Với tóm tắt lý thuyết Địa lí lớp 11 Bài 27: Kinh tế Trung Quốc sách Kết nối tri thức hay, chi tiết cùng với 15 câu trắc nghiệm chọn lọc có đáp án giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Địa lí 11.
Địa lí lớp 11 Bài 27: Kinh tế Trung Quốc
A. Lý thuyết Địa lí 11 Bài 27: Kinh tế Trung Quốc
I. Đặc điểm chung
1. Thành tựu và vị thế của nền kinh tế Trung Quốc
♦ Vị thế: Những thành tựu về kinh tế trong công cuộc cải cách, mở cửa (từ năm 1978 đến nay) đã đưa Trung Quốc trở thành quốc gia có vị thế quan trọng đối với nền kinh tế thế giới.
- Trung Quốc là nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai thế giới, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo Ngân hàng Thế giới, mức đóng góp trung bình của Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế thế giới là hơn 30%.
- Xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài của Trung Quốc có tác động ngày càng lớn và là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
♦ Thành tựu:
- Quy mô GDP tăng nhanh liên tục, đến năm 2010, Trung Quốc chính thức vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế có quy mô GDP lớn thứ hai thế giới (sau Hoa Kỳ). Năm 2020, GDP của Trung Quốc chiếm 17,3% toàn thế giới.
- Tốc độ tăng GDP tuy có biến động qua các năm song luôn ở mức cao.
- Cơ cấu GDP có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá:
+ Tỉ trọng của các ngành công nghiệp và xây dựng, dịch vụ tăng;
+ Giảm tỉ trọng của ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản.
- Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhanh là động lực cho tăng trưởng kinh tế.
+ Trung Quốc luôn là nước xuất siêu.
+ Năm 2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc là 5080,4 tỉ USD, đứng đầu thế giới.
+ Từ năm 2017 đến năm 2021, Trung Quốc duy trì vị trí là quốc gia thương mại hàng đầu thế giới.
- Trung Quốc là một trong những nước nhận được vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn, năm 2020 là 163 tỉ USD (đứng đấu thế giới).
2. Nguyên nhân
- Nguồn lực tự nhiên đa dạng, phong phú là tiền đề để phát triển kinh tế;
- Nguồn lao động dồi dào, trình độ của người lao động ngày càng được nâng cao là nhân tố quyết định đến việc tiếp nhận công nghệ mới từ nước ngoài.
- Trung Quốc đã chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước, và thực hiện các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài.
- Cơ sở hạ tầng phát triển, thị trường rộng lớn và năng động tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế.
- Nhà nước có các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năng động, điều chỉnh phương thức phát triển kịp thời qua các giai đoạn khác nhau. Sự thay đổi trong chính sách phát triển kinh tế, nhất là việc mở cửa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ sau năm 1978 là chính sách quan trọng nhất; Trung Quốc đã thành lập các đặc khu kinh tế để thu hút FDI.
- Trung Quốc rất chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi cơ cấu sản xuất
II. Các ngành kinh tế
1. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản
- Năm 2020, ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 7,7% GDP, giải quyết việc làm cho khoảng 22% lực lượng lao động của đất nước.
- Vai trò:
+ Đáp ứng nhu cầu của hơn 1,4 tỉ dân trong nước và hướng ra xuất khẩu.
+ Cung cấp nguyên liệu có giá trị cho các ngành công nghiệp chế biến, góp phần tăng nguồn thu ngoại tệ cho Trung Quốc.
a) Nông nghiệp
- Trồng trọt:
+ Chiếm hơn 60% giá trị sản xuất nông nghiệp.
+ Trong cơ cấu ngành trồng trọt, cây lương thực giữ vị trí quan trọng. Ngoài ra, Trung Quốc còn trồng nhiều loại cây công nghiệp, cây thực phẩm và cây ăn quả.
+ Phát triển mạnh ở các đồng bằng (Đông Bắc, Hoa Bắc, Hoa Trung, Hoa Nam).
- Ngành chăn nuôi được quan tâm phát triển. Lợn, bò và gia cầm được nuôi nhiều ở các vùng đồng bằng; cừu, dê được chăn thả ở các tỉnh thuộc vùng Đông Bắc, Hoa Bắc và ở các khu tự trị phía Tây.
b) Lâm nghiệp
- Sản lượng gỗ tròn khai thác đạt 350,6 triệu m3 năm 2020 (đứng thứ ba thế giới).
