TOP 10 Đoạn văn suy nghĩ về một tác phẩm văn học, có thành phần tình thái và phụ chú 2024 SIÊU HAY

3.6 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Đoạn văn suy nghĩ về một tác phẩm văn học, có thành phần tình thái và phụ chú Ngữ văn 8 ,Cánh Diều gồm 7 bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho bài thi sắp tới. 

Đoạn văn suy nghĩ về một tác phẩm văn học, có thành phần tình thái và phụ chú

Đề bài: Viết một đoạn văn (khoảng 6 - 8 dòng) trình bày suy nghĩ của em về một tác phẩm văn học đã học hoặc đã đọc, trong đó có sử dụng ít nhất một thành phần tình thái và một thành phần phụ chú. Chỉ ra thành phần tình thái và thành phần phụ chú được sử dụng trong đoạn văn đã viết.

Đoạn văn suy nghĩ về một tác phẩm văn học, có thành phần tình thái và phụ chú - mẫu 1

Truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) là truyện ngắn tôi yêu thích nhất vì truyện đã nói đến và nêu cao tình thương giữa người với người. Gió lạnh mùa đông đã đến, Sơn cùng chị Lan đi ra ngoài chơi. Đứng ở ngoài trời lạnh giá, bé Hiên chỉ phong phanh có chiếc áo rách. Hai chị em Sơn và Lan đã quyết định cho Hiên cái áo bông cũ. Về sau, mẹ Hiên đem trả áo. Dẫu vậy, mẹ Sơn vẫn cho mẹ Hiên mượn ít tiền để may áo cho con. Sơn và Lan tưởng như sẽ bị mẹ mắng, nhưng may sao, người mẹ chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng và vẫn vô cùng yêu thương các con mình vì chúng đã có lòng nhân hậu.

- Thành phần tình thái: may sao

- Thành phần phụ chú: Thạch Lam

TOP 10 bài Suy nghĩ về một tác phẩm văn học đã học hoặc đã đọc (có thành phần tình thái và phụ chú) 2023 SIÊU HAY (ảnh 3)

Đoạn văn suy nghĩ về một tác phẩm văn học, có thành phần tình thái và phụ chú - mẫu 2

Tức nước vỡ bờ là một tác phẩm văn học mà em vô cùng ấn tượng, được chắp bút bởi nhà văn Ngô Tất Tố. Tác phẩm lấy bối cảnh nước ta trước năm 1945, khi đồng bào ta vẫn phải oằn mình dưới sự bóc lột của thực dân Pháp lẫn sự thống trị của triều đình phong kiến. Hai cái tròng nặng trịch ấy, kéo theo sưu cao thuế nặng, đánh thuế lên cả người chết khiến bao gia đình như chị Dậu phải lao đao. Anh Dậu thì bị đánh đập đến thân tàn lực kiệt, nhưng bọn cai lệ vẫn không chịu buông tha, quyết đánh đập tàn bạo đến khi chịu đóng thuế đủ mới thôi. Nhà chị Dậu thì nghèo khổ quá, phải bán chó, bán vườn, bán cả con vẫn chẳng đủ để trả. Đã vậy, bọn cai lệ, lính tráng còn tàn nhẫn chửi bới, chì chiết, sỉ nhục tinh thần lẫn thể xác vợ chồng chị. Con giun xéo lắm cũng quằn, cuối cùng chị Dậu đã vùng dậy, đánh cho bọn chúng một trận, cho thỏa sự căm thù đã kìm nén bấy lâu nay. Có lẽ, ngọn lửa trong mắt chị Dậu - ngọn lửa của sức sống tiềm tàng, của tinh thần phản kháng mãnh liệt đó, lâu nay vẫn âm ỉ cháy, chỉ chờ một cơ hội để được bùng lên mà thôi.

