Giải SGK HĐTN lớp 10 Chủ đề 3 (Cánh diều): Tư duy phản biện và tư duy tích cực

11.8 K

Lời giải bài tập Hoạt động trải nghiệm lớp 10 Chủ đề 3: Tư duy phản biện và tư duy tích cựcsách Cánh diều hay, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi và làm bài tập môn HĐTN lớp 10.

Giải bài tập HĐTN lớp 10 Chủ đề 3: Tư duy phản biện và tư duy tích cực

Hoạt động 1 trang 27 HĐTN lớp 10: Tìm hiểu tư duy phản biện

Câu 1 trang 27 HĐTN lớp 10: Trao đổi để xác định những ý nào dưới đây là biểu hiện của tư duy phản biện.

Gợi ý:

- Có chính kiến

- Biết rõ những điểm mạnh của bản thân

- Có khả năng phân tích, tổng hợp thông tin

- Ứng phó được với trạng thái căng thẳng của bản thân

- Xem xét các phương án giải quyết vấn đề khác nhau

- Không phàn nàn khi gặp khó khăn, thử thách

- Đánh giá kĩ mọi thông tin trước khi đi đến kết luận

- Có thói quen tham khảo thông tin từ nhiều nguồn

- Đặt nhiều câu hỏi để tìm hiểu một vấn đề

- Luôn tìm kiếm cách giải quyết khó khăn

- Không đổ lỗi cho người khác về chuyện đã xảy ra

- Học hỏi, kết nối với những người luôn suy nghĩ lạc quan

- Sẵn sàng thay đổi góc nhìn, quan điểm

- Đề xuất nhiều cách thực hiện cho một vấn đề.

Phương pháp giải:

+ Trước hết cần hiểu :Tư duy phản biện đề cập đến khả năng suy nghĩ rõ ràng và có lập luận đúng đắn về niềm tin mà bạn tin hay những gì mà bạn đang làm. Nó bao gồm khả năng vận dụng suy nghĩ độc lập và suy nghĩ phản chiếu.

+ Từ đó xác định được những ý là biểu hiện của tư duy phản biện,

Trả lời:

+ Những ý là biểu hiện của tư duy phản biện:

- Có khả năng phân tích, tổng hợp thông tin

- Xem xét các phương án giải quyết vấn đề khác nhau

- Đánh giá kĩ mọi thông tin trước khi đi đến kết luận

- Đặt ra nhiều câu hỏi để tìm hiểu một vấn đề

- Sẵn sàng thay đổi góc nhìn, quan điểm

- Đề xuất nhiều cách thực hiện cho một vấn đề

Câu 2 trang 17 HĐTN lớp 10: Thảo luận về các bước hình thành tư duy phản biện và nêu ví dụ minh hóa.

Gợi ý:

  1. Xác định vấn đề cần phản biện

  2. Thu thập thông tin, dữ liệu liêu quan

  3. Phân tích, tổng hợp thông tin đã thu thập để đưa ra đánh giá

  4. Thể hiện quan điểm cá nhân.

Phương pháp giải:

+ Các bước hình thành tư duy phản biện: Có mấy bước hình thành? Hình thành tư duy phản biện như nào? Mỗi bước có nội dung ra sao?

+ Đưa ra ví dụ minh họa: hoàn cảnh như nào? Nhân vật thể hiện tư duy phản biện ra sao?

Trả lời:

+ Các bước hình thành tư duy phản biện:

- Bước 1: Xác định vấn đề cần phản biện: đánh giá đúng nội dung, cách thức mà vấn đề đang đề cập để từ đó đưa ra tư duy phản biện phù hợp, logic, tránh lạc đề, lan man…

- Bước 2: Thu thập thông tin, dữ liệu liên quan: sau khi xác định vấn đề, bước tiếp theo là thu thập thông tin dữ liệu; có thông tin, dữ liệu bạn mới có cái nhìn đa dạng, nhiều chiều về vấn đề để hình thành nên tư duy về vấn đề đó.

