Bộ 10 đề thi Học kì 1 Ngữ văn 10 Cánh diều có đáp án năm 2024

Mua tài liệu 11 9.6 K 60

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bộ đề thi Học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 sách Cánh diều năm 2024 – 2025. Tài liệu gồm 4 đề thi có ma trận chuẩn bám sát chương trình học và đáp án chi tiết, được biên soạn bởi đội ngũ giáo viên THPT dày dặn kinh nghiệm sẽ giúp các em ôn tập kiến thức và rèn luyện kĩ năng nhằm đạt điểm cao trong bài thi Học kì 1 Văn 10. Mời các bạn cùng đón xem:

Chỉ từ 150k mua trọn bộ Đề thi học kì 1 Ngữ văn 10 Cánh diều bản word có lời giải chi tiết (chỉ từ 20k cho 1 đề thi lẻ bất kì):

B1: Gửi phí vào tài khoản 0711000255837 - NGUYEN THANH TUYEN - Ngân hàng Vietcombank

B2: Nhắn tin tới zalo Vietjack Official - nhấn vào đây để thông báo và nhận giáo án.

Xem thử tài liệu tại đây: Link tài liệu

Đề thi học kì 1 Ngữ văn lớp 10 Cánh diều có đáp án năm 2024 - 2025 - Đề 1

Phòng Giáo dục và Đào tạo ...

Đề thi Học kì 1 - Cánh diều

Năm học 2024 - 2025

Môn: Ngữ Văn lớp 10

Thời gian làm bài: 90 phút (Không kể thời gian phát đề)

(Đề số 1)

I, ĐỌC – HIỂU (6.0 điểm)

    Đọc đoạn trích:

      “Phạm Tử Hư quê ở Cẩm Giàng, là một người tuấn sảng hào mại không ưa kiềm thúc. Theo học nhà xử sĩ Dương Trạm, Trạm thường răn Tử Hư về cái tính hay kiêu căng. Từ đấy chàng cố sức sửa đổi, trở nên người có đức tính tốt. Khi Dương Trạm chết, các học trò đều tản đi cả, duy Tử Hư làm lều ở mả để chầu chực, sau ba năm rồi mới trở về. Năm 40 tuổi, Tử Hư đi thi vẫn chưa đỗ; đời Trần, sang du học ở kinh, ngụ ở trong một nhà dân bên bờ hồ Tây.

     Một buổi sáng, ở nhà trọ đi ra, trong áng sương mù thấy có một đám những tán vàng kiệu ngọc bay lên trên không; kế lại có một cỗ xe nạm hạt châu, kẻ theo hầu cũng rất chững chạc. Tử Hư khẽ dòm trộm xem thì người ngồi trong xe, chính thầy học mình là Dương Trạm. Chàng toan đến gần sụp lạy nhưng Trạm xua tay nói:

– Giữa đường không phải chỗ nói chuyện, tối mai nên đến đền Trấn Vũ cửa Bắc, thầy trò ta sẽ hàn huyên.  Tử Hư bèn sắm rượu và thức nhắm, đúng hẹn mà đến. Thầy trò gặp nhau vui vẻ lắm, chàng nhân hỏi rằng:

– Thầy mới từ trần chưa bao lâu, thoắt đã trở nên hiển hách khác hẳn ngày trước, xin thầy cho biết rõ duyên do để con được vui mừng. Dương Trạm nói:

– Ta thuở sống không có một điều thiện nào đáng khen, chỉ có hay giữ điều tín thực đối với thầy bạn, quý trọng những tờ giấy có chữ, hễ thấy rơi vãi liền nhặt mà đốt đi. Đức Đế quân đây ngài khen là có bụng tốt tâu xin cho làm chức trực lại ở cửa Tử đồng. Hôm qua ta hầu lính giá ngài lên chầu Thiên cung, tình cờ lại gặp nhà ngươi, đó cũng là vì thầy trò mình có cái mối duyên…”

(Trích chuyện Phạm Tử Hử lên chơi Thiên Tào, Truyền kì mạn lục, Nguyễn Dữ, NXB Trẻ,2016,Tr.142) 

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. Xác định thể loại của đoạn trích trên

A.Truyện ngắn

B.Tiểu thuyết

C.Truyền kì

D.Thơ văn xuôi

Câu 2. Theo đoạn trích, tính cách nào của Tử Hư được Dương Trạm răn đe và sửa đổi?

A.Không ưa kiềm thúc

B.Kiêu căng

C.Nóng nảy

D.Ngang bướng

Câu 3. Xác định các nhân vật giao tiếp trong đoạn trích trên

A.Phạm Tử Hư, Dương Trạm

B.Nguyễn Dữ, Dương Trạm

C.Người kể chuyện, Dương Trạm

D.Phạm Tử Hư, Dương Trạm, Nguyễn Dữ

Câu 4. Điều gì khiến Dương Trạm được Đức Đế quân khen là có bụng tốt và  tâu xin cho làm chức trực lại ở cửa Tử đồng?

A.Tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn.

B.Toan chạy đến gần sụp lạy khi thấy Đức Đế.

C.Giữ điều tín thực với thầy bạn, quý trọng những tờ giấy có chữ.

D.Giữ điều tín thực với thầy bạn, quý trọng những tờ giấy có chữ, hễ thấy rơi vãi liền nhặt mà đốt đi.

Câu 5. Từ Hán Việt “kiềm thúc” được hiểu nghĩa như thế nào?

A.Tiết kiệm

B.Kiềm chế bó buộc trong hoạt động.

C.Hối thúc, thúc giục.

D.Kiềm chế cảm xúc cá nhân

Câu 6: Hiệu quả nghệ thuật của chi tiết kì ảo được sử dụng trong đoạn trích?

A.Ca ngợi phẩm chất cao quý của Tử Hư.

