Tài liệu tóm tắt Bình Ngô đại cáo môn Ngữ văn lớp 10 bộ Chân trời sáng tạo với cuộc sống ngắn gọn, chi tiết gồm có 10 bài tóm tắt tác phẩm Bình Ngô đại cáo hay nhất từ đó giúp học sinh nắm được những nét chính về nội dung của văn bản để học tốt môn Ngữ văn lớp 10.
Mời các quý thầy cô và các em học sinh cùng tham khảo và tải về chi tiết tài liệu dưới đây:
Tóm tắt Bình Ngô đại cáo
Bài giảng: Bình Ngô đại cáo - Chân trời sáng tạo
Tóm tắt bài Bình Ngô đại cáo - Mẫu 1
Nguyễn Trãi là bậc anh hùng dân tộc, một nhân vật toàn tài hiếm có, một danh nhân văn hóa thế giới. Nguyễn Trãi mồ côi mẹ từ lúc 5 tuổi. Năm 1400, đỗ Thái học sinh và cùng cha làm quan dưới triều Hồ. Năm 1407, giặc Minh cướp nước ta, Nguyễn Trãi theo Lê Lợi tham gia khởi nghĩa và góp phần to lớn vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Cuối năm 1427, đầu năm 1428, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi viết Bình Ngô đại cáo và hăng hái tham gia vào công cuộc xây dựng lại đất nước.
Năm 1439, Nguyễn Trãi xin về ở ẩn tại Côn Sơn. Năm 1440, ông được Lê Thái Tông mời ra giúp nước. Năm 1442, Nguyễn Trãi chịu oan án Lệ Chi viên và bị khép vào tội “tru di tam tộc”. Năm 1464, Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi và cho sưu tầm lại thơ văn của ông.
Nguyễn Trãi là tác giả xuất sắc về nhiều thể loại văn học, bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm. Sáng tác viết bằng chữ Hán bao gồm Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Ức Trai thi tập, Chí Linh sơn phú, Băng Hồ di sự lục, Lam Sơn thực lục, Văn bia Vĩnh Lăng, Văn loại. Sáng tác viết bằng chữ Nôm có Quốc âm thi tập gồm 254 bài thơ viết theo thể Đường luật hoặc Đường luật xen lục ngôn. Ngoài sáng tác văn học, Nguyễn Trãi còn để lại cuốn Dư địa chí, một bộ sách địa lí cổ nhất Việt Nam.
Bình Ngô đại cáo là một trong những tác phẩm giá trị nhất trong sự nghiệp của Nguyễn Trãi. Đây là văn bản bố cáo cho toàn dân được biết chiến thắng vĩ đại của quân dân trong 10 năm chiến đấu gian khổ, từ nay, nước Việt đã giành lại được nền độc lập, non sông trở lại thái bình
Tóm tắt bài Bình Ngô đại cáo - Mẫu 2
Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo không chỉ tuyên bố độc lập, mà còn khẳng định sự bình đẳng của Đại Việt với Trung Quốc trong lịch sử từ trước đến nay và thể hiện nhiều ý tưởng về sự công bằng, vai trò của người dân trong lịch sử và cách giành chiến thắng của quân khởi nghĩa Lam Sơn.
Tóm tắt bài Bình Ngô đại cáo - Mẫu 3
Nguyễn Trãi sinh năm 1380, mất năm 1442, hiệu là Ức Trai, quê ở làng Chi Ngại (Chi Linh, Hải Dương) sau rời về Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây, nay thuộc Hà Nội). Nguyễn Trãi sinh ra trong một gia đình cả bên nội và bên ngoại đều có hai truyền thống lớn là yêu nước và văn hóa, văn học. Chính điều này đã tạo điều kiện cho Nguyễn Trãi được tiếp xúc và thấu hiểu tư tưởng chính trị của Nho giáo.
Nguyễn Trãi sống trong thời đại xã hội nhiều biến động, loạn lạc – mâu thuẫn nội bộ trong triều đình phong kiến, đất nước có giặc ngoại xâm, đời sống nhân dân cơ cực và các cuộc khởi nghĩa của nhân dân nổ ra khắp nơi… điều này đã hướng ngòi bút của ông hướng tới hiện thực đời sống. Ông là nhà văn chính luận kiệt xuất, những tác phẩm văn chính luận của ông có luận điểm vững chắc, lập luận chặt chẽ với giọng điệu linh hoạt
Đại cáo bình Ngô có ý nghĩa trọng đại như một bản tuyên ngôn độc lập, được công bố vào thánh Chạp, năm Đinh Mùi (tức đầu năm 1428). Sau khi quân ta đại thắng, tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn viện binh của giặc, Vương Thông buộc phải giảng hòa, rút quân về nước, Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi viết Đại cáo bình Ngô.
