Bộ 20 đề thi học kì 1 Ngữ văn 7 có đáp án năm 2023 (3 bộ sách)

Tải xuống 28 13.4 K 83

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bộ đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 7 sách Kết nối tri thức, Chân trời sáng tạo, Cánh diều năm 2022 – 2023. Tài liệu gồm 20 đề thi chuẩn bám sát chương trình học và đáp án chi tiết, được biên soạn bởi đội ngũ giáo viên THCS dày dặn kinh nghiệm sẽ giúp các em ôn tập kiến thức và rèn luyện kĩ năng nhằm đạt điểm cao trong bài thi học kì 1 Ngữ văn 7. Mời các bạn cùng đón xem:

Đề thi học kì 1 Ngữ văn lớp 7 Kết nối tri thức có đáp án năm 2022 - 2023

Đề thi Học kì 1 Ngữ văn lớp 7 có đáp án năm 2022 - Đề 1

Phòng Giáo dục và Đào tạo ...

Đề thi Học kì 1 - Kết nối tri thức

Năm học 2022 - 2023

Môn: Ngữ Văn lớp 7

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 1)

A. Đề thi học kì 1

Phần 1: Đọc hiểu (5 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

BÀI THUYẾT GIẢNG

Tại một ngôi làng nhỏ, có một vị giáo sư thường đến nói chuyện về cuộc sống, về đồng bào vào mỗi ngày chủ nhật. Ngoài ra, ông còn tổ chức nhiều hoạt động cho những cậu bé trong làng cùng chơi.

Nhưng đến một ngày chủ nhật nọ, một cậu bé, vốn rất chăm chỉ đến nghe nói chuyện bỗng nhiên không đến nữa. Nghe nói cậu ta không muốn nghe những bài nói chuyện tầm xàm và cũng chẳng muốn chơi với những cô cậu bé khác nữa.

Sau hai tuần, vị giáo sư quyết định đến thăm nhà cậu bé. Cậu bé đang ở nhà một mình, ngồi trước bếp lửa. Đoán được lý do chuyến viếng thăm, cậu bé mời vị giáo sư vào nhà và lấy cho ông một chiếc ghế ngồi bên bếp lửa cho ấm. Vị giáo sư ngồi xuống nhưng vẫn không nói gì. Trong im lặng, hai người cùng ngồi nhìn những ngọn lửa nhảy múa.

Sau vài phút, vị giáo sư lấy cái kẹp, cẩn thận nhặt một mẩu than hồng đang cháy sáng ra và đặt riêng nó sang bên cạnh lò sưởi. Rồi ông ngồi lại xuống ghế, vẫn im lặng. Cậu bé cũng im lặng quan sát mọi việc. Cục than đơn lẻ cháy nhỏ dần, cuối cùng cháy thêm được một vài giây nữa rồi tắt hẳn, không còn đốm lửa nào nữa. Nó trở nên lạnh lẽo và không còn sức sống.

Vị giáo sư nhìn đồng hồ và nhận ra đã đến giờ ông phải đến thăm một người khác. Ông chậm rãi đứng dậy, nhặt cục than lạnh lẽo và đặt lại vào giữa bếp lửa. Ngay lập tức, nó bắt đầu cháy, tỏa sáng, lại một lần nữa với ánh sáng và hơi ấm của những cục than xung quanh nó. Khi vị giáo sư đi ra cửa, cậu bé chủ nhà nắm tay ông và nói:

- Cảm ơn bác đã đến thăm, và đặc biệt cảm ơn bài nói chuyện của bác. Tuần sau cháu sẽ lại đến chỗ bác cùng mọi người.

(Nguồn https://truyenviet.vn/bai-thuyet-giang)

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2 (0,5 điểm): Giải thích nghĩa của từ thuyết giảng.

Câu 3 (1 điểm): Trước khi vị giáo sư đến thăm nhà, cậu bé là người thế nào? Vị giáo sư đã thuyết giảng cậu bé bằng cách nào?

Câu 4 (1 điểm):Theo em, cậu bé đã nhận ra được bài học thuyết giảng nào từ vị giáo sư?

Câu 5 (2 điểm): Lời nhắn gửi đến mọi người từ câu chuyện trên mà em tâm đắc.

Phần 2: Tạo lập văn bản (5 điểm)

Phát biểu cảm nghĩ về một người thân của em.

HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ I

NĂM HỌC 2022 – 2023

MÔN: NGỮ VĂN 7 (KẾT NỐI TRI THỨC)

Phần 1: Đọc hiểu (5 điểm)

Câu

Đáp án

Điểm

Câu 1

- Phương thức biểu đạt chính: tự sự.

0,5 điểm

Câu 2

- Thuyết giảng: trình bày, giảng giải về một vấn đề

0,5 điểm

Câu 3

- Trước khi nghe vị giáo sư thuyết giảng, cậu bé là người không hề muốn chơi hay làm bạn với bất kì ai, lối sống khép kín, cá nhân và cô độc.

- Vị giáo sư thuyết giảng bằng cách: lấy kẹp nhặt một mẩu than hồng đang cháy sáng ra và đặt bên cạnh lò sưởi. Được một thời gian, khi cục than đã tắt,ông đặt lại nó vào lò sưởi và nó lại cháy.

0,5 điểm

0,5 điểm

Câu 4

- Cậu bé đã nhận được bài học về sự hòa nhập : Khi ta tách riêng khỏi tập thể, cộng đồng sẽ trở nên vô ích và tự diệt. Chỉ khi hòa mình vào với mọi người để cùng nhau sống, cùng nhau cố gắng, đoàn kết ,cá nhân mới tìm thấy niềm vui, phát huy được năng lực, sở trường, sức mạnh của chính mình.

1 điểm

Câu 5

- Lời nhắn gửi tới mọi người thông qua câu chuyện: Khi sống đơn độc, lẻ loi, tách khỏi tập thể, cộng đồng, cá nhân sẽ đẩy mình đến chỗ tự diệt. Chỉ khi hòa mình vào với mọi người để cùng nhau sống, cùng nhau nỗ lực, cá nhân mới tìm thấy niềm vui, phát huy được năng lực, sở trường, sức mạnh của chính mình, mới thực sự sống và sống một cách có ý nghĩa.

2 điểm

Phần 2: Tạo lập văn bản (5 điểm)

Đáp án

Điểm

*Hình thức: xác định đúng yêu cầu đề và cấu trúc của bài văn biểu cảm, đảm bảo bố cục 3 phần.

