

+ Phê phán những hành vi kì thị, phân biệt chủng tộc và văn hóa một cách phù hợp.

Lý thuyết GDCD 8 Chân trời sáng tạo Bài 2: Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc

B. 15 câu trắc nghiệm GDCD 8 Bài 2: Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc

Câu 1. “Cộng đồng người ổn định làm thành nhân dân một nước, có ý thức về sự thống nhất của mình, gắn bó với nhau bởi truyền thống chính trị, kinh tế, truyền thống văn hóa và truyền thống đấu tranh chung” - đó là nội dung của khái niệm nào sau đây?

A. Dân tộc.

B. Quốc gia.

C. Đất nước.

D. Tổ quốc.

Đáp án đúng là: A

- Dân tộc là cộng đồng người ổn định làm thành nhân dân một nước, có ý thức về sự thống nhất của mình, gắn bó với nhau bởi truyền thống chính trị, kinh tế, truyền thống văn hóa và truyền thống đấu tranh chung.

Câu 2. Sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa được biểu hiện thông qua việc: mỗi dân tộc đều

A. giống nhau về văn hóa ẩm thực, trang phục.

B. có những nét đẹp văn hóa, truyền thống riêng.

C. giống nhau về trang phục và lễ hội truyền thống.

D. có những nghề thủ công truyền thống giống nhau.

Đáp án đúng là: B

Sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa được biểu hiện thông qua việc: mỗi dân tộc đều có những nét đẹp văn hóa, truyền thống riêng; có đặc trưng riêng về màu da, ngoại hình,…

Câu 3. Điền cụm từ thích hợp vào chỗ trống (…) trong thuật ngữ sau: “……là sự tồn tại của nhiều dân tộc khác nhau ở một khu vực hoặc trên thế giới”.

A. Bản sắc văn hóa dân tộc.

B. Đa dạng của các dân tộc.

C. Bản sắc văn hóa phong phú.

D. Đa dạng của các nền văn hóa.

Đáp án đúng là: B

- Đa dạng của các dân tộc là sự tồn tại của nhiều dân tộc khác nhau ở một khu vực hoặc trên thế giới.

Câu 4. “Sự cùng tồn tại của nhiều nền văn hoá, dạng thức văn hoá và nhiều cách biểu đạt văn hoá khác nhau ở một vùng nói riêng hoặc trên thế giới nói chung” - đó là nội dung của khái niệm nào dưới đây?

A. Bản sắc văn hóa dân tộc.

B. Đa dạng của các dân tộc.

C. Bản sắc văn hóa phong phú.

D. Đa dạng của các nền văn hóa.

Đáp án đúng là: D

Đa dạng của các nền văn hóa được hiểu là sự cùng tồn tại của nhiều nền văn hoá, dạng thức văn hoá và nhiều cách biểu đạt văn hoá khác nhau ở một vùng nói riêng hoặc trên thế giới nói chung.

Câu 5. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) đã chọn ngày 16/11 hằng năm để kỉ niệm

A. “Ngày Quốc tế Hạnh phúc”.

B. “Ngày Quốc tế Giáo dục”.

C. “Ngày Quốc tế Khoan dung”.

D. “Ngày Quốc tế Man-đê-la”.

Đáp án đúng là: C

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) đã chọn ngày 16/11 hằng năm để kỉ niệm “Ngày Quốc tế Khoan dung”  nhằm: tôn trọng, chấp nhận và hiểu đúng sự đa dạng, phong phú các nền văn hóa của thế giới, những hình thức tự biểu hiện và những khả năng thể hiện cá tính của con người.

Câu 6. Hành vi nào dưới đây là biểu hiện tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới?

A. Tỏ thái độ và hành động kì thị đồng bào dân tộc thiểu số.

B. Kì thị, phân biệt chủng tộc giữa người da trắng và da màu.

C. Tôn trọng tiếng nói, trang phục, tập quán… của các dân tộc.

D. Bắt chước máy móc phong tục, tập quán của các dân tộc khác.

Đáp án đúng là: C

- Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới được biểu hiện thông qua việc:

+ Tôn trọng tiếng nói, trang phục, tập quán, nghi thức… của các dân tộc.

