Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Em có suy nghĩ gì về truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta hay nhất, giúp các em có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức cho bài thi sắp tới. Mời các bạn đón xem:
Em có suy nghĩ gì về truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta
Đề bài: Sau khi đọc truyện Thánh Gióng, em có suy nghĩ gì về truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta?
Em có suy nghĩ gì về truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta - mẫu 1
Qua truyện Thánh Gióng, em hiểu rằng nhân dân Việt Nam luôn hiện hữu một lòng nồng nàn yêu nước. Tinh thần yêu nước ấy luôn thường trực trong tâm khảm mỗi người. Họ có thể quanh năm im lặng, cần cù làm ăn nhưng chỉ cần có giặc ngoại xâm sang xâm lược thì họ nhất định sẽ dũng cảm đứng lên đấu tranh để bảo vệ đất nước. Điều này được thể hiện rất cụ thể thông qua chi tiết Thánh Gióng 3 năm vẫn chưa biết nói biết cười cứ đặt đâu nằm đấy nhưng chỉ khi nghe sứ giả tìm người tài giúp nước, biết được đất nước đang nguy nan thì tiếng nói thốt lên đầu tiên chính là tiếng nói xin đánh giặc. Một điều nữa, em hiểu được đó là nhân dân ta luôn đoàn kết để chống lại bất kì kẻ thù nào, bởi đoàn kết là sức mạnh, có được sức mạnh, sự đồng lòng nhất trí của toàn dân tộc, chúng ta nhất định giành chiến thắng. Điều này được thể hiện thông qua chi tiết dân làng cùng nhau góp gạo nuôi Gióng ở trong truyện. Em cảm thấy tự hào và biết ơn vô cùng về tình thần yêu nước của dân tộc Việt Nam ta khi có giặc ngoại xâm.
Em có suy nghĩ gì về truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta - mẫu 2
Trong truyền thuyết Thánh Gióng, ta thấy hình tượng nổi bật nhất, tiêu biểu cho tinh thần yêu nước của nhân dân là hình tượng nhân vật Thánh Gióng. Đó là kết tinh của truyền thống yêu nước chống ngoại xâm bao đời nay của dân tộc. Gióng có một sự bắt đầu kỳ lạ, ra đời bằng việc mẹ Gióng ướm chân mình vào một vết chân to lớn khác trên đồng, khi về thì mang thai và sinh ra chàng Gióng. Tiếng nói đầu tiên của Gióng ấy là tiếng gọi người sứ giả vào nói chuyện. Đó là lúc Gióng nhận lấy nhiệm vụ cứu nước của một người anh hùng. Gióng lớn nhanh như thổi để kịp đánh giặc cứu nước. Ăn bao nhiêu cũng không đủ, dân làng đã cùng nhau góp gạo thổi cơm để Gióng ăn. Nhân dân luôn dành tình cảm đặc biệt yêu quý đối với những người anh hùng đánh giặc cứu nước. Dân ta luôn dốc lòng phục phụ chiến sĩ, phục vụ kháng chiến. Khi vua cho người mang những thứ mà Gióng yêu cầu đến thì chàng vươn vai cao lớn thành một tráng sĩ, bước lên ngựa xông pha tiêu diệt giặc. Đi đến đâu Gióng đánh tan quân giặc đến đấy. Sức mạnh vô biên của Gióng ấy là sức mạnh của tinh thần yêu nước, của cuộc chiến tranh nhân dân. Gióng cùng người dân tiêu diệt giặc. Dùng roi sắt để giết giặc, khi roi sắt gẫy, Gióng không ngần ngại mà cầm những cây tre bên đường làm vũ khí tiếp tục chiến đấu. Tất cả đều có thể dùng để làm vũ khí chiến đấu. Chính sức mạnh của tinh thần đoàn kết ấy đã đem lại chiến thắng cho dân tộc ta, giành lại hòa bình cho tổ quốc. Hình tượng nhân vật Thánh Gióng thể hiện cho khát vọng chiến thắng to lớn của nhân dân Việt Nam. Hình tượng Thánh Gióng ấy còn thể hiện bài học sâu sắc đối với nhân dân ta về trách nghiệm bảo vệ đất nước, về đạo lý yêu nước bao đời nay của nhân dân ta bao đời nay. Truyền thuyết Thánh Gióng là một trong những tác phẩm được tạo nên từ sự tưởng tượng bay bổng của người xưa nhưng nó thể hiện tinh thần yêu nước, khát vọng hòa bình của họ.