B.Tạo ra sự sinh động, tạo hứng thú tăng tính hấp dẫn cho người đọc.

C.Muốn bất tử hóa nhân vật Dương trạm vì đã có những phẩm chất tốt.

D.Cả B và C.

Câu 7. Ý nào khái quát nội dung chính của đoạn trích?

A.Ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của Dương Trạm và tình nghĩa thầy trò cao quý.

B.Ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của Tử Hư và tình nghĩa thầy trò cao quý.

C.Phê phán những học trò không biết tôn sư trọng đạo.

D.Nhắn nhủ mỗi cá nhân cần phải có đức tính tôn sư trọng đạo.

Trả lời câu hỏi/ thực hiện yêu cầu:

Câu 8. Chi tiết khi Dương Trạm chết, các học trò đều tản đi cả, duy Tử Hư làm lều ở mả để chầu chực, sau ba năm rồi mới trở về cho thấy Phạm Tử Hư là người như thế nào?

Câu 9. Theo anh/chị tinh thần tôn sư trọng đạo được biểu hiện như thế nào? 

Câu 10. Từ những hành động và tình cảm của Tử Hư dành cho người thầy của mình, anh /chị có suy nghĩ gì về truyền thống tôn sư trọng đạo của nhân dân ta?

II. VIẾT (4.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

 Đọc đoạn trích:

        Nhà mẹ Lê là một gia đình một người mẹ với mười một người con. Bác Lê là một người đàn bà nhà quê chắc chắn và thấp bé, da mặt và chân tay răn reo như một quả trám khô. Khi bác mới đến phố, ai ai cũng chú ý đến đám con của bác: mười một đứa, mà đứa nhớn mới có mười bảy tuổi! Đứa bé nhất hãy còn bế trên tay.

       Mẹ con bác ta ở một căn nhà cuối phố, cái nhà cũng lụp xụp như những căn nhà khác. Chừng ấy người chen chúc trong một khoảng rộng độ bằng hai chiếc chiếu, có mỗi một chiếc giường nan đã gẫy nát. Mùa rét thì giải ổ rơm đầy nhà, mẹ con cùng nằm ngủ trên đó, trông như một cái ổ chó, chó mẹ và chó con lúc nhúc. Đối với những người nghèo như bác, một chỗ ở như thế cũng tươm tất lắm rồi. Nhưng còn cách kiếm ăn? Bác Lê chật vật, khó khăn suốt ngày cũng không đủ nuôi chừng ấy đứa con. Từ buổi sáng tinh sương, mùa nực cũng như mùa rét, bác ta đã phải trở dậy để đi làm mướn cho những người có ruộng trong làng. Những ngày có người mướn ấy, tuy bác phải làm vất vả, nhưng chắc chắn buổi tối được mấy bát gạo và mấy đồng xu về nuôi lũ con đói đợi ở nhà. Đó là những ngày sung sướng. Nhưng đến mùa rét, khi các ruộng lúa đã gặt rồi, cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ dưới gió bấc lạnh như lưỡi dao sắc khía vào da, bác Lê lo sợ, vì không ai mướn bác làm việc gì nữa. Thế là cả nhà nhịn đói. Mấy đứa nhỏ nhất, con Tý, con Phún, thằng Hy mà con chị nó bế, chúng nó khóc lả đi mà không có cái ăn. Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét, như thịt con trâu chết. Bác Lê ôm ấp lấy con trong ổ rơm, để mong lấy cái ấm của mình ấp ủ cho nó.

                  (Trích Nhà mẹ Lê – Thạch Lam, Nhà xuất bản Đời nay, 1937)

Thực hiện yêu cầu:

         Đoạn trích “ Nhà mẹ Lê” đề cập đến vấn đề gì? Anh/ Chị trả lời câu hỏi bằng cách viết bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ).

 

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.

Hướng dẫn giải:

I. Đọc hiểu

Câu 1(0.5đ) Câu 2(0.5đ) Câu 3(0.5đ) Câu 4(0.5đ) Câu 5(0.5đ) Câu 6(0.5đ) Câu 7(0.5đ)
C B A D B D A

 

Câu 1:

Đoạn trích thuộc thể loại truyền kì  (dùng yếu tố hoang đường, kỳ ảo làm phương thức nghệ thuật để phản ánh đời sống hiện thực.)

→ Đáp án C

Câu 2:

Tính cách của Tử Hư được Dương Trạm răn đe và sửa đổi là kiêu căng

→ Đáp án B

Câu 3:

Các nhân vật giao tiếp trong đoạn trích trên bao gồm: Phạm Tử Hư, Dương Trạm.

→ Đáp án A

Câu 4:

Lý do khiến Dương Trạm được Đức Đế quân khen là có bụng tốt và  tâu xin cho làm chức trực lại ở cửa Tử đồng là do Dương Trạm là người giữ điều tín thực với thầy bạn, quý trọng những tờ giấy có chữ, hễ thấy rơi vãi liền nhặt mà đốt đi.

→ Đáp án D

Câu 5:

Từ “kiềm thúc” trong đoạn trích nghĩa là kiềm chế bó buộc trong hoạt động

→ Đáp án B

Câu 6:

Hiệu quả nghệ thuật của chi tiết kì ảo:

-Tạo ra sự sinh động, tạo hứng thú tăng tính hấp dẫn cho người đọc.

- Muốn bất tử hóa nhân vật Dương trạm vì đã có những phẩm chất tốt.

→ Đáp án D

Câu 7:

Nội dung của đoạn trích: Ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của Dương Trạm và tình nghĩa thầy trò cao quý

→ Đáp án A

Câu 8:

Là người sống có tình, có nghĩa, biết tôn sư trọng đạo.

