Sách bài tập Địa Lí 8 Bài 7 (Cánh diều): Thuỷ văn Việt Nam

2.3 K

Với giải sách bài tập Địa Lí 8 Bài 7: Thuỷ văn Việt Nam sách Cánh diều hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập trong SBT Địa Lí 8. Mời các bạn đón xem:

Giải SBT Địa Lí 8 Bài 7: Thuỷ văn Việt Nam

Câu 1 trang 65 SBT Địa Lí 8: Phần lớn các sông ở nước ta nhỏ, ngắn và dốc là do

A. nguồn cung cấp nước hạn chế.

B. lãnh thổ hẹp ngang, địa hình dốc.

C. lượng mưa ít và phân bố không đều.

D. địa hình đồi núi chiếm ưu thế.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Phần lớn các sông ở nước ta nhỏ, ngắn và dốc là do lãnh thổ hẹp ngang, địa hình dốc.

Câu 2 trang 65 SBT Địa Lí 8: Các hệ thống sông lớn ở nước ta có đặc điểm chung là

A. đều bắt nguồn từ bên ngoài lãnh thổ.

B. đều có chế độ nước điều hoà quanh năm.

C. đều bắt nguồn từ các dãy núi cao trong nước.

D. đều chảy qua các vùng cao nguyên và đồng bằng.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Các hệ thống sông lớn ở nước ta có đặc điểm chung là đều bắt nguồn từ bên ngoài lãnh thổ.

Câu 3 trang 65 SBT Địa Lí 8: Hai hướng chính của sông ở nước ta là

A. đông - tây và vòng cung.

B. đông - tây và bắc - nam.

C. tây bắc - đông nam và vòng cung.

D. đông bắc - tây nam và vòng cung.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Hai hướng chính của sông ở nước ta là tây bắc - đông nam và vòng cung.

Câu 4 trang 65 SBT Địa Lí 8: Sông ở nước ta nhiều nước và có sự phân mùa là do

A. ảnh hưởng của địa hình.

B. ảnh hưởng của khí hậu.

C. có nhiều hồ để chia nước.

D. nguồn nước từ ngoài lãnh thổ dồi dào.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Sông ở nước ta nhiều nước và có sự phân mùa là do ảnh hưởng của khí hậu.

Câu 5 trang 66 SBT Địa Lí 8: Yếu tố nào sau đây ảnh hưởng chủ yếu tới hướng dòng chảy của sông ở nước ta?

A. Tác động của con người.

B. Hướng của địa hình.

C. Tác động của khí hậu.

D. Quá trình xâm thực và mài mòn.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Hướng của địa hình ảnh hưởng chủ yếu tới hướng dòng chảy của sông ở nước ta

Câu 6 trang 66 SBT Địa Lí 8: Sông ở nước ta có lượng phù sa lớn không phải do

A. lượng mưa lớn.

B. mưa phân mùa.

C. độ dốc địa hình.

D. hướng địa hình.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Sông ở nước ta có lượng phù sa lớn không phải do hướng địa hình.

Câu 7 trang 66 SBT Địa Lí 8: Hệ thống sông nào sau đây của nước ta có diện tích lưu vực trong nước lớn nhất?

A. Hệ thống sông Hồng.

B. Hệ thống sông Mã.

C. Hệ thống sông Đồng Nai.

D. Hệ thống sông Cửu Long.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Hệ thống sông Hồng của nước ta có diện tích lưu vực trong nước lớn nhất

Câu 8 trang 66 SBT Địa Lí 8: Hồ nào sau đây có nguồn gốc nhân tạo?

A. Hồ Tây.

B. Hồ Tơ Nưng.

C. Hồ Ba Bể.

D. Hồ Hoà Bình.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Hồ Hoà Bình có nguồn gốc nhân tạo

Câu 9 trang 66 SBT Địa Lí 8: Ghép ý ở cột A với ý ở cột B sao cho phù hợp.

Ghép ý ở cột A với ý ở cột B sao cho phù hợp trang 66 SBT Địa lý 7 Cánh diều

Lời giải:

Ghép các thông tin theo thứ tự sau: 1 - C; 2 - A; 3 - B.

Câu 10 trang 67 SBT Địa Lí 8:Vẽ sơ đồ thể hiện vai trò của hồ, đầm ở nước ta.

Lời giải:

Vẽ sơ đồ thể hiện vai trò của hồ đầm ở nước ta

Câu 11 trang 67 SBT Địa Lí 8: Dựa vào bảng số liệu sau, hãy nhận xét về lưu lượng nước và xác định mùa lũ trên các sông.

Dựa vào bảng số liệu sau hãy nhận xét về lưu lượng nước

Lời giải:

- Lưu lượng dòng chảy của sông Tiền cao hơn nhiều so với sông Hồng (dẫn chứng).

