Lý thuyết Địa Lí 8 Bài 12 (Kết nối tri thức 2024): Môi trường và tài nguyên thiên nhiên biển đảo Việt Nam

2.1 K

Với tóm tắt lý thuyết Địa Lí lớp 8 Bài 12: Môi trường và tài nguyên thiên nhiên biển đảo Việt Nam sách Kết nối tri thức hay, chi tiết cùng với 5 câu hỏi trắc nghiệm chọn lọc có đáp án giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Địa Lí 8.

Địa Lí 8 Bài 12: Môi trường và tài nguyên thiên nhiên biển đảo Việt Nam

A. Lý thuyết Địa Lí 8 Bài 12: Môi trường và tài nguyên thiên nhiên biển đảo Việt Nam

1. Môi trường biển đảo Việt Nam

a) Đặc điểm môi trường biển đảo

Môi trường biển đảo bao gồm yếu tố tự nhiên và nhân tạo, bao gồm bờ biển, đáy biển, nước biển, đa dạng sinh học biển, các công trình xây dựng và cơ sở sản xuất ven biển, trên biển và các đảo.

- Môi trường biển đảo không chia cắt được, khi bị ô nhiễm sẽ gây thiệt hại cho bờ biển, nước biển và các đảo xung quanh.

- Môi trường đảo do sự biệt lập và diện tích nhỏ dễ bị suy thoái hơn đất liền.

b) Vấn đề bảo vệ môi trường biển đảo Việt Nam

- Biển đảo có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta.

- Vùng ven biển và hải đảo là nơi cư trú và diễn ra các hoạt động sản xuất của dân cư nước ta.

- Nhiều hoạt động kinh tế biển đã đóng góp đáng kể vào GDP của đất nước.

- Hệ thống các đảo tiền tiêu có vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Chất lượng nước biển ven bờ và các đảo ở nước ta đang có xu hướng giảm do tác động mạnh của các hoạt động kinh tế - xã hội, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tuy nhiên, hiện tại hầu hết các chỉ số đặc trưng đều nằm trong giới hạn cho phép và chất lượng nước biển xa bờ đạt chuẩn cho phép, ổn định qua các năm.

- Các giải pháp để bảo vệ môi trường biển đảo bao gồm: cơ chế chính sách và luật pháp bảo vệ, sử dụng công nghệ để xử lý vấn đề môi trường, nâng cao nhận thức của người dân,…

- Các hành động mà học sinh có thể tham gia bao gồm:

+ Tham gia làm sạch bờ biển và giữ gìn môi trường sinh thái để giảm thiểu sự suy thoái và ô nhiễm môi trường biển.

+ Đấu tranh chống lại các hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên biển đảo vi phạm pháp luật.

+ Rèn luyện kĩ năng để thích ứng với các thiên tai và sự cố xảy ra trong vùng biển đảo.

2. Tài nguyên biển và thềm lục địa Việt Nam 

- Tài nguyên sinh vật ở vùng biển Việt Nam phong phú, đa dạng và có giá trị kinh tế cao.

+ Vùng biển Việt Nam có hơn 2000 loài cá, trong đó khoảng 110 loài có giá trị kinh tế cao, cùng nhiều loài động vật khác như tôm, mực, hải sâm,...

+ Năm 2019, vùng biển Việt Nam có trữ lượng thuỷ sản là 3,87 triệu tấn và khả năng khai thác là gần 1,55 triệu tấn, bao gồm cả các loài rong biển ven bờ được sử dụng trong công nghiệp thực phẩm và xuất khẩu.

- Tài nguyên du lịch: Bờ biển dài, nước biển trong xanh, hệ sinh thái biển phong phú và các địa điểm du lịch như vịnh Hạ Long, Nha Trang, Cát Bà, Phú Quốc,...

Lý thuyết Địa lí 8 Bài 12 (Kết nối tri thức): Môi trường và tài nguyên thiên nhiên biển đảo Việt Nam (ảnh 1)

+ Dầu mỏ, khí tự nhiên tập trung ở các bể trong vùng thềm lục địa như Sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Malay - Thổ Chu, Trường Sa và Hoàng Sa.

