Với tóm tắt lý thuyết Khoa học tự nhiên lớp 7 Bài 32: Khái quát về sinh sản và sinh sản vô tính ở sinh vật sách Cánh diều hay, chi tiết cùng với bài tập trắc nghiệm chọn lọc có đáp án giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn KHTN 7.
Khoa học tự nhiên lớp 7 Bài 32: Khái quát về sinh sản và sinh sản vô tính ở sinh vật
A. Lý thuyết KHTN 7 Bài 32: Khái quát về sinh sản và sinh sản vô tính ở sinh vật
I. KHÁI NIỆM SINH SẢN
- Sinh sản là quá trình tạo ra những cá thể mới đảm bảo sự phát triển kế tục của loài.
- Có hai hình thức sinh sản: sinh sản vô tính và sinh sản hữu tính.
Sinh sản vô tính ở cây rau má |
Sinh sản hữu tính ở cá |
II. KHÁI NIỆM SINH SẢN VÔ TÍNH
- Sinh sản vô tính là hình thức sinh sản không có sự kết hợp yếu tố đực và cái.
- Trong sinh sản vô tính, cơ thể con mang đặc điểm di truyền từ mẹ nên giống nhau và giống mẹ.
- Các nhóm động vật sinh sản vô tính gồm: vi khuẩn, nguyên sinh vật, một số loài nấm, một số thực vật và động vật.
1. Sinh sản vô tính ở thực vật
- Các hình thức sinh sản vô tính ở thực vật: sinh sản bằng bào tử, sinh sản sinh dưỡng.
+ Sinh sản bằng bào tử: Cây con được hình thành từ bào tử của cây mẹ như ở dương xỉ, rêu tường,…
Sinh sản bằng bào tử ở dương xỉ
+ Sinh sản sinh dưỡng: Cây con được hình thành từ một phần cơ quan sinh dưỡng của cây mẹ như rễ, thân, lá,..
Sinh sản dinh dưỡng ở một số loài cây
2. Sinh sản vô tính ở động vật
- Các hình thức sinh sản vô tính ở động vật: nảy chồi (ở thủy tức,..), phân mảnh (ở đỉa, sao biển,…), trinh sản (ở ong, kiến,…),…
Một số hình thức sinh sản vô tính ở động vật
- Phân biệt các hình thức sinh sản vô tính ở động vật:
Hình thức sinh sản |
Đại diện |
Sự hình thành cá thể mới |
Nảy chồi |
Có ở bọt biển và ruột khoang. |
Cơ thể phát triển để tạo thành một chồi con. Sau đó, chồi con tách khỏi mẹ tạo thành cá thể mới. |
Phân mảnh |
Có ở bọt biển và giun dẹp. |
Mảnh vụn vỡ của cơ thể ban đầu phát triển thành cơ thể mới. |
Trinh sản |
Có ở các loài chân đốt như ong, kiến, rệp; một vài loài cá, lưỡng cư, bò sát. |
Giao tử cái (trứng) có thể phát triển thành một cơ thể mà không qua thụ tinh, không có sự tham gia của giao tử đực. |
III. VAI TRÒ VÀ ỨNG DỤNG CỦA SINH SẢN VÔ TÍNH TRONG THỰC TIỄN
- Vai trò: Sinh sản vô tính có vai trò quan trọng trong việc duy trì các đặc điểm của sinh vật.
- Ứng dụng: Ứng dụng sinh sản vô tính trong nhân nhanh giống cây trồng, rút ngắn thời gian sinh trưởng và giữ lại được những đặc tính của giống gốc bằng phương pháp như: nuôi cây mô, giâm cành, chiết cành,…
Giâm cành ở rau ngót |
Chiết cành ở ổi |
Các giai đoạn nuôi cấy mô |
Phương pháp nhân giống vô tính |
Đặc điểm phân biệt |
Giâm cành |
- Là phương pháp cắt một đoạn cành có đủ mắt, chồi cắm xuống đất ẩm cho cành đó bén rễ, phát triển thành cây mới. - Ví dụ: Giâm cành cây mía, hoa hồng, khoai lang, rau muống,… |
Chiết cành |
- Là phương pháp làm cho cành ra rễ ngay trên cây rồi mới cắt đem trồng thành cây mới. - Ví dụ: Chiết cành cây cam, bưởi, táo,… |
Nhân giống vô tính trong ống nghiệm (nuôi cấy mô) |
- Là phương pháp tách một mảnh mô từ cây mẹ nuôi cấy trong môi trường dinh dưỡng nhân tạo thích hợp để tạo nên cây con hoàn chỉnh. - Ví dụ: Nuôi cấy mô cây phong lan, sâm ngọc linh,… |
B. Bài tập trắc nghiệm KHTN 7 Bài 32: Khái quát về sinh sản và sinh sản vô tính ở sinh vật
Câu 1. Cho các mệnh đề sau:
1. Trong sinh sản vô tính, cơ thể con chỉ nhận được chất di truyền từ cơ thể mẹ nên giống nhau và giống mẹ.
2. Sinh sản vô tính chỉ có ở sinh vật đơn bào.
3. Sinh sản sinh dưỡng là sự hình thành cây mới từ một phần cơ quan sinh dưỡng (rễ, thân, lá)
4. Người ta ứng dụng sinh sản sinh dưỡng để tiến hành giâm cành, chiết cành và nuôi cấy mô.
5. Hình thức sinh sản của cây đậu Hà Lan là sinh sản vô tính.
Số mệnh đề đúng là
A. 1.
B. 2.
C. 3.
D. 4.
Đáp án đúng: C
Có 3 mệnh đề đúng đó là 1, 3, 4.