Em có suy nghĩ gì về truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta - mẫu 3
Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước…” – đó là điều mà chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng khẳng định. Quả thực, trong suốt lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của nhân dân ta, lòng yêu nước luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử dân tộc. Tinh thần yêu nước ấy tồn tại ngay từ buổi đầu dựng nước thời Hùng Vương, với hình tượng người anh hùng Phù Đổng quét sạch giặc n ra khỏi bờ cõi xâm lược. Phải chăng chính vì vậy mà có ý kiến đã khẳng định: “Thánh Gióng là một hình tượng nghệ thuật tuyệt đẹp, là truyện cổ tràn đầy tinh thần yêu nước”.
Trước hết, qua truyền thuyết “Thánh Gióng”, ta cảm nhận rõ Thánh Gióng quả thực là một hình tượng nghệ thuật tuyệt đẹp. Được xây dựng bằng những chi tiết nghệ thuật giàu màu sắc tưởng tượng kì ảo, Thánh Gióng là biểu tượng tuyệt đẹp cho ý thức và sức mạnh bảo vệ đất nước; đồng thời cũng thể hiện được quan niệm của nhân dân ta về người anh hùng chống ngoại xâm trong buổi đầu lịch sử. Chi tiết kì ảo đầu tiên về Gióng là tiếng nói của chú bé lên ba lại là tiếng nói đòi đánh giặc. Chú bé lên ba không biết nói biết cười, vậy mà khi nghe thấy có sứ giả tới tìm người tài cứu nước, lại cất lên tiếng nói đầu tiên: “Mẹ ra mời sứ giả vào đây cho con” và yêu cầu sứ giả: “Ông về tâu với vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ đánh tan lũ giặc”.
Câu nói đầu tiên ấy của đứa trẻ lên ba lại là về một vấn đề thiêng liêng, gắn liền với vận mệnh dân tộc, điều đó chứng tỏ tinh thần yêu nước luôn thường trực trong tâm khảm mỗi người Việt, khiến cho khát vọng đánh giặc đã hình thành ngay từ trong tâm hồn ấu thơ. Sau khi sứ giả trở về, Gióng bỗng đòi ăn, càng ăn càng lớn nhanh như thổi, khiến cho mẹ cậu bé phải nhờ đến sự cưu mang, đùm bọc của bà con làng xóm cùng góp gạo, thổi cơm mới đủ cho Gióng ăn. Chi tiết này vừa thể hiện truyền thống yêu thương, đoàn kết cộng đồng của người Việt, vừa cho thấy Gióng đã trở thành người con chung của quê hương, làng xóm, là người anh hùng của cộng đồng, dân tộc. Phải chăng chính nhờ có tình yêu thương, đùm bọc lớn lao ấy mà Gióng mới có đủ năng lực, sức mạnh để vụt lớn thành một tráng sĩ. Sự phát triển kì diệu, vượt bậc đó của Gióng đã phản ánh một chân lý: trong thời đại đất nước nguy vong, thì dù là một con người bình thường, nhỏ bé, yếu đuối như một cậu bé lên ba cũng đều sẽ vụt lớn lên thành người anh hùng với sức mạnh phi thường để cứu nước.
Em có suy nghĩ gì về truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta - mẫu 4
Sau khi đọc truyện Thánh Gióng, em thấy rằng Gióng chính là hình ảnh của nhân dân ta, khi dân tộc gặp cơn nguy biến thì họ sẵn sàng đứng ra cứu nước, giống như Gióng, khi vua vừa kêu gọi đã đáp lời cứu nước. Chi tiết Gióng cất tiếng đầu tiên là đòi đánh giặc đã thể hiện lòng yêu nước luôn có ở sẵn trong mỗi người dân. Sau khi Gióng gặp sứ giả, ăn mấy cũng không đủ no thì nhân dân ta đã góp gạo nuôi Gióng, điều đó thể hiện tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng của cả dân tộc trong công cuộc chống giặc ngoại xâm. Gióng là hình tượng người anh hùng đầu tiên, tiêu biểu cho lòng yêu nước, cho ý thức đánh giặc cứu nước của nhân dân ta.