+ Các khoáng sản bao gồm 35 loại, phân bố dọc vùng ven biển, sườn bờ và dưới đáy biển, bao gồm ti-tan, cát thuỷ tinh, muối,... Băng cháy là loại khoáng sản có tiềm năng sử dụng lớn.

+ Thuận lợi để xây dựng các cảng nước sâu, phát triển giao thông vận tải biển.

B. 5 câu trắc nghiệm Địa Lí 8 Bài 12: Môi trường và tài nguyên thiên nhiên biển đảo Việt Nam

Câu 1: Nhận xét nào sau đây không thể hiện rõ sự giảm sút của nguồn lợi thủy hải sản nước ta?

A. Sản lượng thủy sản khai thác tăng chậm hơn nuôi trồng.

B. Một số loài hải sản có nguy cơ tuyệt chủng.

C. Nhiều loài hải sản đang giảm sút về mức độ tập trung.

D. Các loài cá quý đánh bắt được có kích thước ngày càng nhỏ.

Đáp án đúng: A

Câu 2: Phần lớn các đảo ven bờ đều có điều kiện thích hợp để phát triển ngành kinh tế nào sau đây?

A. Du lịch, ngư nghiệp.

B. Khai thác khoáng sản biển, ngư nghiệp.

C. Vận tải biển, khai thác khoáng sản biển.

D. Nông – lâm nghiệp.

Đáp án đúng: A

Câu 3: Nguyên nhân chủ yếu làm ô nhiễm môi trường biển – đảo của nước ta hiện nay là do

A. Khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản.

B. Hoạt động công nghiệp, sinh hoạt của con người.

C. Khai thác dầu khí ở thềm lục địa.

D. Hoạt động du lịch.

Đáp án đúng: B

Giải thích: Chất lượng môi trường nước biển có xu hướng giảm, môi trường biển đảo nước ta hiện đang bị ô nhiễm chủ yếu do Hoạt động công nghiệp, sinh hoạt của con người. Ngoài ra, biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng có những tác động xấu tới môi trường biển đảo.

Câu 4: Đâu không phải là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành vận tải đường biển của nước ta?

A. Nằm gần nhiều tuyến đường biển quốc tế quan trọng.

B. Ven biển có nhiều vũng vịnh rộng, kín gió.

C. Có nhiều đảo, quần đảo ven bờ.

D. Có nhiều bãi triều, đầm phá ven biển

Đáp án đúng: D

Giải thích: Điều kiện thuận lợi đối với sự phát triển của ngành vận tải đường biển của nước ta là:

+ Nằm gần các tuyến đường biển quốc tế quan trọng.

+ Ven biển có nhiều vũng vịnh rộng, kín gió, có nhiều đảo và quần đảo ven bờ.

Câu 5: Ô nhiễm môi trường biển - đảo xảy ra nghiêm trọng nhất ở

A. Các khu du lịch biển.

B. Các thành phố cảng, nơi khai thác dầu.

C. Đảo ven bờ.

D. Các cửa sông.

Đáp án đúng: B

Giải thích: Hiện tượng nước biển bị biến đổi tính chất do các nguyên nhân khác nhau tác động làm ô nhiễm môi trường biển đảo. Ô nhiễm môi trường biển gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến các chỉ số sinh hóa của nước biển. Không chỉ gây nên những ảnh hưởng tiêu cực mà còn gây hại đến sức khỏe con người và tác động xấu đến môi trường sống của sinh vật ở biển. Ô nhiễm môi trường biển - đảo xảy ra nghiêm trọng nhất ở các thành phố cảng, các nơi khai thác dầu. 

Xem thêm các bài tóm tắt Lý thuyết Địa Lí lớp 8 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Lý thuyết Chủ đề chung 1: Văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long

Lý thuyết Chủ đề chung 2: Bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông

 

 
Đánh giá

0

0 đánh giá