Với tóm tắt lý thuyết Địa lí lớp 10 Bài 33: Cơ cấu, vai trò, đặc điểm và các nhân tố ảnh hưởng đên sự phát triển, phân bố dịch vụ sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết cùng với 15 câu trắc nghiệm chọn lọc có đáp án giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Địa lí 10.
Địa lí lớp 10 Bài 33: Cơ cấu, vai trò, đặc điểm và các nhân tố ảnh hưởng đên sự phát triển, phân bố dịch vụ
A. Lý thuyết Địa lí 10 Bài 33: Cơ cấu, vai trò, đặc điểm và các nhân tố ảnh hưởng đên sự phát triển, phân bố dịch vụ
I. Cơ cấu, vai trò và đặc điểm ngành dịch vụ
1. Cơ cấu
- Cơ cấu ngành dịch vụ được thể hiện ở tỉ trọng giá trị sản xuất của từng ngành (nhóm ngành) trong toàn bộ hệ thống các ngành dịch vụ.
- Phân loại: Dịch vụ kinh doanh; dịch vụ tiêu dùng; dịch vụ công.
Hình 33. Sơ đồ cơ cấu ngành dịch vụ
2. Vai trò
Sự phát triển ngành dịch vụ có vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất và đời sống xã hội:
- Thúc đẩy sự phát triển và phân bố của các ngành kinh tế khác.
- Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế.
- Khai thác có hiệu quả các nguồn lực tự nhiên và kinh tế - xã hội để phát triển đất nước.
- Thúc đẩy liên kết giữa các ngành kinh tế, vùng lãnh thổ và hội nhập kinh tế quốc tế.
- Tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.
- Nâng cao đời sống văn hóa, văn minh cho người dân.
3. Đặc điểm
- Sản phẩm của ngành dịch vụ thường không phải là vật chất cụ thể.
- Có sự liên kết chặt chẽ với các ngành kinh tế khác và là mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất.
- Có cơ cấu ngành đa dạng, có sự thay đổi nhanh về quy mô, loại hình dịch vụ.
- Thành tựu khoa học - công nghệ đang được ứng dụng mạnh mẽ trong ngành dịch vụ.
II. Các nhân tố ảnh hướng đến sự phát triển và phân bố ngành dịch vụ
- Vị trí địa lí ảnh hưởng đến sự lựa chọn địa điểm phân bố, sự liên kết phát triển, sự hội nhập quốc tế,... của ngành dịch vụ.
- Điều kiện kinh tế - xã hội
+ Trình độ phát triển kinh tế mang tính quyết định tình hình phát triển và phân bố.
+ Dân số đông ảnh hưởng đến quy mô phát triển ngành dịch vụ.
+ Cơ cấu dân số và lịch sử - văn hóa tạo nên sự đa dạng về sản phẩm dịch vụ.
+ Phân bố dân cư, sự phát triển cơ sở hạ tầng ảnh hưởng đến mạng lưới phân bố.
+ Xu hướng tiêu dùng, tiến bộ khoa học - công nghệ, chính sách phát triển và hội nhập ảnh hưởng đến xu hướng phát triển ngành.
- Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên là tiền đề vật chất cho sự phát triển và phân bố ngành dịch vụ.
B. 15 câu trắc nghiệm Địa lí 10 Bài 33: Cơ cấu, vai trò, đặc điểm và các nhân tố ảnh hưởng đên sự phát triển, phân bố dịch vụ
Câu 1. Nhân tố nào sau đây có tác động lớn nhất đến sức mua, nhu cầu dịch vụ?
A. Mức sống và thu nhập thực tế.
B. Phân bố và mạng lưới dân cư.
C. Quy mô và cơ cấu dân số.
D. Trình độ phát triển kinh tế.
Đáp án: A
Giải thích: Nhân tố có tác động lớn nhất đến sức mua, nhu cầu dịch vụ là mức sống và thu nhập thực tế.
Câu 2. Điều kiện để phát triển mạnh ngành du lịch không phải có
A. quy mô dân số lớn, gia tăng dân số cao.
B. nhu cầu xã hội về du lịch, nghỉ dưỡng.
C. tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng.
D. hệ thống các cơ sở phục vụ du lịch tốt.
Đáp án: A
Giải thích: Điều kiện để phát triển mạnh ngành du lịch là nhu cầu xã hội về du lịch, nghỉ dưỡng; nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng và hệ thống các cơ sở phục vụ du lịch tốt.
Câu 3. Nhân tố nào sau đây có tác động lớn nhất đến việc đầu tư bổ sung lao động cho ngành dịch vụ?