Câu 9:

Những biểu hiện của tinh thần tôn sư trọng đạo:

– Tôn trọng, lễ phép, chăm học.

– Luôn nghĩ về công lao thầy cô, mong muốn được đền đáp.

– Người đi học cần rèn trước hết là đạo đức

Câu 10:

Truyền thống tôn sư trọng đạo là truyền thống tốt đẹp từ xưa đến nay của nhân dân ta. Truyền thống nhằm để tôn vinh, kính trọng và sự biết ơn của mỗi cá nhân đối với người thầy của mình.

II. VIẾT

1.Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Tình mẫu tử

2. Thân bài

* Giải thích khái niệm về tình mẫu tử:

- “mẫu” có nghĩa là mẹ, “tử” có nghĩa là con

→ Theo nguyên nghĩa thì “mẫu tử” có nghĩa là mẹ con.

- Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng giữa mẹ và con, thể hiện sự gắn bó, yêu thương và chăm sóc, che chở, bảo vệ… của người mẹ dành cho con.

* Biểu hiện của tình mẫu tử

- Mẹ luôn là người nâng đỡ, chở che cho con ngay từ những ngày đầu chập chững.

- Khi lớn lên, mẹ cũng luôn sát cánh cùng con trên đường đời đầy gian lao, thử thách

- Mẹ dành cả cuộc đời lo lắng cho con mà không mong một sự đáp đền, bởi niềm hạnh phúc lớn nhất của mẹ là được nhìn thấy các con hạnh phúc, trưởng thành.

- Mẹ luôn tha thứ mọi lỗi lầm của con.

(Lấy dẫn chứng trong thực tế đời sống và trong văn học)

- Sự kính trọng, quan tâm, lo lắng của con khi mẹ ốm đau bệnh tật.

* Vai trò, ý nghĩa của tình mẫu tử

- Tình mẫu tử là tình cảm có vị trí đặc biệt và thiêng liêng trong lòng mỗi người bởi:

+ Đó là tình cảm đầu tiên mà mỗi người sinh ra đều cảm nhận được và sẽ gắn bó với nó trong suốt cuộc đời: từ khi mẹ mang nặng đẻ đau, nâng đỡ con khi chập chững vào đời, sánh bước cùng con qua từng nấc thang của cuộc đời. Cuộc đời của người con cũng chính là cuốn nhật ký của người mẹ.

+ Là tình cảm mang tính cao cả: mẹ là người bao dung ta trong mọi hoàn cảnh, là nơi cho ta nương tựa mỗi lần vấp ngã, là nơi để ta gửi gắm những điều thầm kín, là nguồn động lực giúp ta vững vàng trong giông tố.

+ Tình mẫu tử cũng là tình cảm tự nhiên và mang tính trách nhiệm (lấy dẫn chứng thực tế)

+ Tình mẫu tử có cội rễ sâu xa từ lòng nhân ái - truyền thống đạo lí của dân tộc ta hàng nghìn đời nay (dẫn chứng)

- Nếu được sống trong tình mẫu tử thì con người ta sẽ vô cùng hạnh phúc, còn nếu thiếu thốn tình mẫu tử thì sẽ là người chịu thiệt thòi và bất hạnh (dẫn chứng).

- Tình mẫu tử có thể soi sáng con đường cho mỗi người, giúp con người thức tỉnh khi lầm đường lạc lối, sống tốt hơn và sống có trách nhiệm hơn.

- Tình mẫu tử là sức mạnh kì diệu giúp con người vượt lên những khó khăn của cuộc sống

* Trách nhiệm của mỗi con người trước tình mẫu tử:

- Tình mẫu tử là tình cảm vô cùng bao la, rộng lớn và vĩ đại, mẹ là người đã suốt đời hi sinh vì con. Chính vì thế con cái cần biết trân trọng những tình cảm đó và phải sống làm sao để xứng đáng với tình cảm đó.

- Không ngừng nỗ lực học tập, tu dưỡng đạo đức, trở thành con người có ích cho xã hội để đền đáp lại những tình cảm cao cả mà mẹ dành cho ta. Bởi điều mà mỗi người mẹ mong muốn chỉ là con mình khôn lớn nên người.

- Không được có những hành động trái với đạo làm con như vô lễ, bất kính với mẹ, đối xử không tốt với mẹ, hay hơn cả là sử dụng bạo lực, bỏ rơi mẹ của mình. Đây như một tội ác không thể tha thứ được.

- Có những hành động thiết thực, cụ thể để đáp đền tình cảm của mẹ dành cho mình : biết vâng lời, nghe theo lời dạy bảo của cha mẹ; siêng năng học hành để không phụ công ơn nuôi dưỡng, quan tâm, giúp đỡ từ những việc nhỏ nhặt nhất.

- Phê phán những hành động đi ngược lại với đạo lí: mẹ bỏ rơi con hay con đối xử không tốt với mẹ, bỏ mặc mẹ.

3. Kết bài

- Khái quát lại vai trò, ý nghĩa quan trọng của tình mẫu tử.

- Rút ra bài học cho bản thân.

Ví dụ: Tình mẫu tử là thứ tình cảm thiêng liêng, cao quý nhất đối với mỗi người. Cần trân trọng tình cảm ấy, sống làm sao cho thật xứng đáng với công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ. Như lời Phật răn dạy “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc - đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”.

Đề thi học kì 1 Ngữ văn lớp 10 Cánh diều có đáp án năm 2024 - 2025 - Đề 2

Phòng Giáo dục và Đào tạo ...

