Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Nghị luận phân tích, đánh giá đoạn trích Kiêu binh nổi loạn Ngữ văn 10 Cánh diều, gồm dàn ý và các bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo từ đó học cách viết văn hay hơn.
Nghị luận phân tích, đánh giá đoạn trích Kiêu binh nổi loạn
Đề bài: Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá đoạn trích Kiêu binh nổi loạn (Hoàng Lê nhất thống chí – Ngô gia văn phái).
Dàn ý Nghị luận phân tích, đánh giá đoạn trích Kiêu binh nổi loạn
1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích.
2. Thân bài:
2.1. Nội dung chính và chủ đề:
- Nội dung chính: Đoạn trích kể về việc kiêu binh nổi loạn, giết chết Quận Huy, phế Trịnh Cán để lập Trịnh Tông làm chúa.
- Chủ đề: tái hiện lại tình cảnh khủng hoảng của xã hội lúc bấy giờ.
2.2 Phân tích chủ đề:
a. Âm mưu của Trịnh Tông:
- Trịnh Tông nghe theo lời xúi giục của Dự Vũ và Gia Thọ lên kế hoạch lật đổ Quận Huy.
- Trịnh Tông cho người làm cơm mời rượu, rồi khích động tinh thần của đám kiêu binh.
=> Trịnh Tông, Dự Vũ và Gia Thọ là những kẻ hèn nhát, "ném đá giấu tay", mượn tay người để làm được việc của mình.
b. Diễn biến cuộc nổi loạn:
* Trước khi nổi loạn:
+ Bằng Vũ khởi xướng, đứng đầu, là kẻ điêu toa, chuyên xui nguyên giục bị.
=> Lời nói của Bằng Vũ càng khiến cho tinh thần của đám kiêu binh trở nên sục sôi.
+ Quận Huy biết tai họa xảy ra nhưng vẫn không nâng cao cảnh giác, cho đó là tin đồn nhảm.
=> Không đề phòng, thiếu mưu lược.
* Trong cuộc nổi loạn:
- Hành động của đám kiêu binh:
+ Bằng Vũ đánh ba hồi, báo hiệu cho đám kiêu binh.
=> Thực hiện theo đúng kế hoạch và lời thề đã bàn tính trước.
+ Đám kiêu binh tức thì nhảy nhót hăng hái, xô lấn vào trong phủ.
+ Đập phá, tấn công vô cùng mạnh bạo.
+ Dùng câu liếm móc cổ Quận Huy kéo xuống, đánh đấm túi bụi, giết chết tại chỗ. Đồng thời lấy gạch đập vỡ đầu Hoàng Lương rồi vứt xuống hồ Thủy Quân.
=> Hành động vô cùng ghê rợn, tàn nhẫn, cho thấy sức mạnh kinh hoàng của đám đông.
- Tâm trạng của Quận Châu khi đứng trước sự uy hiếp của đám kiêu binh: run sợ, phải chạy đến mở cửa.
- Hành động của Quận Huy:
+ Giương cung định bắn nhưng bị đứt dây, vớ súng nạp đạn nhưng mồi lửa tịt không cháy.
=> Quận Huy biết được sự việc diễn ra nhưng không có sự đề phòng, chuẩn bị, coi thường kẻ địch, đám đông. Cuối cùng, phải nhận lấy kết cục bi thảm.
* Kết cục của cuộc nổi loạn:
- Anh em Quận Huy chết, Trịnh Tông lên ngôi chúa.
* Sau khi cuộc nổi loạn diễn ra:
- Đám kiêu binh vẫn lộng hành, bức ép chúa cũ, trả thù các đại thần vô cùng tàn nhẫn.
- Trịnh Tông bất lực, không thể kiểm soát, sai người lén đến bắt phứa dân thường để chém ra oai. Tuy nhiên, việc lùng người để giết vẫn xảy ra.
=> Trịnh Tông đứng đầu nhưng không có tài cán, không thể kiểm soát được tình hình.
2. 3. Đánh giá:
a. Nội dung:
- Tác phẩm đã tái hiện lại một giai đoạn lịch sử đầy hỗn loạn vào thời Trịnh Sâm.
- Đồng thời, tác phẩm còn cho thấy sức mạnh của đám đông. Đám đông có thể đưa một người lên cao nhưng cũng có thể phế truất họ bất cứ lúc nào.
- Bài học về sự đề phòng, cảnh giác trước nanh vuốt của kẻ thù.
b. Nghệ thuật:
- Yếu tố tự sự kết hợp với miêu tả khiến câu chuyện hiện lên một cách sinh động, cụ thể.
- Lối kể hấp dẫn, các sự kiện được kể theo trình tự hợp lí, rành mạch.
- Biện pháp nghệ thuật so sánh, đối lập độc đáo.
