15 câu Trắc nghiệm Sinh học 11 Bài 3 (Kết nối tri thức) có đáp án: Thực hành: Trao đổi nước và khoáng ở thực vật

1.8 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu Trắc nghiệm Sinh học lớp 11 Bài 3: Thực hành: Trao đổi nước và khoáng ở thực vật sách Kết nối tri thức. Bài viết gồm 15 câu hỏi trắc nghiệm với đầy đủ các mức độ và có hướng dẫn giải chi tiết sẽ giúp học sinh ôn luyện kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài trắc nghiệm Sinh học 11. Ngoài ra, bài viết còn có phần tóm tắt nội dung chính lý thuyết Bài 3: Thực hành: Trao đổi nước và khoáng ở thực vật. Mời các bạn đón xem:

Trắc nghiệm Sinh học 11 Bài 3: Thực hành: Trao đổi nước và khoáng ở thực vật

Phần 1. 15 câu trắc nghiệm Sinh học 11 Bài 3: Thực hành: Trao đổi nước và khoáng ở thực vật

 Câu 1: Ở thí nghiệm chứng minh quá trình thoát hơi nước ở lá, vì sao mặt dưới của lá có sự chuyển màu nhanh và đậm hơn mặt trên?

A. Do mặt dưới có ít khí khổng hơn mặt trên.

B. Do mặt dưới có lớp cutin dày.

C. Do mặt dưới có nhiều khí khổng hơn mặt trên.

D. Do mặt trên có nhiều khí khổng hơn mặt dưới.

Đáp án đúng là: C

Ở thí nghiệm chứng minh quá trình thoát hơi nước ở lá, mặt dưới của lá có sự chuyển màu nhanh và đậm hơn mặt trêndo mặt dưới có nhiều khí khổng hơn mặt trên.

Câu 2: Khi quan sát tiêu bản tế bào biểu bì mặt dưới của lá thài lài tía, thấy xuất hiện các cấu trúc gồm hai tế bào hình hạt đậu úp vào nhau. Các cấu trúc này là loại tế bào nào của lá?

A. Tế bào mô giậu.

B. Tế bào biểu bì.

C. Tế bào mạch gỗ.

D. Tế bào khí khổng.

Đáp án đúng là: D

Khí khổng được cấu tạo gồm hai tế bào hình hạt đậu úp vào nhau tạo thành khe khí khổng. Khí khổng thường phân bố nhiều ở biểu bì mặt dưới của lá.

Câu 3: Để quan sát rõ tế bào khí khổng, cần phải lưu ý điều gì khi tách lớp biểu bì?

A.Cần phải tách lớp biểu bì thật ngắn.

B. Cần phải tách lớp biểu bì thật dài.

C. Cần phải tách lớp biểu bì thật dày.

D. Cần phải tách lớp biểu bì thật mỏng.

Đáp án đúng là: D

Để quan sát rõ tế bào khí khổng cần phải tách lớp biểu bì thật mỏng vì nếu tách lớp tế bào dày thì các tế bào bị chồng lên nhau sẽ khó quan sát được.

Câu 4: Khi tưới nước chăm sóc cây, tưới nước hợp lí sẽ

A. làm cây mất cân bằng nước.

B. giúp cây ra hoa trái mùa vụ.

C. đảm bảo trạng thái cân bằng nước trong cây.

D. giúp cây sinh trưởng tốt mà không cần bổ sung chất dinh dưỡng.

Đáp án đúng là: C

Khi thực hành tưới nước chăm sóc cây, tưới nước hợp lí sẽđảm bảo trạng thái cân bằng nước trong cây.

Câu 5: Biểu hiện của cây khi bị mất cân bằng nước là

A. gân lá và lá chuyển màu nâu.

B. cây bị còi cọc, chóp lá hóa vàng.

C. lá có vết hoại tử.

D. cây héo, lá rụng dần, thậm chí là chết.

Đáp án đúng là: D

Biểu hiện của cây khi bị mất cân bằng nước là cây héo, lá rụng dần, thậm chí là chết.