Đề thi Học kì 1 - Cánh diều

Năm học 2024 - 2025

Môn: Ngữ Văn lớp 10

Thời gian làm bài: 90 phút (Không kể thời gian phát đề)

(Đề số 2)

MA TRẬN ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ ITOP 30 đề thi Ngữ Văn lớp 10 Giữa học kì 1 Kết nối tri thức ( 4 đề có đáp án + ma trận)  (ảnh 1)

 Phần 1: Đọc hiểu (5 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

(1) Trang điện tử của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Geneva (www.weforum.org) ngày 30/3/2020 đăng bài viết của nhà báo người Anh Sean Fleming nhan đề: “Viet Nam shows how you can contain COVID-19 with limited resources”, tạm dịch: “Việt Nam cho thấy cách bạn có thể phòng chống COVID-19 với nguồn lực hạn chế” đánh giá Việt Nam ứng phó hiệu quả với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trở thành “ngọn hải đăng” về cách làm với nguồn lực hạn chế.

(2) Bài báo viết: Việt Nam đã sớm nhận thức rõ ràng về nguy cơ bùng phát của dịch bệnh có thể tàn phá một đất nước đang phát triển và Việt Nam đã hành động mau lẹ, đưa ra quyết định nhanh chóng và kịp thời.

(3) Theo đó, Việt Nam đã tập trung vào các biện pháp nằm trong tầm kiểm soát của mình và giành được sự tán dương từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã khởi động một loạt các sáng kiến để ngăn chặn virus lây lan ngay từ ngày 1/2, đình chỉ tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc; đóng cửa các trường học sau khi nghỉ Tết Nguyên đán.

[...]

(4) Tác giả bài viết đề cao hành động tập thể và có trách nhiệm trong chống dịch ở Việt Nam, như việc toàn dân đeo khẩu trang. Lực lượng chức năng Việt Nam cũng luôn đồng hành cùng người dân. Khắp các quận đều phát những hướng dẫn phòng ngừa qua loa phóng thanh. Toàn bộ người dân nhận được một tin nhắn SMS gần như hằng ngày với các nội dung chỉ dẫn hoặc thông báo tìm kiếm những người có nguy cơ. Theo tác giả, hành động tập thể và có trách nhiệm là giải pháp toàn diện cho dịch bệnh.

(5) Bài báo nhấn mạnh Việt Nam là một quốc gia không quá mạnh về kinh tế, với cơ sở hạ tầng chưa hoàn toàn hiện đại song đã phòng chống đại dịch COVID-19 bằng cách quản lý rất tỉ mỉ và có tổ chức, có sự chuẩn bị, thể hiện vai trò bảo vệ của Nhà nước đối với người dân. Tác giả bài viết cho rằng “chính quyền Việt Nam đã ngăn chặn virus SARS-CoV-2 theo cách rất nhân văn và áp dụng từng bước một”.

(6) Trong khi đó, đài BBC dẫn nhận định của PGS. TS Jonathan London – một nhà nghiên cứu xã hội học và chính trị người Mỹ – cho rằng “Việt Nam đã phản ứng một cách nghiêm túc” đối với đại dịch COVID-19.

(7) “Việt Nam – hình mẫu về cách thức kiềm chế đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong điều kiện hạn chế” là nội dung bài viết được đăng tải trên trang mạng zen.yandex.ru của Nga (zen.yandex.ru là trang tìm kiếm lớn thứ 4 thế giới).

(Nguồn: https://moh.gov.vn)  

Câu 1 (1 điểm): Xác định loại văn bản và phong cách ngôn ngữ của văn bản trên.

Câu 2 (1 điểm): Theo đoạn trích, tác giả bài báo đề cao vấn đề gì trong phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam?

Câu 3 (1 điểm): Anh/chị hiểu như thế nào về “ngọn hải đăng” mà tác giả bài báo đã nhấn mạnh trong đoạn (1) của văn bản.

Câu 4 (2 điểm): Các đánh giá của PGS. TS Jonathan London và của trang Zen.yandex.ru có ý nghĩa như thế nào đối với quốc gia Việt Nam nói chung và với anh/chị nói riêng?

Phần 2: Tạo lập văn bản (điểm)

        Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận thuyết phục các bạn từ bỏ thói thói quen đi học muộn.

HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA HỌC KÌ I

Năm học 2024 - 2025

MÔN: NGỮ VĂN 10 (CÁNH DIỀU)

Phần 1: Đọc hiểu (5 điểm)

Câu

Đáp án

Điểm

Câu 1

Loại văn bản: bản tin.

- Phong cách ngôn ngữ: báo chí.

0,5 điểm

0,5 điểm

Câu 2

Theo đoạn trích, tác giả bài báo đã đề cao hành động tập thể và có trách nhiệm trong chống dịch ở Việt Nam, như việc toàn dân đeo khẩu trang. Lực lượng chức năng Việt Nam cũng luôn đồng hành cùng người dân. Khắp các quận đều phát những hướng dẫn phòng ngừa qua loa phóng thanh. Toàn bộ người dân nhận được một tin nhắn SMS gần như hằng ngày với các nội dung chỉ dẫn hoặc thông báo tìm kiếm những người có nguy cơ. Theo tác giả, hành động tập thể và có trách nhiệm là giải pháp toàn diện cho dịch bệnh.

1 điểm

Câu 3

- Hải đăng (đèn biển) là ánh sáng của những cột đèn đường trên biển giúp thuỷ thủ tìm đường vào cảng, xác định vị trí của mình trên biển và ánh sáng của ngọn hải đăng còn có tác dụng báo hiệu cho những con tàu những nơi có đá ngầm, vách đá. Vì thế “ngọn hải đăng” thường được gắn với hình ảnh của sự dẫn đường.

Lấy hình ảnh “ngọn hải đăng” tác giả bài báo đã bày tỏ sự tôn trọng đối với Việt Nam. Việt Nam là một điểm sáng trong việc phòng chống dịch covid-19 một cách có hiệu quả từ nguồn lực hạn chế. Tác giả cũng tôn vinh Việt Nam như một quốc gia dẫn đường, tiên phong trong việc phòng chống thảm họa nhân loại đầu năm 2020.