Mở bài:

- Giới thiệu được đối tượng biểu cảm (con người hoặc sự vật) và nêu ấn tượng ban đầu về đối tượng đó.

1 điểm

0,5 điểm

3 điểm

0,5 điểm

Thân bài:

- Nêu được những đặc điểm nổi bật khiến người, sự việc đó để lại tình cảm, ấn tượng sâu đậm trong em

+ Nét nổi bật về ngoại hình.

+ Vai trò cảu người thân và mối quan hệ đối với người xung quanh.

+ Kỉ niệm đáng nhớ nhất giữa em và người thân, biểu cảm về người đó.

- Thể hiện được tình cảm, suy nghĩ đối với người hoặc sự việc được nói đến.

Kết bài:

- Khẳng định lại tình cảm, suy nghĩ của em đối với người thân đó.

* Biểu điểm chung:

- Điểm 5: Xác định được ngôi viết phù hợp, đảm bảo đúng yêu cầu của bài vănbiểu cảm, đảm bảo bố cục đủ 3 phần; Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo, mạch lạc, liên kết, mắc một số lỗi chính tả, dùng từ.

- Điểm 3,4: Xác định được ngôi viết phù hợp, đảm bảo đúng yêu cầu của bài vănbiểu cảm, đảm bảo bố cục đủ 3 phần; Có mạch lạc, liên kết, mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

- Điểm 2: Bố cục không rõ ràng, đảm bảo đúng yêu cầu bài văn biểu cảm, mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

- Điểm 1: Các trường hợp còn lại.

 

Đề thi Học kì 1 Ngữ văn lớp 7 có đáp án năm 2022 - Đề 2

Phòng Giáo dục và Đào tạo ...

Đề thi Học kì 1 - Kết nối tri thức

Năm học 2022 - 2023

Môn: Ngữ Văn lớp 7

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 2)

A. Đề thi học kì 1

Phần 1: Đọc hiểu (5 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

HÀNG QUÀ RONG

Người Hà Nội, ăn thì ngày nào cũng ăn, nhưng thường thì không để ý. Nếu chúng ta về ở các tỉnh nhỏ ít lâu, hay ở ngay Hải Phòng, Nam Định nữa, chúng ta mới biết quà ở Hà Nội ngon chừng nào. Cũng là thứ bún chả chẳng hạn, cũng rau ấy, bún ấy, thế mà sao bún chả của Hà Nội ngon và đậm thế, ngon từ cái mùi thơm, từ cái nước chấm ngon đi. Trong một ngày, không lúc nào là không có hàng quà. Mỗi giờ là một thứ khác nhau; ăn quà cũng là một nghệ thuật: ăn đúng cái giờ ấy và chọn người bán hàng ấy, mới là người sành ăn.

Tang tảng sáng, tiếng bánh Tây đã rao, lẫn với tiếng chổi quét đường. Đó là quà của những người thợ đi làm sớm. Rồi, có từng độ, phố xá vang lên tiếng rao “bán bánh rán nóng, trinh một, xu đôi” của một lũ trẻ con. Cái bánh rán vừa cứng và xấu, thật làm giảm thanh thế của quà Hà Nội, do một cửa hàng nào đó muốn kiếm lời, cứ muốn bắt thiên hạ ăn bánh rán lúc còn ngái ngủ.

Này đây mới là quà chính tông: bánh cuốn, ăn với chả lợn béo, hay với đậu rán nóng. Nhưng là bánh cuốn Thanh Trì mông như tờ giấy và trong như lụa. Vị bánh thơ, bột mịn và dẻo. Bánh chay thì thanh đạm, bánh mặn đậm vì chút mỡ hành. Người bán bánh cuốn Thanh Trì đội mẹt và rổ trên đầu, từng tụm năm, bảy người từ phía Lò Lợn đi vào trong phố, dáng điệu uyển chuyển và nhanh nhẹn.

Rồi mùa nực thì hàng xôi cháo: cháo hoa quánh mùi gạo thơm, xôi nồng mùi gạo nếp. Xôi đậu, xôi lạc, xôi vừng mỡ và dừa. Ờ, cái xôi vừng mỡ, nắm từng nắm con, ăn vừa ngậy vừa bùi. Mà có đắt gì đâu! Ăn một, hai xu là đủ rồi. Mùa rét thì xôi nóng, hãy còn hơi bốc lên như sương mù, ăn vừa nóng người vừa chắc dạ.

Và có ai ngẫm nghĩ kĩ cái vị hành khô chưng mỡ ở trong bát ngô nếp bung non; hành giòn và thơm phức, những hạt ngô béo rưới chút nước mỡ trong...Ngô bung (xôi lúa) thì có nhiều hàng ngon, nhưng ngon nhất và đậm nhất là ngô bung của một bà già trên Yên Phụ. Cứ mỗi buổi sáng, bà từ ô xuống phố, theo một đường đi nhất định, đã ngoài hai mươi năm nay, để các nhà muốn ăn cứ việc sai người ra đứng chờ. Bà đội thúng ngô, tay thủ vào cái áo cánh bông, và cất tiếng rao, tựa như khôngphải tiếng người, một tiếng rao đặc biệt và kì lạ: “Ééé...éc”, “Éé...ééc...”.

Đối với các bà, các cô đi chợ, cô hàng vải, cô hàng rau, v.v là những người ưa món quà gì vừa rẻ vừa ngon, lại vừa no lâu – các cô khó tính, sành ăn và hay xét nét lắm [...].

Món quà này sạch sẽ và tinh khiết, từ quà cho đến cả quang thúng, cả cô hàng, tóc vấn gọn, áo nâu mới, quần sồi thâm [...].

Cơm nắm từng nắm dài, to nhỏ có, nằm trên chiếc mẹt phủ tấm vải màu trắng tinh để che ruồi, muỗi. Con dao cắt, sáng như nước, và lưỡi đưa ngọt như đường phèn. Cơm cắt ra từng khoanh, cô hàng lại cẩn thận gọt bỏ lớp ngoài, rồi lại cắt ra từng miếng nhỏ, vuông cạnh và dài, để bày trên đĩa. Cô muốn xơi với thứ gì? Với chả mới nhé hay giò lụa mịn màng?