- Nhân vật được xây dựng thông qua lời nói và hành động.
3. Kết bài:
- Khẳng định giá trị của đoạn trích.
Nghị luận phân tích, đánh giá đoạn trích Kiêu binh nổi loạn - Mẫu 1
Văn học trung đại Việt Nam là một bề dày của lịch sử, là những tinh túy của con người thế hệ đi trước trải nghiệm cuộc sống của giai đoạn trung cổ viết lại và lưu truyền cho đến ngày nay. Và trong những tác phẩm tiêu biểu đó có “Hoàng lê nhất thống chí” của Ngô gia văn phái. Một tác phẩm viết lại hết những dữ dội của dòng chảy lịch sử trung đại, khái quát lên khung cảnh đầy dãy những sự tranh đoạt đẫm máu để tranh giành quyền lực thống trị thiên hạ. Và đoạn trích “Kiêu binh nổi loạn” trong tác phẩm này đã lột tả hết được sự thối nát, suy tàn của Phủ chúa Trịnh: chỉ vì ngôi báu thống trị thiên hạ mà cha, con, anh, em nổi máu tham lam đấu đá, cấu xé nhau chỉ vì quyền lực. Sự thối nát, tranh đoạt đến mức việc phế chuất con trưởng lập con thứ thay quyền thống trị. Lợi ích, chia bè kết phái để thảo mãn lòng tham của bản thân, bị lợi ích che mờ con mắt khiến đất nước rơi vào lầm than. Con dân khổ cực chăm bề, loạn lạc, rối ren khiến cho tình hình đất nước rơi vào mất kiểm soát.
Qua đoạn trích, ta có thể thấy rõ hoàn cảnh bấp bênh một mất một còn thông qua cuộc tranh quyền đoạt vị ấy nhưng người đang bị thất thế khiến cho mạng sống khó được bảo toàn của Trịnh Tông, phải nhờ đến sự trợ lực của mẹ là Thái phi họ Dương che chở trước sự đe dọa quận Huy mới tạm thời dập bớt mối nguy nan.
Với ngòi bút tả thực và có tính giải thích cặn kẽ qua nghệ thuật dùng từ, ta có thể hiểu rằng sự nổi loạn của lính kiêu binh là bởi vì họ là người thuộc phe của Trịnh Tông. Ông ta mà bị diệt khẩu thì họ cũng khó giữ lại được hơi tàn của mạng sống. Số phận thuộc “thuận nước thì đẩy thuyền, thuyền chìm là mất mạng” số phận đám tôi tớ, gia thần, binh lính của triều đại phong kiến là vậy. Hễ chỗ nào có lợi thì theo, chủ tử mà mất mạng thì đến phận như họ cũng khó mà tồn tại. Điều đó được lột tả qua hàng loạt nhân vật như: Dự Vũ, đầu bếp của Tông; Gia Thọ là gia thần, Bằng Vũ là gia binh. Chúng đều có một nỗi uất hận và căm phẫn quận Huy - kẻ thù quyết không đội trời chung của chúng. Vì thế, lời nói của Dự Vũ, Gia Thọ đều có tính chất xúi giục, hậu thuẫn cho Tông làm phản. Tông mời cơm ngỏ ý chỉ là một biểu hiện phó thác chính thức, lái mũi nhọn chĩa vào quận Huy.
Tác phẩm hẳn đã được tác giả đặt hết tâm huyết thì mới tả thực được khung cảnh đẫm mùi “thuốc súng” đến như vậy, chỉ qua lời nói của nhân vật Dự Vũ thôi đã có thể hiểu nỗi lòng “căm ghét”, “hậm hực”, và toát lên được mục đích cùng nhau nổi loạn của kiêu binh để có thể trả thù, rửa hận, tận lòng muốn “diệt cỏ tận gốc” để hả hê được lòng căm phẫn quyết “không đội tròi chung” với kẻ họ ghét cay ghét đắng.
Lòng người là cái động không đáy, điều đó được thể hiện qua sự can thiệp của đám quý tộc quyền hành, thân tộc trong phủ điển hình như quận Viêm, con của hắn là Chiếu lĩnh bá, quận Hoàn, Thánh mẫu… vì lợi ích của bản thân mà a dua nịnh nọt, thả ra những lời ong bướm, mật rót vào tai ôm chân kẻ có quyền thế. Nhưng những điều ấy để làm gì, là để lấy công, lấy được sự tín nhiệm và thừa cơ đó mà vơ hết lợi lộc lại để tận hưởng. Tiêu biểu cho thái độ bàng quan là Viêm quận công. Tiêu biểu cho thái độ hớt công là Bùi Bật Trực và Chiếu lĩnh bá. Nhờ có sự can thiệp này mà chúng ta có thể nhận rõ được sự lụi bại của phủ Chúa. Quyền lực suy tàn, bất lực nên để đám kiêu binh tác oai tác quái, làm chủ cuộc chiến. Kẻ đáng ra nên cầm quyền thì chẳng khác gì bù nhìn, còn đám lưu manh thì lại cầm quyền trung ương và bắt đầu dở thói lưu manh để giải quyết lẫn nhau. Ai ngáng đường chúng, chúng sẵn sàng san phạt để đạt được mưu lợi cao nhất.