1 điểm

Câu 4

HS có thể nêu cách hiểu khác nhau theo quan điểm của cá nhân, nhưng cần đảm bảo ý về nội dung:

+ Đối với quốc gia Việt Nam: Việt Nam cho thấy được sức ảnh hưởng của mình trong việc phòng chống đại dịch, là điểm sáng của Châu Á và thế giới. Uy tín Việt Nam được nâng cao trong mắt bạn bè khu vực và quốc tế. Việt Nam đã nỗ lực, nghiêm túc và trách nhiệm hết mình cùng thế giới dựng thành lũy để ngăn chặn covid-19.

Đối với em: Em thấy hãnh diện, tự hào về dân tộc mình.

 

2 điểm

 

 

 Phần 2: Tạo lập văn bản (5 điểm)

Đáp án

Điểm

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.

 

0,5 điểm

 

 

 

 

0,5 điểm

 

 

 

 

 

 

3 điểm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

0,5 điểm

 

 

0,5 điểm

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Thuyết phục các bạn từ bỏ thói quen đi học muộn.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,5 điểm.

- Học sinh xác định chưa đúng vấn đề cần nghị luận: 0,0 điểm.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Dưới đây là một vài gợi ý cần hướng tới:

Giới thiệu ngắn gọn về vấn đề và quan niệm của bản thân.

- Tác hại của việc đi học muộn.

- Nguyên nhân dẫn đến việc đi học muộn.

- Biện pháp giúp bỏ thói quen đi học muộn.

- Khẳng định lại vấn đề.

Hướng dẫn chấm:

- Phân tích đầy đủ, sâu sắc, dẫn chứng phù hợp, thuyết phục: 3 điểm.

- Phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu: 1,5 điểm – 2,75 điểm.

- Phân tích chung chung, sơ sài: 0,5 điểm – 1,0 điểm.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

e. Sáng tạo

- Bài viết có giọng điệu riêng, cách diễn dạt sáng tạo, văn phong trôi chảy.

Đề thi học kì 1 Ngữ văn lớp 10 Cánh diều có đáp án năm 2024 - 2025 - Đề 3

Phòng Giáo dục và Đào tạo ...

Đề thi Học kì 1 - Cánh diều

Năm học 2024 - 2025

Môn: Ngữ Văn lớp 10

Thời gian làm bài: 90 phút (Không kể thời gian phát đề)

(Đề số 3)

MA TRẬN ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ ITOP 30 đề thi Ngữ Văn lớp 10 Giữa học kì 1 Kết nối tri thức ( 4 đề có đáp án + ma trận)  (ảnh 1)

Phần 1: Đọc hiểu (5 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

       “Ngày 4/1, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đoàn Khối các cơ quan Trung ương, Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) phối hợp tổ chức Tọa đàm: Xây dựng hình mẫu thanh niên thời kỳ mới hướng tới những phẩm chất của "công dân toàn cầu".

Chia sẻ với các đại biểu thanh niên tại buổi tọa đàm, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế có cả những mặt tích cực và mặt tiêu cực tác động đến kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa...của từng dân tộc, đất nước, người dân, trong đó đặc biệt là giới trẻ. Thanh niên Việt Nam ra ngoài thế giới phải có tư cách, phẩm chất, phải có hiểu biết, kiến thức, hành xử có văn hóa với bạn bè thế giới. Đặc biệt phải chú trọng tìm hiểu, học hỏi những tinh hoa của thế giới, đồng thời phải giữ gìn bản sắc của dân tộc.

Ông nhấn mạnh muốn hội nhập quốc tế, giới trẻ phải chú trọng hai yếu tố là "tử tế" và "tức khí". "Tức khí" theo ông chính là lòng tự ái dân tộc, là tinh thần vượt khó vươn lên. Đây chính là tinh thần đã thúc giục bao nhiêu lớp thanh niên Việt Nam xả thân vì đất nước suốt quá trình lịch sử. Việt Nam có nhiều lợi thế với lực lượng lao động đông đảo, phong phú về tài nguyên... nhưng nếu không có "tức khí" sẽ không thể hội nhập thành công, sánh vai cùng các quốc gia trên thế giới.

 (Xuân Tùng (TTXVN - 4/1/2017)

Câu 1 (1 điểm): Xác định loại văn bản. Dựa vào đâu mà anh/chị có kết luận ấy?

Câu 2 (1 điểm): Nêu nội dung của văn bản.

Câu 3 (1 điểm): Tìm hai từ Hán Việt có trong văn bản và giải thích nghĩa của chúng.

Câu 4 (2 điểm): Qua văn bản, trình bày suy nghĩ của anh/chị về hai yếu tố: "tử tế" và "tức khí" mà thanh niên Việt Nam cần có. Vì sao ông Vũ Khoan cho rằng thanh niên Việt Nam cần có “tức khí”?

Phần 2: Tạo lập văn bản (điểm)

        Trì hoãn như một thói quen - kẻ thù thầm lặng đang "giết chết" chính bạn!. Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen đó.

HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA HỌC KÌ I

Năm học 2024 - 2025

MÔN: NGỮ VĂN 10 (CÁNH DIỀU)

 Phần 1: Đọc hiểu (5 điểm)

Câu

Đáp án

Điểm

Câu 1

Loại văn bản: bản tin.

- Dựa vào đặc điểm của ngôn ngữ trong văn bản (cung cấp thông tin thời sự, lối viết ngắn gọn, sinh động, hấp dẫn)

0,5 điểm

0,5 điểm

Câu 2

Nội dung văn bản: Đưa tin về buổi tọa đàm: “Xây dựng hình mẫu thanh niên thời kỳ mới hướng tới những phẩm chất của "công dân toàn cầu"”, diễn ra ngày 4/1/2017, tại trung tâm Thông tấn Quốc gia; và ý kiến của nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan về những phẩm chất mà người thanh niên cần có trong thời kì hội nhập.