Đây là bản cáo lớn gửi đến quốc dân đồng bào về chiến thắng oanh liệt của quân dân ta đánh tan được quân Ngô (Nhà Minh Trung Quốc). Bản văn viết bằng Hán văn do Nguyễn Trãi viết theo thể văn biền ngẫu, trình bày sự gian khổ của 10 năm kháng chiến và thắng lợi chống quân Minh của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Đây có thể xem là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai sau bài Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt trong văn học cổ.
Tóm tắt bài Bình Ngô đại cáo - Mẫu 4
Sau khi nước ta giành được thắng lợi của cuộc chiến chống quân Minh, vua Lê Lợi đã lệnh cho Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo. Năm 1428, bài cáo này đã được công bố đến toàn thể nhân dân. Bình Ngô đại cáo đã thuật lại và tổng kết lại quá trình đánh đuổi quân Minh khỏi bờ cõi của nhân dân ta, cho thấy chiến thắng vang dội cùng lời tuyên bố hùng hồn về chủ quyền của dân tộc.
Bình Ngô đại cáo gồm có ba phần với sự liên kết chặt chẽ với nhau. Phần một thể hiện tư tưởng của tác giả, đó là tư tưởng nhân nghĩa. Đến phần thứ hai, Nguyễn Trãi đã vạch trần những tội ác của giặc Minh xâm lược và phần cuối cùng chính là sự thuật lại những trận đánh, những chiến công trong cuộc chiến của quân dân ta. Cả bài cáo thể hiện lên lòng tự hào dân tộc sâu sắc cùng với lời tuyên bố chủ quyền lãnh thổ hùng hồn mà không kẻ địch nào có quyền được xâm phạm tới.
Tóm tắt bài Bình Ngô đại cáo - Mẫu 5
Năm 1427, nghĩa quân Lam Sơn giành thắng lợi huy hoàng, Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi viết “Bình Ngô đại cáo” để tuyên bố với toàn dân về việc dẹp yên giặc Ngô. Đây được coi là bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của dân tộc, được ban bố vào đầu năm 1428.
Phần đầu của tác phẩm, Nguyễn Trãi nêu lên luận đề chính nghĩa. Với Nguyễn Trãi, việc nhân nghĩa phải được thể hiện bằng hành động cụ thể: “cốt ở yên dân”, “trước lo trừ bạo”, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, mà trước hết là phải trừng trị kẻ có tội, bấy giờ chính là giặc Minh xâm lược.
Sau khi nêu lên luận đề chính nghĩa, bằng giọng văn đanh thép Nguyễn Trãi đã vạch trần tội ác của giặc Minh. Cho thấy luận điệu bịp bợm của giặc Minh phù Trần diệt Hồ. Không chỉ vậy ông còn đứng trên lập trường nhân bản để tố cáo tội ác của kẻ thù khi chúng cai trị nhân dân ta. Chúng hủy hoại cuộc sống của con người bằng những hành động hết sức dã man.
Không dừng lại ở đó chúng còn hủy hoại môi trường sống của muôn loài cây cỏ; Các chính sách thuế khóa nặng nề, vơ vét cho bằng hết sản vật của nước ta, tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ, tiêu diệt đường sống muôn loài.
Sau những lời văn thống thiết, nhưng cũng đầy mạnh mẽ, tiếp đến Nguyễn Trãi kể lại quá trình chinh phạt gian khổ và thắng lợi tất yếu của quân dân ta. Trong những buổi đầu khởi nghĩa, tình thế quân ta hết sức khó khăn, quân thù đang vào thời điểm mạnh nhất. Tương quan đó khiến cuộc khởi nghĩa càng trở nên khó khăn. Nhưng dưới sự lãnh đạo của người anh hùng Lê Lợi, quân ta đã giành được thắng lợi hoàn toàn.
Cuối cùng là lời tuyên bố chiến thắng, mở ra kỉ nguyên độc lập của dân tộc thật dõng dạc, tràn đầy niềm tự hào. Đồng thời ông cũng rút ra những bài học lịch sử, khẳng định, chiến thắng chúng ta có được là nhờ sự kết hợp sức mạnh của thời đại và sức mạnh truyền thống dân tộc.