Đoạn trích hiện như một bức tranh sinh động khi miêu tả chân thực của cuộc hỗn chiến của binh lính. Qua hình ảnh của cuộc chiến, ta có thể nhận thấy rằng uy lực của họ thật mạnh. Lòng căm phẫn vì nhục mạ, khinh nhãi lại họ mà họ cùng nhau nổi loạn để rửa thù, gạt hận, cùng nhau thống nhất chung sức chiến đấu. Cuộc chiến hiện lên như một dấu chấm đỏ rực soi sáng sự kiện lịch sử năm đó. Qua việc xúi giục, “đẩy thuyền” Trịnh Tông, họ dàn dựng kế hoạch, bầu người người thủ lĩnh cùng vạch sẵn kế hoạch để nổi loạn, không cần có người dật dây để họ làm vậy. Trịnh Tông chỉ là kẻ hùa theo cùng họ, vì Y hiện tại chả khác gì một con bù nhìn rơm, chỉ đâu đánh đó. Khi có tiếng trống vang lên, quân lính “nhảy nhót, hang hái, cầm binh khí xô lấn vào phủ”, “họ reo hò quát long trời lở đất”.
Đến bối cảnh tiêu diệt được quận Huy, ta có thể hình dung được sức mạnh của cuộc nổi loạn này mạnh mẽ đến đây. Họ dấy lên dạo Châu. Thoạt đầu, họ vẫn còn theo thói cũ là phục tục nghe mệnh lệnh, vì họ lúc bấy giờ vẫn còn đề phòng và sợ quận Huy, song chỉ được một lúc thì họ dấy lên phản loạn, họ nhao nhao lên như bày kiến vỡ tổ bâu lấy “chân voi”, họ bao vây dùng gạch ngói để tấn công voi chiến của quận Huy, dùng câu liêm kéo quản tượng xuống giết, rồi họ kéo quận Huy xuống trừ khử, mổ bụng để lấy gan ăn sống và cùng lúc đó lấy đá đè chết em quận Huy. Tất cả thêu dệt lên một bức tranh sinh động như thật diễn ra ngay trước mắt người đọc, cảm giác mọi thứ cứ như đang diễn ra, sự mạnh mẽ vùng lên đòi “công đạo”, tiếng hò reo cứ như đang diễn ra thật y như hiện tại đang tiếp diễn. Tất cả sự bạo loạn ấy diễn ra cụ thể và thể hiện sức mạnh của đám đông và từ đó thể hiện một điều “có thể nâng lên được thì cũng có thể dìm xuống được”.
Qua sự miêu tả chân thực của tác phẩm, ta thấy Trịnh Tông chính là ông vua bù nhìn chính hiệu, hắn có thể lên được ngôi báu cũng chỉ là do “ăn may”, nói một cách chính xác là do sự nổi loạn của đám kiêu binh. Thành ra, đã ngồi ở ví trí là Chúa rồi nhưng hắn chẳng thể bình ổn được đám binh nhiễu loạn. Mặc cho đám phản loạn ấy lộng hành thành thổ phỉ ứng hiếp con dân của hắn, đám phản loạn đó cướp của, giết người, đốt nhà, phá làng xóm… hắn chả thể bình ổn được cái gọi là “giang sơn” của mình, hắn cứ như tên hề đang ngồi xem diễn trò, điều này thể hiện rõ trong việc hắn bị đám phản loạn ấy biến thành quả cầu nâng lên hạ xuống giữa tiếng reo hò của loạn quân và dân chúng trong chợ. Thật nực cười rằng, sau cuộc đấu đá nhau một mất một còn lại có kết quả thật hài hước đến vậy. Chả biết có nên cười hắn hay nên thương hắn đây? Một vị Chúa đáng ra phải uy nghi lẫm liệt, tiếng nói thét ra lửa, một bậc đế vương trên cả vạn người đáng ra phải “nói có nghe, đe có kẻ sợ”, ấy vậy mà trở thành đồ vật bị bọn phản loạn biến thành trò cười giữa thanh thiên bạch nhật trước bao con dân của hắn. Tình cảnh bây giờ thật là châm biếm cho chúa Trịnh Tông và cả đám quý tộc vì tưởng thân phận cao quý có quyền lực trong tay nhưng bây giờ chả khác gì những hình nhân giấy vô chi vô giác, bất lực chẳng thể làm gì.