Các cô vừa ăn vừa nhai nhè nhẹ và thong thả vừa hỏi han thân mật cô hàng: cùng bạn làm ăn cả, một gánh nuôi chồng con, đóng góp thì nhiều. Âu cũng là cái phận chứ biết làm thế nào.

(Thạch Lam, NXB Văn học, Hà Nội, 2004)

Câu 1 (1 điểm): Văn bản viết theo thể loại nào? Cho biết những dấu hiệu giúp em nhận ra thể loại đó.

Câu 2 (1 điểm): Theo tác giả, điều gì làm nên “nghệ thuật” ăn quà của người Hà Nội?

Câu 3 (1 điểm): Câu văn:“Con dao cắt, sáng như nước, và lưỡi đưa ngọt như đường phèn.” sử dụng biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.

Câu 4 (2 điểm):Tình cảm của nhà văn đối với các món quà Hà Nội được thể hiện qua những hình ảnh, câu văn nào? Em hãy nhận xét về tình cảm đó.

Phần 2: Tạo lập văn bản (5 điểm)

Viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc.

HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ I

NĂM HỌC 2022 – 2023

MÔN: NGỮ VĂN 7 (KẾT NỐI TRI THỨC)

Phần 1: Đọc hiểu (5 điểm)

Câu

Đáp án

Điểm

Câu 1

- Thể loại: tùy bút.

- Dấu hiệu nhận biết:

+ Văn bản viết thành văn xuôi.

+ Văn bản ghi chép về đối tượng cụ thể - thú ăn quà của người Hà Nội, bộc lộ tình cảm và suy nghĩ của tác giả.

+ Giọng văn giàu chất trữ tình, ngôn ngữ giàu hình ảnh.

+ Tác giả thể hiện rõ cái tôi của mình qua những nhận định, đánh giá.

0,5 điểm

0,5 điểm

Câu 2

- “Nghệ thuật” ăn quà của người Hà Nội: thể hiện qua việc “ăn đúng cái giờ ấy và chọn người bán ấy”, tức là chọn thời điểm ăn và chọn người bán món quà đúng mới thể hiện mình là người sành ăn.

1 điểm

Câu 3

- Biện pháp tu từ: so sánh.

- Tác dụng: gợi tả được con dao – dụng cụ hành nghề, vừa tái hiện được động tác đưa dao xắt miếng cơm một cách chuyên nghiệp, lành nghề của cô hàng cơm nắm. => câu văn giàu hình ảnh và phong phú hơn.

0,5 điểm

0,5 điểm

Câu 4

- Hình ảnh, câu văn thể hiện tình cảm của nhà văn đối với các món quà rong Hà Nội:

+ Nếu chúng ta về ở các tỉnh nhỏ ít lâu, hay ở ngay Hải Phòng, Nam Định nữa, chúng ta mới biết quà ở Hà Nội ngon chừng nào. Cũng là thứ bún chả chẳng hạn, cũng rau ấy, bún ấy, thế mà sao bún chả của Hà Nội ngon và đậm thế, ngon từ cái mùi thơm, từ cái nước chấm ngon đi.

+ Cái bánh rán vừa cứng và xấu, thật làm giảm thanh thế của quà Hà Nội, do một cửa hàng nào đó muốn kiếm lời, cứ muốn bắt thiên hạ ăn bánh rán lúc còn ngái ngủ.

+ Này đây mới là quà chính tông: bánh cuốn, ăn với chả lợn béo, hay với đậu rán nóng. Nhưng là bánh cuốn Thanh Trì mỏng như tờ giấy và trong như lụa.

+ Ờ, cái xôi vừng mỡ, nắm từng nắm con, ăn vừa ngậy vừa bùi. Mà có đắt gì đâu!

+ Và có ai ngắm nghĩ kĩ cái vị hành khô chưng mỡ ở trong bát ngô nếp bung non; hành giòn và thơm phức, những hạt ngô béo rưới chút nước mỡ trong...Ngô bung (xôi lúa) thì có nhiều hàng ngon, nhưng ngon nhất và đậm nhất là ngô bung của một bà già trên Yên Phụ. Cứ mỗi buổi sáng, bà từ ở xuống phố, theo một đường đi nhất định, đã ngoài hai mươi năm nay, để các nhà muốn ăn cứ việc sai người ra đứng chờ.

+ Món quà này sạch sẽ và tinh khiết, từ quà cho đến cả quang thúng, cả cô hàng, tóc vấn gọn, áo nâu mới, quần sồi thâm.

- Nhận xét: qua những câu văn trên, người đọc nhận ra sự gắn bó, mến yêu tha thiết của Thạch Lam đối với văn hóa ăn quà của người Hà Nội. Nhà văn say sưa tận hưởng bằng cả vị giác lẫn thị giác, khứu giác những món quà đường phố, từ đó thể hiện sự am hiểu, tự hào và trận trọng ẩm thực vùng đất kinh kì.

1 điểm

1 điểm

Phần 2: Tạo lập văn bản (5 điểm)

Đáp án

Điểm

*Hình thức: xác định đúng yêu cầu đề và cấu trúc của bài văn biểu cảm, đảm bảo bố cục 3 phần.

Mở bài:

- Giới thiệu được đối tượng biểu cảm (con người hoặc sự vật) và nêu ấn tượng ban đầu về đối tượng đó.

1 điểm

0,5 điểm

3 điểm

0,5 điểm

Thân bài:

- Nêu được những đặc điểm nổi bật khiến người, sự việc đó để lại tình cảm, ấn tượng sâu đậm trong em.

- Thể hiện được tình cảm, suy nghĩ đối với người hoặc sự việc được nói đến.

Kết bài:

- Biểu cảm về đối tượng đó đối với bản thân em.

* Biểu điểm chung:

- Điểm 5: Xác định được ngôi viết phù hợp, đảm bảo đúng yêu cầu của bài vănbiểu cảm, đảm bảo bố cục đủ 3 phần; Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo, mạch lạc, liên kết, mắc một số lỗi chính tả, dùng từ.

- Điểm 3,4: Xác định được ngôi viết phù hợp, đảm bảo đúng yêu cầu của bài vănbiểu cảm, đảm bảo bố cục đủ 3 phần; Có mạch lạc, liên kết, mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

- Điểm 2: Bố cục không rõ ràng, đảm bảo đúng yêu cầu bài văn biểu cảm, mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

- Điểm 1: Các trường hợp còn lại.