- Bước 3: Phân tích, tổng hợp thông tin đã thu thập để đưa ra đánh giá: sau khi đã thu thập thông tin, bạn cần phân tích và tổng hợp thông tin đó để đánh giá xem thông tin mình tìm đã phù hợp với vấn đề đang bàn luận hay chưa; thông tin đã giúp mình hình thành như nào tư duy phản biện và đánh giá, so sánh vấn đề ấy với vấn đề khác.

- Bước 4: Thể hiện quan điểm cá nhân: sau những bước trên, em nhận thấy vấn đề đó đã được mình giải quyết thấu đáo hay chưa hay còn cần chỉnh sửa và vấn đề đó có ý nghĩa như nào với cuộc sống của chúng ta. Từ đó, đưa ra kết luận về vấn đề cần bàn luận.

+ Ví dụ minh họa:

- Nhà văn sắp xếp ý tưởng cho các tình tiết của câu chuyện một cách hợp lý bằng cách xem xét động cơ và tính cách của các nhân vật.

- Chủ doanh nghiệp tính toán trước những ảnh hưởng do dịch Covid - 19 gây ra để đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp.

- Huấn luyện viên bóng đá bàn luận giữa giờ để vạch ra chiến thuật mới để ghi bàn thắng vào lưới đối phương,...

Hoạt động 2 trang 28 HĐTN lớp 10: Nhận diện khả năng điều chỉnh tư duy theo hướng tích cực

Câu 1 trang 28 HĐTN lớp 10: Thảo luận các tình huống giả định sau để nhận diện khả năng điều chỉnh tư duy theo hướng tích cực của bản thân.

* Tình huống 1:

      Đầu năm học, Tú được giáo viên chỉ định làm lớp trưởng tạm thời trong khi lớp chưa bầu được lớp trưởng chính thức. Một số bạn tỏ ý chống đối, không hợp tác khi Tú làm nhiệm vụ.

Tư duy tiêu cực

Tư duy tích cực

Mình thật vô dụng khi nói mà người khác không nghe. Hết thời gian làm tạm thời, mình sẽ xin thôi chức lớp trưởng.

Mình đã rất cố gắng, nhưng có lẽ mình chưa hiểu hết các bạn. Có thể mình cần xem lại cách làm việc của mình và nhờ các bạn góp ý thêm.

 
* Tình huống 2:

     Hải vốn là một học sinh giỏi và rất chăm chỉ, nhưng bài kiểm tra một số môn gần đây của Hải lại chỉ được điểm trung bình

Tư duy tiêu cực

Tư duy tích cực

Mình chán ghét bản thân quá. Thật xấu hổ vì còn kém cả mấy bạn học lực trung bình trong lớp.

Mình đã chủ quan không ôn luyện các dạng bài tập đó vì nghĩ nó quá đơn giản. Mình cần cẩn thận hơn nữa và quyết tâm cao để điểm thi cuối kì bù lại điểm thấp này.

Phương pháp giải:

+ Thảo luận các tình huống giả định:

- Tình huống, nhân vật xảy ra như thế nào?

- Khả năng điều chỉnh tư duy theo hướng tích cực của nhân vật ra sao?

- Hướng tư duy tích cực và tiêu cực đó xảy ra như thế nào?

Trả lời:

+ Tình huống 1:

- Ở tình huống này, nhân vật được đặt trong hoàn cảnh phải có cách ứng xử phù hợp với ý kiến chống đối của các bạn khác

- Nếu ở tư duy tiêu cực, chúng ta có thể thấy cách giải quyết không có chính kiến, niềm tin vào bản thân mình, là cách xử lý thiếu tự tin khiến bản thân bạn càng rơi vào bế tắc

- Mặt khác, nếu ở tư duy tích cực, Tú  có thể tự chứng minh khả năng của mình với các bạn khác, giúp các bạn có suy nghĩ khác về mình, nhìn nhận vấn đề ở mọi khía cạnh, từ đó bạn  có cách phát huy những ưu điểm và khắc phục hạn chế của mình.

+ Tình huống 2:

- Ở hướng tư duy tiêu cực: Hải sẽ thấy tự ti về kết quả của mình, tư duy này sẽ khiến bạn càng ngày càng kém trong quá trình học tập của mình, không còn động lực để phấn đấu.