Tóm tắt bài Bình Ngô đại cáo - Mẫu 6
“Đại cáo bình Ngô” là tác phẩm nêu cao chủ nghĩa yêu nước, ca ngợi cuộc chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì đạo lí chính nghĩa. Thể hiện tinh thần nhân đạo, quan niệm sức mạnh vô địch là bắt nguồn từ “chí nhân”, “đại nghĩa”, từ nhân dân. Bài cáo đã khái quát kháng chiến gian lao nhưng vô cùng anh dũng của dân tộc trong quá trình kháng chiến chống giặc Minh xâm lược. Tác giả đã khẳng định, đề cao sức mạnh của lòng yêu nước, tư tưởng nhân nghĩa, ca ngợi cuộc kháng chiến anh hùng dân tộc, thể hiện sâu sắc niềm tự hào dân tộc.
Tóm tắt bài Bình Ngô đại cáo - Mẫu 7
Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi thay Lê Lợi viết ngay sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh giành thắng lợi. Tác phẩm vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị văn chương to lớn, được đánh giá như một bản Tuyên ngôn độc lập của dân tộc, một “thiên cổ hùng văn”. Đây là bản tuyên ngôn về quyền sống của con người, về chủ quyền độc lập dân tộc, là bản cáo trạng tố cáo tội ác của kẻ thù, là bản hùng ca về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và chiến thắng của quân ta. Tác phẩm là một áng văn yêu nước lớn, chói ngời tư tưởng nhân văn.
Tóm tắt bài Bình Ngô đại cáo - Mẫu 8
Mở đầu tác phẩm “Đại cáo bình Ngô”, Nguyễn Trãi nêu nguyên lí tư tưởng nhân nghĩa, chân lí về sự tồn tại độc lập, có chủ quyền của nước Đại Việt ta. Đồng thời trình bày âm mưu xâm lược nước ta thật thâm độc, tàn ác, giết hại người dân man rợ. Đẩy nhân dân ta tới cái chết, chúng vơ vét của cải, hủy hoại đất nước ta.
Tác giả tập trung khắc họa hình tượng nhân vật Lê Lợi- lãnh tụ nghĩa quân: căm giặc nước, đau lòng, quên ăn, suy xét, đắn đo, trằn trọc, đăm đăm, dốc lòng, gắng chí. Hình tượng Lê Lợi, tác giả Nguyễn Trãi khắc họa được ý chí quyết tâm chống ngoại xâm, tinh thần đoàn kết đồng lòng vượt khó của dân tộc
Kết cục bi thảm của những tướng giặc ham sống, sợ chết, hèn nhát: nghe hơi mà mất vía, nín thở cầu thoát thân, tim đập chân run như một lẽ tất yếu… Qua đó nêu bật khí thế hào hùng, thắng lợi vẻ vang, bản chất nhân đạo của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
Đoạn cuối là những lời tổng kết lịch sử mang đậm suy tư. Đó là lời tuyên bố độc lập và rút ra bài học lịch sử, vị thế và sự vững bền của quốc gia được xây dựng trên cơ sở phục hưng dân tộc. Sự kết hợp giữa sức mạnh truyền thống, sức mạnh thời đại càng phác họa sâu đậm niềm tin, quyết tâm xây dựng lại đất nước của nhân dân ta.
Tóm tắt bài Bình Ngô đại cáo - Mẫu 9
Đại cáo bình Ngô là bản anh hùng ca bất hủ của dân tộc Việt Nam. Bản cáo này do Lê Lợi giao cho Nguyễn Trãi viết ngay sau khi dẹp xong quân Minh, cuối năm 1427. Bài cáo là phần tổng kết toàn diện cuộc kháng chiến chống xâm lược, trong đó lên án tội ác của quân Minh, kể lại quá trình kháng chiến đầy gian khổ, hi sinh nhưng thắng lợi vẻ vang.
Trong nguyên lí chính nghĩa của Nguyễn Trãi có hai nội dung chính được nêu ra, đó là: Tư tưởng nhân nghĩa và chân lí về sự tồn tại độc lập, có chủ quyền của nước Đại Việt ta. Đoạn mở đầu tuyên ngôn về độc lập dân tộc. Tác giả không chỉ đưa ra chân lí về chính nghĩa mà còn nêu ra chân lí khách quan về sự tồn tại độc lập, có chủ quyền của của nước ta có cơ sở chắc chắn từ thực tiễn lịch sử.