Câu 6: Nguyên lí của thí nghiệm chứng minh quá trình hấp thụ nước ở rễ là dựa vào

A. sự thay đổi chiều cao của cây trước và sau thời gian thí nghiệm.

B. sự thay đổi màu sắc của giấy cobalt chloride trước và sau thời gian thí nghiệm.

C. sự thay đổi màu của nước trong ống nghiệm trước và sau thời gian thí nghiệm.

D. sự thay đổi lượng nước cung cấp cho cây trước và sau thời gian thí nghiệm.

Đáp án đúng là: D

Nguyên lí của thí nghiệm chứng minh quá trình hấp thụ nước ở rễ là dựa vào sự thay đổi lượng nước cung cấp cho cây trước và sau thời gian thí nghiệm.

Câu 7: Trong thí nghiệm chứng minh quá trình vận chuyển nước ở thân, có thể sử dụng hóa chất nào dưới đây?

A. Dung dịch H2SO4.

B. Dung dịch màu thực phẩm.

C. Dung dịch KOH.

D. Dung dịch NaOH.

Đáp án đúng là: B

Sử dụng dung dịch màu để đánh dấu và quan sát đường đi của nước trong hệ mạch của thực vật, qua đó chứng minh quá trình vận chuyển nước ở thân.

Câu 8: Vì sao trong thí nghiệm chứng minh quá trình vận chuyển nước ở thân nên lựa chọn hoa có màu trắng?

A. Vì hoa có màu trắng sẽ giúp dễ dàng quan sát kết quả hơn các loại hoa màu khác.

B. Vì hoa có màu trắng có tốc độ thoát hơi nước cao hơn các loại hoa màu khác.

C. Vì hoa có màu trắng có tốc độ vận chuyển nước cao hơn các loại hoa màu khác.

D. Vì hoa có màu trắng có tốc độ hấp thụ nước cao hơn các loại hoa màu khác.

Đáp án đúng là: A

Trong thí nghiệm chứng minh thân vận chuyển nước, chúng ta nên lựa chọn hoa có màu trắng vì sẽ dễ dàng quan sát kết quả hơn.

Câu 9: Trong thí nghiệm chứng minh thân vận chuyển nước, nếu cắm cành hoa hồng trắng vào dung dịch màu tím thì

A. lá cây sẽ chuyển sang màu đỏ.

B. cánh hoa sẽ chuyển sang màu tím.

C. kích thước cánh hoa sẽ tăng lên.

D. kích thước lá cây sẽ tăng lên.

Đáp án đúng là: B

Trong thí nghiệm trên, nước được vận chuyển từ thân lên lá và hoa. Tuy nhiên, lá hoa hồng có màu xanh nên khó nhận biết sự thay đổi màu còn cánh hoa sẽ xuất hiện hiện tượng đổi màu rõ rệt từ trắng sang tím.

Câu 10: Từ kết quả thí nghiệm chứng minh quá trình thoát hơi nước ở lá, ta thấy giấy cobalt chloride chuyển

A. từ màu xanh thành màu hồng.

B. từ màu xanh thành màu cam.

C. từ màu xanh thành màu vàng.

D. từ màu hồng thành màu xanh

Đáp án đúng là: A

Kết quả thí nghiệm chứng minh quá trình thoát hơi nước ở lá là giấy cobalt chloride chuyểntừ màu xanh thành màu hồng. Do khi khô, giấy cobalt chloride có màu xanh, khi ẩm giấy chuyển màu hồng, chứng tỏ lá có sự thoát hơi nước.

Câu 11: Thủy canh và khí canh là phương pháp

A. trồng cây trên đất, dinh dưỡng được cung cấp cho cây dưới dạng các chất khoáng hòa tan trong dung dịch trồng cây.

B. trồng cây không cần đất, dinh dưỡng được cung cấp cho cây dưới dạng các chất khoáng hòa tan trong dung dịch trồng cây.