Đề thi học kì 1 Ngữ văn lớp 7 Chân trời sáng tạo có đáp án năm 2022 - 2023

Đề thi Học kì 1 Ngữ văn lớp 7 có đáp án năm 2022 - Đề 1

Phòng Giáo dục và Đào tạo ...

Đề thi Học kì 1 - Chân trời sáng tạo

Năm học 2022 - 2023

Môn: Ngữ Văn lớp 7

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 1)

A. Đề thi học kì 1

Phần 1: Đọc hiểu (5 điểm)

Đọc bài thơ sau và trả lời câu hỏi:

QUẢ SẤU NON TRÊN CAO

Chót trên cành cao vót
Mấy quả sấu con con
Như mấy chiếc khuy lục
Trên áo trời xanh non.

Trời rộng lớn muôn trùng
Đóng khung vào cửa sổ
Làm mấy quả sấu tơ
Càng nhỏ xinh hơn nữa.

Trái con chưa đủ nặng
Để đeo oằn nhánh cong.
Nhánh hãy giơ lên thẳng
Trông ngây thơ lạ lùng.

Cứ như thế trên trời
Giữa vô biên sáng nắng
Mấy chú quả sấu non
Giỡn cả cùng mây trắng

Mấy hôm trước còn hoa
Mới thơm đây ngào ngạt,
Thoáng như một nghi ngờ,
Trái đã liền có thật.

Ôi! từ không đến có
Xảy ra như thế nào?
Nay má hây hây gió
Trên lá xanh rào rào.

Một ngày một lớn hơn
Nấn từng vòng nhựa một
Một sắc nhựa chua giòn
Ôm đọng tròn quanh hột…

Trái non như thách thức
Trăm thứ giặc, thứ sâu,
Thách kẻ thù sự sống
Phá đời không dễ đâu!

Chao! cái quả sâu non

Chưa ăn mà đã giòn,
Nó lớn như trời vậy,
Và sẽ thành ngọt ngon.

(Trích trong tập“Tôi giàu đôi mắt” (1970),

trong “Những tác phẩm thơ tiêu biểu và nổi tiếng”, Xuân Diệu)

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định thể thơ của bài thơ trên.

Câu 2 (0,5 điểm):Trong bốn khổ thơ đầu, nhà thơ đã miêu tả hình ảnh những quả sấu non như thế nào?

Câu 3 (1 điểm):Xác định các biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ sau và cho biết tác dụng của các biện pháp tu từ ấy?

Trái non như thách thức

Trăm thứ giặc, thứ sâu,

Thách kẻ thù sự sống

Phá đời không dễ đâu!

Câu 4 (1 điểm):Qua bài thơ, tác giả muốn nhắn nhủ tới người đọc điều gì?

Câu 5 (2 điểm): Trình bày cảm nhận của anh, chị về sự kì diệu của thiên nhiên.

Phần 2: Tạo lập văn bản (5 điểm)

Em hãy viết một bài văn thuyết minh về luật lệ trong trò chơi kéo co.

HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ I

NĂM HỌC 2022 – 2023

MÔN: NGỮ VĂN 7 (CHÂN TRỜI SÁNG TẠO)

Phần 1: Đọc hiểu (5 điểm)

Câu

Đáp án

Điểm

Câu 1

- Thể thơ: thơ năm chữ.

0,5 điểm

Câu 2

- Những hình ảnh mà nhà thơ miêu tả những quả sấu non trong bốn khổ thơ đầu: những quả sấu non như những chiếc khuy lục, nhỏ xinh, ngây thơ, đũa giỡn cùng mây trắng.

0,5 điểm

Câu 3

- Biện pháp tu từ:

+So sánh: Trái non như thách thức

+ Nhân hóa: Thách thức

+ Ẩn dụ: Trăm thứ giặc thứ sâu - chỉ kẻ thù xâm lược

- Tác dụng: Quả sâu non không sợ loài giặc loài sâu nào cứ lên, cứ trở thành ngon ngọt. Đó là sức sống kì diệu mạnh mẽ của nó. Qua đó, tác giả cho ta hiểu một chân lí lớn lao: không một loài sâu bọ, không một thứ giặc nào có thể hủy diệt hay chiến thắng sự sống. Mọi cuộc bắn phá ném bom rồi cũng sẽ thất bại, không thể nào phá được cuộc sống vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

0,5 điểm

0,5 điểm

Câu 4

- Lời nhắn nhủ mà tác giả muốn gửi tới người đọc: Qua hình ảnh quả sấu non, nhà thơ muốn giáo dục lòng yêu thiên nhiên say mê, khám phá những bí ẩn của tự nhiên xung quanh và lòng tự hào về cuộc sống dân tộc.

1 điểm

Câu 5

- HS viết đúng thể thức một đoạn văn đảm bảo dung lượng từ 5 – 7 câu.

- HS có thể trình bày tự do, sáng tạo nhưng phải phù hợp với bài thơ và yêu cầu. (thiên nhiên luôn ẩn chứa những điều kì diệu. Một bông hoa, một nhánh cỏ, một chồi non, một tiếng chim buổi sớm, đều có những vẻ đẹp, sự quyến rũ riêng, độc đáo bất ngờ, cần có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, tình yêu với thiên nhiên, tạo vật).

2 điểm

Phần 2: Tạo lập văn bản (5 điểm)

Đáp án

Điểm

*Hình thức: xác định đúng yêu cầu đề và cấu trúc của bài văn thuyết minh, đảm bảo bố cục mạch lạc, tri thức chính xác, cô đọng, kết hợp miêu tả sinh động hấp dẫn.

1 điểm

4 điểm

HS có thể thuyết minh theo nhiều cách khác nhau nhưng vẫn đảm bảo được các yêu cầu sau:

- Giới thiệu được trò chơi.

- Miêu tả cách chơi (quy tắc).

- Miêu tả luật chơi.

- Nêu tác dụng của trò chơi.

- Nêu ý nghĩa của trò chơi.

* Biểu điểm chung:

- Điểm 5: Đảm bảo đúng yêu cầu của bài vănthuyết minh; Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo, mạch lạc, liên kết, mắc một số lỗi chính tả, dùng từ.

- Điểm 3,4: Đảm bảo đúng yêu cầu của bài vănthuyết minh, đảm bảo bố cục đủ mạch lạc, liên kết, mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

- Điểm 2: Bố cục không rõ ràng, đảm bảo đúng yêu cầu bài văn thuyết minh, mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

- Điểm 1: Các trường hợp còn lại.