1 điểm

Câu 3

- Quốc gia: là nhà nước, đất nước.

- Công dân: người có quốc tịch, được hưởng quyền lợi và đảm nhiệm nghĩa vụ theo quy định của hiến pháp và pháp luật trong một cuốc gia.

0,5 điểm

0,5 điểm

 

 

Câu 4

HS nêu đúng hai yếu tố tử tế và tức khí trong văn bản:

+ Tử tế là tư cách, phẩm chất của con người ( bao gồm kiến thức, cách hành xử có văn hóa với bạn bè thế giới; khả năng tìm hiểu, học hỏi những tinh hoa của thế giới, đồng thời phải giữ gìn bản sắc của dân tộc).

+ "Tức khí" là lòng tự ái dân tộc, là tinh thần vượt khó vươn lên.

=> Ông Vũ Khoan cho rằng thanh niên Việt Nam cần có “tức khí” vì đây chính là tinh thần thúc giục thanh niên Việt Nam vượt khó vươn lên để có đủ khả năng hội nhập thành công, sánh vai cùng các quốc gia trên thế giới.

 

0,5 điểm

 

 

0,5 điểm

 

 

1 điểm

 

 Phần 2: Tạo lập văn bản (5 điểm)

Đáp án

Điểm

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.

 

0,5 điểm

 

 

 

 

0,5 điểm

 

 

 

 

 

 

3 điểm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

0,5 điểm

 

 

 

0,5 điểm

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Trì hoãn như một thói quen – kẻ thù thầm lặng đang “giết chết” chính bạn.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,5 điểm.

- Học sinh xác định chưa đúng vấn đề cần nghị luận: 0,0 điểm.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Dưới đây là một vài gợi ý cần hướng tới:

Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận.

- Giải thích định nghĩa về trì hoãn, thói quen trì hoãn.

- Biểu hiện của người có thói quen trì hoãn.

- Ảnh hưởng của việc trì hoãn đến bản thân, người khác.

- Khẳng định lại vấn đề.

Hướng dẫn chấm:

- Phân tích đầy đủ, sâu sắc, dẫn chứng phù hợp, thuyết phục: 3 điểm.

- Phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu: 1,5 điểm – 2,75 điểm.

- Phân tích chung chung, sơ sài: 0,5 điểm – 1,0 điểm.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

e. Sáng tạo

- Bài viết có giọng điệu riêng, cách diễn dạt sáng tạo, văn phong trôi chảy.

Đề thi học kì 1 Ngữ văn lớp 10 Cánh diều có đáp án năm 2024 - 2025 - Đề 4

Phòng Giáo dục và Đào tạo ...

Đề thi Học kì 1 - Cánh diều

Năm học 2024 - 2025

Môn: Ngữ Văn lớp 10

Thời gian làm bài: 90 phút (Không kể thời gian phát đề)

(Đề số 4)

I. Đọc - hiểu (6,0 điểm)

Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:

NHỮNG TÁC ĐỘNG TIỀM ẨN TRONG TƯƠNG LAI

Khi suy nghĩ về những mất mát, rủi ro và phí tổn, chúng ta nên cân nhắc rằng các tác động tiềm ẩn trong tương lai của của đại dịch COVID-19 có thể vẫn có một số ảnh hưởng tích cực về lâu dài. Dưới đây là tất cả những chủ đề mà tôi đã khai thác trong cuốn Tương lai sau đại dịch COVID.

          Làm việc từ xa tăng lên là điều chúng ta đã thấy rõ kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu. Làm việc từ xa như tôi lưu ý trong Tương lai sau đại dịch COVID, mang đến cơ hội để tác động cơ bản đến cách con người làm việc và sinh sống. Nó là xu hướng đã phát triển được một thời gian, và đại dịch COVID-19 trở thành thời điểm thúc đẩy nó phát triển mạnh mẽ.

          Nhiều người sẽ không bao giờ quay trở lại một văn phòng nữa. Cá nhân và công ty có khả năng sẽ được lợi từ những thay đổi này. Những tác động của COVID-19 tới tương lai của việc làm sẽ được thảo luận kỹ hơn trong chương 6.

          Tiếp cận giáo dục trực tuyến tăng cũng là điều tôi nhân mạnh trong cuốn Tương lai sau đại dịch COVID. Thực tế, năm 2020, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể của giáo dục trực tuyến.

          May mắn là, khi nhìn về tương lai, sự gia tăng mức độ tiếp cận giáo dục trực tuyến có thể có tác động căn bản đến đời sống công việc và chuyên môn của mọi người, bao gồm cả những lựa chọn sự nghiệp và chuyên môn mà họ có, cũng như thu nhập tiềm năng trong tương lai của họ. Đối với nhiều người, giáo dục trực tuyến, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, đã không còn là điều gì kinh khủng. Cùng lắm chỉ tẻ nhạt mà thôi.

          Một người bạn thời trung học của tôi hiện đang điều hành một trường mầm non mà cô ấy bị buộc phải điều hành nó từ xa và trực tuyến. Gần đây, cô ấy đăng lên mạng xã hội kể về việc dạy trực tuyến cho một đứa trẻ mẫu giáo không được vừa cầm kéo vừa chạy nhảy và khiến chúng thực sự lắng nghe bạn nói khó khăn nhường nào.