A. Quy mô và cơ cấu dân số.
B. Mức sống và thu nhập thực tế.
C. Phân bố và mạng lưới dân cư.
D. Năng suất lao động xã hội.
Đáp án: D
Giải thích: Nhân tố có tác động lớn nhất đến việc đầu tư bổ sung lao động cho ngành dịch vụ là năng suất lao động xã hội.
Câu 4. Về kinh tế, ngành dịch vụ có vai trò nào sau đây?
A. Tăng cường toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường.
B. Góp phần khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
C. Các hoạt động sản xuất, phân phối diễn ra một cách thông suốt.
D. Các lĩnh vực của đời sống xã hội và sinh hoạt diễn ra thuận lợi.
Đáp án: C
Giải thích:
Vai trò về kinh tế:
- Dịch vụ giúp các hoạt động sản xuất, phân phối diễn ra một cách thông suốt, đạt hiệu quả cao và giảm rủi ro.
- Dịch vụ thúc đẩy sự phân công lao động, hình thành cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế hợp lí, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Dịch vụ góp phần tăng thu nhập quốc dân cũng như thu nhập của cá nhân trong xã hội.
Câu 5. Về mặt xã hội, ngành dịch vụ có vai trò nào sau đây?
A. Các lĩnh vực của đời sống xã hội và sinh hoạt diễn ra thuận lợi.
B. Các hoạt động sản xuất, phân phối diễn ra một cách thông suốt.
C. Tăng cường toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường.
D. Góp phần khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
Đáp án: A
Giải thích: Về mặt xã hội, dịch vụ giúp cho các lĩnh vực của đời sống xã hội và sinh hoạt công cộng diễn ra thuận lợi, nâng cao đời sống con người.
Câu 6. Yếu tố nào sau đây có quan hệ đặc biệt đến sự phát triển của du lịch quốc tế?
A. Tài nguyên thiên nhiên, nhân văn độc đáo.
B. Quy mô dân số lớn, gia tăng dân số nhanh.
C. Hệ thống các cơ sở phục vụ du lịch hiện đại.
D. Cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển mạnh.
Đáp án: A
Giải thích: Yếu tố có quan hệ đặc biệt đến sự phát triển của du lịch quốc tế là nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhân văn độc đáo. Ví dụ: Quốc gia nào có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng (nhân văn, tự nhiên,…) sẽ thu hút mạnh du khách quốc tế đến thăm quan, nghỉ dưỡng và khám phá,…
Câu 7. Sự phân bố các ngành dịch vụ tiêu dùng gắn bó mật thiết với phân bố
A. giao thông.
B. dân cư.
C. công nghiệp.
D. nông nghiệp.
Đáp án: B
Giải thích: Sự phân bố các ngành dịch vụ tiêu dùng (y tế, giáo dục, thể dục, thể thao, du lịch, bán buôn, bán lẻ,…) gắn bó mật thiết với phân bố dân cư. Ví dụ: Ở các đô thị dân cư tập trung đông đúc nên các ngành dịch vụ tiêu dùng rất phát triển.
Câu 8. Các dịch vụ công gồm có
A. hành chính công, thủ tục hành chính, vệ sinh môi trường.
B. bán buôn, bán lẻ, y tế, giáo dục, thể dục, thể thao, du lịch.
C. bán buôn, bán lẻ, sửa chữa, du lịch, giáo dục, thể dục, y tế.
D. tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải hàng hóa, bưu chính.
Đáp án: A
Giải thích:
Người ta thường chia dịch vụ thành ba nhóm:
- Dịch vụ kinh doanh: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải hàng hóa, bưu chính viễn thông,…
- Dịch vụ tiêu dùng: bán buôn, bán lẻ, y tế, giáo dục, thể dục, thể thao, du lịch,...
- Dịch vụ công: hành chính công, hoạt động đoàn thể, thủ tục hành chính, vệ sinh môi trường,...
Câu 9. Về mặt môi trường, ngành dịch vụ có vai trò nào sau đây?
A. Các hoạt động sản xuất, phân phối diễn ra một cách thông suốt.
B. Các lĩnh vực của đời sống xã hội và sinh hoạt diễn ra thuận lợi.
C. Tăng cường toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường.
D. Góp phần khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
Đáp án: D
Giải thích: Về mặt môi trường, dịch vụ góp phần khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Câu 10. Nhân tố nào sau đây có tác động lớn nhất đến mạng lưới ngành dịch vụ?
A. Trình độ phát triển kinh tế.
B. Quy mô và cơ cấu dân số.
C. Phân bố và mạng lưới dân cư.
D. Mức sống và thu nhập thực tế.
Đáp án: C
Giải thích: Nhân tố có tác động lớn nhất đến mạng lưới ngành dịch vụ là đặc điểm dân số, phân bố dân cư và mạng lưới đô thị, quần cư.
Câu 11. Hoạt động nào sau đây thuộc dịch vụ kinh doanh?