- Hiện nay, Trung Quốc đang hướng tới: bảo vệ rừng; kiểm soát chặt chẽ việc khai thác rừng tự nhiên; giới hạn sản lượng khai thác hằng năm và nỗ lực trồng rừng để tăng tỉ lệ che phủ rừng.
c) Thuỷ sản
- Sản lượng thuỷ sản khai thác và nuôi trồng đứng đấu thế giới.
- Các ngư trường khai thác quan trọng nằm ở biển Hoa Đông, Hoa Nam,...
- Nuôi trồng thuỷ sản tăng trưởng nhanh, các sản phẩm chủ yếu là: cá, tôm, trai lấy ngọc, rong biển....
2. Công nghiệp
♦ Tình hình phát triển
- Nền công nghiệp Trung Quốc có quy mô lớn, cơ cấu đa dạng, nhiều sản phẩm có sản lượng đứng đầu thế giới. Năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng đóng góp 37,8% vào GDP cả nước.
- Công nghiệp của Trung Quốc đang chuyển GDP dịch theo hướng hiện đại hoá: gia tăng các ngành có hàm lượng khoa học - công nghệ cao.
- Các ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc là công nghiệp chế tạo, năng lượng, luyện kim, điện tử - tin học....
- Các trung tâm công nghiệp lớn nhất của Trung Quốc tập trung ở miền Đông, đặc biệt là vùng duyên hải. Các trung tâm công nghiệp lớn là Thượng Hải, Thâm Quyến, Bắc Kinh, Quảng Châu, Thiên Tân,...
♦ Một số ngành công nghiệp chính
- Ngành công nghiệp chế tạo:
+ Có tốc độ phát triển nhanh, đặc biệt là máy móc chính xác.
+ Một số sản phẩm chế tạo tiêu biểu là: máy nông nghiệp, ô tô, tàu biển, chỉ tiết máy của ngành hàng không - vũ trụ,...
+ Công nghiệp chế tạo ô tô tăng nhanh, năm 2020 Trung Quốc sản xuất khoảng 30% lượng ô tô toàn thế giới (đứng đầu thế giới).
- Công nghiệp năng lượng:
+ Là ngành cơ bản, được đầu tư phát triển nhằm cung cấp năng lượng cho nhu cầu của nền kinh tế.
+ Là nước khai thác than lớn nhất, thường chiếm hơn 50% sản lượng than toàn thế giới.
+ Là nước sản xuất và tiêu thụ điện lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 29% sản lượng điện toàn thế giới. Trung Quốc đang từng bước đa dạng hoá nguồn cung cấp điện thông qua việc phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân.
- Công nghiệp luyện kim: được coi trọng và đầu tư phát triển. Trung Quốc là quốc gia sản xuất thép nhiều nhất thế giới, sản xuất 56,5% sản lượng thép trên thế giới (2020).
- Công nghiệp điện tử - tin học:
+ Đang phát triển nhanh và trở thành ngành mũi nhọn của nền kinh tế Trung Quốc.
+ Nhiều sản phẩm của ngành công nghiệp điện tử - tin học như: máy tính, thiết bị điện tử, điện tử tiêu dùng, thiết bị viễn thông có sản lượng hàng đầu thế giới.
3. Dịch vụ
- Ngành dịch vụ ngày càng có vai trò quan trọng với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Năm 2020, ngành dịch vụ đóng góp 54,5% vào GDP của Trung Quốc.
- Các loại hình dịch vụ: thương mại, giao thông vận tải, du lịch, tài chính ngân hàng phát triển nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, đồng thời phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của người dân.
- Một số trung tâm dịch vụ lớn của Trung Quốc là: Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Thâm Quyến....
a) Thương mại
- Nội thương:
+ Thị trường nội địa là động lực quan trọng cho nền kinh tế đất nước, tiêu thụ phần lớn các sản phẩm do nền kinh tế Trung Quốc tạo ra.
+ Doanh thu bán lẻ và doanh thu từ cung ứng các dịch vụ tăng nhanh (khoảng 5 400 tỉ USD, năm 2020).
+ Các trung tâm thương mại lớn là: Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Hồng Công, Thâm Quyến,...
- Ngoại thương:
+ Kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc có mức tăng hằng năm cao. Năm 2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc lớn nhất thế giới, chiếm 11,5% toàn thế giới.
+ Có quan hệ buôn bán với hơn 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Những đối tác thương mại quan trọng là: Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, ASEAN, Hàn Quốc....
+ Trung Quốc thường là nước xuất siêu.
b) Giao thông vận tải
- Xây dựng được một mạng lưới giao thông hiện đại, các loại hình giao thông đều rất phát triển.
+ Hệ thống đường sắt dài hơn 130 nghìn km trong đó hơn 40 nghìn km đường sắt cao tốc có tốc độ tàu chạy trên 200 km/h.