- Thành phần tình thái: có lẽ

- Thành phần phụ chú: ngọn lửa của sức sống tiềm tàng, của tinh thần phản kháng mãnh liệt đó.

TOP 10 bài Suy nghĩ về một tác phẩm văn học đã học hoặc đã đọc (có thành phần tình thái và phụ chú) 2023 SIÊU HAY (ảnh 4)

Đoạn văn suy nghĩ về một tác phẩm văn học, có thành phần tình thái và phụ chú - mẫu 3

         Trong đoạn trích “Đi lấy mật” (Đoàn Giỏi), chi tiết người dân vùng U Minh “thuần hóa” ong rừng là một chi tiết thú vị. Trong khi các nơi khác nuôi ong bằng những chiếc tổ nhân tạo bằng những vật liệu khác nhau như tổ bằng đồng hình chiếc vại, tổ bằng đất nung, tổ bằng sành… thì người dân vùng U Minh nuôi ong kiểu tổ hình nhánh kèo. Vì biết tập tính của loài ong rừng, họ biết rằng không phải ngẫu nhiên mà ong đóng trên một cành cây nào đó nên họ đã định sẵn cho chúng một nơi để đóng tổ. Qúa trình dựng tổ cho ong cũng rất tỉ mỉ vì chúng không đóng chỗ rợp, ong chúa thì kị, không bao giờ đóng tổ ở những nơi còn mùi sắt của con dao chặt kèo. Có lẽ, chính sự độc đáo, mới lạ trong cách nuôi ong rừng đã khiến nơi đây trở nên khác biệt, không nơi nào xứ nào giống như vậy.

Chú thích:

- Thành phần tình thái: Có lẽ

- Thành phần phụ chú: (Đoàn Giỏi)

TOP 10 bài Suy nghĩ về một tác phẩm văn học đã học hoặc đã đọc (có thành phần tình thái và phụ chú) 2023 SIÊU HAY (ảnh 1)

Đoạn văn suy nghĩ về một tác phẩm văn học, có thành phần tình thái và phụ chú - mẫu 4

Đoạn văn “Tức nước vỡ bờ” được trích trong tác phẩm Tắt đèn là bức tranh chân thực và sống động về nhân vật chị Dậu – một người phụ nữ yêu chồng, thương con và hết lòng vì gia đình. Cuộc sống nghèo khổ, vì sưu thuế mà chị Dậu phải bán đàn chó và cả đứa con gái đầu lòng của mình, vậy mà cái đói vẫn cứ đeo bám lấy chị khi mà nhà chị phải đóng thêm suất sưu cho người em chồng đã chết. Anh Dậu bị trói và đánh đến độ “thập tử nhất sinh”. Sáng hôm sau, người nhà lí trưởng lại định đưa anh ra đình chịu trận. Thấy chồng trong thế hiểm nguy, chị đành phải van xin “hai ông làm phúc nói với ông lý cho cháu khất” nhưng bọn chúng nhất quyết không buông tha. Van xin không được, chị đành phải kháng cự: “chồng tôi đau ốm không được phép hành hạ”. Từ “cháu” – bề dưới chuyển sang xưng “tôi” – ngang hàng đã cho thấy sự kiên quyết của chị sau nhiều lần nhẫn nhịn, chịu đựng. Con giun xéo lắm cũng quằn, khi bị dồn vào thế chân tường, chị quyết dùng hành động để chống trả bọn cai lệ và lí trưởng. Chịu một cái tát giáng vào mặt, chị càng vùng dậy mạnh mẽ, quyết liệt, thách thức bọn cường hào quan lại: “Mày trói chồng bà đi, bà cho mày xem!”. Chị “túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa làm cho hắn ngã chỏng quèo trên mặt đất”. Khi người nhà lí trưởng giơ gậy chực đánh, chị “nắm lấy gậy hắn, chỉ hai bàn tay không”. Ban đầu, chỉ là lời van xin yếu ớt, sau là giọng nói đe dọa, tiếp đến là sự chống trả quyết liệt: “chị túm lấy tóc, lẳng một cái làm cho nó ngã nhào ra thềm”. Từ một người phụ nữ hiền lành, yếu ớt, vì chồng, chị sẵn sàng đứng dậy chống trả khi bị dồn nén đến đường cùng: “Thà ngồi tù chứ để cho chúng làm tình làm tội mãi, tôi không chịu được”. Tức nước ắt bờ cũng sẽ có lúc phải vỡ – đó là quy luật của cuộc sống. Hành động bộc phát của chị Dậu đại diện cho sức mạnh chưa được khai phá ở người nông dân bị áp bức. Điều này đặt ra một nhu cầu cấp thiết đó là cần phải có sự lãnh đạo của Đảng để thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh của ngường nông dân nói riêng và những con người bị chế độ thực dân đàn áp nói chung.