 

Đề thi Học kì 1 Ngữ văn lớp 7 có đáp án năm 2022 - Đề 2

Phòng Giáo dục và Đào tạo ...

Đề thi Học kì 1 - Chân trời sáng tạo

Năm học 2022 - 2023

Môn: Ngữ Văn lớp 7

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 2)

A. Đề thi học kì 1

Phần 1: Đọc hiểu (5 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

LÒ CÒ Ô

Đề thi Học kì 1 Ngữ Văn lớp 7 Chân trời sáng tạo có đáp án (2 đề)

a. Mục đích, ý nghĩa, yêu cầu:

- Góp phần rèn luyện khả năng ước lượng, di chuyển nhanh nhẹn, khéo léo, tính cẩn thận, tỉ mỉ... cho người chơi.

- Tạo không khí vui chơi sôi nổi, thư giãn, vui vẻ.

b. Số lượng, đội hình, địa điểm chơi:

- Số lượng người chơi từ 3-5 em, nếu đông chia thành nhiều nhóm.

- Địa điểm chơi là sân trường, sân nhà… sạch sẽ, bằng phẳng, thoáng mát.

c. Hướng dẫn cách chơi:

- Chuẩn bị chơi:

+ Dùng phấn vẽ các hình ô chơi theo ý thích (kiểu ô hình chữ nhật hoặc hình tròn và chữ nhật xen kẽ), 9-11 ô tùy theo độ tuổi và khả năng người chơi.

+ Làm “cái” trò chơi (miếng chàm) bằng một miếng nhựa đặc… nhỏ, dẹt hoặc các sợi dây điện nhỏ thắt lại với nhau vừa vặn tay cầm ném vào các ô chơi.

+ Vẽ đậm vạch đứng để đi “cái”, là vạch ngang ở một đầu ô chơi.

+ Các người chơi “oẳn tù tì” để xếp thứ tự chơi.

- Bắt đầu chơi:

Người chơi đứng vào vạch đi “cái” (ném “miếng cái” vào ô có hình vẽ hoa thị), “cái” của ai gần hoa thị nhất là được đi trước, có thể dùng gang tay hoặc đoạn que làm thước đo cho chính xác. Nếu có 2-3 “cái” cùng chạm “vòng tiêu điểm” thì phải tính cụ thể từ điểm tâm O để phân hơn thua, hoặc nếu không xác định được rõ ràng thì những người có “cái” như thế phải đi lại.

Sau khi phân định thứ tự xong, người chơi thực hiện các động tác chơi chủ yếu như sau:

Đối với kiểu ô chơi hình chữ nhật:

+ Đầu tiên, người chơi thảy “miếng cái” vào ô 1 sao cho “cái” không được chạm vào các vạch bốn bên là được, rồi nhảy lò cò lần lượt từ ô số 10 đến hết ô số 6 thì nghỉ bằng cả hai chân, rồi lại lò cò tiếp đến ô số 1 tìm cách lấy bàn chân đang lò cò nhảy lên đánh bạt “miếng cái” thẳng ra ngoài vạch đứng ném “cái”, xong rồi nhảy lò cò ra. Nếu không đẩy được miếng cái ra khỏi ô hoặc nhảy sang ô khác hoặc nằm trên vạch hoặc người chơi mất thăng bằng mà ngã (có tay hoặc chân đang chạm đất hoặc dẫm vạch) làm mất lượt chơi.

Đối với người chơi giỏi và có sức khỏe, đến ô số 1 vẫn lò cò nhưng dùng ngón chân cái và ngón chân trỏ kẹp “miếng cái” nhảy hất lên cao và dùng bàn tay đón bắt lấy nó. Đối với người chơi bé nhỏ hơn thì nhảy lò cò đến ô số 2 rồi tìm cách cúi xuống nhặt lấy “miếng cái”.

+ Thực hiện các động tác tương tự như trên với các ô số 2, 3, 4…đến 10 kể cả ô vòng bán nguyệt trên đầu ô số 5 và 6.

+ Đi hết ô số 10 thì được tậu ruộng: Muốn tậu ruộng, phải đứng ở chỗ có hoa thị mà không được giẫm vạch, quay lưng lại các ô, tay cầm “miếng cái” ném qua đầu để “miếng cái” rơi xuống ô nào mà không chạm các vạch trong ô thì được lấy ô đó làm ruộng, được đánh dấu X hoặc gạch vẽ gì tùy ý. Nếu ném cái cái ra ngoài các ô chơi thì mất lượt chơi lần ấy, nếu miếng cái chạm vạch thì vẫn được đi lại lần sau trong ván chơi.

Ruộng của ai thì người chơi ấy được nghỉ chân, khi lò cò qua đó. Nếu lần thứ hai được tậu ruộng, người chơi sẽ cố tình ném “miếng cái” sao cho vào được ô gần với ô ruộng cũ để mỗi khi lò cò qua đó chủ ruộng được nghỉ liên tiếp và lâu hơn. Còn ruộng của người khác, khi đi qua phải lò cò cắt qua mà không được ngã hoặc giẫm vạch, hoặc nếu muốn nghỉ ngơi thì phải xin phép chủ ruộng hoặc phải nộp cống chủ ruộng bằng một cái búng tai (sau nhiều lần xin nghỉ chủ ruộng sẽ tính rồi búng luôn một lần).

Đối với kiểu ô chơi có hình tròn xen kẽ:

+ Cách này với phù hợp với người chơi nhỏ tuổi, vì chỉ phải lò cò ở các ô tròn và được để hai chân ở ô hình chữ nhật. Đến ô số 8 và ô số 9 thì nhảy quay người lại, đổi chân đứng so với chân trước đó.

+ Khi tậu ruộng có thể đứng trên các ô số 8 và ô số 9 hoặc ở chỗ có hoa thị tùy theo thỏa thuận trước khi chơi.

Đề thi Học kì 1 Ngữ Văn lớp 7 Chân trời sáng tạo có đáp án (2 đề)

d. Luật chơi:

- Nếu người chơi thảy “miếng cái” mà trúng vào vạch trong các ô hoặc đang đẩy “miếng cái” trúng vạch hoặc nhảy sang ô khác là mất lượt chơi.