Đoạn trích cho thấy Trịnh Tông, Thánh mẫu chỉ là đám bèo bọt trôi nổi trên bề mặt dòng thác lịch sử. Tông chỉ là con rối trong tay kiêu binh. Chỉ của Thánh mẫu chỉ là bản viết tức thời trước việc đã rồi. Khi kiêu binh thừa thế đốt phá, trả thù riêng, “Tông hạ chỉ ngăn cấm mà họ vẫn không thôi” chứng tỏ Tông chẳng có chút uy quyền nào cả. Khi chúa vờ giết phứa “một người thường dân” (vì không dám đụng vào kiêu binh!) thì việc phá phách mới tạm ngừng, nhưng việc bắt người vẫn đang tiếp tục. Đoạn văn đã cho thấy làn sóng nổi loạn của quân lính và số phận bèo bọt của một vương triều, chứng tỏ sự thối nát cùng cực của một chế độ.
Qua bút pháp tả như người kể truyện chân thực bên tai, ta đã thấy sự bi hài của một khoảng lịch sử trung đại của dân tộc ta. Bi ở đây là sau trận chiến đấu đá để tranh quyền đoạt vị của gia tộc đế vương khiến cho đất nước lầm than, loạn lạc, tệ nạn xã hội lộng hành khiến khung cảnh tiêu điều mà tan tác. Hài ở đây là Nước có người thống trị nhưng chỉ là hình thức. Kẻ được cho là thiên tử kia chả khác gì bù nhìn, không quyền, không thế. Tưởng rằng sau trận chiến tranh đoạt ngôi vị thì có thể “một tay che trời” ấy vậy mà giờ đây chả khác gì món đồ vật cho kẻ khác mua vui.
Qua những ngòi bút biên sử chân thật như những thước phim đặc sắc nhưng mang lại nhiều những giá trị của một biên niên đại. Qua những giá trị đó ta có thể hiểu hết được một khoảng thời gian cai trị như không của chúa Trịnh Tông, một khung cảnh tàn thương của một đất nước. Qua đó, ta cũng thấy sự mỉa mai của tác giả cho những kẻ mưa quyền đạt lợi nhưng không thể đạt được mục đích vì chính quyền đã quá thối nát. Một bộ máy cai trị đang trong kỳ “hấp hối chờ chết”. Ấy nhưng cũng có lẽ là một niềm hy vọng le lói của tác giả mong muốn có một tương lai tốt đẹp thay thế cho khung cảnh lụi tàn của một triều đại suy vong?
Nghị luận phân tích, đánh giá đoạn trích Kiêu binh nổi loạn - Mẫu 2
Đoạn trích “Kiêu bình nổi loạn” thuộc hồi thứ hai trong tác phẩm “Hoàng Lê Nhất Thống Trí” của tác giả Ngô Gia Văn Thái kể về sự nổi loạn của đoàn kiêu binh hung bạo, tiến đánh phủ Trịnh, giết quận Huy và lập Trịnh Tông lên ngôi vua chúa. Mở đầu là cuộc trò chuyện của Thế tử Trịnh Tông với Dự Vũ và Gia Thọ. Trong tình cảnh lúc bấy giờ, lính kiêu binh phần lớn đều theo phe của Trịnh Tông nên nếu Tông bị diệt trừ thì họ sẽ mất đi một tấm bình phong vững chắc. Vậy nên từng câu nói của Dự Vũ và Gia Thọ đều mang tính xúi giục, hậu thuẫn cho Tông làm phản. Vũ Bằng đưa ra kế hoạch chiêu mộ kiêu binh, quyết định quyết định ngày khởi sự. Chỉ cần một hồi chống vang lên, tất cả quân lính sẵn sàng cầm binh khí tấn công vào trong phủ. Với khí thế hùng hậu, long trời lở đất, đoàn kiêu binh như đàn ngựa non háu đá tiến đánh thẳng vào phủ. Vì sự chủ quan của quận Huy đã là cơ hộ cho kiêu binh thừa thắng xông lên, ngoắc cổ quận Huy, giết chết ngay tại chỗ. Tất cả sự nổi loạn đó hiện lên một cách tàn bạo, sống động. Sự bất lực thảm hại của phe quần Huy thể hiện rất rõ, hai anh em quận Huy bị giết nhanh chóng. Tuy tình thế thắng lợi, Trịnh Tông lên ngôi với tâm thế bất lực, ngao ngán trước hành động mất kiểm soát của đoàn kiêu binh. Với bút pháp tả thực kết hợp sử dụng tư liệu cụ thể về tính cách các nhân vật, sự việc, tất cả sự nổi loạn đó hiện lên một cách tàn bạo, sống động. Đoạn trích “Kiêu binh nổi loạn”thể hiện sự thối nát của phủ Chúa Trịnh và sự căm phẫn, nổi loạn của đoàn kiêu binh đối với cách làm của chú Trịnh và quận Huy.