- Mùa lũ trên sông Hồng từ tháng 6 đến tháng 10.

- Mùa lũ trên sông Tiền từ tháng 7 đến tháng 11.

Câu 12 trang 67 SBT Địa Lí 8: Đọc đoạn thông tin sau:

“Lũ không còn là sự lo lắng, sợ hãi của người dân nơi đây. Người dân mong chờ mùa lũ đến vì đây cũng là mùa khai thác, mùa mưu sinh. Nhờ có lũ, hàng nghìn héc-ta đất được thau chua, rửa mặn, nhiều mầm bệnh cũng theo lũ cuốn đi, đồng ruộng được bồi đắp thêm một lớp phù sa, đặc biệt là nguồn lợi từ thuỷ sản. “Sống chung với lũ” là phương châm của người dân vùng đồng bằng này.”

a) Cho biết đoạn thông tin trên đề cập tới mùa lũ ở hệ thống sông nào.

b) Nêu các lợi ích của lũ đối với người dân ở lưu vực hệ thống sông này.

c) Tại sao người dân nơi đây lại đưa ra phương châm “Sống chung với lũ”?

Lời giải:

♦ Yêu cầu a) Đoạn thông tin đề cập tới mùa lũ ở hệ thống sông Cửu Long.

♦ Yêu cầu b) Lũ mang lại lợi ích cho người dân đồng bằng sông Cửu Long: nguồn lợi thuỷ sản (cá, tôm,...); thau chua rửa mặn cho đồng ruộng; bồi đắp phù sa; giao thông đường thuỷ thuận lợi;...

♦ Yêu cầu c) Lũ là hiện tượng tự nhiên, xuất hiện hằng năm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nên người dân ở đây phải “Sống chung với lữ”, cần biết những khó khăn do lũ gây ra và khai thác được những lợi ích do lũ mang lại.

Câu 13 trang 67 SBT Địa Lí 8: Đọc đoạn thông tin và quan sát các hình sau:

“Quyết định số 4402/QĐ-BGTVT ngày 15-12-2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã công bố tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia hồ thuỷ điện Sơn La với tên gọi là "Hồ thuỷ điện Sơn La”. Tuyến đường có tổng chiều dài là 175 km, điểm đầu ở thượng lưu đập thuỷ điện Sơn La và điểm cuối ở cảng Nậm Nhùn (hạ lưu đập thuỷ điện Lai Châu). Tuyến đường được bắt đầu đưa vào khai thác từ ngày 1-1-2016.”

a) Thu thập thêm thông tin, giới thiệu về việc sử dụng tổng hợp tài nguyên nước ở lưu vực sông Đà.

b) Tại sao cần phải sử dụng tổng hợp tài nguyên nước ở các lưu vực sông?

Lời giải:

♦ Yêu cầu a) Tài nguyên nước ở lưu vực sông Đà đã và đang được khai thác, sử dụng tổng hợp để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, công nghiệp, giao thông vận tải, du lịch, thuỷ điện, sinh hoạt,...

♦ Yêu cầu b) Việc sử dụng tổng hợp tài nguyên nước ở các lưu vực sông sẽ mang lại nhiều giá trị kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường.

Xem thêm các bài giải sách bài tập Địa lí lớp 8 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Bài 6: Thực hành: Vẽ và phân tích biểu đồ khí hậu

Bài 7: Thuỷ văn Việt Nam

Bài 8: Tác động của biến đổi khí hậu đối với khí hậu và thuỷ văn Việt Nam

Bài 9: Thổ nhưỡng Việt Nam

Bài 10: Đặc điểm chung của sinh vật và vấn để bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam

Lý thuyết Địa Lí 8 Bài 7: Thủy văn Việt Nam

I. Đặc điểm mạng lưới sông và chế độ nước sông 

1. Đặc điểm mạng lưới sông

- Việt Nam có mạng lưới sông dày đặc với 2,360 con sông có chiều dài từ 10km trở lên, phần lớn nhỏ, ngắn và dốc. Có các hệ thống sông lớn như sông Hồng, sông Mã, sông Cửu Long bắt nguồn từ bên ngoài lãnh thổ.

- Hướng chảy của các sông phù hợp với địa hình và hướng phân bố của các dãy núi. Tất cả các sông đổ ra Biển Đông, với một số sông chảy theo hướng tây-đông hoặc đông-tây ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

- Chế độ nước sông có hai mùa là mùa lũ và mùa cạn. Mùa lũ kéo dài khoảng 4-5 tháng chiếm khoảng 70-80% lượng nước cả năm, trong khi mùa cạn kéo dài khoảng 7-8 tháng chỉ chiếm khoảng 20-30% lượng nước cả năm.