- Khi đang nhặt “miếng cái” hoặc tìm cách đẩy “miếng cái” ra ngoài ở bất cứ ô nào người chơi đều phải trong tư thế lò cò, chân đứng chân co. Nếu thả chân đang co xuống đất, chống tay xuống đất, bò ra đất, mất thằng bằng ngã xuống đất hoặc chạm vạch… là mất lượt chơi.

- Nếu đang chơi mà “miếng cái” cán mức (nằm trên vạch vẽ các ô) thì mất lượt phải đợi đến lượt sau mới được đi tiếp. Khi đến lượt chơi tiếp được tiếp tục thảy “miếng cái” vào ô của lượt chơi trước bị hỏng (ví dụ đang thảy cái đến ô thứ hai mà cái cán mức thì khi đến lượt chơi mới lại được tiếp tục thảy cái vào ô số 2 để chơi tiếp).

(In trong 100 trò chơi dân gian cho thiếu nhi, NXB Kim Đồng, 2014)

Câu 1 (1 điểm): Văn bản trên thuộc loại văn bản nào? Chỉ ra dấu hiệu giúp em nhận biết được loại văn bản đó.

Câu 2 (1 điểm):Văn bản cung cấp những thông tin cơ bản nào?

Câu 3 (1 điểm): Các thông tin trong mục “Hướng dẫn cách chơi” được triển khai theo cách nào? Nếu thay đổi trật tự các thông tin thì có ảnh hưởng gì đến nội dung văn bản không?

Câu 4 (1 điểm):Theo em, trò chơi dân gian ngày nay có còn quan trọng đối với trẻ em hay không? Vì sao?

Câu 5 (1 điểm): Nêu một vài ưu điểm của trò chơi dân gian so với trò chơi có sử dụng các thiết bị công nghệ.

Phần 2: Tạo lập văn bản (5 điểm)

Em hãy viết bài văn bàn về hiện tượng nghiện trò chơi điện tử của học sinh hiện nay.

HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ I

NĂM HỌC 2022 – 2023

MÔN: NGỮ VĂN 7 (CHÂN TRỜI SÁNG TẠO)

Phần 1: Đọc hiểu (5 điểm)

Câu

Đáp án

Điểm

Câu 1

- Văn bản “Lò cò ô” thuộc loại văn bản thông tin giới thiệu về một quy tắc/ luật lệ trong trò chơi.

- Dấu hiệu nhận biết:

+ Giải thích được luật lệ, quy tắc về một trò chơi.

+ Bố cục rõ ràng, các đề mục kết hợp với phương tiện phi ngôn ngữ (hình ảnh).

+ Các thông tin được triển khai qua các đề mục trong văn bản.

0.5 điểm

0.5 điểm

Câu 2

- Những thông tin văn bản cung cấp:

+ Mục đích, ý nghĩa trò chơi.

+ Yêu cầu về số lượng, địa hình, địa điểm chơi.

+ Hướng dẫn cách chơi.

+ Luật chơi trò chơi.

1 điểm

Câu 3

- Các thông tin trong mục “Hướng dẫn cách chơi” được triển khai theo trật tự thời gian.

- Nếu thay đổi trật tự các thông tin thì sẽ ảnh hưởng đến nội dung văn bản, sẽ không được mạch lạc, theo thứ từ phù hợp để người đọc nắm bắt rõ ràng về cách chơi.

0,5 điểm

0,5 điểm

Câu 4

- HS đưa ra câu trả lời có/không có tầm quan trọng của trò chơi dân gian, kèm lí giải phù hợp.

1 điểm

Câu 5

- HS nêu được ít nhất 2 ưu điểm của trò chơi dân gian so với trò chơi có thể sử dụng các thiết bị công nghệ.

+ Trò chơi dân gian giúp rèn luyện thể chất, tăng tình đoàn kết, kỹ năng sống của trẻ em.

+ Các trò chơi phù hợp với nhiều đối tượng lứa tuổi từ trẻ con, trai gái đến những người trung niên hoặc người lớn tuổi.

+ Giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống, vừa tạo sân chơi lành mạnh cho các em thoát khỏi những trò tiêu khiển hiện đại góp phần phát triển toàn diện trong công tác giáo dục…

1 điểm

Phần 2: Tạo lập văn bản (5 điểm)

Đáp án

Điểm

*Hình thức: xác định đúng yêu cầu đề và cấu trúc của bài văn nghị luận, đảm bảo bố cục 3 phần mạch lạc, lời kể sinh động, sáng tạo.

Mở bài:

- Giới thiệu, dẫn dắt vấn đề cần nghị luận.

1 điểm

0,5 điểm

3 điểm

0,5 điểm

Thân bài:

HS triển khai vấn đề theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; sau đây là một số gợi ý:

- Thực trạng nghiện trò chơi điện tử của một số học sinh.

- Tác hại của việc nghiện trò chơi điện tử.

- Nguyên nhân của việc nghiện trò chơi điện tử.

- Một số giải pháp.

Kết bài:

- Khái quát lại vấn đề.

* Biểu điểm chung:

- Điểm 5: Xác định được ngôi viết phù hợp, đảm bảo đúng yêu cầu của bài vănnghị luận, đảm bảo bố cục đủ 3 phần; Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo, mạch lạc, liên kết, mắc một số lỗi chính tả, dùng từ.

- Điểm 3,4: Xác định được ngôi viết phù hợp, đảm bảo đúng yêu cầu của bài vănnghị luận, đảm bảo bố cục đủ 3 phần; Có mạch lạc, liên kết, mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

- Điểm 2: Bố cục không rõ ràng, đảm bảo đúng yêu cầu bài văn nghị luận, mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

- Điểm 1: Các trường hợp còn lại.

 

Đề thi học kì 1 Ngữ văn lớp 7 Cánh diều có đáp án năm 2022 - 2023

Đề thi Học kì 1 Ngữ văn lớp 7 có đáp án năm 2022 - Đề 1

Phòng Giáo dục và Đào tạo ...

Đề thi Học kì 1 - Cánh diều

Năm học 2022 - 2023

Môn: Ngữ Văn lớp 7

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 1)

A. Đề thi học kì 1

Phần 1: Đọc hiểu (5 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

CÂU CHUYỆN CỦA HAI HẠT MẦM

Có hai hạt mầm nằm cạnh nhau trên một mảnh đất màu mỡ. Hạt mầm thứ nhất nói: Tôi muốn lớn lên thật nhanh. Tôi muốn bén rễ sâu xuống lòng đất và đâm chồi nảy lộc xuyên qua lớp đất cứng phía trên...