Nghị luận phân tích, đánh giá đoạn trích Kiêu binh nổi loạn - Mẫu 3
Đoạn trích “Kiêu binh nổi loạn” của tác giả Ngô Gia Văn Thái nói về sự thối nát của phủ Trịnh và sự nổi dậy của kiêu binh vì căm ghét, phẫn nộ với cách làm của chúa Trịnh và quận Huy.Bối cảnh đầu tiên là cuộc nói chuyện giữa Thế tử Trịnh Tông với Dự Vũ, Gia Thọ.Hai người họ xúi giục Trịnh Tông làm phản: “Lòng người như thế nếu lấy nghĩa khí mà hành động... thì mọi việc ắt thành”. Đội quân binh lính hăng hái đến họp bàn thế trận, lúc đó Vũ Bằng đưa ra kế sách của mình và được mọi người đồng tình ủng hộ:“Chỉ sợ anh em không cùng một bụng thôi...Vứt chỏng gọng xuống dưới thềm một cái là xong thôi mà!”.Đám kiêu binh nổi loạn, ngang tàn xông thẳng vào phủ giết và đốt phủ của quận Huy. Sau cái chết của quận Huy, quân lính vui mừng phò thể tử Tông lên làm chúa. Nhưng bi đát thay, Trịnh Tông ngồi lên ngai vàng với tâm thế bất lực bởi Trịnh Tông lên ngôi chẳng khác gì bù nhìn,hoàn toàn nhờ chỗ dựa là đám lính tráng tự phát nổi lên.Bút pháp nghệ thuật tài tình của tác giả ấn dấu sự mỉa mai và xót thương cho đất nước trước tình cảnh thối nát dưới ách đô hộ chính quyền chú Trịnh và sự căm thù, khinh miệt của đoàn kiêu binh nổi loạn.
Nghị luận phân tích, đánh giá đoạn trích Kiêu binh nổi loạn - Mẫu 4
Cuộc tranh giành đó Trịnh Tông là kẻ đang bị thất thế, có nguy cơ bị hại, phải nhờ mẹ là thái phi họ Dương kêu với quận Huy mới bảo toàn được tính mệnh.
Lính kiêu binh phần nhiều đều thuộc phe của Trịnh Tông. Tông mà bị diệt trừ thì họ mất chỗ dựa và có thế bị diệt theo. Số phận của các đám gia thần, tôi tớ, binh lính của các tập đoàn phong kiến xưa nay là vậy. Có thể kế các nhân vật kiêu binh như: Dự Vũ, đầu bếp của Tông; Gia Thọ là gia thần, Bằng Vũ là gia binh. Chúng căm ghét quận Huy như kẻ thù của chúng.
Vì thế, lời nói của Dự Vũ, Gia Thọ đều có tính chất xúi giục, hậu thuẫn cho Tông làm phản. Tông mời cơm ngỏ ý chỉ là một biểu hiện phó thác chính thức, lái mũi nhọn chĩa vào quận Huy.
Mục đích nổi loạn cùa kiêu binh là trả thù, rửa hận. Lời nói của Dự Vũ đã cho thấy quân lính “căm ghét”, “hậm hực” khinh bỉ cách làm của chúa Trịnh và quận Huy, chỉ muốn diệt trừ cho hả giận. Đề xuất kế sách của Bằng Vũ chứng tỏ quân lính rất khinh nhờn thế lực của phủ chúa: “Đánh một hồi trống làm hiệu, rồi kẻo ùa cả vào, nắm cẳng hắn, vứt chỏng gọng xuống dưới thềm một cái là xong thôi mà!”.
Sự can thiệp của bọn quý tộc, thân tộc trong phủ như quận Viêm, con hắn là Chiếu lĩnh bá, quận Hoàn, Thánh mẫu... cho thấy chúng chỉ muốn lợi dụng để hớt lấy công hoặc che chắn đế bảo vệ quyền lợi mình. Tiêu biểu cho thái độ bàng quan là Viêm quận công. Tiêu biểu cho thái độ hớt công là Bùi Bật Trực và Chiếu lĩnh bá. Mặt khác qua sự can thiệp này ta thấy phủ chúa hoàn toàn bất lực, kiêu binh lộng hành, làm chủ tình thế. Ở nơi tập trung quyền hành trung ương chỉ là một đám lưu manh họp chợ để giở thói côn đồ thanh toán nhau!