C. trồng cây trên đất, dinh dưỡng được cung cấp cho cây dưới dạng phân bón.

D. trồng cây không cần đất, chỉ cần tưới nước cho cây.

Đáp án đúng là: B

Thủy canh và khí canh là phương pháptrồng cây không cần đất, dinh dưỡng được cung cấp cho cây dưới dạng các chất khoáng hòa tan trong dung dịch trồng cây.

Câu 12: Trong thí nghiệm chứng minh quá trình vận chuyển nước ở thân, khi dùng dao cắt ngang phần thân và quan sát thì thấy xuất hiện những chấm có màu đậm trùng với màu của dung dịch nước màu. Những chấm có màu đậm này chính là

A. mạch gỗ của thân.

B. biểu bì của thân.

C. mạch rây của thân.

D. khí khổng của thân.

Đáp án đúng là: A

Nước được vận chuyển trong mạch gỗ trong thân để đi lên lá và hoa → Những chấm có màu đậm xuất hiện ở lát cắt ngang thân trong thí nghiệm trên chính là mạch gỗ của thân.

Câu 13: Trong thí nghiệm chứng minh quá trình hấp thụ nước ở rễ, vì sao phải nhỏ một giọt dầu vào mỗi ống nghiệm?

A. Để rễ cây có thể hấp thụ dầu.

B. Để rễ cây có thể hấp thụ được nhiều nước hơn.

C. Để tăng cường sự thoát hơi nước.

D. Để tránh sự thoát hơi nước.

Đáp án đúng là: D

Trong thí nghiệm chứng minh quá trình hấp thụ nước ở rễ, nhỏ một giọt dầu vào mỗi ống nghiệmđể tránh sự thoát hơi nước, làm ảnh hưởng đến kết quả thí nghiệm.

Câu 14: Trong thí nghiệm chứng minh lá thoát hơi nước, khi đặt giấy đã tẩm dung dịch CoCl2 vào lá cần dùng lam kính bao bên ngoài giấy và dùng kẹp giữ nhằm mục đích

A. ngăn cản sự ảnh hưởng của độ ẩm trong không khí làm ảnh hưởng đến tính chính xác của thí nghiệm.

B. ngăn cản sự ảnh hưởng của nồng độ O2 trong không khí làm ảnh hưởng đến tính chính xác của thí nghiệm.

C. ngăn cản sự ảnh hưởng của nồng độ CO2 trong không khí làm ảnh hưởng đến tính chính xác của thí nghiệm.

D. ngăn cản sự ảnh hưởng của nồng độ cường độ ánh sáng làm ảnh hưởng đến tính chính xác của thí nghiệm.

Đáp án đúng là: A

Giấy thấm tẩm dung dịch CoCl2 đã sấy khô rất nhạy cảm với độ ẩm → Trong thí nghiệm chứng minh lá thoát hơi nước, khi đặt giấy đã tẩm dung dịch CoCl2 vào lá cần lam kính bao bên ngoài giấy và dùng kẹp giữ nhằm mục đích để tạo một hệ thống kín để ngăn cản sự ảnh hưởng của độ ẩm trong không khí làm ảnh hưởng đến tính chính xác của thí nghiệm.

Câu 15: Đâu không phải là ưu điểm của phương pháp khí canh so với phương pháp trồng cây trên đất?

A. Ít bị tấn công bởi sâu bệnh hại.

B. Tiết kiệm diện tích, năng suất tăng.

C. Tiết kiệm nước; kiểm soát được nguồn chất dinh dưỡng đầu vào, tránh dư thừa.

D. Chi phí đầu tư cao, kĩ thuật canh tác cao.

Đáp án đúng là: D

Chi phí đầu tư cao, kĩ thuật canh tác cao là điểm hạn chế của phương pháp khí canh so với phương pháp trồng cây trên đất.