Đoạn văn suy nghĩ về một tác phẩm văn học, có thành phần tình thái và phụ chú - mẫu 5

Trong kho tàng văn học đồ sộ, “Thép đã tôi thế đấy” của Nikolai A. Ostrovsky là một cuốn tiểu thuyết đáng đọc. Tôi đã đọc cuốn sách này rất nhiều lần. Nhưng lần nào tôi cũng cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ nhân vật Pavel - một chàng trai có nghị lực phi thường, nhiệt huyết tuổi trẻ mãnh liệt và lòng yêu nước sâu đậm. Anh chính là bức tượng đài bất tử trong lòng thế hệ thanh niên ở nước Nga. Tác phẩm kể về cuộc đời của Pavel Korchagin (thường được gọi là Pavlusha, Pavka) - một thanh niên trưởng thành trong khi điều kiện đất nước đang gặp nhiều khó khăn. Anh chơi thân với một cô bạn gái tên là Tonya, mà sau này trở thành người yêu. Tonya là một cô gái xinh xắn, yêu Pavel với tất cả tình cảm ban đầu trong trắng ngây thơ của một thiếu nữ mới lớn. Tình cảm của hai người có lẽ sẽ rất đẹp và trọn vẹn nếu như không có chuyện Pavel đi theo tiếng gọi của lý tưởng giai cấp lúc đó. Đó là ý tưởng muốn cống hiến sức trẻ của mình phục vụ cho Tổ quốc, cho cách mạng. Tonya rất yêu Pavel nhưng không thể đợi anh, hay đúng hơn là không dám “yêu một lý tưởng”. Đặc biệt là khi gia đình của cô lại thuộc giai cấp tư sản. Pavel từng nói với cô rằng: “Anh trước hết là người của Đảng - sau đó mới là người của em và những người thân khác. Em có gan yêu một công nhân, nhưng lại không có gan yêu một lý tưởng”. Sau cùng, Pavel chia tay Tonya để đi theo lý tưởng của mình. Truyện gửi gắm nhiều thông điệp giá trị đến bạn đọc.

Câu có sử dụng thành phần tình thái: Chắc hẳn , khi đọc đến câu nói này, người đọc sẽ vô cùng ngưỡng mộ nhân vật này.
Câu có sử dụng thành phần phụ chú: Tác phẩm kể về cuộc đời của Pavel Korchagin (thường được gọi là Pavlusha, Pavka) - một thanh niên trưởng thành trong khi điều kiện đất nước đang gặp nhiều khó khăn.