- Ngược lại, nếu Hải tư duy tích cực bạn sẽ có thể thấy được khuyết điểm của mình, từ đó tìm cách khắc phục nó, thậm chí, qua điểm số này, Hải sẽ càng có động lực phấn đấu để đạt được kết quả tốt hơn trong thời gian tới.

Câu 2 trang 28 HĐTN lớp 10: Trao đổi về ý nghĩa, tác dụng của tư duy tích cực trong học tập và giao tiếp.

Phương pháp giải:

Ý nghĩa, tác dụng của tư duy tích cực trong học tập và giao tiếp:

+ Tư duy tích cực giúp bạn cảm thấy như thế nào khi giao tiếp?

+ Việc tư duy tích cực góp phần giải quyết vấn đề trong cuộc sống như nào?

+ Việc giao tiếp với người khác có trở nên dễ dàng hơn không?

Trả lời:

Ý nghĩa, tác dụng của tư duy tích cực trong học tập và giao tiếp:

+ Mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe, đặc biệt là sức mạnh tinh thần, giúp ta luôn cảm thấy vui vẻ, yêu đời, lạc quan, hạnh phúc.

+ Giải quyết vấn đề tốt hơn, tiết kiệm thời gian và rút ngắn quá trình đi đến thành công.

+ Đem lại sự tự tin cho bản thân.

+ Giao tiếp tốt hơn trong các mối quan hệ.

Hoạt động 3 trang 29 HĐTN lớp 10: Điều chỉnh tư duy theo hướng tích cực

Câu 1 trang 29 HĐTN lớp 10: Thảo luận và đề xuất những cách rèn luyện để điều chỉnh tư duy theo hướng tích cực.

Gợi ý:

+ Duy trì suy nghĩ lạc quan trong các tình huống gặp khó khăn, trở ngại;

+ Cố gắng nhận ra sự hài hước, vui vẻ trong những hoàn cảnh tưởng như bất lợi;

+ Khoan dung với sai sót, lỗi lầm của người khác;

+ Chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt về tính cách, quan điểm, lối sống;

+ Tự nói với bản thân những lời động viên tích cực;

+ Luôn học hỏi, lắng nghe mọi người để rút kinh nghiệm từ những sai lầm của mình;

+ Tìm tòi những cách khác nhau để giải quyết vấn đề gặp phải thay vì đổ lỗi cho bản thân hoặc trách móc người khác;… 

Phương pháp giải:

Những cách rèn luyện điều chỉnh tư duy theo hướng tích cực:

+ Trước khi ra quyết định một việc gì đó, em cần nói như nào?

+ Em cần tìm đến ai để thay đổi, điều chỉnh tư duy của mình?

+ Suy nghĩ của em về các tình huống trong cuộc sống của mình ra sao?

Trả lời:

Những cách rèn luyện để điều chỉnh tư duy theo hướng tích cực:

+ Thay đổi thói quen: rèn luyện tâm trí theo suy nghĩ tích cực, nỗi sợ hãi sẻ không thể kiểm soát bạn nữa.

+ Cẩn trọng trong lời nói: trước khi quyết định thay đổi cách nói chuyện, bạn cần biết bản thân đang sử dụng lời nói nào

+ Tìm đến những người bạn ngưỡng mộ và lắng nghe những câu chuyện cảm hứng của họ

+ Điều chỉnh cách suy nghĩ trong mọi hoàn cảnh, luôn nhìn mọi chuyện theo chiều hướng tích cực, tốt đẹp.

Câu 2 trang 29 HĐTN lớp 10: Chia sẻ một tình huống khiến em suy nghĩ tiêu cực và cách em đã thực hiện để điều chỉnh tư duy theo hướng tích cực cho bản thân.

Gợi ý:

- Tóm tắt tình huống (hoàn cảnh xảy ra, lý do khiến em suy nghĩ tiêu cực)

- Biểu hiện cụ thể của em khi có suy nghĩ tiêu cực (tâm trạng, hành vi, lời nói…)

- Cách em sẽ làm để thay đổi suy nghĩ của mình theo hướng tích cực

Gợi ý một số tình huống:

- Em bị bố mẹ trách phạt vì một lỗi mình không gây ra.