+ Đường ô tô có khoảng 5 triệu km, trong đó có150 nghìn km đường cao tốc (đứng đầu thế giới).
+ Đường biển phát triển mạnh phục vụ việc xuất nhập khẩu với các cảng biển lớn như: Thượng Hải, Ninh Ba - Chu Sơn, Thâm Quyến,...
+ Đường hàng không cũng rất phát triển, các sân bay có lượng hành khách và hàng hóa luân chuyển lớn nhất là Bắc Kinh, Phố Đông (Thượng Hải),...
- Hiện nay, Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông khu vực miền Tây để mở rộng quy mô và hoàn thiện mạng lưới giao thông.
c) Du lịch
- Trung Quốc là điểm đến hấp dẫn của nhiều khách du lịch, do có nền văn minh lâu đời, nhiều danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc nổi tiếng; cùng với sự phát triển vượt bậc về cơ sở hạ tầng du lịch,.
- Năm 2019, Trung Quốc đứng thứ 4 trong 10 quốc gia trên thế giới có nhiều lượt khách du lịch quốc tế đến nhất và đứng thứ 11 về doanh thu du lịch quốc tế.
- Các điểm du lịch nổi tiếng ở Trung Quốc là: Vạn Lý Trường Thành, Tử Cấm Thành, Lăng mộ Tần Thủy Hoàng, bến Thượng Hải,...
d) Tài chính ngân hàng
- Hoạt động của ngành tài chính ngân hàng ngày càng phát triển. Doanh thu từ hoạt động tài chính liên tục tăng qua các năm, đạt 1071 tỉ USD năm 2020.
- Nhiều ngân hàng nước ngoài đã thành lập công ty cổ phần hoặc 100% vốn nước ngoài để gia nhập thị trường vốn của Trung Quốc.
- Có nhiều trung tâm tài chính lớn như: Thượng Hải, Thiên Tân, Thâm Quyến.
B. 15 câu trắc nghiệm Địa lí 11 Bài 27: Kinh tế Trung Quốc
Câu 1. Vùng nông thôn ở Trung Quốc phát triển mạnh ngành công nghiệp nào?
A. Công nghiệp cơ khí.
B. Công nghiệp dệt may.
C. Công nghiệp luyện kim.
D. Công nghiệp hóa dầu.
Chọn B
Vùng nông thôn ở Trung Quốc phát triển mạnh ngành công nghiệp dệt may nhờ tận dụng những nguồn lực sẵn có từ lao động, nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Câu 2. Miền Tây Trung Quốc có thế mạnh nào sau đây để phát triển lâm nghiệp và chăn nuôi?
A. Rừng và đồng cỏ.
B. Vùng đồi trung du.
C. Khí hậu gió mùa.
D. Sông ngòi dồi dào.
Chọn B
Trong phát triển chăn nuôi nhân tố hàng đầu là cơ sở thức ăn. Ở miền Tây Trung Quốc có nhiều đồng cỏ rộng lớn trên các cao nguyên, bồn địa và thung lũng. Đồng thời, khu vực này cũng có diện tích rừng tự nhiên lớn của Trung Quốc -> Đây là thế mạnh để Trung Quốc phát triển lâm nghiệp và chăn nuôi.
Câu 3. Các đồng bằng lớn ở Trung Quốc theo thứ tự lần lượt từ Nam lên Bắc là
A. Đông Bắc, Hoa Bắc, Hoa Trung, Hoa Nam.
B. Đông Bắc, Hoa Nam, Hoa Trung, Hoa Bắc.
C. Hoa Nam, Hoa Trung, Hoa Bắc, Đông Bắc.
D. Hoa Trung, Hoa Nam, Hoa Bắc, Đông Bắc.
Chọn C
Các đồng bằng lớn ở Trung Quốc theo thứ tự lần lượt từ Nam lên Bắc là đồng bằng Hoa Nam, Hoa Trung, Hoa Bắc và đồng bằng Đông Bắc.
Câu 4. Các nông sản chính của các đồng bằng Hoa Trung, Hoa Nam?
A. Lúa gạo, ngô.
B. Chè, bông.
C. Chè, lúa mì.
D. Bông, lợn.
Chọn B
Đồng bằng châu thổ các sông lớn là các vùng nông nghiệp trù phú của Trung Quốc. Các đồng bằng Đông Bắc, Hoa Bắc trồng nhiều lúa mì, ngô, củ cải đường. Nông sản chính của các đồng bằng Hoa Trung, Hoa Nam là lúa gạo, mía, chè, bông.