Phần 2. Lý thuyết Sinh học 11 Bài 3: Thực hành: Trao đổi nước và khoáng ở thực vật

Yêu cầu cần đạt:

  • Thực hiện được các thí nghiệm chứng minh sự hút nước ở rễ, vận chuyển nước ở thân và thoát hơi nước ở lá. Thực hành tưới nước chăm sóc cây
  • Thực hiện được các bước trồng cây thủy canh, khí canh
  • Thực hành quan sát được cấu tạo khí khổng ở lá

Chuẩn bị:

  • Dụng cụ, thiết bị: lam kính, ống nghiệm, cốc thủy tinh 100mL, chậu trồng cây, kim mũi mác, kẹp, giấy thấm, dao lam, giá ống nghiệm, kính hiển vi, video về quy trình trồng cây thủy canh, khí canh
  • Hóa chất: dung dịch màu thực phẩm, xanh methylen, dung dịch cobalt chloride,...
  • Mẫu vật: cành có hoa màu trắng, cây cảnh, cây có hệ rễ chùm hoàn chỉnh,...

Thí nghiệm trao đổi nước ở thực vật:

  • Nguyên lí: dựa vào sự thay đổi lượng nước cung cấp cho rễ cây trước và sau thời gian thí nghiệm để chứng minh có hoạt động hấp thụ nước ở hệ rễ.

  (ảnh 1)

Chứng minh quá trình vận chuyển nước ở thân:

  • Nguyên lí: sử dụng dung dịch màu để đánh dấu và quan sát đường đi của nước trong hệ mạch của thực vật, qua đó chứng minh quá trình vận chuyển nước ở thân.

 (ảnh 2)

Chứng minh quá trình thoát hơi nước ở lá:

  • Nguyên lí: dựa vào sự chuyển màu của giấy tẩm cobalt chloride để chứng minh có quá trình thoát hơi nước ở lá.

 

 (ảnh 3) 

Thực hành quan sát cấu tạo khí khổng của lá

  (ảnh 4)

Thực hành tưới nước chăm sóc cây

  • Nguyên lí: tưới nước hợp lí sẽ đảm bảo trạng thái cân bằng nước trong cây. Khi tưới nước không đủ hoặc thừa so với nhu cầu sinh lí của cây, cây mất cân bằng nước, biểu hiện thành triệu chứng héo, thối, có thể dẫn đến chết cây.

  (ảnh 5)

Thực hành trồng cây thủy canh, khí canh

  • Nguyên lí: Thuỷ canh và khí canh là hai phương pháp trồng cây không cần đất, dinh dưỡng được cung cấp cho cây dưới dạng các chất khoáng hoà tan trong dung dịch trồng cây. Điều chỉnh hàm lượng và thành phần các nguyên tố khoáng trong dung dịch sẽ cho năng suất và chất lượng sản phẩm khác nhau. Trong hệ thống thuỷ canh, cây được trồng vào các giá thể trơ (xơ dừa, đất sét nung,...) chứa trong các rọ trồng cây và đặt trong dung dịch dinh dưỡng. Trong hệ thống khí canh, dung dịch dinh dưỡng được cung cấp cho cây dưới dạng sương nhờ máy bơm.
  • Quy trình thực hành: Học sinh xem video về quy trình trồng cây theo phương pháp thuỷ canh và khí canh, thực hiện các nhiệm vụ sau:
  • Nêu các dụng cụ, hoá chất được sử dụng để trồng cây thuỷ canh, khí canh.
  • Vẽ sơ đồ các bước tiến hành trồng cây thuỷ canh và khí canh.
  • So sánh, rút ra nhận xét về ưu điểm và hạn chế của hai phương pháp này so với phương pháp trồng cây trên đất.
  • Tuỳ từng điều kiện, học sinh có thể tham quan các mô hình trồng cây thuỷ canh, khí canh tại địa phương (nếu có), tham gia thực hiện một số bước trong quy trình sản xuất cây thủy canh theo quy trình được hướng dẫn bởi cơ sở sản xuất.
Đánh giá

0

0 đánh giá