Em có suy nghĩ gì về truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta - mẫu 5
Sau khi đọc truyện Thánh Gióng, em nhận ra được rằng truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta chính là một dòng nước lớn. Dòng nước ấy luôn đong đầy và chứa chan, sẵn sàng trào dâng để nhấn chìm mọi kẻ thù. Những lúc đất nước bình yên, tình yêu nước là dòng chảy ngầm, thầm lặng dưới mặt đất để xây dựng đất nước, vun trồng cho ruộng đồng. Khi đất nước lâm nguy, thì dòng chảy ấy dâng lên, cuộn lên thành cơn sóng giữ, quyết quét sạch kẻ thù, bảo vệ bờ cõi. Nó giống như người anh hùng Thánh Gióng vậy. Khi đất nước hòa bình, cậu chỉ là một đứa trẻ khác lạ không biết nói không biết cười. Khi đất nước cất lời kêu cứu, cậu liền đứng lên, vươn vai thoắt cái đã trở thành tráng sĩ, giúp dân đánh giặc. Truyền thống quý giá, tinh thần đáng tự hào ấy đã được Bác Hồ khẳng định lại qua câu nói “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta.”
Em có suy nghĩ gì về truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta - mẫu 6
Là một người dân Việt, em tự hảo khẳng định rằng, nước ta có truyền thống yêu nước quý báu, mà bao đời nay vẫn gìn giữ và ấp ủ. Tinh thần yêu nước ấy được hình tượng hóa qua nhân vật Thánh Gióng. Khi đất nước bình yên, cậu chỉ là một đứa trẻ tầm thường, không nói không cười, đặt đâu ngồi đấy. Tựa như những ngày thường bận rộn, ngược xuôi lo cày cấy, buôn bán của nhân dân ta. Nhưng một khi có kẻ thù muốn xâm lược thì ngay lập tức mọi thứ thay đổi ngay. Tựa như Gióng chớp cái hóa thành anh hùng cao lớn, dũng mãnh diệt địch. Thì nhân dân ta cũng thế. Tiếng kèn trống của kẻ thù là mồi lửa bùng lên tinh thần yêu nước của ta. Ai ai cũng mạnh mẽ đứng lên, đoàn kết dùng tất cả những gì mình có để đánh giặc. Không ai sợ một thứ gì hay tiếc nuối một chút gì. Già trẻ gái trai, ai ai cũng quyết bảo vệ tổ quốc, cũng quyết hi sinh vì độc lập tự do; ai ai cũng là anh hùng. Đó chính là minh chứng vĩ đại của truyền thống yêu nước của dân tộc ta.
Em có suy nghĩ gì về truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta - mẫu 7
Truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm là một truyền thống quý báu mà cha ông ta gìn giữ, lưu truyền qua biết bao thế hệ người Việt Nam. Đất nước ta trải qua hơn một nghìn năm phát triển, đã nhiều lần phải chống chọi với các kẻ thù lớn mạnh. Tuy nhiên, sau bao trận chiến, sau bao mất mát đau thương, chúng ta vẫn thành công bảo vệ độc lập dân tộc. Đó chính là nhờ sức mạnh yêu nước chống giặc ngoại xâm cháy bỏng trong huyết quản của mỗi người dân ta. Tinh thần yêu nước ấy khiến tất cả người dân ta chung lòng căm thù giặc, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Một khi giặc đã đến nhà thì đàn bà cũng đánh, không một ai là đứng ngoài cuộc cả. Chính tinh thần yêu nước mãnh liệt ấy đã trở thành chất xúc tác gắn kết tất cả mọi người trong đất nước lại với nhau, tạo thành một khối đại đoàn kết với sức mạnh khổng lồ, chống lại mọi kẻ thù. Truyền thống yêu nước ấy sẽ luôn luôn tồn tại và phát triển song hành với lịch sử dân tộc ta, không bao giờ dập tắt.
Em có suy nghĩ gì về truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta - mẫu 8
Như một người con của đất nước Việt Nam, lòng tự hào trong tôi được thể hiện qua việc khẳng định rằng truyền thống yêu nước của chúng ta là một di sản quý báu, được kế thừa và nuôi dưỡng qua hàng thế hệ. Tinh thần yêu nước này, đặc biệt, được biểu hiện một cách sống động qua hình ảnh của nhân vật Thánh Gióng trong truyện cổ tích.
Trong những ngày bình yên, chúng ta có thể thấy mình như những đứa trẻ bình thường, nghịch ngợm và vô tư, nhưng cũng mang theo trách nhiệm và công việc hằng ngày, giống như những nông dân bận rộn với việc cày cấy, buôn bán. Nhưng khi đất nước đối diện với nguy cơ từ kẻ thù, mọi thứ bỗng chốc thay đổi.