Câu 5. Loại gia súc nào sau đây được nuôi nhiều nhất ở miền Tây Trung Quốc?
A. Bò.
B. Dê.
C. Cừu.
D. Ngựa.
Chọn C
Miền Tây Trung Quốc có khí hậu khắc nghiệt, nhiều cao nguyên và bồn địa nên thích hợp chăn nuôi cừu và dê. Đặc biệt, khu vực này phát triển đàn cừu rất mạnh.
Câu 6. Ngành công nghiệp nào sau đây của Trung Quốc đứng đầu thế giới?
A. Công nghiệp khai thác than.
B. Công nghiệp sản xuất điện.
C. Công nghiệp luyện kim.
D. Công nghiệp thực phẩm.
Chọn A
Trung Quốc đứng đầu thế giới về khai thác than, chiếm 50% sản lượng than thế giới; trung bình mỗi năm khai thác khoảng trên 1 tỉ tấn than. Than được khai thác nhiều ở phía đông bắc (tỉnh Sơn Tây, tỉnh Thiên Tây) và phía tây nam (tỉnh Tứ Xuyên).
Câu 7. Các chính sách, biện pháp cải cách trong nông nghiệp của Trung Quốc không phải là
A. xây dựng mới đường giao thông.
B. đưa kĩ thuật mới vào sản xuất.
C. phổ biến các giống thuần chủng.
D. giao quyền sử dụng đất cho dân.
Chọn C
Trung Quốc đã áp dụng nhiều chính sách, biện pháp cải cách trong nông nghiệp như: giao quyền sử dụng đất cho nông dân, xây dựng mới đường giao thông, đưa kĩ thuật mới vào sản xuất, xây dựng tu bổ hệ thống thủy lợi, phổ biến giống mới năng suất cao,…
Câu 8. Những thay đổi quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc là kết quả của
A. công cuộc đại nhảy vọt.
B. cuộc cách mạng văn hóa.
C. công cuộc hiện đại hóa.
D. cải cách trong ruộng đất.
Chọn C
Những thay đổi quan trọng và các thành tựu về kinh tế của Trung Quốc là kết quả của công cuộc hiện đại hóa.
Câu 9. Sự phát triển của các ngành công nghiệp nào sau đây góp phần quyết định việc Trung Quốc chế tạo thành công tàu vũ trụ?
A. Điện, luyện kim, cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng.
B. Điện tử, cơ khí chính xác, sản xuất máy tự động.
C. Điện tử, luyện kim, cơ khí chính xác, sản xuất điện.
D. Điện, chế tạo máy, cơ khí, khai thác than, dệt may.
Chọn B
Sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp điện tử, cơ khí chính xác, sản xuất máy tự động góp phần quyết định trong việc Trung Quốc chế tạo thành công tàu vũ trụ và phát triển ngành công nghiệp hàng không vũ trụ.
Câu 10. Vùng trồng lúa mì của Trung Quốc tập trung chủ yếu ở đồng bằng nào?
A. Hoa Trung và Hoa Nam.
B. Hoa Bắc và Hoa Trung.
C. Đông Bắc và Hoa Trung.
D. Đông Bắc và Hoa Bắc.
Chọn D
Đồng bằng châu thổ các sông lớn là các vùng nông nghiệp trù phú của Trung Quốc. Các đồng bằng Đông Bắc, Hoa Bắc trồng nhiều lúa mì, ngô, củ cải đường. Nông sản chính của các đồng bằng Hoa Trung, Hoa Nam là lúa gạo, mía, chè, bông.
Câu 11. Các nhân tố nào sau đây có tác động quan trọng đến sự khác biệt lớn trong phân bố nông nghiệp của miền Đông và miền Tây Trung Quốc?
A. Địa hình và khí hậu.
B. Sông ngòi và khí hậu.
C. Biển và khoáng sản.
D. Địa hình và sinh vật.
Chọn A
Do địa hình và khí hậu khác biệt giữa 2 miền Đông - Tây đã dẫn đến sự khác biệt lớn trong phân bố nông nghiệp giữa miền Đông và miền Tây Trung Quốc.
- Miền Tây khí hậu ôn đới lục địa, khắc nghiệt, mưa ít; có nhiều núi cao, bồn địa và cao nguyên nên nông nghiệp kém phát triển, chủ yếu nuôi cừu,…
- Miền Đông khí hậu ôn đới gió mùa, mưa lớn; đồng bằng rộng lớn, đất phù sa màu mỡ,… thuận lợi phát triển nông nghiệp với nhiều sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi đa dạng.