Mệnh đề 2 sai vì sinh sản vô tính không chỉ có ở sinh vật đơn bào mà còn có ở sinh vật đa bào.
Mệnh đề 5 sai vì hình thức sinh sản của cây đậu Hà Lan là sinh sản hữu tính.
Câu 2. Hình thức nào sau đây không phải là hình thức sinh sản vô tính ở động vật?
A. Nảy chồi.
B. Phân mảnh.
C. Trinh sản.
D. Sinh sản sinh dưỡng.
Đáp án đúng: C
Sinh sản sinh dưỡng không phải là hình thức sinh sản vô tính ở động vật mà là hình thức sinh sản vô tính ở thực vật.
Câu 3. Cừu Dolly là sản phẩm của phương pháp nhân giống nào?
A. Nhân giống vô tính.
B. Nhân giống hữu tính.
C. Nhân giống sinh dưỡng.
D. Nhân giống thuần chủng.
Đáp án đúng: A
Cừu Dolly được sinh ra từ tế bào tuyến vú và tế bào trứng nên không có sự kết hợp của yếu tố đực và yếu tố cái → Cừu Dolly là sản phẩm của phương pháp nhân giống vô tính.
Câu 4. Cho một số ứng dụng sau:
1. Nhân nhanh giống cây trồng
2. Tạo giống cây trồng mới có năng suất cao
3. Tạo giống cây trồng sạch bệnh
4. Phục chế giống cây quý đang bị thoái hóa
Ứng dụng của phương pháp nuôi cấy mô là
A. 1, 2, 3, 4, 5.
B. 1, 3, 4, 5.
C. 1, 3, 4.
D. 1, 3, 5.
Đáp án đúng: C
Ứng dụng của phương pháp nuôi cấy mô là nhân nhanh giống cây trồng, tạo giống cây trồng sạch bệnh, phục chế giống cây quý đang bị thoái hóa.
2 sai vì nuôi cấy mô tạo ra cây con có chất di truyền giống cây mẹ chứ không thể tạo giống cây trồng mới có năng suất cao được.
Câu 5. Bạn Lan tiến hành cắt một đoạn thân cây hoa hồng cắm vào trong cát ẩm. Sau 3 tuần bạn Lan nhận thấy phần cắm xuống cát đã mọc ra rễ non. Em hãy cho biết bạn Lan đã sử dụng phương pháp nhân giống nào?
A. Nuôi cấy mô.
B. Giâm cành.
C. Chiết cành.
D. Ghép cành.
Đáp án đúng: B
Lan sử dụng một đoạn thân hoa hồng cắm xuống đất để tạo ra cây hoa hồng con → Bạn Lan đã sử dụng phương pháp giâm cành.
Câu 6. Dựa vào sự tham gia của yếu tố đực và yếu tố cái, sinh sản được phân thành
A. 2 loại.
B. 3 loại.
C. 4 loại.
D. 5 loại.
Đáp án đúng: A
Dựa vào sự tham gia của yếu tố đực và yếu tố cái, sinh sản được phân thành2 loại là sinh sản vô tính và sinh sản hữu tính.
Câu 7. Sinh sản vô tính là
A. hình thức sinh sản không có sự kết hợp yếu tố đực và yếu tố cái.
B. hình thức sinh sản có sự kết hợp yếu tố đực và yếu tố cái.
C. hình thức sinh sản có sự kết hợp của 2 yếu tố cái.
D. hình thức sinh sản có sự kết hợp của 2 yếu tố đực.
Đáp án đúng: A
Sinh sản vô tính là hình thức sinh sản không có sự kết hợp yếu tố đực và yếu tố cái.
Câu 8. Trong các hình thức sinh sản dưới đây, đâu không phải ví dụ về sinh sản vô tính?
A. Sinh sản bằng bào tử của rêu.
B. Sính sản bằng thân rễ ở cây rau má.
C. Sinh sản bằng củ ở gừng
D. Sinh sản bằng hạt ở cây lúa.
Đáp án đúng: D
Sinh sản bằng hạt ở cây lúa là hình thức sinh sản hữu tính.
Câu 9. Sinh sản là
A. quá trình tạo ra những cá thể mới bảo đảm sự phát triển kế tục của loài.
B. quá trình tạo ra những cá thể mới đảm bảo sự sinh trưởng và phát triển của loài.
C. quá trình tạo ra những cá thể mới đảm bảo sự tồn tại vĩnh viễn của loài.
D. quá trình tạo ra những cá thể mới đảm bảo sự tiến hóa của loài.
Đáp án đúng: A
Sinh sản là quá trình tạo ra những cá thể mới bảo đảm sự phát triển kế tục của loài.
