Giải SGK Khoa học tự nhiên 7 Bài 24 (Chân trời sáng tạo): Thực hành: Chứng minh quang hợp ở cây xanh

36.5 K

Lời giải bài tập Khoa học tự nhiên lớp 7 Bài 24: Thực hành: Chứng minh quang hợp ở cây xanh sách Chân trời sáng tạo hay, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi KHTN 7 Bài 24 từ đó học tốt môn Khoa học tự nhiên 7.

Giải bài tập KHTN lớp 7 Bài 24: Thực hành: Chứng minh quang hợp ở cây xanh

BÁO CÁO THỰC HÀNH

CHỨNG MINH QUANG HỢP Ở CÂY XANH

Nội dung thực hành: Chứng minh quang hợp ở cây xanh

Họ và tên: ……………………………………………………………………………….......

Học sinh lớp:…………………….Trường:…………………………………….............

1. Câu hỏi nghiên cứu: 

- Chất tạo thành trong quá trình quang hợp của cây xanh có tinh bột không?

- Khí tạo thành trong quá trình quang hợp của cây xanh có phải là khí oxygen không?

2. Giả thuyết nghiên cứu (hoặc dự đoán): 

- Chất tạo thành trong quá trình quang hợp của cây xanh có tinh bột.

- Khí tạo thành trong quá trình quang hợp của cây xanh là khí oxygen.

3. Kế hoạch thực hiện: 

3.1. Tiến hành thí nghiệm 1: Xác định có sự tạo thành tinh bột trong quá trình quang hợp ở cây xanh

- Bước 1: Dùng băng giấy đen che phủ một phần lá cây ở cả hai mặt, đặt cây vào chỗ tối ít nhất hai ngày.

- Bước 2: Đem chậu cây ra để chỗ có nắng trục tiếp (hoặc để dưới ánh sáng của bóng đèn điện 500 W) từ 4 – 8 giờ.

- Bước 3: Sau 4 – 8 giờ, ngắt chiếc lá thí nghiệm, tháo băng giấy đen, cho lá vào cốc thủy tinh đựng nước cất, sau đó đun lá trong nước sôi khoảng 60 giây.

- Bước 4: Tắt bếp, dùng panh gắp lá và cho vào ống nghiệm có chứa cồn 90o đun cách thủy trong vài phút (hoặc cho đến khi thấy lá mất màu xanh lục).

- Bước 5: Rửa sạch lá cây trong cốc nước ấm.

- Bước 6: Bỏ lá cây vào cốc thủy tinh hoặc đĩa petri, nhỏ vào vài giọt dung dịch iodine pha loãng. Nhận xét về màu sắc của lá cây.

3.2. Tiến hành thí nghiệm 2: Phát hiện có sự tạo thành khí oxygen trong quá trình quang hợp.

- Bước 1: Đổ khoảng 400 mL nước vào hai cốc thủy tinh (đánh dấu A, B).

- Bước 2: Lấy vài cây rong đuôi chó cho vào phễu thủy tinh, sau đó nhẹ nhàng đặt vào các cốc thủy tinh.

- Bước 3: Đổ đầy nước vào ống nghiệm, dùng tay bịt chặt miệng ống, sau đó cẩn thận úp ống nghiệm vào phễu sao cho không có bọt khí lọt vào.

- Bước 4: Đặt cốc A ở chỗ tối, cốc B ở chỗ có ánh nắng trực tiếp hoặc để dưới ánh đèn 4 – 8 giờ.

- Bước 5: Quan sát hiện tượng xảy ra trong hai cốc thí nghiệm.

- Bước 6: Dùng tay bịt kín miệng ống nghiệm, lấy ra khỏi cốc. Sau đó, đưa nhanh que diêm còn tàn đỏ vào miệng ống nghiệm. Quan sát và giải thích hiện tượng.

4. Kết quả thực hiện

4.1. Thí nghiệm 1:

• Giải thích tác dụng của các bước thí nghiệm:

+ Tác dụng của bước dùng băng giấy đen che phủ một phần lá cây ở cả hai mặt: Làm cho phần lá đó không nhận được ánh sáng. Điều này nhằm mục đích tạo ra sự khác biệt giữa 2 phần của lá (phần nhận được ánh sáng sẽ diễn ra quá trình quang hợp, phần không nhận được ánh sáng sẽ không diễn ra quá trình quang hợp).

+ Tác dụng của bước đun sôi lá cây thí nghiệm bằng nước cất và đun cách thủy lá cây thí nghiệm bằng cồn 90o: Để hủy diệp lục của lá cây, giúp dễ quan sát phản ứng màu của iodine.

+ Tác dụng của bước nhỏ thuốc thử iodine vào lá cây sau khi đã đun sôi cách thủy và rửa bằng nước ấm: Để biết chất tạo thành trong quá trình quang hợp có phải là tinh bột không (phần lá có tinh bột khi nhỏ iodine vào sẽ chuyển màu xanh tím, phần lá bịt băng giấy đen khi nhỏ iodine vào sẽ không chuyển màu xanh tím).

• Vẽ và chú thích kết quả màu sắc của lá cây thu được sau khi thử với iodine:

Khoa học tự nhiên 7 Bài 24: Thực hành: Chứng minh quang hợp ở cây xanh | KHTN 7 Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

- Phần lá không bị che sẽ nhận được ánh sáng đầy đủ → Phần lá này sẽ tiến hành quá trình quang hợp, tạo ra tinh bột → Khi nhỏ iodine, tinh bột sẽ bắt màu với iodine khiến cho phần lá này có màu xanh tím đặc trưng.

- Phần lá bị che sẽ không nhận được ánh sáng → Phần lá này sẽ không tiến hành quá trình quang hợp, không tạo ra được tinh bột → Khi nhỏ iodine, sẽ không cho màu xanh tím đặc trưng.

4.2. Thí nghiệm 2:

- Mục đích của việc thiết kế để cốc A ở chỗ tối, cốc B ở chỗ có ánh sáng nhằm mục đích tạo ra điều kiện quang hợp khác nhau để so sánh kết quả thí nghiệm: Để cốc A ở chỗ tối để cây ở cốc A không nhận được ánh sáng → không tiến hành quang hợp được; để cốc B ở chỗ có ánh sáng để cây ở cốc B nhận được ánh sáng → tiến hành quang hợp bình thường.

- Hiện tượng giúp nhận biết có khí tạo ra là xuất hiện bọt khí ở ống nghiệm và nước ở ống nghiệm rút xuống một phần hoặc hết.

- Khi đưa que đóm còn tàn đỏ vào miệng ống nghiệm ở cốc B, que đóm cháy thành ngọn lửa: Ở ống nghiệm B, do nhận được ánh sáng đầy đủ nên cành rong ở ống nghiệm B tiến hành quá trình quang hợp thải khí oxygen (oxygen nhẹ hơn nước tạo thành bọt khí đẩy lên trên trong ống nghiệm B) → Khi đưa tàn đóm vào thì tàn đóm bùng cháy do oxygen là loại khí duy trì sự cháy. 

5. Kết luận: 

- Chất tạo thành trong quá trình quang hợp của cây xanh có tinh bột.

- Khí tạo thành trong quá trình quang hợp của cây xanh là khí oxygen.

Xem thêm các bài giải SGK Khoa học tự nhiên lớp 7 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Bài 23: Quang hợp ở thực vật

Bài 25: Hô hấp tế bào

Bài 26 : Thực hành về hô hấp tế bào ở thực vật thông qua sự nảy mầm của hạt

Bài 27: Trao đổi khí ở sinh vật

Đánh giá

0

0 đánh giá