- Sông có lượng phù sa lớn, tổng lượng phù sa khoảng 200 triệu tấn/năm, do mưa lớn và địa hình nhiều đồi núi. Lượng phù sa lớn đã mở rộng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long trung bình từ 80-100m/năm về phía biển.

2. Chế độ nước của một số hệ thống sông lớn

- Nước ta có 9 hệ thống sông lớn là Hồng, Thái Bình, Kỳ Cùng – Bằng Giang, Mã, Cả, Thu Bồn, Ba (Đà Rằng), Đồng Nai và Cửu Long.

- Mỗi hệ thống sông có chế độ nước riêng tuỳ theo chế độ mưa của từng khu vực.

- Hệ thống sông Hồng là hệ thống sông lớn nhất ở phía bắc nước ta, chảy theo hướng tây bắc – đông nam, có hơn 600 phụ lưu, trong đó có hai phụ lưu chính là sông Đà và sông Lô.

Lý thuyết Địa lí 8 Bài 7 (Cánh diều): Thủy văn Việt Nam (ảnh 1)

+ Sông Hồng có nhiều chỉ lưu kết nối với hệ thống sông Thái Bình trước khi đổ ra biển. Mùa lũ kéo dài khoảng 5 tháng, tập trung tới 75 – 80 % tổng lượng nước cả năm, lũ thường lên nhanh.

- Hệ thống sông Thu Bồn là hệ thống sông lớn ở duyên hải miền Trung nước ta, có hơn 80 phụ lưu chảy theo các hướng khác nhau. Mùa lũ kéo dài khoảng 3 tháng vào Thu – Đông, tập trung khoảng 65 % tổng lượng nước cả năm. Sông thường xảy ra lũ lớn, lũ lên nhanh và rút nhanh do độ dốc địa hình lớn và chế độ mưa phân mùa mạnh mẽ.

Lý thuyết Địa lí 8 Bài 7 (Cánh diều): Thủy văn Việt Nam (ảnh 1)

- Hệ thống sông Cửu Long là phần dòng chảy thuộc hạ lưu hệ thống sông Mê Công, có diện tích lưu vực lớn, độ dốc nhỏ. Mùa lũ kéo dài khoảng 5 tháng, chiếm 75 – 80 % tổng lượng nước cả năm, lũ thường lên chậm và rút chậm, tuy nhiên chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của biển, đặc biệt trong mùa cạn.

II. Hồ, đầm

- Việt Nam có nhiều hồ, đầm phân bố khắp cả nước, với sự khác nhau về nguồn gốc, tích chất và diện tích.

- Nhiều hồ, đầm có nguồn gốc tự nhiên, và nhiều hồ nhân tạo do tác động của con người.

- Hồ, đầm đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và sinh hoạt của người dân.

+ Trong sản xuất, hồ, đầm cung cấp nước tưới cho vùng trồng trọt và chăn nuôi, các ngành công nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, cung cấp nước cho nhà máy thuỷ điện, đường giao thông thuỷ và tạo cảnh quan cho du lịch.

+ Trong sinh hoạt, hồ cung cấp nguồn nước ngọt cho đời sống hằng ngày của người dân.

+ Hồ, đầm còn có tác dụng làm cho không khí mát mẻ hơn, điều tiết nước, là nơi dự trữ nước lớn và sinh sống của nhiều loài sinh vật dưới nước.

III. Nước ngầm

- Nước ta có nhiều nguồn nước ngầm tập trung nhiều ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.

+ Nguồn nước ngầm đóng vai trò quan trọng đối với sản xuất và sinh hoạt của con người.

+ Nước ngầm cung cấp nước cho các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và đời sống hằng ngày của con người.

- Một số tỉnh có nguồn nước khoáng, nước nóng tốt cho sức khoẻ con người nên có thể khai thác để phát triển du lịch, nghỉ dưỡng và chữa bệnh.

IV. Tầm quan trọng của việc sử dụng tổng hợp tài nguyên nước ở các lưu vực sông

- Sông có nhiều vai trò quan trọng: cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt, là đường giao thông, là nguồn thuỷ năng, cung cấp nguồn thực phẩm và tạo cảnh quan cho du lịch.

- Giá trị sử dụng của sông khác nhau tùy vào địa hình lưu vực của sông, có thể là thuỷ điện và du lịch ở khu vực núi, hoặc giao thông và nuôi trồng thuỷ sản ở khu vực đồng bằng.

- Cần sử dụng tổng hợp tài nguyên nước ở các lưu vực sông để đem lại lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường nước và phát triển bền vững.

- Sử dụng tổng hợp nước ở lưu vực sông có thể góp phần tăng cường trách nhiệm cộng đồng trong việc bảo vệ dòng sông và gắn kết địa phương.

Đánh giá

0

0 đánh giá