Đoạn văn đã miêu tả một cuộc nổi loạn của binh lính. Thế lực của họ thật mạnh. Xuất phát từ lòng căm phẫn, khinh bỉ, muốn rửa hận, trả thù, quân kiêu binh đã tụ tập, bàn định và thống nhất với nhau rất nhanh. Họ nổi lên chi phối các sự kiện lịch sử. Họ mớm lời và xúi giục Trịnh Tông, họ quyết định cách nổi loạn, bầu người chủ mưu, không cần chỉ dụ của ai hết. Trịnh Tông phó thác chỉ là kẻ ăn theo, Trần Hữu Cầu viết hịch chỉ là một việc hiếu sự. Bằng Vũ quyết định ngày khởi sự, không cần tâu với Thánh mẫu. Khi nghe tiếng trống, quân lính “nhảy nhót, hăng hái, cầm binh khí xô lấn nhau mà vào trong phủ”, “họ hò reo quát tháo long trời lở đất”.
Đoạn giết quận Huy đã thế hiện sức mạnh của kiêu binh. Họ dọa quận Châu. Thoạt đầu, do thói quen phục tùng, họ sợ quận Huy, song chỉ được một lát, từ tư thế ngồi họ nhao nhao đứng dậy vây lấy voi chiến, nềm gạch ngói vào voi, dùng câu liêm kéo quản tượng xuống giết, rồi kéo quận Huy xuống đánh chết, mồ bụng lấy gan ăn sống, sau đó lấy đá ghè chết em quận Huy. Tất cả sự nổi loạn, tàn bạo đã thể hiện cụ thể, sống động, nó cho thấy sức mạnh của đám đông có thể làm nổi thuyền, có thể làm lật thuyền.
Trịnh Tông đúng là ông chúa bù nhìn, hắn lên ngôi chúa hoàn toàn nhờ sự đưa đẩy tình cờ của số phận, tất cả chỗ dựa là đám lính tráng tự phát nổi lên. Cho nên khi đã làm chúa rồi, vẫn không sao làm chủ được đám âm binh làm loạn: phá nhà, giết người, cướp của... Trịnh Tông trở thành nhân vật hài hước khi được bọn lính tráng đặt lên cái mâm rồi nâng lên hạ xuống như “giỡn quả cầu” trong tiếng reo hò của đám loạn quân và dân hàng phố đông như họp chợ...
Kiêu binh đã lập Trịnh Tông lên, cảnh khiêng Tông trên chiếc mâm gỗ, đưa lên, đưa xuống, mọi người xúm lại đông như họp chợ. Hai tiếng “họp chợ” thật mỉa mai! Họ lại đặt sập gụ ngoài phủ đường để đưa Tông lên ngôi. Mấy chữ “ngoài phủ đường” cũng hài hước, chẳng có chút ụy nghiêm nào. Họ lại xin di phá tất cả dinh cơ quận Huy, làm náo động kinh thành liền trong mấy ngày.
Trái lại với sức mạnh bạo lực của kiêu binh, giai cấp thống trị tỏ ra hoàn toàn bất lực và thảm hại.
Sự bất lực thảm hại của phe quận Huy đã quá rõ. Không đề phòng, thiếu mưu lược, sờ đến cung thì cung đứt dây, sờ đến súng thì súng không nổ! Hai anh em Huy bị giết nhanh chóng! Chúa thì chạy trốn, đói bụng khóc nheo nhéo phải dọa bị bắt mới không khóc nữa. Những kẻ nắm quyền quốc gia trong phủ mà như thế, thật là hài hước hết mức!
Phe theo Tông cũng bất lực không kém. Quận Châu lúc đầu theo Huy đứng trong cửa định lên giọng đe quân lính. Kiêu binh mới đe một câu liền mở cửa ngay. Thế mà khi kiêu binh đã giết hết anh em quận Huy rồi, Châu còn phất cờ đuôi báo và khua chiêng thu quân, làm như mình đã là người chỉ huy quân đội của phe Trịnh Tông vậy!
Đoạn trích cho thấy Trịnh Tông, Thánh mẫu chỉ là đám bèo bọt trôi nổi trên bề mặt dòng thác lịch sử. Tông chỉ là con rối trong tay kiêu binh. Chỉ của Thánh mẫu chỉ là bản viết tức thời trước việc đã rồi. Khi kiêu binh thừa thế đốt phá, trả thù riêng, “Tông hạ chỉ ngăn cấm mà họ vẫn không thôi” chứng tỏ Tông chẳng có chút uy quyền nào cả. Khi chúa vờ giết phứa “một người thường dân” (vì không dám đụng vào kiêu binh!) thì việc phá phách mới tạm ngừng, nhưng việc bắt người vẫn đang tiếp tục. Đoạn văn đã cho thấy làn sóng nổi loạn của quân lính và số phận bèo bọt của một vương triều, chứng tỏ sự thối nát cùng cực của một chế độ.