- Em giúp đỡ người khác nhưng lại bị hiểu lầm thiện chí của mình.

- Một người bạn thân thiết lỡ quên sinh nhật của em.

Phương pháp giải:

+ Nêu tình huống khiến em suy nghĩ tiêu cực: Hoàn cảnh của tình huống? Nhân vật gồm những ai? Biểu hiện của suy nghĩ tiêu cực?

+ Cách em đã làm để điều chỉnh suy nghĩ của mình theo hướng tích cực là gì?

Trả lời:

+ Tình huống: Một người bạn thân thiết lỡ quên sinh nhật của em do gia đình bạn có chuyện đột xuất

+ Biểu hiện của suy nghĩ tiêu cực:

- Tâm trạng ghét bỏ, chán nản,

- Không muốn nói chuyện, tránh né bạn không muốn lại gần với bạn

- Lời nói, thái độ tỏ ra bực dọc, châm chọc

+ Cách em làm thay đổi theo hướng tích cực:

- Suy nghĩ, xem xét lại câu chuyện

- Tìm hiểu lý do bạn quên sinh nhật mình bằng cách trực tiếp trao đổi, hỏi han bạn

- Tự nói với mình những lời động viên, tích cực.

Hoạt động 4 trang 30 HĐTN lớp 10: Rèn luyện tư duy phản biện

Câu 1 trang 30 HĐTN lớp 10: Lựa chọn một những vấn đề sau và vận dụng các bước hình thành tư duy phản biện để phân tích, đánh giá, nêu chính kiến của em về vấn đề.

+ Khi đất nước còn chưa phát triển, chúng ta có thể phải ưu tiên lợi ích kinh tế hơn vấn đề bảo vệ môi trường.

+ Con đường học nghề chỉ phù hợp với những người có học lực yếu, không đủ khả năng học đại học

+ Bạo lực học đường xảy ra nhiều hơn ở khu vực đô thị

+ Học tập trực tuyến có thể thay thế học trực tiếp tại trường

Gợi ý một số hình thức thể hiện tư duy phản biện:

+ Thuyết trình

+ Tranh biện

+ Đóng vai

Phương pháp giải:

+ Vấn đề em lựa chọn để thể hiện tư duy phản biện là gì?

+ Em chọn hình thức nào để thể hiện tư duy phản biện cho vấn đề?

+ Vấn đề phản biện có nội dung chính gì?

+ Thu thập thông tin, dữ liệu vấn đề liên quan

+ Phân tích, tổng hợp thông tin để đưa ra đánh giá

+ Thể hiện quan điểm cá nhân

Trả lời:

+ Vấn đề em lựa chọn: Học tập trực tuyến có thể thay thế học tập trực tiếp tại trường

+ Hình thức thể hiện tư duy phản biện: thuyết trình

+ Vấn đề chính cần bàn luận: học trực tuyến có thể thay thế học trực tiếp tại trường

+ Thu thập thông tin, dữ liệu: Các lớp học trực tuyến (online) đã trở nên phổ biến trong bối cảnh đại dịch COVID-19, công nghệ cũng mang lại nhiều lợi ích đối với giao tiếp giữa giáo viên và học sinh.

+ Phân tích tổng hợp thông tin, đưa ra đánh giá:

- Lợi ích của việc học trực tuyến: linh hoạt địa điểm, thời gian dạy và học; tiết kiệm nhiều chi phí; tạo không gian học tập thoải mái; lưu trữ tài liệu học tập dễ dàng;…

- Trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 diễn ra phức tạo ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người thì đây là giải pháp được coi là tốt nhất cho học sinh, sinh viên trong việc học tập

+ Thể hiện quan điểm cá nhân:

Theo em việc học trực tuyến có thể là giải pháp tốt nhất trong bối cảnh đại dịch diễn ra phức tạp nhưng không thể thay thế cho học tập trực tiếp tại trường vì:

- Việc tới lớp cùng thầy cô, bạn bè là đặc biệt quan trọng, là động lực khiến người học tiếp tục nghiên cứu quá trình học tập của mình. Nó giúp gắn kết giữa lý thuyết với thực hành và biến hoạt động tiếp nhận thông tin thành tương tác thông tin.

