Với tóm tắt lý thuyết Khoa học tự nhiên lớp 6 Bài 26: Lực và tác dụng của lực sách Cánh diều hay, chi tiết cùng với 10 câu trắc nghiệm chọn lọc có đáp án giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn KHTN lớp 6.
Khoa học tự nhiên lớp 6 Bài 26: Lực và tác dụng của lực
A. Lý thuyết KHTN 6 Bài 26: Lực và tác dụng của lực
1. Tìm hiểu về lực
- Tác dụng đẩy, kéo của vật này lên vật khác được gọi là lực
- Phương đẩy, kéo là phương của lực.
- Lực tác dụng lên một vật có thể làm thay đổi tốc độ, hướng chuyển động của vật đó hoặc làm nó biến dạng.
- Ví dụ:
+ Lực làm vật đang đứng yên thì chuyển động
Lực do chân cầu thủ tác dụng vào quả bóng làm quả bóng đang đứng yên chuyển động.
+ Lực làm vật đang chuyển động thì đứng yên
Lực do lưới tác dụng làm quả bóng đang chuyển động dừng lại.
+ Lực làm thay đổi hướng chuyển động của vật
Lực do vợt tác dụng làm thay đổi hướng chuyển động của quả bóng
+ Lực làm vật biến dạng
Lực ấn của tay làm đệm biến dạng
2. Đo lực
- Độ mạnh, yếu của lực được gọi là độ lớn của lực.
- Đơn vị đo lực là niu tơn, kí hiệu là N.
- Lực được đo bằng lực kế.
- Cách đo lực bằng lực kế lò xo:
+ Bước 1: Ước lượng lực mạnh hay yếu để chọn lực kế phù hợp.
+ Bước 2: Điều chỉnh cho cái chỉ vạch của lực kế chỉ đúng vạch số 0.
+ Bước 3: Cho lực cần đo tác dụng vào lò xo lực kế. Treo hoặc giữ cố định phần thân của lực kế sao cho lực kế nằm dọc theo phương của lực cần đo.
+ Bước 4: Đọc và ghi kết quả theo vạch chia gần nhất với cái chỉ vạch.
3. Biểu diễn lực
- Người ta biểu diễn lực bằng một mũi tên có đặc điểm:
+ Gốc của mũi tên đặt vào vật chịu tác dụng lực.
+ Hướng của mũi tên theo hướng kéo hoặc đẩy.
+ Độ lớn của lực biểu diễn qua độ dài mũi tên hoặc ghi bằng số bên cạnh mũi tên.
B. 10 câu trắc nghiệm KHTN 6 Bài 26: Lực và tác dụng của lực
Câu 1: Một học sinh đá quả bóng nhựa vào tường sau đó quả bóng bị méo đi. Lực tác dụng lên quả bóng sẽ gây ra những kết quả nào sau đây?
A. không làm quả bóng chuyển động.
B. vừa làm biến dạng và biến đổi chuyển động quả bóng.
C. chỉ làm biến dạng mà không làm biến đổi chuyển động quả bóng.
D. không làm biến dạng quả bóng.
Lời giải
Quả bóng chuyển động và bị biến dạng nên lực đã có tác dụng vừa làm biến dạng và biến đổi chuyển động quả bóng.
Chọn đáp án B
Câu 2: Trong các chuyển động sau, chuyển động nào đã bị biến đổi?
A. Một chiếc xe đạp đang đi, bỗng hãm phanh, xe dừng lại.
B. Một máy bay đang bay thẳng với vận tốc không đổi 500 km/h.
C. Một chiếc xe máy đang chạy với tốc độ đều đặn.
D. Quả bóng đang nằm yên trên mặt đất.
Lời giải
A – Xe đạp chuyển động chậm dần và dừng lại => có sự thay đổi tốc độ của vật => chuyển động bị biến đổi.
B – Máy bay bay với quỹ đạo thẳng và tốc độ không đổi => không thay đổi về hướng và độ lớn vận tốc.
C – Xe máy chạy với tốc độ không đổi => chuyển động không bị biến đổi.
D – Quả bóng không chuyển động => chuyển động không bị biến đổi.
Chọn đáp án A
Câu 3: Khi một người ngồi lên xe máy làm lốp xe biến dạng, nguyên nhân của sự biến dạng là do đâu?
A. Lốp xe không chịu lực nào tác dụng.
B. Lực hút của Trái Đất tác dụng vào người.
C. Lực của người tác dụng vào lốp xe.
D. Lực của mặt đất tác dụng vào lốp xe.
Lời giải
Khi một người ngồi lên xe máy làm cho lốp xe bị biến dạng. Nguyên nhân của sự biến dạng này là lực của mặt đất tác dụng vào lốp xe.