A. Bảo hiểm, hành chính công.
B. Các hoạt động đoàn thể.
C. Giáo dục, thể dục, thể thao.
D. Ngân hàng, bưu chính.
Đáp án: D
Giải thích:
Người ta thường chia dịch vụ thành ba nhóm:
- Dịch vụ kinh doanh: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải hàng hóa, bưu chính viễn thông,…
- Dịch vụ tiêu dùng: bán buôn, bán lẻ, y tế, giáo dục, thể dục, thể thao, du lịch,...
- Dịch vụ công: hành chính công, hoạt động đoàn thể, thủ tục hành chính, vệ sinh môi trường,...
Câu 12. Nhân tố nào sau đây có tác động lớn nhất đến tốc độ phát triển, cơ cấu, mạng lưới ngành dịch vụ?
A. Phân bố và mạng lưới dân cư.
B. Đặc điểm dân số, lao động.
C. Trình độ phát triển kinh tế.
D. Mức sống và thu nhập thực tế.
Đáp án: B
Giải thích:
Nhân tố kinh tế - xã hội có ý nghĩa quan trọng nhất tới sự phát triển và phân bố dịch vụ.
- Trình độ phát triển kinh tế mang tính quyết định đến định hướng phát triển, trình độ phát triển, quy mô của dịch vụ.
- Đặc điểm dân số, lao động ảnh hưởng tới tốc độ phát triển, quy mô, cơ cấu, mạng lưới dịch vụ.
- Vốn đầu tư, khoa học - công nghệ ảnh hưởng tới quy mô, trình độ phát triển dịch vụ.
- Thị trường ảnh hưởng tới hướng phát triển, tốc độ và quy mô phát triển dịch vụ.
Câu 13. Các dịch vụ tiêu dùng gồm có
A. bán buôn, bán lẻ, sửa chữa, du lịch, giáo dục, thể dục, y tế.
B. tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải hàng hóa, bưu chính.
C. bán buôn, bán lẻ, y tế, giáo dục, thể dục, thể thao, du lịch.
D. hành chính công, thủ tục hành chính, vệ sinh môi trường.
Đáp án: C
Giải thích:
Người ta thường chia dịch vụ thành ba nhóm:
- Dịch vụ kinh doanh: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải hàng hóa, bưu chính viễn thông,…
- Dịch vụ tiêu dùng: bán buôn, bán lẻ, y tế, giáo dục, thể dục, thể thao, du lịch,...
- Dịch vụ công: hành chính công, hoạt động đoàn thể, thủ tục hành chính, vệ sinh môi trường,...
Câu 14. Về kinh tế, ngành dịch vụ không có vai trò nào sau đây?
A. Tăng thu nhập quốc dân, thu nhập của các cá nhân trong xã hội.
B. Tăng cường toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và bảo vệ môi trường.
C. Thúc đẩy sự phân công lao động và hình thành cơ cấu lao động.
D. Các hoạt động sản xuất, phân phối diễn ra một cách thông suốt.
Đáp án: B
Giải thích:
Vai trò về kinh tế:
- Dịch vụ giúp các hoạt động sản xuất, phân phối diễn ra một cách thông suốt, đạt hiệu quả cao và giảm rủi ro.
- Dịch vụ thúc đẩy sự phân công lao động, hình thành cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế hợp lí, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Dịch vụ góp phần tăng thu nhập quốc dân cũng như thu nhập của cá nhân trong xã hội.
Câu 15. Lao động trong các ngành dịch vụ ở các nước đang phát triển còn ít không phải vì do
A. trình độ phát triển kinh tế và năng suất lao động xã hội còn thấp.
B. cơ cấu dân số trẻ, người lao động còn ít kinh nghiệm làm dịch vụ.
C. trình độ đô thị hóa thấp, mạng lưới đô thị kém phát triển, ít thị dân.
D. ảnh hưởng còn hạn chế của cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật.
Đáp án: B
Giải thích: Lao động trong các ngành dịch vụ ở các nước đang phát triển còn ít chủ yếu là do ít chịu ảnh hưởng của cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật, trình độ đô thị hóa thấp, mạng lưới đô thị kém phát triển, ít thị dân, trình độ phát triển kinh tế và năng suất lao động xã hội còn thấp.
Xem thêm các bài tóm tắt Lý thuyết Địa lí lớp 10 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Lý thuyết Địa lí 10 Bài 34: Địa lí ngành giao thông vận tải
Lý thuyết Địa lí 10 Bài 35: Địa lí ngành bưu chính viễn thông
Lý thuyết Địa lí 10 Bài 36: Địa lí ngành thương mại
Lý thuyết Địa lí 10 Bài 37: Địa lí ngành du lịch và tài chính-ngân hàng