Khái niệm quốc gia dân tộc của Nguyễn Trãi được trình bày một cách khá đầy đủ: cương vực lãnh thổ, phong tục tập quán, nền văn hiến lâu đời, lịch sử riêng, chế độ riêng. Để khẳng định quyền tự do, độc lập và làm nổi bật lên niềm tự hào dân tộc, tác giả đã dùng những lời lẽ lập luận đầy sức thuyết phục với các từ ngữ khẳng định: vốn có, từ lâu, đã chia, cũng khác.
Tác giả đã tố cáo những âm mưu, những hàng động tội ác của giặc Minh. Âm mưu xâm lược và thôn tính nước ta. Tội ác hủy hoại con người bằng hành động diệt chủng, tàn sát người vô tội. Bóc lột nhân dân, vơ vét của cải, hủy hoại cả môi trường sống.
Trong cuộc kháng chiến Lam Sơn có những khó khăn của giai đoạn đầu: Thiếu lương thực, thiếu quân, thiếu nhân tài, kẻ thù có lực lượng lớn mạnh, hung bạo, được trang bị đầy đủ. Sức mạnh giúp quân ta chiến thắng chính là sức mạnh đoàn kết toàn dân. Người lãnh tụ nghĩa quân: căm giặc, đau lòng nhức óc, quên ăn, suy xét, đắn đo, dốc lòng, gắng chí thể hiện ý chí quyết tâm chống giặc ngoại xâm.
Khi tái hiện giai đoạn phản công thắng lợi, bài cáo miêu tả bức tranh toàn cảnh cuộc khởi nghĩa Lam Sơn: Những trận tiến ra Bắc là trận Tây Kinh, Đông Đô, Ninh Kiều, Tốt Động. Chiến dịch chi viện: trận Chi lăng, Mã Yên, Xương Giang.
Trong lời tuyên bố nền độc lập dân tộc, Đại cáo bình Ngô đồng thời nêu lên bài học lịch sử, hướng tới sự tươi sáng, từ đó phát triển và niềm tin, lòng quyết tâm xây dựng lại đất nước của nhân dân ta khi vận hội duy tân đã mở. Đại cáo bình Ngô được coi là bản tuyên ngôn độc lập, tác phẩm có ý nghĩa tuyên ngôn về quyền sống của con người.
Tóm tắt bài Bình Ngô đại cáo - Mẫu 10
Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi thay Lê Lợi viết ngay sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh giành thắng lợi. Tác phẩm vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị văn chương to lớn, được đánh giá như một bản Tuyên ngôn độc lập của dân tộc, một “thiên cổ hùng văn”. Đây là bản tuyên ngôn về quyền sống của con người, về chủ quyền độc lập dân tộc, là bản cáo trạng tố cáo tội ác của kẻ thù, là bản hùng ca về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và chiến thắng của quân ta. Tác phẩm là một áng văn yêu nước lớn, chói ngời tư tưởng nhân văn.
Đôi nét về tác giả, tác phẩm
1. Tác giả
Tiểu sử
- Nguyễn Trãi (1380 - 1442), hiệu Ức Trai.
- Quê gốc: Chi Ngại, Chí Linh, Hải Dương; sau dời về Nhị Khê (Thường Tín - Hà Tây).
- Thân sinh: Nguyễn Ứng Long - một nhà Nho nghèo, học giỏi, đỗ tiến sĩ đời Trần.
- Mẹ: Trần Thị Thái, con gái của Trần Nguyên Hãn.
- Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, văn hóa, văn học.
- Nợ nước, thù nhà => theo Lê Lợi tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
- 1427 - 1428: khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng => viết Bình Ngô đại cáo.
- Sau đó tham gia xây dựng đất nước, rồi bị oan.
- 1439 ra ở ẩn tại Côn Sơn.
- 1440 quay lại chốn quan trường.
- 1442: oan Lệ Chi Viên => tru di tam tộc, đến hơn 20 năm sau mới được Lê Thánh Tông minh oan.
Tổng kết:
+ Nguyễn Trãi là bậc anh hùng dân tộc, một nhân vật toàn tài hiếm có, một danh nhân văn hóa thế giới.
+ Một con người phải chịu những oan khuất thảm khốc nhất trong lịch sử chế dộ phong kiến Việt Nam.