- Đặc biệt,  học trực tiếp thúc đẩy các giao tiếp xã hội do có sự tương tác trực tiếp giữa người học với nhau cũng như giữa người học với người dạy.

- Lớp học trực tiếp xây dựng cho người học các kỹ năng tổ chức kỷ luật như: đi học đúng giờ, làm bài tập đầy đủ trước khi đến lớp…

Câu 2 trang 30 HĐTN lớp 10: Chia sẻ cảm nhận của em về ý kiến phản biện của các bạn đối với những vấn đề trên.

Phương pháp giải:

+ Ý kiến phản biện của các bạn là gì: đồng tình hay không đồng tình hay vừa đồng tình, vừa không đồng tình?

+ Cảm nhận của em về ý kiến đó như thế nào: thấy hợp lý cần tiếp nhận hay bác bỏ?

Lời giải chi tiết:

+ Ý kiến của các bạn: Hầu hết các bạn trong lớp không đồng tình với những vấn đề trên.

+ Cảm nhận của em:

- Ý kiến phản biện của các bạn khá logic, có dẫn chứng cụ thể để chứng minh cho ý kiến của mình đưa ra

- Tuy nhiên, một số ý kiến phản biện của các bạn chưa rõ ràng, còn lan man, không đi chứng minh vào vấn đề trọng tâm.

- Đặc biệt, các bạn mới nhìn thấy một khía cạnh của vấn đề và chưa lập luận được vấn đề ở một tình huống khác.

Hoạt động 5 trang 31 HĐTN lớp 10: Vận dụng tư duy phản biện, tư duy tích cực khi đánh giá sự vật, hiện tượng

Câu 1 trang 31 HĐTN lớp 10: Chọn một cuốn sách hoặc một bộ phim mà em muốn bình luận, giới thiệu với các bạn

Phương pháp giải:

Cuốn sách, bộ phim em muốn bình luận, giới thiệu với các bạn có tựa đề là gì? Tác giả là ai? Nhân vật chính gồm những ai?

Trả lời:

     Bộ phim em muốn bình luận, giới thiệu với các bạn: Mắt biếc là phim điện ảnh chính kịch lãng mạn của Việt Nam năm 2019 do Victor Vũ đạo diễn. Đây là phiên bản chuyển thể điện ảnh từ tiểu thuyết cùng tên phát hành năm 1990 của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Câu 2 trang 31 HĐTN lớp 10: Vận dụng tư duy phản biện, tư duy tích cực để bình luận về nội dung của cuốn sách, bộ phim đó.

Gợi ý:

- Nội dung chính của sách/ phim

- Những điểm tích cực và điều em thấy tâm đắc nhất của sách/phim

- Những chi tiết/tình huống/nhân vật,... em cho rằng chưa hợp lí (hoặc chưa hay) trong nội dung sách/phim

- Thử đưa ra một kết thúc khác cho cuốn sách/bộ phim và giải thích lí do em chọn kết thúc đó

Phương pháp giải:

+ Nêu nội dung chính bộ phim

+ Điểm tích cực và điều em thấy tâm đắc của bộ phim

+ Những chi tiết/ tình huống / nhân vật em cho rằng chưa hợp lý/ chưa hay trong bộ phim

+ Thử đưa ra kết thúc khác cho bộ phim và giải thích lý do em chọn kết thúc đó.

Trả lời:

+ Nội dung chính:

     Mắt biếc xoay quanh mối tình đơn phương của Ngạn với Hà Lan, cô bạn gái có cặp mắt hút hồn nhưng cá tính bướng bỉnh. Một chuyện tình nhiều cung bậc, từ ngộ nghĩnh trẻ con, rồi tình yêu thuở học trò trong sáng, trải qua bao biến cố, trở thành một cuộc "đuổi hình bắt bóng" buồn da diết nhưng không nguôi hi vọng. Câu chuyện càng trở nên éo le hơn khi Trà Long - con gái của Hà Lan lớn lên lại nhen nhóm một tình yêu như thế với Ngạn.