          […]

          Ưu tiên sức khoẻ tăng lên cũng là một trong những xu hướng quan trọng nhất mà tôi ghi nhận trong cuốn Tương lai sau đại dịch COVID. Chúng ta đã thấy điều đó ở cấp độ xã hội; đó là điều chúng ta xem là một phần của cuộc chuyển đổi số và bước nhảy vọt tiến tới việc chăm sóc ý tế và sức khoẻ từ xa. Thêm nữa, từ hệ quả của COVID-19, lĩnh vực sức khoẻ và y tế nhiều khả năng sẽ được ưu tiên, và có thể như thế trong một thời gian dài sắp tới.

          Các lựa chọn giáo dục, đầu tư và chính sách có thể dẫn tới sức khoẻ cộng đồng xét về tổng thể được cải thiện. Số người theo học các chuyên ngành y học và chăm sóc sức khoẻ nhiều khả năng sẽ tăng lên. Bác sĩ sẽ không phải nghề thiếu hụt lao động trầm trọng nhất, sự thiếu hụt trầm trọng nhất là ở ngành điều dưỡng, hỗ trợ y tê và những công việc tương tự.

          […]

          Mức tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải giảm cũng là điều tôi kỳ vọng sau đại dịch COVID-19. Trên thực tế, chúng ta đang chứng kiến điều này trong năm 2020. Tuy nhiên, những kỳ vọng tôi ghi lại trong cuốn Tương lai sau đại dịch COVID có giới hạn thời gian, tức là mức tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải giảm dường như đã diễn ra trong một khoảng thời gian; bởi sự đình đốn về kinh tế, làm việc từ xa và quy định giãn cách xã hội đã làm giảm lượng tiêu thụ dầu mỏ. Khi nhìn sang năm 2021, mức tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải có thể lại tăng lên.

          Giai đoạn mức tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải giảm có thể vẫn có tác động lâu dài tới cách các công ty nhìn nhận và triển khai các chiến lược bền vững. Nhưng một số tác động tác động đối với ngành du lịch và việc đi lại có thể chỉ kéo dài một thời gian.

          Không may là, không phải tất cả các tác động trong tương lai có khả năng duy trì tính tích cực. Một trong những tác động tiêu cực lớn nhất tôi viết trong cuốn Tương lai sau đại dịch COVID là việc chi tiêu thâm hụt và nợ quốc gia lớn. Thực tế, kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19, các mức nợ đã tăng trên toàn cầu, và chúng có thể vẫn tăng lên.

          Ngoài ra, chính sách tiền tệ đang tiệm cận điểm tới hạn rủi ro. Như tôi cũng đã ghi nhận trong cuốn Tương lai sau đại dịch COVID, nguy cơ ngày một lớn là chúng ta đang tiệm cận một trạng thái lượng tử của nền kinh tế, trong đó Fed (Cục Dự trữ liên bang Mỹ) cùng lúc sở hữu tất cả mà cũng không gì cả. Những nguy cơ này cũng đang dần thành hiện thực. […]

                   (Jason Schenker, Thế giới hậu vắc xin COVID, Việt Anh – Quỳnh Chi – Thu Hà dịch, NXB Thế giới, 2021, tr.30-34.)

Lựa chọn đáp án đúng nhất cho mỗi câu hỏi từ câu 1 đến câu 4

Câu 1. Văn bản trên thuộc loại văn bản nào?

A. Văn bản chính luận                                           B. Văn bản văn học

C. Văn bản thông tin                                             D. Văn bản quảng cáo

Câu 2. Văn bản đề cập tới những tác động tiềm ẩn của dịch COVID-19 ở phương diện nào?

A. Tác động tích cực                                              B. Chủ yếu tích cực, mở rộng tiêu cực

C. Chủ yếu tiêu cực, có thêm tích cực                     D. Tác động tiêu cực

Câu 3. Ngôn ngữ của văn bản có đặc điểm gì nổi bật?

A. Mang tính chính xác, làm nổi bật thông tin                  B. Mang tính hình tượng, giàu sức gợi

C. Mang tính cá thể, bộc lộ tư tưởng riêng              D. Mang tính khẩu ngữ, thể hiện cảm xúc

Câu 4. Những điều tác giả dự đoán trong văn bản là:

A. Những sự thật hiển nhiên, theo quy luật            B. Những điều tất yếu, chắc chắn sẽ xảy ra

C. Những thứ không tưởng, không thể xảy ra                   D. Những điều có thể xảy ra trong tương lai

Trả lời các câu hỏi từ câu 5 đến câu 8

Câu 5. Trong văn bản, tác giả đã đề cập tới những tác động tích cực lâu dài nào của dịch COVID-19 trong tương lai?

Câu 6. Em có nhận xét gì về cái nhìn, quan điểm của tác giả về đại dịch COVID-19 trong văn bản?

Câu 7. Nội dung văn bản được triển khai theo trình tự nào? (Chỉ rõ một cách ngắn gọn)

Câu 8. Theo em những điều tác giả dự báo trong văn bản có tác động gì đến suy nghĩ, hành động của mỗi người và toàn nhân loại không? Vì sao?

II. VIẾT

          Hãy viết một văn bản phân tích, bình luận, đánh giá một truyện ngắn hiện đại đã để lại cho em những dấu ấn sâu đậm/ bài học sâu sắc về cuộc sống.

ĐÁP ÁN

Câu 1-C Câu 2-B Câu 3-A Câu 4-D

Câu 5.

Những tác động tích cực lâu dài nào của dịch COVID-19 trong tương lai:

- Làm việc từ xa tăng lên

- Tiếp cận giáo dục trực tuyến tăng

- Ưu tiên sức khoẻ tăng

- Mức tiêu thụ năng lượng và khí thải giảm

Câu 6.