Tương tự như Thánh Gióng, biến hình từ một cậu bé yếu đuối thành một anh hùng dũng mãnh, nhân dân Việt Nam cũng thể hiện sức mạnh phi thường khi đối mặt với nguy cơ từ các kẻ xâm lược. Tiếng kèn trống của kẻ thù như là một tia lửa đốt cháy tinh thần yêu nước trong lòng mỗi người dân Việt. Không ai phải bước lui, mọi người đoàn kết, sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ tổ quốc.
Không phân biệt già trẻ, nam nữ, mỗi người dân đều trở thành anh hùng khi đất nước cần. Họ sẵn lòng hy sinh, quyết tâm bảo vệ độc lập và tự do của đất nước. Đây chính là minh chứng sống động nhất cho truyền thống yêu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam, một truyền thống mà chúng ta luôn tự hào và gìn giữ.
Em có suy nghĩ gì về truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta - mẫu 9
Truyền thống yêu nước và lòng dũng cảm trong việc chống lại sự xâm lược từ bên ngoài là một di sản vô giá mà chúng ta nhận thấy được qua hàng ngàn năm lịch sử phát triển của đất nước. Qua thời gian, Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều thách thức từ các thế lực mạnh mẽ bên ngoài. Nhưng dù bao biến cố, dù bao thương tích, dân tộc ta vẫn không ngừng đấu tranh, giành lấy và bảo vệ sự độc lập và tự do. Tinh thần yêu nước ấy đã chảy trong huyết quản của mỗi người con Việt Nam, là động lực mạnh mẽ đẩy chúng ta tiến lên, vượt qua mọi khó khăn.
Tình yêu nước đó không chỉ dừng lại ở việc hành động cá nhân, mà còn là sức mạnh gắn kết tất cả mọi người lại với nhau. Mỗi khi đối diện với nguy cơ, không chỉ nam giới mà cả phụ nữ cũng sẵn sàng đứng lên chiến đấu, không ai đứng ngoài cuộc. Đây không chỉ là một truyền thống, mà còn là một giá trị văn hóa sâu sắc, là nền tảng của sự đoàn kết và thịnh vượng của đất nước.
Tinh thần yêu nước mạnh mẽ ấy là nguồn động viên, là tài sản vô giá mà mỗi người Việt Nam đều mang trong lòng, là động lực để chúng ta không ngừng vươn lên, phát triển và bảo vệ quê hương. Và với những giá trị ấy, truyền thống yêu nước sẽ luôn tiếp tục phát triển, không bao giờ mất đi, luôn là ngọn lửa thắp sáng con đường của dân tộc.
Em có suy nghĩ gì về truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta - mẫu 10
Khi đọc truyện Thánh Gióng, tôi nhận ra rằng truyền thống yêu nước và chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta là một dòng suối sâu thẳm, không ngừng chảy điều khiển số phận của mỗi con người và cả một quốc gia. Dòng suối ấy không chỉ đơn thuần là nguồn nước, mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước mãnh liệt và sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc.
Khi đất nước trong trạng thái bình yên, tình yêu nước là dòng suối êm đềm, lặng lẽ chảy qua mỗi góc nhỏ, làm cho ruộng đồng màu mỡ, nuôi dưỡng cho mỗi người dân có thêm sức sống. Nhưng khi mùa gió bão đến, khi đất nước đối diện với nguy cơ, dòng suối ấy bỗng dưng trở thành một con sông dữ dội, cuồn cuộn, quật ngã mọi trở ngại, chống lại mọi kẻ thù với sức mạnh vô biên.
Như Thánh Gióng trong truyện, khi đất nước gọi, mỗi người dân đều có thể trở thành anh hùng, sẵn sàng hy sinh tất cả vì bảo vệ tổ quốc. Tại những thời điểm cần thiết, những đứa trẻ ngây thơ cũng có thể biến thành những chiến binh mạnh mẽ, đứng lên chống lại giặc ngoại xâm, khẳng định tinh thần bất khuất của dân tộc.
Truyền thống quý báu này, được Bác Hồ một lần nữa khẳng định, là biểu tượng của lòng yêu nước sâu sắc và tinh thần đoàn kết vững mạnh của toàn dân tộc. Đó là nguồn động viên lớn lao, là tài sản vô giá mà mỗi người Việt đều tự hào và gìn giữ, để truyền lại cho các thế hệ sau.