Chọn đáp án D
Câu 4: Lực có thể gây ra những tác dụng nào dưới đây?
A. Chỉ có thể làm cho vật đang đứng yên phải chuyển động.
B. Chỉ có thể làm cho vật đang chuyển động phải dừng lại.
C. Chỉ có thể làm cho vật biến dạng.
D. Tất cả các trường hợp nêu trên.
Lời giải
Lực có thể làm cho vật đang đứng yên phải chuyển động, vật đang chuyển động phải dừng lại, làm cho vật biến dạng.
Chọn đáp án D
Câu 5: Khi chịu tác dụng của lực, vật vừa bị biến dạng, vừa đổi hướng chuyển động. Trường hợp nào sau đây thể hiện điều đó:
A. Khi có gió thổi cành cây đu đưa qua lại.
B. Khi đập mạnh quả bóng vào tường quả bóng bật trở lại.
C. Khi xoay tay lái ô tô đổi hướng chuyển động.
D. Khi có gió thổi hạt mưa bay theo phương xiên.
Lời giải
- Khi có gió thổi cành cây đu đưa qua lại ⇒ có sự biến đổi vận tốc.
- Khi đập mạnh quả bóng vào tường quả bóng bật trở lại ⇒ có sự biến đổi vận tốc và đổi hướng chuyển động.
- Khi xoay tay lái ô tô đổi hướng chuyển động ⇒ có sự đổi hướng chuyển động.
- Khi có gió thổi hạt mưa bay theo phương xiên ⇒ có sự đổi hướng chuyển động.
Chọn đáp án B
Câu 6: Một quả bóng nằm yên được tác dụng một lực đẩy, khẳng định nào sau đây đúng?
A. Quả bóng chỉ bị biến đổi chuyển động.
B. Quả bóng chỉ bị biến đổi hình dạng.
C. Quả bóng vừa bị biến đổi hình dạng, vừa bị biến đổi chuyển động.
D. Quả bóng không bị biến đổi.
Lời giải
Quả bóng vừa bị biến đổi hình dạng, vừa bị biến đổi hình dạng.
Chọn đáp án C
Câu 7: Chọn phương án đúng
Đập một cái búa vào một quả bóng cao su. Lực mà búa tác dụng vào quả bóng sẽ làm cho quả bóng:
A. búa bị biến dạng một chút.
B. bị biến dạng và thay đổi chuyển động.
C. chuyển động của búa bị thay đổi.
D. thay đổi chuyển động.
Lời giải
Lực mà búa tác dụng vào quả bóng sẽ làm cho quả bóng bị biến dạng và thay đổi chuyển động.
Chọn đáp án B
Câu 8: Ném mạnh một quả bóng tennis vào mặt tường phẳng: Lực mà quả bóng tác dụng vào mặt tường
A. chỉ làm mặt tường bị biến dạng
B. chỉ làm biến đổi chuyển động của mặt tường
C. không làm mặt tường biến dạng nhưng làm biến đổi chuyển động của quả bóng.
D. không gây ra tác dụng nào cả
Lời giải
Khi quả bóng va chạm vào mặt tường thì bị bay ngược trở lại. Do đó, Lực mà quả bóng tác dụng vào mặt tường không làm mặt tường biến dạng nhưng làm biến đổi chuyển động của quả bóng.
Chọn đáp án C
Câu 9: Chọn phát biểu đúng:
A. Lực là nguyên nhân làm cho vật chuyển động.
B. Lực là nguyên nhân làm cho vật thay đổi chuyển động.
C. Khi không có lực tác dụng lên vật thì vật đứng yên.
D. Lực không làm cho vật bị biến dạng.
Lời giải
Lực là nguyên nhân làm cho vật thay đổi chuyển động: nhanh dần, chậm dần, dừng lại, thay đổi hướng chuyển động, làm vật bị biến dạng, … .
Chọn đáp án B
Câu 10: Trường hợp nào sau đây vật không bị biến dạng khi chịu tác dụng của lực?
A. Cửa kính bị vỡ khi bị va đập mạnh.
B. Đất xốp khi được cày xới cẩn thận.
C. Cành cây đu đưa khi có gió thổi.
D. Tờ giấy bị nhàu khi ta vò nó lại
Lời giải
Cành cây đu đưa khi có gió thổi có sự biến đổi vận tốc, không có sự biến dạng.
Chọn đáp án C
Xem thêm các bài tóm tắt lý thuyết Khoa học tự nhiên 6 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Bài 25: Tìm hiểu sinh vật ngoài thiên nhiên
Bài 27: Lực tiếp xúc và lực không tiếp xúc