Câu 12. Nhận xét nào dưới đây đúng về cơ cấu sản phẩm ngành trồng trọt của miền Bắc và miền Nam thuộc lãnh thổ phía đông Trung Quốc?
A. Miền Bắc chỉ phát triển cây có nguồn gốc ôn đới, miền Nam chỉ phát triển cây trồng miền nhiệt đới.
B. Miền Bắc chủ yếu là cây trồng có nguồn gốc nhiệt đới, miền Nam là cây trồng cận nhiệt và ôn đới.
C. Miền Bắc chủ yếu là cây trồng nguồn gốc ôn đới và cận nhiệt, miền Nam chỉ phát triển cây nhiệt đới.
D. Miền Bắc cây có nguồn gốc ôn đới và cận nhiệt; miền Nam là cây có nguồn gốc nhiệt đới và cận nhiệt.
Chọn D
- Đồng bằng Hoa Bắc, Đông Bắc thuộc miền Bắc của lãnh thổ phía đông, có các cây trồng chính là: lúa mì, ngô, củ cải đường. Đây là những cây trồng thích hợp với khí hậu ôn đới và cận nhiệt (lúa mì, ngô) hoặc ôn đới (củ cải đường).
- Đồng bằng Hoa Trung, Hoa Nam thuộc miền Nam của lãnh thổ phía đông, có các cây trồng chính là: lúa gạo, mía, chè, bông. Đây là những cây trồng thích hợp với khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt: lúa gạo thích hợp nhất với khí hậu nhiệt đới (ngoài ra cũng trồng được ở vùng cận nhiệt), chè là cây trồng cận nhiệt; bông và mía là cây trồng miền nhiệt đới.
-> Như vậy, miền Bắc chủ yếu là cây trồng có nguồn gốc ôn đới và cận nhiệt; miền Nam là cây trồng có nguồn gốc nhiệt đới và cận nhiệt.
Câu 13. Đặc điểm nổi bật nhất của các xí nghiệp, nhà máy trong quá trình chuyển đổi từ “nền kinh tế chỉ huy sang kinh tế thị trường” ở Trung Quốc là
A. được chủ động hơn trong việc lập kế hoạch và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
B. được tự do trao đổi mọi sản phẩm hàng hóa với thị trường trong nước và thế giới.
C. được nhận mọi nguồn vốn FDI của nước ngoài và được chia đều trên toàn quốc.
D. được nhà nước chủ động đầu tư, hiện đại hóa thiết bị và trang bị vũ khí quân sự.
Chọn A
Do chuyển từ nền kinh tế chỉ huy sang kinh tế thị trường nên các xí nghiệp, nhà máy ở Trung Quốc được chủ động hơn trong việc lập kế hoạch và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm không như thời gian trước bị khóa hoặc ép sản phẩm.
Câu 14. Cây trồng nào dưới đây chiếm vị trí quan trọng nhất về diện tích và sản lượng ở Trung Quốc?
A. Cây công nghiệp.
B. Cây ăn quả.
C. Cây lương thực.
D. Cây thực phẩm.
Chọn C
Trung Quốc có dân số đông (trên 1,4 tỉ người) do đó để đảm bảo nhu cầu lương thực trong nước thì việc chú trọng dành một diện tích đất để phát triển cây lượng thực là điều hết sức quan trọng nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước -> Cây lương thực ở Trung Quốc chiếm vị trí quan trọng về diện tích và sản lượng.
Câu 15. Sản phẩm nào sau đây không phải phát minh quan trọng của Trung Quốc thời trung đại?
A. Thuốc súng.
B. Kĩ thuật in.
C. Máy hơi nước.
D. Kim chỉ nam.
Chọn C
Giấy, in ấn, la bàn (kim chỉ nam) và thuốc súng là 4 phát minh quan trọng, được coi là "chất xúc tác" cho các nền văn minh vĩ đại - Đây là những phát minh của Trung Quốc. Còn máy hơi nước là phát minh của Anh vào thế kỉ 18.
Video bài giảng Địa lí 11 Bài 27: Kinh tế Trung Quốc - Kết nối tri thức
Xem thêm các bài tóm tắt lý thuyết Địa Lí lớp 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Lý thuyết Bài 26: Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội Trung Quốc
Lý thuyết Bài 27: Kinh tế Trung Quốc
Lý thuyết Bài 28: Thực hành viết báo cáo về sự thay đổi của kinh tế vùng duyên hải Trung Quốc
Lý thuyết Bài 29: Thực hành tìm hiểu về kinh tế của Ô-xtrây-li-a
Lý thuyết Bài 30: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội Cộng hòa Nam Phi