Câu 10. Cho hình ảnh sau:
Hình ảnh trên mô tả quá trình sinh sản của trùng đế giày. Đây là hình thức
A. sinh sản bằng hình thức nảy chồi.
B. sinh sản bằng hình thức phân đôi.
C. sinh sản bằng hình thức tiếp hợp.
D. sinh sản bằng hình thức phân mảnh.
Đáp án đúng: B
Trùng đế giày sinh sản bằng hình thức phân đôi: cơ thể trùng đế giày mẹ tự co thắt tạo thành 2 phần giống nhau, mỗi phần sẽ phát triển thành một cá thể trùng đế giày con.
Câu 11. Khi quan sát cây lá bỏng, nhận thấy trên lá cây mọc ra mầm cây con. Sau đó, cây con phát triển và rơi xuống đất rồi trở thành cây bỏng trưởng thành. Hình thức sinh sản của cây lá bỏng là
A. sinh sản sinh dưỡng.
B. nảy chồi.
C. phân đôi.
D. sinh sản bằng bào tử.
Đáp án đúng: A
Cây lá bỏng con được sinh ra từ một phần lá của cây lá bỏng mẹ mà lá là cơ quan sinh dưỡng của cây lá bỏng → Đây là hình thức sinh sản sinh dưỡng ở thực vật.
Câu 12. Cho dữ kiện sau:
Cột A |
Cột B |
1. Sinh sản |
a. là quá trình tạo ra những cá thể mới bảo đảm sự phát triển kế tục của loài. |
2. Sinh sản vô tính |
b. là hình thức sinh sản có sự kết hợp giữa yếu tố đực và yếu tố cái. |
3. Sinh sản hữu tính |
c. là hình thức sinh sản không có sự kết hợp giữa yếu tố đực và yếu tố cái. |
4. Sinh sản sinh dưỡng |
d. là sự hình thành cây mới từ một phần của cơ quan sinh dưỡng (rễ, thân, lá) |
Ghép cột A với cột B sao cho phù hợp
A. 1-a, 2-b, 3-c, 4-d.
B. 1-a, 2-c, 3-b, 4-d.
C. 1-b, 2-c, 3-d, 4-a.
D. 1-b, 2-c, 3-a, 4-d.
Đáp án đúng: B
Sinh sản là quá trình tạo ra những cá thể mới bảo đảm sự phát triển kế tục của loài.
Sinh sản vô tính là hình thức sinh sản không có sự kết hợp giữa yếu tố đực và yếu tố cái.
Sinh sản hữu tính là hình thức sinh sản có sự kết hợp giữa yếu tố đực và yếu tố cái.
Sinh sản sinh dưỡng là sự hình thành cây mới từ một phần của cơ quan sinh dưỡng (rễ, thân, lá).
Câu 13. Thủy tức sinh sản bằng hình thức
A. ghép đôi.
B. phân đôi.
C. nảy chồi.
D. phân mảnh.
Đáp án đúng: C
Thủy tức sinh sản bằng hình thức nảy chồi. Từ cơ thể mẹ nảy ra một chồi nhỏ, chồi này phát triển thành một cơ thể thủy tức hoàn chỉnh rồi tách ra khỏi cơ thể thủy tức mẹ.
Câu 14. Trong các nhóm sinh vật dưới đây, nhóm nào gồm các động vật có thể sinh sản bằng hình thức trinh sinh?
A. Ong, kiến, một số loại cá, lưỡng cư, bò sát.
B. Gà, kiến, một số loại cá, lưỡng cư, bò sát.
C. Thủy tức, ong, một số loại cá, lưỡng cư, bò sát.
D. Sao biển, ong, một số loại cá, lưỡng cư, bò sát.
Đáp án đúng: A
- Động vật có thể sinh sản bằng hình thức trinh sinh là ong, kiến, một số loại cá, lưỡng cư, bò sát.
- Gà sinh sản bằng hình thức sinh sản hữu tính.
- Thủy tức sinh sản bằng hình thức nảy chồi.
- Sao biển sinh sản bằng hình thức phân mảnh.
Câu 15. Cho hình ảnh sau:
Hình ảnh trên mô tả quá trình nhân giống cây bằng phương pháp nào sau đây?
A. Nhân bản vô tính.
B. Nuôi cấy mô.
C. Giâm cành.
D. Chiết cành.
Đáp án đúng: B
Trong hình trên, từ một cây ban đầu, tách mô lá để nuôi cấy trong môi trường nhân tạo, vô trùng, có đủ chất dinh dưỡng và các chất cần thiết để tạo ra hàng loạt cây con mới → Hình ảnh trên mô tả phương pháp nuôi cấy mô thực vật.
Xem thêm các bài tóm tắt lý thuyết Khoa học tự nhiên 7 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Bài 31: Sinh trưởng và phát triển ở động vật
Bài 33: Sinh sản hữu tính ở sinh vật
Bài 34: Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản và điều khiển sinh sản ở sinh vật
Bài 35: Sự thống nhất về cấu trúc và các hoạt động sống trong cơ thể sinh vật