+ Sẵn sàng tiếp thu và học hỏi những tiến bộ, thành tựu của các dân tộc, các nền văn hóa khác trên thế giới.

+ Phê phán những hành vi kì thị, phân biệt chủng tộc và văn hóa một cách phù hợp.

Câu 7. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng ý nghĩa từ việc tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới?

A. Tăng cường tình cảm hữu nghị, hòa bình và hợp tác giữa các quốc gia.

B. Phát huy bản sắc của dân tộc và mở rộng các quan hệ giao lưu, hợp tác.

C. Giúp ta thêm tự hào vì dân tộc mình có trình độ cao hơn dân tộc khác.

D. Giúp mỗi cá nhân luôn sẵn sàng học hỏi để có thể hòa nhập và phát triển.

Đáp án đúng là: C

- Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hoá trên thế giới có ý nghĩa quan trọng:

+ Giúp mỗi cá nhân luôn sẵn sàng học hỏi để có thể hòa nhập và phát triển, trở thành công dân toàn cầu;

+ Phát huy được bản sắc của dân tộc mình và mở rộng các quan hệ giao lưu, hợp tác.

+ Củng cố niềm tin, sự đồng cảm, hoà hợp và tăng cường tình hữu nghị, hoà bình, hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới.

Câu 8. Nhận định nào sau đây đúng khi bàn về vấn đề: tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hoá trên thế giới?

A. Sử dụng pha trộn nhiều ngôn ngữ khi giao tiếp là thể hiện sự sành điệu.

B. Tiếp thu văn hóa của dân tộc khác sẽ làm mất đi bản sắc của dân tộc mình.

C. Đoàn kết, tôn trọng là một trong những việc làm chống phân biệt chủng tộc.

D. Chỉ nên tôn trọng, tiếp thu và học hỏi những nền văn hóa lớn trên thế giới.

Đáp án đúng là: C

Ý kiến đúng là: đoàn kết, tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc, các nền văn hóa là một trong những việc làm để chống phân biệt chủng tộc.

Câu 9. Nhận định nào dưới đây không đúng khi bàn về vấn đề: tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hoá trên thế giới?

A. Mỗi nền văn hóa có sự khác biệt về phong tục, tập quán,…

B. Chỉ nên tôn trọng, học hỏi văn hóa của những dân tộc giàu có.

D. Mỗi dân tộc có những đặc trưng khác nhau về màu da, ngoại hình.

C. Cần phê phán những hành vi kì thị, phân biệt chủng tộc và văn hóa.

Đáp án đúng là: B

Ý kiến “chỉ nên tôn trọng, học hỏi văn hóa của những dân tộc giàu có” là không đúng. Vì: mỗi dân tộc đều có những nét đẹp riêng về: tính cách, truyền thống, phong tục tập quán, ngôn ngữ,… Đó là những vốn quý của nhân loại cần được tôn trọng, kế thừa và phát triển.

Câu 10. Pizza là món ăn có xuất xứ từ quốc gia nào?

A. Việt Nam.

B. I-ta-li-a.

C. Hàn Quốc.

D. Hoa Kỳ.

Đáp án đúng là: B

Pizza là món ăn có xuất xứ từ nước Ý (I-ta-li-a). Tuy vậy, đến nay, món ăn này đã phổ biến và trở thành món ăn trên toàn thế giới.

Câu 11. Nội dung nào sau đây là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người dân Nhật Bản?

A. Mặc Kimono vào dịp lễ tết, cưới hỏi,…

B. Tổ chức lễ hội Té nước vào dịp đầu năm.

C. Mặc Hanbok vào dịp lễ tết, cưới hỏi,…

D. Sử dụng kim chi trong bữa ăn hằng ngày.

Đáp án đúng là: A

Kimono là một trong những nét văn hóa đặc sắc của người dân Nhật Bản. Vào những dịp lễ tết, cưới hỏi và buổi lễ chào hỏi, người Nhật Bản thường mặc trên mình bộ Kimono đẹp nhất, vừa trang trọng, vừa thể hiện sự lịch sự và tôn trọng văn hóa của dân tộc.