Có thề nói quận Huy và Trịnh Tông ở hai phía là những nhân vật của một tấn bi hài kịch lịch sử nói về sự suy sụp của triều đại họ Trịnh. Một triều đại phong kiến lâu đời, hiển hách đã rơi vào tình trạng suy sụp một cách thảm hại. Bố chết nằm đấy, anh em đã xung đột, tranh nhau ngai vàng. Đám lính tráng nổi lên làm chủ cả thành Thăng Long, phá nhà, đốt nhà, cướp của, giết người vô tội vạ v.v... Quận Huy bị phanh thây. Trịnh Cán bị phế truất. Tất cả là do bọn lính tráng, bọn bồi bếp tự phát nổi lên. Trịnh Tông lên ngôi mà bất lực trước đám, âm binh bất trị... Đúng là tấn bi kịch lịch sử.
Nhưng chất hài của tấn kịch lịch sử này cũng rất rõ: Những nhân vật đã bị lịch sử lên án, đã hết vai trò lịch sử, vẫn cố khẳng định uy quyền của mình và trở thành những vai hề như quận Huy vẫn tin ở uy quyền của mình, biết trước âm mưu nổi loạn của đám kiêu binh vẫn không thèm phòng bị gì, một mình giữa đám loạn quân hung hãn vẫn quát tháo thị oai. Nhưng bắn cung cung gẫy, bắn súng súng không nổ... cuối cùng bị kéo cổ xuống đất. Đúng là hài hước. Trịnh Tông thì tuy vẫn được gọi bằng những danh hiệu những từ ngữ trang trọng cao quy của bậc đế vương: thế tử, mặt rồng, Thánh chúa... nhưng ngai vàng chỉ là cái mâm đặt trên vai đám lính tráng, để cho hàng phố đến xem như họp chợ.
Những tư liệu được trình bày hết sức cụ thể, tỉ mỉ: về lai lịch tính cách các nhân vật, về địa chỉ của các vụ việc, về âm mưu của các phe phái, về quá trình hình thành, phát triển và kết thúc của sự kiện.v.v…Nghĩa là những tư liệu đủ để dựng lại bộ mặt, không khí của lịch sử một cách cụ thể, sinh động.
Bút pháp tả thực của lối chép sử biên niên không che dấu một nụ cười mỉa mai và xót xa trước tình cảnh đất nước bị rữa nát từ chính quyền trung ương. Cơn hấp hối vào giờ chót của một triều đại bao giờ cũng chẳng là một màn bi hài của lịch sử?
Nghị luận phân tích, đánh giá đoạn trích Kiêu binh nổi loạn - Mẫu 5
"Kiêu binh nổi loạn" là một trong những đoạn trích nổi bật của tiểu thuyết chương hồi "Hoàng Lê nhất thống chí" do nhóm tác giả Ngô Gia Văn Phái sáng tác. Trích đoạn "Kiêu binh nổi loạn" thuộc hồi thứ hai của tác phẩm, xoay quanh việc kiêu binh làm loạn, giết chết anh em nhà Quận Huy, phế truất Trịnh Cán và đưa Trịnh Tông lên ngôi chúa. Văn bản đã tái hiện lại một cách sinh động tình cảnh khủng hoảng của xã hội lúc bấy giờ.
Mở đầu đoạn trích, Trịnh Tông hỏi Dự Vũ về việc bên ngoài lòng người ra sao. Vốn có thù với Quận Huy, Dự Vũ thuận nước, đẩy thuyền "Nhà chúa bỏ con cả, lập con út, thiên hạ đều căm ghét, nhất là quân lính lại càng bất bình". Câu nói của Dự Vũ đã phơi bày toàn bộ hiện thực trong phủ chúa cũng như xã hội. Trong triều đại phong kiến, ngôi vua thường được trao truyền cho con cả, cũng là đích tử. Tuy nhiên, hành động "bỏ trưởng lập thứ" của chúa Trịnh khiến lòng người không phục, lại thêm hành động đàn áp của Quận Huy càng thổi bùng lên cơn tức giận của dân chúng. Cũng như Dự Vũ, Gia Thọ bày kế cho thế tử: "Lòng người như thế, nếu lấy nghĩa khí mà khích động, khiến cho họ một lòng tôn phù, thì việc lớn ắt thành". Nghe theo lời hai người, Trịnh Trông cho Dự Vũ làm cơm rồi khích động tinh thần của đám kiêu binh. Hành động của Trịnh Tông, Dự Vũ và Gia Thọ chỉ chứng minh họ là những kẻ hèn nhát, "ném đá giấu tay", mượn tay người để làm được việc của mình.