+ Điểm tích cực và điều em thấy tâm đặc nhất của bộ phim:

- Cấu trúc phim tương đồng với cấu trúc của tiểu thuyết, với một mạch thời gian tuyến tính duy nhất. Mắt biếc đưa khán giả theo chân các nhân vật từ ngày nhỏ xíu, với cuộc sống vô tư, bình dị tại làng Đo Đo có khu chợ quê mộc mạc, đồi Sim rực rỡ hoa tím; cho đến cuộc sống xa nhà nơi thành thị phồn hoa nhưng nhiều cám dỗ, và những bi kịch tình yêu éo le.

- Tiết tấu phim chậm rãi, cân bằng khá tốt thời lượng cho từng phân cảnh, từng giai đoạn phát triển của nhân vật. Theo đó, bộ phim dễ xem và dễ theo dõi đối với mọi đối tượng khán giả. So với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cách đây 4 năm, cấu trúc của Mắt biếc tỏ ra hợp lý hơn, tiết tấu cũng mượt mà và có nhịp điệu hơn.

+ Chi tiết/ tình huống/ nhân vật  em cho rằng chưa hay trong bộ phim:

- Trúc Anh thành công trong việc thể hiện hình ảnh Hà Lan thuở trăng tròn xinh đẹp, rạng ngời, nhưng cô tỏ ra hụt hơi khi phải thể hiện một Hà Lan đau khổ vì bị phản bội, phải một mình sinh con, hay một Hà Lan ở tuổi trung niên với những trăn trở về hạnh phúc. Diễn xuất của nhân vật Trúc Anh còn hạn chế với biểu cảm và đài từ thiếu đa dạng, khiến bản thân nhân vật chưa thể hiện hết cảm xúc cần thiết.

+ Đưa ra một kết thúc khác: 

     Ngạn sau khi nhận ra Trà Long chỉ là hình bóng tiếp nối của Hà Lan, anh không thể yêu cô bé, nhưng cũng không thể chịu nổi sự dày vò nên đã bỏ làng ra đi. Trà Long sau đó nói với mẹ rằng, chú Ngạn suốt cuộc đời này chỉ thương mỗi Hà Lan, và Hà Lan không nên bỏ lỡ người thật lòng yêu thương mình. Hà Lan sau đó nhận ra chân ái, hối hận chạy theo chuyến tàu đưa Ngạn đi xa nhưng vẫn không kịp đuổi theo để nói với Ngạn về tình cảm của mình. 

     Nhiều năm sau đó, khi cả Ngạn và Hà Lan đã bước vào cái tuổi trung niên, sau những năm rời xa quê hương để tìm cho mình những khoảng trời mới, khi cả hai đã đủ chín chắn tiếp nhận mọi chuyện, họ không hẹn mà gặp cùng nhau trở về làng Đo Đo. Cả hai đã có cơ hội ngồi lại với nhau kể chuyện về kỉ niệm năm xưa và bày tỏ tình cảm, suy nghĩ của mình với đối phương. Làng Đo Đo giờ đây đã thay da đổi thịt nhưng những kỉ niệm mà hai người bạn đã có vẫn không thay đổi. Ngạn và Hà Lan lại cùng nhau sánh bước vào những buổi chiều len lỏi trong rừng tìm bông dủ dẻ, Ngạn vừa đi vừa hát cho Hà Lan nghe những bản tình ca mới viết. Mọi thứ lại tiếp diễn như khi họ còn tuổi mười tám đôi mươi, như trước khi cả hai bước lên thành phố xa hoa, tấp nập…

Xem thêm các bài giải SGK Hoạt động trải nghiệm lớp 10 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Chủ đề 2: Khám phá và phát triển bản thân

Chủ đề 3: Tư duy phản biện và tư duy tích cực

Chủ đề 4: Trách nhiệm với gia đình

Chủ đề 5: Tham gia xây dựng cộng đồng

Chủ đề 6: Hành động vì môi trường

Đánh giá

0

0 đánh giá