Tôi muốn nở ra những cánh hoa dịu dàng như dấu hiệu chào đón mùa xuân...Tôi muốn cảm nhận sự ấm áp của ánh mặt trời và thưởng thức những giọt sương mai đọng trên cành lá.

Và rồi hạt mầm mọc lên.

Hạt mầm thứ hai bảo:

- Tôi sợ lắm. Nếu bén những nhánh rễ vào lòng đất sâu bên dưới, tôi không biết sẽ gặp phải điều gì ở nơi tối tăm đó. Và giả như những chồi non của tôi có mọc ra, đám côn trùng sẽ kéo đến và nuốt ngay lấy chúng. Một ngày nào đó, nếu những bông hoa của tôi có thể nở ra được thì bọn trẻ con cũng sẽ vặt lấy mà đùa nghịch thôi. Không, tốt hơn hết là tôi nên nằm ở đây cho đến khi cảm thấy thật an toàn đã.

Và rồi hạt mầm nằm im và chờ đợi.

Một ngày nọ, một chú gà đi loanh quanh trong vườn tìm thức ăn, thấy hạt mầm nằm lạc lõng trên mặt đất bèn mổ ngay lập tức.

Trong cuộc sống sẽ luôn có những cơ hội cho những ai dám chấp nhận mạo hiểm, trỉa nghiệm những thử thách, mạnh dạn vượt qua những khuôn khổ lối mòn để bước lên những con đường mới.

(Theo Hạt giống tâm hồn, Fisrt New và NXB Tổng hợp TP HCM)

Câu 1 (0,5 điểm):Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

Câu 2 (1điểm):Sự khác nhau về quan điểm sống được thể hiện trong lời nói của hai hạt mầm là như thế nào?

Câu 3 (1 điểm): Tìm phó từ trong câu sau. Cho biết chúng đi kèm từ loại nào và bổ sung ý nghĩa gì cho từ trung tâm.

Một ngày nào đó, nếu những bông hoa của tôi có thể nở ra được thì bọn trẻ con cũng sẽ vặt lấy mà đùa nghịch thôi.

Câu 4 (0,5 điểm): Dự đoán kết quả của hai hạt mầm trong câu chuyện trên.

Câu 5 (2 điểm): Trình bày suy nghĩ của em về con đường để đạt được ước mơ.

Phần 2: Tạo lập văn bản (5 điểm)

Viết bài văn thuyết minh về một số quy tắc, luật lệ cho một hoạt động hay trò chơi mà em biết.

HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ I

NĂM HỌC 2022 – 2023

MÔN: NGỮ VĂN 7 (CÁNH DIỀU)

Phần 1: Đọc hiểu (5 điểm)

Câu

Đáp án

Điểm

Câu 1

- Phương thức biểu đạt chính: tự sự

0,5 điểm

Câu 2

- Sự khác nhau về quan điểm sống được thể hiện trong lời nói của hai hạt mầm:

+ Hạt mầm thứ nhất: sống đầy mơ ước, khát khao hướng tới những điều cao đẹp, dũng cảm đương đầu với thử thách.

+ Hạt mầm thứ hai: chọn cách sống an toàn, sống hèn nhát, thụ động, luôn sợ hãi.

1 điểm

Câu 3

- Phó từ :

+ những, đi kèm với danh từ bông hoa, chỉ số lượng.

+ có thể, đi kèm với động từ nở, bổ sung ý nghĩa về mặt khả năng.

+ được, bổ sung ý nghĩa về kết quả.

+ cũng, bổ sung ý nghĩ về mặt tiếp diễn.

+ sẽ, đi kèm với động từ vặt, bổ sung ý nghĩa về mặt thời gian.

1 điểm

Câu 4

- HS dự đoán kết quả theo suy nghĩ, cảm nhận riêng của mình.

0,5 điểm

Câu 5

- HS trình bày được suy nghĩ của emvề con đường để đạt được ước mơsau khi đọc văn bản

Yêu cầu:

- Đảm bảo thể thức yêu cầu.

- Đảm bảo nội dung theo yêu cầu.

2 điểm

Phần 2: Tạo lập văn bản (5 điểm)

Đáp án

Điểm

*Hình thức: xác định đúng yêu cầu đề và cấu trúc của bài văn thuyết minh, đảm bảo bố cục mạch lạc, tri thức chính xác, cô đọng, kết hợp miêu tả sinh động hấp dẫn.

Mở bài:

- Giới thiệuhoạt động hay trò chơi mà em biết.

1 điểm

0,5 điểm

3 điểm

0, 5 điểm

Thân bài:

HS có thể thuyết minh theo nhiều cách khác nhau nhưng vẫn đảm bảo được các yêu cầu sau:

- Giới thiệu chi tiết các quy tắc, luật lệ của hoạt động/ trò chơi theo một trật tự nhất định:

+ Miêu tả cách chơi (quy tắc).

+ Miêu tả luật chơi.

+ Nêu tác dụng của trò chơi.

+ Nêu ý nghĩa của trò chơi.

Kết bài:

- Nêu giá trị và ý nghĩa của hoạt động/ trò chơi đó.

* Biểu điểm chung:

- Điểm 5: Đảm bảo đúng yêu cầu của bài vănthuyết minh; Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo, mạch lạc, liên kết, mắc một số lỗi chính tả, dùng từ.

- Điểm 3,4: Đảm bảo đúng yêu cầu của bài vănthuyết minh, đảm bảo bố cục đủ mạch lạc, liên kết, mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

- Điểm 2: Bố cục không rõ ràng, đảm bảo đúng yêu cầu bài văn thuyết minh, mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

- Điểm 1: Các trường hợp còn lại.

 

Đề thi Học kì 1 Ngữ văn lớp 7 có đáp án năm 2022 - Đề 2

Phòng Giáo dục và Đào tạo ...

Đề thi Học kì 1 - Cánh diều

Năm học 2022 - 2023

Môn: Ngữ Văn lớp 7

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 2)

A. Đề thi học kì 1

Phần 1: Đọc hiểu (5 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

CHIẾC BÁNH MÌ CHÁY

Khi tôi lên 8 hay 9 tuổi gì đó, tôi nhớ thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn nướng bánh mì cháy khét. Một tối nọ, mẹ tôi về nhà sau một ngày làm việc dài và bà làm bữa tối cho cha con tôi. Bà dọn ra bàn vài lát bánh mì nướng cháy, không phải cháy xén bình thường mà cháy đen như than. Tôi ngồi nhìn những lát bánh mì và đợi xem có ai nhận ra điều bất thường của chúng và lên tiếng hay không.