Đúng như dự đoán, những lời của Trịnh Tông đã đánh trúng vào suy nghĩ và mong muốn của đám kiêu binh. Mọi người ai nấy đều đồng thuận "Nay vương tử đã ngỏ ý cho biết như thế, thì việc này chẳng khó gì.". Trước lúc nổi loạn, quân lính họp bàn, Bằng Vũ đứng ra khởi xướng. Thấy lời Bằng Vũ thuyết phục, cả bọn bầu hắn làm chủ mưu, "giao cho gã đánh trống trước để thúc giục ba quân". Lời nói của Bằng Vũ càng khiến cho tinh thần của đám kiêu binh trở nên sục sôi. Trong lúc đó, Quận Huy biết tai họa sắp xảy ra nhưng vẫn không chút phòng bị. Người nhà khuyên hắn nên bế tân chúa đi trốn, "rồi gọi quân bên ngoài vào bắt bọn gian" nhưng Quận Huy để ngoài tai, cho đó là tin đồn nhảm. Quận Huy vì thiếu phòng bị và mưu lược nên mới nhận kết cục bi thảm sau đó.
Theo kế hoạch đã bàn tính trước, Bằng Vũ mở màn cuộc nổi loạn bằng ba hồi trống. Đám kiêu binh nghe thấy thì "nhảy nhót hăng hái, cùng câm binh khí xô lấn nhau mà vào trong phủ". Khung cảnh lúc này trở nên hỗn loạn hơn bao giờ hết. Lúc ấy, cửa đóng then cài, đám người bị nhốt bên trong vẫn không ngừng hò reo, "quát tháo long trời lở đất". Quận Huy sai Quận Châu ra kiểm soát tình hình. Châu chỉ biết sợ hãi mà làm theo. Đứng trước lời đe dọa của đám người, Quân Châu sợ hãi mở cửa. Quận Huy làm tướng mà lực bất tòng tâm trước mũi nhọn của kẻ thù. Quả là hèn nhát làm sao. Được thời, đám người xông vào đập phá, tấn công vô cùng mạnh bạo. Để đàn áp quân lính, Quận Huy "giương cung định bắn nhưng bị đứt dây, vớ súng nạp đạn nhưng mồi lửa tịt không cháy". Rõ ràng, Quận Huy biết được mọi việc sẽ diễn ra nhưng không đề phòng, chuẩn bị, coi thường kẻ địch và đám đông. Quân lính được dịp dùng câu liếm móc cổ Quận Huy kéo xuống, đánh đấm túi bụi, giết chết tại chỗ. Đồng thời, lấy gạch đập vỡ đầu Hoàng Lương rồi vứt xuống hồ Thủy Quân. Có thể thấy, cuộc chiến đã được đẩy lên đỉnh điểm cùng với sự tức giận, bất mãn của đám người. Họ ra tay không chút đắn đo, vô cùng ghê rợn, tàn nhẫn. Những chi tiết trên đã cho thấy sức mạnh kinh hoàng của đám đông.
Kết cục, anh em Quận Huy chết, Trịnh Tông lên ngôi chúa. Tuy nhiên, sau khi cuộc nổi loạn diễn ra, đám kiêu binh vẫn ngang nhiên làm càn, cưỡng bách chúa cũ, trả thù các đại thần một cách tàn nhẫn. Trịnh Tông bất lực, không thể kiểm soát, sai người lén đến bắt phứa dân thường để chém ra oai. Tuy nhiên, việc lùng người để giết vẫn xảy ra. Trịnh Tông lên làm chúa, đứng đầu thiên hạ nhưng không có tài cán, không thể kiểm soát được tình hình khiến cho xã hội vẫn không ngừng biến loạn, đảo điên.
Như vậy, tác phẩm đã tái hiện lại một giai đoạn lịch sử đầy hỗn loạn vào thời Trịnh Sâm. Đồng thời, cho thấy sức mạnh của đám đông. Đám đông có thể đưa một người lên cao nhưng cũng có thể phế truất họ bất cứ lúc nào. Ngoài ra, đoạn trích còn gửi gắm bài học về sự đề phòng, cảnh giác trước nanh vuốt của kẻ thù. Bên cạnh nội dung, các yếu tố nghệ thuật cùng góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm. Tác giả đã vận dụng linh hoạt yếu tố tự sự kết hợp với miêu tả cùng lối kể hấp dẫn để câu chuyện hiện lên một cách sinh động, cụ thể. Các sự kiện được kể theo trình tự hợp lí, rành mạch. Biện pháp nghệ thuật so sánh, đối lập độc đáo. Tính cách, đặc điểm của nhân vật được khắc họa thông qua lời nói và hành động.
Như vậy, đoạn trích "Kiêu binh nổi loạn" đã phơi bày sự thối nát của phủ chúa và thái độ căm phẫn của đoàn kiêu binh với chúa Trịnh và Quận Huy. Chỉ qua một đoạn trích ngắn nhưng tác giả đã phản ánh được tình hình xã hội dưới thời chúa Trịnh. Đồng thời, gửi đến những bài học lớn lao, ý nghĩa.