Cái nhìn, quan điểm của tác giả về đại dịch COVID-19 trong văn bản:

- Tác giả nhìn về đại dịch COVID-19 trên cả hai phương diện: tác động tích cực, những triển vọng trong tương lai mà đại dịch mang lại lẫn những tác động tiêu cực, rủi ro sau khi đại dịch diễn ra. Tuy nhiên, chủ yếu tác giả nhấn mạnh vào các cơ hội, tiềm năng mà đại dịch mang tới trong tương lai.

- Cái nhìn toàn diện, lạc quan, mang tính dự báo, trên cơ sở phân tích theo quy luật vận động của tự nhiên và xã hội; quan điểm rõ ràng, cụ thể, khoa học.

Câu 7.

* Trình tự triển khai nội dung của văn bản:

- Đầu tiên văn bản giới thiệu khái quát bối cảnh khi suy nghĩ về mất mát, rủi ro, phí tổn, rồi đưa ra những tác động tiềm ẩn trong tương lai của đại dịch COVID-19.

- Sau đó, tác giả trình bày cụ thể từng tác động/ ảnh hưởng nhiều mặt của đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu trong tương lai.

- Cuối cùng, tác giả đưa ra kết luận, nêu quan điểm riêng của mình về những tác động tiềm ẩn của đại dịch COVID-19 với thế giới.

* Nhận xét về trình tự triển khai nội dung của văn bản:

- Trình tự triển khai nội dung đi từ khái quát đến cụ thể, theo logic nhân – quả từ hiện thực dự báo tương lai.

- Các nội dung được trình bày rõ ràng, mạch lạc, cụ thể theo từng khía cạnh, có đánh dấu bằng hình thức trình bày kiểu chữ khác nhau

Câu 8.

- Những điều tác giả dự báo trong văn bản có thể có tác động nhất định đến đến suy nghĩ, hành động của mỗi người và toàn nhân loại, trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống và xã hội.

          - Lý do:

          + Những dự báo dựa trên căn cứ cụ thể, từ thực tế những gì đã diễn ra trong đại dịch COVID-19 gồm những mất mát, rủi ro, thách thức.

          + Những dự báo triển vọng, tác động của đại dịch dựa trên những phương pháp khoa học, tư duy từ việc quan sát, thống kê, tổng kết; dựa trên cơ sở logic của những quy luật vận động của tự nhiên, xã hội… Vì vậy, những dựa báo này có sức thuyết phục, đáng tin cậy, mang tính chính xác, đúng đắn cao.

          + Những dự báo ở đây khá toàn diện, cụ thể, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội: kinh tế, tài chính, giáo dục, y tế, văn hoá… Mỗi nội dung, tác giả lại có sự phân tích, lý giải thấu đáo, trên các căn cứ cụ thể, thực tế.

          + Những dự báo của tác giả có thể giúp mỗi người và thế giới nhận thức rõ hơn về dịch bệnh, về thực tế phải đối mặt, những nguy cơ và triển vọng trong tương lai gần/ xa. Vì thế, chúng có thể trở thành một kênh gợi ý, thông tin tham khảo để mỗi cá nhân, các chính phủ hoạch định chiến lược, các kế hoạch, chương trình hành động về mọi lĩnh vực xã hội, khắc phục các hậu quả của dịch bệnh, phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống con người, hướng tới sự phát triển bền vững.

II. VIẾT

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề nghị luận, thân bài triển khai được vấn đề nghị luận, kết bài khái quát được vấn đề nghị luận.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

- Một truyện ngắn hiện đại để lại dấu ấn sâu đậm, hoặc bài học, thông điệp có ý nghĩa. (có thể là truyện ngắn Việt Nam hoặc nước ngoài, của tác giả trong hoặc ngoài sách giáo khoa)

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Dưới đây là một vài gợi ý cần hướng tới những vấn đề sau:

- Giới thiệu được tác phẩm: nhan đề, tác giả, thể loại.

- Tóm tắt ngắn gọn cốt truyện

- Phân tích, đánh giá nội dung của tác phẩm trên một số phương diện: chủ đề, tư tưởng, nhân vật trung tâm. Từ đó, nêu rõ vấn đề được thể hiện trong tác phẩm: có thể là về thiên nhiên, hiện thực xã hội, số phận, phẩm chất của con người, những vấn đề về nghệ thuật… (Chú ý mỗi phân tích cần đưa ra dẫn chứng cụ thể, diễn giải, bình phẩm thấu đáo).

- Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm: cốt truyện, sự kiện, nhân vật, chi tiết, ngôn ngữ, các thủ pháp nghệ thuật tự sự… (Mỗi phân tích, đánh giá cần đưa dẫn chứng xác đáng, chi tiết tiêu biểu).

- Lý giải ngắn gọn những phân tích, đánh giá của bản thân về tác phẩm dựa trên những kiến thức về tác giả, bối cảnh thời đại tác phẩm ra đời, trào lưu, lý luận thể loại truyện ngắn…

- Đưa ra nhận xét, đánh giá của bản thân về tác phẩm. Từ đó, nêu bật ấn tượng mà tác phẩm để lại, bài học, thông điệp ý nghĩa sâu sắc mà tác phẩm gợi ra.

d. Chính tả, ngữ pháp:

 Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo:

- Có những tìm tòi, khám phá sâu sắc về nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.

- Thể hiện kiến văn rộng rãi qua những dẫn chứng liên hệ, so sánh, làm rõ tác phẩm.

- Có hình thức sáng tạo: cách trình bày bài viết, triển khai các luận điểm, nội dung; ngôn ngữ giàu hình ảnh, cảm xúc; diễn đạt linh hoạt, uyển chuyển.

- Vận dụng được kiến thức lý luận, văn học sử, tác giả… để lý giải, mở rộng các vấn đề trong tác phẩm.

Tài liệu có 11 trang. Để xem toàn bộ tài liệu, vui lòng tải xuống
Đánh giá

0

0 đánh giá

Tải xuống