Đoạn văn suy nghĩ về một tác phẩm văn học, có thành phần tình thái và phụ chú - mẫu 6

Đọc Tức nước vỡ bờ, ta không chỉ thêm trân quý một người phụ nữ yêu chồng thương con hết mực - chị Dậu mà ta còn thấy đó là một người có sức sống tiềm tàng, sẵn sàng phản kháng và đấu tranh trước những áp bức bất công. Khi được bà lão hàng xóm mang cho bát gạo và khuyên chị nên cho chồng đi trốn, trước khi bọn cai lệ và tay sai đến. Chị đồng tình với bà nhưng vẫn muốn để chồng “ăn vài húp” vì "nhịn đói từ sáng hôm qua tới giờ" rồi chị xót thương, nhỏ nhẹ mời chồng ăn cháo. Chi tiết dù nhỏ ấy nhưng đã nói lên cả tấm lòng của người vợ tảo tần, một lòng thương và lo lắng cho chồng. Dù trải qua bao biến cố, phải chạy vạy khắp nơi để lo tiền sưu nhưng chị không để ý đến những cực nhọc, vất vả của bản thân để lo cho chồng con. Không những vậy, khi đám tay sai đến bắt anh Dậu, chị đã nài nỉ, van xin đến nhẫn nhịn, chịu cho bọn chúng đánh đập để xin tha cho chồng. Khi chúng quyết trói anh Dậu, bằng tất cả sự căm phẫn, uất ức phải chịu đựng, chị đã mạnh mẽ vùng dậy, đấu tranh “chúng bay tới trói chồng ta đi tao cho chúng mày biết tay”. Sự phản kháng của chị thể hiện một sức mạnh to lớn đối với cái bọn quan lại thối nát và không có nhân tính, chị dám đứng lên để bảo vệ mạng sống cho chồng. Hình ảnh của chị tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam truyền thống, luôn thương yêu và hi sinh tất cả vì gia đình dù điều đó có gây ra hiểm nguy cho chính bản thân.

Đoạn văn suy nghĩ về một tác phẩm văn học, có thành phần tình thái và phụ chú - mẫu 7

“Nếu mai em về Chiêm Hóa” của Mai Liễu là một bài thơ gợi cho tôi nhiều ấn tượng và cảm xúc. Câu thơ mở đầu như một lời mời gọi: “Nếu mai em về Chiêm Hóa”. Cách xưng hô “em - ta” thật độc đáo. “Em” ở đây không chỉ cụ thể một ai mà nói chung về những con người ở quê hương Chiêm Hóa, còn “ta” chính là nhà thơ. Mỗi năm, dịp Tết là lúc để những người xa quê trở về thăm quê, đón Tết. Có lẽ nhân vật “ta” muốn nhờ “em” gửi nỗi nhớ thương dành cho quê hương cùng về. Tiếp đến, tác giả đã dành hẳn một khổ thơ để khắc họa vẻ đẹp của núi rừng Chiêm Hóa. Xuất hiện đầu tiên là hình ảnh sông Gâm hiện lên với đôi bờ cát trắng, cùng với “đá ngồi dưới bến trông nhau”. Biện pháp tu từ nhân hóa được sử dụng khiến cho một sự vật vô tri như đá trở nên có hồn - đá đang nhìn sang bờ kia như đang trông nhau. Còn núi non thì như trẻ lại, khoác lên mình bộ quần áo một màu màu xanh ngút. Không chỉ có thiên nhiên, con người của vùng đất Chiêm Hóa cũng gợi nhiều ấn tượng. Những cô gái Dao thật duyên dáng trong món trang sức bạc. Những cô gái Tày lại khiến người ta mê mẩn trong sắc chàm của bộ trang phục truyền thống với nụ cười chúm chím khiến người ngắm quên lối về. Khổ thơ cuối như một lời khép lại bộc lộ sự nhớ thương cũng như mong muốn trở về quê hương của tác giả rất thật mãnh liệt.

  • Câu có thành phần tình thái: Có lẽ nhân vật “ta” muốn nhờ “em” gửi nỗi nhớ thương dành cho quê hương cùng về.
  • Câu có thành phần phụ chú: Biện pháp tu từ nhân hóa được sử dụng khiến cho một sự vật vô tri như đá trở nên có hồn - đá đang nhìn sang bờ kia như đang trông nhau .
 
Đánh giá

0

0 đánh giá