Câu 12. Một trong những lễ hội truyền thống của người Thái, Lào và người Khơ-me là

A. lễ hội Té nước.

B. lễ hội hoa anh đào.

C. lễ hội Rio Carnival.

D. lễ hội pháo hoa Busan.

Đáp án đúng là: A

Té nước là một lễ hội lâu đời của người Thái, người Lào và người Khơ-me. Trong dịp lễ này, người dân sẽ mang nước ra đường và đổ vào người qua đường như một cử chỉ cầu phúc an lành cho năm mới.

Câu 13. Lễ hội nào dưới đây là nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên (Việt Nam)?

A. Lễ Cấp sắc.

B. Lễ hội Té nước.

C. Lễ hội cồng chiêng.

D. Lễ khai ấn đền Trần.

Đáp án đúng là: C

- Lễ hội cồng chiêng là nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên (Việt Nam).

- Các đáp án A, B, D không phù hợp, vì:

+ Lễ Cấp sắc là nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao (thường sinh sống ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam).

+ Té nước là một lễ hội lâu đời của người Thái, người Lào và người Khơ-me.

+ Lễ khai ấn đền Trần diễn ra vào giữa đêm 14 - rạng sáng ngày 15 tháng Giêng, trại khu di tích đền Trần (phường Lộc Vương, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định).

Câu 14. Đọc tình huống sau và trả lời câu hỏi:

Tình huống. Bạn K và N cùng đi xem văn nghệ ở trường. Khi đến tiết mục văn nghệ của lớp 8A, bạn P (người dân tộc Tày) đã biểu diễn tiết mục hát Then “Lạng Sơn quê em” bằng tiếng Tày. Bạn K tập trung lắng nghe, nhưng bạn N lại cười đùa với một số bạn khác. Không những thế N còn hỏi bạn K: “Này, bạn P hát xì xồ như thế, cậu có hiểu gì không mà nghe chăm chú thế?”.

Câu hỏi: Trong tình huống trên, chủ thể nào đã có thái độ và hành động không phù hợp với việc tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa?

A. Hai bạn K và N.

B. Bạn P.

C. Bạn K.

D. Bạn N.

Đáp án đúng là: D

Trong tình huống trên, bạn N đã có thái độ và hành động không phù hợp với việc tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa, cụ thể:

+ Trong lúc bạn P biểu diễn, N đã không lắng nghe mà cười đùa với các bạn khác.

+ Bạn N tỏ thái độ thiếu tôn trọng đối với ngôn ngữ và nét văn hóa truyền thống (hát Then) của dân tộc Tày.

Câu 15. Bạn V (có bố là người An-giê-ri) mới chuyển đến học tập tại trường Trung học cơ sở X, bạn được xếp vào lớp 8A. Khi V đang giới thiệu về mình, bạn T đã cười cợt và thì thầm với các bạn xung quanh rằng: “Sao bạn này đen thế nhỉ, nhìn là không muốn chơi cùng rồi”. Nếu là bạn cùng lớp với V và T, em nên lựa chọn cách ứng xử nào sau đây?

A. Cùng với bạn T trêu chọc về màu da của bạn V.

B. Không quan tâm vì không liên quan gì đến mình.

C. Rủ rê các bạn trong lớp cùng tẩy chay, cô lập bạn V.

D. Khuyên T không nên trêu chọc V; động viên, giúp đỡ V.

Đáp án đúng là: D

Nếu là bạn cùng lớp với V và T, em nên:

+ Động viên và giúp đỡ bạn V để V nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới.

+ Khuyên T không nên trêu chọc, chê bai về màu da của V; khuyên T nên tôn trọng sự đa dạng về màu da, văn hóa,… giữa các dân tộc.

Xem thêm các bài tóm tắt Lý thuyết GDCD lớp 8 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 1: Tự hào về truyền thống dân tộc Việt Nam

Lý thuyết Bài 2: Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc

Lý thuyết Bài 3: Lao động cần cù, sáng tạo

Lý thuyết Bài 4: Bảo vệ lẽ phải

Lý thuyết Bài 5: Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên

Đánh giá

0

0 đánh giá