Nhưng cha tôi chỉ ăn miếng bánh của ông và hỏi tôi về bài tập cũng như những việc ở trường học như mọi hôm. Tôi không còn nhớ tôi đã nói gì với ông hôm đó, nhưng tôi nhớ đã nghe mẹ tôi xin lỗi ông vì đã làm cháy bánh mì.

Và tôi không bao giờ quên được những gì cha tôi nói với mẹ tôi: “Em à, anh thích bánh mì cháy mà.”

Đêm đó, tôi đến bên chúc cha tôi ngủ ngon và hỏi có phải thực sự ông thích bánh mì cháy. Cha tôi khoác tay qua vai tôi và nói:

“Mẹ con đã làm việc rất vất vả cả ngày và mẹ rất mệt. Một lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ, nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác không? Những lời chê bai trách móc cay nghiệt đấy.”

Rồi ông nói tiếp: “Con biết đó, cuộc đời đầy rẫy những thứ không hoàn hảo và những con người không toàn vẹn. Cha cũng khá tệ trong rất nhiều việc, chẳng hạn như cha chẳng thể nhớ được sinh nhật hay ngày kỷ niệm như một số người khác.

Điều mà cha học được qua nhiều năm tháng, đó là học cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ. Đó là chìa khóa quan trọng nhất để tạo nên một mối quan hệ lành mạnh, trưởng thành, bền vững con ạ.

Cuộc đời rất ngắn ngủi để thức dậy với những hối tiếc và khó chịu. Hãy yêu quý những người cư xử tốt với con, và hãy cảm thông với những người chưa làm được điều đó.”

(Nguồn: https://sachhay24h.com/nhung-cau-chuyen-qua-tang-cuoc-song)

Câu 1 (1 điểm):Xác định chủ đề và phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

Câu 2 (1điểm): Tìm trạng ngữ là cụm danh từ trong câu dưới đây. Xác định danh từ trung tâm và thành tố phụ là cụm chủ - vị trong mỗi cụm danh từ đó.

Khi tôi lên 8 hay 9 tuổi gì đó, tôi nhớ thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn nướng bánh mì cháy khét.

Câu 3 (1 điểm):Mẹ con đã làm việc rất vất vả cả ngày và mẹ rất mệt. Một lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ, nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác không? Những lời chê bai trách móc cay nghiệt đấy.”. Em hiểu gì về người cha qua câu nói trên của ông với đứa con?

Câu 4 (2 điểm):Những bức thông điệp có ý nghĩa nhất mà em nhận được từ truyện trên.

Phần 2: Tạo lập văn bản (5 điểm)

Viết bài văn bày tỏ cảm xúc của em về một người thân trong gia đình – người mà em có thể chia sẻ mọi nỗi niềm, người tiếp thêm cho em niềm tin, vững bước trong cuộc sống.

HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ I

NĂM HỌC 2022 – 2023

MÔN: NGỮ VĂN 7 (CÁNH DIỀU)

Phần 1: Đọc hiểu (5 điểm)

Câu

Đáp án

Điểm

Câu 1

- Chủ đề: gia đình.

- Phương thức biểu đạt chính: tự sự.

0,5 điểm

0,5 điểm

Câu 2

- Trạng ngữ là cụm danh từ: Khi tôi lên 8 hay 9 tuổi gì đó.

- DTTT: tôi.

- Thành tố phụ là cụm C – V:

Khi tôi // lên 8 hay 9 tuổi gì đó.

CV

1 điểm

Câu 3

- HS có thể nêu cách hiểu khác nhau theo quan điểm của cá nhân, nhưng cần đảm bảo ý:

Những lời người cha nói với con đó là những lời dạy bảo con nhẹ nhàng mà sâu sắc, nhắc nhở con trai hãy trân trọng những việc không hoàn hảo mà người khác dành cho mình. Hãy sống thật bao dung để cuộc đời được thanh thản.

=> Có thể thấy đây là người cha dịu dàng, ấm áp, biết yêu thương, trân trọng những điều bình dị, chưa hoàn hảo trong cuộc sống mà người khác dành cho mình.

1 điểm

Câu 4

- Thông điệp của câu chuyện: hãy biết yêu thương, trân trọng những điều người khác dành cho mình dù nó chưa hoàn hảo; biết chấp nhận sai sót của người khác vì cuộc đời rất ngắn ngủi để thức dậy với những hối tiếc và khó chịu; hãy yêu quý những người cư xử tốt với mình và hãy cảm thông với những người chưa làm được điều đó.

2 điểm

Phần 2: Tạo lập văn bản (5 điểm)

Đáp án

Điểm

*Hình thức: xác định đúng yêu cầu đề và cấu trúc của bài văn biểu cảm, đảm bảo bố cục 3 phần.

Mở bài:

- Giới thiệucảm nhận về người thân đó đối với em trong cuộc sống.

1 điểm

0,5 điểm

3 điểm

0, 5 điểm

Thân bài:

HS triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp sử dụng yếu tố tự sự, miêu tả; sau đây là một số gợi ý:

- Miêu tả khái quát về ngoại hình, tính cách của người thân đó.

- Cảm nghĩ về tính cách của người thân đó.

- Chia sẻ câu chuyện, kỉ niệm giữa em và người thân đó.

Kết bài:

- Cảm nhận của em về người thân đó.

* Biểu điểm chung:

- Điểm 5: Xác định được ngôi viết phù hợp, đảm bảo đúng yêu cầu của bài vănbiểu cảm, đảm bảo bố cục đủ 3 phần; Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo, mạch lạc, liên kết, mắc một số lỗi chính tả, dùng từ.

- Điểm 3,4: Xác định được ngôi viết phù hợp, đảm bảo đúng yêu cầu của bài vănbiểu cảm, đảm bảo bố cục đủ 3 phần; Có mạch lạc, liên kết, mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

- Điểm 2: Bố cục không rõ ràng, đảm bảo đúng yêu cầu bài văn biểu cảm, mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

- Điểm 1: Các trường hợp còn lại.

 

Tài liệu có 28 trang. Để xem toàn bộ tài liệu, vui lòng tải xuống
Đánh giá

0

0 đánh giá

Tải xuống