Sự nghiệp văn học
a. Tác phẩm chính
- Những tác phẩm chính viết bằng chữ Hán: Quân Trung từ mệnh tập, Bình Ngô Đại Cáo, Ức trai thi tập, Chí Linh sơn phú, Băng Hồ di sự lục, Lam Sơn thực lục,...
- Những tác phẩm bằng chữ Nôm: Quốc âm thi tập hiện còn 254 bài chia làm bốn môn loại: Vô đề, Thời lệnh môn, Hoa mộc môn, Cầm thú môn. Phần Vô đề chia thành nhiều mục: Thủ vĩ ngâm (1 bài), Ngôn chí (21 bài), Mạn thuật (14 bài), Thuật hứng (25 bài), Tự thán (41 bài), Tự thuật (11 bài), Tức sự (4 bài), Bảo kính cảnh giới (61 bài) v.v...
b. Giá trị văn chương
* Văn chính luận:
- Nội dung: Tư tưởng chủ đạo xuyên suốt là tư tưởng nhân nghĩa và yêu nước thương dân.
- Nghệ thuật: Đạt tới trình độ nghệ thuật mẫu mực, kết cấu chặt chẽ, lập luận sắc bén.
* Thơ trữ tình:
- Lý tưởng của người anh hùng: nhân nghĩa hòa hợp với yêu nước thương dân, lúc nào cũng tha thiết mãnh miệt.
- Phẩm chất ý chí của người anh hùng mạnh mẽ kiên trung, vì dân vì nước chiến đấu chống ngoại xâm và cường quyền bạo ngược.
=> Kết luận:
+ Nội dung: hội tụ hai nguồn cảm hứng lớn là yêu nước và nhân đạo.
+ Nghệ thuật: có đóng góp lớn ở cả hai phương diện thể loại và ngôn ngữ.
2. Tác phẩm
Thể loại:
- Thể loại Cáo
- Khái niệm: là thể văn nghị luận có từ thời cổ ở Trung Quốc, thường được vua chúa hoặc thủ lĩnh dùng để trình bày một chủ trương, một sự nghiệp, tuyên ngôn một sự kiện để mọi người cùng biết.
- Đặc trưng:
+ Viết bằng văn xuôi hay văn vần, phần nhiều là văn biền ngẫu (loại văn có ngôn ngữ đối ngẫu, các vế đối thanh B-T, từ loại, có vần điệu, sử dụng điển cố, ngôn ngữ khoa trương).
+ Lời lẽ đanh thép, lí luận sắc bén.
+ Kết cấu chặt chẽ, mạch lạc.
Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác:
- Mùa đông năm 1427, sau khi diệt viện, chém Liễu Thăng, đuổi Mộc Thạnh, tổng binh Vương Thông đang cố thủ trong thành Đông Quan phải xin hàng, cuộc kháng chiến chống giặc Minh hoàn toàn thắng lợi.
- Năm 1428: Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, lập ra triều đình Hậu Lê, sai Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo để bố cáo cho toàn dân được biết chiến thắng vĩ đại của quân dân trong 10 năm chiến đấu gian khổ, từ nay, nước Việt đã giành lại được nền độc lập, non sông trở lại thái bình.
Bố cục tác phẩm Bình Ngô đại cáo
- Phần 1 (từ đầu đến “chứng cớ còn ghi”): Luận đề chính nghĩa (Tiền đề lí luận)
- Phần 2 (tiếp đó đến “Ai bảo thần dân chịu được”): Bản cáo trạng hùng hồn, đẫm máu về tội ác của kẻ thù. (Soi chiếu lí luận vào thực tiễn)
- Phần 3 (tiếp đó đến “Cũng là chưa thấy xưa nay”): Bản hùng ca về cuộc khỏi nghĩa Lam Sơn
- Phần 4 (còn lại): Lời tuyên bố độc lập
Giá trị nội dung tác phẩm Bình Ngô đại cáo
- Đại cáo bình Ngô là bản tuyên ngôn độc lập, qua đó vạch tội ác của kẻ thù xâm lược, ca ngợi thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
Giá trị nghệ thuật tác phẩm Bình Ngô đại cáo
- Lí luận chặt chẽ, hợp lí lời lẽ hùng hồn
- Sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố chính luận và yếu tố văn chương
- Sử dụng các biện pháp nghệ thuật: liệt kể, phóng đại, so sánh, đối lập….